Chúng tôi đã đón tiếp một người hâm mộ “thánh” Thuận, Cha Stefaan Lecleir

Thứ hai - 22/04/2019 10:59
Ngài đến từ nước Bỉ, ngài là linh mục Stefaan Lecleir, dạy đại chủng viện Namur, một trí thức uyên bác. Ngài hâm mộ “thánh” Thuận, ngài chuẩn bị viết một cuốn sách về “Cha bề trên” của chúng tôi, ngài muốn đi đến những nơi giám mục “Vui mừng và Hy vọng” đã sống và tìm gặp những người từng có “ân tình ân oán” với Đấng Đáng Kính.
Chúng tôi đã đón tiếp một người hâm mộ “thánh” Thuận, Cha Stefaan Lecleir
Sáng Chúa nhật 27.01.2019, chúng tôi đón ngài tại phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc 8g30, chúng tôi đến ga quốc nội, nhìn thấy một người cao lớn cỡ 1,85m đang bấm điện thoại vì chúng tôi đến trễ 5 phút và chúng tôi nhận ra ngay ngài là người chúng tôi mong đợi. Theo phép xã giao, chúng tôi mời ngài đi dùng cafe sáng. Sau đó chúng tôi đưa cha về tu viện Phanxicô Đakao.

Đến 3g30 chiều, chúng tôi đưa ngài đến gặp linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, nguyên tổng đại diện giáo phận Sàigòn, tại nhà xứ nhà thờ chánh tòa. Hai bên nói chuyện với nhau như Tây với Pháp, chẳng cần dịch giả dịch trật gì hết. Cha Stefaan đặt câu hỏi và cha GB. Minh vui vẻ, nhiệt tình trả lời. Cha Minh thú nhận ngài là một trong những người đứng đầu nhóm chống Đức giám mục Thuận vào làm Tổng giám mục phó Sàigòn với quyền kế vị. Rồi thời gian trôi qua, cha nhận ra lập trường sai lầm, và chính thái độ khoan dung, độ lượng của Đức cha đã cảm hóa ngài, từ đối nghịch trở thành mến mộ. Cha là một chứng nhân trong vụ án phong thánh người tù 13 năm. Từ năm 2003 cho đến 2014, thời gian cha GB làm cha sở nhà thờ chánh tòa Sàigòn, năm nào cũng tổ chức lễ giỗ trọng thể cho Đức Hồng Y với Thánh lễ đồng tế và đông đảo giáo dân. Buổi gặp gỡ kéo dài gần 2 giờ.
 
-

Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đưa Cha Lecleir lên quận 12 gặp cha GB Võ Văn Ánh, đang hưu dưỡng tại nhà riêng. Cha Ánh sức khỏe yếu, nhưng còn tỉnh táo. Cha kể lại những ngày Đức cha FX. Thuận từ Nha Trang vào Sàigòn chính ngài đón về nhà xứ Xóm Chiếu. Đức cha không thể trú ngụ tại Tòa Tổng giám mục Sàigòn vì nhóm chống đối kéo đến đòi trục xuất ngài về lại Nha Trang. Gần hai tháng phải tránh nạn tai Xóm Chiếu. Cha GB liều mạng cưu mang chỉ vì mến mộ ngài giám mục “Vui mừng và Hy vọng”, dù trước đó chưa có ân nghĩa gì, dù cha chẳng có ô dù, thần thế, công cán gì với chính quyền cách mạng. Cho nên Đức cha rất nặng tình nghĩa với cha. Trong thời gian13 năm khổ nạn hồng phúc của Đức cha, ngài nhận được 9 lá thư chúc mừng vào dịp lễ thánh bổn mạng. Cuộc trò chuyện diễn ra bằng tiếng Anh với chị Phúc làm thông ngôn rất suôn sẻ.
 
-
 
-

Đến 10g30, sau hơn một giờ tại nhà cha GB, chúng tôi lên Củ Chi đến nhà anh chị Đỗ Thắng Cảnh HT60. Một bữa ăn đầy chất “củ chi” với bê vàng , cá đồng ...Tại đây, nhiều chuyện kể cho cha Lecleir, đặc biệt anh Cảnh kể lại chuyện giáo dục rất nhân bản do “Cha bề trên” dạy. Dáng đi oai phong của anh như bây giờ rất khác với thời mới vào nhà trường. Anh biểu diễn lại dáng xưa chân đi chữ bát, đít doi rất quê mùa xứ biển. Cha bề trên sửa cho anh bằng bài tập cơ bản là sắp hai hàng lon sữa bò đi sao cho khỏi đụng. Bầu khí thân mật với sự có mặt ngoài anh chị chủ nhà, khách quý cha Lecleir, anh chị Nguyễn Ngọc Quỳnh PX61, các anh Lê Cần PX61, Lê Thanh Liêm HT66.
 
-

Ngày 29-30 tháng 01, tức 24-25 tết, chúng tôi rất bận nên nhờ anh Hường, một anh bạn làm hướng dẫn viên du lịch, dẫn cha Stefaan đi thăm các nơi trong thành phố mà ngài quan tâm như nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Nhà Truyền Thống giáo phận, Tòa Tổng giám mục, ngôi nhà thờ cổ 200 năm thời Đức giám mục Bá Đa Lộc và một cộng đoàn dòng tu có các linh mục đã học tai chủng viện Namur.

Ngày 31.01, một điểm đến không thể thiếu trong cuộc hành trình của ngài, do ngài đề nghị, chúng tôi tháp tùng ngài đến nghĩa trang Lái Thiêu B. Ngài đến viếng thăm một người ngài rất sùng mộ, cụ GB. Ngô Đình Diệm. Chúng tôi cùng cầu nguyện trước mộ ba anh em cụ Ngô và thân mẫu. Ngài xin 15 phút ngồi yên lặng một mình trước mộ cụ GB. Chỉ có Chúa biết ngài nói gì. Dieu seul le sait.
 
-
 
-
 
-

Rời nghĩa trang chúng tôi dành cho ngài một bất ngờ thú vị, mời ngài dùng cơm trưa tại trụ sở COREV cũ, 123 Bà Huyện Thanh Quan, nơi làm việc của Đức giám mục chủ tịch Ủy Ban Phát Triển Việt Nam trước 1975, nay trở thành một nhà hàng Nhật. Đây là buổi gặp gỡ cuối cùng với ngài, chúng tôi trao tặng ngài những kỷ vật gồm bản sao chụp cuốn “Văn phạm tiếng Nga” do chính người tù soạn viết tay. Rất nhanh nhẹn ngài lấy máy ảnh chụp lại tờ bìa từ bản chính; hai bộ áo thụng nam nữ truyền thống; bằng lái xe tên Nguyễn Văn Thuận được cấp năm 1967. Theo lời ngài những kỷ vật nầy sẽ được trưng bày trong Phòng Triển Lãm về Đấng Đáng Kính tại Đức và ngài sẽ học tiếng Nga theo cuốn văn phạm nầy. Như đã lập trình, ngài mở cặp-táp lấy ra ảnh tượng, tràng hạt và sôcôla Bỉ nổi tiếng tặng chúng tôi và chân tình nói lời cám ơn về sự đón tiếp hết sức nồng hậu. “Vous très gentils”. Đưa ngài về tu viện Phanxicô Đakao, chúng tôi nói lời “au revoir” ngài, chúc ngài lên đường bình an và sớm hoàn thành tác phẩm.
 
-
 
-
 
-
 
-

Cha Lecleir từ Vương quốc Bỉ đến Hà Nội, ghé Thanh Hóa thăm học trò cũ, vào Huế, Nha Trang, rồi Sàigòn. Không phải đi du lịch tham quan thăm thú, nhưng đi để viết việc thật, phải gặp người thật. Như phải gặp những người biết về ông Nguyễn Hoàng Đức để nghe họ nói về ông nầy. Phải tiếp xúc với cha GB Minh, cha GB Ánh để nghe chính miệng người trong cuộc kể lại. Phải gặp để nghe những học trò của Cha bề trên nói về người thầy của mình. Không biết có điều gì mới không nhưng phương pháp làm việc rất thuyết phục. Một cách làm việc nghiêm túc, khách quan để viết về một con người đang trong tiến trình tuyên thánh.

Cha Lecleir đã nhiều lần tiếp xúc gặp gỡ ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận và cảm phục ngài. Từ đó, cha tìm hiểu thêm và biết nhiều về mẹ của ngài, bà Ngô Đình Thị Hiệp và cụ GB Ngô Đình Diệm. Ngài mộ mến cụ Ngô, ngài xem cụ là một người công chính của Nước Trời, một người yêu nước thương dân. Cha cũng biết câu “Bài vua không Khả, đào mã không Bài”. Đối với thân mẫu của ĐHY, ngài nói là một người mẹ công giáo tuyệt vời, và nếu tuyên thánh cho ĐHY thì cũng nên tuyên thánh cho cả mẫu thân nữa. Tâm hồn của bà rất thánh thiện, như ĐHY có lần nói, đứng trước những tướng lãnh đã ra tay sát anh em bà, bà hòa nhã vui vẻ, còn ngài trong lòng vẫn vương chút oán hận.
 
-

Gần 3 tháng trôi qua từ khi gặp ngài, nhưng còn in đậm nơi chúng tôi hình ảnh một con người cao lớn, thanh cảnh, khuôn mặt đôn hậu, dễ mến, phong thái bình dị, nói chuyện pha chút hài hước. Một con người gần gũi với chúng tôi dù mới quen ngài vì ngài cũng hâm mộ “Thánh Thuận” như chúng tôi.

(Xin cho phép chúng tôi được gọi “Thánh Thuận” một cách chủ quan, theo cảm hứng những người yêu mến Đấng Đáng kính, chứ không dám cầm đèn đi trước ôtô, trước khi Giáo hội tuyên thánh)

Tác giả: Gioan Lê Cần

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập172
  • Hôm nay22,920
  • Tháng hiện tại560,959
  • Tổng lượt truy cập56,662,596
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây