...Sau khi anh Tịnh lên vùng kinh tế mới An Hạ làm công việc âm thầm chứng nhân giữa cánh đồng truyền giáo mênh mông, cha Huệ về Vĩnh Phước tiếp tục giúp xứ thế anh Tịnh. Công việc này trước đó đã được cha Thứ lãnh nhận, nhưng cha Thứ được Đức Tổng Philipphê gọi về Huế, cha Vinh cũng được nhập ĐCV Nha Trang. Còn tôi về tạm trú tại cư xá Thanh Đa, chính tại nơi này đã in đậm những cuộc tao ngộ lý thú, mãi mãi không quên…
Ngày đó, anh em CCS Huế ngoài một lần gặp nhau nhân ngày lễ Giỗ Tôma Thiện, còn nỗ lực gặp gỡ chung mỗi tháng một lần, và Thanh Đa vinh hạnh đăng cai nhiều cuộc hội ngộ bỏ túi với rất nhiều anh em, trong đó có một vị khách đặc biệt là cha Hưng (RIP). Thi thoảng từ Suối Chồn lên Sàigòn, anh Hùng cũng thích ở lại đây với tôi, sau một chầu ngất ngư với bia lên cơn chính hiệu Cọp Đen Gò Vấp, là lúc hai anh em chúng tôi tâm sự thâu đêm, lúc đó với phong cách như một anh hùng lỡ vận, anh Hùng ngâm nga bài Hồ Trường (Nguyễn Bá Trác):
…Rót về Đông phương, nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây Phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng…
Rót và rót cả suốt đêm trường, suốt cả một thuở huynh đệ nghĩa tình, suốt cả một nửa cuộc đời tang điền thương hải đã qua và rót cho cả người bạn Nguyễn Xuân Sơn đã nghìn thu an giấc.
…Nào ai tỉnh, nào ai say
Lòng ta ta biết, chí ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Dễ có mấy lần trong cuộc đời được như vậy, dẫu có ngày mai và cả ngàn sau…
Chuyện họp mặt mỗi tháng một lần vẫn được duy trì. Tôi vẫn còn nhớ lần họp mặt tại cơ sở giáo dục nhà mở của anh Lê Hồng Hà vào những năm đầu thập niên 90 tại quận Tân Bình, chúng tôi đón tiếp anh Lê Kim Anh HT68 tham dự. Anh Kim Anh khi đó là viên chức sở thuế của quận Tân Bình. Trở lại chuyện anh em nhà anh Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Hà, Lê Hồng Khánh và Lê Hồng Hải, là hậu duệ của đại niên trưởng Lê Thiện Giáo AN39, các anh em này đều gắn bó sâu đậm một thời với chúng tôi.
Cũng chính tại Thanh Đa, sau này khi anh Hùng được nhận vào làm việc cho hãng bia nước ngọt Mimosa của anh Lê Cần PX61, sau một chầu ngây ngất, tôi cảnh tỉnh anh Hùng: - Con người ta sống được cũng nhờ lỗ miệng mà chết cũng vì lỗ miệng, có câu thần khẩu hại xác phàm đó, ý của mày là sao? - Sau này anh đừng bao giờ tỏ vẻ mình hơn sếp nhé, vì không một ông chủ nào muốn đầy tớ hơn mình cả, như rứa mới sống được. Dù có tự ái hay không, mặc xác, tôi chỉ nói điều tôi cảm nghiệm được.
Điều này sẽ thật khó với con người của anh, vốn có trí nhớ giỏi và siêng đọc sách. Sau này khi ăn nên làm ra, anh thường vào các nhà sách lớn tìm các đầu sách quý và đương đại gói đem về làm một chồng đọc từ từ, như hai cuốn sách về toàn cầu hóa “Thế giới phẳng” và “Chiếc Lexus và cây Ôliu” mà anh rất thích… Lâu lâu tôi sưu tầm được những cuốn sách xưa như “Một ngày trong đời” của Ivan Denisovich của Solzhenitsyn và cuốn “Quyền năng và vinh quang” của Graham Greene cũng đem tặng anh… Anh Hùng đọc rất nhiều, nhất là lúc ẩn cư nơi Suối Chồn, anh kể tôi nghe nhờ đọc sách mà anh mới biết được mình là ai?
Dần dần anh Hùng biết sử dụng thế mạnh của mình trong cách làm ăn, linh hoạt chốn thương trường nên khấm khá mỗi ngày. Anh mua đất làm nhà tại Quảng Biên, sắm sửa đủ mọi thứ tiện nghi, từ chiếc xe Yamaha cổ lổ xỉ đời 60, lên chiếc Vespa đời mới rồi Dream Thái… Sau đó anh đưa cả nhà lên Sàigòn, khi anh chuyển qua nghề xây dựng thì như rồng gặp mây, cá gặp nước, trượng phu đã có đất dụng võ, lấy sở tồn làm sở dụng như lời cụ Nguyễn Công Trứ.
Cũng chính nhờ bậc thầy về xây dựng Lê Hồng Sơn HT69 (em ruột của anh Lê Hồng Phong) khích lệ và cổ vũ nên anh Hùng không ngần ngại nhảy vào nghề xây dựng. Tưởng cũng nên nhắc qua tổ phụ xây dựng Lê Hồng Sơn, sau một thời gian làm phu xô xích le, anh Sơn gia nhập đội quân xây dựng ở tận miền Tây. Thoạt đầu chỉ là công nhân quèn chuyên đẩy xe cút kít mà dân nam gọi là xe rùa, tới giờ nghỉ, anh Sơn lại mượn các bản vẽ đọc ngấu nghiến, từ từ phụ trách mảng kết cấu sắt thép, sau đó thiết kế công trình, chỉ một thời gian ngắn, một ông thầu xây dựng tên là Tư Búa mời lên cộng tác tại chính đất Sài thành. Chuyện vẽ vời đồ họa là chuyện dễ dàng đối với Lê Hồng Sơn. Tôi vẫn còn nhớ cái bàn vẽ truyền thống của anh sau này tôi dùng làm bàn ăn, anh Sơn có thể vẽ bằng cả hai tay và vẽ mê say, quên cả chuyện ăn ngủ. Sau này anh tự mày mò chương trình Autocad và để tiếp thu cho lẹ, anh mời thầy về tận công trường dạy cấp tốc.
Thủa ấy, anh Sơn khởi đầu sự nghiệp ở khu Thảo Điền, bên kia cầu Sàigòn, nơi đó có hãng bia nổi tiếng vang bóng một thời cát cứ, đó là bia BGI mà ngày xưa giới bình dân gọi là lade con cọp. Năm 90 họ trở lại đầu tư ở Việt Nam, bước đầu họ thuê những nhà mát của giới nhiếp ảnh thành phố để ở, sau này các đại gia ngành ảnh ồ ạt xây các villa cho họ thuê, sau đó lan rộng ra các công ty đa quốc gia khác. Và công việc của anh Sơn bước đầu thuận lợi. Không chỉ dừng lại chuyện thiết kế, anh Sơn chiêu mộ anh em cựu chủng sinh vào làm xây dựng, dù có nhiều anh em chưa biết chữ cốp-pha nghĩa là gì! Ấy vậy mà nghề dạy nghề… anh em từng bước làm trưởng công trường ngon lành.
Tôi còn nhớ vanh vách các anh em đầu quân về công ty anh Lê Hồng Sơn như qúy anh Nguyễn Viết Hùng, Hoàng Minh Tuấn HT67; Nguyễn Hữu Phượng, Đỗ Hữu Phúc HT68; Đặng Thừa, Lê Xuân, Phan Xuân Long, Trương Đình Quỳnh, Đoàn Mạnh Anh HT69; Nguyễn Xuân Long, Đỗ Khắc Hiền, Nguyễn Công Hoàng, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Hùng Dũng HT71; Lê Thành Đức, Nguyễn Ngọc Đoàn, Nguyễn Đoàn, Lê Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Trương Quốc Thu HT72; Trương Nhuận, Nguyễn Văn Sanh HT74… Riêng tôi, anh Sơn đưa vào làm trước mọi người với công việc coi kho vật tư, mãi đến năm sau, khi anh Võ Đình Hùng vào với chức danh góp cổ phần thì tôi được anh Hùng đề nghị làm tổ trưởng sơn nước, từ đó mới có tên Dũng sơn nước. Tôi không biết quyết định này có đúng hay sai, nhưng dù đúng dù sai thì mọi cá nhân đều phải tự bươn chải mới thành công được.
Chừng một năm sau, anh Hùng rút cổ phần ra và thành lập công ty xây dựng mới, kéo theo các anh Đặng Thừa, Lê Thành Đức và Trương Nhuận. Sau đó tuyển mộ thêm anh Hồ Xuân Trinh, Trần Văn Tân, Trương Quang Tuyến, Nguyễn Phúc Huệ… Đây là việc tự nhiên, vì càng nhiều anh em tách ra độc lập thì anh em sẽ trưởng thành và phát triển hơn nhiều. Dù vậy, anh Hùng vẫn còn làm trưởng kíp cung tiêu bia nước ngọt Mimosa cho thị trường Quảng Thuận, con số hàng trăm ngàn chai, có nước hay vỏ không, số thất thoát được anh tính nhẩm không hề sai sót. Thủa đó, bia Mimosa của anh Cần có loại chai nhỏ mang hương vị xem xem bia Saigon, nhưng giá chỉ bằng một nửa, anh Tịnh có còn nhớ không. Có lần lễ giỗ Tôma Thiện tại Vĩnh Phước, anh Hùng xin anh Cần ủng hộ một bao tải bia Mimosa, tối trước ngày lễ, cha Vinh, em và một hai anh em nữa quất sạch sành sanh dù uống khan, khỏi mồi và nước đá…
Như vậy ở Sài thành thời đó có 3 công ty xây dựng, một của anh Vũ Quang Hà HT67 vẫn tồn tại cho đến bây giờ, một của anh Lê Hồng Sơn HT69 đã giải thể và một của anh Võ Đình Hùng HT68 không hiểu có tồn tại sau khi chủ nhân khuất bóng. Mỗi công ty của anh em đều có sắc thái riêng. Đối với công ty Nhà Việt của anh Vũ Quang Hà, cách làm việc là phải khuôn phép, khẩn trương… thậm chí phải làm thêm kể cả ban đêm hoặc ngày nghỉ lễ cho kịp tiến độ. Khi cao điểm, toàn bộ phải ứng trực 24/24 tại công trường. Đa phần anh em mình khó trụ lại được dù lương bổng xứng đáng với thành quả công việc mình đáp ứng. Các công ty khác khi nhận thầu đều yêu cầu tiến độ thời gian cả năm trường, riêng Nhà Việt chỉ cần 4 tháng, ký quân lệnh trạng bồi thường hợp đồng nếu bên B chậm trễ, và ngoài ra bản phụ lục hợp đồng của Nhà Việt minh bạch rõ ràng phần vốn và lợi nhuận, nên chi các nhà thầu ưa chuộng và tin tưởng đối với Nhà Việt. Một câu chuyện nho nhỏ về nhà thờ Vườn Xoài, giáo xứ gần nhà anh Hà, cha sở than phiền vì công việc trùng tu do một đơn vị làm quá lê thê, chây lì kéo dài hàng tháng, anh Hà vội đưa quân ồ ạt đến giúp và chỉ sau 10 ngày, không những công trình hoàn tất mà còn được anh giúp miễn phí. Nhờ vậy sau này, anh Hà giới thiệu cha Hồ Thứ bề trên ĐCV Huế vào đây dâng lễ quyên góp việc xây dựng nhà sinh hoạt cho các thầy, lần đó lạc quyên được con số kỷ lục là 350 triệu.
Công ty Hoan Thiện của anh Hùng phát triển một phần nhờ tài ăn nói thuyết phục của anh Hùng. Mọi vấn đề dù nan giải cỡ nào đều được anh giải trình chi ly, nhất là thái độ không bao giờ quỵ lụy khách hàng. Sau này anh chuyên xây cất rất nhiều nhà thờ, nhà mục vụ… cũng có thể nhờ tài ăn nói hùng biện của anh; kể cả các vấn đề tín lý, thần học…anh thao thao bất tuyệt, nhiều khi đã quen cung giọng đó rồi, mà cả chúng tôi vẫn mãi mê say sưa lắng nghe.
Công ty của Lê Hồng Sơn thì đượm bản sắc khác. Thái độ của anh Sơn luôn nhẹ nhàng, khiêm tốn, và nhất là nhờ có quan hệ tốt với các chủ nhà biệt thự ở khu Thảo Điền nên ngày càng dần được giới thiệu theo hiệu ứng domino, công việc vẫn luôn cung ứng cho anh em có đủ việc làm. Có lúc phải ra thi công các resorts tại Mũi Né, Phan Thiết. Nhờ đó một số anh em học hỏi nhiều kinh nghiệm, có đủ bản lĩnh để tự ra riêng.
Tuy là công việc của mỗi cá nhân có tính cách riêng biệt, nhưng giữa anh em vẫn còn mối dây khắn khít mật thiết với nhau. Thời gian đó, Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập tạo mọi điều kiện để chúng tôi tổ chức lễ giỗ Tôma Thiện tại Bình Triệu, nơi một cộng đoàn tu hội gần nhà Đức Ông có sẵn mọi tiện nghi tiếp đón anh em, hơn nữa Bình Triệu lại là trung tâm Sàigòn, có bến xe miền Đông thuận lợi cho anh em đi lại để tham dự. Lúc đó cha Maria Đaminh Lê Đăng Ảnh như là một vị linh hướng, nỗ lực giúp đỡ anh em, nhất là tìm nguồn học bổng khuyến học cho con em cựu chủng sinh Huế không riêng phía Nam mà còn cả vùng Huế-Quảng Trị…
Nhờ vậy, chúng tôi thường xuyên gặp lại quý anh HT68. Đàn anh Nguyễn Quang Bình, ngay từ năm 1981 tôi đã gặp tại Sàigòn, anh đã giúp tôi tờ thông hành tự do đi lại của cơ quan chủ quản là trường trung học phổ thông cấp 3 Ban Mê Thuộc, và sau này anh Bình cũng năng xuất hiện trong những lần lễ Giỗ ở Bình Triệu. Tôi nhớ có lần anh Bình đăng đàn giới thiệu cảm nghiệm của mình về Đại hội Giới trẻ Công Giáo Thế giới mà anh đã tham dự. Dần dần các anh Lê Văn Dương, Trần Kim Quốc…ở tận vùng cao su Hòa Bình về tham dự sinh hoạt cùng nhà trường.
Riêng quý cha HT68, tôi năng gặp cha Phêrô Phan Văn Tươi (TN68) nhiều nhất. Cha Anrê Lê Văn Hải thì hàng năm vào dịp đồng hương Dinh Cát và các ngày họp mặt chung trường như Hội ngộ lần 1 và 2 ngài đều có mặt. Cả những dịp những sự kiện lớn của TGP Huế, cha Hải luôn tham dự dù công việc vẫn còn bề bộn do phải xây cất 2 ngôi nhà thờ liên tiếp. Năm 2014, tôi được vinh dự ghé thăm và chiêm ngưỡng các công trình “tuyệt tác” của cha Anrê Lê Văn Hải. Ngài thật giỏi trong lĩnh vực này, giỏi cả về mỹ thuật Thánh, giúp đường lối kiến trúc hài hòa với cư dân miền sơn cước bản địa. Sau này, Đấng Bản quyền cử ngài về Cà Ná thành lập giáo sở mới. Chắc chắn một ngày gần đây, ngôi thánh đường Cà Ná sẽ được dựng xây, sẽ trở thành nhà thờ cực Nam của Giáo Phận Nha Trang. Ngoài ra, ngài còn biết làm thơ, những bài thơ đượm tâm tình sâu lắng về thuở thiếu thời, về lớp HT68, về Mẹ La Vang... Có một bài thơ đầy xúc cảm của ngài về Mẹ La Vang, ban biên tập muốn sửa lại một vài câu để đăng trong cuốn Nhã Ca Đức Mẹ La Vang, ngài từ chối vì làm linh mục thì không thể không trung thực được...
Với cha JB Lê Văn Tuấn đang làm mục vụ tại trời Tây, mỗi lần ngài về thăm quê hương, tôi được ngài vời tới đối ẩm và tâm sự. Dịp mệ mất và giỗ tiểu tường, anh chị em phía Nam đã đến phúng viếng và cầu nguyện cho mệ. Cha Tuấn còn có bào huynh là anh Lê Văn Dũng HT66. Dường như ngài rất thích bầu khí ấm áp huynh đệ không riêng gì HT68 mà cả các lớp khác...
Tôi chỉ hơi thắc mắc một chút là những dịp gặp nhau tại La Vang, tôi chưa bao giờ thấy cha PX Trần Phương (cha sở Thạch Hãn) và cha Đaminh Nguyễn Tưởng, khi đó coi họ Thanh Hương, vào tham dự với anh em, dù cự ly về La Vang rất gần! Thôi thì chúng ta tôn trọng các ngài, có nhiều lý do chỉ có các ngài mới biết được.
Cái nôi khởi đầu cho sự phát triển cựu chủng sinh Huế phía Nam chính tại giáo xứ Vĩnh Phước. Tại đây, nhờ có tấm lòng luôn rộng mở đón tiếp trọng thị của cha sở Gerrado Phạm Anh Thái (RIP) cùng với người anh em lớp HT69 là chú Sáu, tên gọi thân mật của xứ đạo miền quê này dành cho thầy giúp xứ Phêrô Nguyễn Huệ. Sau này ngài là cha giáo ĐCV Xuân Lộc và là cha linh hướng cho anh em phía Nam suốt 15 năm nay. Nhờ đó, có nhiều anh em mới có cơ hội gặp nhau sau hàng chục năm, tha hồ tâm sự…vì họ cho rằng dù đã ra đời rất lâu, nhưng vẫn cảm thấy lạc lỏng, chơ vơ… Chỉ khi gặp lại anh em cùng thời ngày xưa, họ cảm thấy ấm áp, thoải mái như thuở nào… Dù sao khoảng thời gian tu học vắn hay dài cũng để lại những nhận thức, cảm quan chung chung mà chỉ có ai ở dưới mái nhà trường đó mới thấu hiểu được.
(Viết đến đây sao tôi cảm thấy thật khó viết tiếp quá, nhưng nếu viết về một con người, một đời người, nếu không kể đủ những ưu khuyết điểm thì e rằng mình không thật với lòng mình và có thể mình không tôn trọng đọc giả và cả người nằm xuống vì lẽ con người không ai hoàn thiện được, tôi chỉ viết theo lối suy nghĩ của cá nhân mà thôi.)
Có nhiều thao thức, tâm tư của anh em mong muốn đóng góp cho gia đình cựu chủng sinh Huế Sàigòn-Xuân Lộc. Có những ý kiến nhẹ nhàng, nhưng cũng có những ý kiến mạnh mẽ, cho rằng nên tổ chức ngày họp mặt (lễ giỗ) như tổ chức một sự kiện tại một hội trường khách sạn với đầy đủ tiện nghi… Thoạt đầu mới nghe tôi đã phản đối, vì như vậy chỉ còn hội họp mà thôi, còn các việc như phụng vụ, lễ bái …thì dẹp bỏ hay sao?; còn đâu là truyền thống? Và từ đó đã bắt đầu có sự thay đổi của một số quý anh HT68 ở phía Nam, thay vì cùng đến tham dự ngày lễ giỗ chung trường, đa phần trong lớp tổ chức riêng lẻ với nhau, hoặc chí ít là quý anh HT68 chỉ tham dự thánh lễ, sau đó cùng kéo nhau đi đến một nhà hàng nào đó mừng lễ, còn các lớp khác, vẫn ở lại sinh hoạt chung với trường cho đến khi giải tán. Việc tổ chức riêng là việc tự do không hề có chuyện bó buộc theo chuyện khoáng đạt chung, nhưng nhiều lúc tôi suy nghĩ, nếu không có trường thì làm gì có lớp, và ngược lại nếu không có lớp, thì đâu còn vui và hứng thú gì?
Dịp Hội Ngộ lần 2 vào năm 2014, lớp HT68 chỉ tham dự lèo tèo mấy người. Phía Nam có anh Đỗ Hữu Phúc, Lê văn Dương; ở Ninh Thuận chỉ có cha Lê Văn Hải và Huế chỉ còn anh Huỳnh Đình Đăng… Trong khi các lớp khác cùng với bầu đoàn thê tử mỗi lớp vài chục người trở lên, có lớp như HT63 của anh Vinh Sơn thuê luôn một toa tàu hỏa xa, còn lớp HT67 thì bao tiêu nguyên một chiếc xe 45 chỗ hoành tráng…
Vào đầu năm 2015, chúng tôi nhận được tin dữ, anh Võ Đình Hùng vướng căn bệnh trầm kha ung thư và đang nỗ lực chạy chữa. Cả nơi bệnh viện Việt Pháp, thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau, anh vẫn tỏ vẻ bình thường, công việc làm ăn vẫn tiếp diễn. Dần dần sau đó, anh Tuyến HT68 có nói với tôi rằng anh Hùng yếu lắm rồi, nhưng vì muốn giữ kín, nên Dũng đừng lên tiếng… Tuy vậy chúng tôi vẫn âm ỉ thông báo cho nhau và tập trung về nhà thờ Bến Gỗ, tổ chức giờ chầu Mình Thánh Chúa đặc biệt cho anh Hùng. Hôm đó có anh Lê Hồng Sơn và Đặng Thừa HT69 vừa ở hải ngoại về tham dự …
Và ngày cuối đời đã đến, anh Hùng yên nghỉ, ra đi bình an vào ngày đại Lễ Phục Sinh năm 2015 không chỉ trong cung lòng của gia đình mà trong cả bàn tay bằng hữu huynh đệ. Các anh HT68 đã túc trực bên anh trước và sau giờ lâm chung. Phần ban Đại diện phía Nam cũng tổ chức trang trọng giờ kinh nguyện với vài chục anh chị em đến dự…
Và rồi sau đó, lớp HT68 tưởng chừng như lặng lẽ vốn từ xưa đã lặng lẽ… thì càng lúc càng phát triển mạnh mẽ với hai sự kiện lớn nhất. Một là họp lớp tại Cà Ná vào mùa hạ năm 2018, một cuộc đoàn tụ có lẽ là đông nhất của HT68. Tôi cũng được mời, nhưng vì bận nên không cùng tham dự được. Và vào tháng 4/2019, lớp HT68 lại cùng bầu đoàn thê tử, khăn gói lên vùng Tây Nguyên hội ngộ. Tôi được chứng kiến tại đây mọi sinh hoạt của lớp, được gặp nhiều vị đàn anh lần đầu tiên mới diện kiến, được tham dự đầy đủ các thánh lễ mỗi ngày và được hòa đồng vào bầu khí huynh đệ của quý anh và dường như được mọi người thương mến…
Sau ngày trở về từ Hội ngộ HT68 Tây Nguyên, tôi có chia sẻ một vài tâm tình cá nhân. Anh Trần Thanh Sơn có nhã ý nhờ tôi viết thêm một vài trang nữa để anh sưu tập đưa vào trang kỷ yếu của HT68. Tôi chỉ biết vâng lời và viết lên những gì mà tôi còn nhớ, viết với một thái độ khách quan, trung thực những gì còn nhớ lại, còn lưu lại trong tâm khảm về những ngày tháng dâu bể trong 40 năm qua…
Những ngày đầu tháng 6/2019 vừa qua, tôi đã ghé thăm cha Bửu trong một dịp đi Quảng Bình, một vị giáo sĩ khá đặc biệt với một hoàn cảnh đặc biệt trong một con người thật đặc biệt. Cá tính của ngài là lạc quan, vui vẻ, phó thác và chấp nhận mọi điều kiện, mọi biến cố, mọi nghịch cảnh… Những con người như vậy thật hiếm và thật quý. Cha Bửu không hề nói hay, giảng giỏi, phát ngôn hùng biện…nhưng ắt hẳn mọi người đều cảm thấy hình ảnh của một vị mục tử trẻ trung, nhiệt thành và khiêm hạ ...
Rồi ngày mai, còn gì đọng lại
Một kỷ niệm chỉ đến một lần
Một bâng khuâng in đậm thâm tâm
Một lời kinh theo nhau năm tháng.
Xin Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là Đấng Bổn Mạng của HT68 phù hộ và gìn giữ gia đình HT68 luôn mãi.
Chúc Tụng Danh Chúa Đến Muôn Đời.
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71