HT66 – Ký ức tuổi hoa niên. Phần 1

Thứ sáu - 06/03/2020 18:44
Thằng tôi hình như cũng thuộc nhóm “khờ” nhưng có lẽ nhẹ hơn nên thường được gọi là Liêm “khớt’ cho nó “tế nhị”. Còn Liêm Péter là cái tên được phổ biến hơn và xuất hiện từ năm lớp đệ ngũ.
liem ht66 1
 
1. Tuần “tu thử“

”Lã Đợi là một anh chàng, nhận mình là một chú con. Chú chi mà chú chi lạ lùng! Làm chú sao mà hay mếu, điệu dáng có vẻ thảm thương. Này hỡi! chú hãy cười đi, nắm tay bạn bước theo nhịp nhàng“. Lời bài hát này tôi nhớ như thế và bây giờ tôi vẫn còn hát được bài này. Bài hát để lại ấn tượng với tôi như thế vì nó diễn tả đúng tâm trạng “chú con” của tôi lúc bấy giờ.

Qua 2 tuần “tu thử” vào dịp hè năm 1966, chừng 200 đứa chúng tôi mỗi đứa nhận 2 phong bì, 1 cho phụ huynh và 1 cho cha xứ. Nội dung trong phong bì quyết định đứa nào được nhận vào chủng viện hay không. Không biết các bạn khác có đứa nào dám bóc phong bì ra để biết được số phận của mình, phần tôi thì phải về đến nhà chờ ba mạ bóc ra để đọc phán quyết cho cuộc đời mình: “Được tu hay không?”. Ai được nhận sau thời gian sát hạch đó thì được nhận vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện (số 11 đường Đống Đa, Huế) niên khóa 1966-1967, sau đó tu được bao nhiêu năm hoặc bao nhiêu tháng hoặc ngày đều được xem là Cựu chủng sinh (CCS) lớp Hoan Thiện 1966 (HT66).

2. Lớp HT66

Năm đầu tiên ở Tiểu chủng viện (TCV), theo chương trình Pháp, được gọi là Septième (đệ thất, tương đương với lớp 6 bây giờ), chúng tôi trên 100 đứa được chia làm 2 lớp: lớp A và lớp B theo thứ tự vần: Từ A đến P (lớp A) và từ Q đến vần cuối (lớp B). Qua năm sau, có một số bị “về”, mà lớp B lại bị “về” nhiều hơn nên phải điều chỉnh lại: vần cuối lớp A là M (Minh), đầu lớp B là N (Nam). Sở dĩ tôi nhớ rõ chuyện phân chia lớp này sau nửa thế kỷ vì liên quan đến một nhân vật trong lớp mà đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy thương.

3. Biệt danh

Vì lý do nêu trên, năm Septième, Nam “sư cụ” ngồi bàn cuối lớp A, năm sau chuyển qua lớp B, trở thành vần đầu nên “bị” làm “Trùm” (trưởng lớp) theo truyền thống. Được gọi là “sư cụ” vì người hớt tóc rất ngắn, làm Trùm, nhưng Nam lại là lính mới trong lớp B, lại không được nhanh nhẹn cho lắm nên hay bị bạn bè trong lớp làm khó. Một bữa nọ, đến giờ vào lớp rồi mà cả lớp phải đứng đợi bên ngoài vì Trùm chưa xuống mở khóa cửa, nên khi Trùm mở cửa thì lãnh một loạt rất nhiều cú “trọi” vào đầu. Nhìn Trùm Nam ôm đầu khóc, tôi và các bạn lớp A cảm thương người bạn cùng lớp cũ, nhưng đành đóng vai Philatô vì không thể “xen vào chuyện nhà người ta”.

Hầu như đứa nào trong lớp tôi cũng có biệt danh. Tay nào dáng vẻ đạo mạo quá thì được “phong thánh”, số này khá nhiều nhưng tôi chỉ còn nhớ như Dũng “thánh”, Hiền “thánh”, Hiến” thánh”. Rồi còn có Ái “lọ”, Anh “căng”, Ánh “ặp ặp”, Chiến “loa”, Dũng “Gió”, Lương “chị”, Phong “oác”, Hưng “mệ”, Hiền “chị”, Hiến “Bẹt”, Hiếu “Bẹt”, Tâm “Bẹt”, Hưởng “điếc”, Thanh “filet”, Xuân “cầy”, Sỹ “ba lô”, Hải “Đớ”, Đề “Lòi”, Tâm “sẹo”, Phước “đại”, Minh “5 vợ” … Biệt danh phổ biến nhất có lẽ là “khờ” vốn dành cho mấy đứa trông “ngáo ngáo, không bắt nhịp được với cách ứng xử của số đông, dẫn đầu nhóm này là Anh “khờ”, Nam “khờ” ….

Thằng tôi hình như cũng thuộc nhóm “khờ” nhưng có lẽ nhẹ hơn nên thường được gọi là Liêm “khớt’ cho nó “tế nhị”. Còn Liêm Péter là cái tên được phổ biến hơn và xuất hiện từ năm lớp đệ ngũ (lớp 8, lúc này trường đã chuyển qua chương trình Việt). Đầu năm học đó, cha Giuse Trần Văn Lộc bắt đầu giờ học đầu tiên môn Pháp văn do ngài phụ trách bằng việc đánh giá trình độ tiếng Pháp của học trò mới. Cha nói:

- “Chaque persone donne moi trois verbes du premier groupe en ER” (mỗi người cho tôi ba động từ nhóm thứ nhất vần cuối là ER).

Cuộc sát hạch bắt đầu từ bàn đầu cho tới bàn cuối. Với vốn từ học được trong hai năm chương trình Pháp, trong vòng đầu tất cả đều kể ra ba động từ thuộc loại trên khá dễ; nhưng bắt đầu từ vòng thứ hai (tôi ngồi bàn đầu), vốn từ bắt đầu “cạn” và các chú phải “rặn” từng chữ một, đến phiên “chú tôi” thì chỉ kể được hai động từ rồi tịt ngòi.

Lúc đó, đằng sau nghe có tiếng nhắc “péter, péter”. Như chết đuối vớt được phao tôi lặp lại ngay: “PÉTER”. Phía đằng sau tôi bắt đầu có tiếng cười râm ran và có tiếng xầm xì cho tôi biết “péter” có nghĩa là “địt” (đánh rấm). Cha giáo Giuse có lẽ không muốn đánh mất sự nghiêm túc của giờ học đầu tiên nên “mở đường thoát” cho tôi, ngài hỏi lại:

“Répéter hả?”, tôi biết ý ngài nhưng “Répeter” thì có người kể rồi và “peter”, theo tôi biết, vẫn là “premier Group en ER” nên vẫn lặp lại:

“Dạ, thưa cha, peter”.

Cha giáo lại cho một cơ hội nữa:

“Au tableau. Ecrivez!”. Tôi hơi hoảng nhưng vẫn dũng cảm viết lên bảng viết: “péter”. Cha giáo thấy “hết thuốc chữa”nên đành chuyển đề tài. “Péter” gắn liền với tên tôi từ đó, nghĩa của từ thì không hay ho gì nhưng người biết nghe cũng có vẻ “tây tây”.

Những điển tích hấp dẫn gắn liền với biệt danh như thế chắc chắn là nhiều lắm, một mình tôi không thể kể hết được.

4. Bột sữa và bánh kẹo Mỹ

Năm thứ 3, niên khóa 1968-1969, đã bị “về’ nhiều rồi nên dồn lại còn một lớp thôi (khoảng 50 người). Cũng là sau Tết Mậu Thân nên dấu tích bom đạn còn hiện diện khắp nơi, nhưng điều đám trẻ chúng tôi quan tâm chính là nhà chơi, nơi dành cho các môn thể thao trong nhà, đã bị trưng dụng là nhà kho chứa, bột bắp, bột sữa, … của Caritas để cứu trợ cho dân vùng chiến sự. Mất nhà chơi nhưng bù lại lũ trẻ có dịp thò tay qua các khe hở của cửa kéo bằng sắt để móc bột sữa từ các bao giấy rồi đổ vào cuộn giấy hình chóp nón để đổ vào miệng ăn thỏa thích. Thích thế thôi chứ sáng nào cũng được uống một ly sữa to tổ chảng rồi. Thời gian đó WC khi nào cũng toàn mùi sữa!

Hấp dẫn hơn là kho chứa bánh kẹo Mỹ của Caritas, vốn sử dụng một phòng ở lầu một trước đây là phòng bệnh, “thấy đó mà khó ăn thay”! vì cửa luôn khóa kỹ. Thế mà không biết bằng cách nào mà bánh kẹo Mỹ thơm ngon, hấp dẫn lại đầy nhóc mấy tủ quần áo của một nhóm trong lớp chúng tôi, để lúc nào thuận tiện là từ nhóm đó được phát cho bạn bè ăn thỏa thích. Sự việc cuối cùng các cha cũng biết và cả nhóm đó được ‘lên đường” về quê. Tôi chỉ nhớ được người đứng đầu nhóm tên là Huế và nhân vật khác có biệt danh là Minh “heo” (vì mặt hơi mập), vì Minh thường là người trực tiếp chia bánh kẹo cho tôi. Sau này chúng tôi được biết nhóm của Huế lấy bánh kẹo trong kho bằng cách leo máng xối từ tầng trệt rồi cạy cửa sổ để vào! Tôi vẫn nhớ dáng của Huế là cao, gầy, rất nhanh nhẹn và có tiếng leo trèo giỏi.

5. Đánh lộn

Năm lớp 9 (năm nầy nhà nước đã gọi tên lớp từ 1đến 12), cha Cẩm, Giám luật (GL), dạy lớp tôi môn tiếng Pháp. Đăng, tên giấy tờ là “Tân”, nên được gọi là Đăng “Tân” đọc trại ra là Đăng “ten” thuộc lớp HT65, xuống học với lớp tôi và ngồi cạnh tôi. Cha GL vì “bề bộn công việc” giám sát việc giữ lề luật của bọn trẻ nên thay vì giảng bài, ngài thường ra bài tập cho học trò tự làm. Ngài cũng không mấy khi chấm bài, nên đứa nào muốn làm bài thì làm, muốn chơi thì chơi, tình cảnh rất là hỗn tạp, học thì không tập trung được mà chơi cũng không xong (giờ học mà! Chơi là phạm luật, tức là có tội đó!).

Tôi cũng không biết làm gì hơn đành phải ngồi làm bài “exsercises”. Khổ nỗi Đăng “ten” lại không làm bài mà lại chọc phá tôi. Hắn lấy ngón tay thọc vào cánh tay tôi làm tôi vừa đau lại vừa không viết bài được. Không kềm chế được cơn giận, tôi đứng dậy, dùng hết sức đấm liên tục vào mặt bạn. Mặc dù có võ nhưng bất ngờ quá lại kẹt giữa băng ghế và bàn học nên không thi thố được võ công nên Đăng “ten” đành chịu trận. Đến lúc tôi ngừng tay thì Đăng chỉ còn một thế võ là chúi đầu vào bụng tôi và “ủi” tôi từ đầu bàn đến cuối bàn, tưởng rớt xuống sàn nhà bể mất cái mông nhưng may nhờ có mấy đứa nào đó thương đỡ cho nên không sao cả.

Cha Louis Bính tình cờ đi ngang, thấy lộn xộn nên chạy vào, dễ dàng nhận ra ngay “diễn viên chính”, ngài nắm hai bàn tay tôi và nói “Con giận lắm phải không, tay con đang run quá trời đây nè!”. Tôi không ngờ lại nhận được một lời cảm thông như thế dù tôi đang phạm luật, mà tội đánh lộn là nặng lắm, chỉ có nước “về” thôi! Cha có nói gì với Đăng “ten” và các bạn khác không thì tôi không nhớ vì quá xúc động.

Ngay lúc đó cha GL nghe có ‘biến” nên vào ngay thì cha Louis đành bỏ đi vì giờ học đó thuộc trách nhiệm của cha GL. Cha GL lớn tiếng hỏi: “Đứa nào đánh lộn?”, “Dạ, con”, tôi trả lời ngay không chút sợ sệt gì hết, “về” là cùng rồi. “Ra khỏi lớp”, ngài ra lệnh, tôi bước ra ngay khỏi lớp và đi về hướng nhà chơi. Đi được một đoạn, nghe ồn ào, tôi nhìn lui thấy cả lớp đều bị đuổi ra khỏi phòng học. Thấy tội mình càng lớn hơn, kỳ này “về” là cái chắc.

Thế mà tôi chờ hoài không thấy cha bề trên gọi cho “về”, chắc là đến kỳ nghỉ Tết hoặc hè cho “về” luôn cho tiện. Nhưng năm tháng dần trôi, bạn bè rơi rụng dần, tôi cùng 23 bạn khác học cho đến năm cuối TCV và được phép nộp đơn lên Đại chủng viện. Đăng “ten” “về” lúc nào và vì lý do tôi không còn nhớ. Điều tôi vẫn nhớ và luôn lo lắng là hắn “có võ” và nếu hắn trả thù thì tôi chắc chết. Tuy nhiên điều đó không bao giờ xảy ra. Hắn còn rất vui vẻ với tôi sau “trận” đó. Đăng “ten” tốt hơn tôi tưởng rất nhiều.

6. Bánh và rượu nho

Chú Hải “phòng thánh” có một chùm chìa khóa thật to, trong đó có chìa khóa phòng thánh. Có lẽ vì nó to và nặng quá nên chú không mang theo mà cho vào hộc bàn quỳ của chú ngay trước phòng thánh. Năm đó, chúng tôi học lớp 9, vì đã được giúp lễ nhiều lần rồi nên cũng khám phá ra trong phòng thánh cũng có điều hấp dẫn, bánh lễ và rượu nho! Sau khi ăn trưa, khi mọi người chuẩn bị nghỉ trưa thì tôi rủ chừng năm đứa lấy chìa khóa của chú Hải đang để ở hộc bàn quỳ và lén mở cửa vào phòng thánh. Đây rồi! ngoài một bình nhỏ chỉ còn một ít, có một chai rượu nho còn nguyên và một thùng bánh lễ (loại 10 lít). Thế là 5 đứa xơi sạch cả bánh và rượu, không chừa lại tí nào! Xơi xong, cả nhóm ra khỏi phòng thánh để lên lầu nghỉ trưa. Lúc này, cả bọn mới nhận ra là mặt Liêm Peter đỏ rực. Kiểu này thì cha hay các chú lớn mà thấy thì lộ tẩy hết. Tôi phải đi sau và khum lưng cúi đầu để các bạn che cho. May mắn quá không gặp ai khác vì còn trong giờ nghỉ trưa. Lên đến nhà ngủ là nhảy lên giường lấy chăn trùm kín. Thoát nạn!

Sáng hôm sau, đến giờ lễ, thấy chú Hải lật đật chạy ra khỏi phòng thánh thái độ rất hốt hoảng và vội vàng. Chắc chạy lên các nhà nguyện nhỏ trên lầu để kiếm bánh lễ và rượu nho!...

(Còn tiếp phần 2)

Lê Thanh Liêm HT66
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 

Tác giả: Lê Thanh Liêm HT66

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập639
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm637
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại956,050
  • Tổng lượt truy cập57,057,687
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây