KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

 

Lê Xuân Hảo

Anh em cựu chủng sinh mỗi lần có dịp ngồi lại với nhau đều công nhận rằng: Thời gian ở Chủng viện, dù ngắn hay dài, đều có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống về sau của mỗi người. Riêng tôi, có thể nói, những gì tôi học hỏi được trong gần 10 năm “đi tu” là tất cả vốn liếng tri thức vào đời của mình. Bởi vì sau khi rời Chủng viện vào năm 1977, tôi phải xếp bút nghiên theo nghiệp... cuốc cày, và hô vang khẩu hiệu “lao động là vinh quang” cho tới hôm nay; không may mắn như một số bạn bè còn được tiếp tục con đường học vấn trên giảng đường đại học.

Như thế, chắc một điều: “Tôi” bây giờ và tất cả những gì tôi “có”, dù khiếm khuyết và nghèo nàn, đều xuất phát và có nền tảng từ những năm tháng ở Chủng viện. Do đó, công ơn của các Cha giáo và các thầy đối với tôi là hết sức lớn lao.

Dĩ nhiên có rất nhiều bài học hữu ích tôi thụ giáo được từ các ân sư; tuy thế, nhân dịp đang chuẩn bị bài vở cho tập Kỷ yếu HT67, tôi xin nói về chuyện “viết văn”.

Trong bài “Trở về Huế” của Hồng “bụng”, hắn khen tôi viết văn hay làm tôi thật xấu hổ. Thật lòng cho đến bây giờ tôi vẫn nghi ngờ về khả năng viết lách của mình. Bởi vì hồi còn ở Hoan Thiện tôi vốn là đứa dốt văn. Xin kể các bạn nghe chuyện nầy:

Năm chúng tôi lớp Đệ Ngũ,1970, cha PX Lê Văn Hồng (hiện nay là Giám mục Phụ tá TGP Huế) là giáo sư dạy môn Pháp văn. Có lần ngài ra bài về nhà: hãy viết một đoạn văn tiếng Pháp về “một ngày sống và làm việc của bạn”. Trong các giờ “étude” sau đó, tôi vò đầu bóp trán loay hoay mãi mà không viết được chữ nào. Làm sao đây? Không phải vì tôi yếu Pháp văn, môn nầy tôi thuộc loại trung bình trong lớp. Như thế không khó về ngữ pháp và từ vựng (với trình độ của 1 học sinh Lớp Chín), mà nguyên do là vì tôi quá yếu môn Văn nên không có được ý tưởng nào.

Học ban C (hồi đó gồm: Văn, Triết và Sinh ngữ) mà tôi lại nghiêng về Toán. Tôi còn nhớ hồi ở Đệ Thẩt, Đệ Lục cứ đến giờ Toán là thầy Thơ (trưởng nhập) lại gọi tôi lên bảng để giải các bài toán hình học cho các bạn cùng theo dõi. Nhưng tới giờ Văn của thầy Niên thì tôi thua, đã dốt lại cứ nghĩ là văn chương thì phải có năng khiếu thiên bẩm nên không chú ý gì. Tôi phục sát đất một số bạn trong lớp, sao họ viết lách tài tình đến thế! Như Hoàng Hiệp chẳng hạn, tôi còn nhớ rất rõ một câu văn bóng bảy của hắn trong bài văn được chọn làm mẫu tả về “Một hồ sen”, như sau “Ô kìa là những búp bàn tay thon thon của các cô gái 18 xuân thì...” Quá lãng mạng! Lớp Chín mà lời văn thật “tra trắn”. Rồi Nguyễn Đức Thủy với thơ phú đầy mình (có bài thơ “Lời dâng” Minh Phước gởi về cho tôi để đăng trong tập san HT67). Rồi Mai Nam Hùng soạn những bài “discours” vang dội. Rồi Trần Văn Dũng, Thế Phong, Minh Phước, Trần Dũng và nhiều bạn khác nữa.

Trở lại bài luận tiếng Pháp ở trên. Cuối cùng thì tôi cũng viết được chừng nửa trang giấp để nộp. Đến giờ Pháp tuần sau, cả lớp đều được phát bài, riêng tôi thì Cha giáo giữ lại để làm... bài mẫu. Có điều không phải mẫu biểu dương mà là mẫu để “dân xem thấy mà thương” và đừng có bắt chước. Bài văn bắt đầu như sau:

“À 5 heure du matin, je m’éveille. Je me lave la figure. Je prends le petit déjeuné. Je vais à l’école. J’entre la salle de classe. Je m’assieds sur un banc...” Và cứ thế tôi “kê khai” các công việc trong ngày.

Tôi nghe có tiếng cười khúc khích của các bạn khi Cha giáo đọc lớn “tác phẩm” của mình. Tai tôi lùng bùng và đầu tôi tăng nhiệt, quá “mất mặt”! Tuy nhiên sau khi đọc xong, Cha giáo từ tốn bảo tôi “Bài của con chưa được. Con viết văn đơn sơ quá, cứ tôi thức dậy, tôi rửa mặt, tôi ăn sáng, tôi đến trường... như vậy thì rời rạc lắm. Con phải làm sao liên kết các sự kiện lại với nhau và thổi cho nó một cái ‘hồn’”. Rồi ngài giải thích tiếp rằng: muốn được như thế cần phải có óc quan sát, sau đó tìm một ý chính cho bài văn, và cảm nhận nó, tức đưa tình cảm tâm tư của mình vào đó. Ví dụ: đi tới trường. Đi có nhiều cách đi, đi nhanh, đi chậm, đi nghiêm túc, đi thơ thẩn... Nếu ta đi tới trường với tâm trạng hân hoan thì đi cách nhẹ nhàng vui tươi; nghe tiếng chim kêu trên cành cây; những người gặp gỡ trên đường đều đáng yêu làm sao; và vào giờ học ngồi ngay ngắn để lắng nghe lời thầy giảng dạy... Ngược lại, nếu tới trường cách miễn cưỡng thì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thế là tôi bắt đầu học viết văn từ đó. Đi đâu tôi cũng mở mắt xem xét, tôi lắng tai nghe các âm thanh, tôi học cảm nhận những điều xảy ra chung quanh.

Thật ra hồi đó tôi chưa ý thức đủ, sau nầy khi trưởng thành và bước ra đời sống tôi mới hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài học viết văn. Với thói quen đã tập tành, tôi để ý quan sát thế giới chung quanh và nhận ra rằng quả thật “bá nhân bá tánh”, cùng một cảnh tượng nhưng có thể mỗi người có cái nhìn và cách cảm nhận khác nhau. Vụ 11-9-2001 ở Newyork chẳng hạn, lương tâm nhân loại lên án vì quá tàn ác và dã man, nhưng cũng có những người quá khích ở khu vực Ả Rập vỗ tay reo mừng. Rồi vụ động đất ngày 12-1-2010 vừa qua ở Haiti, con số thương vong lên đến hàng 100 ngàn. Quá thương tâm! Qua biến cố nầy có những người tín hữu thêm lòng cậy tin vào Chúa và cuộc sống đời đời vì biết rằng mọi sự là phù vân và chóng qua. Cũng có người oán hận Ông Trời sao để sự dữ hoành hành trong đời sống. Người khác lại dửng dưng vui chơi ở các tụ điểm giải trí xa hoa ở chốn thị thành mặc cho “ai chết mặc ai”... Tôi cũng biết đặt cho mình những câu hỏi qua những chuyện tai nghe mắt thầy hằng ngày, rằng: Tại sao ở thế kỷ 21 nầy người ta còn dùng “cơ bắp” để đàn áp người yếu thế? Tại sao giết bỏ các thai nhi và mở chiến dịch tấn công những người hiếm muộn? Tại sao xây cất thật nhiều nhà cao tầng và biệt thự để rồi có quá nhiều những gia đình tan vỡ? Tại sao... và tại sao... Quan sát, xem xét, đặt câu hỏi, lắng nghe cảm xúc và cố gắng liên kết các sự kiện theo một nhãn quan. Tất nhiên cái nhìn của tôi cũng không có gì khác hơn cái “ý nghĩa cuộc đời” mà các Cha giáo đã dạy trong Chủng viện.

Tóm lại, nhờ bài học viết văn năm xưa mà bây giờ tôi có thể viết được vài trang giấy để đóng góp với các bạn cho tập san HT67. Tuy nhiên, tôi còn muốn nói với các bạn một điều quan trọng hơn: đó là ngoài văn chương chữ nghĩa, bài học mà tôi thụ huấn Cha giáo Phanxicô khi xưa còn dạy tôi biết cách “viết cuộc đời” của chính mình. Tôi thích ý tưởng “cuộc đời là một cuốn sách” mà Cha Ngọc Anh đã viết ở phần “Lời mở” của Kỷ Yếu.

Đời tôi là một cuốn sách, tôi cần tìm cho mình một ý chính hay một “tiêu đề”. Như đã nói, tiêu đề không gì khác hơn những gì các Cha giáo đã dạy ở Chủng viện mà Cha Minh Cao nhắc lại trong dịp Hội ngộ Mẹ-Con ở La Vang tháng 7 vừa qua: đó chính là Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể. Tất cả đều phải qui hướng về Ngài, và mọi sự đều được nhìn trong ánh sáng Tin Mừng. Dù nặng nề tội lụy nhưng tôi luôn hướng về Ngài và cầu xin cứu vớt. Rồi trong nhãn quan Tin Mừng, tôi cố gắng mở to đôi mắt để nhìn thấy và đón nhận tha nhân cùng những khác biệt, bởi vì tất cả nhân loại đang lênh đênh trên cùng một con tàu vượt biển. Tôi cố gắng mở tai lắng nghe điều hay lẽ phải và tiếng kêu của người đau khổ. Tôi cố gắng ý thức và mở miệng nói lời thân ái thay vì lên án anh em. Tôi cố gắng sử dụng đôi tay để dựng xây thay vì phá đổ. Tôi cố gắng dùng đôi chân để bước đi trong công lý thay vì lạc lối u mê. Cuối cùng, theo Lời Đức Kitô, tôi cố gắng mở rộng con tim để bao dung và yêu thương tha thứ. Chắc chắn các bạn cũng đồng ý với tôi rằng “viết đời mình” còn khó hơn viết văn rất nhiều. Nhờ ơn Chúa, chúng ta phải nổ lực đến cuối cuộc đời mới mong có phần kết luận “có hậu”.

Xin hết lòng cám ơn Cha giáo Phanxicô đã dạy cho tôi bài học “viết văn”, từ đó tôi biết ý thức để cố gắng viết cuộc đời của chính mình ngày càng chỉnh chu và trôi chảy hơn.

Xin hết lòng tạ ơn các Cha giáo và các thầy đã dạy dỗ và trang bị cho tôi những hành trang cần thiết và rất quý giá để đi vào con đường đời có nhiều chông gai mà cũng có lắm niềm vui.ٱ

14-1-2010
Lê Xuân Hảo, HT67