CHUYỆN SƠ XUÂN, SƠ NGUYỆN
(Tặng người tỵ nạn Việt Nam tại Hong Kong thập niên 80, 90)
Hai người là cô giáo và học trò, nhưng cứ ngỡ là hai chị em, bởi vì cả hai đều có khuôn mặt thanh tú và tươi trẻ. Thật ra họ cũng là hai chị em bởi họ đều là nữ tu của Dòng Nữ Salesian Don Bosco, sinh hoạt mục vụ tại Hong Kong trong thập niên 80, 90. Họ là sơ Nguyện và sơ Xuân, hai khuôn mặt rất thân quen với những người tỵ nạn Việt Nam tại Hong Kong thưở ấy.
Dạo ấy sơ Xuân chắc khoảng 25, 26 tuổi và sơ Nguyện chắc hơn sơ Xuân trên dưới 10 tuổi. Tuổi mấy sơ khó đoán bởi vì mái tóc của họ thường còn che phủ bởi một cái lúp kín đáo nên không thể nhận ra là mái tóc của sơ “còn xanh” hay là đã về chiều? Chỉ biết là thưở ấy sơ Xuân đẹp… mê hồn! Không thiếu những chàng trai trong trại yêu thầm nhớ trộm. Hồi đó có chú Trần Thu (sau nầy là linh mục Trần Thiên Thu của địa phận Calgary, Canada), trong ngày lễ khấn trọn đời của sơ Xuân, đã cảm khái sáng tác một bài hát tặng nàng Xuân trong đó có những dòng sau đây: “Một loài hoa, loài hoa tuyệt vời. Một loài hoa, loài hoa không tên. Loài hoa không bao giờ tàn phai. Bừng sống sức sống mùa Xuân tươi, dường như Chúa Xuân giấc mộng lành… Hoa bàn thờ, giờ đây chung lòng. Trinh nữ quỳ, dâng lên khúc ca, dâng lên khúc hát câu ca triền miên…”. Không biết cha Thu còn nhớ bài hát nầy không nhỉ?!
Lễ Khấn Trọn của Sơ Xuân
Tôi còn nhớ lần đầu gặp sơ Xuân! Hôm đó là Chúa Nhật đầu tiên được tham dự Thánh Lễ tại trại tỵ nạn Hong Kong. Buổi sáng trời tháng Năm tại Hong Kong vẫn còn có những làn gió núi lành lạnh. Đang đứng ngoài cánh cửa của một căn phòng rộng dùng để dâng lễ cuối tuần, mấy thanh niên mời thuốc lá, tôi cũng làm một điếu cho ấm lòng (vượt biên rồi mới biết hút thuốc, trời ạ!) Đang còn tập tành phì phà với mấy người bạn mới quen, nàng Xuân ở đâu ập tới! Nàng buông nhẹ một câu, “Em mới tới Hong Kong, phải không? Mấy tuổi rồi mà hút thuốc lá vậy?” Thế rồi nàng Xuân lại hỏi tiếp, “Đưa tay sơ coi nào! Móng tay màu vàng là hút thuốc nhiều lắm, không tốt đâu nhé!” Đang lúng túng chưa biết trả lời bà sơ xinh đẹp như thế nào, thì sơ Nguyện lại trờ tới. Sơ giáo nên kinh nghiệm hơn, nhìn thoáng qua là sơ hỏi liền: “Sơ nghe nói có mấy thầy địa phận Huế mới tới trại. Em có phải là một trong mấy thầy đó không?” Tôi mĩm cười đáp lại, “Thưa sơ, em mới là trò thôi, chưa phải thầy ạ!” Sơ Nguyện vui tính và cởi mở, “Lát xong lễ, mấy thầy ở lại sơ nói chuyện chút nhé!”
Tập tành thuốc lá làm chi để mấy sơ phải lên tiếng nhỉ?
Sau Thánh Lễ, chúng tôi có một buổi “giao lưu” với mấy sơ. Hai sơ mời anh em chúng tôi lên thăm nhà Dòng của họ. Đây là một cơ sở quốc tế quy tụ các sơ mang nhiều quốc tịch khác nhau. Sơ Nguyện và sơ Xuân là hai sơ Việt Nam duy nhất ở đây. Họ có công việc riêng của họ, nhưng họ dành thời giờ cuối tuần để giúp cho người tỵ nạn Việt Nam, quý hóa vô cùng.
Hai sơ Nguyện và Xuân rời Việt Nam trước năm 1975 và đã du học tại Roma trước khi sang Hong Kong làm việc. Mấy sơ thông thạo nhiều ngôn ngữ (Ý, Pháp, Anh, Tàu, Việt) nhưng lại sống rất khiêm tốn và vâng lời luật Dòng! Mỗi lần chăm sóc cho người tỵ nạn mà phải về trễ giờ kinh, mấy sơ có vẻ bồn chồn, lo lắng thấy thật tội nghiệp! Thật là cao quý cho cả đời tu!
Sơ Xuân “điệu đà” bao nhiêu thì sơ Nguyện duyên dáng và linh hoạt bấy nhiêu! Sơ Xuân người Bắc, sơ Nguyện người Nam, còn mấy anh em tu sinh chúng tôi thì là “dân Ớt” chính cống, thế mà hợp với nhau vô cùng! Không hiểu tự lúc nào mà hai sơ đổi cách xưng hô ngọt sớt à! Lúc đầu thì sơ và thầy, về sau thì cứ chị và em thôi. Nhóm anh em chúng tôi có 4 người: Thu, Thắng, Hiển và tôi. Thu và Thắng đi Canada, theo hồ sơ bảo lãnh của Đức Giám Mục địa phận Calgary. Hiển và tôi đi Mỹ do bà con bảo lãnh. Hiển và Thắng sau nầy lập gia đình. Mấy sơ Nguyện và Xuân hình như có cảm tình đặc biệt với anh em chúng tôi, có lẽ vì mấy sơ cứ tìm cách giúp đỡ vật chất nhưng chúng tôi cứ khéo léo từ chối. Điệp khúc chúng tôi hay dùng là, “tụi em ở chung với người ta mà được các sơ ưu đãi như vậy thì kỳ lắm!” Mấy sơ chỉ biết lắc đầu và nói, “trước đây cũng có nhiều tu sĩ tới đây, mấy chị có lệnh của nhà Dòng giúp riêng cho họ, họ vẫn vui vẻ nhận lời mà!” Rồi hai bà Bắc kỳ và Nam kỳ nầy bảo nhau: “Mấy cái ông thầy Huế nầy khó khăn ghê!”
Trong thời gian ngắn ngủi ở trại, 4 anh em chúng tôi ra sức viết lại nhiều bài Thánh Ca, cả nhạc và lời, và đã được mấy sơ giúp tài chánh để in 400 cuốn Thánh Ca có tên là Hương Nguyện Cầu để dùng cho Thánh lễ và các giờ cầu nguyện trong trại. Đây là những tập Thánh Ca Việt Nam đầu tiên được lưu hành tại Hong Kong lúc đó, quý hóa vô cùng. Mấy tháng sau, chúng tôi lần lượt ra đi. Thu và Thắng lên đường đi Canada thật sớm, sau đó lại đến lượt Hiển theo người anh ruột bảo lãnh đi San Fransisco. Tôi là người cuối cùng lên đường, “lỗi” chậm trễ nầy là do sơ Nguyện!
Tiễn Thu và Thắng lên đường
Lúc ấy, tôi đang làm việc cho Văn Phòng Caritas Hong Kong, sơ Nguyện thì làm cho Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc. Buổi sáng đi làm việc, sơ Nguyện hay dặn, “Em đi sớm một chút, qua văn phòng chị kèm thêm tiếng Anh cho mà chuẩn bị đi Mỹ!” Vậy mà sáng nào tới văn phòng là thấy sơ bày cafe và đủ món ăn sáng. Sau đó, tiếng Mỹ thì sơ không dạy mà chỉ ưa bày mấy câu tiếng Tàu nghịch ngợm ra để dạy thôi, vui vô cùng! Chính sơ Nguyện đổi hồ sơ của tôi tại Liên Hiệp Quốc để tôi được đi…trễ hơn! Sơ cứ nói là, “em qua Mỹ giờ nầy đang giữa năm học mà, ở lại đây chơi đã, cho biết Hong Kong!” Rồi, sơ dời hồ sơ của tôi để ở lại giúp cộng đoàn dịp Giáng Sinh, sau đó lại dịp Tết. Khi mà tôi có tên đi lần thứ ba, sơ cười bảo: “Hay là em ở lại qua Phục Sinh rồi đi định cư?” Tôi bảo, “Em phải đi thôi, chứ thay đổi hoài Mỹ bảo mình không muốn đi họ gạt hồ sơ luôn thì mệt lắm!” Thế rồi tôi đã tới Mỹ ngày 27-3-1981, trước Phục Sinh mấy ngày!
Sơ Nguyện tại văn phòng Liên Hiệp Quốc
Tới phiên mình cũng lên đường
Viết những dòng chữ nầy để tưởng niệm “nàng Xuân” của chúng tôi. Sơ Xuân sau nầy về lại Việt nam dạy học và qua đời sớm vì căn bệnh ung thư! Thật là tội nghiệp! Sơ Nguyện thì bây giờ vẫn còn lưu lạc đâu bên phương trời Úc, đã lâu không biết tin! Ai biết sơ Nguyện ở đâu, xin cho biết tin giùm!!!
Ngày 3, tháng Bảy, 2023
Linh mục Giuse Hồ Khanh
(* Xin đón đọc bài 4: Chuyện Cha King và Sơ Helene)
Gặp lại Sơ Xuân tại Mỹ (Laredo, TX)
Thầy Thu tại Canada
Đoàn Hiển