Cha Tôi 1. Chương 4. Huấn luyện chủng sinh

Thứ tư - 18/06/2014 03:23

-

-
Với các đại chủng sinh (thầy) của giáo phận, Ngài yêu thương và quan tâm một cách đặc biệt hơn. Các thầy được gởi tu học ở 2 chủng viện chính là Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt và Chủng Viện Xuân Bích ở Huế.
Cha Tôi.
Phần 1: Vui Mừng, Gian Truân và Hy Vọng
Chương 4


 
HUẤN LUYỆN CHỦNG SINH
 
Song song với việc đào tạo cán bộ giáo dân, Ngài bắt tay vào việc huấn luyện chủng sinh. Với kinh nghiệm làm giáo sư và giám đốc chủng viện trong nhiều năm (1959-1967), Ngài thấy rõ nhu cầu và phương cách huấn luyện để có được con số chủng sinh, không chỉ phát triển về lượng nhưng cả về phẩm chất. Năm 1967, Giáo phận Nha Trang chỉ có chủng viện Sao Biển, dành cho các chủng sinh từ lớp 8 (huitième) đến lớp 3 (troisième) của chương trình trung học Pháp, do cha Nguyễn Quang Sách làm Giám đốc. Các chú lớp 2 (seconde) và lớp 1 (première) được gởi ra Huế học nội trú tại trường Thiên Hựu (Providence) dưới sự hướng dẫn của cha Nguyễn Công Phú. Còn lớp cuối trung học Pháp được gởi lên Đà Lạt học tại trường College d’Adran do các sư huynh La San điều khiển. Lớp này được cha Trần Sơn Bích chăm sóc. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, cả 3 lớp cuối cùng của chương trình Pháp đều được đưa lên học tại trường Adran, Đà Lạt. Và như vậy chủng viện Nha Trang tại Đà Lạt được thành hình lấy tên là chủng viện Chúa Chiên Lành, do cha Hoàng Kim Đạt làm giám đốc cho tới tháng 3 năm 1975.
 
Nhận thấy có nhiều người lớn tuổi muốn theo đuổi ơn gọi linh mục để phục vụ Giáo hội, Ngài quyết định mở chủng viện Lâm Bích (Lambert de la Motte), thường gọi là chủng viện tu muộn, để cho những người này có cơ hội dấn thân. Đây là chủng viện duy nhất ở Việt Nam dành cho những ơn gọi lớn tuổi. Vì thế chủng viện này vượt ra khỏi ranh giới giáo phận. Các chủng sinh bất kỳ ở giáo phận nào cũng có thể đến xin tu học ở đây. Chủng viện Lâm Bích nằm trong khuôn viên của Tòa Giám mục, và cha Nguyễn Thế Thoại được cử làm giám đốc.
 
Trong số những ơn gọi tu muộn, có một trường hợp rất đặc biệt của một cựu quân nhân Mỹ tên là Prinelli. Prinelli có dịp tiếp xúc với các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn, phụ trách nuôi nấng các em cô nhi tại Tuy Hòa. Qua sự tận tụy yêu thương của các nữ tu dành cho các trẻ em mồ côi, anh Prinelli nhận ra được tiếng Chúa mời gọi anh hiến thân để chăm sóc các trẻ em cô nhi tại Việt Nam. Sau khi mãn thời hạn phục vụ, anh trở về Mỹ và liên lạc với Đức Cha Nha Trang để xin Ngài nhận anh vào Giáo phận. Anh làm cuộc hẹn với Ngài. Và trước khi trở lại Việt Nam, anh chuẩn bị một bộ đồ “Veston” thật nghiêm chỉnh vì anh nghĩ đây là một cuộc hẹn quan trọng cần phải ăn mặc đàng hoàng, như thói quen kiểu cách ở quê hương anh. Nhưng khi đến nơi, mọi suy nghĩ và chuẩn bị của anh đều bị đảo lộn. Ngay khi anh vừa đến và chưa kịp mặc bộ đồ veston vào, Đức Giám mục đã vào tận phòng dành riêng cho anh và thăm hỏi chân tình như là một người thân. Anh cảm động, lúng túng vì cử chỉ bình dân, thân tình của Đức Giám mục và càng sung sướng hơn khi được Ngài nhận làm con đỡ đầu. Anh cũng được Ngài đặt tên Việt là Lý Quảng Hòa. Sau một thời gian học tiếng Việt, anh được Ngài gởi qua Roma học và chịu chức linh mục tại đây.
 
Sau 5 năm phục vụ tại giáo phận Nha Trang, Ngài thấy đến lúc cần phải xin Tòa Thánh chia giáo phận để công việc mục vụ được tốt hơn. Ngài đề nghị giáo phận Nha Trang chỉ giữ lại phần đất tỉnh Khánh Hòa và Phan Rang, còn Phan Thiết và Bình Tuy sẽ trở thành một giáo phận mới lấy tên là giáo phận Phan Thiết. Và để chuẩn bị nhân sự cho giáo phận mới, Ngài thành lập Tiểu Chủng viện Tinh Hoa năm 1972. Đến khi giáo phận Phan Thiết thật sự hoạt động vào năm 1975 dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha Huỳnh Văn Nghi, cơ sở chủng viện và số chủng sinh đã có đầy đủ.
 
Với các đại chủng sinh (thầy) của giáo phận, Ngài yêu thương và quan tâm một cách đặc biệt hơn. Các thầy được gởi tu học ở 2 chủng viện chính là Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt và Chủng Viện Xuân Bích ở Huế. Giáo Hoàng Học Viện được thành lập năm 1965 qua Sắc Lệnh Ad Ortu Solis ngày 31.07.1965 và được ủy thác cho các linh mục Dòng Tên coi sóc. Tất cả các giáo phận ở Việt Nam thời đó đều được gởi mỗi năm 2 thầy đến tu học ở học viện này. Và chương trình huấn luyện kéo dài 8 năm. Năm 1971, dưới sự hướng dẫn ưu ái của Đức Cha, các thầy Nha Trang ở Giáo Hoàng Học Viện đã hoàn thành bộ giáo lý hàm thụ, giúp ích rất nhiều cho việc truyền giáo. Vì con số chủng sinh được gởi lên Đà Lạt có giới hạn, nên đa số các thầy Nha Trang được gởi học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Huế, một Đại Chủng viện chung cho tất cả 6 giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Miền Trung. Chương trình huấn luyện ở đây kéo dài 7 năm. Và số linh mục Nha Trang xuất thân từ Xuân Bích cũng rất cao. Tính đến năm 1975, có khoảng 60 linh mục xuất thân từ chủng viện này. Xuân Bích và Nha Trang còn có “duyên” với nhau. Do hoàn cảnh bất ổn ở Huế sau Cách Mạng 1.11.1963, các thầy ban Triết của Xuân Bích được đưa vào Tòa Giám mục Nha Trang huấn luyện niên khóa 1963-1964. Đức Cha Piquet đã ân cần đón tiếp các thầy, và những ai đã ở Nha Trang năm đó, không thể nào quên được câu pha trò bất hủ của Đức Cha: “Vous êtes tạm ici” (các thầy chỉ ở đây tạm thời thôi). Ngoài ra, Nha Trang cũng là giáo phận trước 1975 đã cung cấp cho Hội Xuân Bích nhiều linh mục nhất để góp phần lo việc huấn luyện chủng sinh. Đó là các cha Trịnh Thiên Thu, Trần Thanh Lộc, Trần Phúc Nhân và Mai Đức Vinh (nay là Đức Ông Vinh ở Paris).
 
Dù bận rộn nhiều công việc, mỗi năm Ngài đều tìm dịp đến thăm viếng các chủng sinh của mình đang tu học tại hai đại chủng viện này. Mỗi lần như vậy, Ngài dành thời giờ gặp gỡ riêng mỗi thầy, lắng nghe những ưu tư hay khó khăn của từng cá nhân, để thông cảm và tìm cách giúp đỡ thiết thực. Ở Chủng viện Xuân Bích Huế còn để lại giai thoại về Ngài như sau: nếu đang giữa năm học, trong chủng viện nghe mùi mực nướng (mùi này làm sao mà giấu được) thì biết chắc chắn Đức Cha Thuận đang thăm các thầy Nha Trang ở Huế.
 
Tính chung, sau gần 8 năm miệt mài cổ võ, khuyến khích và hoạt động không ngừng, Ngài đã thiết lập thêm ba chủng viện trong toàn giáo phận. Ngoài chủng viện Sao Biển đã có từ thời Đức Cha tiền nhiệm, Ngài xây dựng thêm chủng viện Chúa Chiên Lành ở Đà Lạt, chủng viện Lâm Bích ở Tòa Giám mục Nha Trang, và chủng viện Tinh Hoa ở Phan Thiết. Con số chủng sinh của giáo phận cũng tăng lên rất nhanh. Năm 1967, giáo phận có 47 đại chủng sinh. Đến năm 1975, con số đó tăng lên 147. Và tiểu chủng sinh từ 150 tăng lên 500. Nha Trang trở thành giáo phận có nhiều chủng viện và chủng sinh đông nhất tại Việt Nam thời đó.


Trích CHA TÔI 1
Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền

Tác giả: Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền HT63

Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên mục ủng hộ
CHUYÊN MỤC CHIA SẺ
Thương về Sài Gòn
Ủng hộ Nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận Huế
Ủng hộ Miền Trung bị bão lụt 2020
Bão lụt Miền Trung 10/2020
Tin vui giữa mùa đại dịch
Đại dịch Covid-19
Nhà thờ Hương Phú, Nam Đông
Nghĩa tình mùa Xuân Kỷ Hợi
Hỗ trợ mái ấm tình thương Lâm Bích
Ủng hộ Hội ngộ lần 3 Denver, Colorado
Lễ Tạ ơn ĐĐK Đức HY Thuận 2017
Ủng hộ Án phong Chân phước đợt 4 năm 2016
Danh sách ủng hộ Caritas TGP Huế
Ủng hộ Causa Card. Văn Thuận
  • Đang truy cập573
  • Hôm nay91,605
  • Tháng hiện tại965,257
  • Tổng lượt truy cập57,066,894
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây