Cái tựa đề tôi chọn, đáng lẽ là HỌC TIẾNG MỸ. Nhưng cộng đồng mạng đang rất ồn ào về cái clip của chàng thanh niên Mỹ, Dan Hauer, nói về chuyện người Việt Nam nói Tiếng Mỹ, nên tôi đổi tựa cho nó “hợp thời trang”! Cũng có vài người bạn đề nghị viết về đề tài nầy, nên tôi có thêm hứng thú, sẵn trớn viết chơi. Cũng là viết chơi. Lúc nào cũng viết chơi cho đỡ buồn. Qúi vị rảnh cũng đọc chơi. Thích thì like, không thích cũng đừng nhăn mặt mà dung nhan bớt tươi, vì tôi viết chơi, không phải như dân “prồ” viết thiệt đâu.
Nhớ ngày đầu tiên đi làm cho tiệm Furniture của ông chủ người Việt. Điện thoại reng. Ông chủ bận, biểu tui nghe. Tui run thấy mồ tổ! Hỏng biết khách gọi là ai? Khách húp nước mắm, tui cóc ngán. Bắc, Trung, Nam, kệ, chơi láng! Nói tới khuya tui cũng đủ chữ nghĩa trong bụng để nói. Nhưng khách Mỹ thì mệt cầm canh rồi! Lúc đó lỗ tai từ thính như mèo, chuyển sang điếc ngắc! Còn cái miệng lanh như bà bán cá, chuyển sang ngọng nghịu đớt đát, nói chuyện kiểu ma-dzê-in VN, nói hỏng ai hiểu! Họ nói mình nghe không được đã đành. Mình nói họ cũng không lọt lổ tai, mới chết! Buôn với bán cái nỗi gì!
Đâu phải tui dở tiếng Mỹ. Từ Trung Học cho tới ĐH, tui đâu có thua cho ai. Hồi học Lasan Cần Thơ, môn Anh Văn tui chỉ thua cho thằng Trí, vì nó có đi học thêm ở Hội Việt Mỹ. Đọc thì giọng tui thua nó thiệt, nhưng văn phạm, nó không thắng tôi đâu. Lúc thi, nó vẫn thua tui, vì đâu có ai chấm giọng đọc! Trong tất cả các giờ lớp, ông thầy không bao giờ quên kêu nó, tui, và vài đứa khác đọc cho cả lớp nghe. Hồi đó học sách English For Today của ông Lê Bá Kông.
Dạy kiểu VN thiệt là phản giáo dục: Những đứa dở bị cho ra rìa, vì thầy lúc nào cũng kêu mấy đứa giỏi đọc. Không phải chỉ Anh Văn, môn nào cũng vậy. Rốt cuộc đứa giỏi thì giỏi thêm, còn đứa dở, càng dở thêm! Dở mặc bây, tiền, thày cứ bỏ túi!
Lên ĐH năm 76, tôi được “miễn” học English vì tôi passed cái bài Kiểm trình độ Anh ngữ. Mấy bạn lớp TTK1, trường ĐH Cần Thơ chắc còn nhớ? Thời đó có lẽ họ cho rằng Anh ngữ không cần thiết, hay vì thù Mỹ, rồi thù luôn tiếng Mỹ, nên chả coi trọng Anh ngữ chút nào. Cũng có thể họ cho rằng chỉ cần tiếng Tàu và tiếng Nga là đủ rồi. Họ quên rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, dù là Nga hay Tàu, khi giao thương với thế giới đều phải dùng tiếng Anh. Sinh viên muốn nghiên cứu sách vở, mà tiếng anh bù trất, thì chỉ có ngáp ruồi! Tóm lại là những năm ĐH, tui hoàn toàn không học thêm được một chữ tiếng Anh nào cả. Vốn tui có, là từ Trung Học.
Sang trại tỵ nạn Phi, bà sơ Pascal cũng quăng cho cái Test. Tui passed ngon ơ, và được chọn làm English teacher, dạy cho mấy người học lớp vỡ lòng. Cũng oai phong lắm, vì có người gọi mình bằng thầy. Sau này sang Mỹ, tình cờ gặp nhau, họ cũng gọi tui là thầy. Tui chấp tay xá một cái: “Ở trại tỵ nạn, xứ mù anh chột mới lên ngôi vua! Sang đây, tui làm trò còn chưa xong! Xin bỏ chữ thày làm phước, cho tui đỡ quê!” Cười.
Đúng vậy! Ngay ngày lên máy bay đi định cư, tôi đã trở thành người điếc, bởi vì flight attendant là Mỹ thứ thiệt, da trắng, tóc vàng óng ả, mắt xanh lặc lìa. Cô ta nói mười chữ, tui nghe chưa được một chữ! Trời! Trời! Trời! Kêu trời không thấu!
Mười tám tháng ở Phi, tui nghe người Phi nói tiếng Anh, không mấy khó khăn, vì họ là dân Á Châu, nên cái giọng (accent) của họ khá gần gũi với âm điệu tiếng Việt mình. Thêm một lý do nữa khiến tôi điếc thiệt, là vì ở VN người ta dạy phát âm theo giọng Ăng lê, còn Mỹ không chơi giọng này, nhất là dân miền Tây, như California. Thí dụ chữ bottom (đáy), giọng Anh đọc “bót-tùm”, Mỹ chơi ác, đọc “bá-đụm”! Điếc không? Điếc chắc! Tui phiên âm kiểu Hai Lúa cho người đọc dễ hiểu, chớ không dùng phiên âm quốc tế ở đây cho nhức đầu thêm. Quí vị English teachers loại gộc, xin tha mạng, đừng lỗi phải, tội nghiệp.
Quí vị thử nghe ông cựu Thủ Tướng Tony Blair, nữ hoàng Elizabeth, hay Thái tử Charles nói tiếng Anh, và nghe ông Trump nói tiếng Mỹ, coi có phải là khoảng cách thiên đàng xuống tận địa ngục không? Tôi ở Mỹ 35 năm, quên hết giọng Anh, nên ông Trump nói tui hiểu. Ba thánh kia nói giọng Ăng lê 100%, hiểu chết liền! Thua đậm!
I’m sorry! What did you say?
Excuse me! What did you say?
I’m sorry! Could you please repeat one more time?
Đó là những câu tôi không ngừng miệng, hỏi lại người nói, khi đặt chân đến California, vì bị điếc nặng! Đi học ĐH Mỹ, tui lấy hết những lớp English đòi hỏi (English 1A). Văn phạm no problem at all. Đọc sách hiểu ngon lành. Trong lớp, thi viết tiếng Anh, tôi được điểm A rất thường. Tôi qualified để transfer lên University, để học thêm hai năm chót lấy bằng kỹ sư (Cử nhân). Chỉ có nghe và nói là mắc lầy!
Ở VN tôi chỉ học grammar, học vocabularies, nhưng chưa bao giờ được nghe người ngoại quốc nói. Càng không có cơ hội mặt đối mặt nói chuyện với người nói tiếng Mỹ thứ thiệt. Khi đụng thực tế, ngọng liền, còn nghe thì như vịt nghe sấm! Khi cần nói, phải lựa chữ, chia động từ, sắp xếp thứ tự cho đúng luật văn phạm, thì người nghe phải chờ tới dài cần cổ, mình mới sắp xong một câu để nói! Khi nói, cứ cà lăm để câu giờ, vì sợ nói sai văn phạm, người ta cười thúi đầu!
Đó cũng chưa phải là cái trở ngại lớn nhứt. Cái trở ngại lớn nhứt làm cho người Mỹ không thể nào hiểu nổi khi nghe người Việt nói tiếng Mỹ, như chàng thanh niên Dan Hauer đã nhận xét, bao gồm ba điểm căn bản, mà chính bản thân tôi cũng vướng vấp hằng ngày, khi nói chuyện với Mỹ: PHÁT ÂM, DẤU NHẤN, và ÂM CUỐI.
Nhiều người cho rằng GIỌNG NÓI (accent) cũng rất quan trọng. Tui nói không quan trọng chút nào cả. Giọng của VN, Tàu, Ấn, Phi, Đại Hàn, Mễ Tây Cơ, Iran, Pháp,… không thành vấn đề. Chỉ cần họ phát âm trúng, nhấn trúng vần, không bỏ âm cuối, tôi bảo đảm người Mỹ sẽ hiểu dễ dàng.
1. PHÁT ÂM (pronunciation)
Thí dụ chữ like và lie. Người Việt làm biếng, chữ nào cũng phát âm “lai”. Chữ lawn và loan. Người Việt chơi một âm “loan” cho khoẻ! Không có người Mỹ nào hiểu, nếu bạn nói riêng từng chữ. Khi bạn nói nguyên câu, họ có thể đoán được. Thí dụ: I like to eat pizza. I told a lie to her. Lúc đó họ mới biết chữ “lai” đầu là like, còn “lai” sau là lie. Một thí dụ khác. Tên TT Mỹ là Donald Trump, hay tiệm fast food Mac Donald. Bạn phát âm chữ Donald là “đá-nồ”, Mỹ hiểu liền. Bạn phát âm thành “đô-nan”, nó chấp tay xá bạn ngàn xá! Cầu cơ kêu ông cố tổ sống dậy giúp, ổng cũng không hiểu bạn nói “đô-nan” là cái quái gì hết!
Tiếng Việt mình cũng vậy. Phát âm trật, thì một là người nghe không hiểu, hai là họ sẽ hiểu ra nghĩa khác. “Tôi ăn cực khổ”: Chữ “cực” không hạ giọng của dấu nặng, mà lên giọng thành dấu sắc. Còn chữ “khổ” bỏ dấu ngang lưng chừng, thành “khô”, thì ra cái nghĩa gì? Thì “tôi ăn cức khô” chớ gì nữa! Đó, phát âm sai kết quả như vậy!
2. DẤU NHẤN:
Tiếng Anh là tiếng đa âm chớ không phải độc âm như tiếng Việt, tiếng Tàu. Nó phát âm cũng không có ngang phè như tiếng Pháp, mà có dấu nhấn rõ ràng ở âm chính. Lên xàng, xuống xề, như người ta ca vọng cổ vậy! Dấu nhấn vô cùng quan trọng. Bạn đặt dấu nhấn sai chỗ, bà cố tổ họ đội mồ sống dậy cũng chào thua!
Viết tới đây, tui lại nhớ một kỷ niệm về độc âm và đa âm hồi học Đại Học Mỹ. Khi nghe thầy giáo Mỹ điểm danh học sinh, khó mà nhịn cười. Cái tên Nguyễn Huy chẳng hạn. Thầy xướng tên: Ngú-gièn Híu ì! Cái tên tuyệt đẹp như vậy, mà thầy đọc là Ngú-gièn Híu-ì! Người nghe không biết thày gọi tên mình, nên cứ ngồi trơ mặt mốc, không trả lời “yes, I’m here” như bao học sinh khác. Thầy đánh dấu “absent”, vắng mặt. Chờ hoài tới cuối, vẫn không thấy thầy gọi tên mình, nên anh chàng Huy phải giơ tay hỏi cho ra lẽ, tại sao tên mình vẫn không được gọi. Thầy hỏi:
- What’s your name?
-Nguyen Huy.
- Can you spell it, please.
Huy đánh vần từng chữ. Thày giáo quả quyết:
- Yah! I did call “Ngú-gièn Híu-ì” but no one answered, so I maked absent! How do you pronounce your name?
Huy ráng rặng tìm chữ nghĩa để giải thích cho thày giáo Mỹ:
- Nguyễn sounds similar to “win”. Just one sound, not “Ngú-gièn”! My first name Huy, just like, ah, ah, ah,… “Oui, in French” (anh ta tìm hoài không ra chữ nào có âm gần với tên Huy, nên phang đại chữ “Oui” trong tiếng Pháp vào), not like the name of Babe Huey in English! No matter how many consonants and vowels in a Vietnamese word, there is only one sound. It’s monosyllable teacher…..
Trở lại chuyện DẤU NHẤN. Tôi cho vài thí dụ:
* Chữ Donald, nhấn vần đầu, đọc là “đá-nồ”. Bạn nhấn vần hai, thành “đà-nố”, thì họ không thể hiểu “đà-nố” là gì. Cho dù bạn thêm chữ President ở đầu, đọc thành President Đà-nố, cũng chưa chắc họ đoán được bạn đang nói về ông TT của họ, hay TT nước “lạ”!
* Chữ Mc Donald cũng y vậy. Bạn nói với người Mỹ: “I will take you to “Mắc Đồ-ná” to eat Big Mac today.” Cho dù họ rất quen với món Big Mac của Mc Donald, tôi bảo đảm, họ cũng không thể đoán ra là bạn dẫn họ đi ăn Big Mac ở tiệm Mc Donald. Họ sẽ nghĩ: “Chà, có một tên Việt xỏ lá nào, mở tiệm fast food lấy tên là “Đồ-ná”, còn dám cả gan copy cái món Big Mac nổi tiếng của Mc Donald nữa!”
* Chữ water, bạn phải nhấn vần thứ nhất “wó-đờ”. Bạn nhấn vần thứ hai thành “wò-đớ”, nó tưởng bạn nói tiếng Miên!
* Chữ China, nhấn vần đầu: “chái-nà”. Bạn đọc thành “chài-ná”, nó tưởng bạn đang nói tới món ăn nào đó của VN!
3. ÂM CUỐI.
Cũng rất quan trọng. Bỏ âm cuối, họ cũng vô phương hiểu bạn. Thí dụ: I like it very much! Chữ like phải có âm “khờ” tận cùng. Đọc: “I lai-k-it!” Đọc nhanh sẽ thành “I-lai-kit”. Chữ much cũng phải có âm “chờ” sau cùng. Cứ nói khơi khơi much thành “mất”, nó cũng vô phương hiểu bạn “mất” cái con khỉ khô gì!
Trở lại chuyện tôi bắt phone nghe Mỹ nói chuyện. Ông chủ nhìn là biết hết lục phủ ngũ tạng trong bụng tôi. Sau cú phone đó, ông khuyên tôi thế này:
- Em cứ mạnh dạn nói tá lả đi! Đừng có sợ họ cười. Tôi hỏi em: Khi em nghe một người Mỹ nói tiếng Việt, em có thấy là em thương họ, có cảm tình với họ tức thì không, cho dù họ nói trọ trẹ, sai tùm lum? Người Mỹ cũng vậy. Khi họ nghe mình nói, dù sai, họ cũng không cười mình, ngược lại còn có cảm tình với mình hơn. Hãy bỏ cái thói quen sắp chữ trong đầu trước khi nói đi. Muốn nói được lưu loát, hãy chịu khó nghe tiếng Anh thường xuyên. Nghe là học. Nghe sẽ thấm vô đầu hồi nào không hay. Lúc nói, chữ nghĩa sẽ tự động trào ra,…
Tôi nghe ông chủ khuyên, rồi liên tưởng đến một đứa bé tập nói. Cha mẹ của bé có dạy văn phạm cho nó hồi nào đâu? Cũng không dạy ngữ vựng luôn. Nó chỉ nghe người xung quanh nói. Nghe riết, trong năm đầu biết bập bẹ tiếng mẹ, tiếng cha. Năm thứ hai biết đòi ăn, đòi đồ chơi. Năm thứ ba, nói líu lo như sáo! Nghe người ta nói, là cách học nói hay nhất. Ông chủ nói không sai. Tôi tin ổng.
Từ hôm đó, lên xe tôi mở radio nghe đài Mỹ, thay vì nghe Chế Linh rên rỉ! Cũng không nghe Hương Lan hát vọng cổ ngọt ngào, mùi mẫn đến rụng rún nữa! Mở đài talk show, chỉ có nói, nói, nói, rất ít khi chen nhạc vô. Ban đầu không nghe được gì hết. Họ nói nhanh, có khi dùng tiếng lóng, hay xài chữ nghĩa của nhiều lãnh vực khác nhau, hiểu sao nổi. Về nhà, ăn cơm tối, mở TV nghe tin tức của CNN. Nó phát tin gần như 24hrs. Chán thì mở những talk show khác. Cứ nghe, nghe hoài, nghe riết nó vô đầu và vọt ra miệng một cách tự nhiên khi cần nói. Ông chủ là giáo sư dạy tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ Sàigòn ngày xưa. Tiếng Anh của ổng chắc chắn giỏi hơn dân bản xứ không chịu đi học! Ổng khuyên mình làm sao trật được.
Bây giờ có ai đó hỏi tôi học tiếng Anh cách nào cho hiệu quả, tôi sẽ nói y như sư phụ đã dạy. Học cách này, không cần vững văn phạm cũng nghe ngon lành và nói ào ào. Tôi còn nhớ khi qua trại tỵ nạn, có chơi thân với một ông bạn làm sở Mỹ (thợ điện). Chẳng bằng cấp, chẳng học hành gì, nhưng ông ta nói tiếng Anh như gió. Chỉ vì ông ta cả ngày nói chuyện với Mỹ, và rất bạo miệng. Vậy thôi.
Nói vậy cũng không có nghĩa là bỏ qua văn phạm. Khi cần viết một hợp đồng, một luận án, một lá thư,… không có trình độ văn phạm, làm sao viết cho nổi?
Nên nhớ, đừng có sợ người ta cười mình nói sai. Nhìn cho kỹ đi, 90 triệu người Việt, có chắc là họ nói tiếng Việt, viết tiếng Việt trúng hết không? Cái ông Bộ Trưởng, hỏng phải Bộ đắp đường hay Bộ cấy lúa, là Bộ giáo dục, Bộ làm thày đời dạy người ta học, còn nói ngọng, nói sai bét đó! Cùng là người Việt, nhưng người miền Nam nghe và hiểu được người Trung, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, tui cùi rút móng! Bắc kỳ Hà Lội hai lút, tui cũng thua sát ván! Bắc kỳ chín nút, vì ở trong Nam lâu, họ nói nhẹ hơn, tui còn hiểu được.
Tui chỉ đề cập chuyện dị biệt trong ngôn ngữ, chớ không có ý phân biệt vùng miền. Mấy cha nội rau muống nuộc, hay mấy ông ở xứ “chóa eng đoá”, làm ơn tha mạng! Đừng có nhảy dựng, rồi xung phong sáp lá cà, dùng chiến thuật “biển người”, nhào vô một lượt “đánh hội đồng” cái thằng cha nam kỳ giá sống này chi cho mệt. Đầu hàng trước, vậy được chưa?
Kể thêm cho quí vị nghe chơi vài chuyện có thiệt.
1. Ngày còn tiệm furniture, tui cũng nhiều lần khổ sở với mấy anh chở hàng từ miền Đông Bắc, Mỹ, như North Carolina, Boston,... Nghe phone, tưởng họ là Mỹ đen. Đến tiệm, té ra là Mỹ trắng ròng. Họ nói giọng cứng ngắc, nặng nề, ảnh hưởng giọng Anh truyền thống. Dân Cali nói nhẹ nhàng, thoải mái, nếu không muốn nói là cẩu thả. Cũng giống như dân ba miền ở VN thôi.
2. Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ vô tiệm. Nghe họ xù xì một hồi, tôi vẫn không hiểu họ nói tiếng nước nào. Tò mò, tôi hỏi họ:
- Excuse me! What language are you guys speaking?
- We’re speaking English?
Tôi ngạc nhiên, nhưng nghĩ họ là người nước ngoài, nói tiếng Anh như một ngoại ngữ, nên tò mò hỏi thêm một câu nữa:
- So, where are you guys coming from?
- From London, England.
Tôi bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và sorry họ lia chia. Trời! Người Anh nói tiếng Anh mà mình tưởng họ từ hành tinh khác tới! Mình quê cơ, không phải là chuyện lớn, nhưng hỏi như vậy chạm tự ái họ (hurt their feeling), thì thật là vô cùng bất lịch sự! Tôi giải thích cho họ: vì tôi ở Cali quá lâu, ít khi được nghe giọng Anh chính tông, mong họ đừng giận. Tôi “chà đạp” dân Cali là ăn nói đớt đát (broken English) quen rồi, nên không nghe ra giọng chính tông. Họ cười vui vẻ, thông cảm dễ dàng.
Đến Cali, bạn nên làm quen cách nói: I’m gonna go with you (I’m going to go with you), hay I wanna do (I want to do),… Mỹ đen ở thành phố Oakland thì chủ từ ngôi thứ ba số ít, trợ động từ “to do” nó không thèm chia cho mệt. Nó chơi luôn một phát “do” cho khoẻ, chớ không dùng “does” theo luật văn phạm. She don’t love me anymore, thay vì she doesn’t love me anymore….
3. Tui có bốn sui gia. Ông sui đầu tiên, người Việt gốc Hoa, dân Bạc Liêu, nói rành tiếng Việt, giọng y như người Việt. Ông Sui thứ hai, nam kỳ rặt, nói chuyện y chang như tui, từ chữ nghĩa tới giọng điệu. Ông sui thứ ba, bắc kỳ 9 nút, nói gì tui cũng hiểu hết. Ông sui sau cùng, người Huệ! Trục trặc ở đây!
Bốn ông bà sui gia đều hiền lành, tử tế, thân thiện, dễ thương vô cùng. Dâu, rể, đứa nào cũng giống cha mẹ, cần cù như con kiến, hiền lành như củ khoai. Tui hên, kiếm được toàn là sui gia nói tiếng Việt, đỡ mệt hết sức. Đỡ thôi, chớ không phải khoẻ hoàn toàn! Với ông sui người Huệ, tui hơi mệt một chút!
Sui gia thân lắm, nên tui nói chuyện xả láng, kiểu dân giá sống miền Tây. Có lần anh sui Huệ ngồi nói chuyện, vui miệng, ổng kể về con dâu của ổng, tức là cô con gái Út của tui. Anh sui nói:
- Stephanie nó ngoạn lặm. Vợ chồng tụi nọi cại chị, nó cũng dạ.
Tui thọt ổng một câu cho dzui:
- Dạ là tại vì nó không hiểu anh chị nói cái gì hết ráo trọi!
- Sao anh biệt nó không hiệu?
- Nó nói với tui mà! Ngay cả thằng chồng nó, con trai anh đó, nói chuyện nó còn không hiểu hết, thì làm sao nó hiểu anh chị cho được! Tui còn hỏng hiểu nổi tiếng Huế, con gái tui cách gì mà nghe được tiếng Huế!
Sui gia tui cười khặc khặc với nhau. Dzô một hớp bia, tui nói tiếp với anh sui:
- Anh muốn cha con tui hiểu anh nói gì, thì từ nay, nhớ là tụi tui Nam Kỳ, anh nói giọng cho nhẹ một chút, nói chậm một chút, bằng không, thì con dâu cứ “dạ”, còn tui thì gật đầu cười trừ đó nghen!
Anh sui lại cười ra vẻ tâm đắc. Chưa hết chuyện sui gia của tui đâu. Ngày giỗ ở gia đình bên anh sui, tui có cảm tưởng mình đi lạc vô nước khác! Anh em, bà con, bạn bè, toàn người Huế. Họ rất thân thiện, dễ kết giao. Họ xúm nhau nói ran trời. Nổ còn hơn dân Nam Kỳ tụ tập nhậu nhẹt. Tui vảnh lổ tai, ráng nghe hết sức, mà thú thiệt, tui nghe tiếng Mỹ còn dễ hơn nghe tiếng Huế, rặt Huế của đất Thần Kinh! (Anh sui tui cũng là bạn trên FB, nhưng anh lo cày túi bụi, ít khi vô FB. Tui nói lén ổng, đừng có ai thèo lẻo đi méc ổng nghen! Khà! Khà!)
Tui người Việt. Vừa buông núm vú của má là nói tiếng Việt rồi. Còn cởi truồng tắm sông, đã bắt đầu viết tiếng Việt. Vậy mà “bại trận” với tiếng Việt! Tiếng Anh thua bao nhiêu keo cũng có gì lạ?
4. Một chuyện khác. Thầy cũ, một vị Linh mục từ VN sang ở nhà tôi. Ngài thấy tui coi TV, buột miệng hỏi:
- Anh ở đây lâu, chắc nghe tiếng Mỹ không sót chữ nào?
Tôi trả lời ngài:
- Dạ! Chửi lộn với Mỹ thì có thể con thắng! Nhưng coi TV, coi show, mười chữ nghe được 7, 8 là cùng. Những câu đơn giản, con nghe được hết. Dùng những từ chuyên môn của từng lãnh vực, con điếc liền!
Tiếng Việt mà người Việt còn thua. Cho nên, chẳng có gì phải xấu hổ hay mặc cảm khi nói sai tiếng Anh, vì nó không phải là tiếng mẹ đẻ. Nói sai, được Mỹ nó sửa dùm, phải đội ơn nó. Hà cớ gì phải hung hăng con cào cào, phản kháng loạn lên?
Người Việt có cái tật xấu, là không bao giờ biết phục thiện, sửa sai. Làm bậy, người ta nói tới, thì chuyện đầu tiên là chối cái đã. Khi người ta trưng ra đủ nhân chứng, vật chứng (put everything on the table), hết đường chối, thì quay sang đổ thừa: Tại thằng Tý, tại con Hợi, tại trời mưa, tại… đủ thứ!
Tôi yêu văn hoá Mỹ nhất ở chỗ: Lúc nào trên môi họ cũng có hai từ: Thank you và Sorry. Từ lớp Kingdergarten, họ đã dạy con nít như vậy rồi.
Tui là người nhờ húp nước mắm mà lớn. Qua Mỹ vẫn ghiền ăn nước mắm. Ăn nước mắm nhiều nên cái lưỡi cứng đơ như con cá đem muối làm khô! Tiếng Anh nói cà trật cà vuột, có gì lạ mà phải xấu hổ? Người Việt nói tiếng Việt sai, viết tiếng Việt sai mới quê chớ!
Tôi xa VN 37 năm, nhưng tôi vẫn có thể tự hào, vì tui vẫn nói và viết tiếng Việt khá trơn tru. Tiếng Anh dở ẹc, tui chịu mình dở. Không có gì phải mặc cảm hay quê đạn! Người Mỹ mà không chịu học hành tới bến, thì họ nói và viết cũng trời ơi đất hỡi, sai tùm lum. Biểu họ viết, chưa chắc qua nổi một trang!
Đó! Nói vậy, để quí vị đừng bao giờ cho rằng tiếng Mỹ khó nói, khó nghe, khó học, và càng không nên mặc cảm. Nói để cầu tiến, để học hỏi. Đừng vì bị người ta sửa lưng nhẹ một cái, mà tự ái. Cám ơn họ còn hỏng hết, tự ái con khỉ khô gì? Nên gởi thật nhiều những lời đội ơn tới chú bé Dan Hauer. Anh ta yêu VN lắm. Không yêu sao chịu học tiếng Việt. Anh ta nói tiếng Việt có khi còn hay hơn cả người Việt húp nước mắm.
Don’t worry! Be happy!
Peter Chánh Trần