KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

 

Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh

Thượng Đế thường vẽ đường thẳng bằng những đường cong!”. Câu ngạn ngữ Ả Rập nổi tiếng này chợt đến với tâm trí, khi tôi ngẫm nghĩ về hành trình ơn gọi của bản thân và cách thức Thiên Chúa can thiệp trong cuộc đời mình. Nhìn lại 53 năm cuộc đời, tôi xác tín rằng TC - trong chương trình của Người - đã có cách làm, cách tính toán khác hẳn với con người chúng ta:

1. Trước tiên, Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong, trong cách thế lựa chọn các cộng sự viên gần gũi của Người. Theo lẽ thường, khi chọn một ai để trao cho người đó một nhiệm vụ quan trọng, người ta thường dựa vào các tiêu chí quen thuộc. Hẳn con người này phải giỏi giang, thông minh, nhiều tài năng nhất trong số những kẻ được chọn. Tuy nhiên, đó lại không phải là cách chọn lựa của Chúa!

Lớp chúng tôi  được hình thành từ niên khóa 1967-1968, với một con số tiểu chủng sinh đáng kể: 120 chú; chưa kể một số nhỏ khác được nhập thêm vào những năm sau đó. Trong số hơn 120 chủng sinh, được phân làm 2 lớp, sau nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đời, của đất nước, có 5 anh em được chọn làm linh mục, trong đó có tôi. Quả là khi nhìn đến cách chọn lựa của Chúa, tôi khá ngỡ ngàng vì Người đã không lựa chọn theo những tiêu chí của người đời. Đúng vậy, khi nhìn lại bản thân mình, so với các các anh em khác trong lớp đã cùng sống với nhau nhiều năm tháng dưới mái nhà Chủng viện, chúng tôi thấy rốt cuộc Chúa đã không chọn những “ngôi sao”, nghĩa là những người khôn khéo nhất, học giỏi nhất, nhiều tài năng nhất, nhưng lại chọn làm cộng sự viên của Người những con người chỉ ở mức từ “trung bình khá” đến “khá”.

Trong trường hợp của tôi, Chúa lại can thiệp cách đặc biệt hơn. Số là vào những năm 60 ở giáo phận Huế, có rất nhiều ứng sinh muốn sống đời tu, mà  khả năng đón nhận của Chủng viện lại có hạn; vì thế, cứ đầu mỗi năm học, giáo phận lại tổ chức một khoá thi tuyển. Vào niên khoá 67-68, khoảng 200 ứng sinh được tập trung và thử sống đời tu tại Tiểu Chủng Viện trong vòng một tuần lễ để các vị phụ trách đánh giá. Kết quả năm đó được công bố và tôi không thấy tên mình trên “bảng vàng”. Sau này, tôi mới biết mình “bị rớt” vì được đánh giá là khá rụt rè, ít nói. Vì thế, tôi theo học ở trường Jeanne d’Arc năm đó. Vào năm sau - niên khoá 68-69, nhờ sự bảo trợ của cha Quản lý lúc đó, tôi được nhận vào Chủng viện và nhập vào lớp 67, cùng với 3, 4 anh em khác nữa, mà không phải thi cử gì cả. Kể từ đó, mọi việc diễn ra xuôi xắn và tôi đã đi hết chặng đường đầu tiên. Cách nào đó, tôi đã được Chúa chọn gọi bằng một tấm vé vớt!

Khi nhìn Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong như  thế, tôi nghĩ là Người muốn tất cả các anh em linh mục chúng tôi ý thức một điều thật quan trọng: chúng tôi được chọn gọi không phải do tài năng, do đức độ của bản thân, nhưng hoàn toàn do bởi tình thương của Chúa. Chúa lại còn “liều lĩnh” chứa đựng bao ân huệ của Người trong chính bản thân yếu hèn chúng tôi - “những bình sành” - để từ đó ban phát chúng cho Dân của Người. Thật vinh dự được trở nên phương tiện Chúa dùng để bày tỏ tình thương và quyền năng của Người cho nhân loại. Chúng tôi dành cả một đời để tạ ơn cũng chưa đủ!

Tôi lại tiếp tục dõi mắt nhìn theo đôi tay của Chúa: Người  đã làm gì với các anh em còn lại trong lớp chúng tôi? – Thưa, Người “để dành” các anh em, đặc biệt các “ngôi sao” của lớp để tung họ vào cuộc đời. Chúa làm thế bởi vì thế giới này rất cần đến họ, như đấu bột muốn dậy lên thì cần đến những nắm men tốt. Chỉ những người sống ơn gọi Kitô hữu giữa đời mới có thể thật sự xâm nhập vào tận mọi ngõ ngách của bệnh viện, trường học, phố chợ, khu xóm để đưa vào đó các giá trị Tin mừng; điều mà các linh mục, tu sĩ không dễ gì thực hiện. Nhiệm vụ của những anh em đó nặng nề chẳng kém phận vụ của các linh mục. Họ cũng là những cộng sự viên đắc lực của Chúa trong chương trình cứu độ của Người trong đó, mỗi người được trao một phận vụ riêng biệt. Chúa là Đấng rất mực khôn ngoan, vì thế cách sắp xếp của Người luôn là cách xếp đặt hay nhất, tốt nhất cho cuộc đời chúng ta. Vì thế, mỗi chúng ta, linh mục thừa tác cũng như linh mục cộng đồng, hãy “vui với phận mình” và sống đến cùng ơn gọi làm chứng cho Chúa.

2. Thứ đến, Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong, trong cách thông ban ân sủng và tình yêu của Người. Từ con số hơn 120 anh em, ngày nay con số thành viên của đại gia đình HT 67 hẳn đã lên đến vài trăm người. Có những thành viên (phu nhân hoặc con cái của các anh em) tuy mới lần đầu đến với các buổi họp mặt, nhưng lại cảm thấy dường như giữa người cũ và người mới, đã có sự quen biết từ lâu. Có một mối dây lạ kỳ nào đó đã không chỉ liên kết cách chặt chẽ các anh em trong lớp, mà còn làm cho mọi thành viên của gia đình gắn bó với nhau. Mối dây đó không chỉ là tình bè bạn của những con người đã từng sống, học hành bên nhau dưỡi một mái trường, mà chính yếu là tình hiệp thông của những người - trong cùng đại gia đình đức tin – đã chia sẻ với nhau lý tưởng đời dâng hiến. Lý tưởng đó ngày nay vẫn không thay đổi. Sự khác biệt nằm ở chỗ mỗi người sống lý tưởng đó trong những lãnh vực khác nhau, theo bậc sống của mình.

Cách thức vận hành và luân chuyển tình yêu, sự sống trong đại gia đình đức tin này khá độc đáo: tình yêu và ân sủng được Thiên Chúa thông ban cho một người lại sẽ qua chính con người đó đến với mọi thành viên khác. Khi thấy một anh em thành đạt trong cuộc đời về mặt sự nghiệp hoặc tiền bạc, tôi thấy như chính mình được thành công, được trân trọng. Tôi vẫn loáng thoáng nghe các anh em, các chị em kháo nhau: “Năm cha của lớp mình!”. Những từ “của lớp mình” được thốt lên như để cho thấy ân sủng Chúa ban xuống trên các linh mục cũng là ân sủng Người ban cho các gia đình anh em. Ngược lại, tình yêu và ân sủng mà gia đình các anh em có được cũng là những gì mà các anh em linh mục đang cảm nghiệm trong cuộc sống. Ai cũng như được thôi thúc phải sống tốt hơn “vì các cha”, “vì các anh em đã lập gia đình” trong lớp.

Dĩ nhiên, sự hiệp thông trong đại gia đình đức tin này không chỉ là sự thông chia những thành công, thuận lợi, hạnh phúc, niềm vui mà còn là sự liên đới với nhau trong những mất mát, khổ đau, trong những ưu tư, lo lắng. Sự ra đi của một người vợ, một đứa con, sự trục trặc trong quan hệ vợ chồng của một gia đình anh em cũng là nỗi xót xa, trăn trở của các linh mục, của mọi thành viên khác trong đại gia đình. Cách vận hành của tình yêu và ân sủng trong gia đình Giáo Hội lạ lùng như thế đó. Đó là lời giải thích tại sao, sự liên đới giữa những người cùng chung một mái trường xưa cách đây mấy mươi năm lại là mối tương quan đẹp nhất trong các tương quan mà chúng ta có với các tập thể khác trong đời.

3. Sau cùng, Chúa vẽ đường thẳng bằng những đường cong, trong cách can thiệp vào các công việc, trách nhiệm của tôi trong hiện tại. Từ 4 năm nay, tôi được dự phần vào công tác huấn luyện các chủng sinh, với tư cách thành viên của Ban Giám Đốc, tại Đại Chủng Viện Sao Biển – Nha Trang. Trong quá trình làm việc, cũng như các cha trong Ban Giám Đốc, tôi thấy mình phải chu toàn một trách nhiệm dường như vượt quá khả năng.

Khó khăn trước tiên nằm ở khoảng thời gian các chủng sinh được đào tạo. Trước năm 1975, để có thể làm linh mục, người ứng sinh được rèn luyện, uốn nắn trên dưới 15 năm: 7 năm Tiểu Chủng Viện, 7 năm Đại Chủng Viện, 1 hoăc 2 năm giúp xứ. Chừng đó thời gian xem ra đã đủ để hình thành nền tảng căn bản của đời sống một linh mục tương lai. Từ năm 1975 đến nay, do hoàn cảnh đặc thù của đất nước, Tiểu Chủng Viện không còn tồn tại ở các giáo phận. Nơi chốn chính thức mà người ứng sinh linh mục được huấn luyện là Đại Chủng Viện. Thời gian ở chỉ có vỏn vẹn 6 năm cọng thêm 2 năm giúp xứ. Tám năm huấn luyện; chừng đó thời gian xem ra không đủ để xây dựng nền móng căn bản về các mặt nhân bản, tri thức, thiêng liêng và mục vụ nơi người ứng sinh linh mục!

Khó khăn thứ hai là việc huấn luyện được khởi đầu lúc tuổi các ứng sinh đã lớn. Ai cũng biết là việc tạo hình cây thuận lợi nhất là uốn nó lúc còn nhỏ; chứ khi cây đã lớn thì công việc trở nên khó khăn gấp bội. Ngày nay, phần lớn các chủng sinh vào Chủng Viện, sau khi đã tốt nghiệp đại học, chứ không phải là những cậu bé 12, 13 tuổi như trước đây. Điều đó có nghĩa là khi vào Chủng Viện, bên cạnh những điều tích cực, họ còn mang theo những thói quen, nếp sống ở đời, kể cả những dấu ấn của “thời đại xã hội chủ nghĩa”. Tuy đã cố gắng hết mình, cùng với các cha trong Ban Giám Đốc trong công tác huấn luyện, tôi vẫn thấy không hài lòng về công việc của mình và không thật sự an tâm về các tân linh mục.

Dip Hội Ngộ  Hoan Thiện 67 năm nay đã giúp tôi có lòng tin tưởng và một cái nhìn mới mẻ về vấn đề này. Trong số các anh em của lớp, có người đã ăn cơm nhà Chúa đến 8, 9 năm, có người 5,7 năm, có người chỉ vỏn vẹn 1, 2 năm. Tuy nhiên, ngày hôm nay, khi gặp lại nhau sau gần 40 năm xa cách, tôi thấy tất cả các anh em đều đã “thành nhân” và “thành công” trong đời. Xem ra ai cũng là những gia trưởng Công giáo biết sống và xử sự đúng mực. Có anh em tâm sự là tuy chỉ ở chủng viện có vài năm, nhưng ngày nay, trong những lần tiếp xúc gặp gỡ, người ta thường nhận xét là “nét nhà tu” vẫn không phai nơi người anh em đó. Thật lạ kỳ, một hai năm vắn vỏi trong Chủng Viện đó lại đã hình thành nên nét tính cách cơ bản của một con người. Chắc hẳn đó không phải là công trình của loài người, mà là việc làm của Chúa Thánh Thần.

Quả vậy, trong việc huấn luyện các ứng sinh linh mục, tác nhân đầu tiên và chính yếu là Chúa Thánh Thần, tác nhân quan trọng thứ hai là chính bản  thân người ứng sinh; sau đó mới đến vai trò của các nhà đào tạo. Như thế, Chuyến Hội Ngộ HT 67 đã nhắc nhở tôi một điều quan trọng: trước đây, trong quá trình huấn luyện các chủng sinh, tôi đã quá cậy dựa vào bản thân mà quên đi vai trò chính yếu của Chúa Thánh Thần – Đấng có khả năng biến đổi mọi thụ tạo nên mới. Chúa Thánh Thần có khả năng uốn nắn và hình thành những con người mới, theo cách của riêng Người, vượt xa trí hiểu và sức tưởng tượng của loài người chúng ta. Những suy nghĩ này đem lại cho tôi sự bình an và tin tưởng. Tôi như được nhắc nhủ: đừng làm thay công việc của Chúa Thánh Thần. Hãy dành khoảng trống cho Chúa Thánh Thần hoạt động và góp phần vào đó bằng việc hết lòng hết dạ chu toàn bổn phận được trao. Hãy tin tưởng và yêu mến các chủng sinh, các tân linh mục – những đối tượng của tác động Thánh Thần trong lịch sử và thời gian. Họ không thể không ngày một biến đổi nên mới dưới sức mạnh của Ân sủng và Tình yêu!

Gia đình HT67 ngày "HỘI NGỘ THẦY TRÒ" 22-7-2009, tại Trung Tâm Mục Vụ Huế