KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Lm Phaolô Nguyễn Minh Tâm

Trên bãi cát vàng một đám người quỳ xuống dưới ánh nắng chói chang ban chiều. Mọi người thổn thức, nước mắt tuôn trào trên những gò má hốc hác mệt mỏi sau những ngày hành trình gian lao trên biển cả. Họ mệt mỏi nhưng lòng họ dâng lên niềm vui khôn tả vì được sống. Họ đã cập bờ sau cơn bão táp cuồng nộ chực chờ đánh tan cuộc đời của họ vào lòng biển cùng với con thuyền gỗ mong manh. Giờ đây họ dâng lên Đấng Tối Cao tâm tình tri ân vì đã được đến bến bờ bình an.

Tôi là một thành phần trong đám người vượt biển đó. Hoàn cảnh đã xô đẩy tôi đến quyết định lên đường. Như bao người khác, tâm trí tôi đong đầy một nỗi niềm vừa phấn khởi vừa lo âu. Phấn khởi vì hy vọng tìm được tương lai sáng sủa ở một miền đất mới. Lo âu vì đã từng nghe nhiều chuyện thương tâm của những người hành trình trên đại dương đầy sóng gió. Ngày mồng 6 tháng 4 năm 1981, tôi từ giã gia đình và quê hương để tung cánh vào chân trời vô định. Kể từ đó cuộc đời của tôi rẽ qua một khúc quanh mà không bao giờ tôi có thể ngờ tới. Cuộc đời quả thật là một huyền nhiệm. Chẳng ai lường trước được tương lai. Với niềm tin Công Giáo, ta chỉ biết đặt mình phó thác vào tình thương và quyền năng của Chúa mà thôi.

Chiếc thuyền chở tôi đi biển dài chừng 11 mét và ngang khoảng 2 mét 8. Thuyền chứa tới 88 người, chen chúc như cá hộp. Mùi mồ hôi, mùi dầu máy, mùi biển cùng các thứ mùi khác quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi nồng nặc khó tả. Ba ngày đầu, biển êm, gió lặng. Nhưng với tôi thì khác, tôi say sóng đến cùng cực. Những cơn nôn oẹ thốc tháo khiến tôi lịm người đi, không còn sức lực. Tôi nằm như một con chó ghẻ ở góc cuối của thuyền. Tôi chịu hết nổi và thầm thỉ xin Chúa cho được chết để giải thoát khỏi cơn đau khổ dằn vặt vì sóng nước. Nhưng tôi không chết. Ý Chúa chưa muốn. Vào ngày thứ tư của cuộc hành trình, tôi bớt say sóng và dần dần phục hồi sức khỏe. Từ đó, tôi quen với sóng biển và không còn say nữa. Mỗi ngày tôi được phát chừng nửa chén cơm nửa sống nửa chín quyện mùi dầu máy. D thế, tôi vẫn phải ăn để sống. Tôi cũng được phát một ly nước nhỏ. Ai nấy đều chỉ có phần ẩm thực hèn mọn như thế vì nhóm tổ chức phải dè sẻn lương thực nước uống cho đến khi cập bờ hoặc được tàu ngoại quốc vớt. Trong cơn gian lao như thế, con người chỉ còn một ý nghĩ là làm sao để được sống. Chỉ có hai tư tưởng mãnh liệt giao chiến trong tâm hồn trí não của người trong cuộc, đó là sống và chết. Mọi chuyện khác đều trở thành phụ thuộc vào hai điều này: tìm sống và tránh chết!

Vào khoảng 4 giờ chiều ngày thứ sáu của cuộc hải hành, thuyền của tôi gặp được một giàn khoan dầu ngoài khơi  Mã Lai. Ai nấy vui mừng hớn hở như trẻ con thấy mẹ đi chợ về. Mọi người dâng cao niềm hy vọng vào những người trên giàn khoan, chờ mong họ cứu vớt để khỏi phải tiếp tục cuộc hành trình chứa đầy gian nguy. Nhưng họ không vớt người, họ chỉ cung cấp nước uống và thức ăn, rồi chỉ đường cho thuyền đến Mã Lai. Cám ơn họ đã giúp đỡ. Họ đã làm việc thiện trong tầm tay của họ. Như thế là tốt rồi, vì bất cứ việc thiện nào cũng là một ánh nến thắp lên niềm hy vọng trong cuộc đời.

Sau khi được tiếp tế lương thực, mỗi người trên thuyền được phát nửa trái táo và bốn miếng bánh bít quy. Mỗi miếng chừng hai ngón tay. Phần ăn không nhiều, nhưng đó là một bữa ăn ngon nhất trong đời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm tại được hương vị tuyệt vời của thức ăn như bữa ăn lênh đênh trên biển chiều hôm đó. Sau những này mệt mỏi vì sóng gió, dinh dưỡng thiếu thốn, nên cơ thể luôn đòi hỏi ăn uống mãnh liệt. Vì vậy mỗi miếng táo vào miệng đem lại cho tôi một cảm giác ngọt lịm và mát rượi lan truyền khắp châu thân như liều thuốc bổ cho người bệnh lâu năm. Mọi người trên thuyền rạng rỡ hân hoan. Đó là giây phút hạnh phúc thần tình. Hạnh phúc không đến như một mục đích, nhưng là kết quả của việc đáp ứng nhu cầu con người. Khi con người khao khát điều gì, thì việc đáp ứng điều đó đem lại cảm giác  mãn nguyện, sướng khoái, hài lòng và vui tươi. Đó chính là hạnh phúc. Vì thế, bữa ăn nhỏ mọn chiều thứ sáu trên biển là bữa ăn hạnh phúc nhất đời.

Niềm hạnh phúc chưa tan thì giông tố kéo đến. Vào khoảng 5 giờ chiều, trời bỗng nổi mây đen. Từng tầng mây dày đặc xếp lên nhau như muốn đè nặng xuống đại dương. Con thuyền vốn đã nhỏ bé trên biển cả mênh mông bây giờ lại càng mong manh hơn nữa. Mọi người đưa mắt nhìn nhau lo âu. Không phải bây giờ mới lo âu, vì lo âu lúc nào cũng có, nhất là khi đêm về. Trong bóng tối, ta khó biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ta không thể kiểm soát đời mình. Chỉ khi nào thức dậy trong ánh sáng, ta mới thấy mình còn sống và hy vọng. Cho nên, lúc này mây mù kéo đến, đêm đen sắp về khiến cho ai nấy đều sa sầm nét mặt, tâm hồn chùng xuống theo gót màn đêm.

Trong phút chốc, gió nổi lên, mưa trút xuống, thuyền dập dềnh và mọi người hoảng hốt trong cơn thịnh nộ của đất trời. Gió giật từng cơn mạnh bạo quét ngang con thuyền. Mưa trút xuống như thác lũ. Chung quanh tối đen như mực, ngữa bàn tay không thấy. Sóng nhồi lên hụp xuống mãnh liệt. Con thuyền mong manh tung lên giật xuống như món đồ chơi theo từng đợt sóng. Tiếng gỗ vang lên răng rắc như muốn banh ra từng mảnh. Đinh ốc bù loong như muốn long ra từng cái. Bấy giờ ai nấy đều hoảng sợ. Tôi bàng hoàng kinh hãi. Chưa bao giờ tôi sợ đến thế. Lúc này, tôi đánh hơi được sự chết đang rình rập để nuốt chửng tôi vào lòng biển sâu trong đêm đen giông bão. Tôi đang bị dồn ép đến tận cùng của cuộc sống. Khi con người bị đẩy đến cùng cực của cuộc sống, thì mọi sự rơi rụng, tróc vỏ để chỉ còn lại cốt lõi mà thôi. Chính trong hoàn cảnh cùng cực đó, niềm tin tôn giáo mới hiện rõ như ánh đuốc trong đêm đen. Đối với một người Công Giáo như tôi, thì lúc này chính là lúc đạo đức nhất, nếu ta hiểu đạo đức là gần Chúa nhất. Quả thực, trong hoàn cảnh đen tối như thế, không một uy quyền nào có thể bảo đảm an toàn hay đủ sức giải thoát cho ta. Chỉ có Đấng Tối Cao, vượt lên mọi giới hạn của thụ tạo, vô cùng nhân hậu, mới có thể cứu được kẻ khốn cùng đang giãy dụa ở sát biên giới sự sống và sự chết.

Tôi bắt  đầu thì thầm đọc kinh. Tôi xin Chúa tha thứ  mọi tội lỗi trong đời để tôi được an bình ra đi khi giờ phút xảy đến. Tôi phó thác mọi sự trong tay Chúa và chấp nhận mọi sự theo thánh ý Ngài. Thật là kỳ diệu! Sau khi cầu nguyện, tôi không còn kinh hãi nữa. Ngược lại, tôi cảm thấy tâm hồn tràn đầy bình an. Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi giật mình thức giấc, tôi thấy biển lặng như tờ. Bấy giờ tôi biết mình còn sống. Thuyền đã không chìm và tôi vẫn còn lên đênh trên vùng biển mênh mông phẳng lặng. Trên nền trời bắt đầu loé lên vài tia sáng của buổi bình minh. Đó là ngày 12 tháng 4 năm 1981, ngày Lễ Lá. Sau này tôi được biết là cơn bão kéo dài hơn mười tiếng đồng hồ. Tài công và nhóm điều hành thức suốt đêm để cố gắng lèo lái con thuyền xuyên qua màn mưa, gió giật và đêm đen.

Vào khoảng một giờ chiều cùng ngày, thuyền cập vào một bờ biển hoang vắng của Mã Lai. Mọi người hối hả lên bờ. Một số người ngã hụp xuống nước vì say đất. Tôi cũng không ngoại lệ, đành phải uống vài ngụm nước biển trước khi loạng choạng bước lên bờ. Nhóm điều hành con thuyền vội vã đục phá để thuyền chìm. Nghe nói, nếu thuyền còn chạy được thì sẽ bị chính quyền địa phương kéo ra biển và thuyền nhân phải tiếp tục cuộc hải hành đầy gian nguy. Thuyền nhân không muốn nguy hiểm nữa. Họ đã lên bờ và họ không muốn xuống biển nữa. Đục thuyền vừa là thái độ dứt khoát dừng bước vừa là hành động chấm dứt phương tiện di chuyển.

Mọi người đều quỳ xuống trên bãi cát vàng cảm tạ Thiên Chúa, Thượng Đế hay Ông Trời tùy theo tín ngưỡng của cá nhân. Ai nấy hoan hỷ tột cùng vì biết rằng mình đã đến bến bờ bình an, mình đã thoát khỏi nanh vuốt tử thần, để khởi đầu một cuộc sống mới. Sau khi liên lạc với chính quyền địa phương, tôi và đám người cùng thuyền được hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ đưa về một trại tạm cư Marang gần bờ biển. Hai ngày sau, tức là 14 tháng 4 năm 1981, tôi được đưa bằng thuyền đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, Mã Lai. Tôi tạm cư ở đó hai tháng rưỡi rồi được chuyển đến trại Sungei Besi A, ngoại thành Kuala Lumpur được hai tháng nữa thì đến Úc ngày 18/ 8/ 1981.

Cuộc hãi hành đã đổi mới con người tôi. Tôi có cảm tưởng đó là cuộc sinh nở lần thứ ba. Cuộc sinh nở lần thứ nhất do mẹ tôi sinh ra. Cuộc sinh nở thứ hai là Bí tích Thánh Tẩy để tôi làm con Chúa. Chuyến hải hành này chính cuộc sinh nở thứ ba, và tôi đã chào đời từ sóng nước đại dương. Như một người đàn bà quằn quại để sinh con, biển cả gào thét và con thuyền rên siết trong mưa bão đã sinh tôi vào cuộc đời mới. Từ đó tôi bắt đầu sống tha hương với nhiều gian lao của thuở ban đầu cho đến nay. Nhưng chính cảm nghiệm trên đại dương đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc không bao giờ phai mờ. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, Chúa vẫn là Đấng Đồng Hành với tôi để khai mở cho tôi trời mới đất mới theo tình thương quan phòng của Ngài. Qua lời ca trong bài Tán Tụng Hồng Ân của Hải Linh và Vũ Đình Trác, tôi muốn dâng lên Ngài lời ca khen chúc tụng: “Chúa cho con trời mới đất mới. Đường đời con đổi mới. Con ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời.”