Dẫn: Tháng Hè cũng là thời gian các ứng viên thường được tiến chức linh mục. Ngày ấy đối với tôi cũng đã xảy ra khá lâu rồi, nhưng dư âm của ngày ấy vẫn như còn đong đầy trong trí ức và con tim. Đời linh mục là một chuỗi dài hồng ân, ngay cả trong những lúc mình cảm thấy cô đơn nhất và vất vả nhất, bởi vì cảm nghiệm sâu xa là Chúa luôn ở gần mình.
Những câu chuyện vui buồn trong đời linh mục mà tôi muốn ghi lại đây để lần lượt chia sẻ với quý vị, là những câu chuyện thật, người thật và việc thật đã xảy ra trong đời, để lại nhiều suy nghĩ nhiều khi rất thú vị. Dưới một khía cạnh nào đó, những câu chuyện nầy cũng như những bức tranh muôn màu mà màu nào cũng có những nét độc đáo của nó. Những bức tranh nầy còn nói lên sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa dành cho ta. Ngài vẫn luôn gần gũi chúng ta và vẫn luôn đồng hành với chúng ta trong mọi tình huống của cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta phải biết nhận ra dấu ấn của Ngài. “Con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ” (Pascal). Đúng thế, con người chúng ta dễ dàng sa ngã, nhưng Thiên Chúa cũng trao ban cho chúng ta trí tuệ tuyệt vời để dõi theo dấu bước cùa Ngài trong mọi nơi, và cũng để tìm về với Ngài trong mọi lúc.
Câu chuyện NHỮNG LON BIA… MỤC VỤ
(tặng riêng anh chị Chiến & Hiến)
Tôi đi tu từ thuở nằm nôi. Mới 12 tuổi đã được mẹ gởi vào Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế, niên khoá 1972-1973, thuộc lớp 7 lúc đó. Thế rồi trong môi trường lành thánh của Chủng Viện, và cũng vì thuộc diện “thơ ngây, trong sáng,” tôi chưa bao giờ biết đến mùi bia và thuốc lá cho đến khi …vượt biên.
Trong chuyến hải hành 18 ngày lênh đênh trên biển đi tìm cuộc sống mới (ngày 12-30/5/1980), sau những ngày gian khổ trên Thái Bình Dương, cuối cùng tôi cũng đã đặt chân đến Hong Kong. Có một sự sắp đặt kỳ diệu là trên chuyến tàu vượt biên nầy tôi đã trở thành người bạn thân của gia đình anh chị Nguyễn Văn Chiến, người lớn hơn tôi mấy tuổi. Anh nầy trước đây là công an nhưng được chúng tôi móc nối để cùng vượt biên. Trên bờ anh ta hùng hổ bao nhiêu thì trên tàu anh ta thảm hại bấy nhiêu. Mỗi khi con tàu chật vật với sóng biển, mặt anh ta xanh như tàu lá chuối! Anh ta không đi đứng gì được mà chỉ biết nằm dài trên tàu, ôm bụng nhăn nhó khó chịu. Thấy vợ con anh nheo nhóc tội nghiệp, tôi âm thầm chăm sóc cho chị và 3 cháu nhỏ. Những lúc phát đồ ăn, bao giờ tôi cũng bảo đảm cho gia đình anh chị có đầy đủ thức ăn và nước uống. Thế rồi qua chuyến đi, chúng tôi trở nên thân thiết với nhau vô cùng.
Khi đến trại tỵ nạn Hong Kong, sau khi đã ổn định cuộc sống, anh chị thường bảo tôi rằng, “Cậu đi làm về mệt, buổi tối tới đây ăn uống với vợ chồng tôi cho vui, đừng nấu nướng gì cho mệt!” Một hôm kia, anh Chiến lại tâm sự với tôi rằng, “Như cậu biết đó, mình trước đây là người Công giáo, sau nầy vì làm công an, sợ rắc rối với chính quyền nên mình đã không còn đi lễ, đọc kinh. Bây giờ mình muốn xưng tội, rước lễ. Vậy cậu giúp mình nhé!” Đương nhiên là tôi nhận lời. Trước khi từ giã anh ra về, anh Chiến nói vọng theo: “Nhưng cậu phải uống bia với tui, tui mới nói chuyện được đó!”
Thế rồi đêm hẹn đã tới. Chiều hôm đó anh ta đi làm về, mang theo cả một xâu thịt chim bồ câu mua ngoài chợ đã được làm sạch sẽ. Anh ta nói với vợ, “tối nay mấy mẹ con bồng nhau đi chơi nhé, tui có chuyện quan trọng muốn nói với thầy Khanh!” Sau khi nướng mấy con chim bồ câu thơm hương ngào ngạt, anh bày mấy lon bia ra và bảo tôi “cụng nào”! Cha mạ ơi, bia đắng như thế nầy mà sao người ta uống như hủ chìm thế!? Anh Chiến vui vẻ bảo, “Cậu phải uống với tớ, tớ mới nói chuyện được.”
Những giọt bia đầu tiên trong đời không dễ dàng cho tôi chút nào. Tôi cũng phải gồng mình lắm mới xong lon thứ nhất. Vậy là 20 tuổi đời tôi mới “phá giới” đó! Anh Chiến thì thoải mái. Nhưng qua lon thứ nhất, anh vẫn trầm ngâm không nói gì. Anh lại mời tiếp. Tôi chật vật lắm mới xong lon thứ hai, nhưng anh ta vẫn bình yên như vại! Anh lại ép tôi qua lon thứ ba, và anh nói, “như rứa mới thiệt tình!” Tới lúc đó anh mới bắt đầu nói nhiều nhưng lúc đó, thú thật là mắt tôi đã bắt đầu nhắm lại, trí óc tôi đã phiêu diêu, và cũng không hiểu mình đã giúp anh ta xét mình xưng tội như thế nào. Vậy mà cuối tuần đó, tôi đã liên lạc với cha King, vị linh mục người Tàu biết nói tiếng Việt, đến sớm hơn mọi khi cho anh Chiến một mình xưng tội!
Bây giờ gia đình người bạn nghĩa thiết của tôi vẫn sống yên bình, hạnh phúc và vẫn sinh hoạt đều đặn với một giáo xứ Việt Nam hiền hoà tại miền bắc California. Chúa dùng mình trong mọi hoàn cảnh, phải không các bạn!
Mỗi khi nhớ tới chuyện nầy, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai mẫu đối thoại của mấy danh hề Việt Nam trước năm 1975. Mấy ông Thanh Hoài, Tùng Lâm, La Thoại Tân lè nhè với nhau:
“Một xị mở mang trí tuệ,
Hai xị giải phá cơn sầu,
Ba xị giai nhân đau,
Bốn xị nằm đâu ngủ đó,
Năm xị cho chó ăn chè,
Sáu xị, lọt giọng vô
Bảy xị, lọt giọng ra…”
Nghe tới đó thôi, tôi cũng đã say lắm rồi!!!”
28 tháng Sáu, 2023
Lm Giuse Hồ Khanh.
(* Xin đón đọc bài hai: Chuyện anh Bịn)
Anh chị Chiến và ba cháu nhỏ lúc mới đến California
Chị Hiến và các cháu
Các cháu trong trại Hong Kong năm 1980
Với cháu Linh, con đầu của anh chị