KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Nguyễn An Phong HT67

Ca trưởng Phong???!!! Đúng rồi, chính hiệu con nai vàng: ca trưởng Nguyễn An Phong, HT67. Phải chi mà Nguyễn Đức Thuỷ, Vũ Quang Hà, Dương Thế Phong, Lê Xuân Hảo, Nguyễn Viết Hùng, Nguyễn Hùng Sơn, Lê Minh Cao… và khoảng 90 phần trăm anh em trong lớp làm ca trưởng, thì đương nhiên rồi, đâu có chuyện chi mà nói… Phong tui mà làm mới là lạ. Suốt mấy năm ở chủng viện, mỗi khi cha Lộc tuyển lựa ca sĩ đều lọt sổ. Tập đàn thì mấy năm cũng không qua được Methode de Rose. Tui nói là làm ca trưởng vì do lòng khiêm nhường. Thật ra, ở địa phận tui, chức danh là director of music, một loại maître de chapelle hay kapellmeister chứ không phải thứ thường đâu. Nghĩ cũng kỳ, ở thời đại kỹ thuật nano, ngay ở Mỹ, mà mỗi năm đi họp ca trưởng ở địa phận, gà con gà cồ chi cũng là một con gà. Thượng vàng hạ cám.

Số là như  ri… năm 1987, gia đình tui chuyển về thành phố  Tampa (1),. thuộc tiểu bang Florida. Ông cha sở (2) Cộng Đoàn Việt Nam nghe nói mình là dân tu xuất, buồn ngủ gặp chiếu manh, phán ngay:

– Anh lập một ca đoàn giùm tui.

– Con? Tập hát cho ca đoàn?

– Không phải anh thì ai đây? Ăn cơm Chúa rồi, giờ phải trả chứ sao?

Nhìn qua bên nầy, thấy mụ vợ bụng bầu nặng nề; nhìn qua bên kia thấy thằng con 1 tuổi; nhìn trước mặt thấy mấy bà già; nhìn lui sau lưng thấy một đám lau chau. Ai trồng khoai đất ni nữa. Thôi, Ecce Homo. Thế là một ngày đẹp trời kia, trong thánh lễ Chủ Nhật, Phong tui long trọng tuyên bố chính thức thành lập ca đoàn thuộc Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam, giáo phận Saint Petersburg, tổng giáo phận Miami, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và đặt tên là… Ca Đoàn. Thì còn tên chi nữa. Nếu đặt tên bà thánh Cécilia thì sợ bà buồn; đặt tên Thiên Ân sợ thiên hạ thắc mắc sao ơn Chúa quá ít; còn đặt là Cung Việt, thì người Tây nghe rồi chê bốn ngàn năm văn hiến được tới chừng đó thôi sao?

Ca đoàn là một  đám trẻ già lớn bé từ 7 tuổi cho tới 77 tuổi. Hát bài nhanh thì tụi nhỏ, không rành tiếng Việt, đánh vần không kịp. Hát bài chậm thì máy bà già hết hơi theo không nổi. Hát cao thì mấy  ông lên không tới. Hát thấp thì con nít xuống không xong. Ui cha, như vậy làm sao mà “Ca Hát là cầu nguyện hai lần” cho được đây?

Ca Hát là cầu nguyện hai lần. Lời ca là lời kinh, kể như một lần. Âm thanh trầm bổng, tiết điệu cương nhu làm thăng hoa lời kinh là cầu nguyện thêm được một lần nữa. Nghĩ lại mình, từ ca trưởng đến ca viên cho tới người đánh đàn đều là lạc sĩ, làm sao mà cầu nguyện hai lần được. Người ta thì chín bỏ làm mười, mình chắc cũng phải nâng cấp lắm mới được năm. Nhưng lời kinh thì dứt khoát phải được một. Cọng lại thì cũng được một rưỡi. Ca hát là cầu nguyện một lần rưỡi. Cũng còn lời chán.

Do đó, chiến lược chiến thuật của ca đoàn là nắm vững lời ca: khi tập, cần phải hiểu rõ mình hát gì; khi hát, cần phải để tâm tình mình vào lời nguyện. Nhiệm vụ ca trưởng đặt nặng phần bình văn, có khi hơn nửa số giờ tập hát. Kéo lời ca từ miệng xuống tận đáy tâm hồn.

Đêm thánh vô cùng.

Giây phút tưng bừng.

Đất với trời, xe chữ đồng.

Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ.

Canh khua giáng sinh trong chốn hang lừa.

Ơn châu báu không bờ bến.

Biết tìm kiếm của chi đền.(3)

Đất với trời, xe chữ đồng. Trời mưa sương xuống. Đất với tay mong đợi. Với đây là với tay, không phải là và. Động từ Xe ở đây mới thật tượng hình. Xe như xe chỉ luồn kim. Quấn vào nhau giữa Đất với Trời như Âm với Dương, Càn với Khôn trong Thái Cực. Chiết tự của Đồng là Nhất và Khẩu (4). Đất Trời giao nhau qua tác động của Ngôi Lời. Chaos et l’Harmonie. Nhạc sĩ Hùng Lân tóm gọn cả chương trình Cứu Độ chỉ trong sáu con chữ. Chà, nếu mình làm được câu thơ sáu chữ đó. Chết cũng đủ cả một đời. Đó còn chưa kể: Ôi Chúa Thiên Đàng. Cam nếm cơ hàn. Nhắp chén phiền, vương phong trần. Ai ngon thì sửa được một chữ coi có được không?

Cũng Đất Trời, nhưng Đất Trời của Ngọc Linh lại là mớ biểu tượng khác:

Con đi trên lối nhỏ

Nghe tiếng thở đất trời

Từng bước về yên vui

Thấy tim mình tràn ứ

Bóng Ngài  đứng đợi từ lâu

Mong chờ tình con hiến dâng(5)

Con dò dẫm từng bước trong lối nhỏ cuộc đời. Như thân gái dặm trường trong đêm thâu. Cô đơn, hãi hùng. Sợ vì nghe từng tiếng bước chân của chính mình, sợ vì nghe cả tiếng đập của tim mình. Nhưng ở đây, con còn nghe được cả tiếng thở của Đất Trời. tiếng thở hiện diện của Chúa Cả Càn Khôn, vì Ngài đã đứng đợi từ lâu, như người cha tốt lành luôn đứng đợi người con hoang đàng. Như mẹ hiền sẵn sàng che chở con thơ. Và Ngài chỉ là cái bóng bên lề đường chờ đợi, chờ đợi mãi…

Tâm tư  con cháy đỏ

Nên muốn ngỏ đôi lời

Lòng con hoài khôn nguôi

Sống cho tình yêu thương

Giữa  đời như nụ tầm xuân

Thơm lừng bay tỏa bốn phương.(5)

Lòng con hoài khôn nguôi. Không nguôi là không ngừng nhớ. Khôn nguôi là không thể ngừng nhớ được. Hoài khôn nguôi nữa thì quá tuyệt. Như cơn nhức đầu sau khi nhậu say. Mỗi nhịp tim là mỗi nhắc nhở làm đầu đau buốt. Như bà vợ mãi cằn nhằn: “Đã bảo đừng nhậu, nói hoài mà không nghe”. Muốn quên mà cứ hoài khôn nguôi.

Bóng mát che đầu.

Mẹ  là như bóng mát che đầu.

Dưới nắng những ban trưa,

Trong mưa bao đêm sầu

Mẹ  vẫn che đầu.

Khốn khó  dắt con đi,

Gian nguy đưa con về Mẹ mãi chở  che.

Mẹ là như bóng mát,

Như làn hương thơm ngát,

Như dòng suối êm đềm.

Cho suốt cả đời con

Luôn sống vui bình an, sống vui bình an.

Mẹ là cây xanh thắm

Che người đi trong nắng mau về tới quê  nhà.

Cây lá  tỏa ngàn phương con sống trong tình thương (6)

Mẹ Là Bóng Mát khắc hoạ hình ảnh của một người mẹ đi trên đường làng: một tay bồng con nhỏ, tay kia cầm nón che cho con mình. Phải, chiếc nón là bóng mát che nắng trưa nhiệt đới, che sưong sớm lạnh lùng, che mưa, che gió, che cả bom đạn trên đường chạy nạn, che cả những cám dổ trên đường đời chông gai. Mẹ là như chiếc nón, chiếc nón luôn yêu thương, chiếc nón mãi ân tình, chiếc nón gần gũi hoài như quê hương (7).

Lạy Chúa con chỉ là tạo vật, Chúa thật í a sang giàu .  
Có gì mà dâng Chúa đâu, có gì mà dâng Chúa đâu .  
Vì trước mặt Chúa Thái Sơn cũng mọn hèn,  
Dòng sông cả mấy sâu có là mấy đâu .  
Giữa đời con đây nhỏ bé, biết tìm chi dâng tiến Ngài
 
(8)

Sang giàu đúng thiệt là tiếng nhà quê, chân chất, mộc mạc đi thẳng vào hồn người như rít hơi thuốc lào buổi sáng khi vừa leo xuống giường. Dùng chữ sang giàu để tả quyền năng của Chúa là một ý tưởng quá mới, quá thuần Việt. Trời đất (lại trời đất)! Nếu mình hát thật đúng dấu hỏi của chỉ, không phải nữa huyền nữa sắc, tạo thành một tiếng nấc của con nhỏ, rồi trôi tuột xuống Chúa thật i a sang giàu, mà chữ i a phải nhẹ như hơi, xuống như ăn đậu đỏ bánh lọt, trơn như cô gái Đồng Tháp mặc quần Mỹ Á chèo thuyền.

Mời các bạn tưởng tượng một kịch bản (qua mặt đạo diễn Vinh Sơn à nghe): Một ông kia người lương, luôn có ác cảm với Công Giáo là đạo Tây, cực chẳng đã phải vô nhà thờ dự lễ đám tang của một người bà con. Lòng ngổn ngang muôn nỗi, vừa chán ghét lễ lạc, vừa thương người, vừa xót phận mình tha hương. Trong lúc đang lễ, nghe một cô bé gốc miền Tây nỉ non vói giọng chớt chát lai âm Mỹ: Lạy Chúa con chỉ là tạo vật, Chúa thật i a sang giàu … Lòng kim cang cũng chảy thành nước. Sau lễ, tới bắt tay ca trưởng cám ơn và xin lỗi: “Trước đây, tôi thật nhiều thiên kiến…”

Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ,

con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai ?

Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ,

con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai? (9)

Trên con đường về  quê, mang đầy ác nghiệp, tội lỗi nặng nề. Chỉ  có một con đường an toàn là đi cửa sau, cửa nhà bếp, là qua Mẹ để đến với Chúa. Mà vắng bóng… Biết cậy vào ai và Biết vừa là giả định vừa là phủ định kép, double negative, như tiếng con nũng nịu, nhõng nhẽo. Phủ định kép là thể xác định mạnh mẽ nhất. Tuyệt vời. Vậy mà có người đổi thành Trên con đường về quê mà  bóng Mẹ cho hợp với tín lý. Ui cha, thiệt là Tử Kỳ đá giò lái Bá Nha.

Thôi, biết nói bao nhiêu cho vừa. Viết cho hết là cả một công án… thiền. Nhớ hồi năm 1973, thi sĩ Lữ Tùng Anh, hơn tụi mình chỉ một lớp, vô chủng viện bán tập thơ Trái Đau Chín Từ Nỗi Chết do nhà xuất bản Thần Kinh. Ngoài bìa có câu rợn da gà:

Óc tim cô đặc hồn thi sĩ

Vắt tặng cho đời mấy giọt thơ.

Không biết mấy người nhạc sĩ, hồi nhỏ bú sữa ai, sao mà giỏi. Nhiều lúc đang hăng say bình thơ, tản văn. Mụ  vợ, một ca viên thuộc diện hoàng thái hậu (10), cằn nhằn: “Thôi đi, tập hát cho rồi cả hết giờ. Bài đó giải thích hơn năm lần rồi mà ông”. Hết hứng. Mà cũng có lúc quá đà thiệt.

Lễ kỷ niệm 25 năm thành hôn của ca phó (tức là người sẵn sàng cứu bồ khi ca trưởng bí). Bà vợ chằng lửa thứ thiệt. Vậy mà cũng làm lễ long trọng trong nhà thờ. Cuối lễ, bà vợ ôm bó hoa hồng tiến tới bàn thờ Đức Mẹ, đôi mắt long lanh ngước nhìn Mẹ cầu nguyện trong tiếng hát thánh thót của ca đoàn bài Lạy Mẹ Xin Yên Ủi. Ông chồng sau đó cằn nhằn: “Mẹ, ông phục kích tui. Tới phiên ông tui sẽ hát bài Trong Gian Truân Con Đã Kêu Cầu mới xứng đáng địa vị làm chồng của ông.”

Cô em Cha sở, 52 tuổi mới tìm thấy tình yêu. Trâu hơi chậm nên uống nước không được trong. Thì đương nhiên ca đoàn phải hát bài Và Con Tim Đã Vui Trở Lại trong lễ cưới. Lời ca là lời kinh mà. Phải đúng tâm đúng cảnh chớ.

Lời ca nguyện cầu có lúc tha thiết đến bất ngờ. Nhớ trước kia trên  đường xa quê, chiếc thuyền nổi trôi giữa đêm đen. Xung quanh là sóng dữ, là vô vọng, là nỗi chết gần kề. Nhìn lên sao Nam Tào mà cất tiếng hát: Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian. Vượt biển theo nghĩa đen, vượt biển theo cả nghĩa bóng. Miệng hát mà như tim hát. Lời ca của ai đó mà như chính lòng mình nói bật ra do hoàn cảnh khốn cùng. Lúc đó thì đúng ca hát là cầu nguyện trăm lần.

Nói nhỏ nghe. Không muốn hát các bài Dương Thế Phong gởi đâu. Lỡ năm tới đi hậu trạm, Bạn hiền vô rượu thân tình, ra lời chân thật:

Tưởng giếng mi sâu hung, tau nối sợi dây thiệt là  dài,

Ai đời giếng mi cạn hoét, làm tau tiếc hoài sợi dây.

Bấy nhiêu sự thì nguyện

Your browser may not support display of this image.

------------------------------------------------------------------ 

(1) Tampa có nghĩa là Cột Lửa, tiếng của bộ tộc da đỏ Seminole. Vùng Tampa được gọi là thủ đô của sấm sét. Đặc sản ở đây là thuốc xì gà Havana Tampa do dân tị nạn Cuba chạy qua làm. Xì gà nầy có bán bên mình trước năm 1975. Không biết khi Phước về, mấy anh em bên đó hút xì gà hiệu chi?

(2) Cha Nguyễn Ngọc Trước, gốc Qui Nhơn, ở Pio X, một thời với cha Lê Công Mỹ nhà mình.

(3) Stille Nacht, nhạc của Franz Gruber, lời của Josef Mohr, lời Việt Hùng Lân. Nghe đồn rằng, khi đó, nhạc sĩ Hùng Lân chỉ có bản tiếng Đức, mà ông không biết tiếng Đức, chỉ cảm nhận âm thanh mà viết lời Việt.

(4)

(5) Chúa Là Cuộc Sống Của Con, nhạc và lời của Ngọc Linh.

(6) Mẹ Là Bóng Mát, nhạc và lời của Phanxicô Nguyễn Đình Diễn.

(7) Khoảng 10 năm nữa, sau khi khai thác hết bauxite ở Tây Nguyên, thì hình ảnh chiếc nón sẽ được thay thế bằng cái khẩu trang.

(8) Con Chỉ Là Tạo Vật nhạc và lời Phanxico

(9)  Trên Con Đường Về Quê, nhạc và lời của Lm. Nguyễn Khắc Xuyên.

(10) Ca trưởng của ca trưởng. Chữ ca đầu là kêu ca, chữ sau là ca hát.