KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Trần Văn Dũng
Bút danh Người Trầm Lắng

Thời gian trôi đi thật nhanh, nhanh đến nỗi trong nhóm Hoan Thiện 67 chúng tôi không ai nghĩ mình còn có cơ hội gặp mặt lại khá đầy đủ anh em như lần “Hội ngộ về nguồn” tháng 8 vừa qua. Hơn bốn mươi năm qua đi, sau bao biến cố thăng trầm trong lịch sử với nhiều cảnh phân ly, đặc biệt sau lần giải thể Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, hơn 1/3 anh em và gia đình chúng tôi mới có dịp qui tụ hành hương về cội nguồn. Thăm lại mái nhà xưa gói trọn biết bao nhiêu kỷ niệm khó phai, nhớ về một thời niên thiếu đầy ắp những hoài bão, ước mơ cao đẹp; qui tụ bên bóng Mẹ Hiền trong một không gian trầm lắng tĩnh mịch của đêm La Vang, ngồi cạnh nhau nhớ lại những người vắng mặt hoặc đã về bên kia cõi vĩnh hằng quả thật là những khoảnh khắc khó quên trong một đời người. Chặng hành trình Nam Bắc dài cả ngàn cây số trước đó cũng hầu như ngắn lại, bao mệt nhọc lo âu của cuộc sống tất bật đời thường hình như bị lãng quên dành hết cho những tâm sự vui buồn, những lời ca tiếng hát, những nụ cười râm rang niềm hạnh phúc đoàn viên. Những bữa cơm đạm bạc nhưng ngon miệng hơn bao giờ hết vì thấm đượm hương vị ngọt ngào của tình thân hữu. Hạnh phúc đó càng sâu đậm và mang một ý nghĩa cao siêu hơn khi nó được hoà quyện vào trong âm hưởng của những bài thánh ca, những lời cầu nguyện tự phát, những giây phút quây quần huynh đệ chia sẻ Lời Chúa bên bàn tiệc thánh. 

Đối với tôi, cuộc hội ngộ huynh đệ Hoan Thiện 67, ngoài niềm vui gặp mặt còn là cơ hội bất ngờ giúp tôi tìm lại những khuôn mặt thân thương của những người bạn “bất tử”. Chân dung của anh em hôm nay, tuy vẫn không có nhiều thay đổi, nhưng những dấu vết của năm tháng và cuộc sống lam lũ đã lấy đi ở họ nét hồn nhiên ngày xưa. Quả thế định mệnh đã đưa đẩy chúng tôi mỗi người mỗi ngã, với những hoàn cảnh, cuộc sống, nghề nghiệp khác nhau làm cho dáng dấp, phong thái đồng nhất ngày nào hầu như không còn. Những nét chấm phá đa dạng trên khuôn mặt mỗi người có thể giúp tôi cảm nhận được những giá trị “thánh giá” Chúa trao gửi cho từng số phận. Tuy vậy, bên trong những bức chân dung ấy tôi vẫn nhận ra dấu ấn đặc biệt chung của anh em tôi, những người con của “Hoan Thiện”, luôn luôn đượm thắm tình yêu của Thiên Chúa và toát lên sự quảng đại của Tình người. 

Bằng sự kiên trì trong Đức tin, tình thương yêu đng loại, anh em tôi đã vững vàng ra đi “vào đời”, khẳng định chính mình, dùng vốn liếng như “nén bạc” Chúa giao, như “hạt lúa” rơi vào nhiều vùng đất tốt sinh lợi cho Nhà Chúa. Phần lớn anh em chúng tôi, trong đó có những người đã từng là gương mặt sáng giá của chủng viện, học giỏi tài năng như Lê Ngọc Chiếu, Mai Nam Hùng, Hà Thúc An… nhưng lại được Chúa chọn cho một đời sống bình dị giữa giới cần lao. Sự lam lũ trong các ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp hoặc nghề tự do với nhiều nỗi nhọc nhằn giúp họ hiểu được những giá trị lao động của đại đa số đồng bào, sống gần gũi với mọi người để dấn thân phục vụ tông đồ trong giáo xứ, giáo phận như Đặng Hoà, Lê Xuân Hảo, Phan Thắng, Jacq. Lộc hoặc khiêm nhượng hy sinh làm “vú em” chăm nuôi các cháu để vợ con đi làm ăn như Đỗ Bá Tinh Thần. Một số không ít anh em khác, lãnh nhận sứ vụ làm thầy giáo như Nguyễn An Phong, Phạm Thanh Cương, Trần Văn Dũng, Dương, Hội, Quỳnh, Trung, Nguyễn Uý, Trần Văn Hoà, Bích, v.v…mang lương tâm, đạo đức sống và kiến thức mình học được truyền bá, hướng dẫn cho tuổi trẻ, dạy dỗ đào tạo các em thành người tốt, có ích cho gia đình, đất nước và xã hội. Một số khác lại là những doanh nhân thành đạt đi xây dựng nhà cửa, tạo mái ấm cho nhiều gia đình như Viết Hùng, các công trình phục vụ dân sinh, tạo ra công ăn việc làm cho anh em trong lớp và cho nhiều người thất nghiệp như Vũ Quang Hà, Gioan, hoặc tô điểm phục vụ tiện nghi cho cuộc sống con người như Nguyễn Đức Thuỷ, Trần Dũng, giới thiệu “non sông gấm vóc” mang niềm vui đến cho du khách thập phương như Nguyễn Đức Long, phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân như Trần Minh Phước, Lập. Và cao quý hơn tất cả, đó là năm anh em sống đời tận hiến, hy sinh hạnh phúc cá nhân phục vụ đàn chiên như các cha Nguyễn Luận, Lê Minh Cao, Đức Ông Nguyễn Minh Tâm; đào tạo ơn gọi như cha Trần Ngọc Anh hoặc làm rạng rỡ giáo hội toàn cầu như Đức Ông Cao Minh Dung. Các Ngài còn là chỗ dựa tinh thần cho anh em chúng tôi, luôn cầu nguyện cho tất cả chúng tôi hàng ngày, tạo ra sự hiệp thông vô hình siêu nhiên giữa chúng tôi bằng ơn Chúa và sự nâng đỡ của Mẹ Maria Vô Nhiễm.  

Bên cạnh những anh em may mắn hơn, tôi không thể quên được khuôn mặt của anh Trần Văn Thuận, dáng người cao lớn như tấm lòng nhân hậu tình cảm của anh. Với nụ cười luôn nở trên môi, sống chan hoà với mọi người, lạc quan ngay cả lúc đang còn nằm trên bàn phẫu thuật chưa rõ tương lai như thế nào sau lần tại nạn khủng khiếp biến anh từ một con người năng động giờ phải sống trên chiếc xe lăn. Tuy không còn đi lại làm việc nuôi sống gia đình, anh vẫn nuôi dưỡng nghị lực vươn lên làm người có ích, tập đi nạng để khỏi phiền người khác và giúp đỡ việc nhà cho vợ con. Thỉnh thoảng nhớ bạn, anh lại réo điện thoại nói chuyện hằng giờ và đôi khi làm mặt “dỗi hờn” mỗi khi anh em quên hỏi han. Tôi còn nhớ đến những anh em vắn số, phải từ bỏ bố mẹ và người thân sau nhiều năm vật vả vì cơn bệnh tâm thần. Đó là anh Phan Mẫn, hồi nhỏ hay trầm tư, yêu thích vẽ chân dung. Kế đó là Nguyễn Thanh Minh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ba anh em sống nhờ vào Ông bác linh mục, ra chủng viện rất sớm vì tội “quá hiếu động”, tự do tuỳ tiện. Sau nầy ra học với chúng tôi ở Jean d’Arc cũng vậy, anh hay chuồn giờ đi ngủ, nhưng rất tốt bụng và dám “chịu trận” thay cho bạn bè. Hình ảnh về anh Hoàng nghệ sĩ, dáng người cao gầy, hút thuốc uống rượu không ai bằng, luôn rõ nét trong ký ức tôi. Anh cùng anh em Sàigòn hay dẫn tôi đi “nhậu lai rai” hoặc thưởng thức cafê thính phòng đến tận nửa đêm mỗi khi tôi có dịp vào công tác. Tôi còn nhớ lần cuối cùng tôi gặp Hoàng, hai đứa về ngủ dưới sàn nhà nghe nhạc tâm sự. Hoàng cho tôi biết bạn sẽ ra Long Khánh mở quán làm ăn và dặn tôi thế nào cũng phải ra đó ở lại chơi cùng bạn ấy. Tôi nhận lời nhưng chưa có dịp thực hiện thì bạn đã đột ngột ra đi sau một tai nạn rất thương tâm. Còn lại một “thằng bạn” nữa là Huỳnh Văn Liên, người rất “bảnh trai”, có khiếu ăn nói rất “điệu nghệ” nên nổi tiếng “đào hoa” kể cả lúc mới rời chủng viện. Liên là bạn thân của tôi từ lúc năm thứ nhất Đại học, hai đứa chúng tôi thường đi học trên chiếc xe máy “ngựa nhà trời” của tôi. Hồi ấy tôi cũng như Liên, thuộc típ “dễ lọt mắt phái đẹp” nên có nhiều bạn gái. Khác với tôi, bạn ấy học cừ hơn và cũng “tán gái” bạo hơn, sống kiểu nghệ sĩ trong khi tôi thì lại sống chững chạc mô phạm, chịu khó và kiên trì hơn. Chúng tôi chia tay nhau sau khi ra trường. Một thời gian sau, Liên đưa vợ con vào Sàigòn mưu sinh và từ đó chúng tôi ít có liên hệ, kể cả những lúc tôi vào gặp mặt các bạn khác, Liên cũng ít khi đến có lẽ vì mặc cảm. Cuộc sống sau nầy của Liên cũng có lắm nỗi gian truân. Rồi một hôm, Liên lặng lẽ ra đi để lại vợ và hai con gái còn tuổi ăn học trong cảnh cơ hàn. Thật may cho Liên, với nghĩa cử huynh đệ, anh em Sàigòn đã lo hậu sự cho anh và đưa về an táng tại quê nhà ở Huế. Tưởng nhớ lại các anh em đã khuất, chúng ta không khỏi chạnh lòng, xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho linh hồn của họ sớm về với Chúa trên quê hương “hạnh phúc vĩnh cửu”.    

Và còn biết bao chân dung khác mà trong giới hạn bài viết nầy và do hạn chế của ký ức, tôi vẫn chưa thể gợi nhớ hết được. Tuy vậy khi hình dung lại những người bạn cũ một thời sống ở Hoan Thiện, tôi vẫn mang mãi một hoài niệm về những con người thân thương, chân thật, giản dị và lòng tràn đầy sự quảng đại. Chính nhờ vào bản sắc đồng nhất nầy mà anh em chúng tôi, dù ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, không gian nào đi nữa cũng mãi tìm gặp được nhau. Từ đó tôi tin rằng, chỉ bằng sự hiệp thông trong niềm tin vào Thiên Chúa và bằng niềm vui được chia sẻ mà nhiều anh em trong chúng ta đã thực hiện, chúng ta mới gầy dựng được mối dây liên đới thân tình như hôm nay. Cầu xin cho tinh thần nầy luôn mãi tồn tại và phát triển giữa anh em Hoan Thiện để mỗi chúng ta thật sự trở thành phân tử của tế bào “67 ” trong một tinh thần “Hoan Thiện bất tử”. 

Huế, ngày 4 tháng 11 năm 2009.