Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019). Đời còn bao nhiêu

Thứ hai - 06/05/2019 10:56
Và bi chừ sau ngần ấy năm để hôm nay 40 năm nhìn lại như một ”Giấc mộng kê vàng”*. Có gì? Được gì? Còn gì? Mất gì? Cũng vậy thôi. Đời đã qua. Ngày đã qua. Tình đã qua. Chợt tỉnh mộng, đời còn bao nhiêu?
Bốn mươi năm nhìn lại (1979-2019). Đời còn bao nhiêu
Những cánh chim non sớm rời tổ Mẹ
Chịu sao nỗi móng vuốt đại bàng
Cơn rét rừng làm thân bại hoại
Ta thư sinh bỗng hóa ma làng…”

Ngày 22 tháng 12 năm 1979, tôi nhận giấy chuyển hộ khẩu về đội 13 khu kinh tế mới Bình Điền 1, trực thuộc thành phố Huế. Gọi là trực thuộc để cho cư dân lên đây an tâm, khi biết là có sự quan tâm của thành phố, nhưng thực tế như kiểu “bắt con bỏ chợ” hoặc “sống chết mặc bây” chứ làm chi có sự quan tâm như khẩu hiệu. Thôi thế là xong! Đường về Emmaus của 2 người môn đệ còn có Chúa đồng hành, còn bẻ bánh và cắt nghĩa Thánh kinh cho họ…còn tôi bước đi lầm lũi trong vô vọng. Mà nào chỉ có tôi, còn có 61 anh em cùng cảnh ngộ. Phải cố sức thôi, việc gì mà phải sầu não mãi…

Phiên họp đội 13 hàng tuần đề nghị tôi làm thư ký, có nghĩa là chấm công cho các đội viên khi lao động tập thể, để rồi sau nầy sẽ chia sản phẩm sắn, khoai, bắp, đậu…theo ngày công của mình. Ban ngày cuốc đất vất vả, ban tối đi tìm các thanh niên Công giáo để tập tành cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Dạo đó do thiếu kinh nghiệm, nên nói dở và hay vấp, lập luận từ chương, các bạn thanh niên khác do kinh nghiệm về cuộc đời nhiều nên nói suôn sẻ, hấp dẫn. Nhưng nào có sao đâu? Mình vẫn là ngọn đèn tuy leo lét trong màn đêm âm u, nhưng vẫn thắp sáng cho một niềm tin. Cứ mỗi tuần tôi lại dẫn nhóm anh chị em Công giáo lội bộ chừng 10 cây số về Đá Hàn tham dự thánh lễ, vài tháng lại đưa về nhà Chung để tĩnh tâm một lần. Vậy đó, tôi cũng chỉ biết làm vài việc nhỏ nhoi như thế cho đến khi cơn sốt rét thời còn ở Ban Mê Thuộc quật ngã tôi không thương tiếc. Cứ đến chiều là lên cơn sốt, nóng trước rồi lạnh buốt từ chân chạy lên, tai ù điếc, mắt mờ hẳn mà không có thuốc. Khi gặp tôi, ông phó đặc khu kinh tế mới thấy tôi vàng vọt, đờ đẫn mới thương hại cho 10 viên ký ninh quý giá; nhưng chỉ cầm cự thôi, chứ làm sao triệt được. Với lại dinh dưỡng chỉ có sắn khô với sắn ướt, thì làm sao đủ sức để đề kháng.

Được vài tháng, tôi bỏ về Đá Hàn ở hẳn, khi đó có đôi vợ chồng già không con nhận nuôi tôi. Cứ sớm mai tinh sương, tôi theo anh Lành nhà bên cạnh chèo ghe đi vào một bãi bồi để làm ruộng. Tôi nhớ mãi những buổi sớm tinh mơ, gà vừa dứt tiếng, sương còn bảng lảng, tiếng mái chèo khua nước đến nơi làm việc, công việc thuần nông, dưới nắng trời gay gắt, đến khi chiều về mệt nhoài, chỉ lăn quay ra ngủ… Rồi cũng quen, nhưng cứ đêm về, tôi lại nhớ đến các bạn thanh niên Công giáo ở Bình Điền đang chờ tôi, sao lại nỡ đành đoạn ra đi…Tôi đành từ giã hai vợ chồng già nghĩa phụ, nghĩa mẫu ở Đá Hàn, bi chừ họ đã nghìn thu thiên cổ rồi.

Khi trở lại khu kinh tế mới Bình Điền, lệnh triệu tập của công an sở tại yêu cầu tôi trình diện ngay tại trụ sở ở Bình Điền 2. Ngày đó có 2 khu kinh tế mới Bình Điền, khu 1 dành cho dân thành phố, còn khu 2 lại dành cho dân vùng quê, trụ sở hành chánh nằm ở khu 2. Viên thiếu tá, trưởng đồn tên Điều sừng sộ quát tháo ầm ỉ: Đi đâu cả tháng nay mà không xin phép chính quyền? -Tôi đi chữa bệnh sốt rét. -Sao không xin phép? -Bệnh mà xin phép e chỉ có chết! -Viết tờ khai rõ làm gì trong tháng qua…

Tôi đâu có ngu mà viết, cứ ngồi lỳ như đá, từ sáng đến trưa, bắt viết xong mới cho đi ăn cơm, cũng không hề viết một chữ… Viên thiếu tá vừa lim dim ngủ là tôi biến, bơi một mạch qua sông, đón xe về Huế. Tôi đi lang thang thẩn thờ, may gặp cha Chiếm lúc đó đang làm thuê cho ai đó, kéo tôi về nơi hẻo lánh dưới chân núi Ngự Bình, được cho ăn uống lại sức. Sau đó tôi tình cờ gặp anh Tư con bác Chiếu (bò) hỏi tôi đi đâu mà bơ phờ, tôi kể chuyện công an triệu tập, anh Tư bảo tên gì? Tôi nói danh tính viên thiếu tá, anh Tư bảo, ông đó anh thân lắm! Thế là một lá thư tay gửi trực tiếp lên cho thiếu tá đồn trưởng. Đúng là thiên hạ bảo không sai “Nhất thân nhì thế”! Từ đó tôi được yên hàn, không phải sợ lệnh triệu tập bất tử nữa.

Cứ vài ngày, gánh đôi quang có hai bội sắn tươi ra chợ Bình Điền bán, chiều hôm trước phải làm đơn để đội trưởng ký mới khỏi bị tịch thu. Bà nội cha nó, ai dở hơi bày đặt xin phép khi bán thứ nông sản chỉ một gánh sắn mà cũng phải làm đơn. Ngày đó có một em lái buôn mua sắn của tôi tên là cô Bảy. Em Bảy người miệt An Cựu, dễ thương, có duyên, chỉ phải nước da màu bánh mật. Chỉ có tôi mới bán được 18 đồng/gánh, còn ai khác chỉ 16 đồng, cách biệt 2 đồng cũng là lớn, vì một đọi bún bò giá 2 đồng. Nên chi ai ai cũng nhờ tôi lãnh bán dùm mới được giá tốt như vậy. Hổng hiểu sao tôi được em Bảy chiếu cố đến thế.

Tháng 3/1980 anh trai tôi mất sau một tai nạn đáng tiếc, đáng ra là cả tôi nữa. Bữa đó, anh ném trái nổ xuống suối để bắt cá, chẳng may trượt chân té nổ trên tay, tôi không tham gia vì đang đọc cuốn Thời Nay hay quá. Khi đó anh mới 24 tuổi, để lại chị dâu mà rất nhiều người biết cùng đứa con gái nhỏ. Biến cố quá phủ phàng tự dưng ập xuống trên đầu chị em chúng tôi… Buồn da diết, cha Đức và cha Tiến cùng lớp từ Huế lên an ủi tôi.

Tháng 12/1980 cha Nguyễn Trọng (hiện quản xứ Tân Mỹ) lên Bình Điền dâng lễ Giáng Sinh. Ngài ở lại nhà tôi, ngài bảo tôi bỏ xứ mà đi. -Đi đâu? -Sàigòn.

Chị dâu tôi vì thương chồng mất sớm quá, nên hổng chịu về thành phố, ở lại chịu tang. Cháu lại bệnh trầm kha, dù khổ nhưng hai chị em vẫn nương nhau mà sống, chiều chiều lên mộ anh thắp nhang và đọc kinh. Tôi lại tái phát cơn sốt rét dữ dội, với lại tôi không thể ở hoài với chị mãi được, thiên hạ sẽ dị nghị và rồi tôi từ biệt để lên đường.

Lúc đó, tôi vừa 22 mà đã mất sạch: Cha mẹ mất, người thân mất, trường mất, nhà cửa mất…May chỉ còn lý tưởng, hoài bão và cả cái mạng người là chưa mất.
 
-

Ngày 1/1/1981, tôi rời xứ Huế trăm nhớ ngàn thương, leo lên chuyến tàu xe lửa xình xịch mịt mù và vô định…

Và bi chừ sau ngần ấy năm để hôm nay 40 năm nhìn lại như một ”Giấc mộng kê vàng”*. Có gì? Được gì? Còn gì? Mất gì? Cũng vậy thôi. Đời đã qua. Ngày đã qua. Tình đã qua. Chợt tỉnh mộng, đời còn bao nhiêu?

(còn tiếp)

*Giấc mộng kê vàng: Chuyện kể về một thư sinh nghèo đi chơi vào nghỉ trong quán trọ, lúc lên giường thiếp ngủ, chủ quán trọ nấu một nồi kê vàng. Trong giấc ngủ, thư sinh mộng thấy mình sự nghiệp hanh thông, vợ đẹp con ngoan, công danh thuận buồm xuôi gió, tận hưởng vinh hoa phú quý…cho đến lúc già thấy mình chết, bỗng tỉnh lại, nồi kê vàng vẫn còn chưa chín. Đời người như giấc mộng, sang hèn-giàu nghèo đều như mộng như huyễn cả mà thôi…

Tác giả: Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 Tags: 40 năm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập761
  • Hôm nay94,175
  • Tháng hiện tại1,006,439
  • Tổng lượt truy cập57,108,076
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây