Lớp mình HT68 và những cái…NHẤT
Tháng 8 lại về, giữa những lo toan bộn bề xen lẫn nỗi lo chuẩn bị cho con cái vào năm học mới, lòng tớ lại miên man nhớ về một thuở học trò đã xa. Ngày ấy mình cũng đã từng ngại ngùng, bỡ ngỡ xách vali đến một nơi ở mới: 11- Đống Đa. Hôm nay còn như nghe vang vọng bên tai đoạn văn của Thanh Tịnh đã thuộc nằm lòng: "Hàng năm vào độ cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...". Thế mà đã chẵn 40 năm kể từ cái lần đầu tiên ấy (1968). Phần đông anh em lớp tớ cũng tròn trịa bước vào cái ngưỡng 'ngũ thập tri thiên mệnh' (sót lại tớ với Hồ Xuân Trinh là út của lớp (1958)! Hơn nửa cuộc đời, nhìn lại một quãng đời đã qua để nghe nhớ trường xưa, lớp cũ, bao bạn bè cùng bao kỷ niệm và dấu ấn sâu đậm một thời.
Đời làm học trò, làm chú, có lẽ lớp tớ là lớp ĐA ĐOAN NHẤT. Mỗi mốc thời gian đáng nhớ của 12 năm đi học lại rơi vào những thời điểm gay go không thể nào quên: Bước vào lớp 1 là lúc chính biến 1963 xảy ra, vừa hết cấp I vào chủng viện đi thử giữa những ngỗn ngang đổ vỡ sau biến cố Mậu Thân 1968. Xong cấp II trong không khí nóng bỏng của chiến cuộc mùa hè đỏ lửa 1972, nhiều gia đình anh em ly tán, rời bỏ mảnh đất miền Trung cằn cỗi mà đầy yêu thương để làm cuộc Nam tiến. Hạn vận vẫn chưa buông tha. Năm học 12 kết thúc dở dang trong cuộc tháo chạy tán loạn 1975. Kỳ thi tú tài đầy hứa hẹn và nhiều mơ ước ngày nào giờ trở thành nỗi trống không. Có đứa gắng gượng kiếm tấm bằng ghi dấu mười hai năm học trò, có đứa đành xếp bút nghiên, rời xa sách vở, nhường chỗ cho những lao đao vất vả mới...
Mùa hè 1968, bọn tớ lần đầu tiên đặt chân vào chủng viện sống một tuần 'nhà thử', có đứa đậu đứa rớt. Đứa đậu nhận được tờ 'thư gởi gắm' về ở với mạ, tìm học trường tư thục công giáo, làm chú ngoại trú một năm đợi ngày xây xong khu nhà mới. Số phận dun dủi vậy nên lớp tớ, với những anh em 'đi trọn đường tình' làm chú, chỉ có sáu năm ở nhà trường nhỏ: ÍT NĂM LÀM CHÚ NHẤT. Nói nhỏ: vì chuyện này anh em nào lỡ 'nửa đường đứt gánh' cũng đỡ bớt ray rứt đã bao ngày “ăn lường cơm Chúa”, có ăn lường thì cũng ít thôi! Nhưng phải chăng Chúa đã tính sổ lại nên đã bắt số anh em 'bền đỗ' phải chờ đợi ngày 'nằm sấp' lâu đến cả hơn chục năm đó sao, có anh đến hơn hai chục năm..!
Sáu năm ở trường nhỏ, kể ra lớp tớ cũng không đến nỗi tệ! Thể thao, văn nghệ lớp tớ cũng 'có đường' lắm! Bóng đá cũng được một lần rinh giải đó mà! Một số 'danh thủ' sau này xoọc-ti về học Thiên Hữu đều ở trong đội hình Thiên Hữu! Tự hào thay, lớp tớ đóng góp cho chủng viện NHIỀU TAY VĂN NGHỆ NHẤT. Các tay đàn: guitar: Trương Quang Tuyến (SG), Đặng Ngọc Tuấn (NT), guitar bass: Lê Kim Anh (Mỹ). nức danh một thời! Tài năng này nhiều anh em vẫn đang tiếp tục cống hiến cho giáo hội trong bậc sống của mình.
Thời gian dần trôi, ngày tháng ở trong chủng viện rồi cũng ngắn lại. Kẻ ở người đi, đã biết, gọi thì nhiều nhưng chọn thì ít! Một ít anh em kiên trì, sau biến cố 75 tản mác mỗi người một phương, ngày bước đến chức thánh như xa vời vợi. Nỗi mong đợi dằng dặc cộng với hoàn cảnh thế sự đã làm rơi rụng một số anh em. Thế nhưng Thiên Chúa Ngài lại biết viết thẳng trên những đường cong để rồi 'phần còn lại của thế giới' lớp tớ cuối cùng cũng lần lượt được Ngài gọi bước lên bàn thánh. Hạnh phúc thay, thế mà lớp tớ lại là lớp có NHIỀU LINH MỤC NHẤT của Hoan Thiện: 12 cụ!. Bên trời Tây xa xôi có Lê Văn Tuấn (Pháp), Lê Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Diệu, Trần Kim Bính (Mỹ), Trần Tuấn (Úc), ở quê nhà có Lê Văn Hải, Hồ Thông (Nha Trang), Nguyễn Tưởng, Lê Ngọc Bửu (Huế), Trương Văn Tập (+),Nguyễn Văn Linh (+), Trần Phương (+). Phải kể thêm ngài "á linh mục" phó tế Lê Đăng Trọng (Úc).
Năm tháng qua đi, tuổi đời chồng chất, bây giờ 40 năm sau nhìn lại, anh em đứa nào cũng nhan sắc tàn phai, mái tóc cũng đã đổi màu muối tiêu. Anh em sống đời dâng hiến ngày càng vững chải trong sứ vụ mục tử. Anh em ngoài đời con cái đùm đề, có đứa đã leo lên đến chức ông nội, ông ngoại. Toàn là 'sĩ quan', là bậc 'đáng kính' cả. Không riêng gì lớp tớ đâu nhé! Lớp em út Hoan Thiện 74 mà có anh em đã có cháu rồi đấy. Nhưng lớp tớ có NHIỀU VỊ 'ĐÁNG KÍNH' NHẤT. Xin giới thiệu: tiên sinh Lê Ngọc Bửu, tiên sinh Cao Hữu Hạc, và bác sĩ tiên sinh Nguyễn Chiến, ba vị tiên ông tóc trắng như mây! Như ngài Bửu, đi đâu cũng được thiên hạ kêu 'ôn' và luôn được xếp ngồi với các cha lão! Thế chẳng phải 'đáng kính' sao?
Lớp tớ còn giữ một chức quán quân độc đáo nữa: lớp có 'LÍNH PHÒNG KHÔNG' NHIỀU NHẤT (ba mạng, nhiều nhất chưa?). Mặc cho anh em, kẻ miệt mài dâng hiến, kẻ yên bề gia thất, Nguyễn văn Tịnh (SG), Lương Hoàng (Ý), Trần Quốc Hồng (Tây nguyên) cứ vò võ đi sớm về khuya một mình.
(…Tháng 10, 2018).
Điểm mặt lớp, điểm mặt anh em để tìm ra những cái 'nhất' hầu khoe với thiên hạ cho vui, chợt tớ nhận ra một quãng lặng buồn, cũng trong cuộc đời lớp tớ. Mấy mươi năm qua đi vật đổi sao dời, không chỉ là cảnh kẻ ở người đi mà còn là nỗi đau kẻ mất người còn. Có lớp nào như lớp tớ, tới bây giờ là lớp có NHIỀU ANH EM VỀ VỚI CHÚA NHẤT. Trần Văn Dũng ra đi giữa cái Tết đầu tiên của đời tu. Nguyễn Xuân Sơn đi nghỉ hè rồi nằm lại Tây nguyên. Hoàng Minh Hoàng mất vì bạo bệnh. Hoàng Ngọc Hiệp ra đi vào những ngày đầu đất nước hòa bình. Lê Văn Luyện tìm đường tự do và gởi xác cho lòng biển khơi. Nguyễn Viết Hiệp tử nạn trong một chuyến xe đêm. Rồi năm 2007, năm Con Heo Vàng, năm mà thiên hạ xem là năm đại cát thì hình như lại là năm đại hạn của lớp tớ. Lần lượt, tháng 5 Dương Văn Dũng qua đời vì tai nạn giao thông tại Đắc Lắc. Chưa hết bàng hoàng, không đầy một tháng sau, Cha Trương Văn Tập lại đột ngột ra đi chỉ sau mấy ngày phát bệnh, cuối năm người anh em ngoại thường Trần Mộng Tiến cũng nối gót.
Năm 2010 Nguyễn Cao Hiến cũng giã từ sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. 2011, bàng hoàng với sự ra đi bất ngờ của cha Nguyễn Văn Linh. Biệt ly dồn dập, anh em bắt đầu đùa nhau chuyện “xếp hàng”. Hội ngộ lớp 45 năm, 2013, như là một cố gắng trước khi mất nhau, nhưng lại như một cái “điềm”. 2014, Hồ Huề làm kẻ tiên phong ‘hậu Hội ngộ’. Lễ Phục Sinh 2015, Chúa lại đón vào sự sống đời đời, Võ Đình Hùng, người anh em luôn nhiệt tâm tìm kiếm và nối kết tình thân ái của lớp. Rồi đến Nguyễn Vui. Mấy năm ’im hơi’ tưởng ‘hạn’ đã vãn, thì mới đây cả lớp rụng rời chia tay thêm một người anh em, cha Trần Phương, cũng vội vàng đi xa. Nghe đâu Trần Thanh Đức cũng đã nghỉ cuộc chơi đâu đó và khi nao anh em chưa rõ. Vẫn biết rồi ai cũng tuần tự phải rời xa cõi tạm, nhưng sao cứ thấy ngỡ ngàng đau xót khi phải đón nhận những cuộc ly biệt như không mong đợi! Thôi,. cầu xin cho linh hồn các bạn được yên nghỉ.
Đó là 7 cái nhất của lớp tớ mà tớ ngồi nghĩ đến trong "một ngày đầu thu nghe chân ngựa về..." Có cái nhất thiệt nhưng có cái 'hơi bị' nói khoác! Có cái nhất của vui, còn có cái nhất của buồn, của Phúc và của Họa.. Tất cả như làm nên những mảng tối sáng trong cuộc đời tớ, cuộc đời anh em chúng mình có một thời đã chọn lựa tu-là-cội-phúc... 'Những ngày xưa thân ái' ấy, thân ái đến đỗi ngay cả bây giờ khi tuổi đời chất chồng, cuộc sống ngổn ngang những lao nhọc, đọa đày thì rất vô duyên, tớ vẫn cứ nhớ cứ mơ về những tháng ngày bình yên tươi đẹp đó. Nhiều đêm trong giấc ngủ lại hiện về hình ảnh ngôi nhà nguyện mái tròn thâm nghiêm có ngọn tháp chuông cao, có bóng dáng các cha giáo, bao bạn bè như đang ở giữa những ngày tu êm đềm. Những 'lạ lùng' của tớ không biết có tìm được kẻ tri âm? Có anh em cũng kể rằng nhiều khi cũng nằm mơ thấy mình vẫn cứ như đang 'làm chú', rồi bối rối tự hỏi: răng rứa được khi mà mái tóc đã điểm hoa râm và đằng sau lưng là một đoàn rờ-moóc!
Hữu xạ tự nhiên hương, mong là như vậy. Cũng vậy, một quãng đời tớ, đời anh em đã tìm theo một lý tưởng rất đẹp. Đôi lúc thoáng chút nuối tiếc, chỉ một chút thôi, mình đã không bước đến bên thềm lý tưởng ấy. Với tớ, chỉ có hơn một nghìn ngày tu mà sao trong tớ cứ đau đáu một nỗi nhớ, cứ như thể 'nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người'! Bởi có đẹp mới nhớ, và bởi đẹp nên nhớ lâu chăng?
Và lại nhớ một 'khúc chủng sinh hành' cất lên ngày nào:
Huynh đệ chủng sinh là gì đố anh em?
Huynh đệ chủng sinh là mình cùng chung đời chú
thương nhau khác chi nhân tình.
Từ ngày đi vô đệ thất và rồi leo lên đệ nhất
đều là HUYNH ĐỆ CHỦNG SINH!...
Huỳnh Đình Đăng HT68