Bài tình viết tiếp cho Hoan Thiện 68. Phần 1

Thứ năm - 27/06/2019 11:09
…Ta trải đời ta theo phố phường. Theo dài dấu vết của muôn phương. Em có ngờ đâu xe lăn ấy. Lăn cả đời ta dưới tháng ngày…
Bài tình viết tiếp cho Hoan Thiện 68. Phần 1
(Sau bài chia sẻ ngày trở về từ Hội Ngộ Tây Nguyên (xemTình ca Tây Nguyên của Hoan Thiện 68”), anh Trần Thanh Sơn có nhã ý nhờ tôi viết những gì liên quan đến anh em trong lớp. Tôi chỉ biết vâng lời ghi lại những gì còn ghi nhớ trong tâm khảm về một thời theo khách quan và trung thực…để đưa vào kỷ yếu HT68, tùy quý anh lược bỏ cho phù hợp theo tinh thần của lớp mình)

Khi trở lại Châu Sơn, tôi bồi hồi nhớ lại chuyện ngày xưa, cách đây 45 năm, cha Giải đưa 4 chú Tiểu chủng viện về đây tá túc sau cơn sốt rét rừng trầm kha, để an dưỡng, nghỉ ngơi. Ba chú còn đứng vầy quanh một chú trong quan tài, đó là Nguyễn Xuân Sơn chưa kịp nói lời trăn trối. Chú Võ Đình Hùng qua đời đã 4 năm, chú Trần Tuấn đã được phong chức linh mục, hiện đang làm mục vụ tại Úc châu, và người còn lại là tôi, một mình trở lại Châu Sơn với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Ngôi thánh đường ngày đó vẫn như cũ, chỉ quang cảnh xung quanh là thay đổi cho hợp nhu cầu. Ngày đó, sáng nào tôi cũng dọn áo lễ cho cha Lê Hùng Tâm RIP, cha sở ở đây…
 
-

…Sau đó, cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải lên Ban Mê Thuộc, đưa ba anh em chúng tôi bằng máy bay về lại Huế, rời xa xứ “Buồn muôn thủa” bỏ lại những ngày tháng sống nghĩa tình huynh đệ bên nhau và đầy ắp kỷ niệm. Nhưng ngày đi cả thảy là bốn chú, ngày về chỉ còn ba, vì Nguyễn Xuân Sơn đã vĩnh viễn nằm lại Đại ngàn…

Chúng tôi vẫn tiếp tục niên khóa 74-75 trong bối cảnh đất nước loạn lạc vì chiến tranh. Hàng ngày, những đoàn cam nhông ăm ắp quan tài người lính tử trận, phủ quốc kỳ từ Quảng Trị chạy vào, hàng đoàn người dân tỵ nạn đổ vào thành phố Huế, ấy vậy mà ngôi nhà chung số 11 Đống Đa vẫn yên tĩnh duy chỉ có anh em lớp HT68 xôn xao về cái chết đột ngột của anh Nguyễn Xuân Sơn… Một buổi sáng sau tiếng chuông hiệu lệnh vào lớp, một chiếc xe jeep nhà binh đổ xộc vào sân chủng viện, lệnh của cha bề trên Têphanô Nguyễn Như Thể truyền đạt cho ba chú từ Ban Mê Thuộc trở về lên xe jeep, chúng tôi bỡ ngỡ chỉ biết vâng lời, xe chạy thẳng vào đồn Mang Cá, đưa chúng tôi đến quân y viện Nguyễn Tri Phương. Tại đây chúng tôi được lấy máu làm phác sinh đồ ký sinh trùng sốt rét, sau đó lấy thuốc và về lại nhà trường, ban giám đốc TCV đã quan tâm đến các chủng sinh dường nào.

Tháng ba năm 1975, TCV tạm đóng cửa. Từng đoàn xe ca được nhà trường thuê đưa các chú lại về gia đình, toàn bộ vào Nam, cuộc biệt ly chìm trong nước mắt, biết thủa nào đoàn tụ lại đông đủ… Riêng những chú có gia đình ở Huế cũng được cho về nhà, chuẩn bị cuộc chạy giặc lần 2 (vì lần 1 chạy giặc vào mùa hè đỏ lửa 1972). Sau đó cộng quân đã tiếp quản thành phố Huế.
 
-

Vào trung tuần tháng tư năm 1975, các chú rục rịch trở lại TCV với sĩ số chỉ còn 1/5. Lớp HT68 vốn đã ít, nay chỉ còn lại vài người, trong đó có mặt anh Hùng, chúng tôi lại gặp nhau. Lớp HT68 chỉ ở lại chủng viện một vài tháng, chuẩn bị lấy bằng cấp ba (tú tài) và lên thẳng ĐCV Xuân Bích, còn tôi tiếp tục ở TCV cho đến tháng 12/1979. Trong thời gian này, anh Hùng và tôi vẫn thường gặp nhau tại phòng cha Giải, dù sao thâm tình những tháng ngày ở BMT vẫn còn mãi bên nhau. Chính cha Giải đã vào Sàigòn, ban phép lành và của ăn đi đàng sau hết cho anh Hùng.

Noel năm 1980, cha Nguyễn Trọng lãnh bài sai lên đặc khu kinh tế mới Bình Điền dâng lễ Vọng Giáng Sinh. Theo truyền thống, các cha đến dâng lễ Phục Sinh hay Noel đều ở lại nhà tôi, lần đó cha Trọng bảo tôi muốn sống hãy vào Sàigòn, lúc đó căn bệnh sốt rét trầm kha từ hồi ở BMT tái phát lại, và tôi cũng chỉ còn con đường đó mà thôi…
 
-

Sàigòn vào đầu năm 1981, vừa trải qua biến cố GP được 6 năm, nên vết tích của Hòn Ngọc Viễn Đông vẫn còn nguyên vẹn. Sàigòn dù đã sang trang với bao khổ nhọc chất đầy, nhưng Sàigòn vẫn là nơi một cõi đi về của những kẻ lang bạt kỳ hồ như chúng tôi. Riêng tôi tứ cố vô thân, giữa Sàigòn quá xa lạ, nghe thấy tiếng cyclo máy là giật thót cả mình, nhìn các bulding là rớt mũ… Tại chốn này, đã có nhiều anh em phiêu linh vào trước, ngoài ra cũng có anh em có gia đình sinh sống tại Sàigòn. Tôi thật mừng rỡ khi gặp lại anh Hùng tại quán càfê vỉa hè trước Corev, 123 Bà Huyện Thanh Quan, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi này vốn dĩ là quán ruột của nhiều anh em cựu chủng sinh Huế. Thủa đó dù khốn khó, nhưng ly càfê vợt thật đặc biệt hấp dẫn, nhìn màu nâu sậm sóng sánh nóng hổi, chiêu với điếu Samit hoặc chí ít là điếu Sàigòn xanh vẫn tuyệt vời chi lạ. Từ quán cóc này ngược lên một chút là ngã tư Thanh Quan và Yên Đỗ có quán càfê điện ảnh, là nơi anh Lê Hồng Phong HT68 thích ngồi tại đó. Gọi là càfê điện ảnh cho sướng miệng, vì nơi đó có Lý Huỳnh, Trần Quang… hay ngồi ở đó, không biết anh Vinh Sơn có biết chỗ này hay không? Tôi vẫn nhớ chàng công tử Lê Hồng Phong cưỡi cyclo làm một cuốc buổi sáng chiếu lệ là tấp vào đây, cho đến trưa là tà tà về nhà giao xe lại cho Lê Hồng Sơn cưỡi tiếp… ngày mô cũng như rứa. Anh Hùng lúc đó đã lưu lạc vào khu chợ trời nổi tiếng Nguyễn Thông với nghề buôn thuốc tây. Ngày đó, mỗi thùng hàng từ Mỹ gửi về giá trị hơn vàng, trong đó có thuốc tây là được ưa chuộng nhất. Sau đó, anh Hùng lại theo anh Vũ Quang Hà làm nghề xây dựng…

Những ngày tháng đầu tiên ở Sàigòn, căn bệnh sốt rét lại quật ngã tôi, may mà lúc đó có một ân nhân đem tôi về chạy chữa và sắm cho tôi chiếc cyclo sinh sống, bắt chước đàn anh Lê Hồng Phong ngao du từ Thủ Đức đến tận xa cảng miền Tây.

Ta trải đời ta theo phố phường
Theo dài dấu vết của muôn phương
Em có ngờ đâu xe lăn ấy
Lăn cả đời ta dưới tháng ngày
 
-

Tuy không được phong lưu như anh Năm Lê Hồng Phong, nhưng cứ mỗi ngày tôi chạy xe khi chiều đến, khi cơn nắng đã dịu xuống bớt oi bức. Có lần ghé qua quán ruột càfê điện ảnh của anh LHP, tôi dzớt được một cuốc xe để đời, vị khách đó là tài tử thủ vai James Dean Hùng trong phim Điệu Ru Nước Mắt, chính là diễn viên Trần Quang. Anh ta quá sành điệu với hàng ria mép chải chuốt, với bộ cánh quần jean áo khoác. Thú thiệt vì hồi đó tôi còn ngây thơ nên lấy làm vinh hạnh khi chở anh ta, chứ thiệt ra cũng chỉ đẹp trai ngang ngửa với đàn anh Vũ Quang Hà là cùng. Nhờ nghề này tôi có cơ hội gặp được nhiều anh em, anh Nguyễn Văn Tịnh là người thường xuyên tâm sự với tôi, dần dần quy tụ thêm nhiều anh em khác như cha Huệ, cha Vinh cùng lớp HT69, cha Thứ HT71. Chúng tôi tổ chức lễ giỗ anh Tôma Thiện lần đầu tiên tại một căn xép ở Hòa Hưng vào tháng 9 năm 1982, đánh dấu giai đoạn thành lập hội cựu chủng sinh Huế phía Nam. Sau này anh Tịnh về xứ đạo Vĩnh Phước (Nhơn Trạch) giúp xứ ở đó, sau đó vì lý do sức khỏe nên cha Thứ và cha Huệ kế tục công việc của anh Tịnh, càng lúc anh em càng đông… Những năm tháng thời bao cấp đó tuy ai cũng khổ, nhưng vì được gặp lại nhau, được đồng hành cùng nhau trong gian khổ và lâu lâu, mỗi khi anh nào “trúng mánh” là hội tụ anh hào tại một tửu quán bia hơi tha hồ làm tráng sĩ vung kiếm thỏa thích kiếp tang bồng hồ thỉ.

Thủa đó, ta sống đời chia sẻ
Lúc nào sung, vài vại bia hơi
Còn đời thường vất vả, tả tơi
Mà sao vẫn ung dung, bình dị
 
-

Năm tháng đó, chúng tôi còn tụ họp lại ở chung với nhau tại một xóm nhỏ lụp xụp, ban ngày người đi làm, kẻ đi học, nhưng tới bữa là chạy về ăn chung với nhau. Buổi sáng sớm đánh thức nhau đi lễ, xong lễ còn nguyện gẫm, buổi tối tranh thủ học đêm ở các trung tâm, nhờ sinh hoạt chung mà đời sống ơn gọi anh em được nuôi dưỡng bền bỉ. Chỉ có anh Tịnh được tá túc nơi trường Mầm Non quận 10, do có chị dâu làm hiệu trưởng (vợ anh Nguyễn Văn Thông PX57) còn chúng tôi, 4 anh em cơ nhỡ chọn một căn gác xép gần chợ Hòa Hưng làm cõi tạm, ấy vậy mà ba anh em trong số đó đã bền đỗ với ơn gọi linh mục (Cha Huệ, cha Vinh và cha Thứ).

Như chim non sớm rời khỏi tổ
Nhặt tha từng hạt thóc đem về
Chí lớn nuôi bằng tình huynh đệ
Tuổi đôi mươi gian khổ chẳng nề

Bẵng một thời gian dài, anh Hùng vắng bóng chốn Sài thành, nghe đâu anh về tận Suối Chồn (Xuân Lộc) lập nghiệp, lấy vợ và sinh con. Cho đến lễ giỗ Tôma Thiện vào năm 1988, chúng tôi mới thấy anh Hùng tái xuất hiện trong bộ dạng thảm não của một kẻ sĩ lâm vào cảnh bĩ cực, dáng cao ngồng nhưng ốm tong, đợi ở phà Cát Lái, chờ anh em chở về Vĩnh Phước. Kể từ lúc cha Huệ về giúp xứ ở đây, anh em tôi mạnh dạn kêu gọi nhiều anh em khác lớp về đây hội ngộ, có khi kéo dài 2, 3 ngày. Thấy tình cảnh anh Hùng, anh em ai cũng thương xót, gom góp dấm dúi giúp anh tiền mua sữa cho cháu. Tôi nhớ anh Lê Thành Đức lớp HT72 và anh Phan Vĩnh Duyệt lớp HT74 thường giúp anh Hùng luôn. Riêng tôi, khi đó đã là một trưởng bộ phận tổ chức từ thiện của hai tôn giáo, một Công giáo ngoài nước, và một Phật giáo trong nước, nhưng ngặt fonction của tôi chỉ lo cho người cùi mà thôi, nên chỉ giúp cho anh Hùng một suất chăn mền, vải vóc cho các cháu…

(còn tiếp)

Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: hoan thiện 68

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập753
  • Hôm nay115,473
  • Tháng hiện tại1,027,737
  • Tổng lượt truy cập57,129,374
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây