Bài giảng lễ Thánh Tôma Thiện, bổn mạng Cựu chủng sinh Huế, của cha Phêrô Phan Văn Lợi
Ngày 21-09-2020 tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam.
“Ôi cái chết đẹp thay! Trên cổ một vòng dây! Cái vòng dây yêu mến, buộc lòng tớ theo Thầy”. Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ, đó là một câu trong bài hát tôn vinh thánh Tôma Thiện mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Thành thử tôi xin được lấy chữ “đẹp” làm nội dung cho bài giảng lễ. Có thể sẽ có người nghĩ: Kẻ tu hành không nên nói đến sắc đẹp, vẻ đẹp. Nhưng xin Anh Chị Em nhớ cho rằng Thiên Chúa là Đấng Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối, nghĩa là Sự thật tuyệt cao, Sự Thiện tuyệt hảo và Cái đẹp tuyệt vời. Thánh Augustinô cũng từng nói: “Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại, có tự ngàn đời mà vẫn luôn mới mãi, khiến con phải say mê”.
Giờ ta hãy thử phân tích thế nào là đẹp và những gì là đẹp. Một cách tổng quát, đẹp là sự hài hòa, hòa hợp giữa các thành phần khác nhau làm nên một thực thể nào đó. Ngôi nhà đẹp là sự hài hòa giữa các phần từ mái đến tường, từ cổng đến cửa, từ sân bên ngoài đến nội thất bên trong. Bức tranh đẹp là sự hài hòa giữa các màu sắc và đường nét. Bản nhạc đẹp là sự hài hòa, hòa hợp giữa các âm thanh và nhịp điệu. Vũ khúc đẹp là sự hài hòa giữa các cử điệu của thân thể và sự phối hợp giữa các vũ công. Khuôn mặt đẹp là sự hài hòa giữa mắt, mũi, miệng, môi, má, mái tóc, đôi tai, hàm răng. Thân hình đẹp là sự hài hòa giữa đầu, mình và chân tay, giữa màu làn da và màu làn tóc v.v…
Nhưng tất cả mọi cái đó chỉ là những vẻ đẹp thể lý nơi vật chất, vẻ đẹp thân thể nơi con người. Trên nữa còn có vẻ đẹp tinh thần. Đó là sự hài hòa của những khuynh hướng đủ loại nơi bản thân chúng ta, trong tâm hồn chúng ta. Trong thế kỷ 20, các nhà tâm lý học đã xác định được rằng nơi mỗi con người có 3 bản năng: bản năng sinh tồn, bản năng quyền lực và bản năng truyền sinh hay truyền giống. Ba bản năng này là 3 sức thúc đẩy cơ bản: bản năng sinh tồn thúc đẩy chúng ta ăn uống để sống còn, bản năng quyền lực thúc đẩy chúng ta tìm cách để được người khác công nhận, bản năng truyền sinh thúc đẩy chúng ta tìm cách tồn tại lâu dài nơi con cháu. Nhưng ba bản năng này rất dễ lộng hành, nổi loạn. Bản năng sinh tồn dễ khiến ta chỉ lo tìm cách hưởng thụ mọi thú vui như ăn uống ngủ nghỉ, mà quên những chuyện quan trọng; bản năng truyền sinh dễ khiến ta chỉ lo tìm đạt được thật nhiều khoái lạc xác thịt, bất chấp đạo lý hôn nhân; bản năng quyền lực dễ khiến ta thống trị kẻ khác và coi tha nhân là phương tiện cho mình… Những sự lộng hành thác loạn này làm tâm hồn chúng ta nên xấu xa. Nhưng từ 2000 năm nay, Giáo hội đã đề ra những phương cách giúp điều khiển ba bản năng ấy, đó là 3 lời khuyên, lời khấn Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Khó nghèo để chế ngự bản năng sinh tồn, khiết tịnh để chế ngự bản năng truyền sinh và vâng phục để chế ngự bản năng quyền lực. Tất cả nhằm tạo sự hài hòa trong con người, tạo ra nét đẹp cho tâm hồn, tạo ra những tâm hồn đẹp, tiến đến thành tâm hồn thánh. Vì thế mà có câu nói: “Mỗi vị thánh là một vẻ đẹp của Chúa Kitô toàn thể”.
Chúng ta cũng nghe nói đến cái chết đẹp: cái chết đẹp của chiến sĩ chống quân thù, cái chết đẹp của chiến sĩ chống bất công, cái chết đẹp của người hy sinh vì khoa học, cái chết đẹp của người hy sinh vì đức tin, vì Thiên Chúa.
Nhưng cái đẹp đâu chỉ dừng nơi mỗi cá thể, mỗi cá nhân. Còn có cái đẹp của tập thể nhiều con người, như một gia đình đẹp, một cộng đoàn đẹp.
Gia đình đẹp không phải là một gia đình có vợ chồng và con cái hay được các hãng quảng cáo đồ gia dụng mời quay phim, chụp ảnh, rồi thì ở trong một ngôi nhà xinh đẹp với vườn nhà xinh xắn, vợ chồng có nghề nghiệp hưởng lương cao. Không! Gia đình đẹp trước hết là sự gặp gỡ giữa hai người nam nữ mà ban đầu hoàn toàn xa lạ với nhau nhưng rồi nhớ thương nhau: “Gió sao gió mát sau lưng, Bụng sao bụng nhớ người dưng quá trời!” Rồi là sự kết hợp qua hôn nhân giữa hai cá nhân hoàn toàn khác nhau về thể chất, về tình cảm, về khuynh hướng, có khi về nhiều mặt khác nữa, nhưng vẫn chấp nhận nhau, hòa hợp với nhau, thề hứa cùng chung số phận, chia sẻ cuộc sống, liên kết với nhau vĩnh viễn qua đàn con rồi qua đàn cháu, có khi chung một mái nhà với nhiều thế hệ theo kiểu “tứ đại đồng đường”. Tôi từng gặp một anh thanh niên đã có vợ nhưng nay sống một mình trong một ngôi nhà to lớn xinh đẹp. Hỏi sao ra nông nỗi vậy? Anh ta cho biết lúc đầu hai vợ chồng quyết định xây nhà làm tổ ấm, nhưng rồi đâm ra cãi cọ nhau, không chịu nhau, rốt cuộc người vợ bỏ đi, cái nhà bây giờ thành tổ lạnh! Rồi trong gia đình nọ luôn có cảnh dĩa bay chén bay, vì người vợ mong cứ trẻ đẹp mãi nên lấy lương của chồng đi Spa ở khu suối nước nóng Thanh Tân, mua sắm đủ thứ thời trang đắt tiền, người chồng vì muốn tăng sinh lực nên bớt lương đưa cho vợ để đi ăn nhậu. Sao các cặp đó không biết rằng cái đẹp của đời sống gia đình đã lên bậc cao mới, không còn là hình thể đẹp, nhà cửa đẹp, y phục đẹp, nhưng là sự thuận vợ thuận chồng, là sự hòa hợp tính tình tính khí, là sự tha thứ lỗi lầm cho nhau, là không để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn như thư Êphêsô 4,26. Có những bà vợ cứ sợ rằng mình già đi thì sẽ xấu đi, chồng chê chồng bỏ, nên tìm cách níu kéo tuổi xuân, nét xuân, đi ngược lại luật Tạo hóa. Như thế là bế tắc! Phải làm sao để cả hai càng già thì càng dễ thương hiền dịu, càng hy sinh quên mình, càng vui vẻ chịu đựng, càng tận tụy sớm hôm, làm gương cho con cháu. Như thế mới là càng đẹp đúng theo nghĩa gia đình đẹp.
Còn cái đẹp nơi một cộng đoàn như cộng đoàn dòng tu, cộng đoàn giáo xứ thì sao? Phải chăng là có nhà thờ đẹp, nhà mục vụ đẹp, đồng phục hội đoàn đẹp, lễ nghi phụng vụ đẹp? Hay thậm chí như các dòng nữ, có một đội vũ đẹp từ các em thanh tuyển, tập sinh, đến độ mỗi lần trình diễn tại linh địa La Vang thì khiến nhiều thanh niên ngồi xem phải say mê, buột miệng: “Đẹp rứa mà đi tu uổng quá!” Không! Cộng đoàn đẹp chính là dù có hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người, bá nhân bá tánh, vạn ý vạn lời, nhưng vẫn luôn hòa hợp, đồng lòng, đoàn kết với nhau, hiệp nhất trong đa diện, vì cuộc sống chung cho đức tin và đức cậy, hoặc vì cuộc sống chung cho ơn gọi và đặc sủng của dòng.
Vẻ đẹp của tập thể đông đảo này, sự hòa hợp giữa mọi tâm tính khác nhau này mang một cái tên rất tuyệt vời, đó là tình yêu. Tình yêu chính là cái đẹp thể hiện ở mức độ cao nhất, tình yêu là mức độ cao nhất của cái đẹp!
Và đến đây, chúng ta tự hỏi: ai là tác nhân gây nên tình yêu, tạo ra sự liên kết giữa loài người như thế. Thưa đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã biết Thánh Thần là Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết Chúa Cha và Chúa Con để Ba ngôi thành một bản thể. Và Người cũng là giây liên kết giữa chúng ta, đổ đầy tình yêu vào lòng chúng ta.
Từ đầu, chúng ta đã nói: Thiên Chúa Ba Ngôi là Chân, Thiện, Mỹ: Chúa Cha là Sự Thiện, Sự Thiện Hảo, Sự Tốt Lành, như Đức Giêsu từng trả lời anh thanh niên giàu có: “Không có ai tốt lành cả, ngoại trừ một mình TC” (Mc 10,18). Chúa Con là Sự Thật, như Đức Giêsu từng khẳng định: “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Vậy Thánh Thần chính là Sự Mỹ, Sự Đẹp, là Tình yêu. Trong kinh “Lạy Thánh Thần Sáng Tạo, xin ngự đến” (Veni Creator), chúng ta xưng tụng Người “là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào” tức là lửa tình yêu, suối thương mến, và cầu xin Người “đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn tín hữu”. Nhưng dù là Chân, Thiện, Mỹ, chung quy lại cũng chỉ là Tình yêu. Sự Thánh thiện, Sự Tốt lành nơi Thiên Chúa và nơi chúng ta, đó là yêu thương. Rồi trên đời này, chỉ có một Sự Thật duy nhất bao trùm mọi sự thật, đó là Thiên Chúa là Tình yêu, là Lòng mến, và mọi việc Người làm đều vì lòng mến, vì tình yêu. Chính vì thế mà Người là Vẻ Đẹp khiến thánh Augustinô và mọi vị thánh đều say mê chiêm ngưỡng. Trong Thánh lễ vào sáng ngày 13-11-2015 tại nguyện đường Thánh Mác-ta ở Vatican, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng đã nói: “Thiên Chúa là vẻ đẹp vĩ đại”!
Trở lại với những cái chết đẹp, chúng ta cũng thấy cái đẹp đi liền với tình yêu. Cái chết của người chiến sĩ sở dĩ đẹp là vì lòng yêu mến tổ quốc. Cái chết của nhà đấu tranh sở dĩ đẹp là vì lòng yêu mến công lý. Cái chết của nhà khoa học sở dĩ đẹp là vì lòng yêu mến nhân loại. Cái chết của vị thánh nhân sở dĩ đẹp là vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Hôm nay, mừng hai vị Tử đạo là Linh mục Phanxicô Jaccard và Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện đã có cái chết đẹp vì mến yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống đẹp bằng cách yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Văn hào Dostoievsky của Nga có nói một câu nổi tiếng: “Chính cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Cái đẹp đây không phải là cái đẹp nơi những cuộc thi hoa hậu, nơi những người mẫu chân dài, nhưng chính là tình yêu. Chính tình yêu, và chỉ tình yêu mới có thể cứu rỗi thế giới. Vậy chúng ta hãy yêu thương để góp phần cứu rỗi thế giới và bản thân mình. Có như thế mới đẹp lòng Thiên Chúa vậy. Amen.
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo phận Huế, 21-09-2020