Năm Thánh 2025: Làm chứng cho niềm hy vọng là điều cần thiết

Chủ nhật - 12/05/2024 19:26
Theo lời kêu gọi của Đức Phanxicô, nhằm khơi dậy niềm hy vọng trong một thế giới bị xâu xé bởi kinh nghiệm về chiến tranh, tuyệt vọng và thách thức của các công nghệ mới, một số trong đó gây bất ổn, Đức cha Fisichella đảm bảo: Năm Thánh mang lại khả năng chuyển từ các hy vọng sang niềm hy vọng.
NĂM THÁNH 2025: LÀM CHỨNG CHO NIỀM HY VỌNG LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT

Trong khi Đức Thánh Cha trao Sắc chỉ hiệu triệu, chính thức công bố Năm Thánh 2025, chúng ta trở lại với vị quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng và là người tổ chức Năm Thánh, theo lời kêu gọi của Đức Phanxicô, nhằm khơi dậy niềm hy vọng trong một thế giới bị xâu xé bởi kinh nghiệm về chiến tranh, tuyệt vọng và thách thức của các công nghệ mới, một số trong đó gây bất ổn. Đức cha Fisichella đảm bảo: Năm Thánh mang lại khả năng chuyển từ các hy vọng sang niềm hy vọng.
 
eveque Fisichella
Đức cha Fisichella (bên trái) trong buổi trao Sắc chỉ

Đức Cha Rino Fisichella, quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, nói đến động lực mà Đức Thánh Cha mong muốn mang lại cho Năm Thánh 2025 này và tiêu đề của Sắc chỉ hiệu triệu này, “Spes non confondit”, chứng tỏ điều đó.

Marie Duhamel: Trong Sắc chỉ hiệu triệu của mình, Đức Thánh Cha mời gọi làm sống lại nhân đức đối thần này, đó là Đức Cậy, tại sao Đức Phanxicô thấy sự cần thiết của nó?

Đức Cha Rino Fisichella: Thế giới đang trong bối cảnh bạo lực, trong bối cảnh chiến tranh. Đã bao nhiêu lần Đức Giáo hoàng đã nói về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh. Và đã bao nhiêu lần chúng ta đã kinh nghiệm về sự dữ trong cuộc sống hàng ngày. Chứng tá cho niềm hy vọng Kitô giáo là một điều cần thiết. Giáo Hội luôn nói về đức tin và đức mến, nhưng chúng ta đã quên mất đức cậy. Năm Thánh trở thành cơ hội, con đường để đặt sự Phục Sinh của Chúa Kitô ở trung tâm. Chúng ta không thể quên rằng đời sống của Giáo hội luôn luôn là việc loan báo Chúa Kitô chết và phục sinh.

Marie Duhamel: Đức Thánh Cha đề nghị thế nào để biến thời gian Năm Thánh tha tội này thành thời gian học cách làm chứng cho niềm hy vọng?

Đức Cha Rino Fisichella: Ý nghĩa sâu xa nhất của Năm Thánh luôn luôn là kinh nghiệm về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều này sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi đứng trước việc loan báo niềm hy vọng. Trong Năm Thánh, chúng ta không chỉ có niềm hy vọng nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Niềm hy vọng trở thành một điều chắc chắn, một kinh nghiệm cụ thể mà qua đó mỗi người chúng ta có thể chạm tới lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Trong sắc chỉ hiệu triệu của mình, Đức Thánh Cha viết rằng loan báo niềm hy vọng thì chưa đủ, mà còn cần phải đưa ra những dấu chỉ cụ thể về sự Phục Sinh này, nghĩa là bảo vệ phẩm giá của mỗi người, thăng tiến con người, làm mọi thứ để mang lại cho mỗi người một tương lai. Đối với tôi, điều này thực sự có vẻ là một điều mới mẻ cần phải được nhấn mạnh: việc loan báo phải được hỗ trợ bởi sự dấn thân của các Kitô hữu trong việc tạo ra những dấu chỉ hy vọng mới.

Marie Duhamel: “Ước mong Năm Thánh là cơ hội để mọi người làm sống lại niềm hy vọng.” Đức Thánh Cha, trong sắc chỉ hiệu triệu của mình, không chỉ nói với các tín hữu. Tại sao, và để nói gì?

Đức Cha Rino Fisichella: Sắc chỉ nói đến lời kêu gọi về niềm hy vọng. Đây là lời kêu gọi dành cho mỗi người và tất cả mọi người, cho những người làm việc mỗi ngày để trở thành những người kiến ​​tạo hòa bình và cho những người chịu trách nhiệm đối với hòa bình ở cấp chính phủ (chính trị). Đức Thánh Cha không ngại đưa ra những lời kêu gọi mà – chúng ta hết lòng hy vọng như thế – sẽ có thể được lắng nghe, được hiểu và thực hành. Chẳng hạn, Đức Giáo hoàng nói về những hình thức khác nhau qua đó tù nhân có thể được ân xá. Một điều cũng rất thú vị là Đức Thánh Cha mong muốn mở một cửa thánh trong một nhà tù. Cũng cần phải nhấn mạnh đến lời kêu gọi gửi đến các Giám mục để họ trở thành những nhân chứng sống động chống lại án tử hình. Hình phạt tử hình không còn có thể được bảo vệ trong bối cảnh văn hóa của chúng ta. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các chính phủ giàu nhất hãy nhìn vào tình trạng nghèo đói của một nước thứ ba, cũng như những người đau khổ và chết vì đói, và tất cả các nguồn tài chính dành cho chiến tranh. Đây thực sự là lời kêu gọi lầu đời của Thánh Kinh trong sách Lêvi ở chương 25 khi nói về Năm Thánh đầu tiên, nhưng trong xã hội của chúng ta, trong nền văn hóa của chúng ta, trong thế giới mà chúng ta đang sống.

Marie Duhamel: Trong sắc chỉ của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cuộc hành hương, vốn là nét đặc trưng của những năm thánh. Đức Phanxicô nói, nó mang lại kinh nghiệm về sự im lặng, về sự thiết yếu. Con đường nỗ lực này có tầm quan trọng như thế nào đối với những người hành hương hy vọng mà người Công giáo được mời gọi trở thành, hoặc dù thế nào đi nữa cũng phải trở thành?

Đức Cha Rino Fisichella: Dĩ nhiên, hành hương là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để bắt đầu kinh nghiệm về Năm Thánh. Nhưng hành hương còn tượng trưng cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta đang sống một cuộc hành hương. Sau Thế Chiến II, triết gia người Pháp Gabriel Marcel đã xuất bản cuốn Homo Viator, người hành hương. Đây là con đường để khám phá lại tầm quan trọng của đức tin trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể quên rằng cả thế giới ngày nay đang sống được bao quanh bởi một nền văn hóa mới, nền văn hóa này nói với chúng ta về công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Những thanh niên 25 tuổi sống với ngôn ngữ và hành xử của nền văn hóa này. Dường như đức tin không còn có một vị trí quan trọng trong đời sống con người nữa, bởi vì công nghệ dường như mang đến những hy vọng – ở số nhiều – mà chúng ta mong muốn, nhưng chúng ta phải chuyển từ những hy vọng này sang niềm hy vọng, và điều đó đi kèm với một niềm tin vốn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và qua chứng tá của một tình bác ái ngày càng mạch lạc hơn.

Marie Duhamel: Làm thế nào sống Năm Thánh dưới ánh sáng của hành trình hiệp hành do Giáo hội thực hiện?

Đức Cha Rino Fisichella: Năm Thánh và tính hiệp hành đang đi cùng một hướng, chúng đang tiến bước. Hành trình hiệp hành, vốn sẽ trải qua một thời điểm đặc biệt khác vào tháng Mười tới tại Vatican, là cách tiếp cận của toàn thể Giáo hội hướng tới một cuộc sống hoán cải. Chúng ta đừng quên rằng con đường hiệp hành luôn là con đường loan báo Tin Mừng. Bởi vì mục tiêu của nó là, va vẫn là, xác định bằng cách nào chúng ta có thể trở thành những chứng nhân đáng tin cậy khi chúng ta loan báo Tin Mừng. Giáo hội không thể quên bản chất của mình và trách nhiệm đã nhận được từ Chúa Kitô là loan báo Tin Mừng cho mọi người trong thế giới ngày nay. Con đường hiệp hành trở thành phương pháp để loan báo Tin Mừng ngày nay và các Năm Thánh trở thành một khả năng và một phương thức để loan báo Tin Mừng về niềm hy vọng.

Marie Duhamel: Năm 2025, do trùng lịch, các Kitô hữu sẽ cử hành Lễ Phục sinh vào cùng một ngày; cũng sẽ là dịp kỷ niệm 1700 năm Công đồng đại kết Nixêa. Năm Thánh có thể là cơ hội về một bước ngoặt cho sự hiệp nhất Kitô giáo không?

Đức Cha Rino Fisichella: Nó sẽ mang đến một khả năng thực sự cho tất cả các tín hữu được nhìn thấy Giáo hội khi Giáo hội từng là một. Ngay cả khi đồng thời có những lời chỉ trích, những cuộc đấu tranh, đối đầu, Công đồng Nixêa vẫn nói với chúng ta về sự hiệp nhất. Đây là một công đồng được triệu tập, lần đầu tiên, để hiệp nhất toàn thể Giáo hội. Và chúng ta phải nhớ rằng vẫn còn một dấu hiệu rất cụ thể trong việc làm chứng. Bạn biết rằng, lần đầu tiên, bản tuyên xưng đức tin được viết tại Nixêa không nói “tôi tin”, như thông lệ cho đến lúc đó, nhưng nói “chúng tôi tin”. Văn bản tuyên xưng đức tin của Công đồng Nixêa nói ở số nhiều với từ “chúng tôi” của Giáo hội. Tôi nghĩ rằng Năm Thánh sẽ cho phép tất cả các tín hữu Kitô nỗ lực khám phá lại sự hiệp nhất này và ý thức là “chúng tôi” này.

Marie Duhamel: Tại Rôma, nhiều “lộ trình đức tin” sẽ được đề nghị cho những người hành hương và một cuốn lịch về các cuộc cử hành cũng như các sự kiện cũng đã được Vatican thiết lập để đề nghị các Năm Thánh dành riêng cho các tù nhân, ông bà hoặc những người làm truyền thông, nhưng làm thế nào các tín hữu không thể thực hiện chuyến đi liệu họ có thể sống Năm Thánh được không?

Đức Cha Rino Fisichella: Nếu người ta dự đoán con số khoảng 32 triệu người ở Rôma, thì phần lớn tín hữu sẽ ở lại nhà thờ của họ. Về họ, tôi có thể nói rằng Sắc chỉ của Đức Thánh Cha rất rõ ràng. Đức Giáo hoàng Phanxicô viết rằng Năm Thánh cũng phải được sống trong các Giáo hội địa phương. Và chính vì lý do này mà các Giám mục được mời gọi sống Năm Thánh về niềm hy vọng trong sự long trọng của lời cầu nguyện, sự long trọng khai mạc Năm Thánh tại nhà thờ chính tòa của các ngài, nhưng cũng bằng cách sống những kinh nghiệm khác nhau được tổ chức tại Rôma với Đức Thánh Cha. Chúng có thể được sống trong các giáo phận. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến ngày của người nghèo, đến Năm Thánh của các gia đình, Năm Thánh của các tù nhân, Năm Thánh của các bệnh nhân. Tôi hy vọng rằng tất cả các sự kiện trong lịch có thể được sống trong các giáo phận.
—————————–
Tý Linh chuyển ngữ (nguồn: Vatican News)

Tác giả: Tý Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập526
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm519
  • Hôm nay27,081
  • Tháng hiện tại587,410
  • Tổng lượt truy cập67,612,257
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây