Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng. ĐHY PX Nguyễn Văn Thuận [3]

Thứ ba - 11/03/2025 09:29
Này, người lữ khách hôm nay thân mến! Nơi đây không cống hiến cho con những lời khuyên lơn răn bảo, cũng không thay con suy ngắm. Nhưng đây chỉ là những kinh nghiệm sống của các bậc Thánh và các người Thánh, "Những người lữ hành trên đường hy vọng". Họ có thật và họ sống thật!
 
06- Siêu Nhiên

1. Vị Giáo Hoàng của Thập giá

* Mọi người khen con mà Chúa chê con, được ích gì? Mọi người nhạo cười con, mà Chúa khen con, hạnh phúc cho con. Khi dân chúng kể: "Xin tha Baraba" Baraba vẫn là kẻ trộm. Khi dân chúng la lối: "Hãy đóng đinh nó!" Chúa Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa vô tội (ÐHV 103).

* Mọi người khen con mà Chúa chê con, khốn cho con. Mọi người nhục mạ, vu cáo, ghê gớm con, nhưng Chúa khen con, thì hạnh phúc cho con vì Nước Thiên đàng là của con (ÐHV 102).

Gánh lấy trọng trách thực hiện Công đồng Vatican II, Ðức Phaolô VI đã đem hết sức mình để phục vụ Hội Thánh với tất cả lòng khiêm tốn, bác ái, cương nghị... Ngài không ngớt nhắn nhủ, kêu gọi, giảng giải, sẵn sàng chấp nhận mọi lời khen chê, phê bình, chỉ trích, phản chứng, ra đi... Ngài thường nói: "Cha muốn làm tất cả những gì có thể để thực hiện Công đồng Vatican II", "Cha muốn làm tất cả những gì có thể để vãn hồi hoà bình trên thế giới".

2. Vị Thánh của giới trẻ

* Sự điên dại trước mặt loài người là sự khôn ngoan trước mặt Chúa (ÐHV 106).

* Thánh giá là sự dại dột đối với người Do thái, là sự vấp phạm đối với người Hy Lạp (ÐHV 107).

Thánh Gioan Boscô đã chấp nhận hết mọi đau thương, gian khổ của cuộc đời để đạt mục đích duy nhất: đưa giới trẻ về cùng Chúa. Ngài đi ăn xin từng miếng cơm, manh áo, tấm chăn để đem về cho tốp lâu la du đảng của ngài dùng. Hằng đêm, ngài phải thức khuya để làm báo, viết sách để huấn luyện giới trẻ, bênh vực Hội Thánh... đến nỗi lúc già, mắt ngài mờ đi vì phải thức khuya quá độ.

Ngài chọn một khẩu hiệu: "Da mihi animos, caetera tolle", tạm dịch "Xin Chúa cho con được cứu nhiều linh hồn, còn mọi sự khác (của cải, danh vọng, thành công) Chúa cứ cất đi!".

3. Ơn được mắc bệnh ung thư

* Ðừng nói tôi làm theo lương tâm. Còn lương tâm không để theo? (ÐHV 109).

* Tại sao tận hiến cho Chúa mà con so sánh mình với người đời, phàn nàn vì thua sút điều này, điều nọ. Con tiếc vì làm tôi Chúa thiệt thòi sao? (ÐHV 116).

Năm 1953, nhiều nhật báo Mỹ đăng tin: "Ngày 14.01.1953, tại Kansas, bác sĩ báo tin cho Julius Bussi đang nằm điều trị tại nhà thương rằng: Cha phải chết dần chết mòn vì bệnh ung thư".

Là một người luôn có tinh thần siêu nhiên, hết lòng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, ngài mỉm cười đáp: "Ðó là đặc ân, đó là thánh ý Chúa muốn. Nhờ bệnh ung thư tôi có đủ thời giờ để dọn mình chết lành hơn là bị các bệnh hoạn, tai nạn khác bất ngờ xảy đến, không chuẩn bị kịp".

4. Làm vinh danh Chúa hơn

* Ở trong nhà thờ suốt ngày cũng chưa hẳn là nhân đức, nếu còn bắt lý lẽ, nếu còn phản ứng theo khôn ngoan thế gian, còn tự ái… Gioan và Giacôbê ở với Chúa luôn, nhưng Ngài phải hỏi: "Chúng con có tinh thần của ai?" (ÐHV 108).

* Hãy nhìn mọi sự với con mắt của Thiên Chúa, con sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác (ÐHV 111).

Khi lập Dòng Tên, thánh Ignatiô Loyola đã chọn cho Dòng một khẩu hiệu: "Ad majorem Dei gloriam": làm cho sáng danh Chúa hơn tất cả mọi công việc thuộc các lãnh vực: truyền giáo, mục vụ, giáo dục, khoa học... Luôn luôn phấn đấu trong tất cả để danh Chúa được vinh hiển hơn.

5. Con muốn phần thưởng nào?

* Hãy vui mừng vì con thành công và hãy cám ơn Chúa vì có người khác thành công hơn con (ÐHV 105).

* Nếu không có sự phục sinh thì người Công giáo là hạng vô phúc nhất trần gian (ÐHV 114).

Là một tu sĩ Dòng Carmêlô, thánh Gioan Thánh Giá đã viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị bất hủ. Ngày nọ Chúa hỏi ngài: "Con muốn phần thưởng nào?" Thánh Gioan Thánh Giá đáp: "Xin cho con được chịu đau khổ và sỉ nhục vì Chúa".

6. Chúng tôi muốn la lớn một lời: Thiên Chúa

* Phaolô trồng, Apollô tưới, Thiên Chúa cho có kết quả (ÐHV 113).

* Chúa "dắt con trên đường, để con ra đi, và thu được nhiều hoa trái". Ðường ấy là đường hy vọng", và chan chứa hy vọng, vì "đẹp như hy vọng". Sao không hy vọng khi con đi với Chúa Giêsu, khi con về cùng Ðức Chúa Cha? (ÐHV l).

Năm 1943, Cô Chiara Lubich đã khởi xướng phong trào Focolare với lý tưởng "Hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô".

Chiara Lubich lúc ấy là một cô gái trẻ, vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên Cô đã có một đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống gần Thiên Chúa. Một lần nọ, mẹ Cô sai Cô đi mua sữa cho em, Cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui tươi, hăng hái. Trên đường đi, Cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình là hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó Cô đang điều khiển một nhóm Công giáo Tiến hành. Sau chuyến đi dự khóa hội thảo tại Loretto, Chiara Lubich đã quyết tâm theo Chúa bằng cách sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Tuân phục.

Thế chiến thứ hai bùng nổ, Chiara Lubich vẫn còn ở lại Trentô để phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Tình yêu của Cô đối với tha nhân đã quyến rũ nhiều thiếu nữ khác cùng sống lý tưởng Bác ái Hiệp nhất, thấy Chúa trong tha nhân, nhất là trong những người bị đời bỏ rơi và xua đuổi... Và nếp sống ấy đã vượt ra khỏi ranh giới thành phố Trentô.

Vào một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa điện tại nhà các cô. Nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh thích thú và muốn nghe mãi. Lúc xong việc thay vì nhận tiền công, anh ta lại xin được trở thành Focolarinô, vì nghe thấy một tiếng thiêng liêng gọi anh sống đời sống đó. Rồi một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập. Thế là "Tổ Nam" được thành hình. Trụ sở đầu tiên của tổ là một chỗ nuôi gà vịt được sửa lại. Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh. Thấy hai anh sống trong chuồng gà, ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì Tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng điên".

Ngày nay phong trào đã bành trướng khắp thế giới. Năm 1977, chị Chiara Lubich được giải thưởng quốc tế Templeton về tôn giáo trao tặng tại Luân đôn. Chị thường nói: "Chúng tôi lên tiếng để la lớn cho thế giới một lời: Thiên Chúa".

7. Dàn xếp lương tâm

* Ðừng nói tôi làm theo lương tâm. Còn lương tâm không để được theo? (ÐHV 109).

Trước kia, Giáo Hội Việt Nam có luật buộc ngày thứ sáu phải kiêng thịt. Ông nọ vào quán, biết quán có cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc chắn chẳng bao giờ có: "Cho tôi dĩa cá sấu! Cho tôi dĩa cá voi!". Chủ quán luôn miệng đáp: "Không có! không có!"

Thế rồi ông tự nhủ: "Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đã gọi nhiều thứ cá mà chẳng có. Thôi! Con đành phải gọi một tô phở thịt bò tái mà ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy!" Cầu nguyện xong, ông ta thi hành liền "theo đúng sự dàn xếp của lương tâm".
-----o0o-----

07- Cầu Nguyện

1. Thánh Phanxicô cầu nguyện

* Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động (ÐHV 119).

* Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin (ÐHV 122).

Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng cho lương dân, nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Phanxicô Xaviê có những lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục trên bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện: "Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa".

2. Ông già xứ Ars

* Con tưởng trẻ em chưa làm gì được, người bệnh không làm gì được cho Hội Thánh nữa? Không đâu, sau lời cầu chính thức của Hội Thánh, lời nguyện của trẻ em và bệnh nhân rất đẹp lòng Chúa. Năng nhắc họ ý thức! (ÐHV 141).

* Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ luận lý. Ðừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa (ÐHV 142).

Người ta thấy một nông dân xứ Ars, mỗi ngày trước khi ra đồng, đều có ghé đứng vào cuối nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới đi cày. Khi trở về ông cũng ghé vào nhà thờ cầu nguyện như vậy.

Ai cũng để ý và cảm phục. Một hôm có người hỏi: "Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy bận để làm gì thế?" Lão nông dân trả lời cách đơn sơ mà đầy ý nghĩa: "Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi".

3. Thánh nhân mở cửa nhà chầu

* Con tin lời cầu nguyện toàn năng không? Hãy suy Lời Chúa: "Thầy nói thật với các con, hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở". Có công ty bảo hiểm nào bảo đảm cho chắc chắn hơn lời ấy không? (ÐHV 121).

* Một người thánh mà không cầu nguyện là thánh giả. Con đợi xem, họ sẽ sụp đổ không mấy hồi (ÐHV 131).

Những lúc gặp tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng chẳng chịu trở lại, thánh Vincent Ferrier càng gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho họ nhiều hơn. Như thế vẫn chưa đủ. Ðêm về, ngài lại thức khuya trước bàn thờ than thở cùng Chúa và nhiều khi còn bạo dạn mở cửa nhà chầu để nói chuyện cùng Chúa với một đức tin mạnh mẽ. Ngài nài nỉ Chúa ban ơn cho bằng được để cứu các linh hồn cứng cỏi ấy khỏi sa hỏa ngục.

4. Cầu nguyện cho kẻ thù

* Lời kinh phụng vụ rất đẹp lòng Chúa, vì đó là lời Thánh Kinh, là lời cầu của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Giêsu. Con hãy dùng sách lễ, sách ca vịnh, sách nguyện mà cầu nguyện (ÐHV 128).

* Tại sao Hội Thánh khủng hoảng? Vì hạ giá sự cầu nguyện (ÐHV 134).

Quá tức tối trước bài giảng của Stêphanô, người Do Thái lôi ngay ông ra ngoài thành Giêrusalem để ném đá cho hả giận. Trước lúc lìa trần, Stêphanô thều thào trong hơi thở: "Lạy Chúa, tội của họ xin Chúa đừng chấp xét!" (TÐCV 7, 54-60).

5. Một cộng đoàn cầu nguyện

* "Khi hai hay ba người hiệp nhau vì Danh Ta, thì Ta ở giữa họ". Lời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện, họ sống xa linh mục từng ngàn cây số mà vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện kiên trì giữa gian nan và cô đơn (ÐHV 124).

* Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm gặp người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào? (ÐHV 130).

* Sách thiêng liêng làm nhiều người nên thánh, đó là dầu nuôi lò lửa cầu nguyện (ÐHV 145).

Một bà nọ thuật lại trong cuốn sách nhan đề "Où Dieu pleure" rằng: "Bà cùng với một số người Ðức bị đưa đi đày xa quê hương từ giữa lòng thế chiến thứ hai. Tất cả đều là người Công giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có linh mục. Nhưng họ được tụ họp mỗi chiều Chúa nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó 1000 cây số có linh mục, anh chị em Kitô hữu bèn quyết định hằng tháng góp tay nhau một ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy để mang Mình Thánh Chúa đến cho họ. Thế rồi từ đó, mỗi chiều Chúa nhật, họ đều gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng vì biết rằng có Chúa Thánh Thể, mà bà kia mang trong mình, đang ở cùng họ. Họ sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa... Những ai yếu liệt đều được trao tặng của ăn đi đàng quý giá ấy trước khi qua đời.

Nhờ đó trong suốt mấy mươi năm trời, cộng đoàn Kitô hữu ấy vẫn sống với niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ.

Năm 1972, được trả tự do, bà già ấy đã thuật lại câu chuyện cảm động cho tác giả cuốn sách. Bà cũng cho biết mình chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện vào những chiều Chúa nhật tại nghĩa địa. Bà nói: "Tôi ra đi với tất cả niềm lưu luyến, nhớ thương, với biết bao kỷ niệm về cộng đoàn cầu nguyện và cộng đoàn huynh đệ Thánh Thể ấy".

6. Gương Hồng Y Gilroy

* Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ÐHV 120).

* Muốn biết công việc tông đồ của ai, con hãy xem người ấy cầu nguyện thế nào (ÐHV 132).

* Nếu con không phải là người cầu nguyện, không ai tin con làm việc vì Chúa thôi (ÐHV 133).

Ðức Hồng Y Norman Gilroy, Tổng Giám mục giáo phận Sidney (Úc đại lợi) là người sáng lập Hội Chầu Thánh Thể trong Tổng giáo phận của ngài cũng như trên toàn thế giới. Ðể nêu gương sáng cho mọi người trong việc tôn thờ Thánh Thể, mỗi ngày, dù bận rộn công việc, nhọc mệt, căng thẳng, hoặc phải đi công cán ở nước ngoài, ngài vẫn duy trì một giờ chầu Chúa Thánh Thể, ban ngày không được thì ban đêm, chẳng bao giờ bỏ.

7. Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con

* Một người chưa vào đạo mà cầu nguyện là dấu rất tốt; khởi sự cầu nguyện là khởi sự có đức tin (ÐHV 137).

Xưa có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi của con".

Một hôm, người ta dẫn ông đến mồ của Thánh Thomas thành Cantobery để xin Thánh nhân làm phép lạ chữa lành đôi mắt. Ông được nhận lời: đôi mắt vụt sáng lên ngay. Nhưng sau những giây phút vui mừng sung sướng, ông chợt nhớ mình quên kết thúc lời cầu nguyện bằng câu thường lệ: "Nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của con", nên ông vội vàng trở lại trước phần mộ của thánh Thomas, xin được hóa mù lại, nếu điều đó có ích lợi cho phần rỗi của ông hơn là được sáng mắt.

Ðôi mắt ông lại hóa nên mù như trước, nhưng đời ông từ đó nên thánh thiện.

8. Cha - Con Ta

* Chúa dạy con đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: "Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con". Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử (ÐHV 127).

Trong lần gặp gỡ thánh Phanxicô vào dịp thánh nhân qua Tòa Thánh để xin phê chuẩn luật dòng Anh Em Hèn Mọn. Ðức Thánh Cha thân mật hỏi ngài:

- Con có bao giờ thấy Chúa chưa?

- Con vừa thấy đêm qua.

- Người có nói gì với con không?

- Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói "Cha" với Người thì Người trả lời lại với con: "con Ta". Cứ thế, chẳng có gì hơn... cho đến lúc trời sáng.

9. Ðan sĩ Silouanne

* Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn con (ÐHV 118).

* Lời cầu nguyện của con phải phổ cập, quả tim con phải chứa đựng cả thế gian, nhưng đừng vì đó mà quên những thực tế trong con, và chung quanh con (ÐHV 144).

* Ðặc biệt với tâm hồn toàn hiến, đáng lẽ trong căn cước phải khai: "nghề nghiệp: cầu nguyện". Các nghề khác thế gian đều làm cả. Thế gian đòi hỏi con làm đại lý và xin nài con: "cầu nguyện cho tôi!" (ÐHV 146)

Silouannne là một đan sĩ đơn sơ, thánh thiện, người Nga, thuộc Chính Thống giáo, tu ở núi Athos Hy Lạp, từ lúc 20 tuổi cho đến lúc qua đời (70 tuổi). Giáo chủ Antoine Bloom, đại diện Chính Thống giáo Âu châu, có kể lại một câu chuyện như sau trong đời ngài:

Suốt nhiều năm thầy già đáng kính Silouanne coi sóc cơ xưởng cho tu viện. Trong xưởng có một số thanh niên nghèo từ miền quê lên làm việc để kiếm tiền giúp gia đình. Một ngày kia các tu sĩ hỏi ngài: "Thưa thầy, làm sao mà thầy có thể bảo bọn thợ kia làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần canh chừng họ; trong khi mắt chúng con không rời họ mà họ vẫn đánh lừa được chúng con?" Thầy Silouanne trả lời: "Tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng mỗi buổi sáng tôi không bao giờ đến xưởng mà trước tiên không cầu nguyện cho họ; tôi đến với họ bằng quả tim yêu thương. Khi tôi bước vào xưởng tôi yêu họ với tất cả tình yêu dạt dào của lòng tôi. Tôi phân công cho họ rồi ra về với quyết định sẽ cầu nguyện cho họ trong suốt thời gian họ làm việc.

Trong phòng riêng, tôi đặt mình trước mặt Chúa và cầu nguyện: "Lạy Chúa xin thương nhớ đến Nicolas. Cậu còn nhỏ vừa đúng 20 tuổi, cậu để vợ và con đầu lòng ở lại dưới quê, vợ cậu còn trẻ hơn cậu nữa. Xin Chúa nghĩ xem: cậu ta đau khổ biết mấy khi phải lìa vợ con như thế. Và cậu phải đau khổ như vậy mà không biết có kiếm đủ cơm áo cho vợ con không. Trong khi cậu không săn sóc vợ con được, xin Chúa gìn giữ họ khỏi mọi tai biến..."

Ngài nói tiếp: "Bắt đầu tôi cầu nguyện rất sốt sắng cho Nicolas, cho vợ và con của cậu, và tôi càng cầu nguyện thì cảm thức về sự hiện diện của Chúa càng xâm chiếm lấy tôi, cho đến một lúc nó trở thành mãnh liệt đến nỗi tôi không còn nhìn thấy Nicolas, vợ con cậu, các nhu cầu của cậu và quê nhà cậu nữa; tôi chỉ còn ý thức về Thiên Chúa mà thôi. Cảm thức về sự hiện diện của Chúa lôi kéo tôi vào một tình trạng trầm tĩnh càng lúc càng sâu thẳm. Thình lình, ngay trong sự hiện diện ấy của Chúa, tôi bắt gặp tình yêu Thiên Chúa và trong tình yêu này, tôi gặp lại Nicolas và vợ con cậu. Bây giờ với chính tình yêu Chúa, tôi lại tiếp tục cầu nguyện cho họ, nhưng tôi lại cảm thấy bị lôi kéo lần nữa vào vực thẳm mới, mà tận đáy vực thẳm này, tôi lại gặp tình yêu Thiên Chúa... Tôi sống mỗi ngày như vậy đó: tôi cầu nguyện cho mỗi anh thợ, anh này đến anh khác. Cuối ngày tôi trao đổi với họ vài câu chuyện, chúng tôi cầu nguyện chung với nhau và họ ra về nghỉ ngơi. Phần tôi, tôi trở lại Tu viện để chu toàn các phận sự còn lại của một đan sĩ..."

10. Thằng quỷ làm dấu Thánh Giá

* Con hãy cầu nguyện luôn luôn bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: "Hãy cầu nguyện không ngừng" (ÐHV 123).

Valentia mồ côi lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày sau Thánh lễ, cậu phải vào các tiệm ăn để đánh giày cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu Thánh giá cám ơn Chúa. Tụi bạn nom thấy thế nhiều lần to nhỏ với nhau: "Gạo thì không lo mà lo giữ đạo!" Valentia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy.

Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố cho đóng vai thằng quỷ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đổ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Như bao nhiêu lần trước, "thằng quỷ trên sâu khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quỳ gối làm dấu Thánh giá. Khán giả cười rồ lên, tưởng thằng quỷ làm hề, không ngờ Valentia cầu nguyện thật!"

Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valentia ăn học. Ðến sau, Valentia đỗ tiến sĩ lúc mới 30 tuổi!
-----o0o-----


08- Hy Sinh

1. Thập giá đời tu sĩ

* Hy sinh và nguyện ngắm đi đôi: nếu con không hy sinh, con đừng phàn nàn vì nguyện ngắm nguội lạnh (ÐHV 148).

* Con phải hy sinh nhiều khi sống giữa những người khác chính kiến con, khác địa vị con, khác lý tưởng con. Hãy xem gương Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài sống giữa loài người tội lỗi, 33 năm hy sinh liên lỉ (ÐHV 149).

* Nếu con không hy sinh bên ngoài, không ai tin con hy sinh bên trong. Hy sinh giác quan rất quan hệ, Ðavid đã sụp đỗ vì không giữ mắt (ÐHV 160).

Thánh Louis de Gonzaga là một tu sĩ dòng Tên sống đời trinh khiết, siêu việt như thiên thần. Tuy nhiên, vì vẫn là con người, nên ngài không thể không cảm thấy thấm thía những Thánh giá do đời sống cộng đoàn đem lại: đó là những xích mích, va chạm không làm sao tránh khỏi. Và ngài đã chấp nhận vác lấy cách khiêm tốn, vui tươi, coi đó là một dịp đền tội, như lời Ngài nói: "Việc đền tội lớn nhất của tôi là đời sống cộng đoàn, Mea maxima poenitentia, vita communis".

2. Những hy sinh của vị Thánh Nhỏ

* Gặp một người làm khổ, con có thể có hai thái độ: "Người này hại tôi; người này thánh hóa tôi" (ÐHV 150).

* Ðừng hy sinh kiểu biệt phái, hãy hy sinh theo Phúc Âm (ÐHV 154).

* Không hy sinh nơi những việc nhỏ, con sẽ đầu hàng trước những hy sinh lớn lao (ÐHV 164).

* Ðể thúc đẩy con, mỗi lần hy sinh, con định rõ một mục tiêu: cứu một linh hồn; dâng cho một bệnh nhân; cầu cho Hội Thánh ở một địa phương gây cấn (ÐHV 165).

Trong truyện "Một tâm hồn", Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu có thuật lại một hy sinh rất đẹp của Thánh Nữ: "Một lần kia tại nhà giặt, con ngồi giặt đằng trước mặt chị. Chị này giặt khăn tay, chốc chốc lại làm bắn nước bẩn vào con. Thoạt đầu con muốn lùi ngay lau mặt cho chị ấy biết để đừng làm bắn nước bẩn vào con nữa. Nhưng nghĩ lại như thế là dại, vì bỏ mất những hạt ngọc người ta tặng mình một cách đại lượng, và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa, con lại cố nén mình để ước ao nước bẩn ấy bắn lên con rất nhiều. Qua nửa giờ con đã cảm thấy sự vui thú được vấy nước bẩn. Con định bụng hể sau này có dịp lại đến chốn đất lành ấy để được một cách làm giàu không mấy khó khăn".

Nơi khác, ngài còn nói: "Với lòng kính mến Chúa, thì dù cúi xuống nhặt một cái kim nhỏ, ta cũng cứu được một linh hồn".

Một lần nọ, chị coi nhà liệt khuyên ngài mỗi ngày nên đi bách bộ ngoài vườn 15 phút. Ngài coi lời khuyên đó như một mệnh lệnh. Bữa kia vào lúc quá trưa, một chị trông ngài bước đi khó khăn quá, mới thương hại bảo rằng:

- Chị về nằm nghỉ có lẽ lợi hơn đi bách bộ, đi như thể chỉ thêm mệt.

Ngài thưa lại:

- Vâng, chính thế! Nhưng chị có biết em lấy sức gì để đi được như thế chăng? Em đi để làm ích cho một vị truyền giáo, với ý nghĩ: ở cõi xa xăm kia, có vị truyền giáo dường như đã kiệt sức vì mãi miết theo đuổi công cuộc mở mang Nước Chúa; em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để vị tông đồ ấy đỡ nhọc mệt.

3. Một chứng tích tình yêu

* Hy sinh con, đừng hy sinh kẻ khác (ÐHV 158).

* "Vì Chúa yêu thương môn đệ, Ngài đã yêu thương đến cùng!" Tận cùng ấy là Thánh giá. Hy sinh của con phải trọn vẹn, phải là lễ toàn thiêu, nếu "yêu tận cùng" (ÐHV 161).

* Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm? (ÐHV 171).

Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ Dòng Phanxicô rất hăng say hoạt động. Ngài đã tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật, đặc biệt chuyên ngành ấn loát sách báo để truyền giáo, người cũng đã có dịp ghé qua Sài Gòn, nhưng vì bệnh lao phổi, phải trở về Ba Lan điều trị. Tại quê nhà, M. Kolbe vừa chữa bệnh vừa hoạt động không ngừng. Ngài dùng sách báo để truyền bá lòng sùng kính Ðức Mẹ. Ngài quá trông cậy, kính yêu Ðức Mẹ đến nỗi được người ta gán cho biệt hiệu: "Người con điên của Ðức Mẹ ".

Lúc Phát xít Ðức chiếm đóng Ba Lan, chúng thấy ảnh hưởng ngài trên quần chúng quá mạnh nên đã tống ngài vào ngục.

Ngày nọ, trại giam của ngài có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của Phát xít Ðức: hễ một tù nhân trốn thoát, mười người tù khác phải đền mạng.

Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng và khiếp đảm. Viên sĩ quan coi tù ngục vừa giận dữ rảo bước vừa đưa tay chỉ định: tên này.... tên này... Ai lâm vào sổ đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tên kêu thất thanh: "Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ".

Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm nghị. Viên sĩ quan Ðức quát hỏi:

- Mi là ai?

- Maximilien Kolbe, linh mục Công giáo!

- Mi muốn gì?

- Tôi xin nguyện chết thay cho anh bạn tù này (ngài đưa tay chỉ vào người vừa la thất thanh), vì anh còn con thơ và vợ dại.

- Muốn ngu thì cho ngu! Vào sắp hàng thế, còn tên kia được tha!

Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục... Viên sĩ quan Ðức hô lớn: "Sắp sẵn! Ði!". Mười người lặng lẽ đi vào phòng giam đói của nhà ngục. Theo lời các tù nhân thuật lại, thường những kẻ bị giam đói khóc lóc chửi rủa cho đến khi tắt hơi. Cha M. Kolbe luôn miệng khuyến khích, thúc giục mọi người cầu nguyện. Các tù nhân bên ngoài nghe tiếng họ hát và đọc kinh, ban đầu lớn, càng về sau càng yếu đi, rồi đến một lúc thì hoàn toàn im lặng. Ngày thứ mười hai, cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân hình tàn rũ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đổ vào lò đốt.

Mấy mươi năm sau, vào năm 1972, Tòa Thánh đã tôn phong ngài lên bậc Chân phước, sau khi cứu xét kỹ lưỡng các nhân đức anh hùng của vị linh mục. Giây phút cảm động nhất trong Thánh lễ do Ðức Phaolô VI chủ tế trong buổi lễ tôn phong ấy là hồi dâng lễ vật: một đoàn người tiến lên mang bánh, rượu, nến và hoa hồng trắng đỏ: hoa hồng trắng chỉ sự trinh khiết, hoa hồng đỏ chỉ sự hy sinh tử đạo. Ðoàn người dâng lễ gồm có người Ba Lan, đồng hương của ngài, và vài thiếu nữ mặc quốc phục Nhật Bản, nơi ngài đã đến truyền giáo. Cảm động hơn cả là lúc Ðức Thánh Cha ôm hôn ông già bưng cái chén thánh tiến lên: đó chính là tù nhân đã được cha Kolbe thế mạng. Trong lúc ấy, toàn thể cộng đoàn hát vang khúc tình ca: "Không có tình yêu nào cao quý bằng chết thay cho bạn hữu". Chứng tích sờ sờ trước mắt khiến nhiều người hôm ấy không cầm nổi giọt lệ...

4. Cha Ðamien Tông Ðồ người hủi

* Nếu biết chế ngự bằng hy sinh: hồn và xác con là hai người bạn đoàn kết và vô địch. Nếu không biết chế ngự: hồn và xác con là hai kẻ thù không bao giờ lìa xa nhau được (ÐHV 168).

* Có những người hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh; có những người không hy sinh mà muốn mọi người biết mình hy sinh; có những người hy sinh luôn mà không muốn ai biết mình hy sinh (ÐHV 170).

* Con có thể hy sinh mạng sống, hy sinh cả cuộc đời, vì hy vọng chan chứa với Chúa Giêsu: "Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời, Người sẽ trở lại trong vinh quang... Nước Người sẽ không bao giờ cùng" (ÐHV 174)

Cái đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái bình dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui mày lở, răng rụng...

Một hôm, Ðức Giám mục đặc trách quần đảo gióng tiếng kêu gọi các linh mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khỏe mạnh hăng hái đáp lời: đó là cha Ðamien, người về sau được thêm biệt danh: "Tông đồ người hủi".

Chiều hôm đó, trong nhà thờ đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Ðức Giám mục đứng trên bàn thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: "Các con thân mến, các con hằng mong ước có một linh mục đến cùng các con, thì đây, cha Ðamien, một linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không?"

Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Ðamien đứng cạnh Ðức Giám mục chẳng hiểu tí nào. Rồi họ từ từ tiến lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Ðamien càng nhìn thấy họ đến gần càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên Cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo cha... Cha hỏi Ðức Giám mục: "Họ làm gì thế? Nói gì thế?" Ðức Cha trả lời: Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như Cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người cha, xem thử cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: "Không, cha đẹp quá!"

Dần dần, cha Ðamien hòa đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài đã quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi!

Một ngày kia, đến lượt cha cũng mắc bệnh hủi. Thân hình cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình cha mô tả sự hy sinh vĩ đại của cha. Bà cụ của cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu. Bà hỏi con cháu: "Hình ai đây mà trông ghê sợ vậy?" Con cháu trả lời: "Một người hủi bên đảo Molokai của anh Ðamien đấy!" Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ.

Cha Ðamien đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.

5. Viên đá đầu tiên dính đầy máu đỏ

* Thiên hạ nói: "Người này là mối họa cho tôi!" Con phải nói: "Người này là khí cụ Chúa dùng biến đổi tôi!"(ÐHV 151).

* Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa "bỏ mình vác thánh giá" thì chưa "theo Thầy" được. Ðó là điều kiện tiên quyết (ÐHV 157).

* Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm của người và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình (ÐHV 169).

- Xin cám ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của ngôi thánh đường tôi muốn xây lên đây trong một thời gian nữa.

Ðó là lời của một linh mục thừa sai thốt lên vào năm 1896 trên mảnh đất lương dân nghịch đạo ở Cayenne, vùng Saint-Ouen. Khi vừa thấy chiếc áo dòng thâm của vị thừa sai xuất hiện, một người dân đã lấy đá ném thẳng vào vị linh mục thừa sai. Ngài bình tĩnh cúi xuống nhặt viên đá dính đầy máu và thốt lên câu nói trên.

Thời gian trôi qua, vị linh mục vẫn bền chí hy sinh, tiếp xúc, cầu nguyện, gặp gỡ, rao giảng... cho đến một hôm, viên đá dính đầy máu đỏ xưa kia trở thành viên đá đầu tiên của ngôi nhà thờ xây trên xứ ấy để dâng kính Ðức Mẹ. Hội Thánh Chúa luôn luôn lớn lên từ những hy sinh của con cái mình.

6. Hy sinh để cám ơn Chúa

* Con nghĩ rằng con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ quá nhiều dịp: tươi cười với một người nói móc họng con: thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người bạn phản bội; không nói một lời hóc búa trả đũa. Mọi giây phút đều có dịp hy sinh (ÐHV 153).

* Vì yêu thương sẵn sàng hy sinh tất cả: "Ðể thế gian biết Ðức Chúa Cha yêu Thầy và Thầy yêu mến Ðức Chúa Cha, chúng ta hãy chỗi dậy và ra đi?" (ÐHV 159).

Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục mới đi dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Suốt chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là của ai khác hơn là Ðức cha Fulten Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa: "Cô đẹp lắm! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!"

Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Ðức Cha Fulten Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền:

- Câu nói của Ðức cha làm cho con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào?

- Cô biết trại phong cùi Di Linh ở Việt Nam chứ?

- Vâng, con đọc báo có nghe đến!

- Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.

Chỉ từng ấy! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp.

7. Ðôi mắt trao tặng kẻ mù

* Ai cũng kính trọng những người được in Năm Dấu Thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in Năm Dấu Thánh trên mình bằng hy sinh (ÐHV 152).

Cuối năm 1955, tại một bệnh viện, người ta nghe tiếng cha Don Gnochi thì thầm với bác sĩ: "Khi tôi mất rồi, xin bác sĩ móc hai mắt tôi để ghép vào cho hai đứa trẻ mù mà tôi đã nuôi nấng".

Sau mấy tuần làm việc, bác sĩ đã thành công: hai đứa trẻ bắt đầu thấy ánh sáng và càng ngày, các em càng được trông thấy rõ. Bác sĩ tìm hết cách hỏi hai em về mối dây liên hệ giữa hai em và linh mục Don Gnochi. Hai em cho biết là chẳng có họ hàng gì. Thì ra trong suốt cuộc đời làm linh mục, cha Don Gnochi chuyên kiếm tìm những trẻ tàn tật đem về nuôi dưỡng, săn sóc, huấn luyện... Quá cảm kích trước tấm gương hy sinh vĩ đại, vị bác sĩ đã quyết đinh hiến dâng cả cuộc đời mình phục vụ các người xấu số. Gương hy sinh lôi kéo nhiều kẻ hy sinh.

8. Giọt nước mắt tha thứ

* Người thực sự yêu thương, luôn luôn hy sinh mà không bao giờ kể công (ÐHV 155).

Ðứng trước hung tin: Jacques, cậu con trai yêu quí vừa từ trần, nữ bá tước Littry vô cùng đau khổ và cảm thấy tiêu tan hết nghị lực; tuy nhiên, bà vẫn cố gắng lao mình vào công việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập năm 1870, ở thung lũng Marne, xứ Eperny.

Ngày nọ, một thương binh người Ðức được cho đến bệnh viện. Dù y thuộc thành phần quân đội thù nghịch đã giết chết con trai bà bá tước, nhưng bà vẫn tiếp nhận một cách vui vẻ. Ðến khi lúc soạn đồ đạc, áo xống của người thương binh, bà bắt gặp chiếc ví và cái đồng hồ của cậu Jacques trong túi áo của tên lính Ðức ấy. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, nữ bá tước Littry chỉ biết thốt lên: "Ðúng đây là tên lính đã giết con trai mình!". Nhưng kìa, một mảnh giấy trong chiếc ví của Jacques rơi xuống. Bà Littry vội cúi xuống nhặt lên đọc, một hàng chữ đập mạnh vào mắt bà: "...Mẹ yêu quý! con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá bi lụy, nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con..."

Sau một hồi xúc động, bà Littry cúi xuống tiếp tục săn sóc tên lính Ðức cách tận tình. Trên mặt y, một giọt nước mắt của bà rơi xuống, nóng hổi, lóng lánh như hạt sương mai...!.

9. Cha già lựu đạn

* Chúa thường gởi hy sinh đến những người Chúa yêu, những hạng người được Chúa yêu ít lắm, vì không mấy ai chấp nhận hy sinh (ÐHV 163).

* Thánh thiện và tội lỗi, lắm lúc chỉ do thắng bại của một phút hy sinh (ÐHV 172).

Nữ tu Antoinette vẫn thường gọi thế khi nhắc tới ông lính già kỳ chướng, khó tính nhất trong bệnh viện. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ; có chuyện gì khó chịu ông ta la lối rùm beng.

Ngày kia đang mãi mê phục vụ, nữ tu Antoinette nghe tiếng cha già lựu đạn hét lên: "đem cho tôi quả trứng!" Antoinette vui vẻ đem đến.

- Trứng chưa chín đủ mà cũng đem cho tôi à! cha-già-lựu-đạn nhăn nhó bảo. Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.

- Trứng chín quá! luộc gì mà luộc vô hậu đến thế!

Antoinette chẳng biết làm sao, chị bèn đi lấy lò kê một bên gường và trao cho ông lính khó tính một quả trứng để ông luộc lấy cho vừa ý ông. Ông già thấy thế nổi máu nóng lên, đạp đổ lò bếp, quăng trứng xuống sàn nhà, miệng quát lớn: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao! Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?"

Nữ tu Antoinette chẳng nói nữa lời, chỉ thinh lặng cúi xuống thu nhặt, quét dọn... Lát sau, chị lại đem đến cho ông lính già một cái trứng khác: "Anh cố gắng dùng thử cái này, tôi luộc vừa chín thôi!" Bất giác ông lính già rùng mình cảm động, nói lý nhí trong miệng: "Tôi ăn quả trứng mà cũng là ăn lòng tốt của bà nữa".
 

Tác giả: PX Nguyễn Văn Thuận

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Facebook Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Kênh Youtube Gia đình Cựu Chủng sinh Huế
Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập285
  • Hôm nay60,030
  • Tháng hiện tại1,282,049
  • Tổng lượt truy cập74,093,019
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây