Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ tư - 23/09/2020 08:31
Chương nầy dài hơn tất cả các chương khác, và tổng hợp một số bài viết trước đây về TCV- HOAN THIỆN- Huế. Thân tặng anh em cựu Chủng Sinh Huế, nhất là lớp HT72, 73 và 74.
Khi làm việc tại các giáo xứ, thỉnh thoảng có người hỏi: “Chúa gọi cha lúc nào? Làm sao cha biết được cha sẽ làm linh mục?” Chúa ơi, làm sao biết! Làm sao trả lời chính xác đây! Chúa đã gọi mình nhiều lần lắm; khi thì mãnh liệt, thôi thúc; khi thì nhẹ nhàng, êm ái. Và Chúa vẫn chờ đợi mình đáp trả như lời sách Khải Huyền viết, “Nầy đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người” (KH 3:20). Nhưng có lẽ mình cảm nhận tiếng Chúa gọi một cách mạnh mẽ nhất đó chính là thời gian làm việc ở trại tỵ nạn Hong Kong, khi mình tiếp xúc nhiều với đau khổ của con người. Chính lúc đó, lời Chúa phán qua tiên tri Giêremia đã lôi cuốn mình thật nhiều, “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gier 1:4).
Có thể nói là mình được sinh ra dưới… tháp chuông nhà thờ, bởi vì ngôi nhà của gia đình mình nằm sát bên nhà thờ Tân Mỹ, gần cửa biển Thuận An- Huế. Thế rồi, lớn lên với tiếng hát và lời kinh, niềm tin Công Giáo đã từ từ đâm hoa và kết trái trong con tim bé nhỏ của mình. Ngày xưa, lúc còn tiểu học, Chúa ban cho mình và Nguyễn Ấn (HT72) có một giọng hát trong và cao; đến nỗi cha xứ bắt hai đứa ngày Chúa Nhật phải ngồi chung với ca đoàn bên phía nữ để hát, tạo dịp cho mấy thằng bạn chọc quê! Lớn lên, giọng hát của Ấn vẫn còn hay, phần mình thì không hiểu sao bây giờ lên cao cũng không được, xuống thấp cũng không tới!!! Cha xứ hồi đó là cha Ngô Văn Triệu (anh ruột cha Ngô Văn Trọng) nổi tiếng nghiêm khắc nhưng ngài lại có vẻ cưng chiều mình. Bắt được con chim sẻ nhỏ, ngài cũng ghé sang để cho mình. Chỗ quỳ cho ban giúp lễ ở trên Cung Thánh, không có đứa nào dám gần ngài, chỉ mình là hay quỳ ở đó. Cũng có lẽ là nhà mình gần nhà thờ nhất, nên sáng nào mình cũng đi lễ, và hay giúp lễ cho cha nhất bởi vì nhiều khi trời mưa chả có đứa giúp lễ nào khác có mặt trong nhà thờ! Chắc chỉ vì vậy mà cha xứ có phần “thiên vị” hơn chút mà thôi! Hồi đó, mình thấy mấy cha thiệt là “oai”! Không hiểu sao mà giờ mình nói chả có đứa nào sợ hết!?
Thưở nhỏ đi học trường tiểu học Mai Khôi Tân Mỹ, do các sơ dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm- Huế điều hành. Mình được mấy sơ cho lên lớp hai lần, nhưng lần đầu tiên mình từ chối vì mến… cô giáo, và không muốn bỏ băng lớp vì sợ không có bạn chơi! Lúc ấy học lớp mẫu giáo, cô Cúc (chị dâu của cha Trần Thiên Thu sau nầy) dạy học. Cô giáo dễ thương nói rằng, “Em học khá, cô cho em lên một lớp!” Mình không chịu, ngồi khóc suốt buổi khiến cô giáo phải đổi ý. Sơ bề trên vào dỗ dành mình cũng không chịu! Qua tới năm lớp nhì, sơ bề trên Angèle Trần Thị Lãnh kêu mình vào văn phòng và hỏi, “Lớn lên em muốn làm gì?” Mình trả lời không do dự, “Em muốn làm linh mục!” Sơ nói: “Tốt lắm, sơ cho em lên học lớp nhất để em mau chóng học làm linh mục của Chúa nhé!” Lần nầy mình đồng ý chứ không khóc nhè nữa! Có lẽ ơn gọi linh mục đã bắt đầu ươm mầm từ đó!
Học xong chương trình tiểu học trường làng, mình hí hửng trông tới ngày tựu trường để được lên thành phố học. Tân Mỹ không có trường Trung Học, đây chính là cơ hội để mình có dịp khám phá thêm về cố đô Huế. Đối với mẹ của mình, không có sự chọn lựa nào tốt hơn là cho mình vào Tiểu Chủng Viện (TCV) Hoan Thiện- 11 Đống Đa, Huế, vừa học được phần Đạo lẫn phần đời. Khi gặp cha bề trên Nguyễn Như Thể (Tổng Giám Mục Huế sau nầy), ngài mới nói với hai mẹ con rằng, “Năm nầy, TCV chỉ nhận từ lớp 7 trở lên thôi!” Vậy thì mình sẽ học lớp 6 ở đâu đây? Thấy hai mẹ con băn khoăn, cha bề trên mới mách nước cho chúng tôi là dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng tại Bãi Dâu, tuy là dòng Nữ, nhưng họ có nhận học sinh nội trú nam. Ngài bảo mình xuống đó học một năm rồi năm sau thi vô TCV. Mẹ tôi yên tâm, bởi vì mẹ biết một số sơ người Tân Mỹ tu ở đó, lại có cả 2 bà O của mình là nữ tu lâu năm của Dòng, sơ Trần thị Khoa và sơ Nguyễn Thị Xoan. Sơ Khoa, cũng gọi là sơ Claire lại có vai vế lớn trong Dòng nữa!
Một năm học tại Bãi Dâu nhìn lại cũng rất là vui. Học chung với mấy “sơ con,” cũng có nhiều chuyện thú vị! Mình còn nhớ mấy khuôn mặt kháu khỉnh của Ý, của Yến, của Sương…Tiếc là hình như lớp nầy không có ai ở lại để trở thành “em hiền như ma soeur” hết; chứ nếu không chưa chừng có mấy đứa bạn học của mình cũng có thể làm tới chức… bề trên chứ bộ!
Ở Bãi Dâu, mình lại được học chung với mấy thằng mà sau nầy cũng gặp lại tại TCV Hoan Thiện: Nguyễn Ngọc Hường to con tốt tướng người cùng làng Tân Mỹ, Đỗ Hữu Thịnh cháu cha Trần Văn Lộc dạy nhạc trong chủng viện sau nầy, Lê Đăng Tư thư sinh trắng trẻo đẹp trai hay giúp lễ chung với mình, và Lê Thành Đức mà sau nầy trong lớp vẫn gọi là Đức Lồi. Thằng Đức Lồi cậy thế có mẹ hắn làm việc ở đó nên nhiều khi “kênh kênh” cũng ưa đập lắm!!! Bên nam nhìn lui nhìn tới chỉ có khoảng 10 đứa, được mấy sơ xếp ngồi hai bàn đầu hai bên, để khỏi nghịch “thọt lét” mấy sơ con. Bên phía nữ, ngoài mấy em đệ tử còn có thêm một số nữ sinh bên ngoài vào, tất cả là mấy chục mạng. Mình nhớ năm đó có sơ Gabriel Nhường dạy Toán, sơ giỏi nhưng rất là nóng tính. Đứa nào quá tệ, sơ hay bắt nằm trên hai cái bàn đầu để quất cho mấy roi cho tỉnh táo! Mấy nường mà bị nằm trên hai bàn nam của tụi mình thì quê mặt lắm, nhưng phải chịu vậy thôi! Hồi đó, mình ngồi ngay bàn đầu ở phía ngoài nên sơ Nhường hay biểu mình đi kiếm… roi cho sơ! Mấy đứa con gái cứ hay dặn là kiếm mấy cái roi nhỏ thôi, nhưng tội gì mà mình phải nghe lời tụi nó! Cho chừa cái thói “ỏng a ỏng ảnh” thường ngày! Mình còn nhớ ngày đó Sr. Khoa, bà O dễ thương của mình, dạy Hóa Học và Sr. Tuyên dạy Pháp và Quốc Văn. Sr. Khoa là một phụ nữ xinh đẹp, nghe nói sau nầy mấy anh cán ngố gặp sơ mà cứ ngẩn ngơ! Sr. Tuyên lịch thiệp, dịu dàng. Sơ thấy mình viết văn cũng được nên thỉnh thoảng còn cho mình chấm bài của mấy bạn trong lớp!
Mùa Hè năm đó, chiến sự tràn lan, trường học phải đóng cửa sớm. Mấy thằng nhóc nội trú tụi mình chẳng biết làm gì nên mỗi buổi chiều thường lai vãng vô vườn của mấy sơ để giúp trồng cây. Có mấy cây dừa, cây mít đang vươn cao trong khu vườn của mấy sơ bây giờ, biết đâu có công trồng và chăm sóc của tụi mình lúc ấy?
NIÊN KHÓA 1972-1973:
Tựu về TCV Hoan Thiện sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, mình có cảm giác như vừa thức dậy sau một giấc ngủ đầy mộng mị. Cùng một số bạn bè, mình thi vào TCV Huế, và năm đó có được 42 đứa trúng tuyển. Nguyên cả mấy thằng bạn ở Bãi Dâu đều trúng tuyển nên cũng vui. Mình quen thêm được nhiều đứa có cá tính thật đặc biệt. Đã mấy chục năm trôi qua mà ai cũng còn nhớ hình ảnh thằng Nguyễn Mên, lớp mình. Ngày tựu trường thằng Mên, dân chơi Hà Úc, kéo nguyên cả một chiếc xe đồ chơi từ chợ Đông Ba kéo về TCV. Có ai đi tu như thằng nầy không? Có thằng Đoàn Hiển mấy ngày đầu gặp nó, không một chút thiện cảm, sau nầy gặp ba mẹ nó mới khám phá ra nó cũng người cùng làng Tân Mỹ, nhưng ở lâu năm trên thành phố. Thời gian sau nầy hai đứa ở chung trại tỵ nạn Hong Kong cũng thân với nhau vô cùng. Trong mấy thằng bạn thân thiết, phải nói tới cố linh mục Phan Miên, người làng Thuận An, và thằng bạn dễ thương Nguyễn Đức Tín. Cả hai ông bạn nầy đều vắn số và đã qua đời, RIP! Thằng Tín là em ruột của cha Nguyễn Đức Vệ và anh Nguyễn Đức Thủy nên hồi đó cha Vệ cũng có cảm tình với mình lắm. Mình còn nhớ hầu hết tên tuổi mấy đứa bạn cùng lớp, nhưng có một vài đứa nổi bật vì những câu chuyện liên quan tới chúng nó. Chẳng hạn như hai thằng Đoàn Trắng và Đoàn Đen. Thằng Nguyễn Đoàn mà trong lớp kêu là “Đoàn Đen,” cũng người Tân Mỹ, con của cựu Thiếu tá Điềm, con nhà quyền quý mà người hắn đen thui. Lại có thằng Nguyễn Ngọc Đoàn, người cũng không có trắng chi, chỉ được trắng hơn một tí so với thằng Đoàn Đen nên được kêu là… Đoàn Trắng. Không biết ai đồn trong lớp là “thằng Đoàn Đen chỗ nào cũng đen duy chỉ có chỗ… đó là trắng,” và ngược lại đối với “thằng Đoàn Trắng chỗ nào cũng trắng, chỉ có chỗ…đó là đen!” Thế là một buổi chiều định mệnh, sau buổi đá bóng trên sân cỏ, có mấy thằng trong lớp rủ nhau lật ngược thằng Đoàn Đen ở bờ hồ nhà nguyện TCV, cởi… quần nó ra để xem cho biết sự đời đen hay trắng. Mình nghĩ rằng, giây phút đó, Chúa trên cao chắc cũng phải ngậm ngùi, “Xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết!” Lại có thằng “Hùng Trâu Điên” (Nguyễn Văn Hùng), buổi tối ngủ chùm chăn dọa ma. Cha giáo Lê Văn Hồng (Tổng Giám Mục Huế sau nầy) đứng bên cạnh mà nó không biết! Cha hỏi, “làm chi rứa Hùng?” Hắn đáp, “tau mớ!” Thế là cha giáo dựng cổ nó dậy, nó thấy cha mới hoảng hồn hết mớ! Về sau, thằng nầy cũng bị bề trên cho về. Hôm đó mình còn nhớ là đang trong lớp học Pháp Văn với cô Nga, cha bề trên đi ngang và kêu nó vào phòng ngài. Một hồi sau, nó ra đứng trước cửa lớp khóc tỉ tê. Nó bị cha bề trên gởi về lại với gia đình. Nhà nó ở bên phía dòng Chúa Cứu Thế Huế, không cách xa TCV bao nhiêu. Buổi chiều đã thấy thằng Hùng Trâu Điên đạp xe vào lại thăm lớp, miệng hắn cười oang oang. Có thằng hỏi, “Buổi sáng thấy mi khóc, răng giờ đã thấy cười?” Hắn trả lời, “tại tao tưởng bị đuổi về mẹ tao sẽ la nhiều lắm, té ra mẹ tao không nói gì hết!” Chắc bà cũng biết thằng con trời đánh của bà cũng không hy vọng chi! Lại có thằng Phùng Đệ, hắn cũng vẽ đẹp như… mình! Họa sĩ Phi Hùng dạy vẽ lớp mình năm đó. Hình như thầy có cảm tình đặc biệt với mình, nên có lần thầy hỏi trong lớp, “Mấy chú có biết Hồ Khanh là chi không?” Tha hồ cho mấy đứa bạn đoán ra đoán vào, cuối cùng thầy nói: “Hồ Khanh là… Hành Khô đó mà!” Vậy là mình chết luôn với cái tên đó! Nói chuyện thằng Phùng Đệ, một buổi trưa mình thức ngủ để vẽ cho xong bức tranh sơn nước nộp cho thầy Phi Hùng, thằng Đệ cũng thức! Mình vẽ gần xong tác phẩm của mình và cũng cảm thấy mãn nguyện lắm. Không biết thằng Đệ vô tình hay cố ý mà hắn đi ngang đẩy cái bàn của mình khiến ly nước dùng để sơn màu đổ nghiên vào bức tranh khiến nó trở nên hoen ố, nham nhở! Cơn giận bùng lên, không cần biết nó to con hơn, mình túm đầu nó đập liền. Hai thằng đang quần nhau túi bụi thì cha bề trên đi ngang, tát tai hai đứa một cái nẩy lửa đồng thời nói to, “buổi trưa không chịu ngủ trưa mà còn đánh nhau ồn ào như thế nầy, có muốn bị đuổi về không?” Cũng may ngài không cho về lúc đó, chứ nếu không giờ nầy chắc vợ con mình cũng đùm đề không thua chi thằng… Quang Bọ (Văn Công Quang)!
Lớp mình có mấy thằng mặt mày nhìn vô là thấy một vùng trời thánh thiện, chẳng hạn như thánh Hiệu (cha Nguyễn Văn Hiệu), Lê Văn Đức, thánh Miên (cố linh mục Phan Miên) tuy rằng ông thánh nầy đá banh thì hay đốn giò người ta! Ngoài ra có mấy thằng mặt mũi thư sinh như thằng Nguyễn Anh Tuấn, Lê Đăng Tư, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Xuân Thuận. Cũng không thiếu mấy thằng “bặm trợn” như Giáp Tàng (Trần Văn Giáp), Cái Bình, Cường “Óc to mà khờ”, Phùng Sử, Dương Văn Hùng, và còn rất nhiều đứa như Trần Hiến, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Đình Tha, Lê Tùng, Trương Công Nhờ... Mỗi đứa mỗi tính nhưng vui vô cùng. Lớp mình lại có thằng Nguyễn Ấn, hắn tu tại Việt Nam và rồi qua Mỹ cũng tập tành đi vô chủng viện vài ba tháng, chưa nhớ mặt bàn thờ thì đã xin ra! Hắn nói ma quỷ ghen tuông với hắn!
Mình nhớ năm đó cha Lê Văn Cao dạy Sử Địa, cha Lê Văn Hồng dạy Kinh Thánh Cựu Ước, cha Trần Văn Lộc dạy Nhạc, cha Trần Trọn dạy Anh Văn, cô Nga dạy Pháp, và họa sĩ Phi Hùng dạy hội họa. Một năm học trôi qua, ơn gọi vẫn còn là một khái niệm mù mờ.
Lớp 12 năm đó (HT66) mình sợ như sợ cọp! Có những anh sau nầy mình có dịp gặp lại, lúc nầy thấy dễ thương vô cùng, chẳng hạn như anh Đặng Văn Anh, anh Trần Thanh Hiền, anh Nguyễn Đình Khâm tại Úc, Lm Trần Xuân, Lm Nguyễn Văn Chiến, Lm Ngô Thanh Sơn gặp tại Mỹ, và người để lại ấn tượng tốt đẹp nhất đối với mình là Linh mục Nguyễn Hữu Hiến tại Nhật! Cha Hiến dễ thương, bình dị, thông thái và khiêm tốn, hy sinh tận tụy cho giáo dân của mình, và là một linh mục khó nghèo hoàn toàn sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và Giáo Hội của ngài! Chỉ sống với ngài hơn một tuần tại Tokyo, mình học được rất nhiều điều cao quý ở ngài!
NIÊN KHÓA 1973-1974:
Tới niên khóa nầy, TCV lại bỏ đi lớp 7 mà bắt đầu nhận từ lớp 8 trở lên. Vậy là lớp mình lại được bổ túc thêm một số chủng sinh lớp 8. Mấy “cán ngố” nầy được xếp vô lớp 8/2 trong lúc mấy thằng kỳ cựu lớp cũ của mình thì thành lớp 8/1. Mấy anh em nhóm 73 nầy có mấy khuôn mặt sáng sủa (sáng cũng sủa, tối cũng sủa) như Trần Đình Hào, Quang Đen (tức Đức Ông Nguyễn Quang của Denver sau nầy)… Lớp nầy được cha Oxarango dạy Pháp Văn, trong lúc cha Nguyễn Hữu Giải thì dạy nhóm 8/1! Cha Giải dạy cũng đâu thua cha cố người Tây, bằng chứng sau nầy anh em tụi mình ra học trường ngoài cũng được tiếng là giỏi tiếng Pháp hơn những học sinh khác. Về môn Văn, lớp mình được học với linh mục Nguyễn Trọng Quý, tức là thi sĩ Thanh Quân. Ngài luôn nhỏ nhẹ, dễ thương, tính ngài lại hay đỏ mặt và bẽn lẽn như con gái, chỉ tổ làm cho thằng Mên lớp mình chọc ghẹo ngài! Còn nhớ có lần hắn giả bộ bị kinh phong nằm trên giường giựt liên hồi và kêu tru tráo. Mấy đứa bạn trong lớp vây quanh giường nó, bán tín bán nghi. Nghe ồn ào, cha Quý cũng xen vào để xem cho rõ sự tình. Thằng Mên thấy mặt cha Quý là hắn tự động kéo quần hắn xuống. Cha giáo tên Quý nhưng thấy… của quý của nó là đỏ mặt quay đi không thốt nên lời! Năm học nầy mình rất thích lớp Văn ngài dạy. Ngoài những tác giả trong chương trình như bà Huyện Thanh Quan, vua Lê Thánh Tôn, Cao Bá Quát, Thế Lữ… Ngài còn đưa vào thơ ca của Hàn Mặc Tử và ngay cả thơ của ngài. Đã nhiều năm qua mà mình vẫn còn nhớ bài thơ Trinh Vương của ngài với điểm đặc biệt là những chữ đầu tiên của mỗi hàng lại làm thành một câu riêng có ý nghĩa như sau:
NỮ hoàng tôi ngự tới cung yêu, VƯƠNG quốc ta châu báu diễm kiều. ĐỒNG tiến hoa anh đào tuyệt thế, TRINH nguyên thơ ý nhạc vàng reo. CẦU bắc xong rồi lên tuyệt đỉnh, CHO trời hội ngộ, đất giao duyên. CHÚNG sinh say mến, nguồn vô tận. CON nhớ muôn đời, Mẹ chớ quên!
Lớp 12 năm nầy (HT67) có phong cách đặc biệt. Hồi đó các anh có phong trào đi… giày tây khiến mấy thằng nhóc tụi mình khi nào cũng phải lé mắt. Lớp nầy cũng giúp tạo thành một ban nhạc lẫy lừng năm đó, có anh Vũ Quang Hà chơi trống bốc lửa và có giọng ca một thời của anh Nguyễn Đức Thủy rất là rầm rộ. Lại thêm có hai anh lớp dưới là Lê Kim Anh (HT68) chơi keyboard, anh Trương Quang Tuyến chơi guitar rất nhuần nhuyễn nữa. Mình vẫn nhớ bài hát Mặt Trời Đen mà ban nhạc trình bày có giọng ca của anh Vũ Quang Hà và anh Nguyễn Đức Thủy, rồi có phần solo trống của anh Hà nữa, có đoạn anh thẩy dùi trống lên cao, sau đó chụp lại và lại đánh tiếp tự nhiên “như ruồi” khiến ai cũng khoái chí! Hôm gặp lại anh tại Denver, anh hát vẫn bốc lửa như xưa!
Lớp 12 nầy về sau mình có dịp gặp lại một số anh em tại Mỹ như anh Phạm Thanh Cương, anh Vũ Quang Hà, anh Trần Văn Thuận, anh Nguyễn Úy, anh Lê Sáu Vũ, và anh Dương Thế Phong tại Canada. Gặp anh Dương Thế Phong khi anh tình nguyện chở mình ra phi trường Winnipeg khi mình sang đây để giảng tĩnh tâm Mùa Chay mấy ngày cho cộng đoàn Công giáo VN ở đây, và anh thì mới trở về từ VN đêm trước đó. Chỉ gặp một buổi sáng ngắn ngủi nhưng rất thân tình. Anh Dương Thế Phong là một nhà thông thái và một nhạc sĩ giỏi, nhưng lại khiêm tốn vô cùng! Mình cũng có dịp gặp lại Đức Ông Cao Minh Dung tại Washington, D.C. trong thời gian ngài còn làm việc tại văn phòng Khâm Sứ Tòa Thánh và mình thì đang theo học Giáo Luật tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ tại thủ đô Mỹ. Gặp Đức Ông thì khi nào cũng được biết nhiều chuyện cao siêu, thú vị!
NIÊN KHÓA 1974-1975:
Năm nầy 2 lớp 8/1 và 8/2 của tụi mình nhập chung thành một lớp 9, đông hơn và vui hơn. Chiến sự đã ngày càng gay cấn. Phong trào chống tham nhũng ngày càng quyết liệt. Hình như tụi mình cũng bị cuốn hút theo những làn gió thời sự nầy. Gặp phải môn Văn năm nay lớp mình lại được học với thầy Nguyễn Văn Bổn, tức thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ. Thầy gốc Quảng Nam, thầy lại đọc bài Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ khiến tụi mình đứa nào viết cũng mắc phải trên 20 lỗi chánh tả. Thầy giảng thì rất cuốn hút. Lúc nầy, thầy lại đang sinh hoạt rất hăng say trong những phong trào chính trị và xã hội, tụi mình lại lười học và cứ hay yêu cầu thầy kể chuyện để hiểu thêm. Một khi thầy kể thì cả bọn há hốc mồm ngồi nghe chứ có biết chuyện trúng trật ở đâu để mà phê phán!?
Không khí chiến tranh bao trùm, mình nhớ có buổi sáng giờ suy niệm của cha bề trên Thể. Ngài chia sẻ với toàn chủng viện về tình hình chính trị tại VN, và ngài nói rằng hãy cầu nguyện cho đất nước nhiều, bởi vì sự hiện diện của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tạo nên một sự chênh lệch rất là nguy hiểm cho Miền Nam VN đối với chính phủ Miền Bắc trên chính trường quốc tế lúc đó. Ngài căn dặn là trên đường từ nhà nguyện về lại phòng học, hãy giữ im lặng và cầu nguyện, đừng nói chuyện. Vậy mà không hiểu trời xui đất khiến ra sao mà mới bước ra trên dãy hành lang là ông cố Phan Miên, RIP, lại ghé vào tai mình nói nhỏ: “Cha bề trên nói về mặt trận thứ ba như rứa ngó bộ nguy hiểm quá hí?” Mình chưa kịp trả lời thì hai bàn tay từ phía sau vươn tới tụm hai cái đầu của mình và Miên lại với nhau làm một cái đau điếng, lại có tiếng của cha bề trên phía sau vang lên: “Cha mới nói đi về trong yên lặng, rứa mà cũng nói chuyện, không vâng lời gì cả!” Cũng may ngài không cho hai đứa về mà bù lại buổi chiều còn kêu hai đứa vô phòng riêng cho ăn kẹo nữa. Cha bề trên Thể vậy đó, nhiều khi mình phạm lỗi thì ngài phạt, nhưng sau đó lại kêu vào văn phòng vỗ về, chắc ngài cũng hiểu là tụi mình còn trẻ người non dại nên ngài cũng rất kiên nhẫn đối với tụi mình! Sau nầy có dịp nghĩ lại là nếu hồi đó ngài đuổi hai anh em tụi mình về vì tội không vâng lời thì sau nầy Giáo Hội đã mất toi hai ông cha, nhưng bù lại biết đâu Phan Miên có người “nâng khăn, sửa túi” thì sẽ sống lâu hơn! Còn mình, nếu có lập gia đình, chắc chắn là sẽ… nhiều con hơn thằng Quang Bọ, và con mình cũng sẽ giỏi hơn con hắn (nói vậy thôi chứ Văn Công Quang lớp mình giỏi lắm, hắn sửa xe mà đủ tiền cho con học thành bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, và vừa rồi còn có đứa con gái là người VN đầu tiên trúng cử nghị viên của thành phố Stanton, California nữa!)
Chiến tranh ảnh hưởng tới mọi sinh hoạt của xã hội VN. Năm đó, buổi sinh hoạt Văn Nghệ cuối năm, mình còn nhớ có hoạt cảnh “Nó” với bài hát “Thằng bé âm thầm đi tìm ngõ nhỏ…” Lớp mình làm hoạt cảnh “Kinh Khổ: Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm…” Có lớp nào đó làm hoạt cảnh có mấy bộ xương khô, khi tắt điện, nổi bật lên ấn tượng vô cùng. Chiến tranh đã ngoài ngõ rồi, người ơi!
Lớp 12 năm đó (HT68) sau nầy mình có dịp gặp lại những anh như Huỳnh Đình Đăng tại VN, và các anh như Lê Kim Anh, Lm Trần Kim Bính, và Lm Nguyễn Văn Diệu tại Mỹ.
NHỮNG NIÊN KHÓA SAU NĂM 1975:
Niên khóa năm 1974-1975 chưa kết thúc thì đất nước đã thay ngôi đổi chủ. Theo dòng người lưu lạc vào miền Nam để tránh bom đạn, đến khi mọi sự yên hàn để về lại cố hương thì mình lại về trễ, thiếu hai tháng học bổ túc của năm học nên phải học lại lớp 9. Chủng Viện có cha Giám Đốc mới là cha Gioan Nguyễn Lợi. Chủng sinh bây giờ phải ra học trường công. Lớp mới của mình học tại trường Hòa Bình (tức Bồ Đề cũ). Mình được anh em trong lớp bầu làm lớp trưởng. Chương trình lớp 9 dưới thời Cộng Sản không có gì đặc sắc, nếu không nói là nhàm chán. Anh em phải làm quen những bài thơ của Tố Hữu, Tế Hanh, Giang Nam, v.v… Làm sao bì với những giọng thơ trữ tình của Xuân Diệu, Huy Cận hoặc siêu thoát và huyền hoặc của Hàn Mặc Tử! Không biết anh em làm bài ra sao, chứ mình thì cứ đem mấy bài thơ của Cách mạng và “xào chung” với mấy tác giả xưa, kết quả bao giờ cũng được điểm cao! Kỳ thi vượt cấp năm đó, mình thi được 10 điểm Toán và 8 điểm Văn, xếp thứ II toàn tỉnh Bình Trị Thiên, thua một nữ sinh con thiếu tá Ngụy người được 10 điểm Toán và 8.5 Văn, nhưng lại hơn người thứ ba là một tiểu thư miền Bắc con Đảng Viên, người được 10 điểm Toán và 7 điểm Văn! Phần thưởng dành cho hai đứa đứng đầu được gởi về trường riêng của hai đứa. Mình được nêu tên vinh dự tại cột cờ hôm đó và được kêu lên nhận phần thưởng gồm mấy cuốn vở giấy xấu và một bộ truyện “Thép Đã Tôi Thế Đấy.” Nghe đâu em miền Bắc được triệu về Ty Giáo Dục BTT và phần thưởng phải mất mấy chiếc cyclos mới chở hết! Học tài, thi lý lịch đã bắt đầu đậm nét! Cuối năm học, nhân dịp văn nghệ bế giảng, mình tập cho anh em bài hợp ca Hè Về của Hùng Lân, thầy cô và học sinh ai cũng thích. Học trong chủng viện ra cũng có những gì đặc biệt hơn so với học sinh bên ngoài!
Niên khóa 1975-1976, mình vẫn sinh hoạt tại nhà với mấy anh em lớp cũ. Vì không học chung với mấy anh em tại trường, nên những gì xảy ra trong ngày mình hoàn toàn không biết! Qua năm sau, thấy bất tiện nên mình tự ý xin cha bề trên là cha Phero Nguyễn Hữu Giải cho phép được sinh hoạt chung với lớp mới. Năm nầy lớp mới của mình đã được chuyển lên trường Quốc Học. Anh em vẫn bầu mình làm lớp trưởng ở nhà, cũng là cơ hội để phục vụ anh em. Mỗi buổi tối ngồi nghe anh em chia sẻ những chuyện xảy ra tại các lớp học để cùng giúp anh em rút tỉa kinh nghiệm sống trong môi trường mới cũng là một điều thích thú vô cùng. Cuộc sống mang nhiều thử thách càng khiến anh em trưởng thành nhanh. Ngày xưa đi học có cha mẹ lo hết mọi việc, bây giờ anh em phải tự lực cánh sinh. Hết rồi những ngày tháng Hè vui chơi với chúng bạn! Bù vào đó là những chuyến đi Thiên An để lao tác và làm củi, dành dụm để đốt mùa Đông.
Thiên An thật thơ mộng, nhưng nếu suốt ngày cứ phải kiếm những gốc cây nhỏ có thể cuốc lên để đem về làm củi, hoặc phải thay phiên nhau đào xới một gốc cây thông khô thì cũng trần ai lắm! Sau khi đã làm được một số củi kha khá, anh em mình lại chất lên những chiếc xe tải thật đầy để chở về TCV, phơi khô rồi lại chất vào nhà kho. Những sân banh sau nầy được trưng dụng tối đa cho việc sinh hoạt sản xuất. Sân bóng rổ, nơi lưu dấu những đường bóng đẹp của Lê Kim Anh, của Phạm Ngọc Thạnh, của Phụng “Xì Dầu” và của những cú shoot ngọt ngào của Nguyễn Văn Chính lớp mình, giờ là nơi… phơi củi lý tưởng của Chủng Viện. Mấy sân bóng tròn nơi cố linh mục Phan Miên (R.I.P.) và một số anh em khác hay “đốn giò” nhau giờ đã phủ lên màu xanh của những luống sắn, đậu phụng, cà chua, và không biết bao nhiêu loại rau khác.
Thời gian nầy đi học trường ngoài cũng rất vui. Niên khóa 1976-1977 mình vào lớp 10C3 ban Toán tại trường Quốc Học cùng với Nguyễn Vũ, Dương Phú Cường, Trương Văn Thường, Phạm Tấn Khoa, Hoàng Văn Thọ, Trần Bá Quang. Mấy chú nầy trước đây thua mình một lớp, và lại vào TCV sau khi mình đã tu “đắc đạo” được hai năm (vì niên khóa 73-74, TCV không nhận lớp 7, nên lớp HT74 lúc vào TCV đã là lớp 8 rồi), nên tự nhiên giữa nhóm anh em, mình cảm thấy “già” đi! Có mấy cô bạn học chung trong lớp sau nầy gặp lại, họ cũng nói rằng hồi ấy họ thích “chọc” chú Trương Văn Thường vì chú Thường “đẹp trai, đơn sơ và dễ thương!” Họ thích chú Vũ và chú Cường vì mấy chú “trắng trẻo và ăn noái có duyên.” Chú Khoa và chú Quang hồi đó hơi… con nít! Chú Hoàng Thọ (giờ đang ở Úc) thì suốt ngày chỉ lo ba cái đạo hàm, nói chuyện hơi chán. Riêng chú Khanh thì họ nói họ “sợ” vì thấy chú… nghiêm quá! Họ đâu có biết mỗi lần tới gần họ, chú Khanh cũng run quá trời bởi có khi nào biết nói chuyện với con gái đâu! Nói chung là thua thằng “Đức Lồi” cả! Hắn cũng bị học lại lớp như mình, nhưng hắn biết yêu sớm hơn, và nghe nói thời gian đó hắn “quậy tùm lum!” Hắn khai với mấy “nường” là hắn giờ là “trợ sĩ” thôi, chứ không còn tu nữa, nên hắn tự bật đèn xanh mà xoay đủ chiều!!!
Kỷ niệm học trò có nhiều chuyện vui, nhưng cạm bẫy lúc đi học bên ngoài cũng nhiều lắm, anh em phải cẩn thận thôi. Buổi tối anh em có những buổi kiểm điểm để bày vẻ cho nhau, khi thì riêng mỗi lớp, khi thì toàn Chủng Viện. Những buổi kiểm điểm chung cả nhà, thường đặt dưới sự chứng kiến của cha giám đốc Chủng Viện. Những buổi kiểm điểm dựa trên tinh thần bác ái Kitô giáo, không phải là dịp đấu tố nhau, nhưng là những buổi góp ý xây dựng thật tích cực. Giai đoạn đầu là “tự phê,” sau đó vừa là “tự phê và phê bình” người khác một cách nhẹ nhàng, và chỉ khi nào quen với hai giai đoạn đầu, lúc đó mới qua giai đoạn thứ ba là “phê bình” người khác một cách thẳng thắn bởi vì lúc đó anh em đã sẵn sàng đón nhận ý kiến xây dựng của mình. Những buổi phê bình chung thì vui lắm, bởi vì được nghe chuyện của những lớp khác. Hồi đó cha giám đốc Phero Nguyễn Hữu Giải cứ khéo léo khen ngợi những hy sinh âm thầm của mấy “thánh” nên mấy thùng rác trong Chủng Viện sạch lắm, hở ra là có người đi đổ rồi! Những buổi kiểm điểm chung rất nhiều và cũng đã bàn nhiều chuyện quan trọng, nhưng không hiểu sao, bây giờ mà hỏi lại thì ai ai cũng chỉ nhớ chuyện tranh cãi “chim mi, chim tau” của Trương Nhuận (HT74) và vị linh mục khả kính sau nầy là cha Phạm Thọ (HT74) mà thôi! Hôm đó anh em thì cười ngặt nghẽo, chỉ tội cha bề trên cố làm nghiêm mà không được, báo hại khuôn mặt cha đỏ rần!
Số là hai cậu đều có nuôi một con chim sẻ. Một con bị chết. Cậu có con chim chết cáo buộc cậu kia tráo con chim chết cho mình. Cha bề trên chỉ hỏi một câu như các vị luật sư trước tòa, “Làm răng mà con biết con chim ni là của con?” Thế là một cậu trả lời, “Chắc chắn là chim con, bởi vì chim con có nhiều lông hơn chim nó!” Cậu kia phản pháo, “Chim con khôn hơn, khi mô nó thấy con nó cũng mừng rỡ; con kêu nó hoặc huýt sáo thì nó nhảy lên!” Cha mạ ơi, trong Phúc Âm Chúa nói “Con chiên ta thì nghe tiếng ta!” Chúa mô có nói là… chim ta thì nghe tiếng ta!?
Lịch sử đã chuyển mình, tụi mình không còn vô tư nhưng cần phải tỉnh táo trước những thay đổi của thời cuộc. Một sự thay đổi quá lớn lao! “Nhu cầu mới, linh mục mới!” “Không làm không đáng ăn!” Tu bây giờ không còn những hào nhoáng bên ngoài! Tu là nhập cuộc, là đồng hành với đồng bào khốn khổ của mình. Mình còn nhớ rõ giai đoạn nầy. Ngoài những giờ học ở trường công lập, tụi mình còn có những lớp đào tạo ở nhà. Môn học chính là Tu Đức do cha Nguyễn Phùng Tuệ giảng dạy. Trước giờ học đã thấy ngài lảng vảng đi qua đi lại trước lớp. Cứ đúng giờ là ngài vào lớp và bắt đầu giảng dạy, không cần biết bao nhiêu đứa có mặt. Riết rồi tụi mình học được thói quen tốt là giữ đúng giờ như ngài, bởi vì không ai muốn đi trễ cho những lớp học sâu sắc của ngài.
Mình nhớ ngài dạy về Kinh Lạy Cha thật thâm thúy. Mình cũng còn nhớ ngài dạy về Karl Rahner mà sau nầy có dịp học thêm mình mới thấy là ngài thông suốt về thần học gia thời danh nầy rất nhiều. Có lần tôi thấy ngài dạy về Fulton Sheen mà ngài cầm nguyên bản những cuốn sách của vị Tổng Giám Mục New York nầy và ngài giảng thao thao bất tuyệt như thể là ngài đọc một cuốn sách bằng tiếng Việt vậy. Quả là tụi mình đã rất diễm phúc khi có những vị giáo sư thông thái và đạo đức như cha Tuệ! Năm nầy cha Phan Xuân Thanh dạy Kinh Thánh, nhưng ngài dạy thì ít mà đau thì nhiều nên tụi mình chưa học được nhiều từ ngài. Cũng có các cha giáo ở ngoài vào dạy cho anh em. Những lớp học phần nhiều diễn ra trong lén lút, và khi nào cũng có nhóm canh chừng báo động, lỡ công an ập vào làm khó dễ thì hơi mệt!
Lớp 12 đầu tiên của niên khóa 1975-1976, thông thường các anh đã chuyển lên Đại Chủng Viện (ĐCV) Kim Long, bây giờ vì vấn đề hộ khẩu, các anh vẫn phải dậm chân tại chỗ. Vậy là mỗi buổi sáng, lớp nầy đạp xe đạp lên ĐCV học và buổi chiều lại kéo nhau về TCV. Năm học sau đó, để tránh những dòm ngó không cần thiết, các cha giáo từ ĐCV đi về TCV để dạy cho chúng tôi. Học hành thì vất vả, thiếu trước hụt sau, lại phải canh chừng đủ thứ! Bề trên dặn dò anh em cẩn thận, ngay cả những gì thẩy trong thùng rác cũng đừng tạo cớ chính trị cho chính quyền đóng cửa Chủng Viện. Buổi tối các anh em lại chia phiên nhau canh gác mọi phía, vậy mà cũng có mấy lần kẻ gian lẫn vào ban đêm tìm cách để lại vũ khí để vu oan cho Chủng Viện, để có dịp đóng cửa cơ sở nầy. May mà những toán canh đã kịp thời lật tẩy mưu mô kẻ gian. Ôi một đời lận đận theo Chúa, “đêm mong ngày chờ, đêm chờ ngày mong, mong chờ ngày đêm! (Hát theo nhạc Nhật Trường- Trần Thiện Thanh)”.
Mình còn nhớ cảm giác sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo I đột ngột qua đời, đức Hồng Y Wojtyla được bầu lên làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Gioan Phaolo II. Anh em trong chủng viện cảm thấy rất phấn chấn là vị Giáo Hoàng đến từ xứ sở cộng sản Ba Lan nầy, chắc chắn sẽ thấu hiểu hoàn cảnh của tụi mình hơn và sẽ có những chỉ dẫn cụ thể cho anh em. Hình như Chúa muốn thắp lên một ngọn nến hy vọng trong hoàn cảnh vô vọng, nghiệt ngã để rồi chúng tôi lại sẵn sàng tiến bước với Ngài trong những chặng đường kế tiếp.
Thời gian nầy ăn uống quá cực, khoai sắn nhiều khi mốc mếch mà vẫn cứ ăn. Có những tuần tụi mình không có một hạt cơm nào trong bụng mà chỉ có bột và khoai, sắn. Cha quản lý lúc đó, cha Anre Nguyễn Văn Phúc, cùng với sự cộng tác tháo vác của một số anh em như anh Dương Quang Đức (HT71), Đoàn Hiển (HT72)… tìm cách bán bớt những số bàn ghế, giường tủ của những anh em không tựu lại sau 1975 để có tiền chi phí cho Chủng Viện, nhờ vậy mà anh em cũng cầm cự được thời gian khá lâu.
Môi trường mới, thử thách mới, ai cũng phải tỉnh thức trước một chính quyền luôn nghi kỵ tôn giáo, nhất là Công Giáo. Chính quyền mới không bao giờ muốn dùng vũ lực giai đoạn đầu để giải tán Chủng Viện, vì họ sợ mang tiếng đàn áp tôn giáo. Vì thế số chủng sinh tựu lại sau 1975 đã trải qua nhiều giai đoạn đối xử khác nhau của chính quyền. Thoạt đầu là dụ dỗ, “Các anh lên đại học đi, rồi chúng tôi sẽ trợ giúp! Đừng theo mấy ông cha phản động không tốt!” Dụ hoài không được thì… dọa, “Các anh mà không nghe lời chúng tôi thì coi chừng, sẽ có một ngày đi tù!” Dụ dỗ không được và dọa dẫm không xong, chính quyền áp dụng chiến thuật cổ điển là muốn điều khiển bao tử của chúng tôi. Họ đã không cho chúng tôi mua lương thực nữa, thế là Chủng Viện phải tự tìm cách lo thực phẩm cho mình. Tội nghiệp cho các cha trong Chủng Viện phải nghĩ tới phương cách mới để nuôi cho được mấy chục miệng ăn lúc ấy. Không hiểu dạo ấy, linh ứng ở đâu không biết mà bề trên tựu họp anh em lại và quyết định chia cả nhà ra từng nhóm nhỏ để tự túc kinh tế. Cha bề trên tuyên bố thẳng thừng, “tổ nào không tự lo cho mình được thì giải tán tổ đó, chứ nhất quyết chúng ta không giải tán Chủng Viện vì lý do kinh tế!” Vậy mà hóa ra lại hay vô cùng!
Từ ngày bố mẹ cho “ra riêng,” tụi mình làm ăn khấm khá vô cùng! Mỗi tổ khoảng 7, 8 người gồm cả 4 lớp trong Chủng Viện. Tuần nầy khối A (gồm 2 lớp lớn) ở nhà học thì khối B (gồm 2 lớp nhỏ) đi làm bên ngoài, và cứ đổi phiên tuần sau đó. Mình còn nhớ một ngày thằng “Đoàn Trắng” trong nhóm của mình, hắn đi đâu về không biết mà lại hớt hải nói với mình, “Tau lên chỗ xay gạo của ông Đơn xin việc, ông bảo ông cần người dạy kèm cho mấy đứa con của ông. Mi đi dạy kèm đi chứ tau dạy răng được!” Thế là mình lên gặp ông chủ, ông nói: “Tui nói thiệt với thầy, tui lo làm ăn quá mà không biết mấy đứa con tui học lớp mấy. Thầy giúp dạy kèm cho mấy đứa thì tốt lắm!” Vậy là mình đi kiếm đủ loại sách giáo khoa Toán, Lý, Hóa và Pháp, chất một đống trên bàn để xem lại mà đi dạy kèm. Năm đó mình mới xong lớp 12 mà lại đi dạy kèm cho 4 nhóc, còn nhớ tiểu thư tên Phương Dung lớp 7, công tử Hồng (cũng gọi là Hùng) lớp 5, Vinh lớp 3 và cô công chúa xinh xinh Vân Anh lớp 1 thì phải! Dung và Hồng khá chăm học. Cậu nhóc lớp 3 chiều nào cũng xin nghỉ sớm để xuống sông An Cựu tắm với nhóm bạn. Còn bé lớp 1 thì lúc nào cũng đợi thầy chơi “buôn bán” với nó. Nó cứ cắt giấy làm tiền, bảo thầy mua kẹo của nó đi! Một hồi bao nhiêu kẹo của nó cũng về tay thầy hết! Vậy mà các em tháng nào điểm các môn cũng lên nên ông bà chủ mừng vô cùng. Tuần đầu mình còn ăn chung với mấy người thợ, tuần sau họ bảo “thầy lên nhà trên ăn chung với chúng tôi cho vui.” Cuối tháng ông bà cho người chở về tổ mình 1, 2 bao cát gạo, phần lương hậu hỉnh đối với anh em lúc đó, lúc mà cả nước phải ăn bo bo để tiến lên XHCN! Gia đình ông bà Đơn và các cháu đã đối xử với mình thật tử tế. Tiếc là bây giờ mình không biết họ ở đâu để liên lạc. Mấy đứa học trò của mình ngày xưa bây giờ nếu gặp lại chắc không nhìn ra nổi! Mình vẫn còn nhớ trong gia đình còn có anh cả là Thanh, sau đó là Lan, một người con gái xinh đẹp, mảnh khảnh và thua mình vài tuổi, có một buổi chiều nàng đi đâu về, vào phòng học xem mình dạy mấy đứa em, tự nhiên nàng cầm tay mình và khẽ nói, “tay thầy mềm mại như con gái!” Sau nầy mình cũng có bà giáo dân lặp lại câu y chang, “May mà cha Khanh đi tu, chứ tay chân như ri làm răng mà nuôi nỗi vợ con!”
Cuộc sống trong Chủng Viện sau 75 thật là cam go, anh em sẵn sàng hy sinh cho nhau; nhưng nếu không có một lòng đạo sâu xa và một sự gắn bó với ơn gọi thì thật là vô bổ! Anh em có một niềm tin tưởng tuyệt đối phải nói là nhờ sự giáo dục và gương sống của các ân sư. Cha bề trên Phêrô Nguyễn Hữu Giải khôn ngoan và cương nghị, như một người cha gương mẫu. Cha quản lý Anrê Nguyễn Văn Phúc dịu dàng và cảm thông như người mẹ. Cha linh hướng Batolomeo Nguyễn Phùng Tuệ như nguồn suối mát tinh tuyền, uống hoài không bao giờ ngán! Mình nhớ có lần văn nghệ Tết, mình viết bài Sớ Táo Quân giao cho thằng “Đoàn Đen” (R.I.P.) lớp mình đọc, trong đó mình có viết mấy câu “Có cha linh hướng, cái bụng to tướng, dáng đi vất vưởng…” khiến ngài cười nghiêng cười ngã.
Các cha giáo đã hun đúc cho anh em mình một nền tảng đạo đức và đã chuẩn bị cho cuộc sống của anh em một hành trang thật phong phú. Để rồi, từ đó anh em ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng mọi nơi và mọi lúc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nếu như ngày xưa, Cộng Đồng tín hữu sơ khai, vì tránh những cơn bắt Đạo khốc liệt, họ đã phân tán khắp nơi; thì giờ đây anh em mình cũng lên đường, người lên rừng, kẻ xuống biển để mang hạt giống Tin Mừng đến những nơi Chúa muốn gởi mình đến!
Sợi giây liên kết với nhau không gì khác hơn là đức tin và lòng cậy trông vào Thiên Chúa và Mẹ Maria nhân lành. Còn nhớ những buổi tối đọc kinh với nhau thật cảm động trước tượng Mẹ, giọng hát Nguyễn Quang Tuấn (HT 71) cất cao bài Maria Nữ Vương tôn nghiêm, hai bè đi quyện với nhau thật hài hòa, “Mẹ ơi, tháng ngày dần trôi qua, biết bao là luyến tiếc những dịp để ghi công… Mẹ ơi! Giúp con vượt cõi thế, luôn vững lòng trung kiên, mến yêu Mẹ hết tình.” Sau nầy có dịp gặp lại cụ Tuấn ở Mỹ, có nhắc lại, cụ ngạc nhiên hỏi, “Còn nhớ mấy chuyện nầy sao? Đúng rồi, mình rất thích bài hát đó!”
Vâng, những cái gì đáng yêu thì nhớ muôn đời, chẳng hạn như thời gian làm việc một tuần chung với các anh Lê Văn Hùng, Đặng Thừa, Nguyễn Văn Nghĩa, Hồ Thứ để huấn luyện cho một số anh chị em tông đồ trẻ từ các giáo xứ được gởi về thụ huấn tại TCV. Một tuần học hỏi trôi qua, để lại nhiều kỷ niệm, nhưng mình nghĩ chỉ có vậy thôi! Ai ngờ, trong thời gian còn ở trại tỵ nạn Hồng Kông, một buổi chiều đi làm về, đang đi qua một hầm cầu để về trại tạm cư, có giọng réo gọi từ phía sau một cách mừng rỡ, “Thầy, thầy ơi!” Mình dừng lại, một cô gái trẻ đứng trước mặt mình có nét thân quen, nhưng nhất thời mình không nhớ ra là đã gặp ở đâu. Chị nói ra mới nhớ là chị Danh, người Đá Hàn, là một thành viên trong khóa học năm đó. Cũng chính tại Hồng Kông, mình đã làm chứng và cũng giúp ca đoàn cho đám cưới của anh chị, một đám cưới đơn sơ trong khung cảnh trại tỵ nạn, nhưng đầy tràn yêu thương. Ai ngờ gặp lại chị Danh trong hoàn cảnh đó. Cho đến bây giờ, anh chị Lân & Danh vẫn còn giữ liên lạc với mình.
Quả thật những tháng ở trại tỵ nạn Hong Kong đã giúp cho mình xác tín hơn về con đường và lý tưởng mà mình đang muốn theo đuổi. Bốn anh em (Thu, Hiển, Khanh, Thắng) đã thực sự có những ngày tuyệt vời. Ban ngày tụi mình vẫn đi làm như người khác; buổi tối về, mặc dầu chen chúc trên mấy dãy hành lang của trại tỵ nạn (vì các phòng đã chật người, những người tới trước), anh em vẫn sống những ngày rất ý nghĩa. Người thì chuẩn bị bài hát tập hát cho ca đoàn lễ cuối tuần, kẻ thì lo soạn giáo lý dạy cho tân tòng, người khác thì giúp giải quyết những chuyện rắc rối cho người khác! Tự nhiên mình nghĩ đến câu Chúa Giêsu nói, “Lúa chín thì nhiều, mà thiếu thợ gặt!” Những lúc đó, tự sâu thẳm trong tâm hồn, dường như mình vẫn nghe tiếng nói của mình lại vang lên, “Lạy Chúa, xin hãy sai con!”
Đến Hong Kong mới được vài tháng, Trần Thu và Lê Văn Thắng nhận được giấy tờ bảo lãnh đi Canada. Khi Thu ở Hong Kong, cậu ta giúp tập hát cho ca đoàn. Thu đi rồi, mình lo tập hát cho ca đoàn một thời gian khá lâu. Thu và Thắng đi rồi, lại đến lượt Đoàn Hiển có anh ruột bảo lãnh đi Mỹ. Cái thằng nầy vào Đại Chủng Viện Mỹ nghe nói được đâu một năm, sau đó lấy vợ Hàn Quốc. Từ đó nó bặt tăm tin tức luôn! Mình cũng có tên đi Mỹ sớm mà Sơ Nguyện và sơ Xuân cứ rủ ở lại giúp trong trại thêm một thời gian nữa. Sơ Nguyện cứ nói là “Bây giờ em qua Mỹ cũng là giữa năm học, đợi năm tới đi học luôn. Ở đây giúp cho cộng đoàn một thời gian đã!” Sơ Nguyện hồi đó làm cho Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Cứ thế, sơ đổi ngày đi Mỹ của mình đến hai lần, ở lại hết giúp cho Giáng Sinh, sau lại giúp cho Tết. Mấy tháng cuối cùng trước khi đi Mỹ, mình không đi làm hãng xưởng ở ngoài nữa, nhưng chính thức làm cho văn phòng Caritas Hong Kong, có nhiều cơ hội giúp cho bà con hơn. Sơ Nguyện cứ căn dặn, “Buổi sáng em đi làm sớm một chút, ghé văn phòng chị dạy thêm tiếng Anh cho!” Vậy mà sáng nào ghé lại, thì bà sơ nầy loay hoay làm bữa sáng cho ăn, và sau đó thì ưa dạy mấy câu tiếng Tàu nghịch ngợm thôi, chứ tiếng Anh thì không dạy! Nghĩ lại cũng vui, thời gian ở trại tỵ nạn cũng là thời gian giúp mình trưởng thành hơn, dạy cho mình biết quãng đại với người khác hơn. Thỉnh thoảng cũng có những bóng hồng thấp thoáng, hình như để đời sống tỵ nạn nồng nàn hơn một chút; nhưng rồi cũng cảm tạ Chúa vì Ngài giúp cho mình nhận ra đó chỉ là những cám dỗ nhất thời mà thôi!
Thế gian quá nhỏ bé, hãy khiêm tốn hoàn thành những công việc Chúa trao! Hãy “chấm từng chấm cho đúng” như lời khuyên của Tôi Tớ Chúa, cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, “đường hy vọng” của chúng ta sẽ luôn luôn nở hoa! Chỉ Thiên Chúa mới thấy sự hoàn mỹ tuyệt diệu của một bức tranh, còn chúng ta mới chỉ nhận ra những nét chấm phá của cuộc đời! Hãy xin làm những sợi chỉ muôn màu để Ngài thêu dệt nên bức tranh theo ý Ngài muốn!