KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Gioan Nguyễn Viết Bích, HT67

NHỚ VỀ CHỦNG VIỆN

NHỚ THƯƠNG BẠN BÈ

Vào một buổi sáng đẹp trời mùa Hạ, hắn rời xứ Kim Long, bên dòng sông Hương êm đềm, nơi hắn từng học từ thủa bé để đi vào chủng viện dự lớp “tuyển tu sinh” hai tuần. Hắn ngỡ ngàng trước vẻ bề thế, trang nghiêm của chủng viện, trước những ánh mắt hiền hoà nhưng nghiêm nghị của các cha giáo. Hắn ở đó cùng các bạn đi thử khác, nhưng lúc đó hắn chỉ nhớ được có mấy tên ngồi gần là Ái, An, Bình (anh ruột Hà Thúc An) và Cao. Chỉ dự tu hai tuần thôi nhưng hắn lại nhớ nhà da diết, nhớ thắt cả ruột, nhớ tràn trong tim, bởi lẽ đây là lần đầu tiên hắn xa nhà, hắn cảm thấy hai tuần mà như hai mươi năm. Do đó mỗi đêm, hắn nói với Bình hoặc Cao, hai người nằm hai bên giường của hắn, nếu ai chưa ngủ thì nhớ gõ vài tiếng ở cái tủ nhỏ ở kề bên giường nhé! Nhờ vậy mà lòng hắn đỡ buồn khi đêm về, đỡ cô đơn khi các bạn còn thức. Rồi hai tuần cũng qua đi, không biết thế nào mà Hắn cũng được chọn vào con đường tu nghiệp, hắn vui sướng trở về nhà, báo tin “đậu” vào chủng viện rồi, gia đình cũng vui và nỗi nhớ nhà cũng nguôi ngoai. Sau nầy khi đã thành chú, qua nhiều lần tựu trường và về nhà, hắn chẳng còn cảm thấy nhớ nhà như trước nữa…

Từng năm, từng năm, lớp hắn học từ từ bớt sĩ số, một số bạn chỉ sống với nhau được vài tháng, một số vài năm, đến năm cuối cùng thi tú tài thì chỉ còn khoảng 30 người, hắn vẫn còn trong số đó. Nhưng một số đổi thay xảy ra trong năm cuối cùng, có một số bạn tiếp tục chuyến hành trình ơn gọi, một số dứt áo ra đi như Trần Dũng, Lê Huy, Trần minh Phước, Huỳnh văn Liên….Còn hắn và một vài bạn khác như Hà thúc An, Dương công Khánh, Lê Sáu thì xin đi giúp xứ. Hắn được phân công giúp xứ ở Truồi cùng với Lê Sáu, phụ với cha quản xứ là cha Ngô Văn Nhơn, công việc thường ngày là dạy học lớp 2, lớp 3 trường làng, dạy giáo lý, tập hát ở các xứ đạo nhỏ chung quanh…

Thế rồi, biến cố 30 tháng 04 xảy ra, hắn trở về nhà được một thời gian ngắn, sau đó ra Huế và tiếp tục nhập học tại ĐCV Xuân Bích cùng với một số bạn bè cùng lớp, lớp dưới và một số lớp trên. Nhà rộng, người thưa chỉ có vài chục người, chia ra ở rộng thênh thang mà vẫn còn một khu vực không ai ở. Sau một thời gian ở chủng viện, sống, học tập, rèn luyện tu đức, hắn được tham gia lao động khai phá ruộng rẫy ở Ngọc Hồ… Nhưng rồi hắn cảm thấy chán nản, bi quan, lơ là, không còn ý chí , chẳng còn quyết tâm, hắn bước vào một lối rẽ khác…Và vào một ngày trời thu ảm đạm, hắn vĩnh viễn xa rời Chủng viện, lòng buồn rười rượi. Nhưng hắn thầm nghĩ: “Thà làm một giáo dân bình thường, hơn là một linh mục không thể chu toàn sứ mạng”.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, thế là đã mấy chục năm trôi qua, đầu đã lốm đốm muối tiêu, mắt đã hằn đâu đó vết chân chim, nhưng lòng hắn vẫn không quên Chủng Viện và bạn bè yêu dấu. Có nhiều đêm trong giấc ngủ, hắn mơ về cuộc sống Chủng viện, cùng bè bạn vui chơi hồn nhiên, thú vị, những cú tranh nhau nhảy hồ để vớt banh, vớt banh thì ít nhưng bơi thì nhiều, rồi những lần lén lút lên sân thượng, nhảy vào hồ nước dùng chung, vẫy vùng thoả thích, và những lần leo lên tháp chuông hóng gió…vân vân và vân vân…… Đến khi giật mình thức giấc, hắn cảm thấy buồn và thấy tiếc, sao giấc mơ không kéo dài thêm chút nữa, để tâm hồn hắn có thể thảnh thơi hạnh phúc sống như thuở ngày xưa êm đềm ấy.

Và rồi ngày đó cũng đến, ngày mà Hắn hằng mong ước trong tim; đó là ngày quay về đoàn tụ với anh em ở các vùng miền khác nhau, trở về xứ Huế thân thương, nơi mà hắn đã được đào tạo, nơi mà hắn đã âm thầm ra đi. Ngồi trên xe cùng với anh em ở Sài Gòn - Xuân Lộc, Ban mê Thuột - Nha Trang rồi Đà Nẵng, những câu chuyện hỏi thăm rôm rã, những tiếng cười đùa thoải mái của những chàng tu xuất gặp nhau, những bài hát của bạn bè gởi tặng nhau, được trao đến từng người và tập hát tốc hành trên xe, thật vui hết chỗ nói. Tuy vậy tâm hồn hắn vẫn nao nao, bồn chồn, chờ đợi… Chờ đợi thời gian được sắp xếp trong lịch trình là về thăm lại Tiểu Chủng Viện thân yêu ngày đó.

Huế bây giờ thay đổi khá nhiều, những con đường khác hẳn ngày xưa; nếu bỏ hắn một mình giữa phố chắc hắn sẽ lạc mất. May nhờ có MC Đức Long dẫn đường mới mong tìm được Chủng Viện một cách nhanh nhất. Qua những hàng cây đoác già nua còn sót lại, Chủng Viện ngày xưa yêu dấu đã xuất hiện trong tầm mắt của hắn. Không như hình bóng xa xưa còn sót lại trong ký ức thuở nào, Tiểu chủng Viện ngày nay đã thay đổi; người ta đã biến Chủng viện thành một trường Phổ Thông và một nhà luyện tập thể thao. Người lạ, cảnh lạ, nhưng nhìn chung kiến trúc cơ bản của Chủng Viện vẫn còn đó, vẫn dãy lầu mới, lầu cũ, và hồ “Đức Mẹ” mà hằng đêm các anh em chủng sinh đứng vòng quanh hát những bài hát đầy ý nghĩa mà đến nay vẫn còn vang vọng trong tâm hồn hắn, bài hát hắn nhớ nhất là bài “Salve Regina” và bài “Chúng con kính chào Nữ Vương mẹ nhân ái”… Hắn đứng đó, tần ngần nhìn ngắm cảnh xưa, nhớ lại chuyện cũ, lòng bồi hồi xúc động. Nhìn ngôi nhà nguyện mái tròn xinh đẹp giờ đây hoang vắng, nhìn tháp chuông sừng sững oai nghiêm nhưng không còn thánh giá. Bất giác lòng hắn se lại, một cảm giác đau nhói trong tim và tự nhiên mắt hắn hoe lên.

Không, không! Chủng Viện không mất, Chủng Viện tuy thay đổi theo thời cuộc, nhưng trong lòng của mỗi người đã từng được sống, đã từng được rèn luyện, dù ít dù nhiều, chắc hẳn hình ảnh Chủng Viện vẫn còn mãi trong tâm can; và cũng chính nơi đó, trong môi trường Chủng Viện, các chú bé ngây thơ ngày nào, bây giờ đã thành những người tóc đã hoa râm, đã bước qua đỉnh “Parabol” của cuộc đời, vẫn giữ trong mình một nhân cách sống, một lối sống đầy tính nhân bản, đầy lòng vị tha, đầy lòng bác ái và tình huynh đệ đoàn kết yêu thương, của các thế hệ đàn anh, của chính lớp hắn cùng các lớp đàn em khác.

Ôi! Trái tim Chủng viện, trái tim Hoan Thiện, trái tim đã không bao giờ biết mỏi mệt, đã bơm bầu máu nóng của mình đi khắp châu thân, đã nuôi dưỡng, bồi bổ các tế bào trong cơ thể, đã tạo nên các thế hệ chủng sinh, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, từ lớp người nầy đến lớp người khác, tuy mỗi người mang một trọng trách khác nhau, người theo ơn gọi, người bước vào đời. Nhưng tất cả, tất cả mọi cựu chủng sinh đều mang trong mình hành trang đầy ý nghĩa, đó là  “LÒNG BÁC ÁI và TÌNH YÊU THƯƠNG”

Một lần nữa, tự nhiên tâm hồn hắn lại vang vọng bài hát Kinh Hoà Bình “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dạy con…”

Thương hoài ngàn năm, nhớ về Chủng viện, nhớ thương bạn bè. Mong ngày gặp lại. Thân ái xin chào.