KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

 

Nguyễn Úy, HT67

Tháng 11 năm 1970, Nguyễn Viết Xuân, Cái Vĩnh, Phạm Xuân và tôi đứng chờ trước phòng cha Bề Trên Lê Văn Đẩu để chờ lệnh. Cha Bề Trên xuất hiện nghiêm trang, trao cho chúng tôi một phong bì dày cộm. Giác quan thứ 6 mách bào với tôi chuyện chẳng lành. Quả thật, chúng tôi đã bị Ban Giáo sư TCV họp hội đồng, cho về lại với gia đình. Cầm bì thư trong tay trước sự chúng kiến hầu hết của anh em đồng môn lớp đệ ngũ, Cái Vĩnh cười toe toét, Phạm Xuân biểu hiện cảm xúc qua khuôn mặt “lì lì, bụi bụi”. Nguyễn Viết Xuân và tôi khóc như mưa rào tháng 6 ở Huế.  

Ngô Quỳnh thấy tôi khóc, miệng cười nham nhở chọc quê: “Mi dám cạo trọc đầu vô Nhà Thờ mà cũng sợ chết nữa à?”. Và ngay chiều hôm đó, cha Giám Luật Nguyễn Đình Cẩm tự tay lái xe chở chúng tôi về tận nhà. Ngày thường vốn lì lợm và ngông cuồng như thế, tôi vẫn bị “quê một cục” trước bạn bè, lầm lũi xách vali vào ngồi yên trong xe, mặc cho số phận đẩy đưa từ đây, “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” ! 

Tôi xa trường từ giây phút ấy, và không còn dám can đảm đi trên con đường Đống Đa nữa. Vài ba năm sau, tôi xóa nhòa được phần nào nỗi buồn khi thêm một “mớ” 67 theo chân tôi ra đời tung tăng bay nhảy: Trần Bá Thảo, Trần Đức Phong, Đặng Hòa, Nguyễn Đức Long, Trần Văn Dũng, Nguyễn Thanh Tuấn, Lê Văn Sử, Trương Minh Phương, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Thanh Minh. Cả bọn chúng tôi kéo nhau ra Jeanne d’Arc tiếp tục việc học ở chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp. Và từ đây, tinh thần Chủng Viện, tinh thần đồng môn, tinh thần máu thánh tử Đạo anh Cả Trần Văn Thiện đã thấm nhập và nối kết chúng tôi lại với nhau trong một cuộc tác thành hôn phối kỳ diệu. Lớp 67 Hoan Thiện – Jeanne d’Arc trọn vẹn thân thiết bên nhau cho đến mùa hè 1974, mỗi người chúng tôi đành đoạn xa nhau. Đứa vào đại học, đứa đi lính. Nhìn vào danh sách bạn bè đang tu học ở chủng viện, số lên Đại Chủng Viện đếm trên đầu ngón tay: Phan Thắng, Nguyễn Viết Hùng, Nguyễn Đức Thủy, Vũ Quang Hà, Phạm Thanh Cương, Nguyễn Luận, Nguyễn Ngọc Thanh, Cao Minh Dung, Lê Ngọc Chiếu, Nguyễn Văn Phúc, Lê Xuân Hảo, Nguyễn Minh Tâm, Nguyn Đức Hinh, Lê Minh Cao, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Viết Bích, Lê Huy, Mai Nam Hùng…Một lớp khi mới vào học thì có 120 người, qua 7 năm sàng lọc, lên ĐCV Xuân Bích thì còn lại chừng đó mống được làm thầy.  

Chiến tranh dữ dội tràn về thành phố vốn “mộng mơ” nhất nước làm cho chúng tôi chao đảo. Thế là Đặng Hòa, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Quý, Nguyễn Thanh Minh…đành lên đường mang thân phận người trai thời chinh chiến. Thời đó, đi lính là chọn cho trước cho mình một cái chết, một cái chết oan nghiệt, chết trong khi tuổi phơi phới thanh xuân, tương lai đang vẫy gọi. Tội nghiệp bạn tôi: Nguyễn Quý và Nguyễn Thanh Minh đã vĩnh viễn an giấc nghìn thu. Đặng Hòa và Nguyễn Trường Sơn may mắn còn sót lại để sau 1975, có dịp hội ngộ tương phùng với bạn bè… 

Năm 1975, như đàn gà con tan tác khi mất mẹ, chúng tôi sững sờ trước cảnh chia ly đầy nước mắt. Bạn bè mất hút tin nhau từ đây. Vài ba năm sau, anh em 67 ở ĐCV Huế đồng loạt xách gói về nhà, còn lại duy nhất Nguyễn Luận cố chống chọi để theo Chúa giữa cảnh đời đầy sương gió. Bạn tôi tung cánh cư ngụ khắp nơi mọi miền đất nước: Sài gòn, Xuân Lộc, Thủ Đức, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Đà Nẳng…Vết bụi đời nham nhở loang lổ trên đôi thân gầy của người trai trẻ đang bừng bừng nhựa sống thanh xuân. 

Mặc dầu tên tuổi và mái nhà chung của chúng tôi hầu như bị xóa sổ, nhưng dòng máu thánh Hoan Thiện vẫn âm ỉ rưới tuôn, và trong cảnh lao động khổ ải kiếm miếng sinh nhai, tôi hầu như quên hẳn ngôi nhà xưa, đứt lìa tình bạn bè chung lớp. Và với thời gian ít ỏi  sinh hoạt học hành ở chủng viện, tôi không còn nhớ mình là một thằng “tu xuất” nữa! May thay! dòng máu thánh của người anh Cả Tôma vĩ đại đã đẩy đưa tôi có cơ may gần gũi những người anh em Hoan Thiện lớp trên và lớp dưới khác: Nguyễn Văn Chiến, Phan Hưng, Hồ Thứ, Đặng Quang Tiến, Phạm Ngọc Hoa, Phan Miên, Đoàn Mạnh Anh… và thế là mối tình thông hiệp thiêng liêng được hàn gắn sau bao năm tháng khô lì chai đá. Tôi thật sự ấm lòng và bùng lên bầu nhiệt huyết để vươn vai cố gồng mình đứng lên mở ngỏ vào tương lai. Và giờ đây số anh em nầy đã trở thành linh mục. Duyên may đưa đẩy để tôi chưa mất đi “chất Hoan Thiện” còn sót lại qua nhiều năm tháng gần gũi với số anh em đáng kính nầy.  

Mãi  đến năm 1990, tôi mới trình diện với lớp 67 tại Huế, nhưng lớp HT 67 đã hình thành từ mùa hè năm 1978. Lớp chọn danh thánh Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng, cũng là danh xưng chính thức của lớp. Đối diện anh em chung trường chung lớp năm xưa, giờ đây héo mòn trong kiếp người thợ…đụng, ai mà không nao lòng. Đứa đạp xích lô, đứa bán cà rem, đứa buôn heo, đứa làm thuê…Nhưng tháng nào cũng gặp nhau tại gia đình mỗi người. Mỗi năm gặp nhau 12 lần chính thức, còn lại là những buổi “ngẫu hứng qua cầu”, nhưng lần nào cũng vang vang tiếng cười. Đại diện duy nhất còn đi tu tai Huế là Nguyễn Luận chính là linh hồn của lớp. Chúng tôi đã mấy lần vào ĐCV xin cha bề Trên Ngô Văn Vững cho thầy Luận đi họp lớp. Và lớp Mẹ Vô Nhiễm kéo dài đến tận hôm nay, công lao thuộc về thầy Nguyễn Luận năm xưa. 

Những buổi họp hàng tháng rất bài bản. Thầy Luận đánh máy để phát cho mỗi đứa một Lời Hằng Sống từng tháng, dựa vào ý tưởng của chị Chiara Lubich, do cha Bề Trên Nguyễn Hữu Giải cung cấp. Thầy Luận giảng giải đôi chút Ý Lực Sống, rồi sau đó là phần lai rai do gia đình đăng cai họp khoản đãi. Những chiếc áo dòng năm xưa của bạn bè còn phất phới tung bay trong lòng mỗi người, nên khi rượu đế chưa vào, chúng tôi còn kính cẩn: Thưa thầy Thắng, thầy Hảo, thầy Cương. Rượu vào sương sương thì nổi hứng kêu réo “nick name” thân mật của nhau: Ê! Thắng “sói”, mụ cô bà thằng Cương “móm”, thằng Tuấn “lụt” nước miếng văng tùm lum…Rồi phá lên cười sung sướng! Sung sướng nhất là ngày bổn mạng lớp vào ngày 8-12 hằng năm. Các cộng đoàn Mến Thánh Giá thường tiếp đón chúng tôi. Những đôi vợ chồng sánh vai bên nhau, bước vào phòng họp, nghe lớp trưởng đương nhiệm thuyết trình một đề tài, mọi ý kiến được nêu và thầy Luận có nhiệm vụ đúc kết. Buổi tiệc ấm tình được anh em góp tay tổ chức và buổi họp nội bộ diễn ra sau đó, với phần quan trọng bầu lại lớp trưởng mới bằng phiếu kín. Hồi đó chưa ai có di động, chỉ biết hòa nhịp với ngày bổn mạng với anh em tại miền Nam bằng lời cầu nguyện mà thôi. 

Bốn năm sau, anh em Huế chúng tôi mới tận mắt nhìn và  đón tiếp đoàn miền Nam ra Huế tham dự đại lễ: Lần đầu tiên sau năm 1976, giáo phận Huế có Tân Linh Mục. Và thầy Nguyễn Luận 67 là một trong 5 thành viên còn sót lại của nhà Hoan Thiện. Đoàn miền Nam gồm Vũ Quang Hà, Nguyễn Đức Thủy, Nguyễn Viết Hùng, Lê Thanh Gioang, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Ngọc Thanh…đại diện HT 67 toàn quốc về Huế đón chào người bạn bước lên bàn thánh. Tiếp ngay sau đó, thầy Trần Ngọc Anh từ Ban Mê Thuột, thầy Lê Minh Cao từ Nha Trang cũng nô nức về giáo phận Mẹ, gặp bạn bè và dâng thánh lễ mở tay. Và Sài gòn liên tiếp vào ra với Huế. Vòng tay được nối dài từ đây.  

Những năm tháng về sau, hoàn cảnh kinh tế gia đình có khá hơn, những dip Đại Hội La Vang, Huế liên tiếp đón chào những người bạn mất tích lâu ngày. Còn đó dáng vóc nghệ sĩ của Nguyễn Viết Xuân, phong thái lịch lãm của Trần công Dương, giọng nói hào hùng của Trần Văn Thuận, niềm vui rạng rỡ của Phạm Thạnh…Rồi với con tim mách bảo và vẫy gọi, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Duy Khánh, Lê Huy…cũng đã vượt qua gian khó đời thường để về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cội nguồn… 

Sau bao năm tháng chờ đợi, lần đầu tiên anh em bạn bè gặp lại được Đức Ông Cao Minh Dung qua chuyến về quê để tang cho Mẹ. Và đó là khởi điểm để HT 67 toàn quốc có cơ hội gặp lại người bạn đáng kính của mình nhiều lần sau nầy.  

Chuyến du hành miền nam năm 2004 của đoàn Huế vào Sài Gòn, anh em Huế lại gặp được Nguyễn Viết Bích tại Phan Rang, Lê Dũng, Nguyện, Tuấn, Công tại Cam Ranh, Dom Lộc ở Quảng Thuận. Từ Sài Gòn, chuyến hội ngộ lịch sử với Nguyễn An Phong từ Hoa Kỳ, với Trần Đức Phong, Trần Văn Hòa, Dương Công Khánh, Trương Hùng, Jac Lộc, Nguyễn Văn Phú... Tất cả hình thành nên một gia đình đầy ắp kỷ niệm. 

Năm 2007, cha Trần Ngọc Anh và cha Lê Minh Cao cùng phối hợp để kỷ niệm 40 năm Hoan Thiện 67. Quá  nhiều công việc cho một chức vụ giáo sư Đại Chủng Viện, một vị quản xứ với gần 4.000 giáo dân, không thể đòi hỏi ở 2 Cha tập họp toàn thể HT 67 trong ngày lịch sử đó. Vì thế, đại diện mi0ền nam du hành ra Quảng Thuận, để cùng với nhóm Quảng Thuận Nha Trang dâng lời tạ ơn Chúa. Huế thông công qua việc hướng lòng về. Những hình ảnh đẹp trong những lúc hội ngộ tương phùng, đã thôi thúc mỗi một thành viên cố gắng nhiều hơn để cho tình bạn bè càng ngày càng triển nở trong bầu khí an bình và yêu thương nhau. 

Một trang nhà của HT 67 được thành lập. Dần dần những bóng dáng thân quên lâu ngày chợt lóe lên như một lời mời gọi ân cần. Những lá thư thăm hỏi động viên của Lê Sầu Vũ, Nguyễn An Phong từ Hoa Kỳ, những lời bộc bạch tâm sự nỗi niềm của Dương Thế Phong từ Canada, của Đức Ông Nguyễn Minh Tâm từ Úc, của Trần Minh Phước từ Pháp, đã gói trọn mối tình HT 67 thành một thực thể duy nhất. Thư bay qua về như bươm bướm lượn, báo hiệu một mùa xuân an vui và đầy phúc lộc. 

Mùa hè 2008, trong một thông báo ngắn ngủi của Ban Tổ Chức, lệnh gọi lên đường gặp nhau tại Quảng Thuận. Huế có 5 đại diện: Cha Nguyễn Luận, Phạm Thanh Cương, Trần Văn Dũng, Lê Văn Sử và Nguyễn Úy. Hỏi lý do, thì được Nguyễn Viết Hùng trả lời: “Có gì đâu! Nhớ nhau thì gọi nhau ơi ới để tìm nhau”. Đoàn quân hùng hậu từ Sài Gòn, Xuân Lộc tiến thẳng về Quảng Thuận, như đoàn quân bách chiến bách thắng trở về. Một khuôn mặt mới toanh lộ diện, làm cho anh em xúc động ngỡ ngàng: Lê Ngọc Chiếu. Giữ nhà Pio X cho đến năm 1980, Lê Ngọc Chiếu đành về gia đình vì không có hộ khẩu. Lâu ngày quá nên Chiếu chịu trận với bao nhiêu câu phỏng vấn. Gặp lại Ngô Quỳnh và phu nhân sau chuyến hành hương về mẹ La Vang, vẫn đằm thắm phong cách triết gia cố hữu. 

Và năm nay, tháng 7-2009, trong một giấc mơ ân tình say đắm, nhiều bà xã của các đấng 67 ước ao được về thăm nhà Mẹ, về lại giáo phận, về thăm nơi chồng mình khi xưa tu học, anh em Sài Gòn vượt qua bao gian khó để làm vui lòng các bà, cũng là “xin tạ chút ơn hạnh phúc khi đã gặp nhau”. Cứ tìm cách gặp được nhau, nâng vài ba ly rượu mang từ nhà Jac Lộc, “cũng đủ làm ta vui rồi”. Ba ngày tại Nhà Mẹ, góp mặt thêm với Nguyễn Trường Sơn, với Nguyễn Văn Phúc và phu nhân, với Huỳnh Văn Dũng, quả là 3 ngày tràn trào phước lộc và no đủ tin yêu.

Đêm chia ly tại Hà Úc, có giọng ai đó thốt lên đầy xúc động “Ê! Có đứa mô nhớ cầu nguyện cho thằng Hoàng và thằng Liên không?” Hai đứa bạn đã vĩnh viễn ra đi, để lai bao thương nhớ cho bạn bè. Lại bồi hồi nhớ đến chị Nga, phu nhân của Trương Hùng, vĩnh viễn nằm xuống, để lại một gia đình còn đó ngổn ngang trăm chiều cho người chồng đáng thương. 

Bên kia đầu dây, đứa bạn tật nguyền Hoàng Văn Hiệp từ Hàm Tân Phan Thiết, gọi điện chúc mừng ngày hội ngộ 67 được đầy ơn Chúa và thành công. Lê Văn Sử đại diện anh em thông báo một vài tin tức cần thiết đến người bạn phương xa. 

Xin tạ ơn Chúa. Xin nhớ ơn nhau, vì trong mớ  bòng bong cuộc đời khổ ải nầy, còn đó cành cây có bóng mát, có gió reo vui và muôn chim vang lời hát ca. Cành cây có tên gọi: “Hoan Thiện 67, muôn đời lưu dấu”.