KỶ YẾU LỚP HOAN THIỆN 1967 KỶ NIỆM 42 NĂM (1967-2009)  
 

NỘI DUNG

 

 

Home
Chân dung Thánh Tôma Thiện.
Trong lòng Mẹ Hội Thánh.
TRANG HÌNH ẢNH
Lớp Mẹ Vô Nhiễm: Một thoáng nhìn.
Các Cha giáo sư TCV Hoan Thiện.
Đôi lời giới thiệu lớp HT67.
Hội ngộ Mẹ Con.
Đường cong và đường thẳng.
Sinh từ lòng biển.
Thơ: Lời Dâng.
Hương lòng dâng kính ân sư.
Nhớ ơn Thầy.
Viết văn và viết cuộc đời.
Kính nhớ về Thầy.
Lần ... chuỗi đời.
Ba mươi năm trước...
Nhạc: Đừng lo chi (Nguyễn Đức Thủy)
Những người thả neo.
Thơ Thanh Quân: Vi Diệu.
Chân dung những người bạn.
Cựu Chủng sinh Huế vùng SG-XL.
Mầu nhiệm và hồng ân.
Đi mô rồi cũng nhớ về Hoan Thiện.
Một ngày trong đời.
Xin tạ chút ơn.
Trở về Huế.
Thơ: Tan hợp.
Nhạc: Cảm tạ tình Cha, tri ân tình người.
Làm... Lầm... Lỡ...
Khoảnh khắc.
Cao nguyên xanh.
Gió trần gian.
Phước đến...
Ca trưởng Phong.
Loài hoa quý.
Về Huế.
Nhạc: Tạ Ơn Chúa (Thế Phong).
Chuyện tiền trạm.
Trên từng cây số Hội Ngộ.
42 năm Hoan Thiện 67 Hội ngộ.
Có những gặp lại.
Nhạc: Dâng Mẹ (Hoàng Văn Hiệp).
Tâm sự hậu trạm
Một chuyến về quê.
Thơ: Xa mà gần (Trần Dũng).
Nhạc: Nói với nhau hôm nay.
Thương hoài ngàn năm.
Dư âm ngày ấy.
Người đặc biệt.
Thơ: Trên đỉnh yêu thương.
Nhạc: Mừng ngày vinh thắng (NĐ Thủy).
Hoan Thiện 67: Hè rực lửa.
Huấn luyện.
Tâm tình của 1 CCS HT67
Hậu trạm hay tiền trạm.
Xem bóng chuyền.
Thơ: Xuân xa nhà.
Nhạc: Tiếng ca cung đàn (T Phong).
Nhớ nhớ... quên quên...
Thư gởi HT67 tuổi 35.
Thơ: Tâm sự của tuyết.
Tường thuật Bổn mạng 2009: Bình châu.
Lếu láo qua đường.
Thu. Nhớ anh em.
Nhạc: Xin hãy trao nhau (HV Hiệp).
Người về từ Paris.
Thằng Mõ.
Những cái tát.
Hồi ký Dê Niên.
Thăm trường xưa.
Giấc mơ.
Tường thuật Hội Ngộ HT67.
Lời cám ơn.
Thư giãn.
Danh sách Hoan Thiện 67.

Trần Văn Dũng
Bút danh Người Trầm Lắng

“Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người, gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối. Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại nầy, gần nhau trao cho nhau hơi ấm trong tình người. Cho dù rừng thay lá xanh đi, cho dù biển cạn nước bao la, ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi…”. Dư âm bài hát ngày nào vẫn mãi sống trong ký ức tôi, nó luôn gợi nhớ trong tôi một thời đầy ắp những kỷ niệm đã qua bên cạnh những người bạn thân thương trong mái nhà Hoan Thiện. Đó cũng chính là lời ru ngọt ngào đưa tôi vào đời khi rời ghế chủng viện, định hướng cho ý tưởng sống phục vụ con người trên cương vị một “nhà giáo”. Và cả trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống làm thầy, phải đối diện với những thiếu thốn, đắng cay trong nghề nghiệp, định bỏ cuộc nửa đường, lời ca đó lại vang lên trong tâm thức, tiếp nghị lực cho tôi thực hiện “ thiên chức khai phóng” mà mình đã chọn: sống và mang tình người đến cho các thế hệ học trò giữa một xã hội đầy dẫy những bất công, lừa lọc, lắm khi thiếu bóng tình người.

Tôi tự nguyện rời xa chủng viện sau lớp 9, sau một thời gian dài ba mẹ cho vào “tập tu” từ lớp một tại Trường Tiểu học Thánh Giuse, Phủ Cam cùng với các bạn như Đức Ông Cao Minh Dung, Cha Trần Xuân, v.v… và sau đó vào Tiểu Chủng viện Hoan Thiện. Mãi đến lúc ấy, tôi chẳng hiểu biết gì về thế giới bên ngoài và cũng chẳng có ý niệm gì về thiên chức tu trì, chỉ biết học hành, vui sống cùng bạn bè. Thế rồi ngày lại ngày, sau các bài suy gẫm buổi sáng của các cha về ơn gọi, chứng kiến nhiều anh “trưởng nhập” vào tu, tôi mới nảy sinh ý tưởng “tự thử thách ơn gọi” của mình. Sau nhiều lần linh hướng, tôi trực tiếp đến gặp cha Giám đốc Phaolô Lê Văn Đẩu, cha bảo trợ của mình, để xin Ngài cho tôi làm “chủng sinh ngoại trú”, ra học ở Trường Thiên Hữu và Jean D’Arc cùng với nhiều bạn tu xuất khác như Nguyễn Uý, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Trường Sơn, Lê Duy Khánh (Vinh), Trần Đức Phong, Trần Bá Thảo, Đặng Hoà, Minh, v.v…Ngay hồi đó, nhờ được giáo dục từ nhỏ ở trường tu, tôi đã hình thành ý tưởng chọn nghề sư phạm để một mai nếu không được làm “cha” thì cũng được làm “thầy” mang “tình Chúa” vào lòng xã hội để xây dựng “tình người”.

Cùng một số anh em khác như Trần Bá Thảo, Trần Dũng, Huỳnh Văn Liên, Nguyễn Đức Long, chúng tôi theo ngành sư phạm, cùng chung một hoài bão cao quý “phục vụ giới trẻ” trong lòng xã hội, thực hiện “thiên chức truyền giáo” mà chủng viện đã hun đúc. Khi còn học phổ thông cũng như Đại học, anh em chúng tôi không hề rời xa nhau, luôn sát cánh bên nhau trong học tập, trong đời sống đạo và hoạt động xã hội ở các đoàn thể công giáo tiến hành, các nhóm thiện chí khác trong xã hội. Nhớ lại những tháng ngày cùng anh em đi “khất thực” ở các đường phố để giúp người nghèo, đi phục vụ các trại tế bần, các nhà cô nhi, đi “cứu đói” đồng bào hàng chục cây số đi bộ ở Ngũ Điền mà lòng tràn ngập niềm vui, quên cả nhọc nhằn. Những nghĩa cử của “Tám mối phúc thật” thật ý nghĩa cao đẹp làm sao!!!

Nhưng hạnh phúc nào đâu có mãi. Thử thách lại đến với chúng tôi những năm sau đó khi mỗi người mỗi phương, đến nhận công tác ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của tổ quốc, có nơi không có cộng đoàn, không có bóng dáng nhà thờ nhưng với “Đường Hy vọng” chúng tôi vẫn xác tín ra đi mang Chúa đến với anh em ngoại giáo bằng lương tâm, trách nhiệm và tình người, sống khó nghèo thiếu thốn nhưng lòng vẫn bình an trong Chúa.

Nhớ lại thời ấy, cứ mỗi sáng thức dậy và mỗi tối đi ngủ, hình ảnh và tiếng chuông nhà thờ vẫn thánh thót thúc dục tôi nhớ về quê nhà. Nghĩ đến giờ nầy mọi người thân đang kinh lễ, tôi cầu nguyện để có được sự bình an, rồi lên lớp dạy học, đi lao động, sống chan hoà tình cảm với tất cả mọi người. Buổi chiều tan trường tôi lại theo đám học trò nghèo ở trọ câu cá mò ốc cải thiện bữa ăn. Tình cảm thầy trò lúc ấy thật thân tình biết bao!!!

Thấm thoát ba năm trôi qua, tôi lại phải rời xa đám học trò nghèo thân thương ấy chuyển về một trường nông thôn khác cách nhà chừng 30 km trong điều kiện kinh tế và công tác khó khăn gấp bội. Ở đây, trong suốt 10 năm, ngày nào tôi cũng cùng một số đồng nghiệp vượt hơn 50 km bằng những chiếc xe đạp cũ kỹ, ọp ẹp đến trường dạy học trò. Buổi trưa thầy trò lại quây quần chia sẻ các “mo sắn độn cơm” với nhau, chỉ có muối rau nhưng luôn đậm thắm tình người. Sau đó lại lao động sản xuất để cải thiện cuộc sống; rồi trên đường về nhà nhặt bó củi khô dọc đường hoặc bó rau dại về chăn nuôi. Một số ngày không có tiết hoặc buổi tối, tôi lại phải đi xe đạp thồ kiếm tiền thêm nuôi hai con nhỏ; ngày chủ nhật sau lễ sáng hai vợ chồng lên gom lá thông ở đồi Thiên An về làm chất đốt. Cuộc sống thật khó khăn nhưng hạnh phúc gia đình vẫn đầm ấm, hàng tháng còn giúp anh chị em sinh hoạt gia đình trẻ trong giáo xứ, giúp cha bề trên dạy tiếng Anh cho các em nghèo trong giáo xứ.

Thế rồi, cùng với những đổi thay của đất nước trước thời kỳ mở cửa, 10 năm sau tôi được giới thiệu về Huế dạy lần lượt tại hai trường phổ thông nổi tiếng ở Huế, rồi được các thầy giáo cũ mời dạy thêm ở Đại học trong 5 năm trước khi được trúng tuyển học bổng cử đi tu nghiệp nước ngoài nhiều lần. Từ đó đến nay vừa giảng dạy ở trường phổ thông và Đại học, vừa tham gia quản lí chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên. Ở vị trí mới, được sự tin tưởng của Sở Giáo dục và đồng nghiệp trong cơ quan, sự gắn bó học hỏi lẫn nhau giữa đồng nghiệp, tình cảm của học sinh, sinh viên, tôi càng thăng tiến hơn trong sự nghiệp chuyên môn, phát huy năng lực, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, cống hiến nhiều hơn cho đồng bào và đất nước. Nhờ đó tôi luôn tìm được niềm vui, tự hào về thiên chức mình đã chọn theo sự an bài của Thượng Đế và sự phân công của xã hội.

Nhìn lại 33 năm công tác trong ngành giáo dục, mặc cho những thăng trầm trong cuộc sống và đồng lương kiêm tốn, nhưng nhờ tình cảm thân thương của các thế hệ học trò, sự kính trọng của phụ huynh, sự chân thành của nhiều đồng nghiệp chân chính, tôi cảm nhận thật hạnh phúc về những gì mình đã phục vụ xã hội. Niềm vui đó có được từ tinh thần sống phục vụ tha nhân bằng thái độ chân thật, cảm thông, tôn trọng và tha thứ mà chủng viện đã hình thành trong tôi.

Giờ đây, tĩnh lặng hồi tưởng lại quãng đời của mình, xâu kết với cuộc đời thăng trầm của mỗi anh em lớp Hoan Thiên 67, suy nghĩ về mối dây thân ái giữa anh em chúng ta, tôi cảm nghiệm được một sự gắn kết siêu nhiên đang tồn tại giữa anh em chúng ta. Mối liên hệ “không nơi nào có được” này, theo tôi nghĩ, không những chỉ đơn thuần bắt nguồn từ những kỷ niệm đẹp của một thời bên nhau mà còn sâu xa hơn từ một niềm tin vào Thiên Chúa, một thái độ yêu thương phục vụ con người mà chúng ta thừa hưởng từ mái trường chủng viện.

Mong sao những tâm sự và suy nghĩ nầy sẽ nhận được sự đồng cảm của tất cả các bạn lớp 67 và các anh em cựu chủng sinh Huế.

Huế, 30 tháng 10 năm 2009.