Làm linh mục và làm cha

Thứ bảy - 20/07/2024 21:20
Bà đã không kêu tôi bằng Cha, nhưng bằng tên và đã nhờ tôi phủi tuyết bám giày bà. Bà không thật sự thiếu lòng kính trọng tôi, hay coi thường chức linh mục trong tôi. Nhưng bà cho tôi cơ hội nếm và sống ý nghĩa chức linh mục.
 
priest
 
Một sáng sớm mùa Đông Canada, tuyết vẫn còn phủ trắng, cao đến mắt cá chân trên các lối đi. Bà Catherine, bà bếp Cha Sở bước chầm chậm và cẩn thận quay về nhà xứ sau Thánh Lễ ban sáng. Vừa đặt chân trên bậc thềm nhà xứ, thấy tôi đang quét tuyết, bà vui vẻ chào tôi và bảo: ”Peter, mang cây chổi quét tuyết tới đây!” Tôi tươi cười tiến tới gần bà với cây chổi quét tuyết đu đưa trên tay, chưa đoán ra ý bà muốn nhờ tôi chuyện gì. Bà Catherine tự nhiên kéo váy cao lên một chút và chìa đôi giày bám đầy tuyết, thản nhiên bảo tôi: “Lấy chổi phủi dùm tuyết bám giày, để tôi đi vào không làm dơ thảm nhà xứ!”

Nụ cười vụt tắt trên môi. Tôi không nghĩ là mình không hiểu tiếng Anh. Rõ ràng quá mà: Lấy chổi phủi sạch tuyết bám giày bà đầm Catherine. Tôi cúi mặt chần chừ. Bà Catherine vẫn giữ cao váy, giơ đôi giày bám đầy tuyết, thúc giục: “Phủi dùm mau đi để tôi còn kịp vào chuẩn bị cà phê sáng cho Đức Ông Robert!” Im lặng và cẩn thận, tôi cầm chổi, nhẹ nhàng phủi tuyết bám giày bà Catherine, từng chiếc một. Bà cười mãn nguyện, cám ơn tôi và nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào nhà xứ.

Cửa chánh nhà xứ đóng ‘rầm’ một tiếng chận đứng ánh mắt buồn của tôi đang dõi theo bà Catherine. Tôi xấu hỗ cúi xuống đưa mắt nhìn lại chính mình, lần dò xuống tận bàn chân. Dù khoác chiếc áo Mùa Đông để ra ngoài trời quét tuyết, nhưng bên trong tôi vẫn đàng hoàng nghiêm túc với tu phục linh mục: áo sơ mi dài tay màu đen, cổ côn trắng hẳn hoi, quần đen ủi thẳng nếp, giày da mùa Đông loại đắt tiền cổ cao, đế dày. Tôi học và chịu chức linh mục ở Canada, dáng vẻ phong thái lịch lãm không kém người da trắng. Nếu hoàn cảnh đất nước cho phép, tôi về lại quê nhà, chắc sẽ được đánh giá cao, không thua các linh mục được du học ngày xưa. Tôi nghĩ vậy.

Cái nhục phủi tuyết bám giày bà đầm len vào máu, bốc cao tận đỉnh đầu. Ném chổi quét tuyết trả lại góc tường nhà xứ. Lặng lẽ, tôi trở lại phòng làm việc, đóng cửa khá mạnh tay, để toàn thân rơi phịch nặng nề trên chiếc ghế bành làm việc. Tại sao bà Catherine không gọi tôi là CHA? Vì tôi mới làm linh mục và còn làm phó cho Đức Ông Robert chăng? Tại sao bà Catherine dám bảo một linh mục phủi tuyết bám giày bà? Bà là bà đầm da trắng, còn tôi là tên tóc đen, da vàng đến từ một nước nghèo chăng? Da màu phải phục vụ da trắng hay người nghèo phải phủi tuyết bám giày người giàu chăng? Nhiều câu hỏi tương tự quanh đi quẩn lại trong tôi.

Cái nhục của một linh mục đã phủi tuyết bám giày bà đầm được tô đậm nét. Lòng tự ái dân tộc, niềm tự hào nòi giống rực lửa trong tôi. Tôi mạnh dạn, hung hăng đứng lên, định đi tìm bà Catherine và Đức Ông Robert để làm lớn chuyện, làm cho ra lẽ. Bà Catherine phải xin lỗi tôi về chuyện đã không gọi tôi là Cha và vì đã dám bảo một ông Cha phủi tuyết bám giày bà. Gọi một linh mục bằng tên, thiếu lòng đạo đức rõ ràng. Bảo một linh mục phủi tuyết bám giày, thiếu lòng kính trọng chức thánh không thể chối cãi.

Cái đứng dậy quyết liệt, cái vung tay tức giận làm văng cây Thánh Giá trên bàn làm việc xuống sàn nhà. Ảnh Chúa chuộc tội từ lâu vẫn đứng vô tri trên bàn làm việc, ngay trước mặt tôi, rất kề cận, nhưng nhiều khi tôi đã không thấy, hay thấy như một thứ trang trí tôn giáo cần thiết trong phòng làm việc của một linh mục. Tôi bước đến, chậm rãi cúi nhặt Thánh Giá lên. Chúa nằm úp mặt trên sàn thảm, một cánh tay gảy lìa thân. Chúa trông thảm hại hơn bình thường. Cánh tay gảy lìa còn tòong teng nhờ đinh đóng chặt. Im lặng nhìn Thánh Giá, cố ráp cánh tay gảy của tượng Chúa vào thân, đặt trở lại trên bàn làm việc. Tôi quay lại ghế ngồi, ánh mắt vẫn không rời Thánh Giá. Tủi nhục và thảm hại của Thánh Giá làm cái tủi nhục phủi tuyết bám giày bà đầm lắng xuống dần. Ý nghĩa về chức linh mục của Chúa Giêsu dâng cao, lấn chiếm tôi.

Ánh mắt vẫn không rời tượng Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ngài là Linh Mục Thượng Tế, đang giang tay tế lễ trên Thánh Giá. Chính Ngài lập Bí Tích Truyền Chức Thánh để thông ban cho tôi chức linh mục của Ngài. Không ai gọi Ngài là CHA cả, nhưng gọi là Chúa và là Thầy (Gioan 13:13). Vậy tiếng CHA dùng để gọi các linh mục, tiếng ĐỨC CHA dành để gọi các Giám Mục, tiếng ĐỨC THÁNH CHA dùng để gọi Giáo Hoàng La Mã đến từ đâu? Không đến trực tiếp từ Chúa. Chính Chúa đã có lần dạy các Tông Đồ là ‘đừng tôn xưng ai dưới đất là Cha, vì chúng con chỉ có một Cha duy nhất trên trời” (Matt. 23:9). Nói thế, Chúa không có ý chỉ thị rõ ràng rằng ‘đừng gọi các linh mục Công Giáo là Cha’ như người Tin Lành suy diễn nhằm chỉ trích linh mục Công Giáo. Chúa đã khiển trách môn đệ mình vì chuyện ‘tranh chức’ đòi làm lớn, ngồi chỗ nhất giống như người Biệt Phái và dạy họ rằng “Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ anh em mình.” (Matt.20:24-27), cũng như đừng bao giờ tự tôn mình lên ngang hàng với Chúa, vì chúng ta chỉ có một Chúa, người Cha duy nhất trên Trời.

Tiếng gọi CHA dành cho linh mục, ĐỨC CHA dành cho Giám Mục hay ĐỨC THÁNH CHA, dành cho Giáo Hoàng được sử dụng trên toàn thế giới, đến từ truyền thống của Giáo Hội nhằm tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ những người có chức thánh linh mục. Từ việc tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, là Linh Mục Thượng Tế, Kitô hữu đem lòng mộ mến, kính trọng Linh mục, Giám Mục và Giáo Hoàng. Họ được coi như những người thông phần với chức Linh Mục của Chúa Kitô, như những người hy sinh và hiến tế đời mình cho phần rỗi nhân loại. Phaolô nói khá nhiều về chức linh mục thượng phẩm của Chúa Kitô (Thư Do Thái 4: 14- 5: 1-10) cũng như về vai trò trung gian giữa Trời và Đất đã ảnh hưởng sâu đậm nơi những kẻ tin. Người tin Chúa Kitô được dạy để đồng hoá linh mục với Chúa Kitô. Linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, là một Chúa Kitô khác, là người CHA tinh thần, người CHA chăm sóc phần hồn cho các tín hữu, người tái sinh chúng ta qua bí tích rửa tội.

Cũng rất có thể nó đến từ cách xưng hô kính trọng dành cho những bô lão, những bậc đứng tuổi, đáng kính trong Giáo Hội sơ khai. Từ Presbyteroi, nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là người đứng tuổi, bậc đáng kính, được dùng để chỉ linh mục ngay từ buổi đầu.

Bà Catherine thiếu lòng kính trọng thánh chức linh mục vì đã không gọi tôi, một linh mục là CHA. Tôi thấy mình thiếu lý chứng để kết án bà. Người Tây Phương đặt tên để gọi. Họ thích được gọi đích danh. Một linh mục biết nhiều tên của nhiều người và gọi đúng tên, bất luận già trẻ lớn bé, sẽ được giáo dân quí mến đặc biệt. Khi được gọi đúng tên, người Tây Phương cảm thấy mình thực sự được quan tâm. Người Á Đông, đặc biệt Việt Nam mình, đặt tên để tránh gọi tên hay đặt tên để giấu tên. Gọi tên ‘cúng cơm’ một người lớn là chuyện bất kính, không thể chấp nhận được. Người mình thường xưng hô bằng ngôi thứ: Bác Ba, Cô Chín, Cậu Út thay cho tên. Trong những xứ đạo người Bắc, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Ông Chánh hay Chánh Trương. Giáo lý viên dạy kinh bổn được gọi là Bà Quản hay Quản Giáo. Người xướng kinh trong nhà thờ được gọi là Ông Trùm. Người chăm sóc việc nhà thờ, nhà Cha được gọi là Ông Bõ. Việc tránh gọi tên đi đến kết quả: không còn ai biết tên thật của nhau. Cách nào đó đã thiếu quan tâm đến cá nhân, đến hữu thể mà chỉ chú trọng đến ngôi thứ, chức vụ hay địa vị là cái tùy thể, tháp gắn vào hữu thể.

Năm 1974 tôi biết rõ một thiếu tá quận trưởng mất chức vì dám gọi vị Giám Mục Công Giáo là “Ông Đạo”. Ai cũng cho là đáng đời, vì làm tới quận trưởng mà không biết gọi Giám Mục là Đức Cha. Cũng là những kết án không hợp lý và bất lợi: Một quận trưởng không Công Giáo, làm sao biết được cách xưng hô kiểu Công Giáo? Người ngoài Công Giáo và nếu chịu ảnh hưởng Khổng Giáo chút ít, khó có thể gọi một ai khác ngoài cha đẻ của họ ở nhà là cha. Vị quận trưởng bị cách chức nầy có nhận ra lỗi “ăn nói vô đạo” của mình không? Không! Ông ta đâu có lỗi để nhận ra. Nhưng trên thực tế, ông ta đã nhận một bất công. Gánh chịu bất công dễ đưa lòng người tới oán hận. Phải thú nhận rằng trong quá khứ, chúng ta, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã sống theo kiểu “làm cha thiên hạ” hay “lấy thịt đè người”. Chúng ta đòi người khác cho cái mà họ không có và không buộc phải cho. Chúng ta nghĩ thế nào, dễ hay khó, tự nhiên hay bất thường khi nghe một cụ già bảy mươi tuổi, trong tiếp xúc xã giao thường ngày, gọi một linh mục trẻ mới ba mươi tuổi là cha và xưng là con?

Bà Catherine đã gần bảy mươi tuổi, xấp xỉ tuổi mẹ tôi ở quê nhà. Chưa một lần xác định bằng lời, nhưng xem chừng bà thay Mẹ tôi chăm sóc cho tôi trong mấy tháng qua: Bà nấu cơm cho tôi, giặt giũ cho tôi, bà pha chế những món ăn hoà hợp giữa khẩu vị Tây-Ta cho tôi vừa miệng. Bà hay dò hỏi xem Mẹ tôi làm gì cho tôi khi tôi đau ốm hay khi tôi buồn. Bà nhắc tôi đi ngủ sớm và dâng thánh lễ chậm rải, sốt sắng. Bà thương chỉ bảo cho tôi phát âm từng chữ tiếng Anh cho đúng giọng và chính xác. Bà cũng hay nhờ tôi khuân vác hay di chuyển những vật nặng trong nhà xứ giống như Mẹ tôi ở nhà vậy. Chuyện bà gọi tôi bằng tên cũng là chuyện tự nhiên như Mẹ gọi con. Có bà mẹ nào, trong sinh hoạt thường nhật, gọi con mình làm linh mục là cha bao giờ? Chuyện bà nhờ tôi phủi tuyết bám giày sáng nay, trong trí bà, có thể không như chuyện giáo dân nhờ linh mục, nhưng là chuyện mẹ nhờ con. Thật đơn giản!

Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình thật cận kề với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang đặt trước mặt tôi, trên bàn làm việc. Chúa Kitô, linh mục thượng phẩm, đang giang tay, hiến tế chính thân mình trên Thánh Giá. Tôi, một linh mục, một Chúa Kitô khác, tôi giang tay dâng lễ hàng ngày trên bàn thờ. Tay giang, nhưng không dâng hiến, không ban phát, không cho đi, nhưng đòi hỏi: đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng CHA mới thoả lòng. Tôi làm linh mục, một Chúa Kitô khác, nhưng đôi khi tôi thật khác Đức Kitô: Chúa Kitô, đến để phục vụ, còn tôi, tôi sôi máu tức giận khi phải phục vụ.

Tôi đứng lên, tìm bà Catherine trò chuyện. Bà đang ở nhà bếp chuẩn bị cơm trưa. Tôi vui vẻ đến gần hỏi xem bà có cần tôi giúp chuyện chi không. Bà Catherine vui vẻ nhờ tôi chuẩn bị Salad và cà chua. Tôi vừa làm giúp bà vừa hát nho nhỏ trong miệng. Bà Catherine đến gần, ngọt giọng bảo tôi: “Peter, you look so happy today!” Lại cũng Peter suông! Nhưng tôi lại yêu nó. Tôi mỉm cười đắc ý trả lời: “Yes, Mom, I deeply realize that I am a priest forever!” Chữ “linh mục” tôi nhấn mạnh và kéo dài. Suốt năm tháng qua, từ ngày chịu chức, tôi đã làm CHA và buồn vì không được gọi là Cha. Hôm nay, tôi mới thực sự làm linh mục, làm người được chia sẻ chức linh mục với Chúa Kitô, Đấng đến giang tay hiến tế chính thân mình cho phần rỗi của những người con.

Bà Catherine ơi! Cám ơn bà thật nhiều! Bà đã không kêu tôi bằng Cha, nhưng bằng tên và đã nhờ tôi phủi tuyết bám giày bà. Bà không thật sự thiếu lòng kính trọng tôi, hay coi thường chức linh mục trong tôi. Nhưng bà cho tôi cơ hội nếm và sống ý nghĩa chức linh mục. Linh mục, kẻ giang tay để tế lễ, để dâng hiến, để cho đi, để ban phát và phục vụ như một Đức Kitô khác. Bà thật sự giúp tôi khước từ ước vọng làm CHA hay thích được gọi là CHA theo ý nghĩa muốn được nâng cấp, mang tính ích kỷ thu gom của mình. Linh mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, giang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tôi để thi hành.

Lm Phêrô Trần Tuyên

Tác giả: Lm Phêrô Trần Tuyên

 Tags: linh mục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay9,633
  • Tháng hiện tại289,601
  • Tổng lượt truy cập68,255,140
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây