Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 16/03/2019 22:26
Vào những ngày cuối năm âm lịch 2014, tôi được niên trưởng Đỗ Tấn Hưng AN49 cho biết sẽ về Việt Nam thăm quê hương lần thứ hai sau đúng 10 năm trở về lần đầu tiên kể từ ngày ra đi trước biến cố 1975. Tác giả của thiên phóng sự nổi tiếng “Những nẻo đường Việt Nam” tỏ ý muốn nhờ tôi hướng dẫn về việc thăm viếng một vài nơi cũng như gặp gỡ một số người…Tự đáy lòng mình, tôi cảm nhận được sự hân hạnh khi thay mặt anh em đón tiếp niên trưởng, tôi xin phép được gọi niên trưởng bằng anh cho tiện.
Buổi gặp đầu tiên tại khách sạn Inter Continental, nơi anh Hưng và gia đình con trai anh lưu trú, tôi mời anh dùng điểm tâm tại phở Pasteur, nhưng anh Hưng lại muốn tôi dùng café và ăn sáng tại quầy buffet của khách sạn. Tôi thấy anh lật đật mua ticket cho tôi, giá lên tới 30 usd cho một bữa ăn tùy thích chọn lựa, anh Hưng bảo tôi theo anh, tha hồ chọn các thực đơn của việt, tây, tàu… Thú thiệt, tôi mới nhìn thấy là đã muốn no rồi, nhiều món quá, không biết chọn thứ nào. Tôi chỉ biết nói với anh Hưng, anh lấy thứ gì, em bắt chước thứ đó. Cứ mỗi lần ăn xong, lại đi lấy món khác, tôi mới đi theo anh 2 tua là thấy “phê” rồi, vậy mà anh Hưng vẫn tới những lần thứ tư mới thôi. Thấy anh ăn được như vậy, tôi thật mừng cho anh có sức khỏe tốt. Anh Hưng từng tâm sự với tôi, mỗi ngày anh bỏ ra vài ba tiếng đồng hồ tập khí công, dịch cân kinh…nên sức khỏe mới dẻo dai và tinh thần minh mẫn như vậy.
Sau 2 tiếng đồng hồ tâm sự đủ mọi chuyện trên trời dưới đất, có những điều mà nhiều người chưa biết về thân thế hoàng tộc của vị niên trưởng này. Bên ngoại, mẹ anh là đời thứ 6 của dòng tộc vua Minh Mạng, anh Hưng là cháu gọi hai cha Bửu Đồng, Bửu Hiệp bằng cậu, ông nội anh Hưng là một quan võ của triều đình kháng Pháp. Riêng gia cảnh anh Hưng sớm thành đạt, trước 75, anh Hưng là một chuyên viên cao cấp của ngân hàng quốc gia, thời đó anh đã có xe hơi đưa đón rồi, những ngày trước giải phóng Saigon, gia đình anh đã tổ chức thuê tàu riêng đi ra nước ngoài định cư…
Nhưng khi kể về người vợ vừa quá cố, tôi cảm nhận được tình yêu của anh chị đối với nhau. Chị Kim Anh đã ra đi trong thanh thản và luôn ở bên anh, cho dù hụt hẩng, mất mát nhưng rồi chị đã vực anh dậy khỏi cơn âu sầu để tiếp tục sống. Những khi gặp khó khăn, anh Hưng tâm sự rằng, chị đều giúp anh giải quyết êm đẹp. Những ngày tôi chở anh đi phượt tại Saigon, anh Hưng đều nhắc nhở đến cô giáo Pháp văn xinh đẹp của một thủa nào trường Gia Long… Anh còn tâm sự cách đây 10 năm, khi cùng chị về Việt Nam, có trở lại thăm trường xưa, nhưng bị từ chối, chỉ đứng bên ngoài bồi hồi nhớ lại ký ức của hàng thập niên về trước.
Sau đó tôi đưa anh lên Chí Hòa, thăm các cha già hưu dưỡng và cầu nguyện trước nghĩa trang các linh mục gần đó. Tiếp đến tôi vào viếng Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, thắp hương trước mộ phần Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập… Khi chiều về, tôi cùng anh tiếp tục qua phà Cát Lái đến nhà dòng Phước Lý và ghé thăm nhà thờ Vĩnh Phước nơi yên nghỉ ngàn thu của cha Giêrađô Phạm Anh Thái, vị linh mục có bà con thân thuộc với anh…
Ngày hôm sau, tôi lại đèo anh về Quảng Biên thăm viếng cha JB. Trần Trọn và niên trưởng Nguyễn Bá Lệ niên khóa AN51, sau anh Hưng 1 lớp. Tiếc là cha Trọn không có nhà. Anh Lệ mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa và cả hai vị niên trưởng cùng ôn lại bao chuyện dâu bể…
Lần trở lại Việt Nam này, ngoài chương trình đã sắp đặt cùng gia đình người con trai, anh Hưng quyết định đổi vé máy bay, lưu trú thêm 2 tuần nữa. Anh đăng ký một tour Huế -Phong Nha, nhưng thực chất là muốn trở lại những nẻo đường xưa đã từng một thời đi qua như thăm lại Đại Chủng Viện Huế. Tại đây, anh được cha giám đốc Giuse Hồ Thứ đón tiếp trọng thị, ngài ân cần mời anh Hưng một dịp khác trở về, “nhập tu” ĐCV cho được một tuần…
Tôi chỉ là vai phụ trong câu chuyện ngày về của anh Hưng. Ngoài việc thăm viếng các danh lam và các vết tích “Tìm người trong ký ức” còn một sự kiện quan trọng khác đó là cuộc trùng phùng của anh Hưng AN49 và niên trưởng Bùi Văn Tôn (cùng lớp AN49) với niên trưởng Lê Thiện Sĩ AN47, hơn anh Hưng và anh Tôn một lớp. Như vậy, tiểu chủng viện An Ninh giải tán vào những năm đầu của thập kỷ 1950 thì mãi đến năm 2015, cả ba tiểu chủng sinh ngày đó mới gặp lại nhau, hơn 60 năm nước chảy qua cầu… Bây chừ mới kịp nhận ra nhau, ngoài nỗi vui mừng khôn xiết là những kỷ niệm tuôn về mà thoạt nghe tưởng chừng hôm qua… Họ nhớ lại mồn một những năm tháng tuổi thơ thần tiên, họ nhắc lại ai là người kéo chuông, thắp đèn măng sông, ăn trộm mít… Những khuôn mặt hằn in dấu thời gian dường như trẻ lại sau hơn 60 mùa lá rụng… Ơn trời, quý anh vẫn còn mạnh khỏe, phong độ như thủa nào…
Một chi tiết nho nhỏ, trong buổi đoàn viên, ngoài quý anh Sĩ, anh Tôn, anh Hưng còn có một người bạn, theo lời anh Hưng: Người ngồi bên cạnh anh là thầy Sơn, cựu frère La-San, bạn thân của gia đình anh, từ Canada về sinh sống ở VN...và đã qua đời mấy năm rồi!
Tôi vì có việc riêng và tôn trọng chuyện tâm sự ngày đoàn viên sau ngần ấy năm nên tế nhị xin phép rời cuộc trùng phùng để cho 3 anh tự nhiên tâm sự…
Thoắt một thoáng ba thu rồi, mới đó mà đã 5 năm, rất mong anh Hưng lại có dịp tranh thủ về thăm lại đường xưa, trường xưa và cả người xưa… Hai người bạn đồng niên Lê Thiện Sĩ và Bùi Văn Tôn của ngày đó bi chừ vẫn còn mạnh khỏe, phong độ như thủa nào…