Giáo hội và mạng xã hội: Ứng dụng mạng xã hội vào sứ mạng loan báo Tin Mừng

Chủ nhật - 13/11/2022 09:47
Những người lãnh đạo trong Giáo hội, đặc biệt là các Giám mục cần hiểu về các mạng xã hội và áp dụng sự hiểu biết này trong việc xây dựng các kế hoạch, chính sách và chương trình mục vụ của mình. Khi có điều kiện, các ngài cũng nên tự học về các mạng xã hội.
giao hoi va mang xa hoi
 
Lời nói đầu

Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19-20). Thế nhưng, để thi hành huấn lệnh này trong thời đại ngày nay - một thời đại khác biệt với thời của Chúa Giêsu - chúng ta không nhất thiết phải ra đi đến khắp mọi nơi.

Là người Công giáo, ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng như của Giáo hội là trở thành người đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người. Chúng ta được kêu gọi để trở thành người chia sẻ với người khác những niềm vui và những gọi mời của đức tin. Vì tầm quan trọng của sứ vụ này, nên chúng ta cần sử dụng tất cả những phương tiện tốt nhất hiện có.

Theo dòng lịch sử, phương tiện mà Giáo hội sử dụng để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng đã được hỗ trợ bởi các công nghệ theo từng thời kỳ. Đối với Thánh Phaolô Tông đồ, đó là hệ thống đường sá La Mã. Đối với thời kỳ Cải Cách, đó là máy in. Đối với chúng ta ngày nay, đó là sức mạnh của Internet, thứ đang nằm trong tầm tay của gần như tất cả mọi người. Điều này có được là nhờ công nghệ hiện đại và sự ra đời của các mạng xã hội. Trong thời đại này, chúng ta có thể tiếp cận và giảng dạy cho hầu hết mọi người trên thế giới thông qua một thiết bị đơn giản mà chúng ta cầm trên tay. Thiết bị đó có thể là một máy tính xách tay hoặc một chiếc điện thoại di động trong túi chúng ta. Thế giới đã thay đổi và mở ra những cơ hội lớn cho Giáo hội trong thời đại hôm nay.

Trong kỷ nguyên hiện đại này, chúng ta đang bị bao vây và đôi khi bị tra tấn bởi các thiết bị điện tử - máy tính, điện thoại thông minh, Ipad, máy tính bảng - và các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok... Thế nhưng, trong mọi hoàn cảnh, Giáo hội Công giáo và các vị Giáo hoàng trong 50 năm trở lại đây (hoặc có thể lâu hơn) đã luôn nhấn mạnh: phải khai thác triệt để những cơ hội này để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội.

Trong trường hợp ở Châu Âu và Châu Mỹ, sự tham dự thánh lễ của giáo dân trong các nhà thờ nhìn chung đang suy giảm nhanh chóng và cần phải có một giải pháp tức thời. Ngay cả đối với các nhà thờ ở Châu Phi vốn được cho là có đông giáo dân tham dự thánh lễ, thì các nhà thờ này cũng chỉ đón tiếp một số giáo dân tham dự thánh lễ trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, những tín hữu này và cả những người xung quanh họ đang dành một lượng lớn thời gian để kết nối và đắm mình trong các mạng xã hội.

1. Quan điểm của Giáo hội về việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội

Trong tài liệu của Công đồng Vatican II năm 1963, “Inter Mirifica” (Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội), các nghị phụ Công Đồng đã nhìn thấy cần phải giáo dục mọi người trong Giáo hội biết sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để thăng tiến đời sống của Giáo hội.

Vào Ngày thế giới truyền thông xã hội được tổ chức lần đầu tiên năm 1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói rằng: “Trong một hiện trạng rộng khắp và phức tạp của các mạng xã hội hiện đại, chẳng hạn như báo chí, phim ảnh, phát thanh và truyền hình, ở đó bày tỏ và hiện thực hóa một kế hoạch tuyệt vời bởi sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng mang đến cho nhân loại những cách thức mới mẻ chưa từng có để đạt đến sự trọn hảo và cùng đích tối hậu.” Tuy nhiên, ngài cảnh báo rằng: “Dù xuất sắc đến đâu đi nữa, người ta cũng không thể bỏ qua sự nguy hiểm và thiệt hại mà những phương tiện này có thể gây ra cho cá nhân và xã hội, khi chúng không được sử dụng bởi những người có tinh thần trách nhiệm hoặc có ý hướng lương thiện, phù hợp với trật tự đạo đức khách quan”.

Ngày nay, các mạng xã hội và các phương tiện đi kèm trong việc truyền tải thông tin đang phát triển nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nắm bắt. Vào Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 36 năm 2002, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặc biệt nhắc đi nhắc lại về internet khi ngài nói: “Giáo hội tiếp cận phương tiện mới mẻ này với thái độ thực tiễn và tin tưởng. Cũng như những phương tiện truyền thông khác, đây là một phương tiện chứ không phải là cùng đích tự thân. Internet có thể ban tặng những cơ hội tuyệt vời để loan báo Tin Mừng nếu nó được sử dụng cách thành thạo và khi ta ý thức rõ đến mặt mạnh và mặt yếu của nó”.

Sau khi suy xét việc sử dụng các mạng xã hội, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Khi sử dụng các công nghệ hiện đại và các mạng xã hội, điều quan trọng là phải biết cách đối thoại và phân định để biểu lộ một sự hiện diện đầy lắng nghe, thân tình và khích lệ. Các con đừng sợ! Hãy để mình hiện diện theo cách này, hãy biểu lộ bản sắc Kitô hữu của mình khi các con trở thành công dân của thế giới kỹ thuật số. Một Giáo hội bước theo con đường này là một Giáo hội học được cách đi cùng với tất cả mọi người".

Trong bài phát biểu trước Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội vào ngày 27 tháng 6 năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi: “Một lục địa kỹ thuật số rộng lớn không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn bao gồm những người nam và nữ thực sự, họ mang đến đó niềm hy vọng, sự đau khổ, mối quan tâm và sự tìm kiếm những gì là chân thật, đẹp đẽ và tốt lành. Bằng niềm hân hoan và hy vọng, chúng ta cần mang Chúa Kitô đến cho họ giống như Mẹ Maria mang Chúa Kitô đến trong tâm hồn của mọi người;… Nhiệm vụ của các mục tử là giảng dạy và hướng dẫn các tín hữu để họ đạt đến ơn cứu độ và sự hoàn thiện của bản thân, cũng như của toàn thể gia đình nhân loại. Với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông này, nhiệm vụ của các vị mục tử sẽ đạt hiệu quả hơn. Hơn nữa, các tín hữu phải cố gắng làm cho tinh thần Kitô giáo thấm đượm vào những phương tiện truyền thông này, để chúng có thể hoàn toàn đáp ứng những kỳ vọng lớn lao của nhân loại và đúng theo ý định của Thiên Chúa.”

Trong kế hoạch hướng đến tương lai, Giáo hội phải tham gia vào việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nhưng để thực hiện điều này, Giáo hội cần sự khôn ngoan và có kế hoạch toàn diện. Trước tiên và trên hết, đó là sự khôn ngoan để nhận biết các phương tiện truyền thông xã hội chỉ đơn thuần là một công cụ. Nó giúp Giáo hội: tham gia vào những cuộc đối thoại; chia sẻ những mối quan tâm; và sáng tạo những nội dung. Còn các ứng dụng kỹ thuật số, các công cụ truyền thông bằng máy vi tính, các công nghệ di động và các trang web thì tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền tải những nội dung trên.

Công nghệ kỹ thuật số không còn là một không gian xã hội mang tính dự phòng nữa, giờ đây nó trở thành nền tảng chính để cung cấp và tiếp nhận thông tin. Tính chất liên tục và linh hoạt của internet đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm cùng sở thích, và cho phép một sự tích hợp lớn về ý thức hệ.

Nhiệm vụ đi khắp tứ phương thiên hạ của các Kitô hữu sẽ không còn thực hiện bằng cách cưỡi lừa vào thành Giêrusalem nữa, mà là đi vào những không gian ảo được tạo sẵn thông qua công nghệ kỹ thuật số. Trong nền văn hóa kỹ thuật số hiện nay, cũng như trong mọi thời đại, nhiệm vụ của các Kitô hữu vẫn luôn là loan báo Tin Mừng cho thế giới. Mỗi tín hữu thực hiện điều này bằng cách chia sẻ những câu chuyện cụ thể của mình. Qua việc trình bày cách công khai chân lý được mô tả trong Kinh Thánh, những người của thế hệ này cũng như những thế hệ trước, kể lại chân lý về Thiên Chúa theo cách thích hợp của thế hệ mình.

2. Thái độ của một số Kitô hữu đối với mạng xã hội

Ngày nay, trong một số địa hạt Kitô giáo, người ta rất khó tìm được những người nói tích cực về các mạng xã hội. Đa số tín hữu ở những địa hạt này thường lan truyền sự khinh miệt công khai đối với các phương tiện truyền thông hiện đại. Họ thường kết luận cách chắc chắn rằng: chính các mạng xã hội gây ra những tuyệt vọng và bi quan trong xã hội. Một số bài báo đã được viết ra để nói về cách thức các mạng xã hội hủy hoại đời sống cộng đoàn. Ở đây, tôi không giảm bớt hay phủ nhận những khía cạnh tiêu cực của các mạng xã hội, đặc biệt khi nó liên quan đến Giáo hội Công giáo, nhưng tôi có một cách tiếp cận khác trong bài viết này.

Lý do mà họ đưa ra rất đơn giản và đôi khi là chính đáng. Đúng là các mạng xã hội tạo ra những diễn đàn đầy thách thức và không thân thiện. Ngày nay, một cuộc thảo luận trên các mạng xã hội thường rất dễ biến thành một cuộc tranh luận, rồi cuộc tranh luận đó lại biến thành một cuộc chiến và trong cuộc chiến sẽ xuất hiện những sự vu khống.

Nhưng đó lại chính là lý do để các tín hữu Công giáo cần phải trình bày thông điệp về tình yêu và niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô trên các mạng xã hội này. Bây giờ là lúc để cho thế giới thấy: thế nào là một đời sống Kitô hữu đích thực, là yêu thương người lân cận như chính minh, là bảo vệ sự sống dưới mọi hình thức và thế nào là tôn thờ Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Các mạng xã hội cho phép chúng ta giao tiếp với hàng trăm nghìn người chỉ bằng một cú nhấp chuột. Vậy còn nơi nào tốt hơn Facebook, Twitter, Instagram, YouTube v.v... để lan truyền những thông điệp về hy vọng và tình yêu này!

Nhìn nhận các mạng xã hội như một món quà đặc biệt từ Thiên Chúa chính là bước khởi đầu trong việc sử dụng các mạng xã hội để làm chứng cho Chúa Kitô và loan báo những kỳ công vĩ đại của Người. Trong thông điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ám chỉ đến điều này khi nói: “Thư điện tử, tin nhắn, các mạng xã hội và trò chuyện trực tuyến (chat) cũng có thể là những hình thức truyền thông đầy tính nhân văn. Không phải công nghệ xác định truyền thông có xác thực hay không, mà là trái tim và khả năng của con người có biết sử dụng các phương tiện sẵn có một cách khôn ngoan hay không”.

Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta có thể sử dụng các mạng xã hội của mình để mời mọi người tham dự Thánh lễ, yêu mến Thiên Chúa, đi xưng tội và tham gia nhiều sự kiện Công giáo khác. Do đó, chúng ta phải thừa nhận rằng bạn bè trên Facebook của chúng ta hoặc hàng nghìn người theo dõi tài khoản Twitter của giáo xứ chúng ta chính là những cộng đồng thực sự. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải sử dụng các mạng xã hội để phục vụ và hướng dẫn những cộng đồng này, bằng cách cung cấp cho họ những nội dung giúp họ gặp gỡ được Chúa Giêsu. Cho dù đó là một câu trích dẫn truyền cảm hứng, một lời an ủi từ Kinh thánh, một video giáo lý, một Thánh lễ hoặc một sự kiện được phát trực tiếp... tất cả đều chia sẻ sự phong phú trong truyền thống Công giáo của chúng ta. Chúng ta cần cung cấp một điều gì đó thực sự có giá trị cho bạn bè và những người theo dõi chúng ta trên các mạng xã hội. Nếu nội dung chia sẻ có ý nghĩa, thì chúng ta đang đưa mọi người đến gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.

Một nội dung có ý nghĩa thì luôn mang tính hai mặt: tính chân thực và tính dễ bị tổn thương. Khi cuộc sống diễn ra trên các mạng xã hội và mọi người bị tấn công bởi quảng cáo và tiếng ồn, thì tính chân thực luôn được ước mong. Họ mong ước một điều gì đó an ủi, bền vững và giúp họ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống hiện đại xô bồ. Quả thật, điều gì đó chính là một Con Người và Con Người đó chính là Đức Giêsu Kitô.

Trong vai trò Giám đốc truyền thông ở Nigeria và bây giờ là tại RECOWA / CERAO, tôi đã chứng kiến mọi người hưởng ứng mạnh mẽ thế nào với những video ngắn, những suy tư chân thực và những bức ảnh mang tính giáo dục về đời sống thiêng liêng. Thông thường, họ tương tác với một số giám mục của chúng tôi – những người sử dụng các mạng xã hội để đăng những suy niệm hàng ngày – qua việc đặt các câu hỏi và xin những lời cầu nguyện. Tương tự như vậy, các giáo xứ cũng sử dụng các mạng xã hội để làm nổi bật các sự kiện, chia sẻ những lời khôn ngoan từ các mục tử, cung cấp các phương pháp về cầu nguyện và suy tư cho các tín hữu,... tất cả đều đang được sử dụng thông qua các mạng xã hội và đang giúp thăng tiến đời sống giáo dân và mọi người.

Các mạng xã hội cũng khiến người sử dụng dễ bị tổn thương hơn. Đây là đặc tính vốn có và thường xuyên của các mạng xã hội khi người sử dụng công khai những hy vọng, ước mơ, cảm xúc, ý kiến và trải nghiệm hàng ngày của họ để mọi người cùng xem.

Ngày nay, nhiều người sống cuộc sống của họ trên các mạng xã hội và họ cũng mong đợi các đoàn thể trong giáo xứ của họ cùng tham gia với họ trên đó. Thật cần thiết khi các giáo xứ, các trường học và các giáo phận của chúng ta cũng tham gia vào các mạng xã hội, sử dụng ngôn ngữ thân thiện và cho mọi người thấy “đằng sau hậu trường” của các cộng đoàn này. Điều này cho phép chúng ta trình bày một Giáo hội bao gồm những con người, với tất cả những vinh quang và gian khổ, với những nỗ lực hết mình để phụng sự Thiên Chúa. Theo cách này, chúng ta vừa là những người chân thực, cũng vừa là những người dễ bị tổn thương.

Chúng ta không thể vô tâm và khinh miệt các mạng xã hội chỉ vì nó có thể thường xuyên gây ra những tổn thương. Thay vào đó, nếu chúng ta mang một tinh thần yêu thương và vui mừng được khơi nguồn từ Đức Kitô vào trong mọi việc chúng ta làm trên các mạng xã hội, thì chúng ta đang cung cấp một chứng tá vô cùng thuyết phục. Chính Đức Kitô đã nói với chúng ta rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Không có gì đúng đắn hơn, không có trình thuật nào mạnh mẽ hơn và cũng không có sứ điệp nào mang tính mời gọi hơn Tin Mừng. Chúng ta hãy cố gắng chia sẻ điều đó thông qua gương sống chứng tá yêu thương của chúng ta trên các mạng xã hội.

3. Các mạng xã hội trong việc phục vụ của Giáo hội

Ngay từ những ngày đầu, Giáo hội Công giáo đã đặt một sự quan tâm lớn vào việc loan báo sứ điệp Tin Mừng. Sự quan tâm này đã được nhiều người thực hiện theo nhiều cách khác nhau và một trong những cách quan trọng là thông qua lĩnh vực công nghệ và các mạng xã hội đang phát triển.

Giờ đây, mọi người được liên kết với nhau hơn bao giờ hết nhờ vào các mạng xã hội trên mạng internet. Tiềm năng loan báo Tin Mừng qua các mạng này gần như không giới hạn và nhiều người vẫn chưa khám phá hết tiềm năng của nó. Theo trang internetworldstats.com, hơn 270 triệu người ở Bắc Mỹ sử dụng internet và con số đó đang tăng lên nhanh chóng. Trong một nghiên cứu tương tự, trang b2bsocialmediaguide.com tuyên bố rằng 73% người dùng internet ở Hoa Kỳ tiếp cận Facebook, người khổng lồ đi đầu về mạng xã hội.

Tôi nghĩ rằng thật là khinh suất khi Giáo hội và các thành viên của Giáo hội không sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách sử dụng các mạng xã hội, chúng ta có thể loan báo Tin Mừng qua video về mọi thứ, từ các cuộc trò chuyện cho đến việc hộ giáo. Tương tự như vậy, Giáo hội có thể sử dụng các mạng xã hội để truyền tải các chuyên đề có sức ảnh hưởng, làm thay đổi cuộc sống và mở rộng tầm nhìn của mọi người về chân lý hoặc truyền cảm hứng để họ tìm hiểu thêm.

Nhiều tổ chức Công giáo đang sử dụng các mạng xã hội để loan báo Tin Mừng. Ví dụ, trang Catholic Online trên Facebook có hơn 35.000 lượt “thích”, có nghĩa là khi họ đăng tải nội dung trên trang Facebook của họ, tất cả những người thích họ có thể sẽ nhìn thấy nội dung đó trên bản tin của mình. Những người “thích” họ cũng có quyền truy cập dễ dàng hơn vào nội dung của họ trên Facebook và có nhiều khả năng truy cập trang web của họ hơn.

Thông qua các mạng xã hội, Giáo hội Công giáo có tiềm năng loan báo Tin Mừng bằng cách quảng bá sách Công giáo, chuỗi Mân côi, các ảnh tượng, phẩm phục của giáo sĩ, các vật dụng thánh, v.v… Mạng xã hội sẽ thu hút sự chú ý của thế giới nếu được sử dụng đúng cách và nhiều nhóm Công giáo hiện đang làm điều đó. Rất dễ dàng nhìn internet và các mạng xã hội với những sai lỗi và các lạm dụng của nó. Tuy nhiên, tôi mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt là các giám mục, linh mục và tu sĩ phải nhanh chóng khám phá ra tiềm năng của các mạng xã hội trong việc loan báo sứ điệp Tin Mừng và thi hành các điều tốt đẹp bằng các phương tiện sẵn có trong tay. Hãy nhớ rằng: “Điều kiện để cái ác giành chiến thắng là khi những người tốt không làm gì cả” – Edmund Burke.

4. Tiếp cận con người trong thời đại kỹ thuật số

Có nhiều người không bao giờ chấp nhận lời mời từ những người bạn Kitô giáo để tham gia vào các việc công ích của giáo xứ hoặc vào các nhóm nhỏ học Kinh thánh. Tuy nhiên, những người này có thể thích truy cập và xem một video với thông điệp Kitô giáo hấp dẫn được đăng tải trên Twitter bởi những người bạn Công giáo. Một người có thể không bao giờ nghĩ về việc tìm đến Giáo hội để được giúp đỡ trong cơn khủng hoảng của mình, nhưng người đó có thể tìm thấy một nhóm hỗ trợ những người sầu khổ của Giáo hội khi đang lướt tin tức trên google, hoặc đăng nhập vào blog của một người bạn. Những người bạn cũ có thể chẳng còn gặp mặt với nhau được nữa, thế nhưng một người vẫn có thể dễ dàng liên hệ với một người bạn cũ Kitô giáo thông qua tin nhắn cá nhân trên Facebook, để xin lời cầu nguyện, tư vấn hoặc hướng dẫn tâm linh.

Khác với nhiều công nghệ và tiến bộ trong quá khứ, vẻ đẹp của kỷ nguyên kỹ thuật số nằm ở chỗ chi phí ban đầu khá thấp. Việc tạo lập hầu hết các tài khoản mạng xã hội đều được miễn phí. Blog và các trang web có thể không trả phí hoặc chỉ với một vài USD / một tháng để quản lý. Việc tạo ra các video và audio (Podcast) có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Đã qua rồi những ngày tháng cần đến các nhà phát hành sách để quảng bá rộng rãi ý tưởng, cũng không còn cần đến studio sản xuất để dựng phim, hay một đội ngũ chuyên nghiệp để thu âm giọng hát của bạn. Hiện nay, chỉ cần có internet, một phương tiện mà mọi người đều có thể sử dụng. Người dùng nào có nội dung đáng giá và hấp dẫn sẽ được đưa lên hàng đầu, còn những nội dung nhàm chán hoặc không hợp thời sẽ chẳng được ai đoái hoài. Đây không phải là vấn đề về chi phí đầu tư, nhưng liên quan đến việc thu hút thế giới bằng những tiếng nói chân thực và có giá trị.

Giáo hội tồn tại không với mục đích nào khác hơn ngoài việc dẫn đưa mọi người đến với Chúa Giêsu và làm cho mọi người trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúng ta hãy mạnh dạn dấn thân với một óc sáng tạo, ngập tràn táo bạo và với những công cụ mới kỳ diệu trong tay chúng ta để sẻ chia Tin Mừng cho nhiều người hơn nữa. Như Chúa Giêsu đã làm, chúng ta cũng hãy làm một cuộc nhập thể; nhận thấy chính mình trong mọi người ở mọi nơi, mọi lúc. Bằng cách đó, Lời sẽ trở nên kỹ thuật số và cư ngụ giữa chúng ta.

5. Chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho các mạng xã hội?

Nhà nghiên cứu Jason Mander tại Global Web Index gần đây đã minh định một thực tế rằng tổng thời gian online trung bình trong một ngày qua máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại và máy tính bảng ở Mỹ đã tăng từ 5,5 giờ trong năm 2012 lên 7,5 giờ trong năm 2018. Trong đó, truy cập mạng xã hội là một trong những mục đích chính của người dùng. Theo nghiên cứu của Mander, trung bình một người dành 2 giờ mỗi ngày cho các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram; và con số đó vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng năm.

Mọi người đang nối kết, tìm kiếm bạn bè, hẹn hò, đọc tin tức và chúc mừng các sự kiện quan trọng trong đời sống của nhau. Ngoài ra, việc mua sắm, vui đùa và học tập trực tuyến cũng ngày càng nhiều. Những việc trên chiếm nhiều thời gian hằng ngày của mọi người hơn hầu hết các hoạt động khác của họ. Thế nên, cơ hội vàng này cần được Giáo hội khai thác triệt để, vì mạng xã hội cho đến nay vẫn là vùng đất mới cho sự hiện hữu mang tính biến đổi đời sống của Tin Mừng Chúa Giêsu.

Các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng: Là thành phần của thế giới đang nhanh chóng trở thành một “ngôi làng toàn cầu”, Giáo hội cũng đang kinh qua những cơ hội và thách đố trước sự phát triển nhanh chóng của nền kỹ thuật truyền thông. Thú vị thay, môi trường truyền thông của Giáo hội được xây dựng bởi, không phải một hoặc hai, nhưng là tới bốn hình thức của văn hóa truyền thông, đó là truyền khẩu, in ấn, phát thanh truyền hình và kỹ thuật số. Trong khi sự chuyển dịch từ hình thức này sang hình thức khác là bản sắc của xã hội, thì hiện trạng của Giáo hội chúng ta lại không như vậy. Bằng sự dấn thân ngày càng nhiều vào diễn đàn kỹ thuật số do các mạng xã hội tạo ra, những người trẻ đang thiết lập các hình thức tương quan liên vị mới, tạo ra nhận thức mới về bản thân và đặt ra các vấn đề liên quan đến cách thức hành động đúng đắn hơn cho chính bản thân mỗi người.

6. Chúng ta hãy đi đến nơi những người hiện đại đang ở

Vincent Donovan (nhà thừa sai cho người Masai tại Tanzania trong những thập niên 60 và 70) đã đề cập trong cuốn “Christianity discovered” (Tạm dịch là Khám phá Kitô giáo) của mình: “Loan báo Tin Mừng là một tiến trình mang Tin Mừng đến cho mọi người tại chính nơi họ ở, chứ không phải tại nơi mà bạn muốn họ ở… Khi Tin Mừng vươn tới được con người tại chính nơi họ ở, thì sự đáp trả của họ đối với Tin Mừng sẽ sinh ra Giáo hội tại một vùng đất mới”.

Dù chúng ta có muốn hay không, xu hướng hiện nay vẫn là: ngày càng ít người đến tham dự các buổi phụng vụ tại các nhà thờ, kể cả trong số những người sùng đạo nhất, nhưng số người dành buổi sáng Chúa Nhật của họ (và cả những ngày khác) trên mạng xã hội thì ngày càng tăng. Như Donovan đã nhắc nhở chúng ta, Loan báo Tin Mừng là mang Chúa Giêsu đến cho mọi người tại chính nơi họ ở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc học tập ngôn ngữ và văn hóa của họ để thu hút họ đến với sứ điệp có sức canh tân đời sống của Tin Mừng. Khi làm như vậy, chúng ta bắt đầu khai phá để xây dựng Giáo hội tại một vùng đất mới.

Là một người chịu trách nhiệm để sử dụng các mạng xã hội giúp nâng cao hình ảnh của Giáo hội ở Tiểu vùng Tây Phi, tôi đã thấy được những hoa trái và giới hạn của các mạng xã hội. Giáo hội Công giáo nên nắm lấy các mạng xã hội hoặc ít nhất chấp nhận nó, không phải như một giải pháp nhất thời để vượt qua khó khăn, nhưng là một phương tiện để bắt đầu một cuộc đối thoại, để chuẩn bị và tiếp cận mọi người tại nơi họ ở. Sứ điệp về tự do đích thực và đời sống mới trong Chúa Giêsu Kitô, cũng như lời kêu gọi sống đời sống mới đó trong Giáo hội thì thật đáng giá để chúng ta phải sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã chia sẻ trong Sứ điệp ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 44: “Sự bùng nổ tăng trưởng gần đây của các phương tiện truyền thông hiện đại và ảnh hưởng xã hội lớn lao của chúng đã làm cho chúng trở nên phương tiện quan trọng hơn bao giờ hết để giúp cho thừa tác vụ linh mục sinh được nhiều hoa trái”.

Như chúng ta đã biết, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là một người ủng hộ các mạng xã hội và ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên sở hữu tài khoản cá nhân trên YouTube và Facebook. Ngài ủng hộ việc sử dụng mạng xã hội với mục đích loan báo sứ điệp Tin Mừng cho người trẻ, cũng như cho những ai am tường về công nghệ. Phương tiện này cũng là một công cụ mạnh mẽ cho hàng giáo sĩ. Ngài kết luận: “Các linh mục được mời gọi loan báo Tin Mừng bằng cách sử dụng những tài nguyên nghe - nhìn thuộc thế hệ mới nhất (hình ảnh, video, phim ảnh, blogs, websites), cũng như những phương tiện truyền thống. Điều này có thể mở ra những triển vọng to lớn mới mẻ cho việc đối thoại, loan báo Tin Mừng và dạy giáo lý”.

7. Tác dụng phụ của các mạng xã hội đối với việc loan báo Tin Mừng

Thế giới các mạng xã hội đã mang lại tiềm năng to lớn cho những ai ước ao loan báo sứ điệp Tin Mừng, thế nhưng đi kèm với nó là những mối nguy bất ngờ. Đức Bênêđictô XVI đã chấp nhận các mạng xã hội với những tiềm năng to lớn của nó, vì chỉ với một cái nhấp chuột, Kitô hữu có thể đưa sứ điệp Tin Mừng và lời kêu gọi bước theo Chúa tới hàng triệu người tin và không tin. Nhưng ngài cũng không thể làm ngơ trước những thách thức mà công nghệ kỹ thuật số đặt ra cho Giáo hội ngày nay. Ngài nhận ra rằng truyền thông kỹ thuật số có thể khiến sự tương tác giữa chúng ta bị phiến diện, bởi vì nó chỉ chia sẻ một vài khía cạnh trong thế giới nội tâm của con người, tạo nên những hình ảnh lệch lạc về bản thân và dẫn đến sự buông thả. Điều này có thể được nhìn thấy nơi những người sống ảo, sống giả tạo trên mạng, đặc biệt là cách họ tạo các thông tin cá nhân.

Những mối nguy tiềm tàng khác trong thời đại kỹ thuật số còn bao gồm: việc thiếu vắng sự hiện diện trực tiếp của những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày; việc mất tập trung vì luôn bị lôi kéo và chia cắt giữa thế giới thật đang sống với thế giới ảo trên mạng; việc thiếu dần các suy tư phản tỉnh để phân định các chọn lựa; việc thiếu khả năng nuôi dưỡng những tương quan mật thiết và lâu bền với tha nhân, thể hiện rõ nơi những đổ vỡ trong đời sống xã hội, hôn nhân và gia đình. Với hiện trạng như vậy, các giám mục, linh mục và tu sĩ được kêu mời đương đầu với những thách đố nguy hiểm này trong kỷ nguyên của Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác. Về cơ bản, chúng ta buộc phải hỗ trợ những người trẻ nhận thấy nơi Đức Kitô sự khỏa lấp tròn đầy và chân thực cho những khát khao căn bản về tương quan liên vị, sự hiệp thông, và ý nghĩa ẩn tàng dưới sự phổ biến rộng lớn của các mạng xã hội.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đề xuất một vài gợi ý để giúp những người làm công tác truyền thông có thể loan báo Tin Mừng thông qua những phương tiện truyền thông mới này. Ngài khuyên chúng ta có thể loan báo Tin Mừng bằng cách: tích hợp nội dung tôn giáo vào trong các nền tảng truyền thông khác nhau; thể hiện tính trung thực vốn là bản chất của Tin Mừng trong các dữ liệu cá nhân, trong cách giao tiếp, chọn lựa và đánh giá; sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Pr 3,15); ứng phó với những hành động phi văn hóa vốn phổ biến trên các trang mạng; và nhận thức rằng giá trị đích thực của các thông tin được chia sẻ trên các trang mạng không dựa trên mức độ phổ biến của nó hoặc số lượng người xem mà nó nhận được, nhưng dựa trên tính trung thực và mức độ sinh ích của nó cho cuộc sống con người.

Hiện nay, khi sự phát triển và tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội là quá lớn, thì thế giới kỹ thuật số cũng đặt ra nhiều thách đố hơn so với trước đây. Các mạng xã hội là quảng trường công cộng mới (“sân chư dân” mới) và chúng đang gây khó khăn cho các Kitô hữu khi chúng bị in dấu bởi nhiều ý kiến đối lập.

8. Các mạng xã hội nên được xem là phương tiện hơn là cùng đích

Các nhà tiếp thị thường ám chỉ nơi có nhiều người tụ họp là một “hồ nước”. Mạng xã hội Facebook (được coi như một “hồ nước”) đang đem lại những điều tốt đẹp cho các Kitô hữu. Nó không những tạo ra một công cụ mở để hỗ trợ cho mọi người nối kết với gia đình và bạn bè, mà còn giúp họ chia sẻ với nhau những bài báo, video, và đường dẫn đến những thông tin hữu ích. Nhưng “hồ nước” này nên đóng vai trò là một nguồn tài nguyên quý giá để chúng ta sử dụng, chớ đừng để nó điều khiển và giáo dục chúng ta. Khi truy cập vào Facebook hay Twitter, chúng ta không nên ở vào thế bị động, để mặc cho các tin tức, thông tin tốt xấu ngẫu nhiên đến với chúng ta và ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng nên chủ động tìm và đọc các bài báo bổ ích được giới thiệu và đính kèm, chủ động trò chuyện với mọi người và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình trong đời sống và công việc. Việc chúng ta ở vào thế bị động và đứng yên một chỗ trong mạng xã hội thì nó cũng giống như việc chúng ta hy vọng sẽ học được sinh học hay hóa học chỉ từ các danh mục giới thiệu các khóa học vậy.

Là một Kitô hữu, chúng ta không chỉ được kêu mời dẫn đưa mọi người đến với Giáo hội, mà còn mang Giáo hội đến với mọi người. Nhờ việc loan báo Tin Mừng trên các trang mạng xã hội, chúng ta đang canh tân đời sống của mọi người bằng cách dẫn lối họ đến với kho tàng Kitô giáo một cách dễ dàng tại chính nơi họ ở. Nhưng đồng thời, chúng ta cần ghi nhớ rằng truyền thông hữu hiệu nhất phải có tính liên vị chứ không chỉ đơn giản qua một trang web.

Khi ở trường đại học, một giáo sư đã nói với tôi: quá nhiều thông tin có thể dẫn đến hiệu quả học ít hơn. Điều này làm tôi rất bối rối vì khi bạn nắm bắt càng nhiều thông tin thì dường như bạn càng học được nhiều hơn chứ. Nhưng bà ấy đã giải thích rằng khi không biết đi đâu để tìm kiếm nguồn tin uy tín giữa một núi thông tin, thì đồng nghĩa với việc bạn không có thông tin gì trong tay. Giáo sư của tôi đã đúng và đây là một trong những khía cạnh dễ gây thất vọng trên các mạng xã hội.

Khi có hàng triệu người tham gia blog và sử dụng mạng xã hội Facebook và Twitter, thì tiếng nói chân thực của người có thẩm quyền dễ bị phai mờ. Thật cần thiết để người tín hữu Công giáo biết rằng: Tiếng nói của Blogger nổi tiếng nhất không hẳn là tiếng nói có thẩm quyền của Giáo hội Công giáo. Trong khi bảo tồn các giá trị chân lý truyền thống Công giáo, Mẹ Giáo hội cũng cần được làm tươi mới bằng rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng với quá nhiều ý kiến, chân lý cũng sẽ bị che lấp phần nào. Thật ra, nền tảng đức tin Công giáo không nằm ở các mạng xã hội nhưng nơi Đức Kitô, Đấng đã thiết lập Giáo hội Công giáo để truyền rao chân lý vĩnh cửu của Người. Suy cho cùng, các mạng xã hội chỉ đơn giản là những phương tiện giúp con người đạt đến cùng đích.

Facebook, Twitter, YouTube và hàng loạt các trang mạng xã hội khác có thể trở thành gánh nặng cho bạn - người đang truyền rao sứ điệp Kitô giáo, đặc biệt là khi những người chống đối luôn tìm cách phá hủy nỗ lực của bạn. Việc sử dụng blog, Twitter, Facebook thường đưa đến việc đối khẩu qua lại không ngừng. Tính năng bình luận tạo cho người dùng khả năng đáp trả người viết, điều này tạo cơ hội cho những phản hồi và tiếp cận.

Khi nói về định hướng cho việc sử dụng mạng xã hội cách đúng đắn, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chia sẻ: “Các linh mục hiện diện trong thế giới truyền thông kỹ thuật số sẽ được người ta để ý về sự gần gũi với Đức Kitô và con tim linh mục của họ, hơn là về sự hiểu biết của họ đối với các phương tiện truyền thông”. Tôi tin Đức Giáo Hoàng sẽ đồng ý rằng điều này cũng đúng đối với người giáo dân.

Với tương quan mật thiết với Đức Kitô, Kitô hữu nên tránh thái độ tự mãn trong thế giới ảo khi có những người chống đối tấn công bằng những phản ứng tiêu cực. Những tấn công này là điều không thể tránh khỏi. Các mạng xã hội là một công cụ đặc biệt hữu dụng nếu được dùng như một phương tiện trao ban các nguồn lực và thiết lập các tương quan giữa mọi người. Chúng ta có nhiệm vụ phải gửi trao thông điệp chân chính đến tận nơi những ai cần nó. Đây là nhiệm vụ sống còn của Giáo hội. Một số người muốn chúng ta ẩn mặt trong bóng tối, hơn là rao giảng trên “mái nhà”. Các mạng xã hội có thể là “mái nhà” của riêng bạn, vì thế hãy kiên vững và tiếp tục rao giảng.

9. Giáo hội ủng hộ việc sử dụng các mạng xã hội

Đã từ lâu, Giáo hội Công giáo luôn gắn bó với những điều mang tính truyền thống. Những vị Giáo hoàng đã mua phẩm phục của mình từ cùng một cửa hàng trong 2000 năm qua. Các quyết định lớn nhất của Giáo hội được công bố cho thế giới thông qua màu khói bốc lên từ một ống khói phía trên nhà nguyện Sistine. Giáo hội Công giáo không giống như một tổ chức hay một công ty cố gắng tập trung vào Twitter và Instagram để xây dựng chiến lược truyền thông toàn cầu. Giáo hội Công giáo chỉ xây dựng một sự hiện diện mang tính xã hội, điều này đã được thực hiện trong những năm gần đây và đang mang lại những tác động đáng kể trên nhiều nền tảng kỹ thuật số quan trọng. Trang Tin tức Vatican (Vatican News) được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội, ra mắt vào năm 2010, hiện có hơn bốn triệu người theo dõi trên YouTube, Facebook, Twitter và Instagram. Nhờ một chiến lược trên Twitter nhằm vào việc loan truyền những thông điệp tích cực từ giáo huấn của Giáo hội, chỉ riêng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có gần 18 triệu người theo dõi trên nền tảng này.

Tuy nhiên, những sự hiện diện trực tuyến đầy ý nghĩa này cũng có thể bị nhiều người xem là trường hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo bị cuốn vào những cám dỗ văn hóa. Không phải vậy! Tất cả đều là một phần của kế hoạch khôn ngoan được lập ra để giúp Giáo hội gìn giữ mối tương quan với mọi người; tạo ra các kênh thúc đẩy những dấn thân giúp Giáo hội đạt được những mục tiêu mà Giáo hội vẫn theo đuổi trong nhiều thế kỷ.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự hiện diện mang tính xã hội này của Giáo hội không bị giới hạn ở Vatican mà được mở ra cho toàn thể Giáo hội Công giáo. Các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo trên thế giới được kêu gọi đón nhận việc sử dụng các mạng xã hội. Dù chúng ta đang xây dựng các trang web của giáo xứ, đang quảng bá trên mạng về một ngày lễ kính sắp đến, hay đang quản lý trang mạng xã hội cho mục vụ giáo dục của nhà dòng, tất cả đều nhằm đem Chúa Kitô vào trong các cộng đoàn của chúng ta. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những bài giảng lên án các tệ nạn của các mạng xã hội. Ngài đã xem việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số quá mức là một “sự ô nhiễm tinh thần” và nhắc nhở chúng ta rằng: ảnh hưởng nặng nề của các phương tiện truyền thông này “có thể ngăn cản mọi người sống cách khôn ngoan, suy nghĩ cách sâu sắc và yêu thương cách quảng đại.”

Đồng thời, Đức Thánh cha Phanxicô từ lâu đã nhận ra vai trò của các nền tảng xã hội trong việc định hình văn hóa và lôi cuốn con người. Những nỗ lực nhằm chống lại các mạng xã hội bằng mọi giá chỉ có thể làm mất đi tầm ảnh hưởng của Giáo hội đối với nền văn hóa. Thay vào đó, Giáo hội cần áp dụng kế hoạch hiện diện ở nơi mà Giáo hội tìm thấy đoàn chiên của mình.

Theo một báo cáo năm 2015 từ FORTUNE, Vatican đã có bước tiến dài trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của ít nhất một công ty chiến lược kỹ thuật số để tạo nên những hiểu biết sâu sắc về những gì quan trọng nhất đối với người trẻ dùng mạng xã hội, cũng như các kế hoạch tiềm năng về cách tốt nhất để thu hút họ trong các vấn đề như nhập cư, biến đổi khí hậu và nghèo đói. Các mạng xã hội có tiềm năng to lớn đối với những điều tốt đẹp, nhưng thường không được tận dụng tối đa. Các mạng xã hội giúp tạo thêm những điều thú vị mới vào văn hóa của chúng ta. Chúng tạo cơ hội cho mọi người chứng kiến các sự kiện xảy ra. Chúng hỗ trợ nền dân chủ và có thể mở rộng kiến thức cho tất cả mọi người, cung cấp một cái nhìn toàn cầu. Chúng cung cấp sự tiêu khiển cũng như vui chơi giải trí, thông tin và giáo dục.

Các mạng xã hội ngày nay có thể tiếp cận hầu hết mọi thành viên trong xã hội với những thông điệp nhằm củng cố sức mạnh cho một thế giới quan. Các mạng xã hội này đã được kết dệt chặt chẽ vào bức màn cứu độ của nền văn hóa Kitô giáo chúng ta, đến mức khiến chúng ta phải đặt vấn đề về mối tương quan cơ bản của chúng với sự suy tàn ơn cứu rỗi nhân loại. Trong hoàn cảnh này, Giáo hội trở thành một tiếng nói quan trọng trong việc sử dụng mạng xã hội để giải quyết các vấn đề của thế giới chúng ta.

Mới đây, Giáo hội đã chỉ đạo các giáo phận ở các thành phố lớn hãy thuê các nhóm tiếp thị kỹ thuật số để giúp các giáo phận trong việc loan truyền thông điệp của mình và thu hút cộng đồng địa phương. Warner cho biết các nền tảng kỹ thuật số và các mạng xã hội đã chứng tỏ hiệu quả trong việc loan truyền thông điệp của Giáo hội ra thế giới. Thông qua tính chất tương tác và phạm vi không giới hạn, mạng xã hội trở thành một công cụ nổi bật cho người môn đệ hiện đại. Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích người Công giáo sử dụng các nền tảng truyền thông kỹ thuật số để bắt đầu cuộc đối thoại đức tin và thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng.

Mục tiêu chính của việc hiện diện trên mạng xã hội là nâng cao nhận thức và làm cho mọi người thấy chân lý và vẻ đẹp của đức tin Công giáo. Theo Warner, “mỗi người có kinh nghiệm đức tin theo một cách khác nhau, sự biến đổi có thể đến từ những cuộc gặp gỡ và những mối tương quan khác nhau. Cho nên, các mạng xã hội có thể trở thành một phương cách để dẫn đưa mọi người khám phá niềm tin trong cuộc sống của chính họ”.

Mạng xã hội có thể trở thành một bục giảng giúp Đức Giáo hoàng và các mục tử trong Giáo hội nói chuyện trực tiếp với mọi người, ngay cả khi họ không được hiện diện trong các buổi lễ.

Các phương tiện truyền thông hiếm khi trình bày về đạo Công giáo theo cách tích cực, chính vì thế các mạng xã hội của Giáo hội Công giáo cần làm điều ngược lại bằng cách loan truyền những câu chuyện chân thật và đầy ý nghĩa. Nhiều người tìm thấy ý nghĩa cuộc đời nhờ đức tin; các mạng xã hội có thể giới thiệu và mời gọi họ khám phá đức tin này.

10. Kiến nghị và kết luận

Khi công bố chủ đề của Ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 50 mang tên “Truyền thông và Lòng Thương xót: Một cuộc gặp gỡ đem lại hoa trái”, vào thứ Sáu, ngày 26 tháng 01 năm 2016, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Internet, tin nhắn và mạng xã hội là một món quà từ Thiên Chúa".

Sứ điệp này được đưa ra như là lời chào mừng của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho Tim Cook, giám đốc điều hành của Tập đoàn Apple đến Vatican. Trước đó một tuần, Đức Giáo hoàng cũng đã tổ chức một cuộc họp với Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Alphabet, công ty mẹ của Google. Trong thông điệp của mình, Đức Giáo hoàng đã nói rằng “email, tin nhắn, mạng xã hội và chat” có thể là “các hình thức giao tiếp mang tính nhân văn đầy đủ”.

Ngài nói thêm: “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn cho nhiều người. Ðây quả là quà tặng của Thiên Chúa và kèm theo đó là một trách nhiệm lớn lao".

Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng cũng cảnh báo về những “cuộc tấn công” có thể diễn ra trên mạng: “Các mạng xã hội có thể giúp cho những mối tương quan được dễ dàng và thúc đẩy thiện ích của xã hội, nhưng chúng cũng có thể làm gia tăng sự phân cực và chia rẽ giữa các cá nhân và các nhóm. Thế giới kỹ thuật số là một quảng trường, là nơi gặp gỡ mà ở đó người ta có thể yêu thương hay gây đau thương, có thể tham gia một cuộc thảo luận bổ ích hay ném đá nhau tàn nhẫn”.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: Các mạng xã hội có thể “giúp chúng ta trở thành những công dân tốt hơn”, nhưng ngài cũng nhắc nhở chúng ta: “Việc tham gia các mạng xã hội đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm đối với người thân cận của mình - dù chúng ta không nhìn thấy họ nhưng họ vẫn có thật và có một phẩm giá cần được tôn trọng”. Ngài kết luận: "Internet có thể được sử dụng một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra để sẻ chia".

Điều quan trọng là mọi người thuộc mọi thành phần trong Giáo hội nên sử dụng internet một cách khôn ngoan và sáng tạo để giúp họ chu toàn trách nhiệm và giúp Giáo hội hoàn thành sứ mạng của mình. Vì truyền thông xã hội có rất nhiều khả năng tích cực, nên việc rút lui không sử dụng nó vì sợ công nghệ hoặc vì một số lý do nào khác là không thể chấp nhận được. Quyền truy cập ngay lập tức vào các thông tin mà các mạng xã hội cung cấp giúp Giáo hội có thể đào sâu cuộc đối thoại của mình với thế giới đương đại. Thông qua việc sử dụng các công nghệ hiện đại này, Giáo hội có thể dễ dàng loan báo cho thế giới về niềm tin của mình và minh giải cho lập trường của mình đối với bất kỳ vấn đề hoặc sự kiện nhất định nào. Mặt khác, Giáo hội có thể nghe rõ hơn tiếng nói của dư luận và tham gia vào cuộc thảo luận liên tục với thế giới xung quanh, nhờ đó, Giáo hội dấn thân ngay lập tức vào công cuộc tìm kiếm giải pháp chung cho nhiều vấn đề cấp bách của nhân loại.

Những người lãnh đạo trong Giáo hội, đặc biệt là các Giám mục cần hiểu về các mạng xã hội và áp dụng sự hiểu biết này trong việc xây dựng các kế hoạch, chính sách và chương trình mục vụ của mình. Khi có điều kiện, các ngài cũng nên tự học về các mạng xã hội. Tôi tin rằng Giáo hội sẽ được phục vụ tốt hơn trong thời đại này nếu những người đang nắm giữ các chức vụ lãnh đạo hay đang làm việc nhân danh Giáo hội được đào tạo đầy đủ về truyền thông.

Hơn nữa, các linh mục, phó tế, tu sĩ và thừa tác viên giáo dân cũng nên tìm kiếm và học hỏi về các mạng xã hội để nâng cao hiểu biết về những tác động của truyền thông xã hội đối với cá nhân và xã hội. Kiến thức này sẽ giúp họ có được một thói quen giao tiếp nhạy cảm và thu phục lòng người hơn trong nền văn hóa truyền thông hiện tại của chúng ta.

Huấn thị “Hiệp thông và tiến bộ - Communio et Progressio” cho thấy “nhiệm vụ cấp bách” của các trường Công giáo hiện nay chính là nhiệm vụ đào tạo những người truyền thông xã hội và những người tiếp nhận truyền thông xã hội theo các nguyên tắc Kitô giáo.

Các trường đại học, trường cao đẳng, trường phổ thông và các chương trình giáo dục Công giáo ở tất cả các cấp cũng nên cung cấp các khóa học về các mạng xã hội cho các nhóm khác nhau - “chủng sinh, linh mục, tu sĩ nam nữ, và thừa tác viên giáo dân… giáo lý viên và linh hoạt viên thiếu nhi trong các tổ chức này.”

Vì lợi ích của con cái, cha mẹ nhất thiết phải thành thạo với việc sử dụng các phương tiện hiện đại của truyền thông xã hội. Trẻ em và thanh thiếu niên thường quen thuộc với internet hơn các bậc cha mẹ, nhưng các bậc cha mẹ vẫn có nghĩa vụ nghiêm túc hướng dẫn và giám sát con cái mình trong việc sử dụng internet. Mặc dù, điều này có thể khiến các bậc cha mẹ phải học hỏi về internet nhiều hơn so với những gì họ đã được học khi còn ở ghế nhà trường.

Nếu khả năng tài chính và kỹ thuật cho phép, việc giám sát của cha mẹ nên bao gồm sự đảm bảo việc chọn lọc công nghệ được sử dụng trong các máy vi tính dành cho trẻ em nhằm bảo vệ chúng càng nhiều càng tốt khỏi nội dung khiêu dâm, những lạm dụng tình dục và các mối đe dọa khác. Không nên cho phép trẻ tiếp xúc với internet mà không có sự giám sát. Các linh mục và giáo dân của họ, đặc biệt là thế hệ trẻ, được khuyến khích đối thoại tự do về những gì được nhìn thấy và trải nghiệm trong không gian mạng. Nhiệm vụ cơ bản của một nhà lãnh đạo Giáo hội ở đây là giúp các tín hữu trở thành những người sử dụng internet có ý thức, có trách nhiệm và không bị nghiện internet mà bỏ bê tương quan trong đời sống thực với mọi người.

Thật quan trọng khi phải nhấn mạnh thực tế: internet là cánh cửa mở ra một thế giới hào nhoáng và thú vị với sức ảnh hưởng lớn về mặt hình thức, nhưng không phải mọi thứ ở phía bên kia cánh cửa đều an toàn và cung cấp thông tin tích cực. Việc sử dụng tốt các mạng xã hội là nghĩa vụ của những người tín hữu trẻ đối với bản thân, cha mẹ, gia đình và bạn bè của họ, cũng như đối với các giám mục, linh mục và những người hướng dẫn họ và cuối cùng là đối với Thiên Chúa.

Các mạng xã hội trao ban cho những người trẻ một khả năng to lớn để làm điều tốt và cũng có thể để làm hại bản thân và những người khác, điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ. Nó có thể làm cho cuộc sống của người trẻ trở nên phong phú vượt ngoài sức tưởng tượng của các thế hệ trước đây và nó có thể trao quyền cho họ, để khi đến lượt mình, họ cũng làm phong phú thêm cuộc sống của người khác. Nhưng nó cũng có thể đẩy họ vào chủ nghĩa tiêu thụ, vào những tưởng tượng khiêu dâm và bạo lực, và vào căn bệnh cô đơn trầm cảm.

Giới trẻ, như người ta thường nói, là tương lai của xã hội và Giáo hội. Sử dụng tốt các mạng xã hội có thể giúp họ chuẩn bị tốt cho những trách nhiệm trong tương lai. Nhưng điều này sẽ không tự động xảy ra. Các mạng xã hội không đơn thuần là một phương tiện giải trí và làm hài lòng người tiêu dùng. Nó là một công cụ giúp thực hiện những việc tốt, và người trẻ phải học cách nhìn nhận nó và sử dụng nó như vậy. Trong không gian mạng, ít nhất cũng giống như bất kỳ nơi nào khác, họ được kêu gọi để chống lại chủ nghĩa phi văn hóa, và sẵn sàng chịu tổn thương vì chiến đấu cho những gì là chân chính và tốt đẹp.
Nói chung, thận trọng là cần thiết để thấy rõ những tác động và tiềm năng của cái thiện và cái ác trong các phương tiện truyền thông mới này và phản ứng một cách sáng tạo với những thách thức và cơ hội của chúng.

Tác giả: Lm. George Nwachukwu
Văn Việt lược dịch từ recowacerao.org
WHĐ (13.11.2022)

Tác giả: Văn Việt

Nguồn tin: Hội đồng Giám mục VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay14,983
  • Tháng hiện tại443,418
  • Tổng lượt truy cập67,468,265
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây