Cựu Chủng Sinh Huếhttp://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 13/01/2020 02:58
Cám ơn Ban tổ chức, –những người thiết kế chương trình Hội Ngộ, đã chọn một điểm xuất phát đầy ý nghĩa cho Hành Trình Hội Ngộ. Những giáo điểm như Cà Ná củng cố niềm tin cho chúng tôi: nó cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo Hội Chúa.
KÝ ỨC, ƯỚC VỌNG VÀ THÁI ĐỘ
… Sáu giờ ba mươi sáng thứ Bảy 7-12-2019, chúng tôi đến giáo điểm Cà Ná. Lúc chiếc Isuzu giảm tốc độ rẽ vào khuôn viên nhà thờ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngôi thánh đường đang trong tiến trình xây dựng: tháp chuông vẫn còn nhiều giàn giáo giăng mắc, bốn bức tường chung quanh đã hình thành, phần mái trống trơn chưa lắp đặt xà kèo.
Xa xa, trên ngọn đồi thấp, thánh tượng Mẹ La-Vang bằng đá khối trắng tinh ẩn hiện trong đám sương mai bồng bềnh trông thật ảo diệu. Chếch về phía phải nhà thờ chừng 50m là ngôi nhà xứ đã hoàn thiện khá khang trang có gam màu trắng xám phù hợp với thời tiết nắng gió quanh năm nơi đây. Đã được nghe nói về Cha Anrê Lê Văn Hải và giáo điểm Cà Ná, nay lại được nhìn thấy tận mắt toàn bộ khung cảnh nơi đây, trong phút chốc, chúng tôi như cảm nhận được sức sống mãnh liệt của Giáo Hội Chúa. Một Giáo hội được ví như hạt cải nhỏ bé; nhỏ bé và khiêm tốn, âm thầm nhưng mạnh mẽ lớn lên từng ngày, để mai kia lũ chim trời tìm đến ẩn thân. Vâng, Giáo hội là hạt cải của Chúa, Giáo hội không phải là những công trình hoành tráng dán nhãn mác “Babel” của con người.
Giáo điểm Cà Ná do Cha Anrê Lê Văn Hải HT68 coi sóc. Ngài bắt đầu sứ vụ vào tháng 11-2014. Việc đầu tiên của vị mục tử là gặp gỡ các giáo dân và tìm cách dựng lên một ngôi nhà nguyện tạm thời ở đây. Thế rồi, chỉ một tháng sau, Lễ Giáng Sinh năm 2014, Thánh lễ đầu tiên đã được cộng đoàn phụng vụ cử hành sốt sắng tại nhà nguyện tạm chưa đầy 150m2. Từ đó, Cha quản nhiệm bắt đầu việc mục vụ và xây dựng nhà xứ, nhà thờ. Nhà thờ Cà Ná là ngôi thánh đường đầu tiên của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Huyện nầy có diện tích hơn 550 km2, với dân số khoảng 60.000 người, nhưng chỉ có 320 giáo dân.
Cha Anrê Lê Văn Hải là “chuyên gia” xây dựng nhà thờ ở các điểm truyền giáo; như nhà thờ Tầm Ngân, nhà thờ Sông Pha, và bây giờ là nhà thờ Cà Ná. Bốn năm ở giáo điểm Tầm Ngân, một tay ngài xây dựng nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý. Ở Sông Pha, ngài cùng với giáo dân người dân tộc ngày ngày lên núi chẻ đá rồi cùi trên lưng đem về xây nhà thờ. Tại Cà Ná bây giờ, cha Anrê cũng tự đúc lấy gạch làm vật liệu xây dựng. Ngoài ngôi nhà thờ sắp xong phần thô, ngài còn tự mình xây nên công trình “vạn lý trường thành” bao quanh toàn bộ khu đất rộng lớn của giáo điểm. Nói cha Hải là “chuyên gia xây dựng nhà thờ ở các giáo điểm”, là không chỉ nhắm đến cơ sở vật chất, mà quan trọng hơn là nhấn mạnh đến việc xây dựng các Cộng Đoàn Tín Hữu mới ở các địa phương.
Trở lại với hành trình Hội Ngộ. Được biết đoàn HT67 Sài Gòn đến Cà Ná từ lúc 5 giờ sáng. Khi vào trong khuôn viên, xe chúng tôi dừng đỗ sát bên chiếc xe ca màu vàng, biển số 51. Một số anh em trong nhà xứ ùa ra chào đón đoàn Huế. Chúng tôi xuống xe để chào Cha quản nhiệm và gặp gỡ mọi người. Vào bên trong, phòng khách được làm nơi dâng lễ và kinh nguyện tạm thời của cộng đoàn tín hữu Cà Ná. Anh chị em Sài Gòn đang nghỉ ngơi ở căn phòng rộng rãi kề bên.
Đoàn Sài Gòn gồm có: vợ chồng Ái Hiệp, vc Hòa Thành, vc Trung Viễn, vc Hộ Hồng, các bạn Vũ Quang Hà, Chung, Xuân, Gioan, Văn Phong, Phúc, Cường (HT69), Đức (HT71), Mic Dũng, và vc con trai M. Phương & cháu nhỏ. Tất cả 20 người.
Sau mươi phút vệ sinh cá nhân, mọi người quây quanh những chiếc bàn tròn dùng điểm tâm sáng. Những tô mì nui bốc khói thơm phức. Có lẽ vì bụng đói sau một đêm vất vả trên xe nên ai cũng dùng bữa ngon lành. Bầu khí bắt đầu ồn ào sôi động. Các ông xoắn vào nhau chuyện trò thật tâm đắc. Nhóm các chị em cũng tươi cười ríu rít hỏi thăm nhau. Từ bây giờ, hai đoàn là một. Một ký ức, một hướng đi, và cùng nhau chia sẻ buồn vui trong 2 ngày gặp gỡ.
Tiếp đến, đoàn HT67 tập trung tại phòng khách nói lời cám ơn Cha Anrê. Trưởng ban tổ chức Xuân Hòa bắt bài hát “Gần nhau trao cho nhau” diễn tả tình huynh đệ Hoan Thiện gần gũi và cám ơn Cha đã ưu ái đón tiếp đoàn sáng nay. Đức Long cũng thay mặt anh chị em nói lên lòng ngưỡng mộ khi tận mắt nhìn thấy công trình Cha đang thực hiện cho cộng đoàn tín hữu Cà Ná. Đặc biệt, bạn Quang Hà đã thể hiện sự đồng cảm và lòng ái mộ vị mục tử cách cụ thể qua hành động ủng hộ 100 triệu đồng cho việc xây dựng nhà thờ. Đáp lời, Cha Anrê rất vui khi được đoàn ghé thăm. Ngài dẫn câu nói của Đức Tổng Linh “Mỗi vị khách là một Hồng ân” để cám ơn mọi người, nhất là tri ân sự ủng hộ của ân nhân Quang Hà và món quà nhỏ của Huế. Ngài cũng hát tặng bài tự sáng tác “Cà Ná nơi dừng chân, Cà Ná có Mẹ Lưu Dân”, và nói về ý nghĩa của danh hiệu Mẹ Lưu Dân.
Sau đó, đoàn chụp hình lưu niệm với Cha Anrê, cầu nguyện dưới chân Mẹ Lưu Dân, hát tôn vinh Thánh Cả Giuse, thăm công trình Nhà Thờ và chào tạm biệt Cha quản nhiệm.
Đoàn xe HT67 xa dần giáo điểm Cà Ná, nhưng hình ảnh vị mục tử can trường vẫn còn đậm nét trong tâm trí chúng tôi. Truyền thống nào sản sinh ra những con người dám hy sinh bản thân cho hạnh phúc của người khác?! Đức tin nào thúc đẩy một con người nhỏ bé, khiêm tốn nhưng luôn mạnh mẽ và kiên trì đối diện với khó khăn thử thách thay vì thủ phận tìm kiếm sự an nhàn?!...
Cám ơn Ban tổ chức, –những người thiết kế chương trình Hội Ngộ, đã chọn một điểm xuất phát đầy ý nghĩa cho Hành Trình Hội Ngộ. Những giáo điểm như Cà Ná củng cố niềm tin cho chúng tôi: nó cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo Hội Chúa. Một Giáo Hội vẫn từng ngày lớn lên trong thời đại tục hóa hiện nay. Và, đó đây vẫn còn có rất nhiều tín hữu, –linh mục và giáo dân, sẵn sàng dấn thân cho Tin Mừng Tình Thương. Nhất là, nó giúp chúng tôi ý thức rằng: hành trình Hội Ngộ HT67 cũng đang diễn ra trong hướng đi của Giáo Hội Lữ Hành trên đường tiến về Quê Hương Vĩnh Cửu. Giáo Hội luôn bước đi trong Đức Tin, trong Tình Thương và trong ý thức trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng nhân loại.
Cám ơn bạn Vũ Quang Hà đã rộng lòng đóng góp cho nhà thờ Cà Ná, nơi qui tụ của Cộng Đoàn Dân Chúa tại đây. Quà tặng đúng nghĩa luôn là ân phúc. Ân phúc thì tỏa hương thơm. Anh em HT67 cũng được thơm lây hương ân phúc khi một người bạn trong gia đình HT67 trao tặng và đón nhận ân phúc. Ai cũng nhận ra, bạn Hà luôn có thái độ sống tích cực với người khác. Thế nhưng, con người ấy luôn âm thầm, khiêm tốn, chỉ có nụ cười hiền lành và lòng quảng đại. Nhiều khi chúng ta nhầm lẫn thái độ tích cực với sự tăng động, ồn ào và sự đề cao bản thân. Thật ra, thái độ tự nó có tính xã hội. Khi nói “tôi tỏ thái độ” là tỏ thái độ với người khác. Vậy, thái độ sống tích cực có tính vị tha; nó không chỉ đem lại thành công cho bản thân, mà còn đem lại điều tốt lành cho cộng đồng. Có những con người mà sự hiện diện của họ đem lại niềm vui, sự bình an và niềm tin cho cộng đoàn. Ngược lại cũng có nhiều khi chính sự hiện diện kềnh càng và thiếu tế nhị của tôi khiến bầu khí chung trở nên tối màu, bất ổn và nghi nan…
Chúng tôi rời Cà Ná lúc 8:30’, địa điểm tiếp theo là vịnh Vĩnh Hy. Trên đường, đoàn rất vui được đón thêm bạn Nguyện và cháu nhỏ ở thành phố Phan Rang. Hoan hô bạn Nguyện! Bạn đã diễn tả cách cụ thể và sống động câu nói kinh điển “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà…”
Hai chiếc xe xanh và vàng đến vịnh Vĩnh Hy lúc 10 giờ sáng. Hôm nay trời có gió to. Người ta cho biết biển gió nên không thể đi tàu thủy ra nhà bè như dự kiến. Vịnh Vĩnh Hy nằm ở phía Đông-Bắc tỉnh Ninh Thuận, cách Phan Rang hơn 40km. Chếch phía Đông Nam là cửa vịnh, còn 3 mặt Đông, Tây và Bắc có núi bao quanh. Trong vịnh có nhiều loài hải sản sinh sống, và cũng là nơi cho tàu thuyền trú ẩn an toàn mùa mưa bão.
Không thể đi ra xa bờ, chúng tôi đành tụ tập chuyện trò và chụp hình lưu niệm trong khi chờ cơm trưa. Đi du lịch không thể thiếu chiếc máy ảnh. Thời nay văn minh ai cũng có điện thoại di động nên chụp hình thả cửa. Những tấm hình đẹp được lưu giữ cho tương lai. Trịnh Công Sơn trong bài “Ngụ ngôn mùa Đông” có câu “người chết hai lần”; theo nghĩa bóng, mỗi lần nhớ lại một ký ức đau buồn là ta như “chết trong lòng” thêm một lần. Còn mỗi lần nhớ lại hay xem lại những khuôn hình đẹp là mình như được “sống” lại kỷ niệm đó thêm một lần. Ai cũng muốn “sống hai lần”, sống nhiều lần, nên người ta thích chụp hình khi có cảnh đẹp và tâm trạng vui tươi là vậy. Tại Resort Vĩnh Hy, các phó nhòm HT67 ghi được nhiều hình ảnh vui, như hình “đại gia chở chân dài”, “HT67 và ký ức màu xanh”, “thiếu nữ bên cành hoa giả”, “sinh nhật bất ngờ”, “cỡi trên lưng nai”, “gió bay tóc trán”…
Mười một giờ ba mươi, cả nhà dùng bữa cơm huynh đệ. Chúng tôi quây quần quanh những bàn tròn dọn các món ăn hải sản. Sau khi Cha Minh Cao xin Chúa chúc lành, cả nhà nâng ly chúc mừng gặp gỡ và bắt đầu thưởng thức các món ngao sò ốc hến.
Cha Cao phải rời tiệc sớm để đi đón Cha Anh từ ĐCV Sao Biển lên và Cha Luận từ Huế vào. Cha Luận bận tĩnh tâm linh mục Huế nên không thể đồng hành cùng chuyến xe với anh em.
13 giờ 30 chúng tôi đi tham quan Hang Rái. Từ khu Resort Vĩnh Hy, xe chạy về hướng Nam theo tỉnh lộ 702 chừng 7 km, rồi tách vào con đường hẹp để tiến ra phía biển. Dăm phút sau thì đến nơi, chúng tôi xuống xe và leo lên một con dốc nhỏ khoảng gần 100m. Xa phía bên kia là biển khơi lộng gió. Từ đỉnh dốc có thể nhìn thấy dãi bờ đá dưới chân. Những hòn đá lớn nhỏ chồng lên nhau tạo nên các hình thù lạ mắt. Một chiếc cầu nhỏ bằng gỗ nối với tảng đá lớn ngoài kia. Tảng đá nầy màu xám đậm và có diện tích rộng và bằng phẳng, mặt đá bị xói mòn lồi lõm theo thời gian. Khách tham quan thường bước ra đây để chụp hình. Mọi người trong đoàn, nhất là các chị em, từng nhóm nhỏ tạo dáng người nầy bấm máy cho người kia để ghi lại vài kiểu ảnh kỷ niệm.
Trên lối về giáo xứ Phước An của Cha Minh Cao, chúng tôi ghé thăm một vườn nho sát bên đường. Những chùm nho mọng nước màu nâu nhạt trên giàn leo tầm hơi quá đầu người thỏng xuống trông thật hút mắt. Nhiều người đưa tay tạo dáng với những chùm nho xum xuê để chụp ảnh. Có lẽ thời xưa Chúa Giêsu cũng mê mẫn những vườn nho sai trái, thế nên Ngài mới dùng hình ảnh cây nho để dạy chúng ta nhiều điều. Ví dụ về dụ ngôn “Cành nho và cây nho” (Ga 15,1-8) để nói về mối tương quan không thể tách rời của người Kitô hữu với Thiên Chúa. Hay dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” (Mt 21,33-43) có nội dung cảnh báo rằng: Những ước vọng tự quy, tham vọng ích kỷ, mong muốn chiếm đoạt sẽ biến chúng ta thành những kẻ máu lạnh có thể giết chết tình người, hạ sát đạo đức và triệt tiêu chân lý. Lúc đó, chúng ta sẽ lộ rõ chân tướng với thái độ độc tài, tự mãn, tự đắc và chuyên quyền. Ở đây, vườn nho của Chúa có thể là giáo hội, quốc gia, gia đình, hội nhóm, bạn hữu và các mối tương quan khác. Thế nhưng, với dụ ngôn “người thợ làm vườn nho giờ thứ 11” (Mt 20, 1-16), Chúa Giêsu cho biết: Thật ra, chúng ta chẳng có công trạng gì sất; tất cả những gì tôi có hôm nay là nhờ tình yêu và lòng thương xót của Chúa mà thôi. Đồng thời trước mặt Thiên Chúa mọi con người đều có phẩm giá như nhau.
Sau một lúc khá lâu nhìn ngắm giàn nho và mua những sản phẩm từ trái nho, chúng tôi trở lại xe để tiếp tục lộ trình mà đầu óc chứa đầy những hình ảnh về vườn nho. Những vườn nho sai trái, xinh đẹp và rất quen thuộc! Bởi lẽ, là Kitô hữu, không ai mà không biết đến Tin Mừng về những vườn nho.
Địa điểm tiếp theo chúng tôi dừng chân là Đồi Đức Mẹ ở xứ Bình Chánh. Đây là một công trình to lớn, người ta cải tạo nguyên cả ngọn đồi khá lớn để đặt thánh tượng Đức Maria trên chóp đỉnh. Dọc lối các bậc cấp đi lên có nhiều chặng nghỉ, người thiết kế đã cho đặt lần lượt 14 Chặng đàng Thánh Giá của Chúa Giêsu. Dưới chân Mẹ, từ đỉnh đồi tầm mắt có thể bao quát cả một khu vực rộng lớn bên dưới, bao gồm cả một vùng vịnh nhỏ với nhiều tàu bè đánh bắt xa bờ. Nhìn toàn cảnh khu vực, tự dưng mình nghĩ tới vai trò của Đức Maria trong đời sống con người. Từ trời cao Mẹ nhìn thấy đàn con trên đường dương thế và dang rộng đôi tay gìn giữ chở che. Bạn Nguyễn An Phong có cách diễn tả về vai trò của Mẹ rất dễ thương. Trong một bài viết cho Kỷ Yếu 42 Năm Hoan Thiện 67, Phong nói: “Trên con đường về quê, mang đầy ác nghiệp, tội lỗi nặng nề. Chỉ có một con đường an toàn là đi cửa sau, cửa nhà bếp, là qua Mẹ để đến với Chúa…”
Trên hành trình Hội Ngộ hôm nay, gia đình HT67 cũng đang ẩn nép dưới tà áo Mẹ. Những tràng chuỗi Mân côi trên đường, những bài hát tôn vinh, những lúc dừng chân dưới thánh tượng Mẹ v.v… Tất cả tạo nên cảm thức Mẹ đang đồng hành cùng đoàn con cái. Cái cảm thức an toàn vì được “đi cửa sau, cửa nhà bếp, là qua Mẹ để đến với Chúa”.
Cám ơn bạn Trần Văn Hòa đã “design” chương trình Hội Ngộ thật hữu lý và có ý nghĩa. Được biết, để có thể vẽ được một lộ trình có nhiều thắng cảnh và những điểm dừng chân ý nghĩa, bạn Hòa đã phải đi tiền trạm nhiều lần, rồi vất vả liên lạc với Cha Minh Cao và anh em các vùng miền để xác định cụ thể thời gian và lộ trình sinh hoạt chung.
Rời đồi Tân An lúc 4 giờ hơn, hai chiếc xe ca xanh và vàng một mực thẳng tiến về giáo xứ Phước An, là điểm hội ngộ chính. Sau khoảng 45 phút chạy xe với nhiều lối rẽ, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy được tháp chuông nhà thờ từ xa. Khu dân cư như một ốc đảo lọt thỏm giữa những cánh đồng trồng lúa bao la. Dọc cánh phía Tây là một dãy đồi núi thấp màu xanh sậm. Ba phía còn lại trải đều một màu vàng úa của cây lúa sắp tới mùa gặt hái. Khung cảnh lại khiến tâm trí nhớ đến những đồng lúa chín vàng trong Phúc Âm. Những đồng lúa bao la nhưng thiếu thợ gặt. Thợ gặt đương nhiên không chỉ là các giáo sĩ mà gồm cả những giáo dân, mọi tín hữu. Có bản thân tôi…
Mùa hè vừa qua, trong đợt tổng điều tra dân số công giáo do các thầy ĐCV thực hiện, giáo phận Huế chỉ có 47 ngàn tín hữu trong khi số liệu cũ từ nhiều năm về trước là 67 ngàn. Nhiều người buồn rầu nói vui là “các thầy đã tiêu diệt mất 20 ngàn giáo dân”! Vì đâu nên nỗi?!... Có lẽ trong đó cũng có trách nhiệm của chính tôi.
Thư Chung của HĐGMVN năm 2013 về “Tân Phúc Âm Hóa” viết: “Tân Phúc Âm Hóa… là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả.” (số 4). 1-Lòng nhiệt thành là tương quan với Chúa; 2-phương pháp thì phải thích hợp với thời đại; 3-cách diễn tả là sử dụng lời nói, hình thức phù hợp để người ta dễ tiếp nhận Tin Mừng. Tương quan với Chúa, dù là yếu tố nền tảng, nhưng chỉ mình tôi với Chúa. Phương pháp thích hợp thì cần chuyên môn và học hỏi. Chỉ xin đề cập đến yếu tố thứ 3, là cách diễn tả; hay nói cách khác là thái độ. Thái độ là hình thức mà ai cũng phải thể hiện hằng ngày. Vậy thái độ của tôi hằng ngày có tôn vinh các giá trị của Tin Mừng tôi rao giảng không, hay trở thành phản chứng? Ví dụ: Việc tôi dùng một chiếc xe hạng sang để đi làm mục vụ ở một nơi nghèo nàn rách nát có phù hợp không? Hay, một vị kia nói rằng “Không có điều hòa tôi không làm việc được” trong khi nhà xứ to đùng đầy đủ tiện nghi lại ở giữa một đám nhà mái tôn lụp xụp, nhếch nhác. Như thế, liệu hình ảnh nầy có phù hợp với điều mà tôi vẫn rao giảng hàng ngày là giáo hội của người nghèo, cho người nghèo chăng? Rõ ràng, ai cũng có lý do của mình, nhưng vấn đề là “tôi đang ưu tiên cho việc gì?” Cho việc truyền giáo hay tiện nghi? Cho đạo đức, nhân bản hay cho vật chất và quyền lực? Tất nhiên, vật chất là để phục vụ con người, và tôi có thì tôi dùng, không lấy của ai. Nhưng trường hợp nầy dù sao cũng có hơi hướng của chủ trương vô thần “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.
Tóm lại, thái độ là cái người ta nhìn thấy trước tiên. Nếu tôi không có “Thái độ Tin Mừng” thì không ai tin vào lời tôi rao giảng. Và, như đã nói ở trên, nhìn vào thái độ của tôi bây giờ, người ta có thể đoán được ước vọng và mục đích của đời tôi là gì. Đúng sai chưa biết, nhưng trước mắt, tôi không phải là một thợ gặt lành nghề… Và điều nầy cũng chính là một nhân tố tiêu cực làm cho Tin Mừng không thể tỏa lan, thậm chí lượng người công giáo ngày càng sụt giảm.
Miên man theo những ý nghĩ vu vơ, tôi giật mình khi chiếc xe dừng đột ngột bên hông nhà thờ Phước An. Kim đồng hồ chỉ đúng 5 giờ chiều. Mọi người xuống xe đem hành lý vào nhà. Cha Cao chủ nhà và Cha Anh, Cha Luận ra chào đón đoàn và sắp xếp chỗ trú ngụ cho anh chị em. Chúng tôi ai cũng vui mừng vì đã đến nơi nghỉ ngơi, nhất là được nhìn thấy 3 anh em linh mục của Lớp cùng hiện diện trong cuộc hội ngộ nầy. Nơi ngủ nghỉ là dãy phòng giáo lý Cha xứ Minh Cao mới xây mấy tháng trước phía cuối nhà thờ. Nơi học giáo lý trở thành chỗ trú ngụ hình như cũng mang ý nghĩa liên quan nào đó. Mầu nhiệm Nhập Thể là bài giáo lý quan trọng cho tín hữu, điều nầy theo cách diễn giải của ĐTC Phanxicô khi dặn dò các mục tử là hãy “mặc lấy mùi chiên”. Chúng tôi hôm nay được ăn ngủ cùng nhau, có thể nói là học cách “mặc lấy mùi của nhau”. “Mùi” ở đây không chỉ là dùng khứu giác để cảm nhận thơm hôi thể lý, mà còn là mùi của tính cách, thái độ, tâm lý, thói quen, lời nói v.v…
Đám đàn ông chúng tôi được chia 2 phòng vì đông người và phe các bà được dành riêng 1 phòng. Tất cả vui vẻ và nhanh chóng thu xếp các dãy bàn học để có không gian trải chiếu trên sàn nhà, rồi tranh thủ tìm nơi tắm rửa sau một ngày lang thang phong trần.
Đúng 7 giờ chúng tôi dùng cơm tối tại phòng ăn rộng rãi của nhà xứ. Dù mới chỉ là bữa ăn nháp nhưng Cha xứ Minh Cao cũng đã thết đãi rất linh đình, đầy đủ rượu thịt. Tối nay lại có trận banh tranh bán kết giữa U22 Việt Nam vs U22 Campuchia, nên anh em vừa ăn vừa hướng mắt lên màn hình TV để theo dõi và hò reo ủng hộ đội nhà. Kết quả trận đấu đội VN thắng 4-0 để vào chung kết gặp Indonesia. Và kết quả sau cùng trên bàn cũng sạch sẽ thức ăn nhờ ngon miệng và bầu khí huynh đệ gần gũi, vui tươi.
Sau khi ăn cơm, các ông chia từng nhóm, một số lui tới đàm đạo, vài người ngồi ngoài hiên to nhỏ, số đông còn lại tập trung quanh chiếc bàn dài ở phòng khách của nhà giáo lý vừa uống rượu vừa kháo chuyện bao la.
Riêng các bà rủ nhau về phòng và ngồi quanh trên những chiếc chiếu rộng để chuyện trò tâm sự, chị em thân tình. Đây có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Hội Ngộ. Các người vợ giờ đây được bước ra khỏi những lo toan thường nhật, những áp lực trách nhiệm trong gia đình, những công việc đơn điệu nhàm chán nơi khuôn bếp. Họ được gặp nhau và cuốn hút vào nhau trong sự đồng cảm sâu sắc. Đơn giản chỉ vì không ai hiểu người vợ bằng chính những người vợ, và không ai hiểu người mẹ bằng chính những người mẹ. Gặp nhau, họ mừng rỡ vui tươi vì đã từng có một quãng đời nhiều lo âu sầu khổ. Họ chuyện trò tíu tít vì đã từng gặp những điều uất ức không biết nói cùng ai. Họ thoải mái trêu đùa nhau vì đã luôn ở trong khuôn mẫu của vai trò. Họ trở nên đơn sơ vì đã quá già dặn trong đời sống. Ngồi với nhau, nhiều khi các chị em chỉ hỏi nhau về kiểu tóc, so nhau màu áo, săm soi thỏi son môi, hay khoe đôi giày cao gót. Có người nói mấy bà hồi xuân. Thật ra, các phu nhân của chúng ta ở giai đoạn khó khăn sau 75 làm gì có tuổi xuân để mà hồi. Ví dụ: một phụ nữ bây giờ 60 tuổi, hồi mới lớn đã lập gia đình, thì chắc chắn quãng thời gian đầu tắt mặt tối với vai trò làm vợ làm mẹ và công việc nội trợ trong gia đình chiếm gần trọn một đời người, may ra chỉ được thoải mái một vài năm gần đây mà thôi. Vậy thì, cách công bằng, bây giờ những người phụ nữ của chúng ta có quyền được trẻ trung vì chưa từng có tuổi trẻ. Có quyền được chăm chút cho bản thân vì đã nhiều năm quên mình để phục vụ cho người khác. Có quyền được chúng ta mến yêu ngưỡng mộ vì đã luôn âm thầm chịu đựng để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thế thì, Hội Ngộ HT67 cũng chính là không gian để quý phu nhân gặp gỡ và tươi trẻ cùng nhau. Tươi trẻ dáng vẻ bên ngoài và tươi trẻ tâm hồn. Đồng thời, chắc chắn chị em cũng rất hãnh diện và vui sướng khi được là thành viên của Gia Đình HT67.
Trở lại nhóm các ông ở phòng khách kế bên. Nhóm nầy rất sôi động, cười nói rôm rã nên thu hút mỗi lúc mỗi đông thêm. Các anh ngồi kín dãy bàn dài, có người phải đứng chen vào vì hết chỗ. Trên bàn có ba bốn dĩa mồi và mấy chai rượu được chiết ra từ bịch nhựa 10 lít để ở góc phòng. Cha Ngọc Anh cũng tham gia vào nhóm; có lẽ ngài muốn “mang lấy mùi” của anh em. Bầu khí ở đây thật bao la, bao la nhờ thân tình thoải mái và bao la về đề tài câu chuyện. Không lạ gì, vì trưởng nhóm nầy là bạn Xuân Hòa. Là một tay MC chuyên nghiệp cũng là một huynh trưởng TNTT kỳ cựu nên, với nhiều hình thức, Hòa dẫn dắt anh em đi từ hiện tại trở về quá khứ, từ Huế vào Sài Gòn, từ Đông sang Tây, từ đất thấp lên trời cao, từ chuyện vui đến các vấn đề nghiêm túc v.v… Bao la là thế, nhưng hình như càng về khuya, trong khung cảnh đêm tối tĩnh mịch và khi chất men đã ngấm vào huyết quản, thì mọi người lại muốn chia sẻ những kỷ niệm ngày xưa nơi trường cũ. Họ kể cho nhau nghe các mẫu chuyện còn in đậm trong ký ức: chuyện trẻ trâu tinh nghịch, chuyện học hành, chuyện về một người bạn đã ra đi, về một người thầy hay vị bề trên đáng kính… Kim đồng hồ trên tường đã lặng lẽ quay sang ngày mới tự lúc nào. Bịch rượu 10 lít cũng đã cạn, nhưng tâm tình huynh đệ vẫn cứ dâng trào. Dù sao cũng phải ngã lưng một chút để sáng mai còn dâng Lễ Bổn Mạng Lớp sớm. Mọi người chào nhau và về phòng nghỉ ngơi. Có người bước đi xiêu vẹo vì đã say khướt. Không biết say rượu hay say tình. Xa xa ngoài kia tiếng côn trùng vẫn tỉ tê da diết…