Tâm tình với cha Phêrô Trần Ngọc Anh HT67
(Nhân ngày lễ Tạ Ơn, mừng Ngân khánh Linh mục 14/7/2020)
Với cha Ngọc Anh, cá nhân tôi đã vinh hạnh được gặp ngài nhiều lần: Vào cuối thập niên 1980, nhân chuyến công việc thiện nguyện tại trại phong Eana BMT, tôi được cha Nghĩa cùng lớp, mời tới tham dự buổi tĩnh tâm do ngài hướng dẫn, dành riêng cho các anh em vẫn miệt mài theo đuổi ơn gọi tại Châu Sơn; và rồi hơn 20 năm sau, tôi mới có dịp hạnh ngộ với ngài cùng quý anh HT67…, dịp lễ Kim khánh của vị đại Ân sư, Đức TGM Têphanô; không kể những lần khác vào các dịp lễ Bổn mạng, họp mặt của HT67…
Và hôm nay, anh Thế Cường HT69, anh Thành Đức HT72 và tôi lại có may mắn được tháp tùng 50 anh chị HT67 tham dự “sự kiện” 25 năm LM của cha Phêrô Trần Ngọc Anh. Sở dĩ tôi nói đây là “sự kiện” đặc biệt vì bầu khí hân hoan của Lễ mừng Ngân khánh này xuyên suốt chuyến hành trình của HT67 từ 12-16/7/2020. Trong chuỗi thời gian đó, Thánh lễ Tạ Ơn là trọng tâm của “sự kiện”mừng Ngân khánh, có sự hiện diện của Đức Giám Mục Ban Mê Thuột Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (Vị chủ chăn mà đối với cha Ngọc Anh, không chỉ là người cha tốt lành, mà còn là người bạn, luôn ở bên cạnh cha trong những thời khắc khó khăn nhất của đời linh mục) và khoảng 200 linh mục trong và ngoài giáo phận, đặc biệt có 4 linh mục ân sư thuộc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện Huế và hơn 60 anh chị em cùng lớp và khác lớp TCV Hoan Thiện tham dự, ngoài ra chưa kể đến các thành phần khác như các dòng tu, các giáo xứ, các thầy ĐCV Sao Biển, các thầy cô giáo đồng nghiệp, các em học trò cũ mà cha Ngọc Anh đã dạy cách đây hơn 30 năm.
Không chỉ riêng cha Ngọc Anh là người trong cuộc, ắt hẳn tràn trề vô vàn cảm xúc, mà cả chúng tôi nữa. Tâm hồn chúng tôi cũng mang nhiều cung bậc xúc cảm vô bờ, tựa như cung đường Tây nguyên lên đồi, xuống thung hoặc ngoằn ngoèo như con rắn trên đường viếng Mẹ Măng Đen. Cha Ngọc Anh đã tâm sự trong lần Hội ngộ HT67 vào năm ngoái rằng: Với quý cha khác đang lo mục vụ giáo xứ, thì các dịp lễ kỷ niệm thụ phong linh mục hoặc từng năm, hoặc 5, 10, 15, 20 năm đều được tổ chức trọng thể; ngay cả ngày Sinh nhật, lễ Quan thầy…cũng được “lên sóng” hoành tráng. Còn riêng tôi, với thân phận là cha giáo ĐCV, chỉ biết vò võ một mình, vì dịp lễ mừng rơi vào đúng dịp hè, lúc Chủng viện đã đóng cửa nghỉ hè. Tôi ước mong dịp 25 năm LM này, ít là một lần trong đời được cùng với mọi người thân yêu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, nên rất tha thiết mời anh chị em đến chia vui với tôi. Trong ngày kỷ niệm Ngân khánh này, cha Ngọc Anh đã chuẩn bị kỹ càng mọi sự, và lúc tạm biệt, ngài bộc bạch với chúng tôi rằng: Không tưởng tượng nỗi là mọi sự đã diễn ra tốt đẹp, mỹ mãn đến thế. Nếu bây giờ, Chúa có gọi về, ngài sẵn sàng “lên đường”.
Trong chuỗi “sự kiện” Ngân khánh này, tôi chỉ muốn bày tỏ một vài tâm tình với vị đàn anh thân thương này. Sau lần tham dự dịp 25 năm của cha Nguyễn Văn Cần HT65, cha Nguyễn Vinh HT69, cảm nghĩ của tôi rất được nhiều người đón nhận, nhất là anh em Cựu chủng sinh Huế. Đặc biệt anh Vũ Quang Hà và anh Lê Xuân Hảo HT67 đã yêu cầu tôi tiếp tục chia sẻ cảm nghĩ của mình về “sự kiện” vừa qua. Thôi thì “cung kính không bằng tuân mệnh”: Những gì tôi viết ra ở đây chỉ là những tâm tình bé nhỏ, thay lời cho những anh chị em thân thương của gia đình Hoan Thiện muốn ngỏ với cha Ngọc Anh.
1. Tâm tình đầu tiên đó là cùng với cha Phêrô Tạ ơn Chúa, vì chính nhờ ơn Chúa, cha mới khả dĩ đóng tròn vai người nghệ sĩ của Chúa, một vai diễn khô khan, sáo mòn, lập đi lập lại. Thiết nghĩ, trong những ngày này, Chúa không hỏi cha đã đào tạo được bao nhiêu linh mục, nữ tu, tông đồ giáo dân...cho Chúa? (Con số có lẽ hơn 500 linh mục, sau 15 năm ở Đại Chủng Viện) Chúa không hỏi cha đã có học vị, học hàm, bằng cấp gì trong cuộc đời? Cũng Không hỏi cha đã viết được bao nhiêu cuốn sách?... Mà sẽ hỏi cha có còn muốn tiếp tục đóng trọn vẹn vai diễn của mình, đó là thầy dạy môn Tín lý cho các thầy, một bộ môn“khó nuốt”. Không những thế, ngài còn là cha “đồng hành nhân bản” (tức Giám luật), của toàn Chủng viện Sao Biển, một công việc không dễ dàng và không có ai muốn đảm nhận vai trò đó. Và để làm tròn vai, người nghệ sĩ có lúc phải gồng mình diễn với tâm thế khác hẳn với tính khí thật của mình. Cũng như tiên tri Giêrêmia xưa kia: một ngôn sứ phải chịu nhiều đau khổ vì sự xâu xé giữa một tâm hồn dịu hiền với một sứ vụ “nhổ và lật đổ, hủy và phá”. Vì sứ vụ, Giêrêmia bị người đời oán ghét, có khi sỉ nhục. Cha Ngọc Anh, chỉ vì mong các linh mục mà cha tham gia trong việc đào tạo sau này sẽ trở thành “quà tặng đáng ước mong thay vì là gánh nặng cho bà con giáo dân.”
2. Tâm tình kế tiếp đó là tâm tình cậy trông vào Chúa. Trong dịp này, chắc chắn cha Phêrô đã xét mình lại với thời gian 25 năm qua, với bao yếu đuối, lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và cả tha nhân. Và trong lời đáp từ của ngài sau thánh lễ, cha Phêrô đã nhắc lại tâm tình TẠ ƠN đi song song với tâm tình TẠ LỖI. Tạ lỗi với Thiên Chúa và cả với tha nhân. Với tuổi tác đã kha khá (65), với bệnh tật phải mang và với sự nặng nhọc trong công việc đào tạo các ứng sinh linh mục, vì thế tôi nghĩ Chúa sẽ hỏi cha Phêrô có còn trông cậy vào Chúa? Vì sức người có hạn, chỉ có sức Chúa mới vô hạn. Và chỉ còn nhờ cậy trông vào Chúa, cha Phêrô mới đủ sức tiếp tục bước tiếp sứ vụ của mình.
Thưa cha Phêrô. Chúng con muốn nhắc lại biến cố sau Phục Sinh, khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ theo Lời của Thánh Mac-cô (16,20) “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” Các Thánh Tông đồ khi theo Chúa chẳng có ai có học hàm, học vị, thậm chí chưa có vị nào “tốt nghiệp trường làng” chứ chưa nói đến các loại bằng cấp như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, cao học…Mà điều kiện quan trọng nhất, đó là chỉ cần có Chúa cùng hoạt động mà thôi.
3. Tâm tình cuối với cha Phêrô, đó là cứ mãi nghĩ ngài là một giáo sĩ “reglo” giám luật, mực thước, nghiêm nghị và nhặt nhiệm. Ngài chỉ say mê đọc sách, nghiên cứu và giảng dạy, vì thế, xem ra thật khó gần, ít cởi mở. Nhưng khi tiếp xúc với ngài, tôi mới thấy những điều trên không đúng. Thật ra ngài rất tình cảm, chân thành và dễ mến. Ngài còn là người biết lắng nghe, thích chia sẻ và tâm sự. Ngài thích ngồi tán chuyện với mọi người, hỏi thăm từng người, nhắc lại những kỷ niệm hơn 50 năm về trước. Và thật đặc biệt, trong lời đáp từ cám ơn trong thánh lễ Tạ ơn, các thầy ĐCV. Tuy được cám ơn sau cùng, nhưng lại là đối tượng được ngài yêu thương nhất. Ngài thường tự sự “Ở Chủng viện, cha không thương các thầy thì còn thương ai nữa.”
4. Tâm tình thứ tư này là của chính cha Phêrô, tôi chỉ xin được trích dẫn nguyên văn lời đáp từ của ngài:
Kính thưa Cộng Đoàn Phụng Vụ. Trong giờ phút này, tâm hồn tôi chất chứa hai nỗi niềm: một tình yêu Chúa thiết tha và một sự bối rối thẹn thùng. Bối rối thẹn thùng, vì trước lễ mừng, tôi đã có một thời gian dài để tĩnh tâm. Tĩnh tâm để thấy rõ hơn bàn tay quan phòng của Chúa trên cuộc đời mình, và cũng để nhìn lại những lỗi lầm, thiếu sót của tôi trong đời linh mục. Trong thời gian đó, tôi đã tình cờ đọc được một trang sách, ghi lại tâm tình của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong cuốn "Nhật Ký Một Tâm Hồn", vào dịp ngài kỷ niệm 25 năm linh mục như sau:
“Hai mươi lăm năm linh mục, với bao nhiêu hư hèn, bất trung. Chỉ nhờ ơn Chúa tôi mới cảm thấy đời sống nội tâm của tôi còn lành mạnh; tuy nhiên còn bao nhiều ủy mị, nuông chiêu tính biếng nhác, chọn việc này hơn việc khác, những gì gây khó nhọc ưu phiền cho tôi là có sự phản ứng bên trong; khi cầu nguyện riêng hoặc chung thì biết bao lần chia trí, nhiều khi vội vã cho xong; mất bao nhiêu là giờ để đọc và làm những việc không liên quan trực tiếp với phận vụ; để lòng dính bén với những nơi, những vật, những tiểu tiết mà quên rằng tôi chỉ là khách lạ và lữ hành. Lỗi bác ái đối với anh em thì thật rất dễ gặp phải, lắm khi dưới những vẻ bề ngoài rất đúng và đầy nhiệt tình…”
Cha Phêrô đã lặp lại lời Đức Thánh Giáo Hoàng 23 như một định hướng cho hành trình đời linh mục còn lại: “Dù ý thức rất rõ về vô số thiếu sót lỗi lầm trong sứ vụ linh mục của tôi, tôi vẫn vui phục vụ trước lời mời gọi của Thiên Chúa”.
Ngoài bốn tâm tình đó, còn có một tâm tình bộc phát của gia đình HT67, đó là cùng thổn thức, nhòa lệ khi cha Phêrô xúc động, nghẹn ngào trong bài đáp từ, khi ngỏ lời với các thầy ĐCV Sao Biển. Từ cung thánh nhìn xuống, cha Phêrô đã thật rạng rỡ khi thấy đông đảo học trò cũ mới vây quanh mình mình, từ Nha Trang lên tận mạn ngược tham dự ngày Ngân Khánh Linh mục. Chắc hẳn ngài đã liên tưởng tới tất cả các môn sinh từ suốt 15 năm qua, mà ngài đã giảng dạy, đồng hành, vì thế, đã thổn thức trong nghẹn ngào: “Có người thầy nào không hạnh phúc khi được học trò vây quanh, trong những ngày đặc biệt của đời mình.”
Cầu xin Đức Mẹ La Vang, hai Thánh Bổn mạng Gioan Hoan, Tôma Thiện và Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y PX Nguyễn Văn Thuận chuyển lời cầu bầu của chúng con lên cùng Thiên Chúa, ân ban cho cha Phêrô được dồi dào sức khỏe hồn xác, hầu tiếp tục sứ mạng đào tạo cho Hội Thánh nhiều thợ gặt tài giỏi, phụng sự các linh hồn và tận tụy rao giảng Lời Chúa cho muôn dân.
Chúc tụng Danh Chúa đến muôn đời. Amen
Saigon, 17.7.2020
Mic. Nguyễn Hùng Dũng HT71