Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 01/04/2019 05:41
Vào ngày 15/4/1975, Tiểu chủng viện Hoan Thiện lại mở cửa tiếp đón hơn 100 chú trở về. Chắc chắn đây là một quyết định dũng cảm của một vị Tổng Giám mục dũng cảm (Đức cố TGM Philipphê) giao phó nhà trường và các chú cho cha Gioan Nguyễn Lợi làm tân bề trên...
Vào ngày 29/3/1975, những đoàn quân Bắc Việt chiếm lĩnh thành phố Đà Nẵng, những chiếc xe jeep quân đội Cộng Hòa được “Bên chiến thắng” rước ảnh ông Hồ Chí Minh chạy rần rần khắp các đường phố từ trung tâm đến mọi vùng ven. Thế là xong, vận Nước đã sang trang… Chúng tôi lật đật theo gia đình trở về bổn quán, về lại mái nhà xưa cũ để bắt đầu thao luyện cuộc đời sau “Bức màn sắt”. Chỉ có bậc cha mẹ là thở ngắn than dài vì tương lai mù mịt, còn chúng tôi hãy còn quá trẻ để cám cảnh những bi lụy của thời cuộc.
Vào ngày 15/4/1975, Tiểu chủng viện Hoan Thiện lại mở cửa tiếp đón hơn 100 chú trở về. Chắc chắn đây là một quyết định dũng cảm của một vị Tổng Giám mục dũng cảm (Đức cố TGM Philipphê) giao phó nhà trường và các chú cho cha Gioan Nguyễn Lợi làm tân bề trên cùng với các cha cộng tác: Cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ [RIP], cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải và cha Anrê Nguyễn Văn Phúc. Tiểu chủng viện chỉ thu nhận 5 lớp cũ từ lớp 8-12, nói đúng hơn là chỉ 4 lớp mà thôi, vì lớp 12 của niên khóa 1968 chỉ lưu lại một hai tháng để thi tú tài, sau đó tuyển thẳng lên Đại chủng viện, còn lại 4 lớp tồn tại mãi đến ngày chia tay vĩnh viễn vào ngày 22 tháng 12/1979. Từ thời điểm sau 75, Tiểu chủng viện không còn nhận thêm các chú vào nữa, mà chỉ nhận các chú tu học tại chỗ, và ngày Chúa nhật hàng tuần được vào chủng viện tĩnh tâm, học hỏi thêm… nên các em sau 1975 được gọi là chủng sinh ngoại trú. Về chi tiết này, chỉ có những anh em được giao trách nhiệm như cha Nguyễn Vinh và anh Lê Văn Hùng HT69…nắm rõ hơn ai hết.
Nói thì dễ dàng, nhưng chỉ ai ở trong cuộc mới thấu rõ việc đào tạo các ứng sinh sau biến cố 75 là khó khăn chừng nào! Hãy nghe lời kể của cha giáo Anrê Nguyễn Văn Phúc: “Về tài chánh, chủng viện rất vất vả. Không còn trợ cấp của Tòa Thánh. Nhiều chủng sinh theo gia đình vào Nam. Những gia đình chủng sinh ở lại Huế hầu hết lâm cảnh túng nghèo. Các giáo xứ rất tích cực đóng góp cho chủng viện, nhưng cũng chỉ hạn hẹp theo khả năng.”
Tháng 8/1975, Đức cha Philipphê đặt cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải làm bề trên thay cha Gioan Nguyễn Lợi về làm quản xứ Phanxicô. Như vậy, ban huấn đạo chỉ còn 3 linh mục.
Ngày đó, tấm panô được dựng lên ngay cổng vào của Tiểu chủng viện với hàng chữ ấn tượng: “Nhu cầu mới, linh mục mới”. Đấng Bản quyền của giáo phận ắt hẳn đã cùng ban huấn đạo nhìn thấy viễn cảnh mới của dân tộc mà quyết định công việc đào tạo cần phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Thời gian biểu thường nhật vì thế cũng thay đổi. Sớm tinh mơ, các chú đã dậy sớm, bắt tay ngay vào việc lao động, thường thì gánh nước tưới rau, các sân banh đều trở thành các vườn rau củ xanh um… Vì thế tiếng khua khoắn của các thùng xô làm kinh động bầy heo đang ngủ, chúng kêu inh ỏi cả một góc trời, làm cho quý chị (dòng MTG) đôi khi phàn nàn các chú không ít. Lao động miệt mài cho tới giờ ăn sáng. Cứ 4 chú một thau cơm nhỏ độn đủ thứ với một chén nước mắm, cũng may thời đó chưa có Chinsu. Tới 9 giờ, chúng tôi mới nghỉ việc, chuẩn bị Thánh lễ và sau đó vào phòng học. Buổi chiều lại tiếp tục ra vườn nhổ cỏ, cuốc đất và vào học tiếp… Buổi ban đầu, với kỷ luật khắc nghiệt, nên nhiều chú bỏ cuộc, chịu không nỗi, tự động xin về. Sĩ số ban đầu hơn 100 dần dần còn lại quá bán.
Sau đó, chúng tôi được tiếp tục theo học phổ thông tại các trường ngoài như Quốc Học, Gia Hội, Nguyễn Trường Tộ, v.v… Môi trường mới hoàn toàn này làm các chú bỡ ngỡ khi học chung với các bạn mới, nhất là các nữ sinh yểu điệu, tiểu thư trang đài từ trường Đồng Khánh chuyển sang. Tôi còn nhớ lớp 12D6 của chúng tôi, quá nửa là con gái, mà đa phần đều xinh đẹp cả, đúng là Tôn nữ của một thời, đẹp nhất là con bé DT ngồi một bên, hồn nhiên như một “Ngày xưa Hoàng Thị”, mắt xoe tròn với chiếc má lúm trời cho. Đôi khi không thuộc bài bị thầy mắng, nàng úp mặt tỉ tê sướt mướt. Tôi muốn dỗ, nhưng nào noái ra lời... Mãi hơn 40 năm sau gặp lại nàng ở Sàigòn, bi giờ đã làm bà ngoại mà sao vẫn đẹp và đài các như xưa. Tôi nhớ những lần bị cô giáo khảo bài trước bảng, tôi khéo léo lùi gần dãy bàn đầu, thế nào cũng được các tiểu thư nhắc bài giùm. Họ mến các chú lăm lắm, có lẽ vì các chú vương vương một chút nhân bản, không bao giờ nói phét, chửi thề và nhất là không hề ỷ đông, ăn hiếp ai; trái lại luôn bênh vực, che chở cho các bạn yếu thế. Tôi và cả cha Đức (có phải là ngài không?) được chọn vào lớp chuyên văn của trường Quốc Học, nhưng khi đọc thơ của Tố Hữu: “Ông Xít ta lin ơi! Thương cha thương mẹ thương chồng, thương mình thương một, thương ông thương mười”…oai hỏi oải quá, nên thôi xin miễn, về học bình thường. Một kỷ niệm rặt học trò khi vị giáo sư luống tuổi dạy tiếng pháp, thay vì gọi bằng tên, thầy gọi bằng số thứ tự. Tên của tôi là số 15, nên khi đọc chữ Ken (Quinze) kéo dài là cả lớp rúc rích, nhưng không bằng thằng Hồ Anh Dũng số 14 (Quartoze), khi nó xưng danh, là bọn con gái cười rú khoái chí. Có một lần thanh tra học vụ từ Hà Nội vào lớp tôi tìm hiểu tâm nguyện của học sinh thời XHCN, họ phát các tờ rơi đã in sẵn, đại để như: Các bạn thích cuốn sách nào nhất?…Toàn bộ các chú đều điền vào: Thích cuốn sách Kinh Thánh nhiều nhất.
Cô giáo Lê Thị Thanh Toàn, chủ nhiệm 12D6, dáng người mảnh khảnh "qua cầu gió bay" nhà ở miệt Gia Hội, thi thoảng đến nhà cô chơi, học trò chúng tôi được cô đem đủ các loại mứt truyền thống tuyệt ngon và cầu kỳ mời. Sau nầy vào năm 1982, tức là 5 năm sau, tôi tình cờ gặp cô trên cầu Bông, Phú Nhuận Sàigòn, lúc đó tôi chạy cyclo, cô trò gặp nhau, tôi thấy cô rút khăn tay lau vội nước mắt mừng mừng, tủi tủi. Sau đó tôi đưa cô về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, và từ đó đến bây giờ chưa bao giờ gặp lại. Sau nầy hỏi thăm các bạn ngoài đó như DH cũng không biết tung tích. Thời gian đầu khi sinh hoạt ở trường ngoài, trước lạ, sau quen và vì các chú hãy còn trẻ, năng động nên dần dần thích nghi … Mỗi buổi tối, các chú có giờ kiểm điểm hằng ngày chung với nhau, gọi là chia sẻ các cung cách ứng xử về việc làm chứng nhân trong trường học… Nhờ đó, các chú trưởng thành và chín chắn hơn trước những tình huống của cuộc sống mới. Thời gian đó, chỉ có một vài chú là dây dưa tình cảm mà thôi, nói chung đều không đáng kể. Tuy vậy cũng có một số ít bị lung lạc bởi ý thức hệ hoặc do lời đường mật hứa hẹn về một tương lai xán lạn. “Thù ngoài đâu bằng giặc trong nhà” là vậy.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi được phân công đi lao động tại nông trường Thiên An. Thủa đó, Tiểu chủng viện ngoài các sân vườn đều lên liếp trồng rau củ, gọi là nông trường Hoan Thiện. Chúng tôi còn mượn sân cỏ phía sau của trường Thiên Hữu trồng rau màu, là nông trường Thiên Hữu. Nay ban huấn đạo lại mượn thêm đất của dòng Thiên An để trồng sắn, gọi bằng nông trường Thiên An. Ở đây đất đai cố hữu là đất triền đồi, nên trơ trơ toàn sỏi đá. Chúng tôi mỗi ngày phải xuống sông Hương vớt rong bèo phủ vào các luống đất để làm phân bón. Nhớ những buổi lao động miệt mài, cuốc thành vồng dưới cái nắng chang chang của mùa hè, cùng với ngọn gió lào rát buốt, nhớ ngôi bệnh xá của nhà dòng nằm ẩn khuất trong một rừng thông hiu hắt, nơi đó ắt hẳn ngày xưa, các thầy dòng đã tuồn thuốc men và lương thực giúp đỡ cho các thương binh CS. Để bây giờ “ăn cháo đái bát”còn hơn cả đá bát. Tại nơi bệnh xá này, nhà dòng cho chúng tôi mượn để tá túc sau những ngày lao động. Phía sau bệnh xá là hồ Thủy Tiên tuyệt đẹp và thơ mộng, có một thời đoàn làm phim Nắng Chiều trước 75 đã chọn cảnh chính tại đây.
Cứ mỗi tuần, cha bề trên Phêrô và cha quản lý Anrê thay phiên lên đây ở cùng chúng tôi, có cả chị Diệp (MTG) ở thường xuyên lo về ẩm thực. Sau đó, nhà dòng lấy lại và cho phép chúng tôi ở hẳn trong nội vi, đó là nhà kho. Nơi đây, chúng tôi có điều kiện dự lễ hằng ngày tại nhà nguyện dưới hầm, thật sốt sắng và huyền nhiệm. Thời gian ở nhà dòng, dường như giúp chúng tôi thấm thía tinh thần Ora et Labora ít nhiều, nhất là cung cách làm việc rất khoa học của các thầy. Ngày đó và đến giờ các thầy có nghề làm dầu Tràm nổi tiếng. Ngoài ra vườn cam Thiên An được nhiều người ưa thích vị ngọt đặc trưng, vì được các thầy chăm chút kỹ càng. Ngay cả cái việc sử dụng phân “bắc” cũng tinh tế, khác xa cái thứ phân ở ngoài bắc khi xã viên đi lao động, nếu mà mắc ị tại chỗ là lo đùm ngay về nộp cho hợp tác xã… gớm guốc quá… Còn ở đây, các thầy làm các buồng vệ sinh kín đáo, phía sau có máng trượt xuống hố, mỗi lần đi là lấy tro để sẵn rắc lên máng, tự động lăn xuống hố đã chứa vôi sẵn, vài tuần sau mới sử dụng, thiệt là văn minh và sạch sẽ…
Khoai sắn sau khi thu hoạch được thầy Gioan (đã hồi tục) dùng xe tải đưa về TCV, được xắt lát và phơi khô để dành trong kho, quý hơn cả vàng… Buồn nhất là gặp trời mưa dai dẳng ở đất thần kinh, nên củ sắn đâu có để lâu được, là phải luộc để ăn thay cơm suốt mấy ngày liên tiếp, nhức đầu như búa bổ, nên tới giờ veillé buổi tối là tôi chuồn vào phòng ngủ, ai dè các chú khác cũng đều như tôi nằm la liệt cả.
Những kỷ niệm nơi đan viện ẩn tu này chất chứa thật nhiều cho đến bây giờ. Tôi mong có nhiều anh em cùng thời thuật lại để nhớ một thời huynh đệ ngút ngàn làm sao quên được. Nhất là cha Hồ Khanh hoặc những anh em khác, nên tranh thủ một tý để viết lại những kỷ niệm đầy ăm ắp này.
Cực nhất là những mùa đông, những đêm trời lạnh rét hung, chúng tôi phải dùng tới 3 cái mền. Một cái cột vào cọc sắt hai đầu như chiếc đò, một cái dùng để phủ ngoài chiếc đò và cái còn lại dùng đắp bên trong mới chống cự cái lạnh dễ sợ này. Ngán nhất là khi nghe chuông sáng, ai ai cũng đều nướng, cha Tuệ phải vào mắng, khi đó mới thò ra và chuẩn bị đi lễ.
Sau một tuần lao động lại là một tuần tu học. Lớp HT69 sau khi tốt nghiệp được đưa lên Đại chủng viện, nhưng chính quyền không cho phép nên phải về lại Tiểu chủng viện. Và với hoàn cảnh như thế, nên các cha buộc phải dạy chương trình Triết học cho các chú. Ngoài các cha giảng dạy nội trú, còn có các cha ở ngoài được mời về thỉnh giảng các môn khác, như cha Phêrô Phan Xuân Thanh (RIP) dạy Kinh Thánh Cựu Ước, cha Hồ Văn Qúy (RIP) dạy về thuyết tiến hóa, cha Lê Đình Khôi dạy Việt Nam Giáo Sử, cha Đặng Thanh Minh (RIP) dạy môn Thánh Mẫu học. Các cha nội trú như cha bề trên Nguyễn Hữu Giải dạy lịch sử Hội Thánh bằng tiếng pháp, cha quản lý Nguyễn Văn Phúc dạy môn luận lý học, riêng cha Nguyễn Phùng Tuệ phụ trách môn luân lý…(Nếu tôi nhớ không chính xác, hoặc còn thiếu điều chi, xin anh em chỉ giáo).
Tôi nhớ nhất về môn Kinh Thánh, các chú rất thích học môn này, lại may mắn được cha giáo Phan Xuân Thanh phụ trách. Mỗi khi ngài lên lớp, cả giảng đường lặng như tờ, nghe ngài thao thao bất tuyệt. Thích nhất là chương Exodux, khi vừa giảng xong, ngài yêu cầu các chú đứng dậy hát vang vang bài Vang Lên Muôn Lời Ca phụ họa cho bài học vừa xong. Học môn này, cần phải có tài liệu phong phú, các chú phụ trách phải cực kỳ vất vả để đánh máy và quay ronéo cho kịp… Ngoài ra, phải tìm mọi cách để sắm cho được cuốn Thánh Kinh của Lm Nguyễn Thế Thuấn, tôi nhớ giá tầm 70 hay 80 đồng gì đó, một khoản tiền khá lớn thời đó.
Tuy gian khổ trầm kha nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục sống ơn gọi trong bình yên. Mệt nhất là có một vài chú có thiên hướng khác, nhưng vì chính sách hộ khẩu không được phép cắt được, chính quyền muốn thế để chia rẻ nội bộ, nhưng các cha đã khôn khéo giải quyết ổn thỏa cả, chắc chắn là nhờ Ơn Chúa mà thôi. Về những anh em này, cha Đức HT71 là biết rõ hơn ai cả…
Nhớ nhất là mùa Giáng Sinh, các chú phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước, nào là mỗi lớp chia thành từng nhóm 3 người, phụ trách làm một cuốn tập dày nói về một chủ đề tôn giáo. Tổ của tôi gồm cha Minh Anh, cha Quang Tiến chọn đề tài Dừng-Vươn-Sống. Dừng lại sai quấy của mình để Vươn lên khỏi tăm tối mà Sống đời con Chúa… Từng chủ đề được minh họa bằng những trang hình trong các tạp chí cũ bằng tiếng pháp như La Vie Catholique, Mission d’Asie… Do có nhiều nhóm nên các đề tài được thực hiện kỳ công mà phong phú. Ngoài ra mỗi lớp thực hiện thêm về bích báo, các mô hình chuyên biệt như giới thiệu về Hội Thánh bằng tranh ảnh, các mầu nhiệm Phục sinh và Giáng sinh, mầu nhiệm Cứu chuộc từ Abraham cho đến bây giờ… bằng chất liệu mộc mạc như bo bo, lúa gạo và nhựa đường. Cha Phan Chiếm đúng là một nghệ sĩ mỹ thuật, thứ gì vào tay ngài cũng trở nên quý giá… Có nhóm hay lớp nào thực hiện mô hình sa bàn về TCV cực đẹp và tỉ mỉ công phu. Dường như toàn bộ các bạn trẻ ở cố đô đều hơn một lần vào TCV tham quan trong mùa Giáng sinh, nhất là vào những đêm sau ngày 24, nhà trường mở cửa tự do, các bạn trẻ vào dày đặc như nêm, các chú được phân công đứng mọi nơi để sẵn sàng thuyết minh mọi chủ đề. Căng nhất là đề tài Tôn giáo và vô thần được chú Phạm Tấn Khoa tranh luận rất hăng với các đoàn viên CS bị nhồi sọ. Có những đêm “bị cúp điện”nhưng vẫn mở cửa vì các chú đã lường trước nên chuẩn bị đầy đủ bằng sáp và đèn dầu… Chính nhờ vậy mới thấy quang cảnh mờ mờ ảo ảo, đẹp và thi vị vô cùng. Phòng ăn chính (grand réfectoire) nằm ở giữa khu nhà chữ U được chọn làm phòng triển lãm chính, khách vào xem vẫn đông cả ngày lẫn đêm. Có thể vì ngày đó, các bạn trẻ hụt hẫng về niềm tin bị lay động, mất phương hướng; cũng có thể vào đây để nghe những bài Thánh ca du dương và da diết… Phải nói được rằng những mùa Giáng sinh từ 1975-78 tại TCV luôn đặc sắc, vui nhộn và hấp dẫn, thu hút giới trẻ thành phố Huế. Vậy đó, TCV dù khó khăn tư bề vẫn tồn tại. Những ngày tháng sau cùng, khi không còn tự lực nữa, ban huấn đạo lại có một chương trình khác, đó là chia các chú thành 6 tổ, trong đó có một tổ thành phố. Mỗi tổ đều mang tên một vị Thánh bổn mạng và đều có anh em khác lớp, như tổ của tôi là tổ Gioan Thánh giá, cha Nguyễn Huệ làm tổ trưởng, có cha Đặng Quang Tiến, tôi, Nguyễn Đoàn, cha Hồ Khanh, em Phạm Tấn Khoa. Các tổ khác như Maximilien Kolbe, Phanxico Assisi, Don Bosco…do cha Chiếm, cha Thông, cha Phụng, cha Nghĩa phụ trách. Mỗi tháng được chu cấp một phần lương thực, ngoài ra đều phải tự túc. May mắn ở tổ tôi, cha Huệ là một “nhân tài” trong việc ngoại giao, anh em lúc nào cũng có việc làm ổn định. Tôi được ngài giao về dòng Bãi Dâu làm mì sợi, mỗi tuần được 15 đồng đem về nộp đầy đủ, dù trên đường đi thèm café và thuốc hút. Các anh em khác cũng đều đi làm. Tôi nhớ cha Hồ Khanh nhận dạy kèm cho tiểu thư của ông Đơn, đại gia ở Phủ Cam. Mỗi tuần tiền chợ là 25 đồng, được chia phiên tuần tự cho mỗi người. Đến phiên tôi đi chợ, ba ngày đầu tuần là sung sướng, đầy đủ, còn lại ba ngày cuối, ai ai cũng thấy tôi hái khế ở gần nhà bếp cũ, ép nơi khe cửa cho bớt chua để nấu canh… Có nghĩa là ba ngày sau chỉ ăn cơm với canh khế, có khi cực quá, tôi thả bầy vịt con mới nuôi từ sân thượng xuống cho tử nạn mà làm thịt, tuy hôi lông, nhưng kho mặn vẫn ngon lành. Tôi nói dối với cha Huệ rằng vịt bị xẩy ra ngoài. Có chuyện khôi hài ở tổ cha Nghĩa nghe lời cha Tuấn thuật lại, khi làm tiệc bằng thịt thỏ, đang thưởng thức món ragu thỏ, bỗng phát hiện mấy viên thuốc tể còn sót trong thịt thỏ (caca của thỏ)! Ấy vậy mà anh em vẫn xì xụp ngon lành…
Rồi cuối cùng cũng đến ngày đó, dù bao gian truân, thử thách, thiếu thốn… chúng tôi vẫn tồn tại, cho đến khi nhà cầm quyền quyết định trưng thu vào ngày 20/12/1979.
Và mới đó...Bốn mươi năm qua...để rồi tôi viết BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI cho các cha và các chú đọc.
***Phụ lục những mẫu chuyện vui có thật:
1/ Chuyện bầu Giáo hoàng: Đây là tiếng lóng dành cho băng hút thuốc. Cầm đầu là Hồ Đông, cha Võ Thông,Trần Tôn, Phụng xì dầu của lớp HT69, còn 71 có tôi, Đỗ Ngọc Tiến, cha Tuấn… Mỗi lần phát tín hiệu “bầu GH” là lên sân thượng nhà cũ, hút thuốc. Chỉ có một điếu mà chia nhau hít khoan khoái, sung sướng! Có lần không kiếm đâu ra mồi lửa, tôi được đề cử vào nhà nguyện mồi nơi cây đèn dầu nhà Tạm. Vừa mở cửa, bỗng thấy cha bề trên Giải đang quỳ cầu nguyện, thần hồn nát thần tính…may mà tôi kịp quỳ gối giả đò cung kính, ui chao sao mà ngài quỳ lâu quá vậy, làm tôi cũng mỏi gối sững sờ, lời cầu của tôi là Lạy Chúa cho ngài sớm rời bước để con còn kịp mồi lửa, kẻo chiến hữu đang nóng lòng trông đợi. Vậy mà đúng 1 tiếng sau mới xong buổi cầu nguyện của ngài. Tối đó tôi bị băng bầu GH chửi cho một trận nên thân vì bắt đợi quá lâu, nhưng ngày mai vào giờ kiểm điểm, tôi được cha bề trên tuyên dương đạo đức (hic…đạo đức giả!)
2/ Chuyện ăn trộm đậu phụng: Buổi trưa đúng ngọ, nắng chang chang, các chị phơi đậu làm giống ở sân basket, vừa ngồi ăn trong phòng vừa cảnh giác các chú. Tôi nhờ Huỳnh Lâm lên phòng ngủ lấy giùm tôi cái mền và cả thau đựng, thế là tôi trùm lên đầu, đường đường ra cào một phát, từ từ xúc vào thau, thong thả rời chiến trường lên sân thượng “lần hạt” với chiến hữu. Những hạt đậu tươm dầu, béo ngậy, ngon vô cùng. Các chị chỉ ú ớ vào mét cha quản lý, nhưng cha quản lý rất thương các chú, mà có biết ai là thủ phạm mô, huề cả làng!
3/ Ăn trộm bắp hầm: Khi đang học đêm để chuẩn bị thi tú tài, ban khuya đói rả ruột, bèn rủ Xuân Hải và cha Quang Tuấn đi phi vụ. Nồi bắp được các chị hầm qua đêm để buổi sáng các chú điểm tâm, bỏ trong phòng có chốt và bầy chó bẹc giê canh giữ. Tôi bảo Xuân Hải cầm gậy ra sân basket dụ bầy chó đuổi theo hắn, cha Tuấn cảnh giới các chị lỡ thức giấc, còn tôi ung dung tuột thang xuống, mở chốt vào nhà kho, mở vung ra…ôi một mùi thơm diệu vợi, bèn lấy thau xúc một ngao. Sau đó lại lấy đít thau quơ qua quơ lại cho bằng phẳng như cũ để làm mất dấu, phà phà lên sân thượng đáp ứng nhu cầu cồn cào cho các chiến hữu. Không ai hay gì về chuyện đã xẩy ra. Chỉ mình Chúa biết!
4/ Trộm chuối: Cha Đức mua chuối cả buồng về chất trong phòng lầu 2 nhà cũ, mỗi lần đi ngang nghe thơm phức, không biết cách gì vì phòng được khóa cẩn thận. Tôi nghĩ cách dựng cây thang để lòn vào khe gió. Đang thó đầu vào, cha quản lý đi ngang, sợ tôi té nên giữ thang cho tôi. Phen này chết chắc, nhưng thiệt nhanh trí: Cha ơi, chú Đức kêu con sửa điện! Sau đó, tôi vội mở cái chốt của cửa sổ nhìn ra mặt lộ và khép cửa lại. Sau nầy mỗi lần ăn trộm chuối thì chỉ cần leo ra từ cửa sổ phòng bên cạnh, không ai thấy, nhè nhẹ mở cửa sổ phòng kho ra và…nhưng chỉ lượm những trái chuối bị rụng xuống mà thôi!
5/ Chuyện đi Đàng Thánh giá: Mỗi tối thứ Sáu đều đi Đàng Thánh giá. Khi đó chúng tôi vừa từ Thiên An trở về sau một ngày lao động vất vả, không biết vì nhập tâm hay lẫn lộn chi đó, tôi đọc: “Chúa đã vác phần nhẹ mà để phần nặng cho con!”, cả nhà thờ cười rần rần. Cha bề trên quỳ sát bên nín thinh. Sau đó tôi bảo ngài, con mệt quá, nên đọc lộn chứ không hề cố tình!
…Còn vô số chuyện khác, tôi chỉ xin kể 5 chuyện, nhờ anh em tham gia.