KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Trần Minh Phước, HT67

Ý định về thăm lại Việt Nam cứ lãng vãng trong tâm trí mình từ mấy tháng nay. Cũng đã mười một năm chưa trở lại miền đất quê hương. Nay có dịp cháu gái đầu Mỹ Linh về thực tập 2 tháng ở nhà thương Huế trước khi vào nội trú ở bệnh viện Paris, thế là mình cùng bà xã quyết định đi đặt vé máy bay cho kịp về dịp hè năm nay.

10-8-2009

Chiếc Boeing 777 của hãng Hàng Không Việt Nam sửa soạn đáp xuống phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Tiếng người cơ trưởng viên nam chào tạm biệt như một lời thức tỉnh cuối cùng cho đám hành khách đang còn ngái ngủ sau một chuyến bay dài 12 tiếng và 6 giờ chờ đợi ở phi trường Charles de Gaule, Paris. Nhìn qua khung cửa, phía dưới nhà cửa bắt đầu hiện ra, xen lẫn với các con đường nối liền các khu phố chằng chịt. Một chút xúc động thoáng qua, quê hương giờ gặp lại sau 11 năm chưa trở về.

Thủ tục lấy hành lý đơn giản và nhanh chóng hơn lần trước ở Nội Bài, Hà Nội. Trên đường về khách sạn Palace ở Nguyễn Huệ, xe cộ tấp nập nhưng có vẻ trật tự hơn. Đường phố cũng khang trang sạch sẽ hơn. Hình như đọc được ý nghĩ của mình, bà xã buộc miệng nói Sài Gòn bây giờ cũng đổi mới nhiều. Về tới khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi một chút, tụi mình xuống phố, đi loanh quanh ở các con đường chính Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi. Vùng trung tâm nầy hình như chỉ dành riêng cho khách du lịch, thấy khang trang, trật tự và sạch sẽ hơn các khu phố từ phi trường đi về. Các cửa hàng ở đây cũng sang trọng và đầy đủ, không thua gì các cửa tiệm ở Paris. Tối về khách sạn, ăn uống qua loa rồi nghỉ ngơi để ngày mai lấy máy bay ra Huế sớm.

11-8-2009

Trên chiếc taxi từ phi trường Phú Bài về thành phố Huế, trời đất xám xịt, mây đen ở cuối chân trời hình nư mỗi lúc một gần lại, báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đến. Hai bên đường nhà cửa mọc lên khá nhiều. Đến An Cựu thì trời đổ mưa lớn, tiếng ào ào tưởng chừng như bất tận. Nhưng rồi chúng tôi cũng về đến khách sạn Morin, tọa lạc ở mạn Nam ngay sát cầu Trường Tiền. Nhìn qua khung của sổ từ tầng hai, phía bên kia sông Hương là phố Trần Hưng Đạo và chợ Đông Ba đang ngập chìm trong cơn mưa lớn.

Vì ở lại Huế chỉ có 3 ngày nên việc đầu tiên là cần gọi điện thoại cho “chủ tịch” Phạm Thanh Cương. Tôi bấm số, tiếng “alô” đầu bên kia nghe thật lịch sự. “Mời ông Cương sáng mai tới đồn công an làm việc!”, tôi mở đầu bằng câu trêu chọc. Có thoáng ngỡ ngàng, nhưng rồi Cương cũng nhận ra tiếng mình sau gần 35 năm xa cách. Giọng Cương vẫn từ tốn, bình thản như năm xưa. Thế là mình yên tâm vì đã liên lạc được với Cương và hẹn sẽ gặp tất cả anh em vào tối hôm sau.

Vừa tắt điện thoại thì chuông ở cửa phòng reo vang, thì ra Mỹ Linh vừa đi chơi ở Hà Nội vào. Sau 3 tháng gặp lại, Mỹ Linh trông lớn hẳn ra và có vẻ già dặn hơn. Chắc là nhờ  sinh hoạt và hít  thở khí trời ở cố đô Huế trong khoảng thời gian qua!

Tối đến, chúng tôi đi ăn cơm chung với các bạn của Mỹ Linh, các cháu cũng về thực tập ở bệnh viện Huế, gần phố Phạm Ngũ Lão. Bọn trẻ hòa nhập dễ dàng với cuộc sống ở đây, và quen biết nhiều. Mỹ Linh tỏ ra là thổ công ở Huế vì hỏi cái gì cũng biết, chẳng bù với mình hồi trước ở Huế đến 6 năm trời, từ 67 đến 74, mà chỉ biết vài con đường: từ Đống Đa qua Trần Hưng Đạo, đến chợ Đông Ba, xuống Gia Hội hay lên Phủ Cam và về An Cựu là hết.

12-8-2009

Sáng ngay trời tốt và bắt đầu có ánh nắng, chả bù tối qua mưa tầm tả. Khi cả nhà đi xuống thì chiếc xe hợp đồng đã đợi sẵn trước khách sạn. Hôm nay chúng tôi dự định đi một vòng quanh thành phố, qua đại nội, ghế chợ Đông Ba, lên lăng Tự Đức và về thăm lại TCV Hoan Thiện ở 11 Đống Đa cũ.

Huế vẫn còn giữ được chút trầm lặng ngày xưa, khác hẳn với sự xô bồ náo nhiệt của Hà Nội hay Sài Gòn, tuy dân số có đông đúc hơn và đường phố cũng có tấp nập hơn ngày trước.

Đại nội đã được trùng tu lại làm mất đi phần nào vẻ cổ kính. Tuy vậy khách du lịch lui tới thật nhiều, bản xứ cũng có mà Việt kiều hay ngoại quốc cũng không ít.

Từ lăng Tự Đức về, chiếc xe dừng lại ở 11 Đống Đa. Lòng tôi bỗng chùng xuống, mái nhà xưa đã trở thành 3 công sở. Cây thánh giá trên đỉnh tháp cao nay không còn nữa. Những bụi cây xanh che khuất gần hết mặt tiền ngôi nhà. Nỗi muộn phiền dâng cao, thế là tôi quyết định, ngược lại với dự tính ban đầu, không vào tham quan bên trong để có thể còn giữ lại những kỷ niệm êm đềm của một quãng đời đã qua ở nơi đây. Có lẽ như thế là hợp lý và thanh thản nhất! Rời chủng viện tôi nghe lòng bồi hồi xúc động, cả một khung trời xa xưa ấy hiện về trong tâm thức. Ở đó có các cha giáo, bạn bè, lớp học, nhà nguyện, hành lang, phòng ngủ, sân banh, hồ cá… Mình chợt nhận ra, có lẽ vì không muốn quên đi những kỷ niệm đã có nơi đây với bạn bè năm cũ, mà trong giao tế sau nầy hình như lúc nào cũng có một khoảng cách với những người bạn mới.

Sau khi nghỉ ngơi một lúc ở khách sạn, chúng tôi tản bộ ra sông Hương để du thuyền và nghe ca Huế. Cùng đi với chúng tôi lúc nầy có thêm người anh họ cũng từ Paris và một người bạn học cũ ở Quốc Học của anh ấy từ Mỹ về. Chiếc thuyền rồng ngược dòng lên tận chùa Linh Mụ. Trong cơn mưa chiều, với tiếng hò da diết của các cô ca sĩ, mình nghe lòng sao thổn thức xuyến xao, tâm trí như hòa nhập vào những lời ca trầm bổng đang nhẹ nhàng phác họa nên những vẻ đẹp thơ mộng của núi Ngự sông Hương. Rồi chúng tôi thả những chiếc lồng đèn lấy hên. Nhìn những chiếc đèn giấy bềnh bồng trôi dạt trên mặt sông, có thoáng nhớ về bạn bè, người quen, gia đình, quê hương, đất nước…

6 giờ chiều là giờ hẹn với các bạn 67, chúng tôi lên taxi chạy lên hướng Kim Long để đến Ven Sông Quán. Xe mới tới Ngọ Môn thì chủ tịch Cương điện thoại cho hay đường trên ấy bị ngập úng vì mưa lớn. Vì thế các bạn đã đề nghị trở về Nhà hàng nổi Hương Giang phía trước khách sạn Morin gần chân cầu Trường Tiền. Thế cũng tiện.

Xuống xe, bốn bà con chúng tôi đang rảo bước dọc bờ sông tìm quán hẹn thì gặp ngay vợ chồng Lê Xuân Hảo. Hắn không khác xưa cho lắm, tuy có đạo mạo và trầm tĩnh hơn. Tiếp đến là Trương Minh Phương với cô vợ trẻ hơn đến 10 tuổi. Nghe đâu hồi xưa hắn phải lên làm rể ở tận xứ Ban Mê Thuột đến 10 năm mới lấy được bà Huyền Trân! Lê Văn Sử thì có vẻ ít nói, trầm tư… Thời dẫn banh lừa đảo trên sân cỏ chủng viện nay chắc cũng chỉ còn trong kỷ niệm. Đặng Hòa vẫn thân mật, có thêm nét gì đó từng trãi cuộc đời. Đỗ Bá Tinh Thần cũng ít nói. Phan Thắng thì thay đổi hẳn, không biết vì đời hay vì Tường Vi mà tóc trên đầu không còn mấy sợi. Tôi ngồi vào bàn tiệc cạnh chủ tịch Cương. Hắn không một chút thay đổi, vẫn tóc quăn, dáng người cứng cáp đứng đắn ra vẻ trưởng lớp lắm. Có điều chưa được bronzé như Obama, có lẽ vì lúc nầy ít đi tắm biển. Bù lại hắn có bộ râu mép làm tăng vẻ điển trai; hèn chi bà Lành còn do dự chưa chịu cho làm phó tế vĩnh viễn!! Đức Long và Trần Văn Dũng đúng là con người của du lịch và giáo dục. Hai bạn nói chuyện với các cháu Mỹ Linh và Kim Linh thật thân tình. Hai cháu ngạc nhiên không hiểu vì sao Dũng và Long nói tiếng tây hay thế, lại nói giọng Parisien nữa chứ! Thấy bà xã và hai cháu nói chuyện thân mật với tất cả quý phu nhân và bạn bè cũ dù chưa một lần gặp gỡ, mình thật cảm động và rất hài lòng. Điều này chứng tỏ rằng: khoảng cách và thời gian không thể xóa bỏ tình bằng hữu. Đó cũng chính là chất liệu cho đời sống… Mình chạy tới chạy lui với anh em, mỗi người một vài phút; cụng ly tràn chất men nồng rồi nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Thời gian cứ thế trôi qua thật nhanh. Anh em bịn rịn chưa muốn chia tay nên sau đó đề nghị về bờ sông Cầu Mới uống café để tâm sự tiếp. Rời quán ăn, Phan Thắng cầm tay mình đi ngược trở lại làm hai cháu Mỹ linh và Kim Linh rất ngạc nhiên và cảm động, cứ nhắc lại hoài. Làm sao đã 40 năm chưa gặp lại mà bây giờ lại có được cử chỉ gần gũi đến như vậy? Cử chỉ thân tình ấy đã nói lên sự thắm thiết của một tình bạn keo sơn!…

Cuộc gặp gỡ lại được nối tiếp ở quán càfé Cercle bởi những câu chuyện tâm tình, những bài hát hay và những điếu cigares to tổ bố. Mình nhớ mãi bài “Ngựa hoang” do Phan Thắng hát. Đầu hắn đã sói, má cũng đã hóp sâu (cũng không biết vì cuộc đời hay vì mới kéo mấy hơi cigare!) mà sao hắn hát hay thế! Có Tường Vi ngồi một bên chăng? Hay hắn muốn mượn bài ca của nhạc sĩ Phạm Duy để gởi gắm hết tâm tình cho người bạn từ phương xa mới vừa gặp lại!?!… Rồi như để đưa tiễn nhau, Nguyễn Đức Long nói những lời ân tình để dẫn vào bài hát “Rồi cũng phải chia tay”. Giọng hắn trầm ấm và cuốn hút. Nghe Long hát, nhìn anh em và các phu nhân quây quần bên cạnh, xa xa là giòng Hương giang lững lờ trong sương đêm, khung cảnh thật ấm cúng và thơ mộng! Mình chợt nghe cay cay trong mắt, không biết sương mù hay khói thuốc vấn vương!…

Trước khi chia tay, các bạn lại đi bộ về hướng khách sạn Morin. Con đường ven bờ sông ban đem thật đẹp và yên tĩnh. Bầu trời không trăng sao như muốn cảm thông để bọn mình cùng cho nhau những bước chân từ giã, nói với nhau những lời thương yêu và cùng chụp chung những tấm hình kỷ niệm, để mai ngày trong đường đời vạn nẻo vẫn còn nhớ đến nhau.

Đứng trên bậc cấp cuối cùng trước thềm khách sạn, mình vẫy tay giã từ những người bạn thân thương. Từng đôi một trên những chiếc xe gắn máy, và cặp cuối cùng vẫn là vợ chồng chủ tịch Phạm Thanh Cương.

Xin cám ơn tất cả những tình cảm đã dành cho gia đình mình trong chuyến về quê nầy. Những mối chân tình ấy sẽ luôn nhắc nhở cho mình, trong tương lai đời sống, rằng ở  chốn xa quê hương ấy có một khoảng không gian ấm cúng và vẫn còn đó những người bạn Sáu Bảy thân thương.

13-8-2009

Sáng nay gia đình mình cùng với người anh Họ, bạn anh, bà chị Họ và cô cháu gái ở Phủ Cam lên đường về thăm quê. Đường từ Huế đi Cam Lộ không xa lắm. Nhà của hai bên đường khá nhiều, khó nhận ra các làng xã như lần trước về thăm quê. Quảng Trị vẫn đìu hiu muôn thuở, trái lại Đông Hà có thật nhiều đổi thay. Thành phố sạch sẽ khang trang và có nhiều công trình xây dựng mới. Khi xe chạy ngang đường Trần Hưng Đạo, tôi cảm thấy buồn buồn vì ở vị trí ngôi nhà cũ của mình ngày xưa nay được thay thế bằng một khách sạn lớn. Chính nơi đây mình đã sống một khoảng thời thơ ấu, đã được nuôi dưỡng, đã vui đùa và lớn lên trước khi vào chủng viện. Sau khi ghé nhà cô cháu gái nghỉ giải lao chừng nửa giờ, phái đoàn lên xe trực chỉ Cam Lộ và từ đó trở về Huế luôn. Tôi đứng trước khu nghĩa trang gia tộc mà lòng chùng xuống. Bức tường thành bao bọc mấy chục ngôi mộ cổ vừa mới được sơn quét lại. Ngôi nhà thờ thừa tự trang nghiêm nhưng lạnh lẽo. Bà chị Họ bày nhang đèn ra, mọi người thắp nhang và bái mộ. Có những hình ảnh thoáng qua trong tâm tư, một chút gì để nhớ về tổ tiên, để biết ơn ông bà nội là những người đã khai quang cho thế hệ Trần Minh sau nầy. Nhìn hai cháu bái tổ, rồi nhớ lại hình ảnh hai cháu nói chuyện với Long và Dũng lúc ăn cơm tối qua ở Nhà hàng nổi, mình cảm nhận được một niềm vui sâu kín xen lẫn với mt thoáng hài lòng mãn nguyện. Các cháu đã được sinh ra và lớn lên ở Pháp với một nền văn hóa khác biệt, nhưng giờ đây vẫn còn có thể hòa nhịp và hiệp thông với gia đình trong những giây phút thiêng liêng nhớ về cội nguồn như thế.

Trên đường trở lại Huế, cả nhà ghé vào viếng Thánh địa La Vang. Từ quốc lộ 1 đi vào, vẫn con đường đất đỏ chưa tráng nhựa. Giáo dân từ khắp mọi miền đất nước đã bắt đầu đổ về để chuẩn bị cho ngày kiệu Thánh Mẫu. Mình nhớ lại cách đây 50 năm, lúc còn là một cậu bé học Lớp Nhất tiểu học, mình đã cùng với Cha Etcharen đi bộ hành hương từ Đông Hà vào La Vang. Đứng trước tượng đài Đức Mẹ, nhìn bà chị Họ người lương cũng cung kính nguyện cầu, mới thấy được sự linh thiêng của Đền Mẹ. Ngôi giáo đường đổ nát đàng kia như dấu vết nhắc lại sự tàn phá của chiến tranh một thời mà dân tộc Việt Nam vẫn còn đang gánh chịu.

Giã từ La Vang chiếc xe xuôi về phía Nam. Trên đường chúng tôi dừng lại ở cầu Mỹ Chánh - An Lỗ, theo lời yêu cầu của anh Thế, người bạn của ông anh Họ, để có dịp nhìn lại cảnh vật và nhớ về những kỷ niệm buồn trong ký ức; chính nơi đây bạn anh rất nhiều người đã nằm xuống trong chiến cuộc mấy mươi năm về trước.

Về tới Huế trời đã về chiều. Chúng tôi ghé lại Quán Bà Đỗ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để thưởng thức những món đặc sản của xứ Huế. Không biết vì bánh bèo bánh nậm thật đặc sắc hay vì tâm tình với Huế còn quá nhiều mà mình thấy các món ăn thật đặc biệt, ngon lành.

Sau bữa ăn, cả nhà ghé thăm bệnh viện Huế và phòng làm việc của Nhân, chồng của Ty cháu gái mình, và là rể của bà chị Họ ở Phủ Cam. Nhân là một giáo sư y khoa trẻ, đầy nhiệt huyết, chuyên chăm lo cho các trẻ em khuyết tật ở Huế và khắp cả miền Trung.

Khi chúng tôi về tới khách sạn thì trời đã tối. Chuông điện thoại lại reo, chủ tịch Cương hẹn sáng mai hắn và Cha Luận sẽ đến khách sạn dùng điểm tâm với mình. Ngài mới từ Hà Úc về Huế để thăm lại người bạn cũ lâu năm xa cách. Thế mới biết tâm tình của Cương và Cha Luận dành cho mình, lo lắng xoay sở sao cho mình có thể gặp lại được tất cả anh em.

Đêm cuối cùng ở Huế mình không sao ngủ được, cứ trăn qua trở lại, dù đã mệt mỏi sau một ngày dài di chuyển đó đây. Bao nhiêu tình cảm lẫn lộn. Ba ngày ở Huế qua mau quá! Thời gian rất giới hạn cho những tình cảm vô bờ. Thôi hẹn Huế lần sau vậy, và hy vọng không là 11 năm như chuyến nầy. Thế rồi giấc ngủ cũng tìm đến, nhưng chưa có hạnh phúc như Nguyễn An Phong, được vợ khen là ngủ cũng ngáy giọng Huế!…


14-8-2009

Bảy giờ sáng mình đón Cương và cha Luận ở phòng khách Morin. Ba anh em cùng dùng điểm tâm tại sân vườn khách sạn. Cha Luận dáng người vẫn thư sinh như hồi còn ở chủng viện. Các câu chuyện cứ xoay quanh những kỷ niệm năm xưa. Chúng tôi nhắc đến những người bạn ở xa chưa gặp lại như Nguyễn Hùng Sơn, Mai Nam Hùng, Phạm Thạnh, Lê Sáu…

Giờ chia tay rồi cũng đến. Tôi cảm động cám ơn cha Luận thật nhiều. Cha đã vượt hơn 30 cây số đến đây từ hôm trước chỉ để kịp gặp lại một người bạn cũ ở xa về. Giã từ cha và Cương ở bãi xe gắn máy sau khách sạn, lòng tôi thật bồi hồi, không biết chừng nào mới có dịp gặp lại nhau.

Đang chuẩn bị rời Huế thì lại được một cú điện thoại của Trần Bá Thảo, hắn mới từ Đông Hà vào. Rất tiếc là không được gặp Thảo vì đã đến giờ xe lăn bánh đi Hội An. Cám ơn Thảo và đành hẹn lần khác vậy.

Đang trên đường đi Hội An bỗng có tiếng còi xe bên cạnh, tôi nhìn ra và thoáng thấy Nguyễn Đức Long trên một chiếc xe du lịch. Hắn đưa nửa người ra khỏi khung cửa kính để vẫy tay chào tạm biệt với nụ cười tươi nở trên môi. Ngay lúc nầy tôi cảm thấy vui vui dù lòng đang trĩu nặng nỗi buồn chia cắt, vui vì biết chắc rằng rồi có ngày chúng tôi sẽ được gặp lại nhau. Cám ơn Long rất nhiều!

Tôi gợi chuyện với anh tài xế. Những mẫu chuyện chúng tôi trao đổi làm cho đoạn đường như ngắn lại. Trước 75 anh là sinh viên Bách khoa ở Đại học Sài Gòn. Cái nhìn của anh thật đặc biệt khi đề cập đến cuộc chiến tranh ý thức hệ của đất nước. Anh cho rằng cái tai họa lớn nhất của dân tộc VN là bị nằm kề ngay bên một Trung Hoa vĩ đại… Cầu chúc anh luôn giữ mãi nét trẻ trung và tinh thần cởi mở.

Hai ngày ở Hội An rồi cũng qua mau. Chúng tôi đã tham quan phố cũ, cây cầu Nhật Bản từ 300 năm, khu phố ẩm thực, rồi rước đèn trên sông Thu Bồn và đêm đại nhạc hội với ca sỹ Mỹ Linh.

Nhớ mãi khách sạn Hoa Sứ nhỏ bé, ấm cúng tọa lạc giữa một vườn bông lau thật đẹp. Nơi đây chỉ có 5 phòng được độc chiếm bởi gia đình mình.

Rời Hội An vào Sài Gòn, lòng mình vơi đầy kỷ niệm và tâm tình…

16-8-2009

Chuyến bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn cất cánh rất đúng giờ. Từ cửa sổ máy bay nhìn ra có trời xanh mây trắng từng cụm, bên dưới là nhà cửa ruộng vườn, đường xá và sông ngòi ngang dọc. Quê hương mình vẫn đẹp cho dù có thay đổi bể dâu. Quê hương vẫn là quê hương đó để rồi mai ngày nơi phương trời xa, mình cũng còn một chút gì để nhớ để thương!

Đến Sài Gòn, việc trước tiên là gọi điện cho Nguyễn Viết Hùng nhờ qui tụ anh em trong một buổi họp mặt, còn có sự hiện diện của Dương Thế Phong ở Canada mới về. Sau đó mình mới yên tâm tham quan xứ Chùa Tháp.

17,18,19,20,21-8-2009

Chiếc máy bay nhỏ nhẹ nhàng đáp xuống phi trường Siemreap. Trời nắng nhưng không nóng lắm. Người hướng dẫn viên du lịch và anh tài xế đã đón sẵn lúc ra khỏi phi trường về khách sạn ở trung tâm thành phố. Cùng đi với gia đình mình là một đôi vợ chồng trẻ, anh chị Yến Phương, đồng nghiệp cũng ở Paris về. Đôi uyên ương dễ thương nầy làm mình nghĩ tới những đôi vợ chồng mới tối hôm nào chở nhau trên xe gắn máy, giơ tay vẫy chào nồng nhiệt: Cương-Lành, Hảo-Tuyết, Dũng-Thanh, Phương-Trân, Hòa-Ánh, Long-Cúc, Thắng-Vy.

Ba ngày thăm viếng trôi nhanh. Trên chuyến bay về lại Sài Gòn, mình hồi tưởng những ngày đã qua tại xứ Chùa Tháp nầy. Sau những cuộc đổi thay, dân tộc Cambodge vẫn còn vẻ nghèo nàn khổ sở. Đâu có ai ngờ rằng những lâu đài Angkor đã được xây cất từ thế kỷ thứ 9-10 với một nền văn minh rất lớn, trước cả Việt Nam và Thái Lan nữa. Nay, với sự tàn phá của thời gian, các đền đài đổ nát, rễ cây cổ thụ nằm ngang dọc, mang lại nét tiêu điều hoang vắng, như mấy câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:

“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Đền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Thành phố Siemreap không có gì đặc biệt. Đường xá, chợ búa cũng sơ sài. Khu biển hồ có nhiều người Việt sinh sống cũng không khá hơn, có vẻ nghèo đói hơn là khác. Các món ăn ở đây cũng tầm thường, có lẽ khẩu vị của người Miên và người Việt mình khác nhau. Ngược lại, các dịch vụ du lịch dành cho du khách thì rất đúng tiêu chuẩn.

Vì máy bay đến trễ nên mình phải gọi điện thoại 2, 3 lần cho Viết Hùng. Gởi hành lý cho anh chị Yến Phương đem về khách sạn trước, chúng tôi rời sân bay Tân Sơn Nhất và đến thẳng điểm hẹn với anh em 67 Sài Gòn, một quán ăn ở Phú Nhuận. Mình thì nóng lòng muốn gặp lại anh em mà anh tài xế lại đi nhầm đường, thế là phải gọi cho Viết Hùng thêm mấy lần nữa. Đến nơi đã thấy hắn đứng đợi sẵn từ ngoài đường. Viết Hùng vẫn dáng gầy gầy cao cao như xưa, có khác chăng chỉ là bộ râu mép mà thôi. Thế rồi lần lượt tay bắt mặt mừng với anh em ở Sài Gòn, các bạn đã đến trước tự bao giờ: Già Lộc, Trương Hùng, Nguyễn Đức Thủy, Trần Ngọc Chung, Vũ Quang Hà, Lê Thanh Gioan, Trần Đức Phong với bà xã người Phan Thiết. Chỉ có Trần Văn Ái, Lê Văn Hồng và Nguyễn Viết Xuân là mình không nhận ra ngay được. Dương Thế Phong cũng vậy, hắn hạp đất nước Canada hay sao mà thay đổi hoàn toàn, cao to hơn xưa rất nhiều, gặp nhau đâu đó bên ngoài chắc tưởng ai xa lạ; mà cũng có lẽ hắn giã từ chủng viện sớm, dễ cũng 40 năm rồi còn gì. Anh em mỗi người một vẻ, tuy nhiên cũng có nét chung là ai cũng có dáng dấp phong trần và trưởng thành hơn, không còn nét gì của “các chú” ngày xưa nữa. câu chuyện tâm tình cứ thế kéo dài theo bữa ăn. Trần Đức Phong trông vẫn còn phong độ, bà xã ngồi cạnh cũng dễ thương lắm. Cặp kè thế nầy thì có lẽ cũng giống như cô Lành của trưởng lớp Cương, e rằng chưa chịu để cho Phong làm phó tế vĩnh viễn đâu. Còn Trương Hùng thì đang ở trong tình trạng phó tế, tuy nhiên chuyện vĩnh viễn thì đang còn xét lại! Đàng kia Nguyễn Viết Xuân đang trò chuyện với Mỹ Linh và Kim Linh. Hai cháu đặt cho hắn cái tên mới nghe có vẻ con gái và dễ thương là Mirelle Mathieu, vì hắn có mái tóc dài giống như cô ca sĩ người Pháp nổi tiếng nầy. Trần Ngọc Chung, bạn đồng hương, thì nói chuyện v Đông Hà; ngày xưa hắn, Phạm Thạnh và mình cùng lớn lên ở đó. Tiệc chưa tàn thì Vũ Quang Hà chào tạm biệt vì phải đưa người con ra sân bay trở về Pháp. Hắn hẹn tối mai còn gặp lại.

Chúng tôi về khách sạn cũng gần 12 giờ khuya. Một ngày dài trôi qua với thật nhiều kỷ niệm.

22-8-2009

Hôm nay chúng tôi lang thang qua những khu phố quen thuộc ở Sài Gòn: chợ Bến Thành, đường Đồng Khởi, nhà thờ Đức Bà, thương xá Tax… Thành phố trẻ nầy thật năng động và náo nhiệt. Xe cộ tấp nập, nhà cửa nguy nga. Tuy nhiên vẫn còn đó những nét tương phản nói lên sự cách biệt giữa người giàu và kẻ nghèo, tầng lớp thượng lưu và giới lao động chân tay. Điển hình là có những khu vực dành riêng cho giới VIP và khách du lịch tách biệt với các nơi dành cho giới bình dân và buôn bán nhỏ lẻ.

Chiều tối, tôi tìm đến chỗ hẹn, một tửu lầu ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ở đó đã có mặt Hà, Gioang, Viết Hùng và vợ chồng Thủy. Trên bàn đày dẫy thức ăn, Hà đã đặt trước một bữa tiệc thật thịnh soạn. Vợ chồng Thủy vẫn còn mùi mẫn chi lạ, nghe đâu đang có ý định cho ra đời thêm một cháu nữa!!… Những câu chuyện tâm tình của chúng tôi cứ tiếp tục kéo dài theo bữa ăn…

Rời bàn tiệc, Hà lại dẫn chúng tôi đến phòng trà “Sixtine” ở đường Lý Tự Trọng để nghe nhạc sống. Đại gia Hà gặp ai cũng chào hỏi, hắn làm ăn lớn nên quen biết nhiều. Ngồi bên nhau uống bia, nghe nhạc rồi chuyền tay hít những hơi cigares thơm nồng. Hạnh phúc nhiều khi cũng thật đơn giản…

24,25,26-8-2009

Những ngày cuối trước khi trở về Paris, cả nhà ra nghỉ ở Nha Trang. Tối đầu tiên mình có ghé Đại chủng viện Sao Biển thăm Cha Bề trên như đã hẹn trước. Hai cha con nói chuyện khá lâu. Ngài rất ưu tư trăn trờ, vì việc đào tạo các linh mục tương lai là một việc hết sức quan trọng và là gánh nặng không ít cho những người có trách nhiệm. Lúc chia tay, giữa không khí tĩnh mịch của ĐCV về đêm, tôi nhìn bóng dáng vị linh mục đang đứng đó đưa tay vẫy chào, mà lòng dậy lên một niềm thương cảm lẫn sự kính phục. Kính phục vì sự hy sinh lớn lao mà người mục tử đã chấp nhận để phục vụ con người, thương cảm vì dù sao vẫn còn đó sự cô đơn mà người tu sĩ phải cố gắng vượt qua.

Chúng tôi nghỉ ngơi 3 ngày ở đảo Vinpearl cùng với gia đình 2 người bạn cũng từ Paris về. Không khí nơi đây thật trong lành thoải mái. Tuy nhiên cảnh tượng chung quanh cũng gợi cho tôi một suy nghĩ có phần xót xa. Thế giới riêng tư này hình như chỉ dành cho Việt kiều, cán bộ và người ngoại quốc mà thôi; sự cách biệt không phải chỉ có ở một phần eo biển…

26,27-8-2009

Chuyến bay từ Nha Trang vào Sài Gòn không có gì trục trặc. Chúng tôi khá may mắn! Chả bù với người anh Họ; hôm qua rời Nha Trang lúc 11 giờ sáng mà mãi đến 11 giờ đêm mới về tới nhà. Chuyến bay ấy không đáp xuống được phi trường TSN vì mưa bão, phải quay trở lại nơi xuất phát. Đến khi xuống được Sài Gòn thì đường ngập nước, taxi không chạy được, đành phải tiếp tục chờ…

Cuộc gặp gỡ đại gia đình tối hôm ấy thật cảm động. Chúng tôi qui tụ tại một nhà hàng ở đường Sương Nguyệt Ánh, có đông đủ các anh chị Họ và gia đình các cháu. Tất cả hơn 100 người. Chúng tôi ăn uống trò chuyện thật thân mật ấm cúng, 11 năm rồi mới được gặp lại nhau! Tâm tình mọi người ai cũng như ai: gần gũi thân thương của các thành viên có cùng huyết tộc. Các cháu nhỏ nay cũng lớn hẳn ra, cuộc sống có vẻ thoải mái hơn mười mấy năm về trước. Cuộc gặp gỡ nầy hình thành cũng là nhờ công sức của bà chị Họ. Chị Lê đã tích cực quan tâm lo lắng, sắp đặt để có được buổi hội ngộ hôm nay. Cám ơn chị Lê rất nhiều!

29-8-2009

Ngày cuối cùng chúng tôi ở Sài Gòn, trời nắng thật đẹp. Sáng nay Dũng, người em Họ đèo mình bằng xe gắn máy qua nhìn lại căn nhà cũ ở Phạm Thế Hiển. Khu chung cư nầy không có gì thay đổi, cũ kỹ và bụi bặm hơn. Sau khi ghé thăm ông dượng đã trên 95 tuổi và bà cô, chúng tôi trở lại khách sạn. Không biết Viết Hùng và Đức Thủy có còn nhớ ngày xưa tụi mình chở 3 trên Honda bị cảnh sát thổi phạt ở đây không?!…

Chiều lại tôi cùng chị Lê và đứa cháu gái tên Bi ngồi chuyện trò ở sân thượng Rex. Chị em tâm sự cho tới tối, đến khi tôi cùng thơ và Kim Linh ra sân bay trở về Paris. Mỹ Linh còn ở lại với bạn bè thêm một tuần nữa.

Chuyến bay đêm cất cánh lúc 23 giờ 30. Từ trên cao nhìn xuống, phía dưới là thành phố Sài Gòn với ánh đèn đêm lung linh muôn màu thật ngoạn mục. Nơi đó còn ở lại những người thân thiết ruột thịt và bạn bè quý mến tri âm.

Thời gian 3 tuần về thăm quê hương trôi thật nhanh. Tình cảm, kỷ niệm vẫn còn đó: những cú điện thoại thường xuyên của Phạm Thanh Cương, Nguyễn Viết Hùng, cha Trần Ngọc Anh, Trần Dũng; những buổi họp mặt đây đó… Tất cả được ghi vào ký ức, như là một thứ chất liệu thúc đẩy con người mạnh dạn và tin tưởng tiếp tục đi vào tương lai của cuộc đời.

Anh em chúng mình đã đi vào tuổi ngũ tuần, một đoạn đường dài đã đi qua. “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Mệnh Trời đã an bài cho mỗi người một hoàn cảnh và một con đường. Con đường nào cũng có đoạn gập ghềnh chông gai, có đoạn bằng phẳng êm ái nhiều hoa thơm cỏ lạ. Rồi “con đường nào cuối cùng cũng dẫn về Rôma”. Tuy nhiên, điều rất đáng trân quý là dù trong hoàn cảnh nào anh em vẫn muốn tìm đến nhau để kể lại chuyện xưa, để chia sẻ tâm tình hay đơn giản chỉ để hiện diện bên nhau. Hiện diện bên người bạn là cách thế để nói lên rằng: chúng ta luôn “có nhau trong đời!” Có nhau trong đời vì một thời đã cùng chung sống dưới mái trường Chủng viện. Có nhau trong đời là lời động viên tích cực hướng về tương lai. Ước mong chúng ta luôn có nhau trong đời để mỗi người có thể đặt mình vào quỹ đạo “Đường thẳng, đường cong” của cha Trần Ngọc Anh, một suy tư gợi mở đầy xác tín, có thể dẫn đưa đời sống giới hạn đi vào cõi vô cùng.