Lm Hồ Khanh. Chương 2: Đời người là những chuyến đi

Thứ hai - 14/09/2020 06:53
Chiếc tàu nhỏ cứ thế xa dần và chìm vào màn đêm, để lại đàng sau quê hương dấu yêu nơi mình đã sinh ra, lớn lên và đã phải sớm nhọc nhằn ở cái lứa tuổi bình minh vừa ló dạng! Bỏ lại quê hương, bỏ cả người thân, bỏ cả bạn bè!
Lm Hồ Khanh. Chương 2: Đời người là những chuyến đi
Mình vẫn nhớ mãi cái đêm đó, đêm 12 rạng ngày 13/5/1980, đêm đầu tiên của chuyến tàu vượt biên đi tìm tự do và lẽ sống! Đêm đó, khuôn mặt mình mặn chát, không biết là vì nước mặn của đại dương hay là nước mắt cứ mãi nhỏ xuống không ngừng?!

Vậy là mình đã ra đi thật sao? Giờ nầy cha mạ mình chắc lo lắng ghê lắm! Các anh chị em của mình, có người biết người không về chuyến đi, khi nhận được tin chắc sẽ phải bàng hoàng lắm! Ra đi là chấp nhận mất mát! Biết bao giờ mới gặp lại cha mẹ, gia đình, bạn bè? Nhắc tới bạn bè, mình lại nhớ đến những người anh em bạn bè chủng sinh của Tiểu Chủng Viện (TCV) Hoan Thiện đã nhiều năm gắn bó, đã cùng cam khổ với nhau trong những tháng ngày theo đuổi ơn gọi linh mục. Mình ra đi có nghĩa là đầu hàng với hoàn cảnh chăng? Mình không nghĩ như thế, trái lại mình xác tín rằng, “Khi Thiên Chúa đóng cánh cửa lớn, Ngài luôn mở cánh cửa nhỏ cho ta.” Thiên Chúa muốn mình đi qua cánh cửa của tự do, để tìm một vận mạng mới cho mình, cho gia đình mình, và ngay cả cho quê hương và Giáo Hội mình hằng thương mến chăng? Nếu TCV Hoan Thiện không phải bị chính quyền Cộng Sản cưỡng chiếm vào những ngày trước lễ Giáng Sinh 1979, mình sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện vượt biên nầy!

Nhớ lại những ngày vượt biên, một việc mà mình đã không bao giờ nghĩ đến! Số là sau khi TCV bị chính quyền cưỡng chiếm vào những ngày trước lễ Giáng Sinh 1979, mình về lại với gia đình tại Tân Mỹ. Để trợ giúp đắc lực hơn cho giáo xứ, mình đã xin cha xứ là cha Mai Xuân Hiến (R.I.P.) lên ở với ngài để giúp cho giáo xứ tất cả những gì mình có thể làm được, từ tập hát cho ca đoàn cho tới làm “ông từ” đánh chuông, từ dạy giáo lý cho tới việc huấn luyện mấy chú giúp lễ! Thời gian nầy có thằng bé em của Trần Văn Thứ (HT74), buổi tối nó muốn lên nhà xứ ngủ lại, để lúc nào cha xứ không để ý, nó lại năn nỉ xin mình cho nó leo hái mấy trái dừa xung quanh nhà thờ! Một đêm đang ngủ ngon, mình nghe tiếng gõ cửa và tiếng ai thì thào, “Khanh ơi, mở cửa cho mình với, Thứ đây!” Té ra ông nội nầy đang tổ chức vượt biên và lên kêu thằng em cho nó đi chung. Thấy mình nhìn chăm chăm hai anh em, Trần Thứ mới nói: “Tụi mình vượt biên đêm nay, có cả Trần Thu và Đoàn Hiển nữa, Khanh muốn đi không?” Mình trả lời: “Đi gì bất ngờ vậy, tội nghiệp cho cha mẹ không biết!” Tiễn nó đi rồi, mình cứ băn khoăn thao thức. Tụi nó mà đi lọt chắc mình ở lại cũng bị rắc rối với chính quyền lắm đây! Sáng hôm sau đi lễ, mình thầm thỉ cầu nguyện cho tụi nó đi bình yên. Ai ngờ lễ xong, đi về tới nhà mới thấy nguyên một nhóm người trốn trong nhà của mình. Hóa ra, chuyến đi bị lộ và mấy anh chị phải chạy tán loạn! Mình lại phải chở từng người một thả dọc đường Thuận An để họ đón xe lên Huế, chứ không muốn để họ tìm về bến xe, sợ công an để ý!

