KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Thế Phong HT67

Có trước thì phải có sau: đã có chuyện tiền trạm thì cũng nên có chuyện hậu trạm, phải không hả anh em? Không đồng ý thì cũng ráng chịu hí!

Nao nức ao ước:

Tôi theo dõi chuyến đi tiền trạm của trưởng lớp Cương – tâm hồn buồn vui theo những dòng chữ của hắn tả lại chuyến đi: thấm thía cảnh đời của Chiếu và Trương “Bình Phước” Hùng, mường tượng cảnh Viết Hùng đánh đàn tay trái hát cho mấy o du kích, và tai hình như nghe giọng nói của Vũ Quang Hà… Tiền trạm thì vậy đó; còn trạm chính (Hội ngộ HT67) tôi cũng chẳng tham dự được. Biết được chi tiết của chương trình hội ngộ, từ khi các anh em ở Sài-gòn bắt đầu lên đường, tôi kiểm thùng thư điện tử hàng giờ, ao ước được cùng bước anh em trong chuyến về nhà mẹ… Chờ mãi chỉ được một tin ngắn của Cương! Mãi sau đó mới thấy những bài viết của Úy, Hảo, cha Anh, Phương, Cương, Hà, Viết Hùng. Tôi đọc ngấu nghiến mà vẫn còn thèm… thèm còn hơn là người uống càfé ban sáng mà thèm điếu thuốc lá trong cái lạnh của miền cao nguyên.

Đã khởi hành:

Có thể gọi Huế là địa điểm đầu của hậu trạm. Nơi đó, anh em đã gặp mặt nhau để làm một cuộc hội ngộ Đông-Tây: gia đình HT67 đón chào ngày về của một thành viên từ Pháp: Trần Minh Phước và gia đình. Hình như đó không phải là ngẫu nhiên mà có sự tác động của Chúa Thánh Thần. Đối với tôi, Huế có cái nôi – tiểu chủng viện Hoan Thiện, mà trong đó chúng tôi đã bắt đầu học nghe, nói, nhìn… để chập chững bước vào đời với hành trang cần thiết cho cuộc sống. Hậu trạm mang thật nhiều ý nghĩa khi được khởi hành từ cái nôi đó – dường như là muốn tạo một cơ hội để nhắc nhở tôi ôn lại hành trình đời mình.

Có chút ngạc nhiên:

Trưa 18/8, vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nhớ ngay lời dặn dò của Viết Hùng: “Nhớ gọi điện cho tui để tui chạy ra gặp ông, nhà tui gần phi trường mà”. Không gọi điện thoại ngay cho hắn được vì phải đi thăm đứa cháu đang nằm ở một bệnh viện nhi đồng. Tuy nhiên, khi ghé vào nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi gọi điện thoại cho Viết Hùng. Hắn chạy tới… hai anh em tay bắt mặt mừng. Tôi cảm nhận có chút ngạc nhiên trong mắt hắn. “Phong thay đổi nhiều”, hắn nói. Câu nói đó làm tôi nhớ lại lần gặp cha Dung ở Missouri, Mỹ. Khi vừa gặp mặt, cha Dung lặp đi lặp lại, “Phong đây hả? Phong đây hả!”. Hùng và tôi dành nhau nói chuyện để chuẩn bị cho ngày 20/8. Minh Phước đã có hẹn gặp với anh em vào ngày đó. Tôi chia tay với Hùng mà lòng nao nức gặp lại. Trên xe về nhà mạ ở Xuyên Mộc, tôi kể chuyện cho mạ, chị và em gái những chuyện của “anh em chúng mình”. Tôi nói với mạ là phải lên gặp anh em vào ngày 20/8. Mạ cười với vẻ an tâm – khác với những lần trước mà mạ thường lo cho cái thằng nhà quê lên Sàigòn. Gia đình cũng cho tôi biết là sẽ đi Bù-Đăng để thăm gia đình cô em gái vào ngày 25/8. Tôi nghĩ ngay đến Trương Hùng ở Bình Phước với dự định sẽ liên lạc với hắn để ghé thăm.

Hơi chút lắng lo:

Ngay tối hôm đó, tôi gọi ngay cho J. Lộc. Lộc ở cách nhà mạ chừng 20 cây số. Hai đứa hẹn gặp nhau ở bến xe Bà-Tô vào sáng 20/8. Hắn thiệt thà quá. Tối 19/8, Lộc gọi điện thoại cho biết là muốn đến gặp tôi vào tối hôm đó nhưng hắn bận rộn quá. Hắn sợ ngày mai không nhận diện được nhau. Tôi nói, “Đừng có lo quá. Dù ông không nhận ra tui, tui sẽ nhận ra ông.”

Ra đến xe, Lộc và tôi nhận ra nhau ngay: cám ơn internet và những tấm hình mà anh em đã gởi lên mạng trước. Trên đường về Sàigòn Lộc kể cho tôi nghe chuyến về Huế. Anh em tâm sự rất nhiều, kể cả chuyện tôi thay đổi “thân xác”. Tôi nói đùa, “Hồi chừ đã rõ ràng rồi phải không? Phong “đen” chính cống chứ không phải đồ giả hè. Lên trên đó có đứa mô còn nghi ngờ thì ông làm chứng cho tui nghe!”

Tô mì tình nghĩa:

Lộc và tôi đến nhà Viết Hùng vào khoảng sau 1 giờ 20 chiều. Hùng và gia đình đã ăn trưa nên anh em không ra ngoài ăn. Nhìn thái độ chị Xuyến vui vẻ tiếp đón và nhanh nhẹn nấu mì cho Lộc và tôi ăn, tôi nghĩ thầm trong lòng: “Thằng Cương nhận định hay quá!” Nghĩ sao nói vậy. Tôi nói với hai vợ chồng Hùng: “Thằng Cương đúng quá! Đúng là nhà nhỏ nhưng mà trái tim lớn.”

Hùng cho biết chương trình không có gì thay đổi. Hôm qua Hùng cũng đã có nói với tôi là Trương Hùng cũng có mặt; Lê Văn Hồng sẽ về từ Đồng Tháp. Thật là một ngạc nhiên đáng quý. Tôi cứ tưởng là chỉ có anh em ở Sàigòn mà thôi.

Tràn đầy hạnh phúc:

Sau khi đi mua một số sách, tôi ghé nhà Thủy trước khi đến điểm hẹn. Ở khu vực này Thủy “hơi bị” nổi tiếng – ai cũng biết và chào Thủy cả. Hai anh em đi taxi tới điểm hẹn: quán Cò Lả.  Một số anh em đã có mặt sẵn: Hà, Trung, Gioan, Ái, và Xuân. Tay bắt mặt mừng… Tôi cảm động quá; vui quá – vui đến nỗi rưng rưng nước mắt. Trong lòng tôi thầm cảm tạ Chúa đã tạo cho tôi cơ hội này.

Anh em từ từ đến: Trần Đức Phong với bà xã, Chung, Viết Hùng, J. Lộc, Lê văn Hồng (cũng là lần đầu gặp lại anh em sau mấy chục năm), Trương Hùng, Trần Minh Phước và gia đình (vừa từ Cam-bốt về đến phi trường là đến ngay điểm hẹn).

Ôi thôi có đủ thứ chuyện để nói. Ai đó “phán” là mấy bà nhiều chuyện thì “hơi bị” sai rồi. Dân tu chung lâu ngày không gặp thì chuyện còn nhiều hơn cả trăm lần! Nhắc nhở chuyện cũ, tôi nói trong lớp B có 5 thằng Phong (Dương Thế Phong, Nguyễn An Phong, Nguyễn Văn Phong (A), Nguyễn Văn Phong (B), Trần Đức Phong). Mấy anh em khác chỉ nhớ có ba đứa (Phong Dương, An Phong, Đức Phong). Tôi ước ao có mặt An Phong để hắn xác định vì hắn là người có trí nhớ rất giỏi.

Trương Hùng chuyền cho anh em xem tấm hình ban nhạc… gì nhỉ (Hà, Cương, T. Hùng, T. Phong) được phóng lớn cho anh em xem. Cái quý hóa là tấm hình được giữ lại cho tới bây giờ. Cái quý hóa hơn nữa là chị Nga, bà xã T. Hùng, cảm nhận được tình cảm thắm thiết của gia đình HT67, của chồng mình đối với anh em, đã chụp lại, phóng lớn, ép nhựa để tặng cho chồng. Tôi nở mũi khi được cô tiếp viên xem hình, khen hồi đó anh đẹp trai. Tôi cám ơn rối rít mà quên mất cái ý là “hồi đó” anh “mới” đẹp trai, còn bây chừ thì…!?

Viết đến đây tôi sực nhớ lời Trung nói. Trung ngồi đối diện với tôi; có vẻ ít nói… nhưng mà khi nói thì sao mà đầy ý nghĩa quá. Hắn nói với tôi: “Sao mà lạ hè! Anh em mình có đứa chỉ ở chung có một năm thôi… mà tình cảm thì thật là thắm thiết. Lạ hè!” Cách nói của hắn thật đơn giản mà cách hắn nhìn tôi thật đầy ý nghĩa… như muốn nói với tôi là phải có tác động của Chúa. Hình như Ngài dùng một sợi dây kỳ diệu của tình yêu để “trói” chúng tôi lại với nhau. Mấy chục năm không gặp mặt. Màu bụi của đời trên người của chúng tôi tuy có khác nhau nhưng vừa gặp mặt lại thì thấy thật thân thiết như là đã ở chung với nhau trong mấy chục năm qua.

Tiếng cười,

làm rộn rã góc quán.

Choàng vai,

thắt chặt tình anh em

            (Thơ con cóc)

Thời gian qua nhanh quá! Đã đến giờ quán đóng cửa. Anh em phải ra về. Bắt tay nhau mà không biết bao giờ mới lại… biết đâu chỉ sẽ gặp nhau ở Nước Trời (tôi đã đăng ký rồi)

Hơi nhiều tâm sự:

Sáu anh em chúng tôi về nhà nghỉ (Lộc, Trung, Xuân, Hồng, T. Hùng, và tôi). Viết Hùng và Thủy làm hướng dẫn viên. Sau khi nhận phòng, chúng tôi lại vầy cuộc vui: rượu đế trước đây J. Lộc đưa lên nhà Thủy bây giờ đem qua cho anh em. Thức ăn được đem từ quán Cò Lả về. Vì ít người hơn nên chúng tôi tâm sự có “chiều sâu” hơn. Tôi kể cho anh em nghe chuyến đi thăm An Phong vào năm 2006 và những ý kiến, việc làm và cái nhìn đặc biệt của hắn trong cuộc sống.

Tôi cũng chia sẻ với anh em những cái sai lầm trong cuộc đời tôi: xa Chúa, đức tin suy sụp từ năm 1975-1980 và cái vụng về của mình trong việc giáo dục con cái. Anh em tôn trọng lắng nghe. Tôi đọc được sự thông cảm trong ánh mắt của anh em. Tôi bỗng thấy tâm hồn mình nhẹ hẫng: cái cảm giác như vừa mới được lãnh nhận bí tích Hòa Giải. Tôi thấy họ như những người anh đáng kính, đang lắng nghe người em hoang đàng kể chuyện “con đường về” của hắn.

Tôi cũng rất vui khi Thủy nhận ra và đồng cảm với mình khi Thủy nhắc đến hai câu đầu trong bản nhạc “mì ăn liền” mà tôi viết tặng anh em nhân dịp về thăm quê mẹ:

            Tạ ơn Chúa - ban cho con muôn ngàn hồng ân,

            Nhờ ơn Chúa - con thong dong phiêu bạt thế trần…

Có chút thao thức:

12 giờ đêm, nhân viên nhà nghỉ gọi điện thoại nhắc khéo V. Hùng và Thủy là đến giờ “sortie” (theo quy định khách thăm viếng chỉ được ở lại đến 11 giờ thôi – chúng tôi năn nỉ nên được gia hạn cho đến 12 giờ). Anh em còn lại tâm sự cho đến 1 giờ sáng. Viết Xuân hơi tưng tưng nên bỏ cả dép đi chân không về phòng. Tắm xong, tôi chỉ ngủ được cho đến 4 giờ sáng: nóng quá chịu không nổi. Nằm thao thức – tâm hồn tràn đầy hạnh phúc; thỉnh thoảng cười một mình khi nhớ lại những mẩu chuyện vui anh em đã chia sẻ hay chọc ghẹo nhau: ai đó nói với bà xã Đức Phong là chị hay quá, chọn ngay cái thằng trắng trẻo đẹp trai nhất lớp làm chồng! Nhớ lại chuyện anh em chúng tôi, biết Hồng là giáo viên môn văn, nên thúc giục hắn viết bài. Hắn nói là sẽ cố gắng; hắn nói tiếp bài Hảo viết – cấu trúc hay, văn trôi chảy nên hắn…. ngại! Tôi cám ơn Viết Hùng đã liên lạc với tôi thường xuyên; V. Hùng nhắc công đầu của cha Dung đã có ý kiến hay và thực tế khi thành lập nhóm trên mạng và bắt đầu bảng Đăng Ký Nước Trời. Tôi cũng chợt nhận ra tôi có nhiều nhóm bạn bè khác nhau: nhóm làm việc chung, nhóm nhạc sĩ thánh ca, v.v… nhưng khi nhắc đến nhóm HT67 tôi thường dùng chữ “anh em” và ít khi dùng chữ “bạn bè đi tu chung”. Có lẽ trong thâm tâm, tôi đã cảm nhận được tình của chúng tôi đã vượt qua tình bạn.

Không biết anh em còn nhớ cái cảm giác hẹn hò với bồ không nhỉ? Vừa mới chia tay với người yêu thì đã mong muốn được gặp lại. Cảm giác tôi lúc đó cũng vậy… dù vừa mới chia tay với một số anh em.

Hơi nhiều ấm ức:

Trước khi về Việt Nam, Cương có gởi điện thư nhắn với thằng Phong đen là cố gắng về Huế để gặp anh em. Xin lỗi Cương và anh em ngoài đó vì không thể đi thăm anh em được. Mong là hậu trạm kỳ này sẽ là tiền trạm kỳ tới. Hy vọng trong kỳ hội ngộ năm 2011, mình sẽ xin bị “mất dạy” vào mùa Hè để có dịp thăm anh em ngoài nớ.

Cũng xin lỗi Hồng “Đồng Tháp”. Hồng đã mời anh em về đó để nhậu thịt đồng… nhưng cũng không đi được!

Một chút hy vọng:

Đang ngồi viết bài này, gọi điện thoại cho Viết Hùng để hẹn gặp anh em vào trưa Chúa Nhật tới (30/8) ở Sài-gòn để bước qua chương 2 của tâm sự hậu trạm. Sợ là cũng chưa đủ, bàn luôn với Viết Hùng và Hà để mời anh em xuống nhà mạ. Mạ nghe nói rất vui… và bảo là cho mạ biết sớm để mạ chuẩn bị. Hà bảo là Chúa Nhật gặp nhau rồi quyết định luôn.

Chưa thể gọi là kết được:

Ừ nhỉ! Chút xíu thì quên mất. Tôi xem bài viết này là một bản thảo vì những dòng chữ viết vội (ngay cả viết không vội) không thể nào diễn tả cái hạnh phúc của tôi khi được gặp anh em. Còn nữa, gọi là “bản nháp”, thì trong tương lai, tôi có cái quyền nhét những chuyện thiếu sót vào đó, hìhì.

Cuối cùng, dù là chuyến đi “thăng tiến hôn nhân” (đi một mình để về thương nhau hơn), không có Hồng Ngọc, vợ tôi bên cạnh, nhưng tôi luôn thầm cám ơn Ngọc đã luôn khuyến khích tôi về thăm Việt Nam, đặc biệt là năm nay để gặp anh em. Vợ tôi, cũng như vợ của Trương Hùng, V. Hùng, Thủy, và các “mẹ bề trên” khác đã nhận ra tình thân đặc biệt của chúng tôi!

Xuyên Mộc, đêm 21/8/2009, sáng 22/8/2009.

 

Phần 2:  Tâm sự “dài” - Hậu trạm Hội Ngộ HT67: Bình Phước – Huế - Sàigòn 2  

Nén nhang Bình Phước:

Ngày 25/8/2009, trên đường lên Bù-Đăng thăm gia đình em gái tôi, đến Tân Uyên, tôi gọi điện thoại cho Trương Hùng nhưng không liên lạc được. Khoảng mười lăm phút sau, hắn gọi lại. Thì ra hắn vừa đi bộ tập thể dục xong. Tôi cho hắn biết là trên chuyến về mới ghé được vì mạ muốn đến Bù-Đăng sớm. Hắn nói là nhà hắn ở kế bên đường, ghé uống càfé cho biết nhà rồi đi. Thấy hắn vồn vã nhiệt tình quá, đành năn nỉ mạ để ghé ngang nhà hắn. Gần đến chợ Tân Tiến, Hùng lại gọi điện thoại để chỉ đường đến nhà hắn. Đến nơi, đã thấy hắn đứng ở bên đường đợi xe. Nhà Hùng rất ngăn nắp sạch sẽ. Hùng chỉ cho tôi hình của chị Nga (vợ Hùng) và nói: “Thắp cho bả một nén nhang.” Vừa cắm nhang tôi vừa nguyện xin Chúa là Cha từ nhân, đưa linh hồn Cêcilia về hưởng nhan thánh Ngài. Trước khi chia tay, hắn còn nắm tay nhắc nhở: “Trên chuyến về nhớ ghé hí… ăn bữa cơm rồi đi tiếp!”

Khoảng 2 giờ chiều hôm sau, sau khi dự tiệc thôi nôi của đứa cháu nội của chị tôi, tôi gọi điện cho Hùng để cho biết là sẽ ghé lại nhưng chỉ uống ly càfé thôi vì đã lỡ bữa. Sắp đến Tân Tiến, hắn gọi điện thoại để hỏi cho biết đã đến đâu. Đến nơi cũng lại thấy hắn đứng bên đường chờ, vẫn vồn vã nhiệt tình. Tôi vào thắp một nén nhang cho chị Nga, mạ và chị tôi cũng xin được thắp nhang.

Không biết mạ và chị cầu xin điều gì nhưng tôi biết chắc là mạ và chị thấu hiểu được hoàn cảnh thiếu đi một người trụ cột (cha hay mẹ) trong gia đình (ba tôi mất vào năm 1966). Tôi còn nhớ rõ, sau khi rời khỏi Tiểu Chủng Viện, tôi về ở với mạ và chị em ở Nam Đồng, Vũng Tàu. Nhà nghèo lắm; mạ và chị phải nuôi bảy miệng ăn mà việc làm thì quá vất vả mà tiền lương lại ít ỏi. Sau khi đi học về, anh em tôi xuống bếp, nếu thấy bếp núc lạnh tanh thì biết hôm nay nhà hết tiền mà cũng hết thức ăn. Vậy là uống nước cầm hơi rồi lên giường ngủ thay ăn. Tối thức dậy cũng đàn ghi-ta, cũng hát, cũng cười cười nói nói tỉnh bơ vì sợ mạ buồn. Anh em từ đứa nhỏ (8 tuổi) cho đến đứa lớn nhìn nhau đồng cảm – chẳng có đứa nào mở miệng than đói. Rất nhiều lần tôi thấy mạ và chị khóc thầm… nhưng vì chẳng biết phải nói gì, nên cứ làm như không nhìn thấy gì cả. Tôi cũng đã xin khéo với mạ để nghỉ học, đi làm giúp gia đình nhưng bị mạ rầy nên đành chờ lần sau…

Trước khi rời nhà Hùng, hắn đưa cho cặp gà nói là để biếu mạ. Mạ rất ngại nhận quà biếu của ai nhưng lần này mạ lại vui vẻ nhận; có lẽ mạ đã nhận được cái lòng thành của hắn như thế nào. Tôi hỏi hắn: “Gà thì nhận rồi còn cái giỏ nhốt gà thì làm răng hè?”. Hắn cười, trả lời tỉnh bơ: “Biếu luôn cái giỏ.”

Tôi có đọc bài của Cương “móm” viết về Hùng và đặt cho hắn cái tên hay hay: Trương Bình Phước. Cương có nhắc đến cách sống lạc quan của Hùng. Khi gặp Hùng, nhìn phong cách nói cười của hắn tôi mới cảm nghiệm sâu sắc được cái ý nghĩa của chữ “lạc quan” được dùng trong bài viết của trưởng lớp Cương.

Hùng đã thực hiện được phương cách sống mà tôi đang cố gắng noi theo. Một nhà khôn ngoan nào đó đã khuyên - đại khái như sau: khi ta đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, ta có 3 cách “giải quyết” như sau: (1) đối những khó khăn có thể vượt qua được thì làm ngay; đừng phung phí thời gian để than phiền – tự trách, (2) đối với những khó khăn mà ta không có khả năng để giải quyết thì ta cầu xin Chúa ban cho ta sức mạnh để chịu đựng; đừng phung phí thời gian để than phiền – tự trách, và (3) xin Chúa ban cho ta ơn khôn ngoan để ta sáng suốt phân biệt được giữa (1) và (2) nói trên. “Đại ca” Trương Hùng đã và đang thực hiện phương cách sống như trên. Còn tôi, tôi vẫn còn đang hì hục cố gắng – như mấy võ sinh vừa mới nhập môn, chỉ mới được gánh nước; chứ chưa được đứng vào sân tập như mấy “sư huynh” khác.

Chương trình có chút thay đổi:

Từ Bình Phước về Xuyên Mộc, chúng tôi ghé qua Sàigòn ăn cơm tối. Đang ăn tối thì nhận được điện thoại của Hà bàn về chuyện thay đổi chương trình đi Huế.

Vì nhiều lý do khác nhau, tôi không có ý định đi Huế. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với Cương, với Minh Phước, với cha Anh (cha Anh vẫn còn nhớ thằng Phong chuyên đọc lén kiếm hiệp trong nhà vệ sinh! Nếu hồi đó có đứa nào xấu miệng đặt cho cái tên “Phong vệ sinh” thì cũng chịu thôi), và với Hồng Ngọc (vợ tôi) ở Canada, tôi đổi ý. Tôi liên lạc với Hà để nhờ mua hộ vé máy bay ra Huế vì Hà có tài khoản với hãng hng không. Tôi dự định sau khi gặp gỡ bạn bè nhạc sĩ thánh ca ở Sàigòn vào tối 29/8, gặp anh em HT67 ở Sàigòn vào trưa 30/8, ra Huế vào chiều 30/8, và về lại Xuyên Mộc ngày 31/8. Tôi cũng có báo cho Cương biết về chuyến đi Huế nhưng đồng thời, cũng cho hắn biết đó chỉ là chương trình “nháp”. Khi lo xong vé máy bay sẽ chính thức cho Cương biết.

Chương trình được thay đổi: Hà đề nghị là ngày mai (27/8) ra Huế để dự tiệc mừng do Phương và Long mời nhân dịp có con vào đại học. Ngày hôm sau, Hà sẽ ra Hà Nội lo công việc còn tôi sẽ trở lại Sàigòn. Đồng thời, để tạo một sự bất ngờ cho anh em ở Huế, anh em tôi sẽ không báo trước cho ngoài nớ! Nghe hay quá, bảo với Hà là cho xin 10 phút để nói chuyện và xin phép mạ. Mạ đồng ý ngay! Tôi vội vàng gọi điện thoại báo cho Hà biết.

Tô canh măng và cái phòng có máy lạnh:

Về đến Xuyên Mộc đã khá khuya; tôi ngủ chỉ được vài tiếng rồi lại nôn nao chuẩn bị hành lý để ra Huế thăm anh em. Khoảng 9 giờ 15 sáng, tôi đã có mặt sẵn tại nhà Viết Hùng. Vẫn nụ cười tươi tắn trên môi, bà Xuyên lại chuẩn bị cơm trưa: cá nấu canh măng. Ôi sao mà nó ngon thế! Cơm nước xong xuôi, biết là đêm hôm trước tôi không ngủ được bao nhiêu, hai vợ chồng nhường cho tôi cái phòng có máy lạnh để nghỉ trưa vì theo hẹn, đến gần 1 giờ Hà mới ghé ngang để ra phi trường. Hùng còn nói mai mốt lên Sàigòn cứ tự nhiên ngủ trong phòng có máy lạnh để hai vợ chồng hắn nằm ở ngoài phòng. Nghe mà muốn khóc! Trong đời có những lúc ta cảm thấy hạnh phúc thì không ngủ được. Tôi cũng vậy; tuy nằm trong phòng có máy lạnh nhưng cũng chỉ chợp mắt được khoảng 15 phút mà thôi.

Hà gọi điện cho biết là hắn sắp đến. Hùng đưa tôi ra ngõ, đón taxi cho Hà và tôi ra phi trường. Hùng dặn đi dặn lại là vào lại Sàigòn nhớ gọi trước để hắn ra phi trường đón.

“Đạo diễn” Quang Hà:

Trên chuyến bay về Huế, Hà tâm sự với tôi về đời của hắn: từ khi có sự nghiệp cho đến khi hoàn toàn trắng tay, và từ khi tay trắng xây dựng lại sự nghiệp như hiện nay. Hắn cũng không quên nhắc đến những người làm việc với hắn, trong đó có Gioan và sự cần mẫn của hắn. Tôi khâm phục cái kiến thức kinh doanh uyên bác của Hà. Hắn có cái tài nhận xét chi tiết khi thương lượng hợp đồng với các công ty ngoại quốc. Hắn biết cách hậu đãi nhân viên; do đó, nhân viên làm việc hết sức mình cho hắn những khi cần thiết.

Như An Phong đã viết, tôi là người thích “nghiên cứu” nhiều thứ; hay nói một cách bình dân, tôi là một người “lắm chuyện”, hay thắc mắc. Tôi cũng có đọc chút ít về nghệ thuật điều hành và lãnh đạo. Người ta có nói một cơ quan hay một đoàn thể, muốn thành công, cần phải chú ý đến ba yếu tố chính yếu: hướng đi rõ ràng (vision), lãnh đạo tốt (leadership), và nhân viên cần mẫn (membership). Hướng đi kinh doanh của Hà đơn giản và rõ ràng: trở thành một công ty xây dựng được tín nhiệm mà không cần quảng cáo. Hai yếu tố kia, công ty Nhà Việt của Hà đều đạt được – như tôi đã trình bày trên.

Như vậy, trong chuyến đi này, tôi có được thêm một cái lợi “đột xuất” - tôi đã học được một bài học lãnh đạo thực tế qua cách làm việc của Hà. À, bây giờ, tôi xin phép được trở lại chuyện “đạo diễn” Quang Hà cho đúng với cái “đề tài”.

Để tạo cho anh em ở Huế một sự ngạc nhiên thật bất ngờ, Hà đưa ra nhiều ý kiến hay như là một nhà đạo diễn phim đang chỉ cách cho “tài tử” Phong đóng như thế nào. Trong cái phim ngắn này, dĩ nhiên là cũng có đoạn Hà phải kiêm luôn vai diễn viên!

Niềm vui tăng theo sự bất ngờ:

Chuyến đi Huế kỳ này chỉ có Hà, Viết Hùng, Gioan, và tôi biết. Tất cả đều “kín như miệng bình” (không biết có nhớ đúng thành ngữ không? À, sao miệng bình lại kín nhỉ, lại thêm một thắc mắc).

Sau khi nghỉ ngơi ở khách sạn, chúng tôi gọi taxi đi lên Kim Long – theo hướng dẫn “đại khái” của Cương khi nhắc đến “Ven Sông Quán”. Hà và V. Hùng không dám hỏi đường một cách cặn kẽ vì sợ bị lộ. Biết khi gặp anh em sẽ phải uống ngay – dù là uống mừng hay uống phạt vì đã qua mặt anh em, chúng tôi ghé quán thịt nướng Hoàng Anh để ăn “dằn bụng”. Đó cũng là cái quán mà trước đây Hà đã mời anh em đến ăn, nhân dịp gặp Trần Minh Phước và gia đình. Cha mẹ ơi, bún và bánh ướt thịt nướng sao mà nó ngon quá. Cái ngon đó lại được tô đậm thêm khi nghe được cái giọng rất Huế của cô bé trong quán. Khi được hỏi nước sốt nào được ăn với món nào, cô ta trả lời: “Cái ni ăn với cái ni hay cái tê cũng được. Trộộng lộộng cũng được!” Tôi chợt nhớ Huế một cách kỳ lạ. Tôi xa Huế đã gần 36 năm… mà khi về Huế, vẫn còn ở Huế, lại nhớ Huế da diết… như là khi đang hút thuốc mà vẫn còn thèm thuốc vậy!

Ăn xong, sau khi hỏi thăm dân địa phương, xe taxi đưa chúng tôi đến quán. Hà bảo tài xế chạy qua xa cổng một chút xíu kẻo anh em thấy. Tôi leo xuống xe đi vào quán trước. Biết là anh em đã nhìn thấy hình của mình trên mạng, tôi đội ngược cái mũ (Thuận sau này nghe chuyện, đòi tôi cho cái mũ này), đeo kính mát “ung dung” đi vào quán. Bàn của bữa tiệc là bàn đầu tiên từ cửa tính vào. Tôi không dám nhìn một ai cả. Viết là “ung dung” cho nó “sang” chứ thật sự chỉ muốn nhào đến để tay bắt mặt mừng với anh em. Để nhịn, tôi tự nhắc cho mình câu thành ngữ đã đọc ở đâu đó: “Việc vào tiệc trễ một chút sẽ là hương vị để tạo cho các món ăn được ngon hơn.” Ráng nhịn gặp anh em để tạo sự bất ngờ có lẽ tăng thêm kỷ niệm khó quên (trích ý “đạo diễn” Quang Hà).

Tôi ngồi vào một bàn trống phía sau anh em, quay lưng lại và nói với chủ quán là ngồi uống bia chờ bạn. (Sau này, mới biết bà xã Phương nhìn tôi và “phán” một câu với mấy bà khác là “có anh chàng mô thất tình mà đi nhậu một mình tề.”)

Trong khi đó, Hà đi bộ ra xa khỏi cổng quán, làm nhiệm vụ diễn viên, gọi điện thoại cho Cương để chúc mừng với anh em; đồng thời cụng ly hiệp thông. Tôi cũng nghe loáng thoáng nghe tiếng anh em gọi Viết Hùng để cụng ly với Sàigòn. Cương cho Hà biết là còn thiếu Hảo. Do đó, Hà vẫn đi dạo bờ sông, liên tục gọi anh em để hỏi xem Hảo đã đến chưa. Tôi ngồi ở bàn mình mà lòng nôn nức mong thầy Hảo đến sớm để tôi được sớm gặp anh em.

Một thời gian sau khi Hảo đến, tôi nghe bàn tiệc la ó um sùm… và tiếng ai đó la lớn: “Cha mẹ ơi, thằng Hà kìa!” Thì ra đạo diễn kiêm diễn viên Hà từ cổng quán đi vào. Tôi vội vàng nhờ một anh nhân viên trong quán chụp cho tấm hình của mình để làm “bằng chứng”!

Sau khi bà con hết ngạc nhiên, Hà đưa điện thoại cho Cương và bảo Cương gọi cho tôi để bàn chương trình về Huế của tôi vào ngày Chúa Nhật tới. Tôi vừa trả lời điện thoại, vừa đổi kính, vừa đi về phía bàn anh em đang ngồi, lòng rộn rã niềm vui, chẳng nhớ là mình đã nói cái chi chi với trưởng lớp Cương. Tôi ngồi ngay xuống cái ghế trống, bên cạnh Cương, tiếp tục nói chuyện với hắn qua điện thoại. Bà con trong bàn có vẻ tưng hửng vì cái hành động lạ đời và thiếu lịch sự của “anh chàng thất tình”. Trong khi tôi lấy cái mũ trên đầu xuống, Hà cất tiếng cười khoái trá vì đoạn phim ngắn đã thành công. Lúc đó anh em mới nhận ra tôi, vừa bắt tay, vừa mừng…. vừa chưởi vì bị cả Hà và tôi lừa! Tôi vừa bắt tay vừa nhìn kỹ từng anh em: Long, Phương, Dũng, Hảo, Cương, Thắng, và Hòa. Đứa nào cũng đã có nếp nhăn trên gương mặt; mỗi nếp nhăn như là một kết quả của thăng trầm trong cuộc đời của từng đứa. Như Hảo đã tâm sự sau đó, đứa nào cũng có một thử thách, khó khăn riêng – không tinh thần thì cũng vật chất.

Người đến quán cuối cùng là Sử. Hắn bắt tay chào tôi với cái nhìn hơi bỡ ngỡ. Chừng một hai phút sau, hắn quay lại, bắt tay tôi lần nữa, chặt hơn, nồng nhiệt hơn và nói: “Hồi nãy không biết mi là thằng Phong!”

Tiệc vui lại được bắt đầu

Tâm tình trao đổi bao lâu cho vừa

Chuyện nay nối tiếp chuyện xưa

Kể luôn cả chuyện bị lừa hôm ni.

(lại Thơ Con Cóc)

Rung động theo tiếng hát:

Xong tiệc ở “Quán Vườn Ven Sông” (hình như tên này mới đúng), anh em chở nhau đến quán Mục Đồng để nghe nhạc, theo lời mời của Hà. Đó cũng là một kỷ niệm khó quên!

Cương chở tôi đi nhanh một vòng thành phố Huế trước khi đến quán Mục Đồng. Đến quán, thấy có cha Luận, tôi mừng quá. Được biết là cha Luận vừa dâng lễ xong là chạy lên gặp anh em liền dù trời tối - đường xa. Tình anh em là vậy đó… biết răng mà nói cho vừa!

Có lẽ biết tôi mê nhạc và mới đến quán này lần đầu, anh em nhường cho tôi cái ghế hạng nhất – ngay trước “sân khấu”.  Hà có nói là Minh Phước rất thích nghe nhạc. Tôi không biết Phước thích đến cỡ nào (có lẽ phải kiếm dịp đi Tây để hỏi hắn); còn tôi, thì ngồi nghe say mê lòng rung động theo tiếng hát.

Mỗi ca sĩ (một nam và ba nữ) có một giọng ca và phong cách trình diễn đặc sắc riêng. Mỗi người một vẻ - nhưng có chung cùng một “mẫu số”: họ tự giới thiệu bài hát với giọng Huế, ngọt ơi là ngọt! Tôi tiếc là đã không đem theo cái máy thu âm di động chuyên nghiệp (dù đã bỏ vào hành lý rồi lại lấy ra để lại ở Canada). Nếu thu được mấy bản nhạc đã được trình diễn trong quán Mục Đồng rồi về Canada mà nghe thì đỡ ghiền biết bao! Đồng thời, tôi cũng được dịp thưởng thức giọng hát của các ca sĩ HT67: Hà, Long, và Úy (Úy tuy bận nhưng cũng đến kịp để chia vui với anh em ở quán Mục Đồng).

Trong tay Chúa quan phòng:

Chúng tôi ngồi cho đến hết chương trình hát của các ca sĩ. Trước khi chia tay ra về (cha Luận được Hà mời về nghỉ ở khách sạn), Phương “hy sinh vắng mặt” để chụp cho anh em chúng tôi tấm hình trước quán Mục Đồng. Bắt tay từ giã anh em, xúc cảm chợt dâng tràn, tôi bỏ cách bắt tay thường xuyên, ôm anh em (không có ôm mấy bà đâu nhé) thay lời chia tay. Làm sao mà biết được tương lai… còn có được gặp nhau không. Trong tay Chúa quan phòng, con xin dâng lên Ngài đời anh em chúng con – cả luôn tình mến thương đang đốt cháy trong tâm hồn anh em chúng con.

Bún bò Nam Giao – càfé Sông Hương và luật sư đoàn Huế!

Sáng sớm, cha Luận về Hà Úc còn Hà thì bay ra Hà Nội. Anh em tôi rủ nhau lên quán Lệ ở Nam Giao để ăn bún bò Huế. Cương có chở tôi tạt ngang nhà hắn. Tôi tâm sự với hắn: đã có chuyến mở đầu trở lại Huế, thấm thía cái tình thân của anh em; trong tương lai, trong chương trình về thăm Việt Nam, chắc chắn sẽ có Huế. Đời sống Huế lại có vẻ thong thả êm đềm. Tôi thầm nhủ: mai mốt về hưu, Huế sẽ một trong những địa điểm lý tưởng để chọn.

Sau khi ăn sáng, anh em lại rủ nhau ra một quán càfé bên giòng Sông Hương. Nếu nói là đời sống Huế thong thả êm đềm thì trái lại, anh em ở Huế lại sôi nổi. Tôi thích thú ngồi nghe anh em tranh luận về đủ thứ chuyện. Tôi nhớ lại đứa nào đó (Cương thì phải) có viết là không cho tụi hắn cãi thì tụi hắn đòi “nghỉ chơi” với lớp. Đó là “luật sư đoàn” của Huế!

Gió Sông Hương thổi nhẹ đến biển Hà Úc:

Lại chia tay thêm một số anh em. Tôi nói với Cương: “Ít nhất là chở tau chạy qua chạy lại cầu Trường Tiền một lần, để về Canada mà khoe với thiên hạ hè!” Cương không những chở tôi qua lại cầu Trường Tiền mà còn chở đến chụp hình ở 11 Đống Đa Huế. Ở đó, tôi cảm thấy hình như mình bị mất mát đi một cái gì -  như ai đó đã bẻ đi một góc của cái kỷ niệm đẹp của thời tôi sống trong chủng viện. Tôi cũng cảm thấy tâm hồn mình bị tổn thương khi nhìn thấy sự thay đổi của cái “nôi” mà trong đó, tôi đã được rèn luyện đào tạo.

Cương chở tôi đến nhà Long và sau đó, Long, Phương, Hảo, và tôi (Cương kẹt chuyện đột xuất) đi Hà Úc thăm một trong năm người bạn linh mục trong lớp chúng tôi, cha Luận.

Đến Hà Úc cũng vừa đúng giờ cơm trưa. Nhìn bữa ăn thịnh soạn, tôi nói đùa: “Biết làm cha sướng như ri thì mình cũng nên làm cha hè”. Hình như Hảo trả lời thay cha Luận: “Chỉ có khi có khách mới được sướng như ri thôi!” Tôi kể lại chuyện An Phong nói đùa với tôi. Hắn nói tỉnh bơ như thiệt: “Lúc bước lên bàn thờ để nhận bí tích hôn phối, tau mới sực nhớ (!) là mình có ơn gọi làm linh mục nhưng mà lỡ rồi – sợ hai họ buồn nên đành phải đi luôn.”

Tuy có ít thời gian nhưng anh em tâm sự rất nhiều chuyện: chuyện khó khăn trong công việc mục vụ, chuyện suy sụp đức tin của tôi như thế nào v.v… Có một chuyện đáng nhớ mà tôi đã chia sẻ với anh em là tôi không biết quê tôi ở đâu (tùy theo định nghĩa của chữ “quê”). Ba tôi người Gio Linh, mạ gốc Cát Sơn, tôi được sinh ra ở Huế (nhưng lại không ở Huế lâu sau khi sinh ra). Ba là lính nên phải di chuyển chỗ ở liên miên. Vậy quê tôi ở đâu? Nếu “quê” là nơi nào ở lâu nhất, và có nhiều kỷ niệm nhất thì quê tôi ở Việt Nam là 11 Đống Đa, Huế.

Huế ơi, chào em!

Khoảng 1 giờ 50 chiều, sau khi tạm biệt cha Luận, anh em đưa tôi về phi trường Phú Bài. Cương cũng kịp đến. Sau khi “check-in” với hãng hàng không, anh em chúng tôi ngồi uống càfé nói chuyện - mong sẽ níu kéo được chút ít thời gian còn lại bên nhau. Đã đến giờ qua cổng kiểm tra hành lý, tôi bắt tay anh em. Cương vẫn còn quyến luyến, nói: “Ngồi thêm chút đi, chưa đến giờ mà.” Biết rõ là nếu mình còn ngồi lâu hơn thì sẽ đi không đành, tôi đeo túi lên vai, đi vội vào phòng kiểm tra hành lý không dám quay mặt lại. Huế ơi, chào em. Hy vọng rồi sẽ có dịp trở lại thăm em… thật sớm. Tự dưng tôi bỗng cảm thấy tâm hồn mình thật bình an.

Hello again, Sàigòn!

Trước khi lên máy bay, tôi gọi điện thoại cho Viết Hùng. Tôi cho hắn biết là tôi đã có đứa cháu sắp xếp chỗ nghỉ đêm cho tôi ở Sàigòn. Tôi về khách sạn nghỉ, ước mong mình có cái máy vi tính để viết bài chia sẻ tâm tình mình với anh em khi còn “nóng hổi”.

Chương trình gặp mặt anh em có chút thay đổi. Theo chương trình cũ, tôi sẽ gặp “bạn bè thánh nhạc” vào tối thứ Bảy (29/8) và gặp anh em HT67 Sàigòn vào trưa Chúa Nhật (30/8). Anh em Sàigòn đề nghị nhập hai tiệc thành một. Tôi sợ anh em sẽ lạc lõng khi ngồi chung với những người chưa quen nhưng anh em bảo tôi cứ an tâm.

Tài xế Viết Hùng:

Sáng thứ Bảy, từ khách sạn, tôi đi bộ đến nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp để xem lịch trình thánh lễ ngày Chúa Nhật và mua thêm một ít sách. Tôi có hẹn Viết Hùng ở đó để nhờ hắn chở đi mua thuốc, đến Nhạc Viện Thành Phố kiếm sách, và tìm gặp nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Lúc tôi nói chuyện với Ns Hồ Đăng Tín, tôi gọi Viết Hùng vào nhưng hắn muốn ở ngoài hút thuốc… chờ! Tôi say mê nghe Ns truyền đạt kiến thức của ông ta về dân ca và ngũ cung qua cái giọng Huế của ông. Ns Hồ Đăng Tín, tuy là một người viết thánh ca rất tuyệt vời, luôn sẵn sàng chia sẻ với con cháu, lại là một phật tử. Viết đến đây, có cô cháu gái ngồi bên cạnh đọc ké, phán cho tôi một câu: “Cậu lạc đề rồi!” Ừ nhỉ, tôi đi lạc đề mất rồi.

Tôi còn muốn ngồi lại lâu hơn nhưng nhớ Viết Hùng ngồi chờ bên ngoài nên tôi vội cáo từ. Trong thời gian ngồi xe “ôm”, Viết Hùng và tôi chia sẻ rất nhiều chuyện về lớp HT67 nói chung và đặc biệt là anh em ở Sàigòn và vùng lân cận.

Về lại nhà Viết Hùng, tôi được gặp chị Lành (vợ Cương) và cô con gái út (Thanh Huyền). Hùng lại loay hoay giúp Huyền gởi chiếc xe máy về Huế. Tôi lại có dịp thăm hỏi đời sống của anh em ở Huế qua cái nhìn của một phu nhân của anh em HT67.

Con cùng một Cha:

Sau khi thưởng thức món vả (do chị Lành đem từ Huế) và thịt luộc ở nhà V. Hùng, tôi về khách sạn nghỉ để chuẩn bị gặp anh em HT67 và bạn bè thánh ca vào chiều nay.

Khoảng 5 giờ 30 chiều, tôi có mặt tại quán Phố Xưa. Đó là địa điểm mà bạn bè sinh hoạt thánh nhạc chúng tôi hay gặp mặt khi có họ nhà “ngoại” (nước ngoài) về thăm họ nhà “nội” (Việt Nam). Anh em cả hai nhóm từ từ đến điểm hẹn. Dù đa số mới gặp nhau lần đầu, anh em vẫn thân mật chuyện trò. Đúng là con một Cha chung trên trời! Chúng tôi trao đổi nhiều chuyện. Hà rất phục một anh trong nhóm “thánh ca”: anh Thông. Anh Thông đã có một thời gian là ca trưởng cho một ca đoàn nhưng lúc đó chưa được rửa tội. Anh Thông mới được rửa tội sau này. Anh Thông rất tích cực trong việc in sách thánh ca để giúp đỡ miễn phí cho những vùng sâu vùng xa. Bữa tiệc tối nay do tôi đứng ra mời; cuối bữa tiệc, anh Thông lại dành trả tiền (lúc nào tôi không rõ) bảo là còn thiếu nợ tôi. Nguyên là trước đây, lúc anh Thông còn ở Việt Nam (hiện nay anh ta đang ở Mỹ) có hứa với tôi là nếu tôi có dịp về Việt Nam, anh ta sẽ cho mượn chỗ và sẽ cho mượn luôn cả đầu bếp để khoản đãi anh em. Chúng tôi nói đùa với Hà là Hà nên có thêm một nghề tay trái: in sách thánh ca. Có như thế thì anh em chúng tôi sẽ được hưởng phúc hìhì.

Tiệc vui được diễn ra trong bầu không khí đượm tình anh em. Dần dần, đề tài nói chuyện có tính cách “chuyên môn” hơn. Anh em chia thành hai nhóm: nhóm HT67 bàn về chương trình hậu trạm ở Xuyên Mộc, nhóm thánh nhạc bàn về cách sử dụng thang âm ngũ cung của dân ca Việt trong sáng tác thánh ca.

Tôi chạy qua chạy lại giữa hai nhóm vì sợ anh em cảm thấy ngại. Anh em HT67 rất thông cảm và bảo tôi nên tiếp chuyện với nhóm bạn thánh nhạc đi, đừng ngại chi cả.

Sixteen Club:

Như một người anh chiều thằng em, sau bữa tiệc ở Phố Xưa, Hà dẫn tôi đi nghe nhạc. Viết Hùng tháp tùng theo; Thủy và Gioan về nhà. Hà đưa tôi đến Sixteen Club, nơi mà hôm trước Hà đã mời Minh Phước đến nghe nhạc. Vừa vào trong “club”, tôi nhận ra được ngay cái không khí sôi nổi “hiếu động” tượng trưng cho Sàigòn; khác với cái phong cách thong thả êm đềm của quán Mục Đồng – Huế.

Cũng như trước đây, Hà và V. Hùng nhường cho tôi cái chỗ ngồi gần sân khấu hơn. Dù hơi “bị lo ra” vì ngoại cảnh (người người qua lại), tôi vẫn tìm được một “khoảng trống” trong tâm hồn để “nhét” vào đó cái hạnh phúc được nghe nhạc sống ở Sàigòn bên cạnh bạn bè thân thương. Trong dịp này, tôi hỏi Hà (lần này là lần thứ hai) về tiền mua vé bay ra Huế để trả lại cho hắn. Lần nào, hắn cũng cười cười trả lời: “Mua vé máy bay chung với mình thì làm sao mà biết được hè!” Tôi biết hắn nói tránh để giúp anh em một cách tế nhị mà thôi!

Chia vui:

Hùng chở tôi về khách sạn – cũng đã gần nửa đêm. Tôi ngủ không được. Tâm hồn tràn đầy niềm vui, tôi gọi điện thoại về Canada để chia sẻ nỗi niềm đó với Hồng Ngọc. Sau đó, lòng tôi lại bắt đầu nôn nóng chờ ngày gặp mặt hậu trạm ở Xuyên Mộc vào thứ Sáu tới.

Xuyên Mộc ngày 31/8/2009.

Thế Phong