Một đường dây vận chuyển 40kg ma túy từ Campuchia về Việt Nam đã bị lực
lượng biên phòng An Giang bắt giữ trong tháng 5 vừa qua - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đà Nẵng: Tội phạm ma túy tăng 12%
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ gửi HĐND TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2020, tội phạm về ma túy bị phát hiện tăng 12,2% số đối tượng và tăng 39,2% số ma túy thu giữ so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu liên quan đến ma túy tổng hợp (chiếm 99,7%). Thành phần phạm tội trẻ hóa (từ 18-30 tuổi chiếm 77%).
Theo Công an TP, đã xuất hiện tình trạng mua bán cần sa và loại ma túy mới (tem giấy, bùa lưỡi có chứa chất LSD), đặc biệt có 2,7% sinh viên mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy giảm 9,8%, nhưng số tái nghiện lại tăng 37%, số nghiện mới tăng 38,7%, số người sử dụng ma túy từ 16 đến dưới 18 tuổi tăng 169%, nữ tăng 56%.
Tính đến ngày 15-5 trên địa bàn TP có 2.060 người nghiện và 1.781 người sử dụng trái phép chất ma túy đang được quản lý. (V.HÙNG)
TP.HCM: Người nghiện trẻ tăng
Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2017 - 2019, số người nghiện ma túy tại TP.HCM có hồ sơ quản lý tăng 5,7%/năm. Riêng số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý ước tăng đến 70%.
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2020 số người nghiện ma túy của TP hiện đang quản lý tại 16 cơ sở cai nghiện ma túy là hơn 14.000 người, tăng gần 15% so với năm 2019.
Người nghiện ma túy đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều đáng nói, người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa, có tiền án tiền sự tăng, sử dụng nhiều loại ma túy chiếm 70-80%.
Ông Trần Ngọc Du, chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết trong số người nghiện ma túy thì độ tuổi từ 18-35 tuổi chiếm 60%. (THU HIẾN)
Tiền Giang: Người nghiện ma túy tăng cao
Ông Phan Thanh Vân, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang kiêm giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết hiện nay tại Tiền Giang người nghiện ma túy ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Một số người cai nghiện về được thời gian rồi cũng quay lại tái nghiện. Và một khi đã chơi mà không có tiền mua ma túy thì dẫn đến việc đi trộm cắp, cướp giật để có tiền mua ma túy sử dụng.
Thượng tá Nguyễn Thành Nam - phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tiền Giang - cho rằng cần phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những người tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.
Cần bổ sung tội "sử dụng trái phép chất ma túy" vào Bộ luật hình sự. Ngoài ra, các thủ tục lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc cần phải đơn giản.
Cần phân loại nhiều cơ sở cai nghiện bắt buộc để tổ chức cai nghiện cho phù hợp từng nhóm như: nhóm nghiện quá nặng tái nghiện nhiều lần, nhóm côn đồ nghiện ma túy quậy phá... Những nơi này phải có chế độ quản lý khắt khe. (HOÀI THƯƠNG)
Cần Thơ: Nghiêm khắc hơn với người nghiện
Đại tá Trần Văn Dương - phó giám đốc Công an TP Cần Thơ - cho biết cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với người nghiện, vì người nghiện có liên quan đến nhiều loại tội phạm khác.
"Đã nghiện thì phải cai nghiện tập trung giống như thụ án tù, tái nghiện lần sau thì thụ án lâu hơn. Như vậy mới kéo giảm tác hại cho xã hội.
Bởi xã hội ai gặp ma túy cũng sợ, cũng ngại nên cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thì kết quả sẽ không đáng kể. Mấu chốt gia đình và xã hội cần làm là không để con em, người thân bị nghiện" - đại tá Dương góp ý. (CHÍ HẠNH)
An Giang: 90% người sau cai nghiện bị tái nghiện
Theo ông Phan Văn Tuấn - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh An Giang, hằng năm toàn tỉnh có trên 1.000 người được đưa vào các cơ sở và trung tâm cai nghiện của đơn vị quản lý.
Tuy nhiên, có đến 90% số người sau cai nghiện bị tái nghiện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người sau cai nghiện về bị kỳ thị nên họ khó hòa nhập cộng đồng. Chính sách thì không bất cập nhưng cách triển khai thực hiện của từng địa phương chưa đồng bộ.
"Theo tôi, phải có sự chung tay của cộng đồng, trong đó có chính quyền và gia đình làm nòng cốt. Không thể giao hết cho ngành lao động vì chúng tôi không thể nào làm hết được. Từng địa phương đóng vai trò rất quan trọng đối với người sau cai nghiện để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng" - ông Tuấn khẳng định.
Còn trung tá Nguyễn Đức Hậu - trưởng Công an TP Long Xuyên - cho rằng nguyên nhân chính khiến người nghiện tăng là do theo quy định trước đây, người sử dụng ma túy xem như tội phạm, còn quy định hiện giờ xem như người bệnh cần được chăm sóc, bảo vệ họ.
"Hiện tại việc bất cập là cho gia đình bảo lãnh, cai nghiện những người nghiện dưới 16 tuổi nên không hiệu quả. Còn khi đưa đi cai nghiện 30 ngày là ra nên họ vẫn tiếp tục tái nghiện. Thêm vào đó là việc xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, không mang tính răn đe.
Trước đây người nghiện sử dụng ma túy lén lút, nếu công an gặp là bắt đưa đi cai nghiện đến khi nào hết thì thôi nên hiệu quả hơn hiện nay" - trung tá Hậu nói. (BỬU ĐẤU)
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-nghien-ma-tuy-doc-thong-ke-phat-hoang-2020111608070719.htm