Sau chuyến đi bị lộ, lần nầy tụi nó chính thức kêu gọi mình đi chung. Sau những tháng nhọc công chuẩn bị, cuối cùng ngày đi cũng đã đến. Chuyến đi lần nầy lại không có Trần Văn Thứ. Nó quyết định đi chuyến sau với gia đình bà con của nó. Bù lại trong chuyến nầy, ngoài số anh em chủng sinh Hoan Thiện như Trần Thu (71), Đoàn Hiển (72), Hồ Khanh (72) và Lê văn Thắng (74), còn có mấy cựu chủng sinh như Nguyễn Anh (69), và Nguyễn Ấn (72). Ngoài ra còn có gia đình anh Nguyễn Văn Chiến và chị Hồ Thị Liệu. Đây là thành phần chủ chốt bám trụ ven biển, lo liên lạc với chủ tàu, mua nhiên liệu và lương thực chuẩn bị cho chuyến đi. Nhóm thành phố gồm có gia đình anh chị Vinh gồm hai đứa con và hai người cháu, thêm vào đó là anh Hóa và anh Thừa. Tính luôn gia đình anh chị Bịn, vừa là chủ tàu vừa là tài công, tất cả trong nhóm là 31 người. Mọi người trong nhóm thành phố đều có đóng góp tài chánh, nhưng phần đài thọ chủ yếu cho chuyến đi là gia đình anh Vinh, một gia đình thương gia, người Việt gốc Hoa ở trên thành phố Huế.

Nhớ lại cái đêm nằm trên bãi đợi tàu vào đón, thật là hồi hộp, hoang mang và lo sợ nhiều. Chỉ một chút sơ hở thôi, cả bọn sẽ bị bắt, và chắc chắn sẽ nếm mùi tù tội! Tụi mình lại chọn đêm 12 rạng ngày 13 tháng năm, 1980 để ra đi; không biết hên hay là xui đây!? Thôi mọi sự phó thác trong vòng tay yêu thương và sự sắp đặt quan phòng của Thiên Chúa mà thôi, mình tự nhủ. Đến giờ hẹn mà sao vẫn chưa thấy tàu vào đón!? Có chuyện gì trắc trở rồi sao? Quả là như vậy, cuối cùng anh chủ thuyền xuất hiện và báo cho mọi người một tin không ngờ là con thuyền dự định cho chuyến đi đã bị nhóm người rình để “đi chui” chiếm đoạt rồi. Những người nầy thường sống quanh ven biển, khi thấy có tàu nào đi vượt biên, họ thừa dịp nhảy lên tàu đòi đi mà không chịu trả tiền! Anh chủ tàu cho biết là với số người trong nhóm, cộng thêm số người “đi chui” như thế thì chiếc tàu không chịu nổi. Cuối cùng, không thể làm gì hơn, anh đành giao nguyên chiếc thuyền còn mới cho họ, trên đó có nguyên cả lương thực và nhiên liệu dự trữ cho chuyến đi và bơi vào bờ báo tin cho chúng tôi hay như thế. Làm sao đây? Mọi người đang bàng hoàng, chưa biết tính toán làm sao thì anh Bịn, chủ tàu, mới nói rằng: “Tôi còn một chiếc nữa, bấy lâu phơi trên bãi để sửa chữa. Nó không được tốt như chiếc kia, nhưng nếu mấy anh muốn đi thì mình cũng đi được! Tôi cũng phải cho cả gia đình đi chứ ở đây trước sau gì tôi cũng bị bắt! Gia đình mấy anh chị của tôi đã đi hết rồi!” Khi nghe anh chủ tàu nói đem cả gia đình đi, chúng tôi quyết định mau chóng là sẽ khởi hành, bởi vì chúng tôi đã suy nghĩ rằng, nếu tàu quá tệ chắc chắn anh ta sẽ không đem tính mạng của cả gia đình ra đánh cuộc như vậy!

Có một điều quan trọng cũng cần nhắc đến, đó là trước chuyến đi, cả nhóm cũng đã dò hỏi và móc nối được với anh Chiến, cũng là người dân Tân Mỹ, nhưng anh đang là công an phường! Khi mà anh Chiến đồng ý sẽ đi với anh em, mọi chuyện đã dễ dàng hơn. Thông thường các chuyến tàu vượt biên lúc đó thường phát xuất dọc theo bờ biển Thuận An, nhóm mình lại phát xuất ngay từ bãi dương Tân Mỹ. Có lẽ như vậy mà công an biên phòng đã không để ý. Trong lúc tàu di chuyển từ Tân Mỹ ra cửa biển Thuận An, cũng có mấy người cập ghe lại đòi đi ké. Nhưng khi họ thấy anh Chiến công an xuất hiện, kèm theo khẩu súng trên tay, mọi người đều dạt ra. Tới cửa biển Thuận An, trong lúc những thuyền đánh cá dạt qua một bên để trình sổ đánh cá, tàu mình đã dọt qua phía bên kia để ra cửa biển và may mắn là không bị khám phá.

Tàu chạy suốt đêm, qua tới hôm sau thì ra tới hải phận quốc tế. Mọi người thở ra nhẹ nhõm, nhưng khi nhìn lại mới lo lắng nhiều khi nhận ra là trên tàu không có lương thực cũng như không đủ nhiên liệu cho cả một chuyến đi. Tất cả đã nằm lại trên chuyến tàu lúc đầu. Dưới ánh sáng mặt trời mọi người mới thấy rõ là chiếc tàu nầy cũng quá cũ kỹ, không có biết nó có chịu được với sóng biển không? Nhưng đã phóng lao thì theo lao thôi. Mọi người có lý do để lo lắng bởi vì qua đêm thứ hai, nước biển đã bắt đầu thấm vào tàu theo những đường nứt cũ. Mọi người đều phải thay phiên nhau tát nước. Lúc nầy mới thấy đa đoan, sức học trò tát nước khoảng 15 phút là mắt đã thấy đom đóm rồi, nhưng phải cố gắng thôi. Qua đêm thứ ba, khoảng 2 giờ sáng tàu bị chết máy và bắt đầu trôi lềnh bềnh theo sóng biển. Trên tàu không có được một cái đèn pin để nhìn mà sửa máy, đành phải đợi đến sáng hôm sau! Cũng phải khen anh tài công thuộc dạng người bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Khi mọi người thấy tàu tắt máy và anh tài công lại nằm sau khoang thuyền để ngâm nga mấy câu cải lương, ai có hỏi thì anh trả lời, “Máy nóng quá, cho nó nghỉ chút!” Họ đâu có biết là anh ta lúc đó khều nhẹ mấy anh em trong nhóm tổ chức mà rằng, “Mấy cậu cầu Chúa, cầu Phật đi chứ tôi thấy cũng mệt lắm rồi đây! Điệu nầy nguy rồi, máy không còn chạy được nữa!” Trong đêm tối, giữa những giây phút tuyệt vọng và sợ hãi bao vây, có những lúc hy vọng bừng lên nhưng phút chốc lại tan biến! Đó là những lúc có những chiếc tàu quốc tế chạy gần, ít ra là ba chiếc, mọi người trên tàu ra hiệu cầu cứu; nhưng rồi hy vọng lại vỡ tan khi thấy họ lại đành lòng bỏ đi. Sau nầy mình mới hiểu là thời buổi đó, tàu nước nào đón nhận người vượt biên trên biển thì quốc gia đó phải có trách nhiệm đón nhận những người tỵ nạn đó! Bởi vì thế, các thuyền trưởng cũng không thể tùy tiện dừng lại, bởi vì họ phải chịu trách nhiệm trước chính quyền của họ!

Cứ thế mà chiếc tàu vượt biên của mình trôi tự do trên biển khoảng 4 tiếng liền. Cho đến sáng hôm sau, anh tài công mới thấy máy hư chỗ nào mới sửa được. Cũng may là anh cũng rất giỏi về máy móc, nên loay hoay một hồi anh lại làm cho động cơ máy hoạt động trở lại. Ai cũng thở ra nhẹ nhõm. Xem lại thì tàu đã mất phương hướng nhiều rồi, bây giờ tính sao đây? Cũng may trên tàu có anh Hóa, cựu sĩ quan Hải Quân, anh ta xem hải bàn và đã định lại được vị trí. Vì nhận thấy tình trạng của chiếc tàu, mọi người quyết định là thay vì đi thẳng xuyên qua Thái Bình Dương để về phía Hong Kong, tàu sẽ ghé lại đảo Hải Nam và sau đó sẽ đi dọc bờ biển Hải Nam để đi lên phía bắc, hướng Trung Quốc và từ đó sẽ đi dọc bờ biển để tới Hong Kong. Đi như vậy sẽ dài ngày hơn nhưng đỡ nguy hiểm hơn là mạo hiểm ra giữa Thái Bình Dương. Cuối cùng tụi mình cũng tới được Hải Nam. Đến được hải đảo nầy, chiếc tàu của tụi mình được kéo lên bờ để tu sửa. Ở đây tụi mình lại gặp một nhóm người quê An Bằng, khoảng 10 người phần nhiều là những thanh niên đánh cá lực lưỡng. Họ xin đi theo tàu tụi mình. Hỏi ra mới biết là trong lúc vượt biên, họ dự định đi từ thuyền nhỏ ra tàu lớn, nhưng vì bị công an đuổi theo nên họ quyết định chạy luôn. Vì quen thuộc với biển cả, họ đến được Hải Nam dễ dàng; nhưng vì chiếc thuyền quá nhỏ, họ không dám đi tiếp. Họ năn nỉ nhóm mình cho họ đi chung vì dẫu sao tàu của tụi mình cũng còn to hơn tàu của họ. Vậy thêm nhóm nầy nữa bây giờ tàu của tụi mình đã lên tới 41 người tất cả, con nít và người lớn, chen chúc nhau trên một chiếc tàu dài nhưng hẹp. Cũng nhờ nhóm anh em nầy, đa số làm nghề biển, họ đã tình nguyện lo máy móc, điều khiển tàu, tát nước… nên công việc của mọi người trên tàu cũng đỡ vất vả hơn. Tiếc là sau nầy không còn liên lạc được với mấy anh chị nầy nên giờ cũng không biết họ nay đang ở đâu? Chỉ nhớ vài người trong nhóm nầy thôi như anh Minh, Giai, Ba, Hùng, Hoa…

Vì tình trạng của chiếc tàu không được tốt mấy, nên tụi mình cứ phải cho tàu dừng lại nhiều nơi trên đảo Hải Nam. Mỗi buổi sáng tàu rời bờ đi dần lên phía bắc; nhưng buổi chiều thì lại cho tàu cập vào đảo vì không dám đi lâu sợ hỏng máy. Đảo Hải Nam thuở ấy còn hoang sơ, không phải như bây giờ. Có những đàn heo người ta nuôi nhưng lại thả cho nó đi rong vô tội vạ, và rất mất vệ sinh. Dân trên đảo rất hiền lành và chất phát. Họ tiếp đón bọn mình khá niềm nở và hơi tò mò. Tùy theo nhu cầu mỗi nơi khác nhau, tụi mình đem áo quần, đồng hồ, vàng bạc ra để đổi lấy thực phẩm và nhiên liệu. Người dân trên đảo cũng giúp tụi mình tu sửa chiếc tàu cho chắc chắn hơn. Thời gian nầy có lẽ anh chủ tàu, anh Bịn, là hạnh phúc nhất bởi vì đi tới đâu anh cũng được mời ăn món cháo cá là món mà anh thích nhất. Anh nầy có kỷ niệm vui với mình là về sau, khi đã tới được Hong Kong và đã kiếm được việc làm tại đây; có một lần anh đi làm mà vì say quá nên hãng xưởng không yên tâm, phải cho người theo anh đi xe bus để về trại tỵ nạn. Gặp lúc mình mới ra tới cổng trại thì xe bus của anh cũng mới dừng lại trước cổng. Không biết chuyện gì xảy ra mà thấy anh Bịn túm lấy anh bạn làm cùng xưởng nầy mà đánh túi bụi, mặc dầu người nầy không có đánh trả. Mình chạy lại hỏi thì anh tức tối phân bua, giọng sặc mùi rượu: “Chú mi có biết không, cái thằng Tàu ni hắn ngu lắm! Nãy giờ tui cứ nói với hắn- tui là ngộ, hắn là lị; vậy mà hắn không chịu nghe. Hắn cứ bảo hắn ngộ tui lị thôi, như rứa mà không tức răng được? Đập cho hắn một trận cho hắn biết!” Trời ơi là trời! Người ta đã làm ơn đưa mình về trại mà còn đánh người ta nữa! Sau nầy mỗi khi nhắc lại với anh chuyện nầy, anh ta chỉ cười trừ thôi.

Trên tàu nhờ có vợ chồng anh Vinh nói rành rẽ tiếng Quảng Đông, Quan Thoại và Phúc Kiến nên đi tới đâu anh chị cũng có thể giao tiếp với người ta nên mọi chuyện dễ dàng vô cùng. Cứ thế, ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng tụi mình cũng tới được cực bắc của đảo Hải Nam. Chiều hôm đó, cả nhóm định tranh thủ đi qua eo biển để ngày hôm sau sẽ bắt đầu chạy dọc ven biển của Trung Hoa mà đi lên Hong Kong; nhưng nhớ lại lời dặn dò của người dân Hải Nam là ở eo biển nầy có dòng nước chảy rất nguy hiểm, phải cẩn thận. Chúng tôi quyết định ở lại Hải Nam thêm một đêm nữa. Quả là một quyết định đứng đắn, bởi sáng hôm sau, mặc dầu trời trong mây tạnh, chúng tôi cũng phải chống chỏi một hồi mới ra khỏi dòng nước xoáy mạnh giữa eo biển nầy. Không cẩn thận thì nó cũng kéo tàu mình chìm hoặc là đẩy mình về lại với …lăng Ba Đình đó chứ!

Nhắc tới Ba Đình, mình lại thấy là hình như quốc gia nào theo chế độ Cộng Sản cũng đối xử với người dân rất giống nhau: luôn nghi kỵ, khủng bố, dọa nạt! Cũng may là vào thời điểm đó, đàn anh Trung Cộng mới “dạy” cho đàn em Việt Cộng một bài học qua trận chiến về biên giới Việt-Trung năm 1979, nên khi tụi mình ghé lại Trung Hoa Lục Địa đã không bị họ trả về lại Việt Nam. Tuy nhiên cách đối xử của người dân ở đây hoàn toàn khác xa dân Hải Nam. Có lẽ người Hải Nam lúc đó không quan tâm về chính trị nhiều. Tại Trung Hoa Lục Địa, tụi mình chỉ ghé một lần, nhưng cũng đã thấy rắc rối rồi. Vừa cập bến, đã thấy một toán lính hùng hổ mang súng ra uy hiếp. Sau khi nói chuyện với anh Vinh, họ đem giam tụi mình vào một nhà kho gần đó, khóa cửa bên ngoài. Một nhà kho bẩn thỉu, bụi bặm là nơi chúng tôi trú ngụ đêm đó. Mọi người đều đã đói lả, nhưng khoảng một hồi sau thức ăn mới được mang tới: cũng lại mấy rổ khoai lang, khoai mì và bo bo. Cả bọn nhìn nhau và cười, “Quả là cộng sản, đi đâu cũng gặp mấy thứ nầy!” Sáng hôm sau, bọn lính lại dẫn chúng tôi ra biển và bảo rằng: “Từ đây cho tới Hong Kong, các anh phải đi thẳng, không được ghé lại chỗ nào nữa. Nếu không, các anh sẽ bị bắt đó!”

Vậy là sau khi họ đã cho thêm một chút lương thực và nhiên liệu, tàu mình lại tiếp tục chuyến hải hành về hướng Hong Kong. Có những lúc gió biển thổi mạnh, tàu lao đao nhưng cũng phải cố gắng chạy tiếp vì không thể ghé vào đâu. Từ chỗ ghé đầu tiên ở trên Trung Hoa Lục Địa cho tới Hong Kong, chúng tôi còn phải đi thêm khoảng 8 ngày nữa. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, thức ăn đã gần kiệt quệ.  Vậy là những ngày cuối cùng, chúng tôi đã phải dè sẻn hết sức. Cả ngày mỗi người chỉ được vài miếng bánh biscuit nhỏ và vài giọt nước cầm hơi. Nhiều khi đói quá, mọi người ngồi yên dựa sát vào mạn thuyền vì càng cử động nhiều thì càng đói. Nhưng sóng biển đâu có tha, nó cứ dằn vặt mọi người; cũng có nhiều người thường hay bị nôn mữa, nhưng hình như trong những ngày nầy họ chả còn gì trong bao tử để nôn ra nữa!

Có những chuyện nghĩ lại cũng tức cười. Hầu như mỗi buổi chiều khi mặt trời bắt đầu lặn, những xao động trong thuyền cũng bắt đầu yên lắng. Mênh mông giữa sóng biển hãi hùng, thân phận con người thật là nhỏ bé! Khi bóng đêm bắt đầu bao trùm đại dương, là thấy mọi người bắt đầu lâm râm cầu nguyện. Thôi thì đủ tiếng cầu kinh, người thì kêu Chúa, người thì kêu Mẹ, kẻ thì niệm Phật, kẻ thì bắt đầu đọc kinh ăn năn tội… Thế mà lúc hừng đông vừa đánh thức vạn vật, khi mà tiếng nói mới bắt đầu lao xao, thì cũng là lúc nghe có tiếng người nầy người kia kèn cựa và gây sự với nhau!

Một kỷ niệm khác nữa mình có trong chuyến đi là với gia đình anh Nguyễn Văn Chiến. Người hùng “công an” một thời này, trên đất liền thì hùng hổ; nhưng suốt cả chuyến đi trên biển thì anh ta như tàu lá úa! Nhìn anh ta thật là thảm hại! Mỗi khi tàu di chuyển, anh ta chỉ biết ôm bụng kêu đau, và không thể đi lại được. Thấy vợ con anh ta nheo nhóc tội nghiệp, mình đã đặc biệt chăm sóc thức ăn và thức uống cho chị và các cháu. Về sau, cảm kích về chuyện này, khi đã tạm trú tại trại tỵ nạn Hong Kong, anh chị cứ hay bảo mình đến ăn tối với gia đình anh chị. Có một lần anh Chiến tâm sự với mình là đã lâu, vì công việc, anh đã không xưng tội rước lễ được. Bây giờ anh ta muốn mình giúp anh ta xét mình để xưng tội. Mình đồng ý, nhưng anh ta lại đặt điều kiện là mình phải uống… beer với anh ta, anh ta mới có can đảm để nói ra. Mình đồng ý, vậy là chiều hôm đó, lúc đi làm về, anh ta mua mấy con chim bồ câu đã được làm sạch, anh ướp thịt sẵn sàng và bảo vợ con tối hôm đó bồng nhau đi chơi, để anh ta nói chuyện với thầy Khanh. Khi mùi thơm thịt nướng dâng lên ngào ngạt, anh đem beer ra mời. Thú thật lúc đó mình đã tròn hai mươi, nhưng chưa bao giờ biết đến mùi beer. Hoàn cảnh oái ăm, lần đầu uống beer, mình phải uống để giúp cho người khác… xưng tội sao? Thôi thì, “cung kính không bằng tuân lệnh,” mình phải làm theo thôi! Anh Chiến bắt đầu mời mình uống beer với anh ta. Nhưng sau hai chai, anh ta vẫn chưa đi vào đề tài chính. Tới chai thứ ba, khi mình bắt đầu choáng váng và gục xuống, hình như lúc đó anh ta mới bắt đầu nói chuyện xưng tội. Cha mẹ ơi! Tối hôm đó mình không nhớ là mình đã ngủ ở đâu? Dẫu sao, mình cũng đã hẹn linh mục cho anh ta xưng tội sau buổi tối hôm đó. Gia đình anh Chiến giờ cư ngụ tại Stockton, California. Con cháu của anh chị bây giờ cũng đã thành tài.

Cuối cùng, tàu của tụi mình đã đi vào một hải cảng. Đi sâu vào trong mới biết đây là Macao chứ chưa phải là Hong Kong. Cảnh sát Macao cũng rất lịch sự và nhã nhặn, họ đã cho tụi mình những ổ bánh mình thịt thơm phức và nước uống. Một bữa ăn thật quá ngon lành sau những ngày đói khát trên biển. Sau khi biết là tụi mình muốn tới Hong Kong, họ đã cho một tàu hải quân dẫn đường, khi tới gần Hong Kong họ mới quay về. Tàu của tụi mình tiến vào hải cảng Hong Kong, có chiếc máy bay dọ thám trên đầu. Một hồi sau có tàu hải quân Hong Kong ra đón. Họ cho tàu tụi mình cập vào một chiếc xà lan hôm đó để làm giấy tờ trước khi vào đất liền. Có một điều không ai ngờ là khi mọi người leo lên chiếc xà lan và bận bịu làm giấy tờ; chiếc tàu vượt biên của tụi mình, vì không ai tát nước, từ từ chìm xuống biển! Tàu tụi mình mang số 1002!

Chiếc xà lan mà tụi mình mới leo lên, mỗi ngày có tàu hải quân Hong Kong cung cấp thức ăn hai lần, sáng và chiều. Tụi mình cập vào sau khi họ đã phát suất ăn buổi chiều. Vậy là phải đợi tới sáng hôm sau mới có thức ăn. Đêm đó, trước mặt là thành phố Hong Kong hoa lệ, cả nhóm mình lại nằm trên xà lan, đói và mệt, lại lạnh nữa vì có mưa bay lất phất. Phải còn lâu lắm mới tới bến bình an!

Sáng hôm sau có tàu hải quân cập bến đưa nhóm vào bờ. Họ lại đến quá sớm trước khi nhận phần thức ăn buổi sáng. Một lần nữa, cả nhóm lên tàu hải quân với cái bụng trống rỗng và phải đợi tới chiều hôm đó, sau khi hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ mới được nhận thức ăn! Ôi lận đận một đời tỵ nạn!

Vậy là sau 18 ngày nhọc nhằn trên sóng biển, chuyến tàu của tụi mình cuối cùng cũng đã cập bến Hong Kong vào ngày 30 tháng 5, 1980. Thời gian ở Hồng Kông cũng là thời gian gặp gỡ nhiều anh em cựu chủng sinh ở đây. Ngoài những anh em đi trên tàu của mình, trong trại còn có Huỳnh Phúc (71), và Nguyễn Ngọc Sơn (ngoại trú) mà sau nầy đã trở nên linh mục dòng Phanxico tại Úc Châu. Tàu của Trần Thứ (74) cũng cập bến Hong Kong sau đó khoảng một tháng. Thời gian ở Hồng Kông cũng rất sinh động, anh em cựu chủng sinh đã hoạt động rất tích cực cho những sinh hoạt trong trại, nhất là vấn đề ca đoàn. Thời điểm đó, trại tỵ nạn Hồng Kông không có được một cuốn sách hát nào. Thế là tụi mình, chuyền tay nhau những tập giấy, ai nhớ được bài hát nào thì cứ viết lời ra. Nhạc thì có Trần Thu và mình ghi lại, cố gắng chính xác chừng nào hay chừng đó. Phần trang trí thì đã có bàn tay khéo léo của Đoàn Hiển. Cặm cụi làm việc liền mấy tháng, tụi mình đã ghi lại được trên 400 bài hát, đóng thành tập hẳn hoi và lấy tên là Hương Nguyện Cầu. Đó là tập Thánh ca đầu tiên được in thành sách và được các sơ Nguyện và sơ Xuân (R.I.P.) dòng Salesien tại Hồng Kông đài thọ tiền in ấn. Mấy sơ nầy rất mến mấy thầy Huế bởi vì cứ tìm cách cho… tiền mà mấy thầy không lấy! Mấy sơ cứ thắc mắc, “Tại sao mấy thầy địa phận khác tới đây, sơ giúp gì cũng dễ dàng, mà mấy thầy Huế lại khó khăn vậy?” Anh em cứ phân trần, “mấy sơ đừng làm vậy mà người khác phân bì với anh em tụi nầy. Họ cùng vượt biên cực khổ như mình mà qua đây mình lại được đối xử đặc biệt hơn họ thì kỳ lắm! Tụi nầy đi làm cũng có tiền mà.” Mấy sơ cứ phải lắc đầu, “Mấy ông thầy Huế ni thiệt tình!” Nói như ai đó, “Huế nghèo mà sang!” Nhưng thật ra, đó là kết quả giáo dục của các ân sư để sống giữa đời mà không vướng mùi đời!

Trong nhóm anh em trực tiếp từ Chủng Viện ra và ở chung với nhau lúc đó là 4 người: Thu, Hiển, Khanh, Thắng. Khi nhận được 2 giấy bảo lãnh đi Canada từ giám mục địa phận Calgary, tụi mình bàn nhau để cho Trần Thu và Lê Văn Thắng đi Canada, bởi vì hai anh em nầy không có thân nhân ở Mỹ. Riêng Đoàn Hiển và mình đi Mỹ bởi vì hai đứa đều có thân nhân tại đây. Về sau, Trần Thu và mình chịu chức linh mục, trong lúc Hiển và Thắng lập gia đình. Như thế cũng công bằng cho Mỹ và Canada, cho Giáo Hội cũng như người đời!
 
-
Thánh Lễ Chúa Nhật trong trại tỵ nạn Hong Kong, 1980
 
-
Thuở ấy còn ngây thơ, chưa biết gì, chỉ biết yêu!
 
-
Nhóm Tân Mỹ
 
-
Giúp ca đoàn hát lễ Chúa Nhật
 
-
Hát đám cưới tại nhà thờ cha Minh
 
-
Cộng đoàn mừng lễ Giáng Sinh
 
-
Tác phẩm của mình: Bữa Tiệc Ly
 
-
Cha Matthew King, sơ Teresa Xuan (RIP), sơ Margherita Nguyện
 
-
Cha Minh
 
-
Cùng sơ Nguyện thăm gia đình anh chị Chiến- Hiến
 
-
Gia đình anh Chiến năm đầu ở Mỹ
 
-
Giáo Lý tân tòng
 
-
Đám cưới anh chị Lân – Danh
 
-
Nhóm (cựu) chủng sinh
 
-
Với Lê Văn Thắng
 
-
Ngày tiễn Thu & Thắng đi Canada
 
-
Ngày đi Mỹ

Tác giả: Lm Hồ Khanh HT72

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập236
  • Hôm nay71,846
  • Tháng hiện tại810,879
  • Tổng lượt truy cập58,096,748
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây