CHUYỆN CHA KING VÀ SƠ HELENE
(tặng bà con trại tỵ nạn Hong Kong thập niên 80, 90)
Họ đến từ hai hành tinh xa lạ, nhưng họ có điểm tương đồng, đó là lòng yêu mến Giáo Hội và con người Việt Nam. Cả hai đều có một thời gian dài sinh sống tại Việt Nam, yêu văn hoá Việt Nam, và rất là gần gũi với người Việt Nam. Đó là cha Matthew King người Tàu và sơ Helene người Pháp.
Cả hai đều là tu sĩ của Dòng Salesian Don Bosco, mục vụ tại Hong Kong trong những thập niên 80 và 90.
Cha King trong trại tỵ nạn Hong Kong
Trước hết nói về cha King. Mỗi tuần không biết vị linh mục nầy đã lên về mấy lần từ chỗ ở của ngài cho tới các trại tỵ nạn của người Việt Nam tại Hong Kong. Cha luôn tìm cách giúp đỡ mọi người. Ngoài việc cử hành Thánh lễ và làm các Bí tích, cha còn đảm trách nhiệm vụ của vị linh hướng, của người đưa thư, của nhà băng đổi tiền… Cha thương người tỵ nạn Việt Nam và cố gắng làm mọi việc có thể để giúp đỡ đồng bào Việt trên bước đường tha hương nhiều khó khăn. Trước đây cha đã có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam. Cha hiểu người Việt Nam nói gì và rất rành tiếng Việt; nhưng cách phát âm tiếng Việt của cha thì không rõ mấy. Còn nhớ mấy lần cha giảng về các phép lạ Chúa làm, cha thường kết thúc bằng một câu hỏi, “rồi có chuyện gì xảy ra?” Chẳng hạn có lần cha giảng, “Chúa đặt tay trên mắt người mù, rồi có chuyện gì xảy ra?” Hay là có lần cha nói, “Chúa khiến bầy quỷ ô uế nhập vào đàn heo và khiến chúng nhảy xuống biển! Rồi, có chuyện gì xảy ra?” Giọng cha nghe “chớt chát,” vừa tức cười vừa dễ thương vô cùng! Có lần sơ Helene nói, “Cha King nói tiếng Anh tôi nghe không rõ, tiếng Việt càng không rõ, mà ngay cả tiếng Tàu cha nói nhiều khi cũng không rõ luôn!” Thế nhưng ai cũng yêu mến cha King! Khi yêu, đâu cần nói nhiều, chỉ diễn tả bằng “ngôn ngữ yêu” là đủ lắm rồi… Có lần cha dẫn anh em chúng tôi đi thăm Đại Chủng Viện Hong Kong, và hỏi chúng tôi có muốn nhập Chủng Viện ở đó không, cha giúp cho! Sau nầy, trước khi đi Mỹ, cha còn ân cần dặn dò tôi, “Đến Mỹ mà không vào chủng viện được thì về lại đây, cha giúp cho!” Thương cha vô cùng!
Cha King gặp Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II tường trình về người tỵ nạn
Nói về sơ Helene thì lại khác! Sơ cũng thuộc chung dòng với sơ Nguyện và sơ Xuân. Sơ nói tiếng Việt rành rẽ vô cùng. Có lần ai đó chọc ghẹo gì sơ, sơ quay lại và nói: “Đừng có… cà chớn!!!” Tôi mĩm cười lắc đầu. Chịu thua sơ rồi, sơ ơi! Nhớ một lần tới nhà dòng thăm các sơ, được sơ Helene mời vào phòng khách của sơ, thấy trên kệ sách của sơ có nhiều sách tiếng Việt. Đến gần mới thấy sơ có hầu hết những cuốn sách nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn. Mở mấy cuốn sách ra mới thấy bà sơ nầy học tiếng Việt hơi kỹ. Những chữ nào tối nghĩa, sơ thường gạch đít và viết tiếng Ý phía dưới cho dễ nhớ. Học tiếng Việt mà gian nan vất vả như vậy đó; thế nhưng nhiều người ngoại quốc, nhất là các vị thừa sai, vì muốn loan truyền Đạo Chúa, họ đã bỏ công sức rất nhiều để học ngôn ngữ của mình. Đó là chưa kể công ơn lớn lao của giáo sĩ Đắc Lộ đã giúp chúng ta viết tiếng Việt theo mẫu tự Latinh như bây giờ!
Sơ Xuân, 2 người tân tòng đứng hai bên cha King, sơ Helene, sơ Nguyện
Sau nầy, khi làm việc cho người ngoại quốc, nhiều khi cũng rất nản lòng khi phải vật lộn diễn tả một vấn đề gì đó khó hiểu qua một thứ ngôn ngữ mới, tôi lại nhớ đến lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ…” (Mk 16: 15-20). Những lúc đó, tôi lại miên man nghĩ tới Cha King, nghĩ tới Sơ Helene, và những vị thừa sai khác. Những người nầy đã vì lòng mộ mến Chúa Giêsu và lòng nhiệt thành mở mang Nước Chúa mà họ đã lặn lội đến những phương trời xa xôi, học một thứ ngôn ngữ và văn hoá mới, để có thể truyền giáo một cách hữu hiệu hơn cho người bản xứ. Những lúc ấy, tôi lại cảm thấy phấn chấn và biết ơn các đấng vô cùng.
Thăm Đại Chủng Viện Hong Kong
Còn nhớ thời gian sau năm 1975, lúc mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam trục xuất các vị thừa sai ngoại quốc ra khỏi nước, lúc đó tôi còn là chủng sinh tại Tiểu Chủng viện Hoan Thiện Huế. Một số anh em chúng tôi đã đến chỗ ở của các ngài để giúp họ dọn đồ đạc. Tôi cảm động khi thấy có vị còn để nguyên một chai nước mắm Phan Thiết trong phòng tắm của ngài. Hoá ra những vị nầy đã hoá thành người Việt Nam lúc nào không hay! Có vị còn nói là nếu như được chọn, họ sẽ chọn chết và được mai táng trên quê hương Việt Nam nữa!
Muôn đời nhớ ơn các vị tiền nhân đã giúp chúng ta có được cuộc sống hôm nay. Muôn đời chúng ta nhớ ơn các vị thừa sai truyền giáo đã đến với chúng ta, đã chia sẻ ngọt bùi với chúng ta. Muôn đời chúng ta ghi ơn những vị như cha King và sơ Helene, người đã hy sinh cuộc sống nhàn hạ nơi quê hương của họ để đến với những vùng đất xa xôi, như Việt Nam của chúng ta, để luôn nâng đỡ chúng ta mọi bề. Cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria nhân lành luôn che chở và gìn giữ các vị ân nhân của chúng ta!
Ngày 5 tháng Bảy, 2023
Linh mục Giuse Hồ Khanh.
(* Xin đón đọc bài 5: Chuyện Thầy Minh)