Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng. ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận [1]

Thứ hai - 17/02/2025 10:14
Này, người lữ khách hôm nay thân mến! Nơi đây không cống hiến cho con những lời khuyên lơn răn bảo, cũng không thay con suy ngắm. Nhưng đây chỉ là những kinh nghiệm sống của các bậc Thánh và các người Thánh, "Những người lữ hành trên đường hy vọng". Họ có thật và họ sống thật!
lu hanh hy vong
 
Lời Mở

Con thân yêu,
Trên đường hy vọng,
Xưa nay có nhiều người lữ hành.
Thuộc mọi giai cấp, mọi lứa tuổi,
Ðủ mọi màu da, mọi thời đại.
Người đi trước con, người đang sát cánh con.
Mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm,
Muôn nghìn nỗi gian truân thử thách;
ức triệu lòng dũng cảm kiên cường.
Trước gieo trong nước mắt,
Sau gặt trong hân hoan.
Lắm lúc cha chùn bước, nản lòng,
Nhưng nhìn gương họ, nghe tiếng họ,
Tâm hồn cha lại phấn khởi, tươi vui,
Và vững bước bên những bạn đường yêu quý.
Trong niềm yêu thương chan chứa,
Cha thuật lại cho con,
Bước đường của một số người lữ hành,
Cha đã biết và còn nhớ được,
Những người cha yêu mến nhất,
Cuộc đời họ đã in đậm nét vào quả tim cha.
Hãy nghe tiếng họ thúc giục con,
Hãy nhìn gương họ soi sáng con,
Rồi ngày ngày con sống
và làm cho người khác thích như con:
Sống cầu nguyện, sống cần lao,
Sống phó thác, sống dồi dào nội tâm,
Sống hiện tại, sống thanh bần,
Có Thánh Thể, có Thiên đàng trong con.
Tình yêu Chúa chẳng phai mòn,
ở đâu có Chúa không còn thiếu chi.
Ai dũng cảm hãy bước đi,
Giờ đây ta hãy thực thi Tin Mừng!
Tiến lên thanh thoát hân hoan,
Dưới chân Thánh giá Chúa đang đợi chờ,
Chúa trông con đó mỗi giờ,
Ðây là nơi con dành cho Bạn Tình.

* * *
Này, người lữ khách hôm nay thân mến!
Nơi đây không cống hiến cho con,
Những lời khuyên lơn răn bảo,
Cũng không thay con suy ngắm.
Nhưng đây chỉ là những kinh nghiệm sống
Của các bậc Thánh và các người Thánh
"Những người lữ hành trên đường hy vọng".
Họ có thật và họ sống thật!

* * *
Mong con hãy bình tâm suy niệm,
Ðể rút ra tia sáng,
Soi chiếu bước chân đi...
-----o0o----- 
 
01- RA ĐI

1. Cha kẻ tin

* Abraham đã ra đi, vì hy vọng đến đất hứa. Maisen đã ra đi, vì hy vọng cứu dân Chúa khỏi nô lệ. Chúa Giêsu đã ra đi từ trời xuống đất, vì hy vọng cứu nhân loại (Ðường Hy Vọng (ÐHV) 4).

* Ðã ra đi phải bất chấp lưỡi thiên hạ đàm tiếu. Ba đạo sĩ ra đi, hy vọng gặp Chúa Cứu Thế, họ đã gặp; Phanxicô Xaviê ra đi, hy vọng cứu các linh hồn, ông đã gặp; Goretti ra đi, thoát cơn cám dỗ, hy vọng gặp Chúa, chị đã gặp (ÐHV 7).

Abraham là một người dân quê ở thành Ua thuộc xứ Canđê. Một ngày nọ, Thiên Chúa nói với ông: "Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà của cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn"... (Stk 12,1-2). Abraham ra đi. Ðâu là đất Chúa hứa? Làm sao trở thành một tổ phụ dân lớn với một bà vợ không con lại đã quá già rồi? ... Bao nhiêu câu hỏi đã được đặt ra, nhưng Abraham vẫn cứ ra đi, lao mình vào nơi vô định. Khi đã sinh được cậu con trai đầu lòng, Thiên Chúa lại phán: "Ngươi hãy đem con ngươi, đứa con một yêu dấu là Isaac, mà đi tới đất Môria và ở đó, hãy dâng nó làm của thượng hiến (Stk 22,2). Abraham, ruột đau như cắt vì quá yêu con, vẫn thắng lừa đặt con lên núi tế lễ Chúa.

Suốt đời ông là một cuộc thử thách không ngừng, nhưng ông vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa mọi nơi, mọi lúc. Bởi thế, ông được gọi là "Cha các kẻ tin" (Rm 4,11), người "tuyệt vọng mà vẫn một niềm hy vọng" (Rm 4,18).

2. Bước qua mình song thân

* Tiến lên trên đường hy vọng, bất chấp những van nài "tan nát lòng" của tình thân thuộc cố tri, như Phaolô: "xiềng xích với gian nan đang chờ tôi"; như Chúa Giêsu: "này Thầy lên Giêrusalem để chịu nạn" (ÐHV 9).

* Không nhượng bộ, không phải là kiêu căng, tự ái hay ngoan cố. Không nhượng bộ là yêu thương quyết liệt lý tưởng của mình (ÐHV 15)

Chân phước Charles Cornay đã từ bỏ gia đình theo tiếng Chúa gọi. Một hôm, trên đường truyền giáo, lúc xe lửa dừng lại ở một ga gần làng của ngài, cha mẹ và tất cả anh chị em ngài đều ra đó để đón thăm. Vì quá thương con, cha mẹ ngài đã ngã lăn trên đường, ngăn cản không cho ngài đi tiếp. Cornay can đảm bước qua mình cha mẹ mà ra đi. Ngày 20.9.1837, ngài đã chịu Tử đạo với án lăng trì tại Sơn Tây, Bắc Việt.

3. Giáo Hoàng xuống biển

* Chúa dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái". Ðường ấy là "đường hy vọng", vì chan chứa hy vọng, vì "đẹp như hy vọng". Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Ðức Chúa Cha? (ÐHV 1).

* Bí quyết đường hy vọng gồm ba điểm: Ra đi = bỏ mình; Bổn phận = Vác Thánh giá mỗi ngày; Bền Chí = "Theo Thầy" (ÐHV 2)

* Không nhượng bộ xác thịt, - không nhượng bộ cho lười biếng; - không nhượng bộ cho ích kỷ... Con không thể gọi đen là trắng, xấu là tốt, gian là ngay được. (ÐHV 13).

Thánh Clêmentê I Giáo Hoàng là một người rất đạo đức, thánh thiện, đã viết nhiều tác phẩm lừng danh, nổi tiếng nhất là thơ gởi giáo hữu Corinthô. Trên ngôi Giáo Hoàng, ngài đã lôi kéo rất nhiều người trở lại đạo Chúa đến nổi hoàng đế Trajan phải lưu đày ngài sang Kéc-xô-nê, một chốn rừng sâu nước độc, đồng số phận với 2,000 giáo hữu khác. Ở đây, ảnh hưởng lòng quả cảm và nhân đức sáng lạng của ngài lại lan rộng hơn, khiến hoàng đế Trajan phải hạ lệnh buộc neo vào cổ ngài và thả xuống lòng biển.

4. Cha Benoit lên Núi Phước Sơn

* Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước (ÐHV 3).

* Dù có ra khỏi nhà, đi phương xa vạn dặm mà cứ mang theo tất cả tật xấu, cả con người cũ, thì có khác gì ở nhà đâu? (ÐHV 5).

* Các thánh là những người điên vì Chúa. Khôn ngoan thế gian quá không làm thánh được (ÐHV 6).

Ra đi là một sự lột xác, hy sinh cả nếp sống cũ. Ngày lễ Ðức Mẹ Lên Trời 15.8.1918, Cha Benoit (Cố Thuận) cùng với một số anh em linh mục mở một bữa tiệc gia đình cuối cùng, có đầy đủ thịt, cá, rượu. Sau bữa đó, ngài từ biệt nếp sống cũ ra đi cùng với một người bạn, tiến thẳng lên Núi Phước Sơn, Quảng Trị, khai phá một đám rừng đang có cọp ăn mồi ở trong. Ðêm ấy, hai người che lều ngủ tạm, và sáng mai bắt đầu một nếp sống mới: không ăn thịt, không uống rượu, hút thuốc; chỉ biết hy sinh hãm mình, cầu nguyện và xay lúa, giả gạo, tự lực cánh sinh. Ngài đã thu hút nhiều kẻ đến sống cầu nguyện, hy sinh như ngài.

5. Mười nhà truyền giáo đi vào tử địa

* Mất để được, chết để sống, từ để gặp. Ba đạo sĩ liều nguy hiểm, chế nhạo; Phanxicô liều xa cha mẹ, mất của cải, thú vui, Goretti liều mạng sống (ÐHV 8).

* Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn, không sao cả, chấp nhận tiến lên trên đường hy vọng hồng phúc và đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô Ðấng cứu chuộc chúng ta (ÐHV 10).

* Ði, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ cũng như không ai đi với người đi lui (ÐHV 12).

Cách đây khoảng 100 năm, Hội Truyền giáo Lyon (Pháp) sai một lớp đầu tiên gồm 10 linh mục đi sang Dohomey (Phi châu) để truyền giáo. Bốn năm sau, cả 10 vị đều bị giết chết. Thế nhưng, dù rừng sâu, nước độc, dù dân chúng đang lạc hậu, có nhiều ác cảm hàng hàng lớp lớp các nhà truyền giáo khác vẫn hăng hái ra đi. Người này ngã xuống, kẻ khác đứng lên. Ðến nay sau một thế kỷ, những giọt máu và mồ hôi đã sai hoa kết quả: Giáo Hội Dohomey đang vươn mình lớn mạnh, lại hân hạnh có vị Hồng Y tiên khởi: Bernard Gantin.

6. Quyết không giả vờ

* "Ta là sự thật". Không phải báo chí là sự thật, không phải đài phát thanh là sự thật, không phải Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? (ÐHV 11).

* Ba phải? - Ði đường nào được? - Ba Chúa? - Ba Hội Thánh? - Ba luân lý? - Ba lương tâm? (ÐHY 14).

* Nhượng bộ tiền của, chức tước, nhượng bộ mạng sống để giữ lấy lý tưởng, danh dự, đức tin, con chấp nhận. Nhưng không bao giờ con chấp nhận đổi ngược lại: lỗ lã quá? (ÐHV 16).

Thánh Micae Hồ Ðình Hy (1808-1857) quê ở Nhu Lâm, Thừa Thiên, là một giáo dân đạo đức, bác ái, một vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng đến hàng tam phẩm, trông coi mọi việc trong đền vua. Cuối năm 1856, một số quan triều bị ngài ngăn chặn trong những việc làm bất chính, đã tố cáo ngài với vua Tự Ðức. Ngài đã bị bắt với một lý do duy nhất: Theo Ðạo Gia-tô, trái lệnh triều đình. Trong chốn ngục tù, ngài bị hành hạ tra tấn quá sức, khiến nhiều vị quan đồng nghiệp vốn đã quý mến đức độ của ngài phải cảm thương khuyên ngài giả vờ chối đạo để được tha, rồi sau đó lại tiếp tục sống đạo...

Hồ Ðình Hy cương quyết không giả vờ. Ngày 22.5.1857, ngài đã đổ máu đào chết vì đạo Chúa tại An Hòa, Huế.
-----o0o-----
 
02- BỔN PHẬN

1. Lời Thánh Augustinô

* Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại (ÐHV 17).

* Một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa thường hay "làm phép lạ" sái nơi, sái giờ. Ðến gần thì gây lộn xộn, và hoang mang khó sống (ÐHV 21).

* Bổn phận là giấy vào Nước Trời: "Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào Nước Trời (ÐHV 27).

Augustinô mải miết theo lạc thuyết Ma-ni-kê (Nhị nguyên) và xa hoa trụy lạc, nhưng chàng vẫn cảm thấy chán nản, ê chề, thất vọng. Ngày kia, tâm hồn Augustinô vụt đổi mới khi ánh sáng Tin Mừng lọt vào. Chàng hân hoan theo Chúa Giêsu và chịu phép rửa tội vào năm 33 tuổi. Từ đây, chàng tìm được bí quyết sống hạnh phúc: chu toàn thánh ý Chúa trong công việc bổn phận hằng ngày. Chàng viết: "Lạy Chúa, Chúa nên cho con, nên tâm hồn con mãi xao xuyến và băn khoăn bao lâu chưa được nghỉ an trong Ngài?

2. Một tý nữa thôi

* Thế giới không đổi mới, vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận (ÐHV 23).

* Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ? Họ chỉ chu toàn bổn phận (ÐHV 25).

Ðây là kinh nghiệm của một đấng thánh sống Lời Chúa. Ngài tâm sự: "Tôi hiểu bổn phận của tôi qua Lời Chúa như sau: Vác Thánh giá là chu toàn nhiệm vụ của mình", là chính công việc của bản thân tôi, bất kỳ lớn nhỏ; mỗi ngày là trong từng giây phút hiện tại.

Bất cứ làm công việc gì, tôi cũng nhớ đến câu ấy. Mỗi ngày tôi quyết tâm chầu Thánh Thể đúng một giờ. Nhưng lắm lúc, tôi sốt ruột thấy một giờ sao lâu quá! tôi xem đồng hồ. Bất giác nhớ lại bổn phận của tôi trong giây phút này là chầu Thánh Thể, tôi tự nhủ: "Một tý nữa thôi, một tý nữa thôi". Và tôi tiếp tục cầu nguyện. Song tôi lại sốt ruột, liếc xem đồng hồ. "Một tý nữa thôi, hãy cố gắng lên!" Và cứ như vậy, không bao giờ tôi rút vắn giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày.

3. Ðức Cha Seitz và bổn phận

* Con hãy thưa, "Lạy Chúa, nơi bổn phận của con là núi Calvariô, và con là của lễ toàn thiêu (ÐHV 30).

* Chính sự chết cũng là bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến (ÐHV 32).

Ðức Cha Phaolô Seitz (Kim) luôn hiện diện giữa giáo dân. Vào năm 1972, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẫn lái xe đi cứu thương dưới làn bom đạn. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn:

Ðức Cha không sợ sao?

Tôi không sợ, ngài trả lời. Nhưng ngẫm nghĩ một lát ngài nói tiếp: "Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi".

4. Bệnh nhân cũng có bổn phận của mình

* Có người không vác thánh giá của mình hay của người khác mà tưởng tượng thánh giá mình quá nặng. Có người vác thánh giá cả làng mà không vác thánh giá của mình. Có người vác thánh giá cả làng và gán thánh giá của mình bắt kẻ khác vác (ÐHV 18).

* Giáo dân nghĩ: thánh là sốt sắng kinh nguyện, giảng giải, xa lánh thế gian: họ hoá ra giáo sĩ, tu sĩ thời xưa. Tu sĩ nghĩ: thánh là dấn thân giúp việc xã hội, hoạt động chính trị, tranh đua với giáo dân mà nhập thế. Loạn xà ngầu (ÐHV 22).

* Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở bộ đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, công chức nên thánh ở công sở. Mỗi bước tiến là một bước hy sinh trong bổn phận (ÐHV 24).

Nhà Dòng của Thánh Cottolengo thành Torinô (Bắc Ý) được gọi là ngôi nhà bé tý của Chúa Quan Phòng. Trong nhà đó, nuôi đủ các thứ bệnh nhân và người tàn phế, mọi người chu toàn bổn phận theo sức của mình.

Những người liệt thì cứ mười lăm phút lại được nghe máy ghi âm nhạc: "chúng ta hãy nhớ mình đang ở trước mặt Chúa ", và họ dâng bổn phận chịu đau khổ lên Chúa.

Những người tàn phế khác thì chia nhau phục vụ cho trên 3000 cư dân chung sống trong nhà. Họ phân thành từng ban: ban nấu bếp, ban giặt rửa, ban vệ sinh, ban làm bánh mì... Ban cuối cùng này hầu như gồm toàn những người câm và điếc, kể cả anh trưởng ban.

Chúng ta thử tưởng tượng: nếu mỗi người ăn hai quả trứng thì phải có trên 6,000 quả trứng, nếu mỗi người ăn hai ổ bánh mì thì phải có trên 6,000 ổ bánh mì! mà mỗi ngày đều phải cung cấp với một số lượng như thế! Và tất cả đều do bàn tay bệnh nhân, phế nhân làm.

Tất cả mọi người trong nhà ấy, què quặt, câm điếc cũng như tê liệt đều có bổn phận và đều thánh hoá mình trong bổn phận.

5. Cách ngôn Nhật Bản

* Nếu ai cũng nên thánh trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới (ÐHV 20).

* Vấn đề rất đơn giản: trước khi hành động, con nghĩ: "Chúa muốn con làm gì?" Hãy thực hiện ý Chúa (ÐHV 36).

"Nếu mỗi người đều quét sạch cổng mình thì cả làng đều sạch". Cách ngôn của ta: "Nếu ai cũng thánh hoá bổn phận mình thì cả xã hội đều tốt đẹp".

6. Bác sĩ Longet

* Thánh hóa bổn phận của con. Thánh hóa người khác nhờ bổn phận con. Thánh hóa chính mình con trong bổn phận (ÐHV 19).

* Không gắn bó với ý Chúa từng giây phút, con sẽ bỏ dỡ đường hy vọng, vì con cho bổn phận bình lặng, vô danh và đồng điệu (ÐHV 35).

Bác sĩ Longet là một bác sĩ người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Ðông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm (ông thánh hoá bổn phận).

Ðược hỏi vì sao ông quý bệnh nhân đến thế? Vì sao ông có thể bỏ ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân là trên hết? Ông đáp: Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh (ông thánh hoá mình trong bổn phận).

Mỗi sáng, khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mầng, Sáng danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch (ông thánh hoá người khác nhờ bổn phận).

Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào Chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.

7. Chuyện ông Viện Trưởng

* Vì thương thuyết đòi điều kiện trong bổn phận, vì không theo ý Chúa, vì theo ý Chúa có giới hạn mà tâm hồn con khắc khoải, bất an (ÐHV 34).

* Chúa muốn mưa, con cũng muốn, - Chúa muốn nắng, con cũng muốn, - Chúa muốn sướng, con cũng muốn, - Chúa muốn cực, con cũng muốn, - Chúa và con chỉ có một ý. Bí quyết hạnh phúc của con (ÐHV 37).

Ông Viện trưởng viện đại học Milanô hiện nay là một nhà nghiên cứu khoa học đồng thời là một Kitô hữu sốt sắng. Ông lại nổi tiếng là một người bạn dễ mến đối với các khoa trưởng, giáo sư, một người cha yêu quý và dễ cảm thông đối với các sinh viên trong viện. Ngoài các giờ nghiên cứu, ông cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngoài các tác phẩm khoa học, phát minh, ông còn viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị. Ông nên thánh trong bổn phận, tạo nên những thế hệ thông minh và kiên cường. Ông lại sống độc thân. Nhiều người lấy làm lạ hỏi: "Sao ông tốt đến thế?" Một người biết rõ về ông và trả lời: "Ông là vị phụ trách Tổng quyền của Tu Hội Chúa Kitô Vua". Vì khiêm nhường, ông không nói điều này ra nên ít người biết.

8. Nên Thánh nhờ cầu nguyện

* Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng: là liên lỉ canh tân - là quyết định chọn hay chối Chúa - là tìm Nước Chúa, - là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa, - là hành động với tất cả hăng say, - là thể hiện mến Chúa yêu người, "ngay trong giây phút này" (ÐHV 26).

* Chấp nhận thánh ý Chúa; vâng theo thánh ý Chúa; yêu mến thánh ý Chúa. Con chọn hạng nào? (ÐHV 28).

Bác sĩ Emiliô Trosalti (bệnh viện Polyclinicô - Roma) là một người như mọi người, có nhà riêng, có lương bổng, có xe hơi, quan hệ bạn bè rất tốt, săn sóc bệnh nhân tận tình; nhưng nơi ông có những đặc điểm nổi bật: phản ứng đầy tinh thần Phúc Âm, thái độ nhã nhặn nhưng siêu nhiên vô cùng. Ông là Tổng thơ ký của một Tu Hội đời. Ông nói: "Bí quyết hạnh phúc của tôi, sự bền đổ của tôi là cầu nguyện, sáng một giờ, chiều một giờ... , nhờ cầu nguyện, kết hợp với Chúa, tôi giải quyết được mọi thắc mắc, thắng hết được mọi chước cám dỗ". Ngoài các sách thiêng liêng khác, ông có viết cuốn: "Sự cầu nguyện trong Tu Hội Ðời".

9. Nhận như Thập giá

* Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa ban cho ta hạnh phúc tham dự mầu nhiệm cứu rỗi. Ðối với mỗi người, con đường thánh giá đi theo con đường bổn phận (ÐHV 38).

Khi Hồng Y Sartô vừa được bầu làm Giáo Hoàng (Pio X), thì theo Giáo luật, vị Hồng Y niên trưởng đến hỏi ngài: "Ðức Hồng Y có chấp nhận làm Giáo Hoàng không?"- Ngài đáp: "Tôi xin nhận nhiệm vụ Giáo Hoàng như là Thánh Giá Chúa trao cho tôi".

10. Quán ăn cầu nguyện

* Chỉ cần làm bổn phận trong giây phút hiện tại là nên thánh. Một khám phá, một mạc khải đem bình an và phấn khởi cho tâm hồn con (ÐHV 31).

* Tiến lên trong bổn phận mỗi ngày, con sẽ thấy "Ách Chúa êm ái, gánh Chúa nhẹ nhàng" (ÐHV 33).

Ngoài các giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, các chị thuộc Tu Hội Eau-vive (Nước Hằng Sống)(nguồn gốc tại Bỉ) còn mở quán ăn phục vụ khách hàng. Thoạt đầu mới bước chân vào, người ta thấy bầu không khí là lạ! Thức ăn thì thật là ngon, các cô chiêu đãi lại quý khách hơn cả bạc vàng. Châm ngôn của họ: phục vụ Chúa Giêsu trong các thực khách. Khách hàng khi thấy đã quen quen, hỏi họ: "Tại sao các cô thuộc nhiều quốc tịch mà lại sống chung với nhau? Các cô có gia đình không? ..." Bây giờ, các chị mới thuật lại cuộc sống Tu Hội của họ một cách đơn sơ, chân thành khiến nhiều người cảm kích, có kẻ bắt đầu tìm hiểu đạo, lên đường trở về với Chúa.

Ðặc biệt sau giờ cơm tối, thông thường vào lúc 9 giờ. Tu Hội có giờ cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm. Các chị thưa với khách hàng: "Giờ đây chúng tôi có giờ cầu nguyện, quý vị nào muốn tham gia, chúng tôi xin kính mời, ai không tham gia, xin cứ tự nhiên". Thế rồi các chị cùng một số ít thực khách sắp ghế vòng quanh lại và bắt đầu giờ cầu nguyện với những bài Thánh Ca sốt sắng, truyền cảm. Có nhiều người ban đầu không tham gia, dần dần thấy hay hay cũng lắng tai nghe, rồi những lần kế tiếp lại xách ghế ngồi phía sau tìm hiểu. Khi đã quen, đã mê thì tuần nào cũng một vài lần đến ăn cơm, nhưng cốt để tham dự giờ cầu nguyện ban tối mà họ cho là rất tự nhiên, hấp dẫn và cảm động. Quán ăn đã trở nên nhà cầu nguyện, vì có Chúa hiện diện giữa họ.
 

Tác giả: PX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập290
  • Hôm nay60,030
  • Tháng hiện tại1,279,608
  • Tổng lượt truy cập74,090,578
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây