Một thời để nhớ [Đặc san 40 Năm Nhìn Lại]

Thứ năm - 02/01/2020 20:49
Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những nét cong! Hãy để Ngài uốn nắn chúng ta theo ý muốn của Ngài để rồi mọi nơi, mọi lúc, chúng ta luôn sống trong sự bảo bọc và thương yêu của Ngài!
Chiếc tàu nhỏ cứ thế xa dần và chìm vào màn đêm, để lại đàng sau quê hương dấu yêu nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và đã phải sớm nhọc nhằn ở cái lứa tuổi bình minh vừa hé dạng! Bỏ lại quê hương, bỏ cả người thân, bỏ cả bạn bè! Tôi vẫn nhớ mãi cái đêm đó, đêm 12 rạng ngày 13/5/1980, đêm đầu tiên của chuyến tàu vượt biên đi tìm tự do và lẽ sống! Đêm đó, khuôn mặt tôi mặn chát, không biết là vì nước mặn của đại dương hay là nước mắt cứ mãi nhỏ xuống không ngừng?!
 
-
  
Vậy là mình đã ra đi thật sao? Giờ nầy cha mạ tôi chắc lo lắng ghê lắm! Các anh chị em của tôi, có người biết người không về chuyến đi, khi nhận được tin chắc sẽ phải bàng hoàng lắm! Ra đi là chấp nhận mất mát! Biết bao giờ mới gặp lại cha mạ, gia đình, bạn bè? Nhắc tới bạn bè, tôi lại nhớ đến những người anh em bạn bè chủng sinh của Tiểu Chủng Viện (TCV) Hoan Thiện đã nhiều năm gắn bó, đã cùng cam khổ với nhau trong những tháng ngày theo đuổi ơn gọi linh mục. Mình ra đi có nghĩa là đầu hàng với hoàn cảnh chăng? Tôi không nghĩ như thế, trái lại tôi thầm tín rằng, “Khi Thiên Chúa đóng cánh cửa lớn, Ngài luôn mở cánh cửa nhỏ cho ta.” Thiên Chúa muốn tôi thử đi qua cánh cửa của tự do, để tìm một vận mạng mới cho mình, cho gia đình mình, và ngay cả cho quê hương và Giáo Hội mình hằng thương mến! Nếu TCV Hoan Thiện không phải bị chính quyền Cộng Sản cưỡng chiếm vào những ngày trước lễ Giáng Sinh 1979, tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện vượt biên nầy!
 
-
  
Quả vậy, tôi đã không bao giờ nghĩ tới con đường nào khác hơn là con đường hiến thân làm linh mục cho Chúa và Giáo Hội của Ngài! Cả gia đình tôi chắc cũng nghĩ như thế. Nhớ lại những ngày chộn rộn trước khi lịch sử sang ngang, TCV Hoan Thiện đã cho các chủng sinh giải tán để về với gia đình ngày 19.03.1975, nhằm lễ kính Thánh Cả Giuse. Tôi về tới quê hương Tân Mỹ vừa đúng lúc gia đình tôi đang chuẩn bị xuống con đò nhỏ để chạy vào Đà Nẵng. Tôi hỏi, “Không đợi con về sao?” Mạ tôi trả lời rất là bình thản, “Tưởng mấy cha trong Chủng Viện tổ chức cho mấy chú đi chung chứ!” Hú vía, nếu không về kịp, chắc chắn tôi đã phải một mình bươn chải trong những ngày khó khăn đó rồi!

Thế rồi gia đình tôi đã vào tới Đà Nẵng, đoàn tụ với gia đình anh tôi lúc đó là Phân Chi Khu Trưởng của một đơn vị Địa Phương Quân tại Hòa Thịnh, Quảng Nam. Ở lại bán đảo Sơn Trà một thời gian ngắn, chúng tôi lại tháp tùng chuyến tàu quân vận của Hải Quân Việt Nam để vào Vũng Tàu. Trên chuyến tàu của chúng tôi, còn có cha cố Giuse Ngô Văn Trọng (R.I.P.) nữa.

Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi đã cặp bến Vũng Tàu và được đón vào trại tạm cư ở rừng Chí Linh. Một thời gian ngắn sau đó, gia đình tôi lại theo một số người khác di chuyển về trại tạm cư Thủ Đức, gần Dòng Đồng Công (với tên mới là Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc), trước mặt căn cứ Sóng Thần của Thủy Quân Lục Chiến. Chính tại nơi đây, tôi đã được nghe tiếng tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh trên radio, và chỉ một vài giây phút ngắn ngủi sau đó mấy chiếc MIG-17 của quân Bắc Việt gầm thét trên đầu chúng tôi, và lính Thủy Quân Lục Chiến uất nghẹn trút bỏ quân phục vừa chạy vừa la hét inh ỏi!
  
Theo dòng đời trôi nổi, thời gian sau đó, chúng tôi lại rời Thủ Đức và tìm về Xuân Trường, Xuân Lộc để sinh sống tại đó. Nơi đây đã trở thành nơi định cư lâu dài cho một số anh em sau nầy. Ở đó tôi đã tập làm rẫy, làm vườn, hái bắp, chặt mía… Ở đó tôi cũng đã được dịp ăn thịt nhím, heo rừng, và một số thịt rừng thơm ngon khác. Rồi từ Xuân Lộc, gia đình tôi lại tìm về cư ngụ tại Quảng Biên, nơi đây gia đình tôi đã ở sát bên nhà Trần Văn Trung (Hoan Thiện 71), và cũng có thời gian đi làm rẫy chung với anh chàng nầy. Không biết anh ta kiếm được ở đâu những bộ truyện miền Nam thiệt hay, do những người sợ liên lụy với những tác phẩm “tàn tích văn hóa của Mỹ-Ngụy” nên họ bán tống bán tháo thật rẻ cho anh ta! Thế là những chuyến đi làm rẫy với Trần Văn Trung, chúng tôi làm thì ít nhưng trốn vào các bụi cây mát để đọc truyện thì nhiều!!! Kể ra thói “trưởng giả” trong anh em chúng tôi cũng còn nhiều lắm!
 
-
  
Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi gia đình tôi quyết định ra lại Huế. Sau khi mọi sự đã tạm thời lắng xuống, cha mạ tôi quyết định đem gia đình ra lại Tân Mỹ để cùng sống với họ làng và người thân. Tôi liên lạc và tìm cách nhập lại với TCV Hoan Thiện mà trước đó đã tựu lại dưới sự điều hành của cha giám đốc và ban giáo sư mới. TCV Hoan Thiện có vị giám đốc mới là linh mục Gioan Nguyễn Lợi nhiều sáng kiến và tài năng.
 
-

Tôi tựu lại đúng vào thời điểm các anh em trong lớp của tôi chuẩn bị ôn bài để thi vượt cấp. Niên khóa 1974-1975 tôi đang học lớp 9, và giờ anh em trong lớp chuẩn bị để thi lên lớp 10, cấp III. Tôi có biết đâu là trong lúc tôi lăn lộn với gia đình qua những địa điểm tạm cư khác nhau ở miền Nam, mấy người bạn trong lớp của tôi đã tựu lại và đã học thêm hai tháng bổ túc để hoàn thành chương trình học năm đó. Phải làm sao đây? Tôi còn nhớ cha bề trên nói với tôi lúc đó rằng, “Con thiếu mấy tháng học bổ túc, không biết họ có cho lên lớp không? Hy vọng anh học vụ có thể lo được. Thôi, tranh thủ vào học mà đi thi với anh em cho kịp!” Tôi mừng rỡ mượn bài vở của anh em học để chuẩn bị đi thi. Mừng chưa hết thì chiều đó cha bề trên lại đi ngang phòng học, kêu tôi ra và nói, “Giấy tờ con xin không được, thôi con khỏi học thi nữa, đi lao động đi!” Cứ thế mà cha bề trên chơi trò “ú tim” nầy không biết bao nhiêu bận, khi thì bảo “tranh thủ học gấp cho kịp thi,” khi khác lại bảo “số con xui quá, thôi thì đi lao động với anh em!” Tôi cũng chưa bao giờ có dịp hỏi lại anh Đặng Thừa (HT69) là người lo Học Vụ lúc đó có thực sự lo hồ sơ cho tôi lúc đó không, hay là vì mình ra trễ và không trải qua mấy tháng “huấn nhục” của bề trên mới nên ngài mới thử thách như vậy? Sau nầy có dịp gặp lại ngài tại California, tôi có hỏi thì ngài chỉ mĩm cười nói là… “Không nhớ!”
  
Thế là mình phải học lại lớp 9! Chua cay lắm, nhất là khi anh em lớp cũ xôn xao chuẩn bị đi thi vượt cấp sáng hôm đó. Có mấy cụ mà thường ngày mình vẫn hay kèm giùm mấy bài toán còn chọc ghẹo mình nữa: “Thôi, mi đi thi thế tau với, không ai biết mô!” Mình tự nhủ lòng, học hành bây giờ chỉ là phương tiện, theo Chúa mới là cứu cánh đời mình, học lại lớp 9 có sao đâu? Nói thì nói vậy, chứ thực tế xa vời lắm! Ngày xưa trong Chủng Viện, hơn nhau một lớp là đã hơn một bầu trời! Mình đã chứng kiến cảnh mấy anh lớp trên bợp tai mấy thằng nhóc lớp dưới, hoặc là mấy chú lớp nhỏ bị mấy anh lớp trên tập hớt tóc và phải ngậm bồ hòn khi mấy anh làm hư cái đầu “ăn nói” của mình! Vậy mà tự nhiên mình phải học lại lớp 9 trong lúc mình học có… thua ai đâu? Mình nhớ là lúc vào TCV lớp 7, niên khóa 72-73, trong lớp có mấy đứa học khá như cha Nguyễn Văn Hiệu (thú thật là “hắn” … cày nhiều hơn anh em), Đỗ Hữu Thịnh, Dương văn Hùng, cố linh mục Phan Miên (RIP) và mình là cứ thay phiên nhau xếp hạng từ 1 tới 5; nhưng qua tới năm lớp 9 thì chỉ có Hiệu và mình thay phiên nhau hai vị trí nhất nhì. Còn nhớ kỷ niệm là lúc đó, tháng nào mà cha Trần Văn Lộc dạy nhạc, lại còn phải lo quản lý nữa, nếu ngài bận không ra bài thi thì tháng đó cụ Hiệu đứng nhất và mình đứng nhì. Trái lại tháng nào ngài rảnh ở nhà và ra bài thi đàng hoàng thì mình thường đứng nhất, còn cụ Hiệu nhiều khi trụt xuống thứ 3, thứ 4, bởi vì đối với cụ thì Sol và La “cũng ngang nhau rứa thôi!”
 
-
  
Vậy mà giờ mình phải học lại một lớp! Năm học 1975-1976, tôi theo nhóm Song Hành (HT74) theo học lại chương trình lớp 9 tại trường Hòa Bình (tức là Bồ Đề cũ)! Oái ăm thay, trong lớp toàn là chủng sinh Công Giáo mà thầy chủ nhiệm lại là thầy Thanh Mãn một nhà sư Phật Giáo của chùa Bảo Quốc. Tôi vẫn nhớ dáng dấp nhỏ bé và bình thản của thầy, không để chuyện bên ngoài chi phối. Từ từ thầy cũng quý mến anh em chúng tôi vô cùng. Sinh hoạt chung với thầy Mãn cũng giúp cho tôi mấy nguyên tắc căn bản cho những sinh hoạt về liên tôn sau nầy. Mấy anh em bầu tôi làm lớp trưởng năm đó! Chương trình lớp 9 không có gì đặc sắc, nếu không nói là nhàm chán. Chúng tôi phải làm quen những bài thơ của Tố Hữu, Tế Hanh, Giang Nam, v.v. Làm sao bì với những giọng thơ trữ tình của Xuân Diệu, Huy Cận hoặc siêu thoát và huyền hoặc của Hàn Mặc Tử! Tôi cứ đem mấy bài thơ của Cách mạng và “xào chung” với mấy tác giả xưa, kết quả bao giờ cũng được điểm cao! Kỳ thi vượt cấp năm đó, tôi thi được 10 điểm Toán và 8 điểm Văn, xếp thứ II toàn tỉnh Bình Trị Thiên, thua một nữ sinh con thiếu tá Ngụy người được 10 điểm Toán và 8.5 Văn, nhưng lại hơn người thứ ba là một tiểu thư miền Bắc con Đảng Viên, người được 10 điểm Toán và 7 điểm Văn! Phần thưởng dành cho hai đứa đứng đầu được gởi về trường của mình. Tôi được nêu tên vinh dự tại cột cờ hôm đó và được kêu lên nhận phần thưởng gồm mấy cuốn vở giấy xấu và một bộ truyện “Thép Đã Tôi Thế Đấy.” Nghe đâu em miền Bắc được triệu về Ty Giáo Dục BTT và phần thưởng phải mất mấy chiếc cyclos mới chở hết!
  
Niên khóa 1975-1976, tôi vẫn sinh hoạt tại nhà với mấy anh em lớp cũ. Vì không học chung với mấy anh em tại trường, nên những gì xảy ra trong ngày tôi hoàn toàn không biết! Qua năm sau, thấy bất tiện nên tôi tự ý xin cha bề trên mới là cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải cho phép được sinh hoạt chung với lớp mới. Năm nầy chúng tôi được chuyển lên trường Quốc Học. Anh em vẫn bầu mình làm lớp trưởng ở nhà, cũng là cơ hội để phục vụ anh em. Mỗi buổi tối ngồi nghe anh em chia sẻ những chuyện xảy ra tại các lớp học để cùng giúp anh em rút tỉa kinh nghiệm sống trong môi trường mới cũng là một điều thích thú vô cùng. Cuộc sống mang nhiều thử thách càng khiến anh em trưởng thành nhanh.

Ngày xưa đi học có cha mẹ lo hết mọi việc, bây giờ anh em phải tự lực cánh sinh. Hết rồi những ngày tháng Hè vui chơi với chúng bạn! Bù vào đó là những chuyến đi Thiên An để lao tác và làm củi, dành dụm để đốt mùa Đông. Thiên An thật thơ mộng, nhưng nếu suốt ngày cứ phải kiếm những gốc cây nhỏ có thể cuốc lên để đem về làm củi, hoặc phải thay phiên nhau đào xới một gốc cây thông khô thì cũng trần ai lắm! Sau khi đã làm được một số củi kha khá, anh em chúng tôi lại chất lên những chiếc xe tải thật đầy để chở về TCV, phơi khô rồi lại chất vào nhà kho. Những sân banh sau nầy được trưng dụng tối đa cho việc sinh hoạt sản xuất. Sân bóng rổ, nơi lưu dấu những đường bóng đẹp của Lê Kim Anh, của Phạm Ngọc Thạnh, của Phụng “Xì Dầu” và của những cú shoot ngọt ngào của Nguyễn Văn Chính lớp mình, giờ là nơi… phơi củi lý tưởng của Chủng Viện. Mấy sân bóng tròn nơi cố linh mục Phan Miên (R.I.P.) và một số anh em khác hay “đốn giò” nhau giờ đã phủ lên màu xanh của những luống sắn, đậu phụng, cà chua, và không biết bao nhiêu loại rau khác.
 
-
  
Thời gian nầy đi học trường ngoài cũng rất vui. Niên khóa 1976-1977 tôi vào lớp 10C3 ban Toán tại trường Quốc Học cùng với Nguyễn Vũ, Dương Phú Cường, Trương Văn Thường, Phạm Tấn Khoa, Hoàng Văn Thọ, Trần Bá Quang. Mấy chú nầy trước đây thua mình một lớp, và lại vào TCV sau khi mình đã tu “đắc đạo” được hai năm (vì niên khóa 73-74, TCV không nhận lớp 7, nên lớp HT74 lúc vào TCV đã là lớp 8 rồi), nên tự nhiên giữa nhóm anh em, mình cảm thấy “già” đi! Có mấy cô bạn học chung trong lớp sau nầy gặp lại, họ cũng nói rằng hồi ấy họ thích “chọc” cha Trương Văn Thường vì cha Thường “đẹp trai, đơn sơ và dễ thương!” Họ thích chú Vũ và chú Cường vì mấy chú “trắng trẻo và ăn noái có duyên.” Chú Khoa và chú Quang hồi đó hơi… con nít! Chú Hoàng Thọ (giờ đang ở Úc) thì suốt ngày chỉ lo ba cái đạo hàm, nói chuyện hơi chán. Riêng chú Khanh thì họ nói họ “sợ” vì thấy chú… nghiêm quá! Họ đâu có biết mỗi lần tới gần họ, chú Khanh cũng run quá trời bởi có khi nào biết nói chuyện với con gái đâu! Nói chung là thua thằng “Đức Lồi” cả! Hắn cũng bị học lại lớp như mình, nhưng hắn biết yêu sớm hơn, và nghe nói thời gian đó hắn “quậy tùm lum!” Hắn khai với mấy “nường” là hắn giờ là “trợ sĩ” thôi, chứ không còn tu nữa, nên hắn tự bật đèn xanh mà xoay đủ chiều!!!
 
-
 
-
  
Kỷ niệm học trò có nhiều chuyện vui, nhưng cạm bẫy lúc đi học bên ngoài cũng nhiều lắm, anh em phải cẩn thận thôi. Buổi tối anh em có những buổi kiểm điểm để bày vẽ cho nhau, khi thì riêng mỗi lớp, khi thì toàn Chủng Viện. Những buổi kiểm điểm chung cả nhà, thường đặt dưới sự chứng kiến của cha giám đốc Chủng Viện. Những buổi kiểm điểm dựa trên tinh thần bác ái Kitô giáo, không phải là dịp đấu tố nhau, nhưng là những buổi góp ý xây dựng thật tích cực. Giai đoạn đầu là “tự phê,” sau đó vừa là “tự phê và phê bình” người khác một cách nhẹ nhàng, và chỉ khi nào quen với hai giai đoạn đầu, lúc đó mới qua giai đoạn thứ ba là “phê bình” người khác một cách thẳng thắn bởi vì lúc đó anh em đã sẳn sàng đón nhận ý kiến xây dựng của mình.

Những buổi phê bình chung thì vui lắm, bởi vì được nghe chuyện của những lớp khác. Hồi đó cha giám đốc cứ khéo léo khen ngợi những hy sinh âm thầm của mấy “thánh” nên mấy thùng rác trong Chủng Viện sạch lắm, hở ra là có người đi đổ rồi! Những buổi kiểm điểm chung rất nhiều và cũng đã bàn nhiều chuyện quan trọng, nhưng không hiểu sao, bây giờ mà hỏi lại thì ai ai cũng chỉ nhớ chuyện tranh cãi “chim mi, chim tau” của Trương Nhuận (HT74) và vị linh mục khả kính sau nầy là cha Phạm Thọ (HT74) mà thôi! Hôm đó anh em thì cười ngặt nghẻo, chỉ tội cha bề trên cố làm nghiêm mà không được, báo hại khuôn mặt cha đỏ rần! Số là hai cậu đều có nuôi một con chim sẻ. Một con bị chết. Cậu có con chim chết cáo buộc cậu kia tráo con chim chết cho mình. Cha bề trên chỉ hỏi một câu như các vị luật sư trước tòa, “Làm răng mà con biết con chim ni là của con?” Thế là một cậu trả lời, “Chắc chắn là chim con, bởi vì chim con có nhiều lông hơn chim nó!” Cậu kia phản pháo, “Chim con khôn hơn, khi mô nó thấy con nó cũng mừng rỡ; con kêu nó hoặc huýt sáo thì nó nhảy lên!” Cha mạ ơi, trong Phúc Âm Chúa nói “Con chiên ta thì nghe tiếng ta!” Chúa mô có nói là… chim ta thì nghe tiếng ta!?
 
-
   
Môi trường mới, thử thách mới, ai cũng phải tỉnh thức trước một chính quyền luôn nghi kỵ tôn giáo, nhất là Công Giáo. Chính quyền mới không bao giờ muốn dùng vũ lực giai đoạn đầu để giải tán Chủng Viện, vì họ sợ mang tiếng đàn áp tôn giáo. Vì thế số chủng sinh tựu lại sau 1975 đã trải qua nhiều giai đoạn đối xử khác nhau của chính quyền. Thoạt đầu là dụ dỗ, “Các anh lên đại học đi, rồi chúng tôi sẽ trợ giúp! Đừng theo mấy ông cha phản động không tốt!” Dụ hoài không được thì… dọa, “Các anh mà không nghe lời chúng tôi thì coi chừng, sẽ có một ngày đi tù!” Dụ dỗ không được và dọa dẫm không xong, chính quyền áp dụng chiến thuật cổ điển là muốn điều khiển bao tử của chúng tôi. Họ đã không cho chúng tôi mua lương thực nữa, thế là Chủng Viện phải tự tìm cách lo thực phẩm cho mình. Tội nghiệp cho các cha trong Chủng Viện phải nghĩ tới phương cách mới để nuôi cho được mấy chục miệng ăn lúc ấy. Tôi không hiểu dạo ấy, linh ứng ở đâu không biết mà bề trên tựu họp anh em lại và quyết định chia cả nhà ra từng nhóm nhỏ để tự túc kinh tế. Cha bề trên tuyên bố thẳng thừng, “tổ nào không tự lo cho mình được thì giải tán tổ đó, chứ nhất quyết chúng ta không giải tán Chủng Viện vì lý do kinh tế!” Vậy mà hóa ra lại hay vô cùng!
 
-

Từ ngày bố mẹ cho “ra riêng,” chúng tôi làm ăn khấm khá vô cùng! Mỗi tổ khoảng 7, 8 người gồm cả 4 lớp trong Chủng Viện. Tuần nầy khối A (gồm 2 lớp lớn) ở nhà học thì khối B (gồm 2 lớp nhỏ) đi làm bên ngoài, và cứ đổi phiên tuần sau đó. Tôi còn nhớ một ngày thằng “Đoàn Trắng” trong nhóm của tôi, hắn đi đâu về không biết mà lại hớt hải nói với tôi, “Tau lên chỗ xay gạo của ông Đơn xin việc, ông bảo ông cần người dạy kèm cho mấy đứa con của ông. Mi đi dạy kèm đi chứ tau dạy răng được!” Thế là tôi lên gặp ông chủ, ông nói: “Tui nói thiệt với thầy, tui lo làm ăn quá mà không biết mấy đứa con tui học lớp mấy. Thầy giúp dạy kèm cho mấy đứa thì tốt lắm!” Vậy là tôi đi kiếm đủ loại sách giáo khoa Toán, Lý, Hóa và Pháp, chất một đống trên bàn để xem lại mà đi dạy kèm. Năm đó tôi mới xong lớp 12 mà lại đi dạy kèm cho 4 nhóc, chỉ còn nhớ tiểu thư tên Dung lớp 7, còn mấy đứa sau thì không nhớ tên nữa! Cậu học sinh kế tiếp lớp 5 khá chăm học, thêm một cậu nhỏ lớp 3 và một công chúa xinh xinh lớp 1. Cậu nhóc lớp 3 chiều nào cũng xin nghỉ sớm để xuống sông An Cựu tắm với nhóm bạn. Còn bé lớp 1 thì lúc nào cũng đợi thầy chơi “buôn bán” với nó. Nó cứ cắt giấy làm tiền, bảo thầy mua kẹo của nó đi! Một hồi bao nhiêu kẹo của nó cũng về tay thầy hết!

Vậy mà các em tháng nào điểm các môn cũng lên nên ông bà chủ mừng vô cùng. Tuần đầu mình còn ăn chung với mấy người thợ, tuần sau họ bảo “thầy lên nhà trên ăn chung với chúng tôi cho vui.” Cuối tháng ông bà cho người chở về tổ mình 1, 2 bao cát gạo, phần lương hậu hĩnh đối với anh em lúc đó, lúc mà cả nước phải ăn bo bo để tiến lên XHCN! Gia đình ông bà Đơn và các cháu đã đối xử với mình thật tử tế. Tiếc là bây giờ mình không biết họ ở đâu để liên lạc. Mấy đứa học trò của mình ngày xưa bây giờ nếu gặp lại chắc không nhìn ra nổi! Mình vẫn còn nhớ trong gia đình còn có anh cả là Thanh, sau đó là Lan, một người con gái xinh đẹp, mảnh khảnh và thua mình vài tuổi, có một buổi chiều nàng đi đâu về, vào phòng học xem mình dạy mấy đứa em, tự nhiên nàng cầm tay mình và khẽ nói, “tay thầy mềm mại như con gái!” Sau nầy mình cũng có bà giáo dân lặp lại câu y chang, “May mà cha Khanh đi tu, chứ tay chân như ri làm răng mà nuôi nổi vợ con!”
  
Cuộc sống trong Chủng Viện sau 75 thật là cam go, anh em sẳn sàng hy sinh cho nhau; nhưng nếu không có một lòng đạo sâu xa và một sự gắn bó với ơn gọi thì thật là vô bổ! Anh em có một niềm tin tưởng tuyệt đối phải nói là nhờ sự giáo dục và gương sống của các ân sư. Cha bề trên Phêrô Nguyễn Hữu Giải khôn ngoan và cương nghị, như một người cha gương mẫu. Cha quản lý Anrê Nguyễn Văn Phúc dịu dàng và cảm thông như người mẹ. Cha linh hướng Batolomeo Nguyễn Phùng Tuệ như nguồn suối mát tinh tuyền, uống hoài không bao giờ ngán! Tôi nhớ có lần văn nghệ Tết, tôi viết bài Sớ Táo Quân giao cho thằng “Đoàn Đen” (R.I.P.) lớp tôi đọc, trong đó tôi có viết mấy câu “Có cha linh hướng, cái bụng to tướng, dáng đi vất vưởng…” khiến ngài cười nghiêng cười ngả.
  
Các cha giáo đã hun đúc cho chúng tôi một nền tảng đạo đức và đã chuẩn bị cho cuộc sống của chúng tôi hành trang phong phú cho mỗi người. Từ đó anh em ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng mọi nơi và mọi lúc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu như ngày xưa, Cộng Đồng tín hữu sơ khai, vì tránh những cơn bắt Đạo khốc liệt, họ đã phân tán khắp nơi; thì giờ đây anh em chúng tôi cũng lên đường, người lên rừng, kẻ xuống biển để mang hạt giống Tin Mừng đến những nơi Chúa muốn gởi mình đến!
  
Nhớ lại những ngày vượt biên, một việc mà tôi đã không bao giờ nghĩ đến! Số là sau khi TCV bị chính quyền cưỡng chiếm vào trước mùa Giáng Sinh 1979, tôi về lại với gia đình tại Tân Mỹ. Để trợ giúp đắc lực hơn cho giáo xứ, tôi đã xin cha xứ là cha Mai Xuân Hiến (R.I.P.) lên ở với ngài để giúp cho giáo xứ tất cả những gì mình có thể được, từ tập hát cho ca đoàn cho tới làm “ông từ” đánh chuông, từ dạy giáo lý cho tới việc huấn luyện mấy chú giúp lễ, tôi làm suốt! Thời gian nầy có thằng bé em của Trần Thứ (HT74), buổi tối nó muốn lên nhà xứ ngủ lại, để lúc nào cha xứ không để ý, nó lại năn nỉ xin tôi leo hái mấy trái dừa xung quanh nhà thờ! Một đêm đang ngủ ngon, tôi nghe tiếng gõ cửa và tiếng ai thì thào, “Khanh ơi, mở cửa cho mình với, Thứ đây!” Té ra ông nội nầy đang tổ chức vượt biên và lên kêu thằng em cho nó đi chung. Thấy tôi nhìn chăm chăm hai anh em, Trần Thứ mới nói: “Mình vượt biên đêm nay, có cả Trần Thu và Đoàn Hiển nữa, Khanh muốn đi không?” Tôi trả lời: “Đi gì bất ngờ vậy, tội nghiệp cho cha mạ không biết!” Tiễn nó đi rồi, tôi cứ băn khoăn thao thức. Sáng hôm sau đi lễ, tôi thầm thỉ cầu nguyện cho tụi nó đi bình yên. Ai ngờ lễ xong, đi về tới nhà tôi mới thấy nguyên một nhóm người trốn trong nhà tôi. Hóa ra, chuyến tàu bị lộ và mấy anh chị phải chạy tán loạn! Tôi lại phải chở từng người một thả dọc đường Thuận An để họ đón xe lên Huế, chứ không muốn để họ tìm về bến xe sợ công an để ý!
 
-
  
Sau chuyến đi bị lộ, lần nầy tụi nó chính thức kêu gọi tôi đi chung. Sau những tháng nhọc công chuẩn bị, cuối cùng ngày đi cũng đã đến. Rồi sau 18 ngày nhọc nhằn trên sóng biển, chuyến tàu của chúng tôi cũng đã cập bến Hồng Kông vào cuối tháng 5, 1980. Thời gian ở Hồng Kông cũng là thời gian gặp gỡ nhiều anh em cựu chủng sinh ở đây. Trên chuyến tàu của tôi, ngoài Trần Thu (HT71), còn có Đoàn Hiển (72), Lê Văn Thắng (74) và Nguyễn Ấn (72) nữa. Trần Thứ (74) đi chuyến sau và cũng cặp bến Hồng Kông một tháng sau đó. Ngoài ra, cùng thời điểm nầy, trong trại còn có Huỳnh Văn Phúc (71), và Nguyễn Ngọc Sơn (ngoại trú) mà sau nầy đã trở nên linh mục dòng Phanxico tại Úc Châu. Thời gian ở Hồng Kông cũng rất sinh động, anh em cựu chủng sinh đã hoạt động rất tích cực cho những sinh hoạt trong trại, nhất là vấn đề ca đoàn. Thời điểm đó, trại tỵ nạn Hồng Kông không có được một cuốn sách hát nào. Thế là chúng tôi, chuyền tay nhau những tập giấy, ai nhớ được bài hát nào thì cứ viết lời ra. Nhạc thì có Trần Thu và tôi ghi lại, cố gắng chính xác chừng nào hay chừng đó. Phần trang trí thì đã có bàn tay khéo léo của Đoàn Hiển. Cặm cụi làm việc liền mấy tháng, chúng tôi đã ghi lại được trên 400 bài hát, đóng thành tập hẳn hoi và lấy tên là Hương Nguyện Cầu. Đó là tập Thánh ca đầu tiên được in thành sách và được các sơ Nguyện và sơ Xuân (R.I.P.) dòng Salesien tại Hong Kong đài thọ tiền in ấn. Mấy sơ nầy rất mến mấy thầy Huế bởi vì cứ tìm cách cho… tiền mà mấy thầy không lấy! Mấy sơ cứ thắc mắc, “Tại sao mấy thầy địa phận khác tới đây, sơ giúp gì cũng dễ dàng, mà mấy thầy Huế lại khó khăn vậy?” Chúng tôi cứ phân trần, “mấy sơ đừng làm vậy mà người khác phân bì với anh em tụi nầy. Họ cùng vượt biên cực khổ như mình mà qua đây mình lại được đối xử đặc biệt hơn họ thì kỳ lắm! Tụi nầy đi làm cũng có tiền mà.” Mấy sơ cứ phải lắc đầu, “Mấy ông thầy Huế ni thiệt tình!” Nói như ai đó, “Huế nghèo mà sang!” Nhưng thật ra, đó là kết quả giáo dục của các ân sư để sống giữa đời mà không vướng mùi đời!
  
Trong nhóm anh em trực tiếp từ Chủng Viện ra lúc đó có 4 người. Khi nhận được 2 giấy bảo lãnh đi Canada từ giám mục địa phận Calgary, chúng tôi bàn nhau để cho Trần Thu và Lê Văn Thắng đi Canada, bởi vì hai anh em không có thân nhân ở Mỹ. Riêng Đoàn Hiển và tôi đi Mỹ bởi vì chúng tôi có thân nhân ở Mỹ. Về sau, Trần Thu và tôi chịu chức linh mục, trong lúc Hiển và Thắng lập gia đình. Như thế cũng công bằng cho Mỹ và Canada, cho Giáo Hội cũng như người đời!
 
-
 
Tới Mỹ, chân ướt chân ráo, cậu ruột tôi và cũng là người bảo lãnh cho tôi qua Mỹ, hỏi: “Bây giờ con muốn làm gì?” Tôi trả lời không ngần ngại, “Con muốn tiếp tục con đường tu trì.” Cơ duyên làm sao, hai tháng sau khi tới Mỹ, tôi có dịp gặp Đức Giám Mục Bernard Ganter của địa phận Beaumont, TX, và ngài đã nhận tôi là chủng sinh của địa phận từ buổi đầu gặp gỡ đó. Đức cha Ganter là vị giám mục từ bi và rất thương người Việt Nam. Trước khi về Beaumont, ngài đã là giám mục của địa phận Tulsa, Oklahoma. Ở đó ngài đã nâng đỡ rất nhiều hai cha gốc Huế là cha cố Phan Cơ và cha Lê Viết Hoàng. Ngài đã nhận tôi vào địa phận, cho đi học Anh Văn, và sau đó cho đi học Triết Học, Thần Học. Và rồi, sau nhiều năm tháng dồi mài kinh sử, cuối cùng ngày mong đợi cũng đã đến. Chúa mời con lên Núi Thánh của ngài. Tôi được chịu chức linh mục ngày 30.06.1990. Vui lắm, mừng lắm, nhưng cũng rất nghẹn ngào, tủi thân khi mà nhìn quanh không thấy bóng dáng cha mạ và anh chị em thân yêu của mình!
 
-
  
Chịu chức được hai năm, tôi có dịp về VN thăm gia đình lần đầu tiên năm 1992 và cũng để làm đám cưới cho đứa em gái út của tôi. Mới về tới Huế thì nghe tin cha Nguyễn Văn Dụ cũng mới rời khỏi Huế để ra đi sau chuyến viếng thăm của ngài. Hóa ra, ngài là linh mục Huế đầu tiên về thăm quê hương, và sau đó là tôi. Lên thăm Đại Chủng Viện Huế, gặp lại những lớp đàn anh của tôi vẫn đang còn cày sâu cuốc bẫm, tôi nghe có chút nghẹn ngào, thương cho mấy thầy!
  
Chuyến về thăm quê hương năm đó, tôi cũng đã liên lạc với 6 anh em chủng sinh đang kẹt tại trại tỵ nạn Hồng Kông để dàn xếp vào thăm họ, cũng như để thu thập hồ sơ của anh em để làm giấy bảo lãnh. Có anh Phạm Phúc cũng ở Hồng Kông lúc đó, anh đã khẳng khái không muốn mình làm hồ sơ bảo lãnh bởi vì anh nói là anh đã không còn là chủng sinh. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, qua sự can thiệp của địa phận Beaumont, cả 6 anh em đã được bảo lãnh qua Mỹ. Chỉ tiếc là Giám mục Ganter, người rất nhiệt tình hứa hẹn giúp đỡ cho các anh em lại ngã bệnh và qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi mấy anh em tới Mỹ. Địa phận trống ngôi nên giờ đây tôi phải tự lo cho các anh em. Sẵn hồ sơ bảo lãnh, tôi liên lạc và gởi anh em đi những nơi nào cần đến. Cũng vì thế mà giờ đây chúng ta có linh mục Phùng Văn Phụng tại Davenport (Iowa), Dương Quang Đức tại Beaumont (Texas), Trương Văn Thường và Nguyễn Văn Chửng tại West Palm Beach (Florida), Hoàng Thời dòng Ngôi Lời (hiện phục vụ tại Memphis), và cuối cùng là Phan Văn Trợ thuộc địa phận San Bernadino (California). Những hạt giống Tin Mừng một lần nữa lại được Thiên Chúa vương vãi khắp nơi! Tạ ơn Chúa và cám ơn anh em đã quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa.
 
-
  
Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những nét cong! Hãy để Ngài uốn nắn chúng ta theo ý muốn của Ngài để rồi mọi nơi, mọi lúc, chúng ta luôn sống trong sự bảo bọc và thương yêu của Ngài! Tháng Tư đen có ý nghĩa gì trong mầu nhiệm khổ giá và chương trình cứu chuộc của Ngài không, tôi tự hỏi!?
 
Lm Giuse Hồ Khanh

Tác giả: Lm Giuse Hồ Khanh HT72-74

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay20,779
  • Tháng hiện tại465,804
  • Tổng lượt truy cập68,431,343
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây