Sư Chơn Tâm thăm và tặng quà cho các sơ và các bé ở mái ấm Martino Cam Lộ (Phước Tuyền)
tháng 2-2022 - Ảnh: L.Đ.D
Cho đến một ngày tôi gặp lại Long ở mái ấm Lâm Bích Đông Hà khi em đã thành sinh viên năm thứ nhất khoa Công nghệ thông tin của trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Hóa ra con đường để một cậu bé người Vân Kiều bị bại liệt đi từ hẻm núi mù sương được đến trường như bạn bè, trở thành sinh viên Cao đẳng (và sau đó em học tiếp ở Đại học Phú Xuân, lấy bằng kỹ sư Tin học) là nhờ vào tấm lòng thiện nguyện vô bờ của các Soeur (sơ) mà ở đây là sơ Trần Thị Hiện, khi đó đang phụ trách mái ấm Phước Tuyền rồi sau này về phụ trách mái ấm Lâm Bích.
Câu chuyện của Long ngày ấy khiến tôi khâm phục nghị lực em bao nhiêu lại khâm phục tấm lòng bác ái mênh mông của các sơ bấy nhiêu!
Bố của Long trước là bộ đội địa phương của huyện Hướng Hóa. Miền Tây Quảng Trị với hậu quả của chất độc màu da cam hủy hoại đại ngàn đã di chứng lên những đứa con người lính. Long là một trong số rất nhiều đứa trẻ tật nguyền như thế ở miền Tây này và với đôi chân tật nguyền ấy, Long sống lay lắt trong gia cảnh khó nghèo cùng cực. Bệnh tình do ảnh hưởng chất độc ấy cũng đã cướp mất bố khi Long mới 8 tuổi. Mấy thầy cô giáo dưới xuôi lên dạy ở bản thương Long, khuyên em đến lớp học, nhưng khi ấy Long đã 13 tuổi.
Học xong lớp 1 vào cái tuổi lẽ ra đã là học sinh cấp 2, Long ngại đến lớp, ngại bạn bè trêu ghẹo, thầy giáo hết thời gian nghĩa vụ chuyển đến trường mới, lớp học ở bản chuyển ra xa hơn, vậy là em nghỉ học, suốt ngày lê la ở nhà. Thầy Phương, bấy giờ là hiệu phó trường cơ sở của xã Húc đã kiểm tra kiến thức và tư chất, thấy Long có khả năng học đuổi kịp các bạn cùng tuổi nên thầy Phương quyết định cho Long học vượt, đặc cách vào thẳng lớp 5. Muốn học lớp 5 phải ra tận trường trung tâm xã. Ngày học cùng bạn bè, đêm đêm dưới ngọn đèn tù mù thầy Phương tận tâm kèm cặp Long và sang năm lớp 6 thì Long đã có thể đuổi kịp các bạn. Chưa có bậc Trung học cơ sở, các trường tiểu học vùng cao mở thêm các lớp “nhô”. Long vào cấp 2 bằng mô hình “lớp nhô” ấy.
Câu chuyện về sự học của Long tưởng có thể chấm dứt khi em học xong cấp 2, bởi để học lên cấp 3 phải ra trường huyện, một điều quá sức của em. May sao sau đó sơ Hiện ở nhà thờ Phước Tuyền (thị trấn Cam Lộ) biết chuyện của em rồi đón về nuôi dưỡng tại mái ấm, cho em tiếp tục theo học trường THPT ở trung tâm huyện, tạo điều kiện cho Long tốt nghiệp và thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Khi đó sơ Hiện đã từ Phước Tuyền (Cam Lộ) chuyển về mái ấm Lâm Bích Đông Hà. Long về đó, vừa sống trong ngôi nhà cộng đoàn, vừa như một người anh lớn dạy thêm cho các em lớp sau. Nhưng chính những lần lên về gặp Long đã khiến tôi biết nhiều hơn về những gì mà các sơ đã làm cho bao nhiêu số phận.
Những em bé đầu tiên được cưu mang như Hồ Xuân Long đã lớn lên từ mái ấm và bay đi muôn phương, nhưng tấm lòng các sơ vẫn rộng mở chở che cho bao em bé khác đang mang những buồn thương số phận. Gần mười năm nay gắn bó với mái ấm Lâm Bích như một gạch nối để nối những tấm lòng nhân hậu và những em bé nơi đây nhưng chưa bao giờ tôi nguôi ngạc nhiên trước tấm lòng vĩ đại của các sơ. Bởi bắt đầu từ Long, không chỉ nuôi nấng cưu mang cậu bé mồ côi tàn tật từ tận rừng sâu trở thành một kỹ sư tin học mà sau đó các sơ còn dựng vợ gả chồng cho những em bé lớn lên từ mái ấm. Sau Long, mấy năm trước, tôi từng dự nhiều đám cưới đặc biệt hơn thế ở mái ấm Lâm Bích.
Nếu chỉ là chuyện chăm bẳm một em bé không nơi nương tựa lớn khôn, đó là tấm lòng bác ái. Nhưng để dựng vợ gả chồng cho các em thì đấy là câu chuyện của những người mẹ và những đứa con. Giờ đây ở Lâm Bích có hơn bốn mươi em từ trẻ đang ẵm ngửa đến đang là sinh viên đại học, rất có thể vài năm nữa chúng tôi lại được các sơ mời dự lễ vu quy, thành hôn của những đứa con lớn lên từ mái ấm. Và rồi từ mái ấm của các sơ, các em có thêm một mái ấm riêng nho nhỏ cho đời mình, rồi con cái của các em sẽ lớn lên trong vòng tay bố mẹ mình.
Bắt đầu là những em bé đỏ hỏn, vì một lý do nào đó mà khi sinh ra các em bị người mẹ để lại bên vệ đường, trước cổng chợ hay trên một ngã ba phố nào đó. Và các sơ bắt đầu đón các em về mái ấm. Những em bé đỏ hỏn lẽ ra được ngậm bầu vú mẹ đã phải uống sữa bình. Từ bình sữa đến nước hồ, đến cháo nhuyễn cho đến khi ăn được cơm. Rồi đi học mẫu giáo và cấp một cấp hai, lên trung học, đại học… Và cả những đau ốm bệnh tật của trẻ thơ… Chỉ hình dung thôi đã thấy mênh mông một trời toan lo nuôi nấng.
Mỗi lần lên đây tôi vẫn dành tình cảm nhiều hơn cho một bé gái bị khuyết tật. Em rất thông minh, học giỏi, hát hay… Nguyên nhân khuyết tật của em, sau này được các bác sĩ lý giải thật đau lòng: Có lẽ người mẹ của em, ngày mang thai do muốn giấu nên đã quấn chặt vòng bụng mình, em đã không phát triển tự nhiên nên khi sinh ra phải nhận lấy những thiệt thòi. Và gần chục năm qua, sơ Hiện đã bao nhiêu lần mang em vào những bệnh viện tốt nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh để chữa chạy, khả năng vận động của em có tiến triển nhưng vẫn chưa thể rời chiếc xe lăn. Đó còn là câu chuyện về một bé trai thông minh lanh lợi. Đến trường học cùng các bạn, cuối mỗi buổi học, thấy các bạn được bố đến đón về, em bé ấy đã về thắc mắc với các sơ vì sao em không có bố đến đón? Bởi thế sơ Thành, người luôn khiến cho tôi ngạc nhiên về tấm lòng nhân hậu và gương mặt thánh thiện nói rằng, cho dù yêu thương chăm sóc các em đến đâu cũng không thay thế được những niềm riêng như thế trong mỗi đứa bé.
Mái ấm tình thương Lâm Bích tại Đông Hà - Ảnh: L.Đ.D
Mỗi em bé được nuôi nấng ở Lâm Bích là một câu chuyện riêng, trĩu nặng những nỗi niềm. Bởi sinh ra trên đời, cái điều giản dị nhất mà mỗi em bé đều có là cất tiếng đầu đời gọi ba gọi mẹ thì từ thuở lọt lòng, chỉ có những tấm lòng từ tâm của các sơ mang ra đón nhận các em và khi nhận thức được đời sống chung quanh làm sao tránh được nỗi buồn thăm thẳm ấy?
Lâu lâu, mái ấm lại đón nhận thêm một thành viên mới. Trước đây các em được mọi người thấy rồi báo cho các sơ thì nay có em được chính các sơ là người cứu mạng. Khi biết có nhiều bà mẹ trẻ “lỡ dại” muốn tìm biện pháp phá thai, chính các sơ đã tìm cách kết nối với các phòng mạch để gặp họ, thuyết phục sẽ được chăm sóc trong an toàn và bảo mật cho đến ngày sinh nở. Khi đó, các sơ sẽ thay người mẹ trẻ đón các em về mái ấm chăm nom, với đủ thông tin chi tiết và được giữ kín, một mai kia, khi các em lớn khôn người mẹ có thể trở lại mái ấm để đón các em về.
Nếu Lâm Bích là mái ấm của những em bé mà phần lớn trong số đó được các sơ mang về từ vệ đường, thảm cỏ thì ở mái ấm Martino Cam Lộ - mà mọi người quen gọi là mái ấm Phước Tuyền các em lại được mang về từ những bản làng heo hút tận miền Tây Quảng Trị. Không phải những đứa trẻ thiếu tình thương của bố mẹ, bị bỏ rơi khi chào đời như nhiều bé ở Lâm Bích mà các em phần lớn đều từng có một gia đình. Nhưng đời sống gieo neo chốn núi rừng, bố mẹ không thể nuôi nấng các em một cách chu đáo, cũng có những em bố mẹ qua đời vì bệnh tật, một số em khác vì hoàn cảnh sống nhờ ông bà… Và những cuộc đời nơi hốc núi mù sương heo hút ấy, được các sơ nơi đây đón nhận về nuôi nấng, học hành.
Sơ Phạm Thị The phụ trách mái ấm Phước Tuyền vốn quê ở tận Yên Bái nhưng gắn bó với những đứa trẻ ở đây trong chuyện ăn ở học hành. Các em dù về đây nhưng vẫn còn bố hoặc mẹ hoặc ông bà thân thuộc đang sống ở các bản làng. Cứ dịp Tết, nghỉ hè… sơ lại thuê xe đưa các em về tận từng bản làng, từng nóc nhà, hết kỳ nghỉ lại lặn lội lên đón các em về. Nhiều lần ghé lên đây, cho dù cơ sở vật chất nuôi dưỡng các em còn quá nhiều thiếu thốn nhưng nhìn các em học hành sinh hoạt, chợt nhận ra tình yêu thương mà các sơ dành cho các em vượt lên tất cả những gian khó đời thường ấy, mênh mông một tấm lòng thiên sứ.
Chỉ với mấy sơ chăm lo cho hơn 30 em bé đang tuổi ăn tuổi lớn, ông bà có câu “miệng ăn núi lở”, xoay xở đủ gạo và thức ăn cho ngần ấy em là chuyện không đơn giản. Với sự kết nối giúp đỡ của quán cơm Yên Vui Mai Lĩnh ở thị xã Quảng Trị thông qua nguồn hỗ trợ của những nhà hảo tâm từ phương Nam, mấy năm nay hàng tháng mái ấm Phước Tuyền được hỗ trợ một phần gạo và thực phẩm để trang trải. Rồi nương tựa vào những tấm lòng, các sơ và các em ở đây cùng sống, cùng học hành, lớn lên trong niềm kính tín thiêng liêng.
Lâm Bích hay Phước Tuyền là những mái ấm của Thiên Chúa giáo nhưng rất nhiều lần tôi may mắn được các đoàn tăng thân Phật tử nhờ đưa đến thăm và chia sẻ. Mấy năm nay đoàn tăng thân Làng Mai vẫn luôn ghé đến đây, thậm chí có năm một đoàn của Phật giáo Kim Cang Thừa Tây Tạng cũng ghé đến Lâm Bích, dẫn đầu là một vị Rinpoche Khangser (Rinpoche là danh hiệu dùng để tôn gọi vị được công nhận là tái sinh của một vị đạo sư thời trước).
Nhìn bóng áo cà sa đỏ tía của Kim Cang Thừa hay màu nâu sồng của tăng thân Làng Mai bên màu áo lam của các sơ tôi chợt nhớ câu nói của Đạt Lai Lạt Ma: “My religion is very simple. My religion is kindness” - Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì bảo: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” dù chỉ “để gió cuốn đi”. Nhưng cứ mỗi lần nhìn các sơ nghiêng trĩu cúi xuống bên vành nôi những em bé ở Lâm Bích hay lo toan cho các em ở Phước Tuyền tôi lại nghĩ những tấm lòng bác ái ấy gió không thể cuốn đi. Có lẽ niềm yêu thương ấy lớn hơn những định nghĩa, lớn hơn cả sự tử tế, bởi mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Và các sơ thì dành cả đời mình để chăm lo cho những số phận bất hạnh đến bến bờ hạnh phúc, lo cho em bé mang về từ vệ đường, cổng chợ được lớn lên khỏe mạnh, học hành, dựng vợ gả chồng, lo công ăn, việc làm... như một sứ mệnh thiêng liêng. Điều đó chỉ có thể có được từ những tâm hồn thiên sứ!
LÊ ĐỨC DỤC