Những thay đổi mới trong Giáo Triều Roma

Thứ bảy - 26/03/2022 10:11
Một thay đổi lớn thu hút rất nhiều chú ý của Cộng đồng Dân Chúa là Tông Hiến “Các Con hãy loan báo Tin Mừng” quy định rằng mọi tín hữu nam nữ đã chịu phép rửa, trên nguyên tắc, đều có thể đứng đầu các bộ và các cơ quan khác của Tòa Thánh.
Những thay đổi mới trong Giáo Triều Roma
Từ Chúa Nhật 5/6 tới đây, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội bắt đầu áp dụng những đổi mới trong Giáo Triều Roma theo những quy định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Hiến “Praedicate Evangelium”, Các con hãy loan báo Tin Mừng, công bố hôm lễ Thánh Giuse 19/3 vừa qua, kỷ niệm đúng 9 năm bắt đầu sứ vụ Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ của ngài. Đâu là những đổi mới đó?

Đại cương

Tông hiến mới là một văn kiện dài 54 trang thay thế cho Tông Hiến “Pastor Bonus” (Mục Tử nhân lành), do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ban hành vào cuối tháng 6 năm 1988. Trong 434 năm lịch sử Giáo triều Roma, đây là cuộc cải tổ thứ 5: bắt đầu từ năm 1588 do Đức Giáo Hoàng Sisto 5, lần thứ 2 với Thánh Piô 10 năm 1910, sau đó là thánh Phaolô 6 năm 1967, rồi Đến Thánh Gioan Phaolô 2 năm 1988.

Nói tổng quát, nhiều quy định trong Tông Hiến mới đã được thực hiện trong thời gian qua, với những quyết định cải tổ dần dần của Đức Thánh Cha Phanxicô trong gần 9 năm Giáo Hoàng. Cơ cấu và chức năng của Phủ Quốc vụ khanh, được chia thành 3 phân bộ, hầu như không thay đổi.

Nhiều bộ khác và 3 tòa án hầu như không có thay đổi đáng kể. Riêng Bộ Văn hóa và Giáo dục được hình thành bằng cách gộp Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa và Bộ giáo dục Công Giáo.

Về phương diện kinh tế, vẫn giữ Hội đồng Kinh tế gồm 8 hồng y và 7 giáo dân chuyên gia, có nhiệm vụ canh chừng về các cơ cấu và quản trị cũng như tài chính của các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Đây là cơ quan duy nhất Tông Hiến mới quy định là do một Hồng Y làm chủ tịch. Tiếp đến là cơ quan quản trị của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa. Hai cơ quan này từ lâu vẫn hoạt động theo quy chế mới đã được Đức Thánh Cha thiết định trong những năm gần đây.

Những thay đổi lớn

Một thay đổi lớn thu hút rất nhiều chú ý của Cộng đồng Dân Chúa là Tông Hiến “Các Con hãy loan báo Tin Mừng” quy định rằng mọi tín hữu nam nữ đã chịu phép rửa, trên nguyên tắc, đều có thể đứng đầu các bộ và các cơ quan khác của Tòa Thánh. Điều này đã xảy ra với việc bổ nhiệm ông Paolo Ruffini làm Bộ trưởng Bộ Truyền thông.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 21/3 vừa qua để giới thiệu Tông Hiến mới, cha Gianframco Ghirlanda, một nhà giáo luật dòng Tên nổi tiếng, giải thích thêm rằng trên nguyên tắc giáo dân có thể làm Bộ trưởng một bộ của Tòa Thánh, nhưng có những bộ thích hợp hơn với giáo dân, ví dụ Bộ giáo dân, gia đình và sự sống. Đồng thời về các tòa án, Tông hiến mới không bãi bỏ các khoản giáo luật quy định rằng trong những vấn đề liên quan tới các giáo sĩ, thì chính các giáo sĩ xét xử. Vì thế Giáo Hội vẫn giữ phẩm trật và không bãi bỏ chức năng của một linh mục hay giám mục, tùy thuộc những hoàn cảnh khác nhau.

Về vấn đề này, Đức cha Marco Mellino, từ năm 2020 là Tổng thư ký Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha, nói rằng “giáo dân hay không giáo dân được bổ nhiệm theo thẩm quyền đặc thù của mỗi Bộ liên hệ”. Vì thế trong vấn đề này, “cần có một sự thẩm định cho từng trường hợp, chứ không có tính cách máy móc”.

Phẩm giá bình đẳng giữa các Bộ

Một đổi mới quan trọng khác, đó là từ nay hầu hết các cơ quan từ nay được gọi bằng danh từ chung là “Dicastero”, tạm dịch là “Bộ”, thay vì phân biệt giữa “Congregazione”, có quyền tài phán, và “Consiglio, Hội đồng, như một cơ quan tư vấn như cho đến nay. Các Dicasteri đều có phẩm giá bình đẳng. Người lãnh nhận nhiệm vụ cai quản một bộ nhận một quyền thừa ủy do Đức Giáo Hoàng chứ không do quyền từ thánh chức. Vì thế, điều này cũng nhấn mạnh sự bình đẳng cơ bản giữa mọi tín hữu đã chịu phép rửa.”

Bộ loan báo Tin Mừng đứng đầu

Trong số 16 Bộ, đứng đầu là Bộ Loan báo Tin Mừng, được gộp từ Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng và Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, do chính Đức Thánh Cha điều khiển và được chia làm hai phân bộ, mỗi phân bộ do một Quyền Tổng Trưởng cai quản: Phân bộ thứ I đặc trách các vấn đề cơ bản trong việc loan báo Tin Mừng trên thế giới; Phân bộ thứ II đặc trách về việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại và các giáo phận mới thuộc vùng truyền giáo, cụ thể là Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc như cho đến nay.

Tông hiến mới đặt Bộ Loan báo Tin Mừng lên hàng đầu và nay chính Đức Thánh Cha đảm nhận chức vụ Bộ trưởng của Bộ này để chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ngài, đồng thời nói lên tầm quan trọng hàng đầu của việc truyền giảng Tin Mừng, một “Giáo Hội đi ra”.

Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng trực tiếp đảm trách một bộ của Tòa Thánh. Cho đến thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, các Đức Giáo Hoàng trực tiếp đảm trách Bộ giáo lý đức tin, trước đây được gọi là Bộ Thánh Vụ, trong tư cách ngài là thầy dạy tối cao về đạo lý trong Giáo Hội. Nhưng nay, trong Tông Hiến mới, Bộ giáo lý đức tin được xếp hàng thứ hai sau Bộ Loan Báo Tin Mừng, và hiện phân làm 2 phân bộ: thứ I là thăng tiến và bảo vệ toàn vẹn đạo lý đức tin và luân lý; thứ II là phân bộ kỷ luật.

Thuộc bộ Giáo lý đức tin vẫn có Ủy ban thần học quốc tế, Ủy ban Tòa Thánh về Kinh thánh, và nay gộp cả Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đặc trách một vấn đề thuộc các cơ quan Tòa Thánh. Ví dụ cho đến nay ngài đặc biệt đảm trách vấn đề di dân và tị nạn và do đó ngài bổ nhiệm hai vị Phó Tổng thư ký là hai linh mục đảm nhiệm việc này trong Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.

Bộ Bác Ái

Một điểm rất mới trong Tông Hiến sắp có hiệu lực, phản ánh mối quan tâm bác ái của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha được nâng lên hàng “Bộ bác ái”.

Trong lịch sử, khi các vị Giáo Hoàng đi đâu thường có một vị gọi là “Elesimoniere di Sua Santità” (Người lo việc bác ái của Đức Thánh Cha) tháp tùng, để nhân danh Đức Thánh Cha làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo. Và văn phòng phụ trách việc này thuộc “gia đình của Giáo Hoàng” chứ không phải là một cơ quan trung ương của Tòa Thánh. Trước đây vị đặc trách Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha thường là một vị Tổng giám mục, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăng vị này lên hàng Hồng Y, để nói lên mối quan tâm của ngài đối với các việc từ thiện bác ái, cụ thể nay là ĐHY Konrad Krajewski người Ba Lan. Trong những năm qua, ngài đã nhân danh Đức Thánh Cha thực hiện nhiều công tác trợ giúp người nghèo ở các nơi, đặc biệt trong kỳ đại dịch Covid-19, giúp đỡ các dụng cụ y khoa, máy thở, và nhiều phẩm vật khác cho các nơi trong Giáo Hội.

Tông hiến quy định rằng Bộ Bác ái tiếp tục cấp các Văn bằng Phép lành Tòa Thánh, một trong những phương thế qua đó, các tín hữu góp phần vào công tác bác ái của Đức Thánh Cha.

Vấn đề từ thiện bác ái từ trước đến nay vẫn do một cơ quan gọi là Hội đồng Tòa Thánh “Cor Unum” - Đồng Tâm, phục trách và đứng đầu là một vị Hồng Y. Hội đồng có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động của các cơ quan từ thiện bác ái trong Giáo Hội Công Giáo, và nhiều khi trực tiếp cứu trợ các nạn nhân thiên tai và chiến tranh. Nhưng Hội đồng này không còn nữa, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô gộp cơ quan này vào Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện.

Giới hạn nhiệm kỳ phục vụ

Một quy định khác trong Tông hiến mới thu hút nhiều chú ý, đó là từ nay các giáo sĩ hoặc tu sĩ phục vụ tại các cơ quan Tòa Thánh được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa, sau đó phải trở về giáo phận nguyên quán hoặc dòng tu của mình.

Quy luật này có thể giới hạn việc phát triển khả năng chuyên môn. Nhưng về điểm này cha Ghirlanda S.J, trong cuộc họp báo sáng ngày 21/3 vừa qua tại Vatican, trả lời rằng: “Đúng là ta có kinh nghiệm khi thực hành, nhưng nếu đương sự, trong 5 năm ấy không có tiến bộ nào, hoặc đương sự ở đó để được ‘leo thang’, thăng cấp, thì không bõ công gia hạn nhiệm kỳ. Trái lại nếu trong 5 năm ấy, đương sự mang lại thành quả thì có thể được gia hạn. Dĩ nhiên những người ở vị thế cai trị quá lâu thì có thể phát triển những trung tâm quyền lực, và điều này không bao giờ là điều thích hợp trong Giáo Hội. Sự thay đổi mang lại những ý tưởng mới, những khả năng mới và sự cởi mở”.

Có thể cải tiến

Tông hiến mới chắc chắn không phải là một văn kiện hoàn hảo và có thể được thay đổi với thời gian sau khi bắt đầu áp dụng. Về điểm này ĐHY Marcello Semerano, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, vị chủ tọa cuộc họp báo nói trên nhắc lại nguyên tắc “Ecclesia semper reformanda”, Giáo Hội luôn cần được cải tổ, để áp dụng cho Giáo triều: “Curia semper reformanda”, Giáo Triều luôn cần được cải tổ. Vì thế, nếu có những thay đổi khác cần đưa ra, thì Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm, như Đức Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2 cũng đã làm. Đó là nguyên tắc “từ từ” hay tiệm tiến mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông huấn “Evangelli Gaudium”, Niềm Vui Tin Mừng.
G. Trần Đức Anh, O.P.
https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-03/nhung-thay-doi-moi-trong-giao-trieu-roma.html

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập642
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại972,589
  • Tổng lượt truy cập57,074,226
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây