Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 09/03/2020 09:45
Tạ ơn Chúa đã cho con bảy năm trong TCV, cám ơn quý ân sư và những người đã phục vụ con. Xin ghi nhớ tình cảm của các bạn đồng môn.
1. Cha Bề trên Thuận (Đấng Đáng Kính ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận)
Chiều hôm đó, ở ngoài sân đá banh, “chú tôi” ham banh quá nên dẫm vào một bụi gai, nhưng chú coi thường không xuống phòng y tế. Đến giờ ngủ rồi mới thấy đau dưới bàn chân, một cây đâm sâu vào bàn chân đang mưng mủ, đau đến độ không ngủ được, chú chảy nước mắt nhưng giờ này thì không biết cầu cứu ai. Nói với mấy người bạn nằm bên thì mấy đứa bạn bảo: “Giờ này thì chỉ có cha bề trên thôi”.
Tôi ngại lắm, nhưng đau chịu không thấu, đành đánh bạo xuống phòng gõ cửa phòng ngài, thấy đèn còn sáng, tôi gõ cửa. Cha bề trên ra mở cửa ngay. Vừa thấy tôi cha ân cần hỏi có chuyện gì mà gặp cha giờ này. Tôi đưa bàn chân cho cha mà nước mắt chảy hai hàng. Cha bảo tôi ngồi xuống rồi lấy một hộp “đồ nghề” y tế khá đầy đủ để chữa vết thương cho tôi. Ngài chích vết thương cho xì mủ, sát trùng và xức thuốc cho tôi một cách êm ái, nhẹ nhàng hết sức mà tôi cho rằng người mẹ tuyệt vời cũng chỉ làm được như thế. Chuyện này ấn tượng với tôi đến mức sau này khi có dịp phải săn sóc vết thương cho ai tôi luôn nhớ đến việc ngài đã làm cho tôi và cố gắng làm với một phong cách như thế.
Sau này, tôi nghe những anh em khác kể lại rằng ngài thường làm những việc săn sóc các chú như thế. Ngày nào cha Bề trên cũng có 15 phút huấn đức trước giờ ăn trưa, nhưng đứa nào cũng thích đến giờ huấn đức của cha Bề trên. Sự giảng dạy và và gương sáng của ngài đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời tôi mà trong phạm vi của bài này tôi không thể kể hết về ngài.
2. Cha Luis Nguyễn Văn Bính
Tôi, và có lẽ các bạn chủng sinh cùng thời nhớ lúc cha phụ trách sĩ nhu (1 quầy tạp hóa nhỏ bán nhu yếu phẩm cho các chú), cha phát hành tiền “1 đồng vàng”, “2 đồng vàng”, … để lưu hành nội bộ, giải quyết việc thiếu tiền lẻ. Một bài học rất dễ hiểu về lịch sử đồng tiền!
Nhưng tôi nhớ ơn ngài nhiều nhất chính là những bài học tiếng anh đầu đời. Vì ngài tu học tại Ireland (Ái Nhĩ Lan) đến 10 năm nên tiếng Anh quá giỏi, nhất là phát âm rất chuẩn. Hình như ngài muốn truyền đạt một cách chính xác thế mạnh của ngài nên chuẩn bị chương trình và giảng dạy rất kỹ. Đặc biệt, khi học thêm mỗi một từ mới nào ngài cho sắp xếp vào từng nhóm phát âm khác nhau và bắt phải viết phiên âm từng chữ một. Nhờ căn bản tiếng Anh đó mà từ đó tôi rất thích học tiếng Anh. Và sau này vốn tiếng Anh đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống. Tôi luôn ghi nhớ ơn ngài.
3. Cha Hồ Văn Quý – Hồ đại nhân
Cha được gọi là cha Quý “đại” hoặc “Hồ đại nhân” vì ngài họ Hồ và thân thể to lớn. Ngài dạy tiếng La-tinh rất dễ hiểu và đặc biệt ngài kể chuyện rất hay. Ngài hay treo thưởng cho học trò bằng việc kể chuyện cao bồi vào 10 phút cuối mỗi giờ học nếu các học trò học hành chăm chỉ. Điều này đã cho buổi học rất sôi động, học sinh học chăm chỉ và rất quả đạt được rất cao. Cách kể chuyện cao bồi rất hấp dẫn, nhớ đến ngài là chúng tôi nhớ “rút súng”, “bằng bằng”. Ngài là một vị ân sư mà học trò khó mà quên được.
Kỳ Tĩnh tâm đáng nhớ
Đầu năm lớp 12, để chuẩn bị cho lớp “trưởng tràng”, chúng tôi được dự một kỳ tĩnh tâm ba ngày riêng cho lớp tại Dòng Kín Huế. Đây cũng là kỳ tĩnh tâm dài nhất mà chúng tôi từng dự; vì thế, với lứa tuổi 17-18 việc tập trung cho kinh nguyện và đọc sách thiêng liêng là điều khó khăn lắm.
Phát hiện trong dòng kín có một vườn trái cây, bốn đứa chúng tôi lẻn vào và hái trái cây ăn thỏa thích. Vì đúng mùa nên trái nào cũng ngon nên chúng tôi mê ăn mà không nhớ đến giờ ăn tối. Đến khi có người đi kiếm chúng tôi mới lật đật chạy vào. Vì tối nay là bữa ăn cuối cùng nên chúng tôi được một bữa rất là thịnh soạn. Tôi là người vào cuối cùng nên chỉ còn hai chỗ, đó là hai chỗ cùng bàn với cha Bề trên (sau này là Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể) và Đức Tổng Giám Mục Philiphê Nguyễn Kim Điền (ĐTGM). “Hãi” quá vì phải ngồi với hai đấng tôi nháo nhác tìm một chỗ nào khác nhưng các ngài gọi tôi lại, ấn tôi ngồi xuống và tỏ thái độ trấn an.
Thức ăn ngon quá, bình thường thì tôi thích lắm. Nhưng đã ăn trái cây nhiều quá, no mất rồi! Phải rán thôi vì không muốn mang tiếng “giả hình”. Chưa hết, bàn bốn người, bốn phần ăn nhưng chỉ có ba người ăn nên các ngài gắp cho tôi phần thứ tư và chắc các ngài cũng nghĩ rằng tôi rất thích, hơn nữa tướng tôi cũng to con khỏe mạnh nên “chừng đó ăn nhằm gì”. Điều đó đúng thôi, nếu tôi chưa xơi một bụng đầy trái cây! Thế là tôi căng bụng há mồm ra mà nuốt hết vì sợ các ngài cho là “Pharisiêu”. Kết quả, tôi trúng thực và hôm sau về lại TCV bị tiêu chảy hết mấy ngày! Bạn bè trêu: “Mi bị Thánh Têrêxa phạt”.
4. Cha bảo trợ của tôi (Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể)
Cha đến thăm gia đình tôi lúc tôi lúc mới học lớp ba (tiểu học) và ngài còn là Thầy Sáu, ba tôi nói với ngài: “Con giao thằng ni cho thầy, thầy cho hắn đi tu với thầy!”. Kể từ đó, trong thâm tâm tôi chỉ còn một con đường là đi tu, không dám nghĩ mình có thể làm gì hơn, mặc dù như bao đứa trẻ khác tôi cũng có rất nhiều ước mơ “trần thế”.
Ngày lễ phong chức linh mục ngài, ba mạ tôi dẫn tôi đi dự và được ngồi vào một vị trí trang trọng trong nhà thờ, những mong cho tôi thấy được sự cao cả của thánh chức linh mục. Phần tôi chỉ nhớ là thánh lễ dài lắm, vừa đói và khát nên ra khỏi nhà thờ là mừng rỡ nhảy tưng tưng. Thấy một bầy dê đang đứng gần một đống hạt đen đen tôi la lên: “Mạ ơi! thuốc tể!”, và vì thích thuốc tể quá nên tôi chạy tới định lượm thì mạ tôi ngăn lại: “Liêm! Cứt dê đó”.
Ba năm sau, khi tôi vào TCV thì ngài đã là giáo sư chủng viện. Thế là giữa chốn xa lạ này tôi có thêm một chỗ dựa nữa ngoài ông ruột đang học lớp Seçond (đệ nhị, lớp 11 bây giờ). Vài năm sau, cha bề trên đi làm Giám mục Nha Trang thì Cha bảo trợ của tôi đi du học Pháp. Năm tôi lớp 11, ngài trở về và làm cha bề trên. Trong giới hạn bài kỷ yếu viết cho lớp tôi không thể viết nhiều về những điều ngài đã làm cho tôi. Nhưng có một chuyện chắc các bạn cùng lớp còn nhớ.
Hè năm lớp 12 chúng tôi lại vào chủng viện để học thi Tú Tài. Vì hè nên chúng ngồi nói chuyện trong nhà ngủ mà tất cả đều ở trần. Cha bề trên Thể bắt gặp, ngài nói nhẹ nhàng: “Răng mà ở trần hết rứa!” và cho mỗi đứa một “chưởng” vào lưng. Nhờ “nội công thâm hậu” nên cả bọn không đứa nào bị “trọng thương”, nhưng “công lực” của ngài đã để lại nguyên dấu bàn tay trên lưng mỗi đứa. Đáng đời! đi tu mà dám ăn mặc “lõa lồ”, “khêu gợi”.
Năm đó, ngài cho phép cả 24 chú lớp tôi nộp đơn lên Đại chủng viện nên có đứa may sẵn áo chùng thâm mang vào cho bạn bè mặc để … chụp hình. Tất cả đều nộp đơn nhưng có năm đứa nộp đơn xin “ra ngoài”. Lý do của các bạn khác tôi không nhớ, nhưng không phải vì ngán học vì năm đứa đều học giỏi. Riêng tôi xin tạm ra ngoài học xong đại học để có thời gian suy nghĩ về ơn gọi. Tôi chờ đợi một lời la mắng hay trách móc từ ngài; nhưng ngài nhận đơn mà làm thinh không nói gì. Có nghĩa ngài đồng ý với tôi? Rồi thời thế thay đổi! Mấy đứa đang ở trong còn bị đuổi ra, mình ở ngoài làm sao mà vào lại! Đến năm 1980, tôi viết thư cho ngài “xin cưới vợ”, chấm dứt đời tu! Xin cám ơn Cha vì rất nhiều điều cha đã làm cho con mà con chưa thể kể hết ra ở đây. Dù “về” rồi nhưng vẫn xem cha luôn là Cha của con.
Tạ ơn Chúa đã cho con bảy năm trong TCV, cám ơn quý ân sư và những người đã phục vụ con. Xin ghi nhớ tình cảm của các bạn đồng môn.
Sài gòn, ngày 22 tháng 09 năm 2016 Giuse Lê Thanh Liêm