Vắc-xin COVID-19 của hãng Trung Quốc Sinovac. (Ảnh: Reuters)
Họ không phải những nhóm tin tặc duy nhất triển khai hoạt động này. Cơ quan tình báo Anh nói rằng khi giám sát mạng cáp quang quốc tế, họ phát hiện Cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR) nhắm vào các mạng nghiên cứu vắc-xin của Mỹ, Canada và Anh.
Iran cũng bị cáo buộc đã tăng cường nỗ lực đánh cắp thông tin về nghiên cứu vắc-xin, còn Mỹ gia tăng nỗ lực theo dõi hoạt động gián điệp của đối thủ và tăng cường khả năng phòng thủ.
Nói ngắn gọn, các cơ quan tình báo lớn trên thế giới đều đang cố xác định xem cơ quan tình báo của nước khác đang làm gì.
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một trong những chuyển dịch về nhiệm vụ thời bình nhanh nhất trong lịch sử hiện đại của các cơ quan tình báo trên thế giới, khiến họ chống lại nhau trong bằng những hành động gián điệp, báo Mỹ New York Times dẫn lời các quan chức và cựu quan chức tình báo chuyên theo dõi các hoạt động gián điệp cho biết.
Gần như tất cả các đối thủ của Mỹ đều đang tăng cường nỗ lực đánh cắp nghiên cứu của Mỹ, trong khi Washington quay sang bảo vệ các trường đại học và tập đoàn đang có hoạt động nghiên cứu dẫn đầu. Tình báo của NATO thường bận tâm đến sự di chuyển của xe tăng Nga và các phần tử khủng bố, giờ cũng mở rộng sang theo dõi xem Kremlin có tìm cách đánh cắp nghiên cứu vắc-xin không, New York Times dẫn lời một quan chức phương Tây trong ngành tình báo.
Cuộc cạnh tranh này gợi nhớ đến cuộc chạy đua vũ trụ trước đây, khi Mỹ và Liên Xô dựa vào các cơ quan tình báo của mình để bắt kịp đối thủ mỗi khi họ chuẩn bị đạt được dấu mốc quan trọng. Nhưng trong khi Chiến tranh Lạnh lan từ mặt đất lên đến quỹ đạo và mặt trăng và diễn ra trong nhiều thập kỷ, cuộc đua tìm ra vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19 cực kỳ cấp bách vì số người mắc và tử vong vì căn bệnh này vẫn tiếp tục tăng nhanh.
“Sẽ rất đáng ngạc nhiên nếu họ không cố gắng đánh cắp những nghiên cứu y sinh có giá trị nhất. Điều đó có giá trị từ quan điểm tài chính nhưng vô giá từ quan điểm địa chính trị”, ông John C. Demers, quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ, nói về Trung Quốc trong một sự kiện do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ tổ chức tháng trước.
Nỗ lực của Trung Quốc rất phức tạp, bằng cách dùng thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới để tiến hành do thám ở cả Mỹ và châu Âu, các quan chức và cựu quan chức tình báo nói với NYT.
Không rõ cách thức chính xác mà Trung Quốc dùng vị trí nhiều ảnh hưởng của mình trong WHO như thế nào để thu thập thông tin về hoạt động nghiên cứu và điều chế vắc-xin trên toàn cầu. WHO cũng thu thập dữ liệu về các vắc-xin đang được phát triển, và dù những dữ liệu đó cuối cùng cũng sẽ được công khai, các tin tặc Trung Quốc vẫn có lợi thế khi có thể thu thập sớm dữ liệu về các nghiên cứu vắc-xin được WHO đánh giá là hứa hẹn nhất, một cựu quan chức tình báo giải thích.
Giới chức tình báo Mỹ biết về hoạt động này của Trung Quốc từ đầu tháng 2, khi virus corona bắt đầu tấn công Mỹ. CIA và các cơ quan khác của Mỹ theo dõi sát sao các hoạt động của Trung Quốc trong các cơ quan quốc tế, bao gồm cả WHO.
Những theo dõi đó dẫn đến việc Nhà Trắng đưa ra quyết định cứng rắn hồi tháng 5 đối với WHO, một cựu quan chức tình báo cho biết.
Ngoài ĐH Bắc Carolina, các tin tặc Trung Quốc cũng tấn công vào những trường đại học khác trên khắp nước Mỹ, và trong một số mạng lưới đã bị đột nhập, giới chức Mỹ cho biết.
Ông Demers nói trong bài phát biểu nói trên rằng Trung Quốc đã tiến hành “nhiều chiến dịch xâm nhập” vượt ra khỏi những điều mà Bộ Tư pháp tiết lộ trong cáo trạng hồi tháng 7 khi cáo buộc 2 tin tặc làm việc cho cơ quan tình báo của Bộ Công an Trung Quốc để thu thập thông tin và nghiên cứu về vắc-xin của các hãng công nghệ sinh học Mỹ.
FBI gần đây cảnh báo các lãnh đạo ĐH Bắc Carolina về hoạt động của tin tặc, 2 người nắm được tình hình cho biết. Các nhóm tin tặc Trung Quốc đang cố đột nhập vào mạng máy tính của khoa dịch tễ học của trường, nhưng không xâm nhập được.
Phát ngôn viên của trường, bà Leslie Minton, cho biết trường này thường xuyên nhận được cảnh báo từ các cơ quan an ninh Mỹ, nhưng trường đã đầu tư vào hệ thống giám sát suốt ngày đêm “để bảo vệ cơ sở trước những cuộc tấn công của nhiều tổ chức mà các chính phủ đứng sau”.
Ngoài tấn công tin tặc, Trung Quốc cũng bị cho là đang khai thác các trường đại học theo cách khác nữa. Một số quan chức chính phủ Mỹ tin rằng Trung Quốc tận dụng quan hệ đối tác nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu Trung Quốc với các trường đại học Mỹ.
Cho đến nay, giới chức Mỹ tin rằng các tin tặc nước ngoài mới chỉ thu được ít thông tin từ những hãng công nghệ sinh học Mỹ mà họ nhắm vào: Gilead Sciences, Novavax và Moderna.
Cùng thời điểm cơ quan tình báo Anh GCHQ cáo buộc Nga tấn công mạng máy tính ở Mỹ và tình báo Mỹ phát hiện các hoạt động tấn công từ Trung Quốc, Bộ An ninh nội địa Mỹ và FBI cử người đến làm việc với các nhóm công nghệ sinh họ để giúp họ nâng cao khả năng bảo vệ mạng máy tính.
Giới chức Mỹ khẳng định hoạt động của các cơ quan tình báo nước này chỉ nhằm mục đích phòng vệ và họ không nhận được lệnh đánh cắp nghiên cứu về virus corona của nước khác.
Nhưng một số quan chức và cựu quan chức tình báo nói rằng thực tế không rõ ràng như trắng với đen. Trong khi tìm hiểu xem Nga, Trung Quốc và Iran có thể đã đánh cắp những gì, các cơ quan tình báo Mỹ có thể thấy thông tin về nghiên cứu của những nước đó và cũng thu thập chúng.