Lm Hồ Khanh. Chương 1: Giáo xứ St. Jude Thaddeus, Beaumont - Những Bước Chân Đầu Đời Linh Mục

Thứ bảy - 05/09/2020 07:22
Tập hồi ký Lòng Nhiệt Thành Nhà Chúa Thúc Đẩy Tôi (Tv. 69:10) được thai nghén trong những ngày cách ly vì đại dịch Covid-19. Thời gian lúc nầy hình như chậm lại, mọi sinh hoạt bình thường đã bị hạn chế nhiều. Hình như mình vừa bắt đầu một cuộc tĩnh tâm dài hạn và không biết ngày ra.
Lm Hồ Khanh. Chương 1: Giáo xứ St. Jude Thaddeus, Beaumont - Những Bước Chân Đầu Đời Linh Mục
Theo gương Thánh Phaolo đã dùng thời gian trong tù để viết những lá thư luân lưu gởi cho những cộng đoàn tiên khởi, hoặc gần đây là gương của Đấng Đáng Kính Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận là người đã tận dụng thời gian biệt giam để viết lên những trang sách tu đức tuyệt vời, khơi dậy niềm hy vọng sâu xa cho người trong những hoàn cảnh tuyệt vọng và tối tăm, mình cũng muốn viết một cái gì đó. Đúng ra là viết cho chính mình thì nhiều hơn, như là một hành trình tìm về quá khứ để thương, để nhớ, nhất là để nhìn lại những công việc mà Thiên Chúa đã thực hiện qua con người yếu đuối và mỏng dòn của mình để luôn ca tụng và ngợi khen Ngài. Rồi, mình cũng hy vọng rằng, qua những hàng chữ đơn sơ và những ý tưởng nhiều khi miên man và hỗn độn này, người đọc cũng có thể nghiệm ra rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhất là những lúc chúng ta bị thử thách và cô đơn. Ngài luôn ở bên ta trong mọi hoàn cảnh. Ngài là Đấng duy nhất có thể vẽ những đường thẳng bằng những nét cong. Nhiều khi chúng ta không nhìn thấy và không hiểu đường lối của Ngài, nhưng hãy kiên trì và vững tin!

Lòng Nhiệt Thành Nhà Chúa Thúc Đẩy Tôi (Tv 69:10) là châm ngôn đời sống linh mục của mình. Có lẽ tự thâm tâm nó đã phát xuất trong con tim nhỏ bé của mình khi lần đầu tiên nghe câu chuyện Chúa Giêsu vào đền thánh và đánh đuổi những kẻ đã làm ô uế đền thờ và đã nói với họ rằng, “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi trộm cướp!” (Gn 2:16) Các môn đệ lúc ấy mới nhớ lời Sách Thánh, “Lòng nhiệt thành Nhà Chúa thúc đẩy tôi” (Tv 9:10)!

Chúa ban cho mình một thể xác bé nhỏ, một sức khỏe hạn chế, một trí óc non nớt, nhưng đồng thời hình như Chúa cũng đã phác họa riêng một con đường mà Chúa muốn mình cùng tiến bước với Ngài. Trên con đường nầy, nhiều lần mình cũng đã cảm thấy cô đơn, hụt hẫng, mệt nhoài; nhưng hình như cũng chính lúc đó mình lại nghe rõ ràng lời Ngài nhắn nhủ, “Ơn Ta đủ cho con!” (2 Cor 12:9) Thế rồi mình lại tiếp bước, thầm thỉ cầu nguyện câu Thánh Vịnh, “Lòng nhiệt thành Nhà Chúa thúc đẩy tôi.”

Cầu mong luôn được như vậy, không phải vì một động cơ nào khác, nhưng chỉ vì Chúa mà thôi! Chúa ơi, Lời Ngài là ánh sáng đời con, cho con luôn mãi yêu mến Ngài!

Lm. Giuse Hồ Khanh, mùa Covid-19
 
Chương Một:

Giáo xứ St. Jude Thaddeus, Beaumont (1991-1993) - Những Bước Chân Đầu Đời Linh Mục

Nhìn xuống phía dưới cộng đoàn, mình cảm thấy hơi run khi đối diện với số giáo dân chật cứng trong nhà thờ. Không biết có phải họ đi “xem mắt” cha phó mới hay chăng? Đây là giáo xứ St. Jude Thaddeus ở địa phận Beaumont, thuộc tiểu bang Texas. Giáo xứ nầy có số giáo dân đông thứ nhì nhưng có thể nói là giáo xứ giàu nhất trong địa phận Beaumont. Ở đây có nhiều bác sĩ, luật sư, kỹ sư, các nhà địa ốc, và có nguyên cả một nhân vật mà sau nầy trở thành dân biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ, dân biểu Nick Lampson, thuộc Đảng Dân Chủ. Nói chung là giáo xứ nầy có nhiều ông bà tai to mặt lớn. Vậy mà không hiểu tại sao Giám Mục Bernard Ganter lại gởi mình tới đây sau khi đã hoàn tất chương trình huấn luyện tại Đại Chủng Viện? Đây sẽ là nhiệm sở đầu tiên trong đời linh mục của mình! Đây sẽ là nơi huấn luyện cũng như sẽ là nơi thử thách nhiều cho mình trong những bước đầu chập chững với sứ mạng linh mục. Mọi sự phó thác trong tay Chúa! Chúa đã hướng dẫn mình tới đây, Ngài sẽ lo liệu mọi chuyện cho mình. Có Chúa cùng đi, ta sợ hãi chi! “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc lấy ngươi. Ta đã gọi chính tên ngươi; ngươi thuộc về Ta!” (Isaiah 43:1)

 
 
Sau phần thông báo cuối Thánh Lễ, giờ đây là đến màn linh mục chánh xứ, cha Richard DeStefano, sau nầy ngài được nâng lên hàng Đức Ông, long trọng giới thiệu cha phó mới cho giáo xứ, rồi ngài lại mời mình nói ít lời. Biết nói gì đây? Thôi thì mình cứ nói những gì đang có ở trong đầu. Mình chào hỏi tất cả mọi người, cám ơn cha xứ đã ưu ái giới thiệu, nhưng cũng nói thật với giáo dân là: “Quý vị cứ nhìn xem tôi đây! Người ta nói là cái gì tại tiểu bang Texas cũng to lớn, vĩ đại; nhưng tôi lại là linh mục nhỏ con nhất trong địa phận nầy, không biết quý vị có nhìn thấy tôi phía sau bục giảng không nữa? Thú thật với quý vị, tôi đang run lắm… Một thằng tỵ nạn như tôi, vốn liếng không có chi, mà không hiểu tại sao giám mục lại gởi tôi về một giáo xứ có nhiều nhân vật quan trọng và tài năng như thế nầy!? Quý vị phải giúp tôi thật nhiều để rồi chúng ta cùng chung vai cộng tác với nhau để ca tụng Chúa và để ngợi khen Ngài!” Cả nhà thờ cùng nhau đứng lên vỗ tay chào đón cha phó mới của họ. Vậy là xong màn trình diễn “chú rễ” mới!
 
-

Vậy mà hay, mình cứ khiêm tốn trong tất cả mọi việc thì dễ dàng được chấp nhận hơn, bất cứ đi đâu và làm gì cho ai, hay cho bất cứ cộng đoàn nào. Mà thật sự mình có gì đâu để khoe khoang, tất cả đều là ân sủng của Thiên Chúa! “Hồng ân Chúa tràn trề tháng năm, tay con nhỏ bé đón sao cho vừa. Hồng ân Chúa vô biên vô tận, tim con nhỏ bé nhưng hãy còn vơi!” (Tagore, Lời Dâng)

Mình còn nhớ bữa ăn trưa đầu tiên với cha xứ. Ngài nhìn mình hồi lâu rồi mới chậm rãi nói, “Đã hai năm rồi bây giờ mới có dịp ngồi ăn chung với cha phó!” Lấy làm lạ, mình hỏi ngài: “Tại sao vậy, thưa cha? Cha phó trước đây không ăn chung với ngài sao?” Cha xứ trả lời, “Có thấy mặt mũi nó đâu! Nó đi suốt ngày, có giờ đâu mà ăn chung với nhau. Nó thích làm gì thì nó làm thôi!” Té ra là như vậy. Người Mỹ thường vẫn rất độc lập, trong đời sống cũng như trong việc làm, các linh mục cũng vậy. Mối tương quan giữa cha xứ và cha phó không phải giống như các linh mục Việt Nam. Quyền hành giữa cha xứ và cha phó có khác nhau đó, nhưng việc ai người đó lo; ít khi có chuyện cha phó phụ thuộc vào cha xứ nhiều! Thuận hòa với nhau thì còn nâng đỡ nhau, chứ nhiều khi có xích mích gì với nhau thì ai lo việc đó, cha chính cũng khó mà điều khiển cha phó!
 
-

Cha xứ của giáo xứ St. Jude Thaddeus là một linh mục nhiều kinh nghiệm trong địa phận. Ngài có tài tổ chức, giảng thuyết hay, nấu ăn giỏi nên giáo dân cũng mến ngài lắm. Ngài có biệt tài gây quỹ. Là người Mỹ gốc Ý, ngài nấu mấy món ăn Ý rất ngon, nhất là món spaghetti. Ở Việt Nam ít thấy mấy linh mục vào bếp. Với cha DeStefano, thỉnh thoảng tổ chức gây quỹ để xây cất cái gì hoặc là cho một chương trình gì, lại thấy ngài mang “tạp dề” xuống bếp! Có mấy người giáo dân tình nguyện tới giúp, nhưng thường thì một mình ngài nấu nguyên một nồi lớn món bún spaghetti ăn với thịt bò viên nhỏ, với nước sauce cà chua hương thơm ngào ngạt cả một khu nhà bếp. Nhiều khi ngài còn nổi hứng làm thêm món tôm etouffee của người Pháp nữa. Thế rồi khi mọi người xuất hiện, kẻ thì hứng khởi chọn spaghetti ăn với bánh mì, người thì réo ing ỏi đòi cho được món etouffee. Gì chứ giáo dân thấy ông cha nấu ăn là vui rồi! Thức ăn “thánh” mà lị, họ bảo nhau! Cũng may mà họ uống rượu hoặc nước ngọt chứ không đòi tới “nước thánh!” Thế rồi họ vừa trả tiền ăn, vừa dâng cúng thêm cho nhà thờ nên mỗi dịp cha xứ trổ tài như vậy bao giờ cũng kiếm được một số tiền kha khá cho giáo xứ.

Ở với cha xứ mình học được cách điều hành những vấn đề phức tạp, và nhất là cách làm việc với những gia đình “bề thế” trong giáo xứ. Thật ra họ cũng rất đáng thương, bởi vì sau vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài, không thiếu những đau lòng che giấu ở bên trong, với những nghèo nàn và hụt hẫng trong đời sống tâm linh của họ. Ai mình cũng đối xử như nhau, giàu cũng như nghèo, nhưng dẫu sao mình vẫn cảm thấy làm việc dễ chịu hơn với những người nghèo và khiêm hạ. Thôi thì đã có cha xứ giỏi về tài chánh, mình tập trung nhiều hơn cho vấn đề thăm viếng kẻ liệt và mục vụ tại các nhà dưỡng lão, cũng như thăm viếng những gia đình gặp khó khăn trong giáo xứ. Những việc gì cha xứ ngại hoặc không có giờ để tâm tới, mình lại tình nguyện gánh vác cho nên ngài cũng rất hài lòng. Hóa ra lại hay vì không ai đụng chạm ai. Giáo xứ có cha chánh và cha phó để tâm hết mọi việc nên nói chung ai cũng vui lòng.
 
-

Thật sự chăm sóc một giáo xứ mặc dầu to lớn nhưng giàu có, mình thấy nhiều khi là dễ dàng hơn là đảm nhiệm một giáo xứ tuy nhỏ nhưng thiếu thốn mọi bề. Bởi vì các xứ giàu thì họ có đủ ngân khoản để trả tiền cho các nhân viên mọi ngành, ngay cả những vấn đề mục vụ cũng được trả lương. Khác với các giáo xứ tại Việt Nam, ở đây người lo về ca đoàn, người đánh đàn và hát chính ở trong nhà thờ đều được trả lương; những người phụ trách giới trẻ, chương trình giáo lý đều có lương bổng của họ. Thật ra cũng công bằng thôi bởi vì họ phải bỏ ra nhiều thời giờ riêng của họ. Những giáo xứ có đủ ngân khoản chi cho những vấn đề nầy thì khỏe cho các linh mục, nhất là cha phó. Mình chỉ có việc, đợi tới giờ các nhóm hoặc các ngành sinh hoạt, mình chường mặt ra chút xíu là “ăn điểm” rồi, không cần phải trực tiếp điều hành. Về sau, khi đi những giáo xứ nghèo hơn, mình phải tự tay gầy dựng mọi chuyện mới thấy là xứ nhỏ nhưng vất vả nhiều vì … nghèo quá! Ở tại giáo xứ St. Jude Thaddeus, mình học được nhiều kinh nghiệm quý báu cho vấn đề điều hành các giáo xứ về sau, bởi vì ở đây có rất nhiều đoàn thể lớn.

Mình nhớ hồi đó có phong trào Canh Tân (Renew) giáo phận Beaumont đề xuất ra. Thấy cha chánh xứ có vẻ ngần ngừ chưa muốn nhập cuộc! Thật ra ngài cũng đã ướm thử một vài người trong giáo xứ, nhưng chưa có ai hăng hái đứng ra giúp ngài. Thấy cha xứ cứ băn khoăn hoài, trong lúc dùng bữa chung mình có hỏi, ngài trả lời là xứ mình lớn mà không có ai muốn đứng ra gánh vác cho phong trào nầy. Mình nói, “Nếu cha chưa kiếm được người thì để con giúp cho!” Cha xứ mừng ra mặt tuy nhiên ngài trả lời, “Được như vậy thì tốt lắm, chứ như các xứ khác tham gia, xứ mình lớn mà lại không tham gia thì kỳ lắm. Tuy nhiên công việc nầy đa đoan lắm, cha suy nghĩ cho kỹ.” Mình trấn an ngài, “Dạ được, con sẽ kiếm người cộng tác, cha đừng lo!”

Vậy là nguyên cả mấy ngày hôm sau, mình cầm phone gọi những người mà mình nghĩ họ có thể thích ứng với chương trình Canh Tân để mời gọi họ cộng tác. Kỳ lạ thay và thật phải cảm tạ Chúa nhiều vì hầu như tất cả những ai mình gọi mời, họ đều vui vẻ nhận lời. Chắc là họ thấy ông cha “tỵ nạn” mặt mày còn hôi sữa nên họ thương tình đứng ra giúp. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn mình đã có được một đội ngũ nòng cốt thật hùng hậu. Và khi chương trình Canh Tân được thông báo trong giáo xứ, số người tham gia thật là đông; cuối cùng mình đã thiết lập được trên 60 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm trên dưới 10 người, có nghĩa là mình có trên 600 người ghi tên vào những nhóm cầu nguyện nầy. Họ họp với nhau hằng tuần để suy nghiệm Lời Chúa và đưa ra những công việc họ muốn thực hiện để canh tân giáo xứ, gia đình và cá nhân của họ. Mình khoái nhất là mỗi tuần mình tìm đến những nhóm khác nhau để cầu nguyện với họ. Những nhóm nhỏ nầy thường họp mặt với nhau tại tư gia của họ nên thật là dịp tốt để mình viếng thăm các gia đình trong giáo xứ luôn thể.

Nhóm Canh Tân nầy đã đối xử với mình thật thâm tình. Họ có tờ thông tin hằng tuần cho cả nhóm. Có lần họ đã dành nguyên cả một tờ thông tin để nói về mẹ của mình, một người mà họ chưa bao giờ gặp mặt. Họ cám ơn mẹ đã dâng hiến một người con làm linh mục của Chúa! Thật là dễ thương và cảm động. Điều mình thích nhất là sau nầy, khi chương trình Canh Tân đã chấm dứt, và ngay cả khi mình đã đổi xứ, những nhóm nhỏ nầy vẫn còn tiếp tục cầu nguyện hằng tuần với nhau, thật là tốt đẹp! Cám tạ Chúa vô cùng.

Mình vẫn mãi mãi tri ân những người làm việc trong giáo xứ. Họ làm việc thật tận tâm và vui vẻ. Nầy nhé, bà Susan Moe điều hành mọi sinh hoạt của giáo xứ thật dịu dàng và uyển chuyển, khi bà về hưu thì bà Carol Duhon làm việc cũng rất đắc lực nhưng nặng về hành chánh hơn. Có cô thư ký Martha Farnie nhẹ nhàng và lịch sự, bà May Cullotta kế toán khôn ngoan và cẩn thận, cô Marissa Conwell tinh tế đặc trách Ban Phụng Vụ của giáo xứ. Lại phải kể tới cô Eileen Chapman và Geneva Danna phụ trách giới trẻ thật linh động và bà Pat Davis lo cho Giáo Lý tân tòng.
 
-

Còn nhiều người khác nữa, ai cũng rất thích hợp với công việc của mình. Mình cần phải nhắc đến Tiến sĩ Randy Babin là giáo sư dạy âm nhạc tại Đại Học Lamar và cũng là nhạc trưởng của ca đoàn giáo xứ, rất giỏi và rất chuyên nghiệp. Thầy sáu Dow Wynn sinh hoạt chặt chẽ với quý ông trong giáo xứ. Có cặp vợ chồng gốc Cuba, Antonio và Antonia Marino, họ có cảm tình đặc biệt đối với mình, có lẽ vì bản thân họ cũng đã phải chạy trốn Cộng Sản. Họ hay mời mình ra nhà họ chơi. Bà còn là một họa sĩ nữa, phòng khách của hai ông bà chưng bày những bức họa thật đẹp của bà. Họ vẫn duy trì tình bạn đối với mình ngay cả khi mình đã đổi đi nhiều xứ khác, khi nào gặp lại cũng rất gần gũi và thân tình. Ở đây mình cũng có dịp làm quen với những người mà sau nầy mình cũng gặp lại nhiều qua các chương trình của địa phận như ông bà Joe và Shelley Totorrice, ông bà Joe và Linda Domino, bà C.J. Liberto là những người gắn bó lâu năm với Địa Phận Beaumont.
 
-
 
-

Tại giáo xứ đầu tiên nầy, mình chỉ dạy vài lớp tân tòng thôi, ngoài ra mình sinh hoạt nhiều hơn với các em và giới trẻ của giáo xứ. Trẻ em Mỹ đơn sơ và dễ thương lắm, tính tình thật thà nữa chứ không “khôn lanh” trước tuổi như trẻ em Việt Nam. Nhớ lại thật vui, những ngày đầu tiên mấy nhóc Mỹ cứ hỏi, cha tên gì? Mình trả lời cha tên Khanh. Tụi nó phát âm hoài không được cái tên của mình. Cuối cùng có em gái giơ tay cao nói to, “I got it!” (Con biết rồi!) Mình quay lại hỏi, vậy tên cha là gì? Nó trả lời: “You are Fr. Pecan!” Pecan là tên một loại hạt như hạt dẻ của Việt Nam, và làm bánh Pecan Pie rất ngon. Thế là kể từ ngày đó mình lại có cái tên mới, Fr. Pecan! Các nhóm giới trẻ là những em từ khoảng lớp 8 tới lớp 12. Tụi nó to con vô cùng. Có đứa mới lớp 8 mà đã cao gấp hai và to gấp ba ông cha phó “tỵ nạn” nhỏ con tội nghiệp! Có lần một em trong lớp Thêm Sức, thừa lúc mình không để ý, nó lẻn lui ra phía sau và nhắc bổng mình lên giữa tiếng vỗ tay và reo hò của các bạn. Kể ra cũng dễ thương khi tụi nhóc cảm thấy gần gũi với mình.
 
-
 
-

Mình đã phục vụ giáo xứ đầu tiên nầy từ năm 1991 đến năm 1993. Cũng trong thời gian nầy, mình nhận tin cô em gái út tại Việt Nam có ý lập gia đình. Gặp lúc Tổng Thống Clinton mới thiết lập bang giao lại với Việt Nam sau một thời gian dài gián đoạn, và cho phép người dân hai nước có thể du lịch. Mình nôn nao vô cùng. Mặc dầu chưa biết tình hình tại Việt Nam có thuận lợi cho việc thăm viếng chưa, mình không muốn bỏ qua cơ hội hiếm có nầy để về thăm quê hương, và nhất là để tham dự lễ cưới của em gái. Đứa em gái út của mình, Hồ Thị Kim Chi, lúc mình đi xa nó mới 9 tuổi; vậy mà bây giờ em đã đến tuổi lấy chồng, nhanh thật! Hơn nữa, mình đã xa cha mẹ và các anh chị em trong gia đình hơn 12 năm rồi còn gì! Nhớ lắm rồi, phải về thôi!

Cũng trong thời gian nầy mình lại được tin là có sáu anh em chủng sinh thuộc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện (HT) - Huế đã tới được trại tỵ nạn Hong Kong và đang chờ đợi giấy tờ bảo lãnh. Mình suy nghĩ nhiều vấn đề nầy, muốn lên gặp Giám Mục để xin ngài giúp chuyện bảo lãnh mấy thầy qua Mỹ nhưng sao thấy ngại ngùng vì thấy chuyện xa vời quá! Cũng may là tới hôm mình có hẹn với Giám Mục để trình bày chuyện đi Việt Nam (ở Mỹ, du lịch ra khỏi nước cần phải thông báo cho Tòa Giám Mục biết,) Đức Cha lại có một cuộc nói chuyện với nhóm giới trẻ tại xứ mình đêm trước đó. Đề tài hôm đó lại về ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. Ngài khuyến khích các em lắng nghe tiếng Chúa và quảng đại đáp trả tiếng Chúa gọi mình.

Vậy là sáng hôm sau trong lúc lên gặp ngài để trình bày vấn đề đi Việt Nam, ngài ân cần hỏi đi như vậy có an toàn không. Mình trấn an ngài và sau đó, lấy hết can đảm mình trình bày với ngài về sáu anh em chủng sinh đang kẹt ở trại Hong Kong, và xin ngài giúp đỡ. Mình nói là, “Hồi đêm Đức Cha nói với các em về ơn gọi khiến con suy nghĩ mãi. Nếu địa phận mình đứng ra bảo lãnh mấy thầy nầy, biết đâu sau nầy địa phận lại có thêm sáu linh mục nữa.” Mình thấy ngài suy nghĩ một hồi, sau đó ngài nhiệt tình nói với mình, “Được, địa phận sẽ đứng tên bảo lãnh mấy thầy qua đây; nhưng con phải lo hết mọi hồ sơ bảo lãnh cho mấy thầy đó!” Mình mừng quá và hứa với ngài mình sẽ lo mọi chuyện liên quan tới hồ sơ của mấy anh em. Đức Cha Bernard Ganter quả thật rất nặng lòng với người Việt Nam, khi biết mình đã đặt vé đi Việt Nam qua ngỏ Đài Loan, ngài bảo mình, “Con đổi vé đi, ghé Hong Kong thăm mấy thầy luôn tiện thu thập giấy tờ của họ để làm hồ sơ bảo lãnh.” Mình hứa sẽ làm theo lời ngài căn dặn.

Rời văn phòng Đức Cha, khỏi nói cũng biết là lòng mình hân hoan vui sướng như thế nào! Tự nhiên, mình lại bắt đầu miên man nhớ lại những năm tháng chung sống với anh em dưới mái trường Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện- Huế, nhất là những năm sau năm 1975, cũng như chuyến vượt biên tìm đường sống của mình năm 1980 lúc Tiểu Chủng Viện bị nhà nước Cộng Sản trưng dụng!
 
-
 
-
 

Tác giả: Lm Hồ Khanh HT72

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập243
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm242
  • Hôm nay24,805
  • Tháng hiện tại279,651
  • Tổng lượt truy cập69,754,983
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây