Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể - Người con yêu của Đức Mẹ La Vang

Thứ hai - 13/09/2021 18:54
Mừng kỷ niệm 46 năm Đức Tổng Têphanô thụ phong Giám mục 7/9/1975-2021
Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể - Người con yêu của Đức Mẹ La Vang
Cha FX. Nguyễn Văn Thuận nhận chức bề trên tiểu chủng viện Phú Xuân vào niên khóa 1961-62 và một thế hệ các cha giáo trẻ vào ban đào tạo thay các cha lớn tuổi ra làm mục vụ giáo xứ. Ban đầu là các cha Phêrô Đoàn Quang Hàm, Philipphê Trần Văn Hoài, các năm sau thêm các cha J.B Eitcharren và cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Giuse Nguyễn Dư Tự, Louis Nguyễn Văn Bính tại chủng viện Hoan Thiện.

Cha giáo Têphanô Nguyễn Như Thể dạy môn géographie lớp chúng tôi năm lớp 6e với cuốn sách bìa màu xanh lá cây, dạy về vũ trụ địa cầu, năm châu bốn bễ. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy ngài có lòng nhân ái bằng hành động đẹp là phòng ngài luôn có thùng bánh xốp để đãi các chú, do đó ngài được gọi là Cha xốp; chú nào muốn ăn bánh xốp cứ vào thăm, ngài sẵn sàng mở thùng bánh cho ăn thả dàn vì biết tuổi trẻ thích đồ ngọt. Nghe danh Cha xốp, có lần tôi rủ bạn Phương lên thăm ngài để kiểm chứng. Lời đồn không sai, và được no thỏa với bánh xốp; bánh xốp ăn chừng năm cái uống một ngụm nước là bụng căng. Tôi chỉ đến ăn bánh xốp một lần, không dám đến lần hai vì còn giữ chút tự trọng, sợ mang tiếng tham ăn.

Năm 1975, tôi giúp việc tại Văn phòng Tòa Giám mục, ngài dành cho tôi dạy một tuần vài giờ nơi tiểu chủng viện để giúp tôi có ít tiền sinh hoạt phí, là nguồn duy nhất lúc đó. Anh bạn Thái Văn Thắng, giúp xứ Phủ Cam, cũng được ngài dành cho ân huệ đó. Đó là một cách giúp đỡ tế nhị và nhân văn. Tôi ghi nhớ hành động đẹp và biết ơn ngài.

Trong những buổi văn nghệ của chủng viện, chương trình thường có bài ‘Chuyến đò dọc’ lời của Thế Như (Như Thể), nhạc Đỗ Bá Công, được sáng tác lúc hai vị còn tuổi thanh niên, thời đại chủng sinh. Chuyến đò dọc xuôi “trên sông sóng nước chơi vơi, có con thuyền xuôi xuôi về bến nào mang đoàn trai đi trong nắng nào, mắt ngời luôn luôn nhìn cao ...” là một thông điệp về chí khí làm hành trang của người thanh niên khi bước vào đời, vẽ lên hành trình của một đời tuổi trẻ phải vượt qua bao gian nan thử thách với một định hướng, tìm một bến đỗ, chứ không phải buông xuôi theo dòng đời. Nhân dịp kỷ niệm kim khánh linh mục của ngài năm 2012, đại diện hội Đồng hương Giáo phận Huế, tổ chức do ngài sáng lập, chúng tôi kính tặng ngài bức tranh ‘Chuyến đò dọc’, nay được trang trọng trưng bày trong phòng khách của ngài.

Ngài là người ham đọc sách, nghiên cứu văn hóa. Giữa lòng thành phố Huế là một trung tâm văn hóa-giáo dục của cả nước, ngài nhận thức Giáo hội không phải đứng bên lề, xa lạ với các hoạt động trần thế mà cần phải hiện diện tích cực trong thế giới hôm nay, tham gia vào các hoạt động văn hóa và gặp gỡ giao lưu với các giới trí thức, văn nghệ sĩ Huế vốn mang nặng thành kiến về Giáo hội. Trong đường hướng hội nhập văn hóa của Giáo hội, ngài đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo văn hóa tại Trung Tâm Mục Vụ Huế, nổi bật là “Hội thảo về linh mục Leopold Cadière” năm 2010, qui tụ nhiều diễn giả là học giả danh giá, và đông đảo tham dự viên từ 26 Giáo phận, tạo tiếng vang lớn, nhiều tờ báo đăng tải và khen ngợi. Qua cuộc hội thảo, từ sự khâm phục một người nước ngoài có lòng yêu mến đất nước con người Việt Nam, tính cách khoa học của của việc nghiên cứu và công trình đồ sộ của cha Cadière, mọi người đồng lòng nên kiến nghị UBND Tp Huế đặt một tên đường Cadière để tri ân nhà Huế học. Cho đến nay vẫn chưa thấy thực hiện, có thể ban tổ chức nhận thấy chưa đúng thời cơ chín muồi. Tôi được hân hạnh làm tham dự viên ba ngày hội thảo trong hội trường đông khoảng 300 người.
 
-

Ngài thiết tha việc hội nhập văn hóa Việt Nam. Điển hình là tượng Đức Mẹ La Vang mới. Ngài quyết định với sự tán thành của ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận thay thế tượng Đức Mẹ La Vang có hình Đức Bà Chiến Thắng - Pháp) bằng tượng Đức Mẹ La Vang mới. Tượng mang đậm tính dân tộc Việt Nam, Đức Mẹ mặc áo dài màu thiên thanh, đầu đội khăn đóng điểm 12 ngôi sao như trong sách Khải Huyền, chân đi hài, tay bồng Chúa Hài Đồng, đứng trên đám mây. Trên thế giới, dân tộc nào cũng có hình tượng riêng Đức Mẹ của mình, tượng Mẹ La vang mới là một thể hiện tính cách dân tộc Việt Nam.

Có thể gọi ngài là ‘người con yêu của Đức Mẹ La Vang’ do có nhiều duyên nợ với linh địa La Vang. Ngài được truyền chức linh mục tại Vương cung thánh đường La Vang ngày 06/01/1962.
 
-

Sau ngày trở lại cai quản Giáo phận Huế năm 1994, Đức Tổng Giám mục Têphanô đã tổ chức trọng thể đại hội La Vang năm 1996 mang tính toàn quốc ba miền lần đầu tiên từ năm 1970, dù gặp phải bao thử thách khó khăn của thời thế. Từ đó về sau, những kỳ đại hội tiếp diễn xuôi thuận và ngày càng long trọng, đông đảo. Không thể không nói đến danh xưng Trung Tâm Hành hương toàn quốc Đức Mẹ La Vang, vì có được danh xưng mang tính toàn quốc nầy là một thành công của Tổng Giám mục Têphanô khi thuyết phục Hội đồng Giám mục Việt Nam chấp thuận. Cả nước chỉ có một danh xưng nầy thôi.

Một dấu ấn lớn trong thời Tổng giám mục của ngài là 20 ha đất của Trung tâm Thánh mẫu La Vang được thu hồi. Trên phần đất đó, Vương cung Thánh đường mới được xây dựng. Phải nói là một kỳ công giữa thời buổi mà những sinh hoạt của Giáo hội Công giáo bị kềm hãm, nhưng trên hết là do bàn tay Mẹ La Vang. Ngoài những đơn từ vận động chính quyền các cấp trong nước còn có tiếng nói khác qua ‘kênh ngoại giao’ do ngài thực hiện âm thầm, lặng lẽ trong một chuyến xuất ngoại: Hồ sơ La Vang đến tay Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, từ đó đến Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (theo lời kể của một nhân vật kề cận ngài trong chuyến làm việc). Không biết có sự tác động đó không vì không nghe ngài đề cập bao giờ, nhưng theo Nhà nước xét tính hợp lý của đơn xin và chính sách tôn giáo trong thời kỳ đổi mới đã cấp lại gần hết diện tích đất vốn sở hữu của La Vang trước năm 1975.

Về Đức Tổng Têphanô không thể không nói đến một góc khuất trong cuộc đời của ngài là việc ngài từ chức Giám mục phó năm 1983, đến nay vẫn chưa được ngài công khai sáng tỏ. Chắc chắn ngài không bao giờ làm, với nhân cách của ngài thì thà ngậm đắng nuốt cay còn hơn nói gì đó đụng chạm đến đấng bề trên, nhất là tôn trọng người quá cố như câu châm ngôn latinh “De mortuis aut bene aut nihil”, đối với người quá cố hoặc là nói tốt hoặc không nói gì hết. Đức Tổng Philipphê cũng không có lời nào nặng nhẹ với ngài, cũng là một nhân cách lớn, đáng kính phục.

Có lần trong câu chyện, ngài thổ lộ rằng lúc đó (trong thời gian hai Đức Tổng phải làm việc với công an) tui có xin ngài (Đức Philipphê) sau mỗi lần làm việc viết lại tất cả những gì đã khai. Tôi (người viết) suy đoán ngài bị hiểu lầm đã khai những gì mà ngài không khai, nên hiểu rằng công an điều tra xét hỏi giỏi gây hiểu lầm, đó là nghiệp vụ của họ (như là họ nói: người kia khai rồi sao anh không nhận hoặc lần trước anh vậy sao bây giờ lại chối). Có thể hiểu việc ngài từ chức là lý do lương tâm, sợ bị hiểu lầm, gây chia rẽ nội bộ, bị khai thác nguy hại cho Giáo hội, vậy chỉ có Chúa mới có quyền phán xét lý do lương tâm, nhưng về mặt xã hội ngài hứng chịu búa rìu dư luận, phê phán cay độc làm cho ngài rất đau khổ. Giới thân cận có đồng tình với việc từ chức của ngài không? Thưa không và không biết ý định. Cứ cho là một sai lầm trước mắt người đời nhưng cũng nên nghĩ “Errare humanum est”, Sai lầm là sự thường tình của con người. Điều quan trọng là việc ngài từ chức có gây hậu quả nghiêm trọng không? Thưa không, vì nếu có thì Tòa Thánh đã không phục chức cho ngài.

Có lúc nào đó “Thiên Chúa vẽ thẳng bằng những đường cong” trong lịch sử đời người, đó là sau thời gian từ chức ngài đã được Tòa Thánh cứu xét, đặt làm Giám quản Giáo phận Huế năm 1994 - sự kiện hiếm hoi trong lich sử Giáo hội - do thỉnh nguyện thư gởi Tòa Thánh của số đông linh mục Giáo phận Huế đặt niềm tin vào ngài, và Giám mục chánh tòa năm 1998.
 
-

Thay lời kết: Linh mục Bề trên Antôn Huỳnh Đầy, dòng Thánh Tâm Huế nêu quan điểm về sự trợ giúp của Tổng giám mục Nguyễn Như Thể với hội dòng này: “Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể không là một ân sư trên giảng đường nhưng Ngài là Đại ân sư trên Giảng đài. Vị ân sư này không dạy Toán, Lý, Hóa… nhưng Ngài dạy về Đức tin, vì trong tư cách là Giám mục, Ngài là Tiến sĩ đức tin của Giáo hội.

Khi Ngài còn đương nhiệm, Ngài không quên các Hội Dòng và nhất là Dòng Thánh Tâm. Ngài đã để lại một gia sản thiêng liêng vĩ đại trong tâm hồn các Tu sĩ và Linh mục của Dòng. Ngài vẽ đường, đưa bước Hội Dòng qua những bước ngoặt của lịch sử. Ngài giúp Hội Dòng mở sang một trang sử mới.
 
-

Năm 2010, đến tuổi 75 vị Giám mục “Pro vita mundi” (Để cho trần gian được sống) nộp đơn từ chức theo Giáo luật, nhưng Tòa Thánh chưa chịu cho ngài nghỉ ngay. Đến tuổi 77 vẫn chưa thấy Tòa Thánh nói năng chi ngài mới nói sao lâu vậy hè, e Thánh bộ quên miềng rồi? Năm 2012, ngài được cho nghỉ hưu, lui về sống lặng lẽ như một ẩn sĩ chiêm niệm và cầu nguyện; hằng ngày người con yêu của Mẹ La Vang ngưỡng trông về Đất Mẹ, mong cho Đền thánh mới sớm hoàn thành và Linh địa La Vang ngày càng xinh đẹp.”

(Trích trong Những Cha giáo đồng hành với Cha Bề trên PX. Nguyễn Văn Thuận)

Lê Cần PX61
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 
-
 

Tác giả: Gioan Lê Cần PX61

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm176
  • Hôm nay33,405
  • Tháng hiện tại357,271
  • Tổng lượt truy cập67,382,118
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây