Giáo xứ Loan Lý mừng lễ Tạ Ơn của Tân Đan Sĩ Phó Tế Pacôme Nguyễn Danh, OSB

Chủ nhật - 14/01/2018 09:06

-

-
Năm 1967, thầy quyết định đi vào Tiểu chủng viện Hoan Thiện, nhưng rồi thời thế buộc Thầy phải trở về làng, lập gia đình với bà Têrêxa Phan Thùy Dung và sinh được 4 người con. Chúa những muốn thử thách Thầy khi gọi người bạn đời về bên Ngài quá sớm.
Giáo xứ Loan Lý mừng lễ Tạ Ơn của Tân Đan Sĩ Phó Tế Pacôme Nguyễn Danh, OSB
Ngày 11/01/2018
 
Hôm nay, không khí Giáo xứ Loan Lý hân hoan lạ thường. Tuy đang giữa tiết trời rét lạnh 14 độ, nhưng đông đảo người người vui mừng tiến về Nhà Thờ để tham dự Thánh lễ Tạ Ơn vị tân Phó tế Pacôme Nguyễn Danh. Đông đảo hân hoan đến dự lễ và chúc mừng vì đây là trường hợp quá đặc biệt ở Việt Nam ! Phải chăng thầy là trường hợp duy nhất được lãnh chức Phó tế vĩnh viễn khi đã là người chồng, người cha của 4 người con, nay lại trở thành một vị Đan sĩ Phó tế ?
 
Đúng 9h30, Thánh lễ bắt đầu với Linh mục chủ tế - Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh và 14 Linh mục trong, ngoài Giáo phận cùng đồng tế. Hiệp thông trong Thánh lễ có sự hiện diện của quý Bề Trên Dòng, quý tu sĩ nam nữ, thân nhân và giáo dân trong cũng như ngoài Giáo xứ.

 
 
Mở đầu Thánh Lễ, Cha Tổng đại diện chúc mừng Giáo xứ vì có thêm một người con phục vụ cho Giáo Hội Chúa. Ngài cũng mời gọi cộng đoàn hiệp cùng vị Tân phó tế dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng phúc trọng đại này. Như câu Lời Chúa mà vị Tân Phó tế đã chọn làm tâm nguyện của mình: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ. Người có tội mà được khoan dung.”(Tv31, 1), Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót của Người trên một con người yếu đuối để làm cho toàn dân được hưởng nhờ ơn phúc.

 


 
Sau phần công bố Tin Mừng, Cha Phêrô Trần Ngọc Anh đã khiến cho cả cộng đoàn lặng đi trước bài giảng sâu sắc gửi đến cho cộng đoàn đang hiện diện và những lời nhắn nhủ đầy tình thân ái cho người bạn Tân Phó tế. Trong thời li loạn của đất nước, chỉ có 5 anh em trong số hơn 120 người cùng khoá 1967 của tiểu chủng viện Hoan Thiện kiên trung với ơn gọi thánh hiến, và Cha Phêrô những tưởng mình là người em út trong 5 anh em đó đã khép lại cuốn sổ danh sách 5 Linh mục Hoan Thiện 67. Vậy mà việc Chúa làm thật kì lạ khi 22 năm sau, cuốn sổ đó lại được mở ra và thêm vào một tên nữa: Pacôme Nguyễn Danh. Câu chuyện cuộc đời của vị tân Phó tế được người bạn bộc bạch càng làm cả cộng đoàn cảm động và thấu hiểu những gian truân, những cám dỗ trong quyết định dấn bước theo Chúa của Thầy. Sinh ra tại làng quê Loan Lý năm 1954, với tên thánh rửa tội là Clêmentê, thầy được lớn lên trong sự dạy dỗ của các nữ tu  Hội Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế. Năm 1967, thầy quyết định đi vào Tiểu chủng viện Hoan Thiện, nhưng rồi thời thế buộc Thầy phải trở về làng, lập gia đình với bà Têrêxa Phan Thùy Dung và sinh được 4 người con. Chúa những muốn thử thách Thầy khi gọi người bạn đời về bên Ngài quá sớm. Trước gánh nặng của cảnh gà trống nuôi con khi người bạn đời bỏ Thầy ra đi lúc đứa con út chỉ mới tròn 1 năm 8 tháng, ai cũng nghĩ rồi đây Thầy sẽ nhanh chóng đi thêm bước nữa. Thế nhưng Thầy vẫn quyết một thân một mình nuôi dạy 4 đứa con nên người. Mãi đến năm 2002, khi các con đã đủ khôn lớn tự lập, Thầy lại một lần nữa đáp lại tiếng gọi của Chúa mà cách đây 35 năm (1968 – 2002) Thầy đã không thể thưa vâng. Ơn Chúa quá hào phóng trên Thầy khi không chỉ cho Thầy làm một đan sĩ thầm lặng như điều Thầy mong muốn, mà Người còn cho Thầy được trở thành Bạn Hữu của Người qua Thánh chức Phó tế vĩnh viễn, lại còn ban cho Thầy một người con làm Nữ tu trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế. Câu chuyện về chiếc nhẫn Giám mục của ĐGH Piô X và chiếc nhẫn nghèo khổ của Mẹ Người đã giúp Cha Phêrô đem lại cái nhìn sâu sắc cho cộng đoàn về mối dây liên kết giữa Bí tích Truyền chức Thánh và Bí tích hôn phối.

 


 
Với tư cách là người anh em, Cha Phêrô đã tặng cho Tân Phó tế 3 lời khuyên sâu sắc. Thứ nhất, ngài nhắc cho người anh em nhớ mình là một Diakonos – một người phục vụ -  phục vụ Thiên Chúa nơi bàn thờ, phục vụ Thiên Chúa nơi con người, nhất là những người gặp hoàn cảnh bất hạnh xấu số, bệnh tật nghèo khổ, những người già yếu tàn tật, những người bơ vơ cô đơn, tù tội, tị nạn; và phục vụ trong các sinh hoạt hội đoàn đạo đức và thanh thiếu niên. Lời khuyên thứ hai là đời sống cầu nguyện, theo phương châm của Thánh Lập Dòng Biển Đức: Làm việc & Cầu nguyện, để biết Chúa, yêu Chúa, kết hiệp với Chúa, từ đó thánh hóa bản thân và thánh hóa môi trường mình sống. Lời khuyên cuối cùng là sự yêu mến dành cho Mẹ Maria – người Mẹ đã được Chúa trao phó lại trong giờ khắc nguy khốn nhất – để Mẹ dìu bước Thầy đi trọn con đường về với Chúa.
 
Kết thúc bài giảng, cộng đoàn vui mừng vỗ tay hoà theo lời chúc mừng dí dỏm cầu cho duyên mới của vị Thầy Pacôme được trăm năm hạnh phúc. Sau khi kết thúc lời nguyện tín hữu, phần phụng vụ Thánh Thể được tiếp diễn với tâm tình sốt sắng của cộng đoàn hiện diện.
 
Trước khi Cha Chủ tế ban phép lành kết lễ, một vị đại diện Giáo xứ đã nói lên niềm tri ân trước tình yêu của Thiên Chúa dành cho Giáo xứ và chúc mừng vị Tân Phó tế. Đáp lại những tâm tình yêu mến của mọi người, Thầy Pacôme đã nói lên lòng biết ơn đối với các Vị chủ chăn, các anh em Linh mục, phó tế, các Hội Dòng cũng như ân nhân, thân nhân và toàn thể bà con giáo xứ Loan Lý.
                                        
Thật cảm động và bất ngờ khi Cha Chủ tế chưa ban phép lành vội. Ngài nán lại để nói những lời đáp từ cám ơn Cha Phaolô Quản xứ. Ngài cũng tha thiết cổ vũ ơn gọi Thánh hiến trong Giáo xứ dành cho các bạn trẻ và những ai lớn tuổi muốn theo chân Thầy Pacôme trong bậc sống Thánh hiến.
 
Thánh Lễ kết thúc trong niềm vui khôn tả của gia đình, họ tộc, giáo xứ và Giáo Hội. Kể từ đây, Giáo Hội có thêm một diakonos mới, tràn đầy ân sủng của Chúa và lòng nhiệt huyết phục vụ, ra đi đem hạt giống Tin Mừng tung gieo giữa mảnh đất trần thế.

 


 
Nt. NLHT & Nt. NPTL
Giáo xứ Loan Lý

Bài chia sẻ trong thánh lễ của cha Trần Ngọc Anh HT67
 
LỄ TẠ ƠN THÁNH CHỨC PHÓ TẾ - Thầy Pacome, 11.01.2018
Is 63,7-9 / Cv 6,1-7 / Lc 1,46-55
 
Các bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói lên tâm tình tạ ơn mà cộng đoàn phụng vụ chúng ta đang sống. Trong bài đọc I, tiên tri Isaia thay cho cả dân tộc tạ ơn Thiên Chúa, Đấng “đầy lòng thương xót, lắm nghĩa giàu ân” về những gì Ngài đã thực hiện cho Israel. Trong bài Tin Mừng, Đức Maria, qua kinh Magnificat đã gói ghém tâm tình tạ ơn của muôn thế hệ: tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã nhìn thấy nỗi cùng khổ của Israel và đã thương ban Đấng Cứu Độ theo như lời đã hứa. Đức Mẹ còn hết lòng tán tụng Chúa vì ân huệ trọng đại đó lại được thực hiện qua lời Xin Vâng của một thôn nữ nghèo, làng Nagiarét: “Bà là Mẹ Thiên Chúa! Bà là Đấng Cao Cả nhất trong mọi loài thụ tạo!” Mẹ Maria ý thức mình chỉ là một “nữ tỳ hèn mọn”, ấy vậy mà lại được TC “đoái thương nhìn tới”, chọn làm Mẹ Đấng Tối Cao.
 
Sở dĩ hôm nay bài Magnificat được chọn để đọc trong thánh lễ tạ ơn chính là nhằm để nêu bật ơn huệ quá lớn lao, quá đặc biệt mà Thiên Chúa đã thương ban cho thầy Pacome Nguyễn Danh và gia đình. Tại sao là “quá đặc biệt”?
 
1. Anh em linh mục chứng tôi đùa với nhau: trong Hội Thánh, có 7 bí tích. May mắn như các linh mục chúng mình thì cũng chỉ lãnh được 6 bí tích, còn thầy Pacôme thì có đủ cả 7 bí tích! Hành trình ơn gọi của thầy rất đặc biệt. Thuở nhỏ, thầy học tại trường các Sr Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế. Chính môi trường giáo dục ở đó đã khơi dậy nơi thầy ước muốn dâng mình cho Chúa. Vào năm 1967, tức cách đây 51 năm, thầy gia nhập TCV Hoan Thiện Huế, học lớp 6, cùng khóa với chúng tôi, với sĩ số 120 tiểu chủng sinh. (Có một số anh em lớp Hoan Thiện 67 đang hiện diện trong thánh lễ này). Sau một thời gian dài đào luyện, cách riêng sau những thăng trầm của biến cố 75, chỉ có 5 trong số 120 anh em chúng tôi làm linh mục. Tôi là vị linh mục thứ năm, chịu chức sau cùng, vào năm 1995, tức cách đây 23 năm. Tưởng rằng “cuốn sổ hằng sống” đã khép lại, nhưng thật lạ lùng, Chúa lại mở ra thêm một trang mới. Bên cạnh 5 anh em linh mục, lớp HT67 chúng tôi giờ đây lại có thêm một Thầy Sáu: thầy Pacôme Nguyễn Danh.
 
Như đã nói, con đường ơn gọi của thầy rất đặc biệt: vì một số lý do khách quan, thầy Danh đã rời Tiểu Chủng Viện sau một năm tu tập. Sau đó thầy lập gia đình và sinh hạ được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Chẳng may, người bạn đời của thầy qua đời năm 1986. Thầy quyết định không tục huyền mà “ở vậy”, sống cảnh “gà trống nuôi con”. Sau khi đã lo cho các con yên bề gia thất, thầy quyết định xin vào dòng Bênêđictô, Thiên Hòa, Ban mê thuột, năm 2002, với ước muốn ban đầu là trở thành một hiến sinh của Dòng. Nhưng về sau, do được anh em tín nhiệm, quý mến, thầy được mời gọi làm đan sĩ. Thầy gia đã trải qua các giai đoạn huấn luyện, nhà thử, nhà tập như bao anh em khác. Thầy khấn lần đầu vào 2006 và khấn trọn năm 2011. Tại Đan viện, thầy đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng; đã từng là Quản lý, và nay đang là Phó Bề trên. Ngày 21/12/2017, cùng với 10 tiến chức khác, thầy được phong Phó tế, phó tế vĩnh viễn, dưới sự chủ tọa của ĐGM Đà lạt Antôn Vũ Huy Chương. Nếu tôi không lầm thì trường hợp của thầy (một người đã có gia đình được cất nhắc lên hàng giáo sĩ) là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.
 
2. Khi phu nhân của thầy Pacôme qua đời, người con gái út lúc đó chỉ mới có 1 năm 8 tháng tuổi. Ba thay mẹ chăm sóc các con, cách riêng người con gái út đó. Và thật kỳ diệu, khi đã trưởng thành, cô con gái út đó lại quyết định dâng mình cho Chúa trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế. Chắc hẳn nhờ sự động viên tích cực của thầy và sự sẵn lòng hy sinh để con có thể yên tâm theo đuổi lý tưởng, nữ tu Nguyễn Phan Thanh Lan đã tuyên khấn trọn đời ngày 15/6/2017. Hôm nay, người nữ tu đó đang có mặt ở đây để cùng với người cha thân yêu của mình tạ ơn Chúa.
 
Như thế, thưa Cộng đoàn Phụng Vụ, qua hành trình ơn gọi của thầy Pacôme và của nữ tu Thanh Lan, chúng ta thấy ơn gọi tu trì và ơn gọi sống đời gia đình thật gần với nhau, thật cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về chiếc nhẫn của Đức Giáo Hoàng Piô X. Ngài tên thật là Giuseppe Sartô, sinh năm 1835, tại miền nam nước Ý, trong một gia đình nghèo. Năm lên 17 tuổi, cha ngài qua đời, để lại 8 đứa con cho người bạn đời. Ngay từ nhỏ, học tại trường làng, Giuseppe Sartô đã luôn là một học sinh giỏi, khi nào cũng đứng đầu lớp. Khi biết được ý định của con rất muốn đi tu làm linh mục nhưng ngần ngại vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, mẹ Ngài đã hết sức khích lệ và sẵn sàng chấp nhận mọi khổ nhọc để con có thể đạt được lý tưởng. Năm 1858, cha Giuseppe Sarto lãnh chức linh mục, lúc 23 tuổi. Sau 17 năm làm phó xứ rồi chính xứ, ngài được Đức Giám mục Trévise mời về làm chưởng ấn Tòa giám mục, kiêm nhiệm chức Giám đốc Chủng viện. Năm 1884, Đức Lêô XIII đặt Ngài làm giám mục cai quản điạ phận Mantua. Ngay sau hôm được tấn phong giám mục, Đức cha Sarto (sau này là Giáo hoàng Piô X) đã về nhà thăm mẹ. Sau giây phút mẹ con bồi hồi gặp lại nhau, Đức Cha Sartô đưa bàn tay ra trước mặt bà mẹ già nghèo khó và thưa: "Mẹ xem này, chiếc nhẫn Giám Mục mới của con". Bà cố đưa bàn tay nhăn nheo của mình đặt tay trên tay con và bảo: "Nhẫn đẹp thật, nhưng này con: nếu không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn Giám Mục của con ngày hôm nay được!"
 
Thưa ông bà anh chị em, câu chuyện trên cho thấy ơn gọi sống đời hôn nhân thật cao cả và cần thiết đối với ơn gọi tu trì. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Thật cao đẹp ơn gọi tu trì; và Giáo Hội đang rất cần đến những người trẻ dám dâng hiến đời mình cho Chúa. Thế nhưng, nếu không có cha có mẹ, thì làm gì có linh mục, tu sĩ, chủng sinh; nếu không có những người sống đời gia đình tảo tần, hy sinh thì người tu đâu có điều kiện thuận lợi để an tâm tu tập, phục vụ? Có lẽ hơn ai hết, thầy Pacôme cảm nhận được câu chuyện chiếc nhẫn của Đức Cha Sartô cũng là câu chuyện của cuộc đời mình, vì thầy đã sống cùng lúc hai ơn gọi đó. Nếu không nhờ công sinh thành và dưỡng dục của bà cố (đang có mặt hôm nay) thì thầy Pacôme đâu có được như ngày hôm nay, nếu không có sự động viên, sẵn lòng chấp nhận mọi vất vả, lao nhọc của thầy thì Sr Thanh Lan đâu có an tâm vững bước trên đường tu; và nếu gia đình các con cái của thầy không nỗ lực sống êm đẹp, thuận hòa thì thầy cũng khó mà thanh thản dấn mình trên con đường tận hiến. Quả là đẹp hai ơn gọi: ơn gọi tu trì và ơn gọi sống đời gia đình.
 
Tôi đang tham gia công tác giảng dạy tại ĐCV Sao Biển Nha Trang. Dù công việc khá bề bộn, nhưng tôi không thể không có mặt nơi đây để chung vui với thầy. Hẳn là ông bà anh chị em đang chờ xem tôi, một cha giáo Chủng viện, cũng là người bạn học cũ của thầy Pacôme, sẽ khuyên thầy điều gì. --Thưa. Trong tâm tình của người anh em trong bậc thánh chức, tôi xin được khuyên thầy 3 điều:
 
1. Phải luôn ý thức về mục đích của sứ vụ Chúa trao cho thầy. Chức Phó tế của Hội Thánh tự căn là chức được thiết lập để phục vụ: tiếng Hy lạp diaconos (phó tế), có nghĩa là người phục vụ. Đoạn trích sách CVTĐ mà chúng ta nghe ở  bài đọc II cho biết vào thời Giáo hội sơ khai, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa." Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn Stê-pha-nô cùng sau người khác nữa làm diaconos (phó tế), qua việc đặt tay của các tông đồ (x. Cv 6,1-5). Hiểu như thế, thì chúng ta đừng quan niệm chức phó tế theo nghĩa của người đời, phục vụ để được hưởng lợi, để ăn trên ngồi trốc, nhưng trái lại, làm phó tế là để noi theo gương Đức Kitô, "Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người" (Mc 10,45), nghĩa là phục vụ cách nhưng không, cho đi mà không mong đền đáp.
 
Ở Hoa Kỳ, việc người giáo dân có gia đình được đặt làm phó tế vĩnh viễn như thầy Pacôme không còn là chuyện hiếm hoi. Đa phần các phó tế, khi thi hành thánh chức, thì vẫn đang có gia đình. Thật quý hóa khi Giáo Hội có được những con người quảng đại như thế. Tuy nhiên, có một nhận xét chung thế này về các phó tế ở đó: trước khi là phó tế, các vị đó thường là những tác nhân tích cực, rất hăng say trong các công cuộc bác ái, từ thiện, trong các sinh hoạt của giáo xứ, nhưng từ khi được đặt làm phó tế, phần lớn họ dường như chỉ còn xuất hiện trên bàn thờ, trong đoàn rước, ở bên cạnh các linh mục trong các biến cố lớn, vv, và việc “phục vụ bàn ăn” mà sách CVTĐ nói đến nay được trao cho người khác. Thật đáng tiếc! Không biết lời nhận xét trên chính xác đến mức độ nào, nhưng nó cũng đáng để chúng ta suy nghĩ. Khi nêu lên sự kiện này, tôi chỉ muốn nhắc cho người bạn cũ của mình rằng chức phó tế, diaconos, được lập ra là để phục vụ, và việc phục vụ trên bàn thờ, cho dẫu thật cao trọng, chỉ là một phần của công việc chính yếu mà Giáo Hội trao cho các phó tế, đó là phục vụ bàn ăn, là chăm lo những nhu cầu cụ thể của các anh chị em mình, trong cuộc sống thường ngày. Mong thầy Pacôme luôn là diaconos, “người phục vụ”.
 
2. Để có thể sẵn sàng và tận tình phục vụ anh em mình theo mẫu gương CGS, thầy cần phải có lòng yêu mến, gắn bó với Chúa. Nói cách khác, thầy phải là con người cầu nguyện. Người có thánh chức chúng ta tiên vàn phải là con người cầu nguyện trước khi là con người rao giảng: phải nói với Chúa và có Chúa đã, rồi ta mới có thể nói về Chúa và trao Chúa cho người khác được, vì không ai có thể cho cái mình không có. Hơn thế nữa, nhờ gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, thầy mới cảm nghiệm được cách sâu xa tình yêu của Chúa, niềm vui được Chúa tha thứ, chữa lành; và từ đó thấy mình bị thôi thúc phải trở nên giống Chúa Giêsu, có lòng nhân ái và trắc ẩn như Chúa, biết cảm thông với mọi người, nhất là những người đau khổ trong thân xác cũng như trong tâm hồn. Thầy sẽ không thể vô cảm, vô can, hay lãnh đạm đối với những nhu cầu, những khó khăn, và nỗ lực của những người được trao phó cho thầy. Niềm vui và nỗi khổ của họ phải có một âm vang trong cõi lòng thầy. Thầy không còn phải bận vướng chuyện gia đình nữa nên từ nay thầy là người của mọi người. Ai cũng có quyền đòi hỏi thầy, vì thầy hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô chứ không còn thuộc về một gia đình nào hay thuộc về riêng một ai khác.
 
3. Bên cạnh lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, thầy hãy đặc biệt tin tưởng, yêu mến Mẹ Maria. Mẹ là mẹ cách riêng của những người sống đời thánh hiến, vì khi bị treo trên thập giá, vào lúc tột đỉnh của sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã trao phó Mẹ Ngài cho thánh Gioan và ký thác Gioan cho Mẹ (x. Ga 19, 26-27). Chính vì thế, thầy cũng hãy đón rước Mẹ Maria vào căn nhà nội tâm và cuộc đời thánh chức của mình. Được sự che chở và hướng dẫn từ mẫu của Mẹ, thầy có thể nhìn thấy mọi mối tương quan nam cũng như nữ, bằng đôi mắt và trái tim của Chúa Giêsu, và sẽ luôn bước đi trên con đường thánh thiện như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn. 
 
Mọi người trong gia đình thầy, các bạn bè của thầy cùng với tất cả bà con có mặt hôm nay đã cầu nguyện và sẽ tiếp tục cầu nguyện, nâng đỡ thầy, để thầy luôn sống cách thật xứng đáng với ân huệ cao trọng mà thầy lãnh nhận hôm nay. Khi người bạn đời của thầy qua đời, thầy đã quyết định “ở vậy nuôi con”; nhưng nay thầy đã quyết định “bước thêm bước nữa”, và chọn Chúa Giêsu làm “người tình trăm năm”. Xin thay mặt tất cả cộng đoàn chúc thầy “vui duyên mới” và “trăm năm hạnh phúc”. AMEN.
 
VUI DUYÊN MỚI
 
Trên cung thánh, nhìn ba xúng xinh
Lễ phục trang nghiêm, in màu tuyết
Trên vẻ mặt hân hoan, con như đọc thấy
Bao nhọc nhằn của tháng ngày qua
Những cảnh đời, ngày mẹ xa ba
Ba thay mẹ, nuôi chúng con khôn lớn
Chiếc nhẫn nghèo của mẹ Đức Cha Sartô làm con nhớ
Không ba chăm sóc, sao anh chị nên người?
Con đâu là bạn nghĩa thiết của Chúa suốt đời?
Chừ ba quyết “bước thêm bước nữa”
Chắc mẹ hài lòng nhìn thấy ba vui
Duyên mới của ba làm tim con rộn rã
Thuộc về Chúa, ba sẽ không là
Của riêng ai, nhưng thuộc về tất cả
Là tôi tá phục vụ mọi người
Tận tình trao thân, như đã từng
Trao cho chúng con, hơn nửa đời lặn lội
Chúng con chúc ba “vui duyên mới”
Mong sao ba trong những ngày còn lại
Trọn tình vẹn nghĩa mối duyên này.
 
Lm Phêrô Trần Ngọc Anh - 11.01.2018.
 
(Đặt mình trong tâm trạng của người con gái út,
Nt. Nguyễn Phan Thanh Lan,  dòng MTG  Huế, khấn trọn năm 2017).

Tác giả: Nt. NLHT & Nt. NPTL

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay27,993
  • Tháng hiện tại566,032
  • Tổng lượt truy cập56,667,669
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây