Cô đơn không phải là điều sợ hãi nhất của cha mẹ khi về già. Ảnh: Aboluowang
Cha mẹ già cũng từng trải qua giai đoạn này nên rất thấu hiểu, vì vậy, họ sẽ không phàn nàn mà sẵn sàng chịu đựng sự cô đơn một mình để đổi lấy hạnh phúc của con cái.
Khi cha mẹ về già có "ba nỗi sợ". Suy cho cùng, cả đời khổ cực nuôi con, đến cuối cùng vẫn vì con cái!
Đầu tiên, sợ cuộc sống con cái không tốt, nhưng bản thân cũng không thể giúp gì được
Khi còn nhỏ, chúng ta luôn nghĩ rằng cha mẹ là người toàn năng. Cơm nước nấu sẵn, mùa đông cần quần áo ấm, đến kì phải đóng tiền học... họ sẽ làm mọi điều để cho con cuộc sống tốt nhất.
Cha mẹ cho bạn tất cả tình yêu của họ, nhưng họ chưa bao giờ cảm thấy đủ.
Tuy nhiên, khi cha mẹ đã già yếu, thực sự không có cách nào để giúp bạn. Họ chỉ có thể lo lắng và thường xuyên hỏi thăm tình hình của bạn. Đôi khi, họ cảm thấy bất lực khi biết khó khăn của con cái nhưng lại không thể làm được gì.
Khi đồng nghiệp Tiểu Chu mua nhà mới, mẹ anh từ quê nhà đưa hai nghìn tệ cho Tiểu Chu: "Tiền ở nhà chỉ có ngần này, tuy ít ỏi nhưng con cầm lấy để góp thêm."
Câu nói này khiến người ta phải nghẹn lòng. Cha mẹ đưa tiền cho con còn sợ cho ít thì làm sao đền đáp được?
Khi tuổi trẻ gặp sóng gió, người lo lắng nhất chính là cha mẹ. Người thân, bạn bè bên cạnh không có mấy người tương trợ, nhưng bố mẹ nhìn thấy thì xót xa vô cùng, có thể làm được gì để giúp đỡ, họ đều không ngần ngại.
Thứ hai, sợ tình trạng ốm đau của bản thân sẽ kéo theo con cái sa sút
Nếu một ngày bạn nhận được tin bố mẹ ốm, thường là khi bệnh tình đã trở rất nặng. Không phải họ thường không mắc bệnh vặt mà bởi vì nếu đó là một bệnh nhẹ, họ sẽ không nói cho bạn biết.
Khi cha mẹ già yếu, bệnh tật ập đến, hầu hết họ đều có tâm lý một mình chịu đựng, tự chăm sóc lẫn nhau mà không để con cái lo lắng.
Đừng làm phiền con cái, đây là "chuyện chung" của các bậc cha mẹ. Đôi khi họ chỉ muốn ở một mình cũng không chuyển tới thành phố sống với con cái chính là vì sợ con phiền phức, sợ con bị ảnh hưởng. Loại "sợ" này thực chất là tình cha mẹ vô bờ bến.
Thứ ba, sợ ăn nói không cẩn thận trước mặt con cái
Khi bạn thấy cha mẹ phải cẩn thận khi nói chuyện trước mặt bạn, họ thực sự đã già.
Người lớn tuổi có thể nói nhiều hơn, vừa nói xong đã quên, nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần một điều gì đó khiến chúng ta đôi khi thấy phiền. Khi bạn lớn tiếng "trách móc" cha mẹ, họ sẽ rất buồn nhưng sẽ không nói ra mà chỉ âm thầm tủi thân và rơi lệ.
Cha mẹ già rồi cũng giống như một đứa trẻ. Họ sợ hãi khi nhìn thấy khuôn mặt bạn giận dỗi; khi bạn cười, họ cười; nếu bạn giữ khuôn mặt căng thẳng, họ cũng cảm thấy khó chịu.
Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta càng trưởng thành thì càng học được cách vui vẻ, xởi lởi với người ngoài, nhưng lại cư xử cáu kỉnh, khó chịu khi về nhà. Cuộc sống dù có vất vả đến đâu cũng đừng đổ lỗi cho cha mẹ, đừng trách họ cho mình quá ít. Trong hàng trăm điều thiện, chữ hiếu đứng hàng đầu, đừng bao giờ oán trách người đã sinh ra mình mà hãy đối xử dịu dàng với họ.
Kết luận
Tuổi già là một cỗ máy không thể ngăn cản. Mọi người đều già đi, thế hệ này sang thế hệ khác nối tiếp nhau không ngừng.
Cha mẹ già là tấm gương phản chiếu chính bạn trong tương lai. Cách bạn đối xử với cha mẹ bây giờ cũng chính là cách mà con cái sẽ đối xử với bạn sau này. Khi thấy con cái tiến về phía trước không có chỗ dựa, cha mẹ già không khỏi bận tâm, bởi ai cũng từng trải qua giai đoạn "năm tháng gió sương", họ luôn thấu hiểu và thông cảm cho bạn.
Khi bạn thực sự hiểu được điều cha mẹ sợ hãi, bạn sẽ biết được công ơn của cha mẹ lớn đến nhường nào.
Một ngày nào đó, bạn sẽ không còn được nghe thấy tiếng cha mẹ gọi bạn về nhà ăn cơm, cũng không nhận được cuộc gọi thăm hỏi, nhắc nhở giữ sức khỏe từ cha mẹ nữa. Một ngày nào đó, bạn sẽ trở thành một đứa trẻ mồ côi, không còn bề trên chăm sóc, phải tự dựa vào chính mình. Nếu cha mẹ còn thì cuộc đời vẫn còn điểm tựa, nếu cha mẹ ra đi thì cuộc đời này sẽ không còn chốn quay về.
Vì vậy, dù khó khăn đến đâu cũng đừng làm khó cha mẹ, dù bận rộn đến đâu cũng phải báo hiếu cho cha mẹ, dù nghèo khó đến đâu cũng đừng để cha mẹ phải chịu khổ cực!
(Theo: Aboluowang)