Lên cao nguyên. Phần 3: Voi Bản Đôn, Bảo tàng Cà-phê và Những bữa cơm gia đình
Lê Xuân Hảo HT67
2020-08-17T10:21:29-04:00
2020-08-17T10:21:29-04:00
http://www.cuucshuehn.net/Ban-Tin-Noi-Bo/len-cao-nguyen-phan-3-voi-ban-don-bao-tang-ca-phe-va-nhung-bua-com-gia-dinh-11255.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2020_08/hoan-thien-67_16.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ hai - 17/08/2020 09:58
Ngày 13-7. Sau điểm tâm, 7 giờ 30 chúng tôi lên xe đi Bản Đôn. Địa điểm nầy cách Tp Ban Mê Thuột khoảng 40 km về hướng Tây Bắc. Xe chạy gần 1 tiếng thì tới nơi. Chúng tôi lần lượt qua cửa để nhân viên khu du lịch kiểm soát vé BTC đã mua trước.
Khu vực du lịch là các dải cồn đất rộng nổi lên giữa một giòng sông khá lớn. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi, táng cây hầu như phủ kín toàn bộ vùng đất nầy. Vin vào bộ rễ ngang dọc um tùm và quái dị của nó người ta làm những chiếc cầu treo để qua lại 2 bên bờ. Cầu treo được làm bằng tre nứa, và bên dưới sàn được tăng cường 3 sợi cáp thép lớn để bảo đảm sự an toàn cho du khách. Loại cầu nầy là phương tiện qua sông suối đặc trưng của miền sơn cước. Dân du lịch miền xuôi đã quen với những chiếc cầu bê-tông vững chải, nên nhiều người đến đây cũng muốn tìm cái cảm giác chênh vênh nửa vời của vùng hoang dã thô sơ. Có anh nghịch ngợm nhún nhảy trên cầu khi từng nhóm đi qua, làm những cô yếu vía hét la hoảng sợ. Cơ mà sự kinh hoảng chỉ làm tăng thêm vẻ lý thú của chuyến tham quan.
Sang bên kia là một căn nhà sàn gỗ mái lá thật dài và rộng, trên nền trải những chiếc chiếu lát. Đây là một nhà hàng ẩm thực. Sau khi lấy một vài khung hình, mọi người lại nhún nhảy nhịp chân trên chiếc cầu treo khác để bước sang cồn đất bên cạnh rộng rãi hơn. Ở đây sơ sài dăm ba quán ăn, mấy hàng trang phục dân tộc, có chỗ hát ca giải trí và quầy vẽ mỹ thuật. Có lẽ điểm thu hút nhất của khu du lịch là bờ khe cạn có ba 3 con voi già. Mỗi con trên lưng đeo một khung sắt vuông làm ghế đủ chỗ cho 2 người, và có một chú nài điều khiển. Đa số du khách đều đến đây để ghi hình. Người bạo gan thì cỡi voi dạo ít vòng. Người yếu vía thì tìm thế lấy ảnh với hình chú voi phía xa xa.
Trong số những người cỡi voi có cha Dụ. Ngài đùa “Đã xuống chó rồi, bây chừ lên voi xem thử”. Nói chuyện “lên voi xuống chó”, tôi nhớ khoảng thời gian sau 75, lúc đó thầy Dụ đã chịu chức sáu. Cụ sáu về gia đình ở Sơn Quả nhưng người ta không cho nhập hộ khẩu, rồi đi đâu cũng bị xua đuổi. Thế là không thể cam chịu với cảnh không có quê hương ngay trên chính quê hương mình, nhất là quyết tâm trung thành với ơn gọi cao quý, thầy đã can đảm ra đi trong một hải trình thập tử nhất sinh để tìm hơi thở của sự tự do. Nhờ thế Giáo hội nay mới có thêm một linh mục tốt lành và là một chuyên gia về lãnh vực hôn nhân gia đình. Hiện nay, ngài đi lại nơi nầy nơi khác như con thoi để giúp các nơi về vấn đề rất thời sự và cần thiết nầy. Sở dĩ nhắc lại chuyện cũng là do tôi sực nhớ 2 câu thơ của Cao Bá Quát “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn, Yên ba thâm xứ hữu ngư châu” (Việc đời lên xuống xin đừng hỏi, Mù khơi ẩn sóng chiếc thuyền câu). Thế sự thăng trầm lên xuống là lẽ thường ở đời. Thế nhưng, cha Dụ đã không thủ phận “ngư ông” cầm cần câu cá chờ thời, hay thậm chí xuôi theo dòng đời, mà đã ngược dòng tranh đấu để nhắm tới và sống theo lý tưởng của mình. Lại nhớ, lúc xuống đến chân đèo Lò Xo trên đường trở về, đoàn Huế dừng chân bên một quán cốc lẹp xẹp để giải lao thư giãn. Bên vệ đường trước quán có một cây sung rất to, trái chín đỏ đeo kín từ gốc tới ngọn. Cha Giải bỗng dí dỏm “Nì, tới đây ngửa mặt và há miệng ra!”. Có lẽ ai cũng nhớ câu “Nằm chờ sung rụng”…
Liên quan tới voi, riêng vợ chồng tôi, vốn nhát gan, ngó tới ngó lui tìm một chỗ chụp hình sao cho có hình con voi trong nền ảnh để lên phây tự sướng. Mà đây là triền dốc xuôi bờ khe nên chủ thế phải đứng ở dưới thấp và người bấm máy ở trên cao may ra mới thấy voi. Tôi đưa điện thoại nhờ Bích chụp giúp ít tấm hình, cơ mà khi xem lại chao ơi tấm nào 2 đứa cũng ngắn ngũn lùn tịt vì góc máy từ trên xuống. Thì ra nhiều khi góc nhìn của mình, những suy nghĩ và cách trình bày của mình cũng phiến diện và giới hạn như những anh mù đi coi voi!...
