KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Nguyễn Hùng Sơn, HT67

Tôi có một giấc mơ thật đẹp, ôm ấp những nỗi niềm, những rung cảm hằn sâu trong tiềm thức xa vời, chợt đi chợt về, mang cả vùng trời ngày xưa thương nhớ.

Gần đây, cái vùng trời của ngày xưa đó, nơi mà tôi đã sống, đã lớn lên trong một khoảng thời gian bé nhỏ, tưởng đã quên đi rồi sau 35 năm trời cách biệt, chợt trở về bên tôi. Tôi biết rằng vì những ngày gần đây, cứ gần gũi trở về với anh em HT67 trên mạng, những trang viết ngắn ngủn, những hình ảnh thân thiết, đang gợi lại trong tôi nhiều cảm mến dạt dào. Thế là cái vùng trời dễ thương đó lại trở về trong giấc mơ trăn trở. Thật ra, trong tôi có hai giấc mơ đã trở thành ấn tượng của cuộc đời: một dễ thương và một dễ ghét. Theo lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “một về từ đỉnh cao và một về từ vực sâu”. Chúng mang đến niềm vui và nổi buồn khôn tả.

Giấc mơ thứ nhất là giấc mơ của hoài cảm dễ thương. Đó là, thỉnh thoảng trong chuỗi ngày viễn xứ, trong giấc ngủ, thấy lại những hình ảnh thiết thân nhất của ngôi trường Tiểu chủng viện năm nào bên kia bờ Thái bình Dương xa vắng. Thân thiết quá đi thôi, dễ thương quá đi thôi, để bùi ngùi tiếc nuối khi bàng hoàng chỗi dậy. Ghê thật, chỉ có 7 năm trời ngắn ngủi ở đó mà thanh âm cứ vang vọng mãi đi thôi. Trong mơ, mình thấy mình đi qua hàng đoát già nua trên đường Đống Đa về Tiểu chủng viện. Vẫn là con đường sỏi đá hao gầy của ngày xưa. Tiểu chủng viện đây rồi! Nhà khách với bốn bức tường vàng ố, ông bọ già vẫn đứng đó với nụ cười nhăn nheo. Tôi lại vẫn vơ qua các hành lang chủng viện, thấy lại tượng Mẹ uy nghi nhưng dịu hiền trong sân trường im vắng. Tôi thấy cả hàng cây, ngọn lá, những chiếc càu nhỏ bé bắt qua hồ nước thơ mộng, và tháp chuông chủng viện vươn cao dưới bầu trời xanh biếc. Tôi nhớ lại những trưa nắng đẹp trời cùng chúng bạn chạy băng qua sân cỏ, đuổi bắt tơ trời óng ánh. Tất cả trở lại trong giấc mơ. Đẹp, thân thiết và nhiệm mầu.

Giấc mơ thứ hai đế với tôi là giấc mơ của cuồng nộ, của muộn phiền. Đến nay, tôi nhớ là tôi đã rời trường đại học Toronto đã 20 năm rồi thế mà thỉnh thoảng hình ảnh khung trường, lớp học và phòng thi quái ác đó thỉnh thoảng vẫn trở về trong giấc mơ cuồng nộ. Chúa ơi! Đề thi quá khó. Trước khi vào đại học tôi đã học lại 2 năm trung học ở đây để lấy lại các môn Toán, Lý và Hóa và cũng là lúc tôi bắt đầu học được bài học khiêm tốn ở đây khi mà cùng ngồi lại với các sinh viên ngày xưa đã từng là sinh viên của các trường Phú Thọ hoặc các phân khoa Khoa học để thấy mình thấp kém. Hết rồi cái hống hách và hóm hỉnh của một thời cứ tưởng mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”. Trở lại với khung trường đại học, trung bình của lớp, một vài kỳ thi, đôi khi không qua khỏi 20%, trong số đó có mặt các sinh viên thượng đẳng được Đặng Tiểu Bình gởi tới, chúng đâu có ngu dại. Chết chưa! Mình quá đèo bồng đi thôi! Thế là mỗi một sinh viên lại được cọng thêm 40 điểm để nâng điểm trung bình của lớp. Phải rồi, vì chủ trương của UofT, họ cố đưa tên tuổi của ngôi trường vào “top ten” theo báo chí thời đó. Ôi! Thật lắm hãi hùng. Bàng hoàng thức dậy. Chúa ơi! Con nằm mơ. Mừng hết lớn vì ác mộng đã qua rồi. Thật ra, khung trời đại học ở đây thật đẹp và quyến rũ, mang vẻ thanh bình muôn thưở. Đẹp từ hàng cây đến ngọn cỏ. Những hàng cây phong thẳng tắp cao tới trời xanh, phòng lớp vừa cổ kính vừa hiện đại, những thảm cỏ xanh, những lòng đường im vắng, và đẹp nhất là mùa Thu với lá vàng rơi rụng cả khung trường đại học. Hoàng Thu, con gái mình cũng đang học ở đây. Hoàng Thu đã vào năm thứ ba phân khoa Khoa học, thật vất vả cho cháu vì lắm đua tranh trên ghế học đường. Đến bây giờ mình vẫn giữ mãi một kỷ niệm thật vui hồi đi học ở đây. Đó là môn học nhiệm ý (elective course) Latin mà mình chọn lựa một cách dại khờ. Chuyện thế nầy, trong mỗi ngành học ở đây, đặc biệt là hai năm đầu, mỗi sinh viên có thể chọn một cua học làm môn nhiệm ý, mục đích để có đủ chỉ số của “cua” học, để đạt thêm tri thức tổng quát; và, nói một cách ngắn gọn, để lấy điểm. Mình vớ ngay lấy cua Latin Nhập Môn cho năm đầu trước sự ngỡ ngàng của hầu hết sinh viên Việt Nam ở đây. Đúng thế, môn Pháp văn là đã quá xa lạ vì thế hệ tụi mình đâu còn gì nữa để dây dưa với thực dân. Thế nên, chọn cua Latin làm môn nhiệm ý là cả một sự kinh ngạc đối với mọi người. Cho đến bây giờ, mình vẫn xác quyết rằng lịch sử của Đại học Toronto, trước và sau, sẽ chẳng còn một thằng sinh viên thứ hai dại dột, vì may ra chỉ có mấy thằng “taru” lỳ lợm như tụi mình mà dám liều lĩnh mà thôi. Nhưng mà... mình lầm! Vì những tưởng rằng sẽ quen... a không... tưởng rằng sẽ qua... Mình hân hoan ra mặt khi nhìn thấy cái “course contents” quá khiêm nhường với các declensions và conjugaisons quen thuộc mà hầu như mình đã học qua với Cha Lộc, Cha Thời hồi ở Tiểu chủng viện. Vào giờ học đầu tiên, mình nhanh chóng nhận ra đa số học sinh của môn học nầy trông già đi trước tuổi. Nói cho ngay các cụ tóc vàng mũi lỏ vẫn còn trẻ nhưng dáng dấp thật giống mệ Lợi của tụi mình hồi xưa ở Chủng viện. Đến cuối giờ, ông thầy giữ mình lại tại ngưỡng cửa lớp học, nhìn mình thắc mắc, ông hỏi: “Lý do nào mà anh chọn “cua” này? Tôi dạy cua nầy đã trên 18 năm ở đây, chưa từng thấy học trò Á Châu như anh. Anh muốn đi ngành cổ ngữ sao?” Tôi ấp úng: “Dạ không, thưa thầy”. Ông tiếp: “Vậy sao anh chọn cua nầy?” Tôi ngần ngại: “Thưa thầy, con thích”. Ông trợn mắt nhìn tôi: “anh có biết là cua nầy rất nặng,  dành cho những người đi chuyên ngành về cổ ngữ học, nếu anh định chọn cua của tôi làm nhiệm ý thì tôi khuyên anh nên bỏ ngay đi. Muốn qua cua nầy, mọi học sinh phải dành ra ít lắm là 15 tiếng đồng hồ cho một tuần, anh tin tôi”. Tôi thưa thầy: “Thầy cứ để con học, con nghĩ là con học được”. Ông vẫn chưa thôi: “Nhưng anh có biết một chút gì về Latin chưa? Lại nữa, tiếng mẹ đẻ của anh theo tôi biết, chẳng có liên quan pháp ngữ gì với Latin hết, anh biết phần lớn học sinh lớp nầy đã có khái niệm về cổ ngữ, có ngôn ngữ gần gũi, và có một số đã xong một chương trình cử nhân”. Tôi vẫn lì lợm: “Thưa thầy chẳng qua hồi nhỏ con có giúp lễ bằng tiếng Latin, nên có biết đôi chút, thầy để con học”. Ông cười thông cảm: “Tùy anh”. A, nói chuyện giúp lễ bằng tiếng Latin làm mình liên tưởng đến chuyện vui của anh em mình hồi ở Tiểu chủng viện. Số là Phan Văn Tân lớp mình, nằm kề giường mình năm lớp Đệ ngũ. Tân bị về vào dịp nghỉ Tết của năm đó. Mình nhớ sáng sớm ngày hôm sau là các chú ra về nghỉ Tết, thôi thì các chú bận rộn và hồ hởi làm sao, một số như mình đã dọn sẵn valise từ hôm trước. Ôi! Hạnh phúc biết bao. Các chú đâm ra dễ tính và nghịch ngợm. Lúc đó đã hơn 10 giờ đêm, tân đánh hơi được sự vắng mặt của Cha giám thị phòng ngủ, lúc đó là Cha Hồ Văn Quý, vì không thấy ngài đi bộ dọc hành lang như mọi hôm. Hắn chồm dậy lấy kẹo và sirop mua ở chợ trời Đông Ba làm bánh thánh và rượu thánh để dâng lễ. Tân trịnh trọng trải tấm khăn tắm vàng ố của hắn lên tủ và không quên kêu mình dạy giúp lễ cho hắn. Tạ ơn Chúa quan phòng, mình vẫn nằm im, không nhớ vì buồn ngủ hay vì “thánh” (nói cho ngay “thánh” thì không có đâu, thằng này nghịch đang trời, đã từng bị nhốt ở phòng hiếu động, do Cha Thành bày ra. Bây giờ lại bị Lê Dũng (Sáu) chửi rủa là mình đánh lộn với nó tại sân cỏ, việc nầy mình sẽ đề cập với Lê Dũng ở đoạn sau). Tân bắt đầu dâng lễ bằng tiếng Latin không có trong kinh điển. Hắn lên giọng thật cao “xê khu ra, xê khu vô”. Tội nghiệp Tân, Cha bề trên Đẩu, đã đến bên giường hắn không biết từ lúc nào. Mình bỡ ngỡ chứng kiến mà chẳng làm gì được gì để giúp Tân vì ngài đã đứng sau lưng Tân rồi. Tân vừa cao giọng “xê khu vô” thì đầu Tân quay ra ngoài. Ngài vồ lấy Tân, cho Tân một cú trời giáng và quát lên: “Xê khu ra, xê khu vô. Mai về.” Tân cuốn gói ra về từ sáng hôm sau. Anh em không còn gặp Tân từ dạo đó. May quá, Chúa quan phòng, nếu mình chồm dậy giúp lễ cho Tân thì cũng đã cùng chung số phận.

Trở lại chuyện “cua” Latin, mấy giờ đầu ông thầy rất vui, pha lẫn chút ngỡ ngàng vì bài kiểm tra của mình cứ “trăm phần trăm” cho những cái declesions: rosa, agricola, dominus và servus dễ ợt. Nhưng Chúa ơi, càng đi xa thì càng lún, bài vở chồng chất và chạy nhanh như phản lực Airbus, đúng như ông nói, mình đã hải dành ít nhất là 10 tiếng đồng hồ mỗi tuần cho môn nầy. Tới kỳ thi tam cá nguyệt thì đã dịch từng trang dài đại hải. Sau kỳ thi tam cá nguyệt trong lớp còn lại 7 người, trong đó có mình, 8 người đã ra đi không kèn không trống. Phóng lao thì phải theo lao, nếu mình bỏ cua nữa chừng, sẽ bị ảnh hưởng không ít khi xét đơn vào ngành, mà môn học thì cứ dần đần trở thành nặng nề, đến lúc đã phải biết thế nào là gegundives, thế nào là irregular verbs với: volo, nolo, possum... Thôi thì gắng vậy, chỉ mong điểm trung bình đừng quá đau thương. Nói ngay, nếu không có chút vốn liếng của Cha Lộc và Cha Thời ban cho thì mình đã chết đau thương từ những ngày đầu. Rồi những năm dài ở ghế trường đại học cay đắng cũng qua đi. Mình đi làm cho ngân hàng một thời gian, trong thưofi gian đó, vì là nhân vien ngân hàng nên được ngân hàng trả tiền học phí cho lấy cua kế toán hậu đại học. Mình trở lại UofT một năm rưỡi nữa. Kiến thứuc học đường, thời gian thực tập, và kinh nghiệm của ngày qua ngày tại văn phòng; bên cạnh, cái phong thái có sẵn của một “tu xuất” cho mình niềm tin thật lớn nơi khách hàng. Có điều trong bóng xế hoàng hôn của cuộc đời, mình đâm ra sợ hãi: sợ lỗi đức công bình quá đi thôi khi hành xử công việc. Ngày xưa khi tâm hồn còn phẳng lặng và đẹp như tờ giấy trắng học trò, mỗi lần đi xưng tội cha Bính linh hướng chỉ bắt xưng cái tội “lỗi đức thương yêu” mà thôi. Bây giờ, bác ái thì mình chả dám biểu dương, nhưng đức công bình thì mình luôn cổ xúy trong cuộc sống ít nhất là khi về chiều, sắp đến lúc phải đến trước mặt thánh Phêrô lạy lục ngài để mượn chùm chìa khóa. Đôi lúc mình thưa với Chúa: “Cám ơn Ngài, Ngài cho con rất nhiều, con biết, hơn rất nhiều người. Đàn ông chúng con chỉ gọi là hạnh phúc thật sự khi được “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây và lấy vợ Nhật”. Thưa rằng, con được hai cái. Nhà thì con mua lại của người Ý thì như là con ở nhà Tây vậy. Ăn cơm Tàu thì con ăn hằng ngày vì vợ con người Tàu cứ bắt con ăn xì dầu và “giò chảo quay”; lại nữa, ở đay con hay đi ăn tiệc ở nhà hàng Tàu, vì cái gì chúng nó cũng đem ra nhà hàng Tàu làm con phát ngán, chưa vào nhà hàng con đã biết tụi nó đem gì ra trước rồi. Có điều, con chưa bao giờ lấy vợ Nhật. Thứ nhất, vì luật hội thánh cấm lấy 2 vợ. Thứ hai, vì con già mất rồi. Cảm tạ Ngài thương con. Con tuyệt đối xác tín sự hiện hữu của Ngài. Ngài quyền năng và từ ái, Ngài là cùng đích, là ý nghĩa của muôn loài và sự vật. Không Ngài lấy gì mà cắt nghĩa được cái vũ trụ vô cùng vô tận nầy. Nhưng thưa Ngài con cũng có lắm điều trăn trở. Ngài cho con cái tri thức và cái minh triết quá nhỏ bé để hiểu và cảm nhận cái vô cùng, cái toàn thể của ngài. Sống giữa cái huyền bí của vũ trụ bao la, của trần thế phức tạp và của thế giới hổn loạn, sống giữa cái lằn mức mơ hồ giữa thực tế trần gian và cái siêu lý của thần quyền, lại sống giữa cái đa mang của các tôn giáo khác biết mang quá nhiều tính trần thế quanh con, con có nhiều ưu tư, trăn trở.” Nhưng con vẫn nhắm mắt để thưa rằng “Con tin có Ngài”.

Ngày xưa mỗi lần đi tựu trường về Chủng viện, mình thường đi bộ ra bến xe cùng với Nguyễn An Phong, cậu cháu nhưng cùng lớp. Mình không nhớ là có những áng mây bàng bạc trôi lơ lững trên bầu trời xanh không, nhưng nhớ là trời Quảng Trị thật trong xanh trong mùa tựu trường, khung trời thật cao cuối triền nắng hạ. Con đường Duy Tân những ngày đó thật nghèo nàn mà thương quá đi thôi. Buồn ghê, lại phải ba tháng xa nhà.

Hôm qua, ngày 13 tháng Giêng, 2010 đang viết đến đây thì phải dừng lại để đi dự lế tấn phong Đúc Cha Nguyễn Mạnh Hiếu lúc 3.00 p.m tại nhà thờ chính tòa St. Michael. Cha Hiếu là bạn học với mình thời ở UofT trong khoảng thời gian từ 1986-1989. Ngài học ngành kỹ sư điện, mình theo chương trình kế toán. Có một năm mình tập hát cho sinh viên Viêt Nam đại học Toronto vào dịp tết nguyên đán thì ngài là ca viên của mình, mình sắp ngài đứng hàng cuối, bên tay phải. Sinh viên nguyễn Mạnh Hiếu thật hiền từ, dịu dàng, khiêm tốn, và trên môi chàng luôn có nụ cười thật tươi. Ra trường thì mình đi làm cho ngân hàng còn ngài theo ơn gọi nên vào thẳng Đại chủng viện. Nay ngài được phong làm Giám mục Phụ tá cho Tổng Giám mục Thomas Collins thuộc Tổng Giáo phận Toronto. Tổng giáo phận nầy thật lớn, có trên 800 linh mục, quy tụ 48 sắc dân con Chúa. Các cộng đoàn công giáo như Trung Hoa, Ấn Độ, Phi luật Tân, Đại Hàn, Ba Lan, Ý Đại Lợi, Bồ Đào Nha... thật lớn so với cộng đoàn công giáo Việt nam nhỏ bé; nhưng, Chúa đã chọn Ngài. Thật cảm động khi ngài nằm sấp để đọc kinh cầu các Thánh. Xin Chúa ban ơn và gìn giữ ngài mãi mãi trên con đường tận hiến. Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục chủ tế có nói rằng: “Cái mức đọ truy tố ở Canada đối với các giáo sỹ tương đối còn thấp; nhưng, mức độ cám dỗ đối với chúng tôi thật lớn. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi”. Thánh lễ thật trang nghiêm và cảm động, giới hạn cho khách được mời. Mình đếm được có tất cả 31 TGM và GM, trong số đó có một TGM  và một GM Chính Thống giáo. Các ngài cũng tham dự với đầy đủ các nghi thức; có điều, các ngài làm dấu Thánh Giá bên tay phải trước. Dưới đây là tấm hình vợ chồng mình chụp với Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu trong đêm tiệc mừng.

Trở lại chuyện anh em tụi mình, hôm trước đọc bài của Lê Dũng (Sáu) mình xúc động thật sự. Cám ơn Lê Dũng còn nhớ và nhắc nhở chuyện xưa của mình. Thực ra, cuộc đời khi về chiều có những điều mình muốn nhớ mà cũng có những điều mình muốn quên. Điều muốn nhớ là hình ảnh dòng sông Thạch Hãn lững lờ muôn thưở đó, ôm cả dĩ vãng thời ấu thơ của mình mà mình chẳng muốn quên bao giờ. Những ngày cuối cuộc đời, ước mơ được về lại sống bên dòng song tĩnh lặng đó. Cái điều thương nhớ thứ hai là ngôi trường Tiểu chủng viện của bọn mình ngày xưa. Như đã nói ở trên, đẹp quá đi thôi, một thời để tụi mình sống và cũng là một đời để tụi mình nhớ.

Bên cạnh, có một điều mình lại cố quên thì lại đúng cái điều mà Lê Dũng nhắc nhớ. Thứ nhất, mình thật xấu hổ khi nghĩ lại mấy thế võ tầm thường của ngày xưa nông nổi. Càng sống càng ý thức; hơn nữa, càng sống lâu ở xứ sở nhân bản nầy mình càng hiểu được là chữ nghĩa và tri thức mới có khả năng giết người không gươm dao. Ông quan toà phán quyết một câu thì tên tội nhân, ở một vài tiểu bang Hoa Kỳ có thể lên ghế điện, hoặc ở Canada thì vào tù trọn kiếp. Rồi khi mà đa số thành viên trong Quốc hội thông qua hoặc phê chuẩn một nghị quyết thì bao nhiêu con em của đát nước Gia Nã Đại hoặc Hoa Kỳ sẽ phải đổ máu trên chiến trường xa xôi. Ông Bộ trưởng Quốc phòng của những nước dân chủ nầy mấy khi xuất thân từ chốn võ biền. Cái võ nghẹ vớ vẫn ngày xưa thật sự mình quên đi rồi. Xấu hổ làm sao, khi không ý thức được là võ đạo phải được đặt lên trên võ thuật, mà cứ luôn tưởng mình là minh chủ của võ lâm, oai trấn giang hồ. Mà Dũng nè, mình nghĩ là mình không đến nổi hồ đồ và ngông cuồng đến độ đi “tỷ”võ với người anh em. Minh không nhớ Dũng ạ. Thôi thì nhờ Ngọc Thanh làm chứng cho vậy. Có điều, cũng trên cái sân cỏ mà Lê Dũng nói đó, mình lại nhớ một chuyện thật vui kể về anh em chúng mình ngày xưa. Chuyện là, năm tụi mình học lớp 12, thầy Suyền, anh chú bác của Đức Thủy, dạy tụi mình làm trò chơi tháp người. ÔI chao! Qua đây thấy tụi nhỏ ở mỗi trường trung học tập luyện sao mà thuần thục và đẹp mắt quá. Chả bù, tụi mình ngày xưa thật quá thảm hại. Mình nhớ lại cái mô hình tháp người lúc đó đòi hỏi tầng dưới làm trụ phải có 8 tay to con, pha lẫn chút vai u thịt bắt thì càng tốt. Hàng dưới cùng gồm có: Vũ Quang Hà, Phạm Thanh Cương, Trần Thuận, Tùng và Tuấn dòng Thánh Tâm, bố Luận và hình như có cả Trương Hùng và Lê Huy nữa... Tầng thứ 2 có 4 đứa. Thầy Suyền lựa ra 4 đứa tương đối mảnh mai hơn gồm có: Cao Minh Dung, Nguyễn Đức Hinh, Nguyễn Hùng Sơn và hình như Nguyễn Viết Hùng và Giacobe Lộc. Tầng nầy chịu cho tầng thứ 3 ở trên; qui tụ 2 tay với thể chất mỏng manh hơn. Thằng Bích nghịch ngợm đứng ở tầng nầy cùng với cha Cao theo mình nhớ. Và tầng trên cùng là Lê Sáu (tên gọi thời đó). Sáu đứng trên cao chót vót và nguy hiểm vô cùng. Thế rồi, khi tầng dưới đã gồng mình, run chân đứng thẳng thì tầng hai tụi mình cũng bắt đầu vẹo mồm trợn mắt đứng dậy để nâng các tầng trên lên. Lúc nầy mới thấy Đức Ông Dung thật thảm hại, ngài đứng ngay trước mặt mình, mặt mày nhăn nhó vì qus sức chịu đựng. Bất ngờ, thằng Bích đứng ở tầng trên la lên: “Mẹ, Lê Sáu hôi “niệu”. Ôi chao! Cả tháp người đổ xuống vì không ai còn có thể nhịn được cười. Tội nghiệp! Lê Sáu rơi xuống như con diều bị đứt dây. Tụi mình cũng chẳng thua gì, té chổng cọng nằm chồng chất lên nhau, tiếng la ó và chen lấn hổn loạn cả một góc sân trường. (Nè, ai không hiểu chữ “niệu” thì cứ hỏi Trương Hùng hay Hà Thúc An, vì ngày xưa học Vạn vật với thầy Lâm, đến phần sinh lý, tụi hắn thật ranh mãnh cứ giả đò không hiểu để hỏi thầy Lâm. Còn muốn chắc ăn cứ gọi điện thoại qua Paris mà hỏi Dr. Minh Phước.)

Cái điều mà mình muốn quên thứ hai là cái kiến thức nhỏ bé và tầm thường về âm nhạc của mình. Nói ngay ra chỉ đáng làm trò cười cho thiên hạ, nhắc lại mình thấy hổ thẹn vô cùng. Lê Dũng nói rằng mình với giọng ca tuyệt vời trong bài ca “Bến Bờ Lưu Lạc” được phát trên đài VOA thì chỉ đúng có một nửa. Thật sự, bài ca “Bến Bờ Lưu Lạc” là 1 trong4 bài ca mình viết thời gian còn ở trại tỵ nạn Malaysia trong những ngày khổ cực. Và đây cũng là lúc mình quyết định rẽ hướng đi của cuộc đời. Anh Đỗ Bá Trị, trên tụi mình mấy lớp, cứ mãi ghẹo mình: “Thôi rồi, nhac cau đã đổi chiều”. Bốn bài hát này sau đó được thâu băng ở Hoa Kỳ vào cuối năm 1980 do các ca sĩ: Ngọc Minh, Thanh Thúy, Hải Ly và Mỹ Thể và một bài được phát trên đài VOA thời đó, cũng do giọng ca của nữ ca sĩ Ngọc Minh, chứ thực ra mình chưa bao giờ hát, vì muốn hát cũng chẳng ai cho. Những bài ca trên mang một đơn điệu giản dị và tầm thường ghi nỗi cảm xúc nhất thời của mình mà thôi, không phản ánh một chút gì về kỹ thuật âm nhạc. Nói ngay ra còn thua hai bài ca “trông kìa con voi” và “kìa con bướm vàng” mà tụi mình thường hay hát ngày xưa khi sinh hoạt hiệu đoàn ở Tiểu chủng viện. Nhưng chắc chắn là phải hay hơn hai bài “con kiến” và “con ve” mà Cha già Thích tập tụi mình hát ngày nào. Mình nghĩ là thằng Bích còn Thuộc hai bài này vì ngày xưa hắn thật chăm chú. Và rồi, mình thật sự giật mình khi đến Canada để nghe được những tác phẩm tuyệt vời ở đây, với trình độ và kỹ thuật hòa âm hoàn hảo, giọng hát điêu luyện, để thấy được cái giọng điệu “melodie” khiêm tốn của mình. Mình giã từ thơ ngây từ dạo đó, 30 năm rồi không còn nhắc nhở. Hiện tại văn phòng mình đang phụ trách kế toán và thuế vụ cho Thúy Nga Paris phân bố ở Canada, mà mình chẳng bao giờ hé môi về chuyện nầy.

Tuy nhiên, hiện tại mình đang theo đuổi một môn chơi nghệ thuật và vẫn chưa chịu ngừng lại ở đây. Đó là môn Khiêu Vũ Quốc Tế (International Ballroom Dance). Mình và bà xã, Khánh Cầm, đã theo học môn nầy 7 năm rồi, tại các trường dạy ballroom ở đây. Tụi mình hiện đang nằm trong danh sách “competitors” của tỉnh bang. Thời giờ, công sức và tiền bạc bỏ ra cũng đã nhiều cho trò chơi nghệ thuật tốn kém nầy; thế nhưng, đường đi còn xa vời vợi. Càng học thì càng thấy mình chưa đi đến đâu. Nhưng, ít nhất mình thấy được đây là môn nghệ thuật tuyệt vời vừa mang tính thể thao trọn vẹn mà càng ngày càng lắm người yêu thích. Tụi mình đã được mời đi nhảy biểu diễn nhiều nơi. Christmas vừa qua tụi mình nhảy biểu diễn cho hội y sĩ Trung Hoa tại Đại Thủ Phủ Toronto. Mùa hè năm trước, tụi mình được mời nhảy biểu diễn cho công đòng Ý Đại Lợi ở đây để xin tiền giúp nạn nhân bị ảnh hưởng bởi đông đất ở Bắc Ý năm rồi. Dưới đây là hai bức hình biểu diễn của tụi mình lấy từ internet.

Đến bây giờ tụi mình vẫn chủ trương không kiếm tiền trên nghệ thuật. Một đôi lần được trả thù lao cho công sức trình diễn, tụi mình đã xin ban tổ chức chuyển về từ thiện. Mình từ chối nhận tiền bởi hai lẽ sau đây: Thứ nhất, tụi mình muốn nghệ thuật phải tuyệt vời: Nghệ thuật vị nghệ thuật. Thứ hai, tài năng của tụi mình vẫn còn nằm trong làn mức amateurs (nghiệp dư) mà thôi, cho nên thật chưa xứng đáng với đồng tiền danh dự đó.

Hôm kia trong giấc ngủ mình lại mơ về Tiểu chủng viện. Như đã nói, thời gian nầy thường đọc thư anh em HT67 trên mạng nên hình ảnh đó chợt về. Trong mơ, mình thấy Tiểu chủng viện vẫn đẹp muôn thuở, không nếp nhăn của thời gian. Đẹp từ hàng cây ngọn lá, đẹp từ hồ nước đường đi. Thật ra, mình có về đây những ngày đầu năm 2006 cùng với Nguyễn Đức Long và Lê Văn Sử để nhận ra Tiểu chủng viện đã quá đổi thay, khác nhiều so với hình ảnh mà ấp ủ qua thời gian xa vắng. Xúc động thật sự, nước mắt như muốn trào ra, phần vì cảm động phần vì đau lòng. Mình đứng thật lâu nhìn lại sân trường Chủng viện mà lòng chùng xuống, Đức Long rất hiểu nên tôn trọng giây phút riêng tư của mình, cho đến khi anh cảnh vệ nhắc nhở là mình phải ra đi. Mình bước đi, chẳng thêm bớt một lời. Buồn quá đi thôi. Làm gì được nữa khi mà lệnh lạc của anh cảnh vệ, không chừng, còn lớn hơn cả hiến pháp nước nhà. Ôi thật xót xa! Trong mơ lần nầy mình lại gặp Trần Thuận trên hành lang đi về nhà nguyện nơi vang ra tiếng kinh chiều êm ái và du dương thanh thoát. Thuận mĩm cười thân thiết và bước đi nhẹ nhàng trên đôi chân lành lặn. Hình ảnh của anh chợt về trong giấc mơ của mình, phải chăng vì mấy ngày nay cứ nhìn Thuận qua tấm ảnh chụp ở Bình Châu và nhận ra thân thể của anh không còn nguyên vẹn. Cũng như nỗi buồn man mác đến với mình khi được tin Nguyễn Hoàng ra đi vĩnh viễn. Hai lần trở về thăm quê nhà đều được Hoàng mời đến nhà ăn tối chuyện trò. Hoàng cho ăn thật ngon và cho nghe nhạc thật hay. Lúc mình chào Hoàng để trở lại Canada, Hoàng không quên dặn dò: “Lần sau mi có về cứ tới nhà tao mà ở vì nhà tao đã bắt máy lạnh rồi, đừng ở khách sạn tốn kém, hễ mi ngại thì  trả tiền điện cho tao”. Ôi chao! Buồn quá đi thôi. Cuộc đời rồi có lúc cũng phải đi đến các ngõ rẽ.  Thôi thì cầu Chúa đưa Hoàng về bên Ngài miên viễn.

Gần đây, mình nhận ra là càng lớn tuổi mình lại càng đâm ra hồ đồ và vô lý. Cứ đòi làm được phép lạ để xoay ngược vòng quay thời gian đưa mình về lại nơi đó sống lại những ngày tuyệt vời bên anh em một đời yêu dấu.

Toronto, January 21, 2010