Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ bảy - 02/09/2023 06:18
Nhân bài phát biểu đầu tiên trước thế giới chính trị và xã hội dân sự, sáng 2/9/2023 Đức Phanxicô đã ca ngợi Mông Cổ là một quốc gia biết cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sự đóng góp của mình cho hòa bình trên thế giới và ca ngợi sự đóng góp quan trọng của các truyền thống tôn giáo khác nhau cho xã hội Mông Cổ.
Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh. Ảnh: Vatican News
Chính tại Quảng trường Sükhbaatar, ở trung tâm Oulan-Bator, trước dinh chính phủ, buổi lễ chính thức chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ đã diễn ra vào sáng thứ Bảy. Đức Thánh Cha đã nhận được sự chào đón vinh dự từ lực lượng vệ binh quốc gia trong màu đỏ và xanh của quốc kỳ, dưới chân bức tượng Thành Cát Tư Hãn hùng vĩ nằm phía trước điện.
Sau đó, Đức Phanxicô đã đến cung điện quốc gia giáp quảng trường này để gặp riêng với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh. Trước đó, ngài đã ký vào sổ danh dự bằng cách viết những lời này: “Là người hành hương hòa bình ở đất nước trẻ trung và cổ kính, hiện đại và giàu truyền thống này, tôi vinh dự được trải qua những con đường gặp gỡ và tình bạn, những con đường mang ‘niềm hy vọng’. Cầu mong bầu trời trong xanh bao la ôm lấy vùng đất Mông Cổ soi sáng những con đường mới của tình huynh đệ”.
Tiếp đến, trước các cơ quan chính trị, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, ngài đã có bài phát biểu đầu tiên.
Đức Thánh Cha đã cảm ơn chủ nhà và chọn phép ẩn dụ chiếc lều (ger, những ngôi nhà di động) để bày tỏ lòng kính trọng đối với đất nước Trung Á này. Ngài giải thích: “Tôi tưởng tượng, với sự tôn trọng và cảm xúc, lần đầu tiên bước vào một trong những chiếc lều hình tròn nằm rải rác trên vùng đất Mông Cổ hùng vĩ, để gặp gỡ và hiểu biết quý vị hơn.” “Vì vậy, tôi bước vào đây, như người hành hương của tình bạn, kính cẩn đến với quý vị với tâm hồn vui tươi, mong muốn làm phong phú bản thân mình một cách nhân bản trước sự hiện diện của quý vị”.
Lều, biểu tượng của tính liên tục của dân tộc Mông Cổ
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Tôi đã biết được rằng từ cửa lều, vào sáng sớm, trẻ em ở các vùng quê của quý vị nhìn về phía chân trời xa để đếm gia súc và báo cáo số lượng cho cha mẹ chúng. Thật tốt cho chúng ta khi ôm lấy chân trời rộng lớn bao quanh chúng ta, vượt ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp và mở lòng ra cho một tâm tư toàn cầu, như những chiếc lều mời gọi chúng ta, những chiếc lều vốn xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc sống du mục thảo nguyên, đã lan rộng trên một lãnh thổ rộng lớn, trở thành một yếu tố xác nhận các nền văn hóa lân cận khác nhau”.
Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến sự khôn ngoan của người dân Mông Cổ, “được tích lũy qua nhiều thế hệ người chăn nuôi và nông dân cẩn thận, luôn lưu tâm để không làm xáo trộn sự cân bằng tinh tế của hệ sinh thái, nó có nhiều điều để dạy cho những người ngày nay không muốn tự nhốt mình trong việc theo đuổi một lợi ích riêng ngắn hạn, nhưng mong muốn để lại cho hậu thế một vùng đất vẫn còn chào đón và màu mỡ”.
Một nền sinh thái có trách nhiệm
Bằng cách đánh giá cao những gì mà người Kitô giáo gọi là công trình sáng tạo, thành quả của kế hoạch nhân từ của Thiên Chúa, người Mông Cổ giúp chống lại “những tác động của sự tàn phá của con người thông qua một nền văn hóa quan tâm và tầm nhìn xa, được thể hiện bằng các chính sách về nền sinh thái có trách nhiệm”, Đức Thánh Cha nói tiếp và đồng thời bày tỏ lòng kính trọng đến “tầm nhìn toàn diện về truyền thống đạo Saman của Mông Cổ và sự tôn trọng đối với mỗi sinh vật, xuất phát từ triết lý Phật giáo, thể hiện sự đóng góp có giá trị cho cam kết cấp bách và hiện không thể tránh khỏi nhằm ủng hộ việc bảo vệ hành tinh Trái đất“.
Nền văn hóa hòa bình của Mông Cổ
Đức Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng các chiếc lều cũng là chứng tá cho “sự kết hợp quý giá giữa truyền thống và hiện đại”, chúng quy tụ nhiều thế hệ và thể hiện tính liên tục với Thời cổ đại. Đức Thánh Cha coi đó là một cơ hội để hoan nghênh Mông Cổ như một đất nước đã hoàn toàn ghi tên vào sự hiện đại.
Do đó, ngài đã nhắc lại rằng Mông Cổ ngày nay “đóng một vai trò quan trọng ở trung tâm của lục địa châu Á rộng lớn và trên trường quốc tế”. Ngài ca ngợi sự dấn thân và quyết tâm của đất nước trong việc chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như lựa chọn chấm dứt án tử hình.
Ngài nói tiếp: “Mông Cổ không chỉ là một quốc gia dân chủ thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình mà còn muốn đóng một vai trò quan trọng đối với hòa bình trên thế giới”.
Đức Thánh Cha giải thích thêm, như Thành Cát Tư Hãn đã biết cách nhận ra sự xuất sắc của các dân tộc đã tạo nên lãnh thổ đế quốc rộng lớn và đưa họ phục vụ sự phát triển chung, nên Mông Cổ đương đại có thể đóng một vai trò trong thế giới ngày nay, vốn bị rạn nứt bởi các cuộc xung đột. Ngài nói: “Xin Chúa cho trên trái đất, bị tàn phá bởi quá nhiều xung đột, các điều kiện của điều ngày xưa từng là Pax Mongolica, nghĩa là không có xung đột, vẫn được thể hiện lại trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế cả ngày nay nữa”.
Biết nhìn lên Trời
Lấy lại hình ảnh chiếc lều, Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến điểm trung tâm cao nhất của nó, cho phép nhìn lên Trời. Một phép ẩn dụ mạnh mẽ. Ngài nhấn mạnh: “Tôi muốn nhấn mạnh đến thái độ cơ bản này mà truyền thống của quý vị giúp chúng ta khám phá lại: biết cách giữ cái nhìn hướng lên trên, ngước mắt lên Trời – Trời xanh vĩnh cửu mà quý vị luôn tôn kính – có nghĩa là ở trong một thái độ cởi mở ngoan ngoãn đối với giáo huấn tôn giáo”.
Sự đóng góp của các tôn giáo và của Giáo hội Công giáo
“Nhiều nhà lãnh đạo ban đầu của quý vị là những nhân vật chính có tầm nhìn hướng lên cao và tầm nhìn rộng lớn hơn, thể hiện khả năng đặc biệt trong việc tích hợp các tiếng nói và kinh nghiệm khác nhau, kể cả từ quan điểm tôn giáo”, Đức Thánh Cha giải thích giải thích thêm, trước khi nhấn mạnh sự đóng góp tích cực của các tôn giáo cho xã hội.
Mông Cổ ngày nay nhận ra mình “ở giá trị thiết yếu của sự hòa hợp và sự hợp lực này giữa các tín đồ thuộc các niềm tin khác nhau”. Theo nghĩa này, Đức Phanxicô làm rõ, “cộng đồng Công giáo Mông Cổ rất vui mừng tiếp tục mang lại phần đóng góp của mình”.
“Do đó, tôi rất vui mừng khi cộng đồng Công giáo, dù nhỏ bé và kín đáo, vẫn tham gia một cách nhiệt tình và dấn thân vào sự phát triển của đất nước, bằng cách truyền bá văn hóa liên đới, tôn trọng tất cả mọi người và đối thoại liên tôn, cũng như bằng cách làm việc vì công lý, hòa bình và hòa hợp xã hội”, Đức Thánh Cha giải thích và đồng thời nhắc lại rằng thỏa thuận song phương được ký kết cách đây 30 năm giữa Tòa thánh và Oulan-Bator “thể hiện một kênh quan trọng để đạt được những điều kiện thiết yếu này đối với các hoạt động thông thường mà Giáo hội Công giáo tham gia”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Tôi chắc chắn rằng người Công giáo Mông Cổ đang và sẽ sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng một xã hội thịnh vượng và an toàn, trong sự đối thoại và cộng tác với tất cả các thành phần sinh sống trên vùng đất vĩ đại được chúc phúc bởi Trời này » , vùng đất đã mong ước rằng các thành phần khác nhau của xã hội Mông Cổ sẽ tiếp tục mang đến cho thế giới “vẻ đẹp và sự cao quý của một dân tộc độc đáo”.
Tý Linh (theoOlivier Bonnel, đặc phái viênVatican News ở Oulan-Bator)