Mới đây đọc báo thấy nhà chức trách đã cấm cỡi voi ở Bản Đôn do có xảy ra tai nạn trầm trọng. Xin chúc mừng những anh em ai vừa rồi có cỡi voi thì nay đã có được những khuôn hình độc đáo và quý giá, vì từ nay không ai còn được dịp may mắn lên voi nữa.
Hơn 10 giờ, chúng tôi lên xe quay về thành phố để dùng bữa cơm gia đình do anh em 67 BMT mời. Nơi tụ hội là Quán Dê Ninh Bình. Khi chạy ngang Tòa Giám mục xe dừng lại để đón cha Ngọc Anh. Đây là lần đầu tiên đoàn Huế chúng tôi gặp nhân vật chính của sự kiện kể từ khi đặt chân lên đất BMT. Anh em mừng rỡ nói lời chào thăm nhau.
Ngay cửa ra vào của nhà hàng, chúng tôi thấy một dãy bàn thật dài đã được kê dọn sẵn; có lẽ theo yêu cầu của các bạn chủ nhà. Mọi người lần lượt ráp vào các ghế ngồi. Tuy đi lại hơi khó khăn vì các ghế ngồi kê sát nhau, nhưng cách sắp xếp nầy nói lên được sự gắn bó và hiệp nhất.
Cha Ngọc Anh đem tới mấy chai rượu Tây đãi khách. Chất men nồng được chia sẻ và mọi người nâng ly chúc mừng cha Anh và mừng nhau rồi cạn chén. Thức ăn đã được bày soạn trên bàn, ngon lành và bắt mắt. Thực khách bắt đầu dùng bữa trong bầu khí thân mật và vui vẻ. Tiếng nói cười râm rang. Dân mình có câu: “Ăn nói”; ăn và nói luôn đi với nhau. Thử tưởng tượng nếu một cỗ bàn đầy thức ăn cao lương mỹ vị, nhưng thực khách chỉ cúi đầu ăn uống mà không ai nói năng gì thì không khí hẳn là nặng nề, đồng thời cũng không cảm thấy ngon miệng. Vậy ăn cũng là dịp để nói, và ngược lại những câu chuyện thân tình vui tươi giúp cho thực khách cảm thấy ngon miệng hơn. Ăn và nói có tác động hỗ tương.
Đây là Quán dê Ninh Bình nên ai cũng chú ý thưởng thức món thịt dê. Riêng tôi lại có cảm tình với chữ Ninh Bình, bởi vì địa phận Phát Diệm (tình Ninh Bình) là nơi tôi nhiều lần lui tới từ 15 năm nay.
Xin nói đôi điều về Phát Diệm-Ninh Bình. Khi lần đầu đến đây, điều tôi lấy làm lạ là trải qua thời kỳ dài chiến tranh và bị áp bức nhiều cách (từ 1954) mà các nhà thờ không bị triệt hạ và các cộng đoàn xứ đạo vẫn sinh hoạt rất mạnh mẽ. Ở các vùng quê Phát Diệm và Bùi Chu ( tỉnh Nam Định) bạn có thể nhìn thấy nhà thờ bất cứ nơi đâu. Có nơi 2 nhà thờ đối diện nhau chỉ cách một con kênh nhỏ.
Tôi hỏi một linh mục lớn tuổi về những khó khăn trong thời bị bách hại. Ngài nói khoảng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, chỉ cần làm chú giúp lễ là đã đủ lý do để đi cải tạo rồi. Chính ngài bị đi tù vì không chịu từ bỏ ý định đi tu. Người ta nhốt ngài và một số anh em trong một căn phòng nhỏ. Trong đó trống trơn, chỉ có một bệ xi-măng dài để ngủ nghỉ, còn vấn đề vệ sinh tất cả ở một góc phòng. Nay tay chân ngài luôn ửng đỏ và run giật vì di chứng của những năm tháng nằm sàn lạnh vào mùa Đông mà không đủ chăn ấm. Ngài cũng kể, hồi đó Nhà Chung bị cô lập hoàn toàn; các cha đi ra ngoài thì gặp khó khăn, còn giáo dân lại sợ liên lụy không dám tiếp xúc hay liên lạc với các cha bên trong. Thế là bốn năm cha thầy trong Nhà Chung bị đói, có ngày mỗi người chỉ ăn một củ khoai mì cầm hơi. Ngài cho biết thêm, thời gian đó chính quyền mở chiến dịch tuyên truyền nói xấu tôn giáo. Ai gặp các cha mà sỉ vả thì gọi là “có đạo đức cách mạng”. Vậy là thỉnh thoảng, thường là chiều tà, lại có người đứng ngoài hàng rào phía sau Nhà Chung to tiếng chửi với vào, thậm chí còn đập thùng phang gậy ồn ào. Lạ một điều là những lúc ấy các cha rất vui, ngài dí dỏm “Tụi mình thật lòng thích ngày nào người ta cũng chửi bới như vậy!” Thấy tôi có vẻ ngẩn ngơ không hiểu, ngài giải thích vì đó là dấu hiệu được cung cấp lương thực. Các giáo dân quăng các bao đựng gạo hay khoai sắn thực phẩm vào khu vườn hoang phía sau, và, để khỏi bị người ta để ý, họ ra hiệu cho các cha bằng cách lớn tiếng rủa sả các ngài. Vậy là tối đến, sau khi nghe tiếng chửi, các cha các thầy mò ra vạt cỏ rậm để tìm hàng tiếp tế.
Xem ra nghịch lý, nhưng nhiều khi những lời khó nghe hay những điều không vừa ý lại đem đến những ích lợi cho bản thân.
Rời quán ăn, xe chạy dăm ba phút là tới Bảo tàng Cà-phê Trung Nguyên. Cơ sở nầy nằm trên một ngọn đồi thấp phủ cỏ non xanh tươi thật đẹp. Nhìn bên ngoài, khu nhà trưng bày được xây dựng theo lối kiến trúc Tây nguyên, mái chóp hình chữ A. Trưa nắng gắt, chúng tôi nhanh chóng lên đồi và di chuyển vào bên trong. Bên trong tường nhà nhìn chung như thể được đúc một khối kiểu hang động. Gần cửa ra vào là quầy lễ tân. Tiếp theo là các quầy trưng bày sản phẩm cà-phê và các nơi giới thiệu các hình ảnh và dụng cụ liên quan đến việc sản xuất, chế biến hay cất giữ cà-phê. Tổng thể thì cũng có ý tưởng và vui mắt. Chúng tôi lại có dịp chụp hình với những vị trí đẹp và lạ.
Nói đến cà-phê lại nhớ đến vụ tòa xử ly hôn, chia gia tài của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cuối năm ngoái. Vụ xử thu hút sự tò mò của nhiều người vì số tiền chia chác lên đến trên dưới 8 ngàn tỷ VNĐ. Tôi không theo dõi, nhưng tình cờ lần nào đó có bắt gặp câu nói của ông chủ Trung Nguyên rằng “Tiền nhiều để làm gì?”. Câu nầy gây tranh cãi trên mạng. Nhắc đến chuyện nầy tôi không có ý phê phán hay chê bai ai, bởi lẽ chính vợ chồng tôi trong đời sống hôn nhân cũng có khi bị cái cảm giác như đang “chênh vênh trên chiếc cầu dây” ở Bản Đôn. Điều tôi cảm nhận qua câu nói trên là hình như trong các mối tương quan, có cái gì đó quý giá, thanh cao và ý nghĩa hơn tiền tài vật chất, thế thôi.
Khi bàn luận về sản phẩm cà-phê của các thương hiệu có tiếng, chắc chắn trước hết người ta sẽ nói về hương vị. Hương vị cà-phê phải thơm, ngon, và độc đáo, gây ép-phê với người thưởng thức. Người ta cũng nói nhâm nhi ly cà-phê, chứ không khuyến khích uống kiểu “cà-phê gáo” bao giờ. Vậy, hương vị cà-phê hoặc hương vị đời sống là cái gì đó thật nhẹ nhàng, tinh tế, thanh cao, ý nhị, gợi hứng, vui tươi, từ tốn…
Cách đây mấy bữa, đứa con trai đầu của tôi, không biết cảm khái chuyện gì, than thở trên facebook: “Tôi nhận ra rằng hạng người xôi thịt… thì không bao giờ yêu nghệ thuật… Có ai chỉ ra được một nghệ sĩ giả dối?” Tôi đồng ý với nhận xét nầy; họ không “yêu”, và không thể “làm” nghệ thuật. Là vì nghệ thuật thì thanh cao, chân thật, còn những người xôi thịt thì trong đầu chỉ toàn tính toán với cân đo đong đếm số lượng, khối lượng hay trọng lượng thô kệch và nặng nề.
Tôi biết mình thiếu thực tế và hay mộng mơ. Cơ mà vẫn cứ thích mơ được thưởng thức hương vị của ly cà-phê, hương vị của đời sống, hương vị của các mối tương quan…
Loanh quanh chừng gần 1 tiếng, chúng tôi trở về nơi lưu trú ở Dòng NVHB nghỉ ngơi, tắm rửa…
Đến chiều, theo chương trình, cha Anh mời đoàn dùng cơm tại gia đình. Xe chạy khoảng mươi phút. Nhà cha Anh ở giáo xứ Châu Sơn, rất gần nhà thờ, chỉ cách một con đường. Tôi liên tưởng đến câu chuyện bà mẹ của Mạnh Tử 3 lần dời nhà để giáo dục con. Chính môi trường cũng góp phần không nhỏ vào việc hình thành tính cách con người. Nhà của 2 người em cha Ngọc Anh liền kề nhau, không có tường rào ngăn cách. Từ bên ngoài đã nhìn thấy những tấm rèm vải trang trí màu xanh trắng trang nhã.
Vào bên trong, chúng tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy có cha GB. Lê Quang Quý đang hiện diện trong phòng khách. Cha Quý là anh cả trong trong gia đình linh tông con cha Philiphê Trần Văn Hoài (†), trong đó có cha Ngọc Anh. Ngài vừa về hưu năm ngoái và nay phải di chuyền trên chiếc xe lăn vì căn bệnh tai biến. Đi lại khó khăn nhưng ngài vẫn cố gắng, vượt đoạn đường cheo leo 600 km, để được cận kề gần gũi bên người em linh mục trong ngày mừng Hồng Phúc 25 Năm lãnh nhận thánh chức. Sự có mặt của người anh cả làm cho không gian nơi đây càng thêm ấm cúng và chan hòa hơi thở thiêng liêng. Hình như dáng dấp vô hình của người Cha linh tông cũng đang hiện diện ở nơi cao đó, và âu yếm nhìn xuống những người con thân yêu với ánh mắt trìu mến.
Tình yêu không biên giới là thế! Tình yêu vượt thời gian và không gian là thế! Tình yêu cho người ta sức mạnh để thắng vượt mọi trở ngại. Thiếu tình thương sẽ phát sinh nhiều lý do để khiếm diện, và đương nhiên là những lý do xem ra rất lô-gíc. Nói như vậy để có thể hiểu được nhiều khi sự hiện diện của một người không đơn thuần là tự nhiên, nhưng ẩn dấu bên trong là câu chuyện của cả một cuộc tình.
Trên bàn khách danh dự, còn có Đức Ông Giuse Lê Văn Sỹ, TĐD Gp Nha Trang; ngài cũng là anh linh tông của cha Anh. Có cha Chính xứ và cha Phó xứ Châu Sơn. Đặc biệt, có cha Giuse Trần Văn Lộc và cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải là các cha giáo TCV Hoan Thiện. Có lẽ các ngài rất hạnh phúc khi nhìn thầy người học trò nhỏ bé của mình năm nào nay đã được đồng hàng trong thiên chức và đã bước được một bước dài trên con đường thánh thiện. Bạn cùng lớp hôm nay còn có cha Dụ, cha Nghiêm (cũng là thầy dạy), cha Cao, cha Luận, cha Bửu (68), cha Vinh (69) và thầy Danh.
Bữa tiệc hôm nay qui tụ những người trong gia đình cha Ngọc Anh, bạn bè thân quen, những người cọng tác việc tổ chức sự kiện và anh chị em HT67. Tất cả khoảng gần 200 thực khách.
Sau khi Cha xứ nguyện kinh xin Chúa chúc lành và cha Ngọc Anh trình bày lý do, mọi người nhập tiệc thưởng thức những món ăn ngon, chuyện trò vui vẻ và hít thở bầu khí gia đình.
Bữa tiệc càng thêm sinh động rộn rã nhờ có chương trình văn nghệ tự phát do các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” trình diễn. Dẫu nghiệp dư và tự phát nhưng các tiết mục múa hát rất đơn sơ và chân tình đã nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng.
Hơn 9 giờ, mọi người tạm biệt, chúc nhau giấc ngủ ngon và hẹn gặp lại trong ngày mai, ngày chính lễ.
Tác giả: Lê Xuân Hảo HT67
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế