(Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 mùa Chay, Tin mừng Gioan 12, 20-33)
Được sống đời đời là khát vọng mãnh liệt nhất của nhân loại và người ta tìm mọi cách để đạt nguyện vọng đó. Hôm nay, Chúa Giê-su bày tỏ cho chúng ta biết bí quyết để đạt tới sự sống đời đời, đó là cống hiến đời mình phục vụ tha nhân. Ngài dạy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Lời dạy của Chúa Giê-su có hai điểm chính:
“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất”
Khi nói điều nầy, Chúa Giê-su nhắm đến những người vị kỷ, chỉ tìm lợi ích cho mình mà không quan tâm chăm lo cho người khác.
Con người trong xã hội cũng như những cơ quan trong cùng một thân thể, vì thế, họ không được chỉ sống cho mình, chỉ chăm lo cho mình mà không phục vụ người chung quanh.
Nếu tim chỉ giữ máu lại cho riêng mình mà không bơm máu nuôi toàn thân thì tim sẽ ngừng đập.
Nếu phổi chỉ phục vụ bản thân, không đưa dưỡng khí nuôi toàn cơ thể, thì phổi cũng tiêu vong.
Nếu những cơ quan khác trong cơ thể con người chỉ biết khư khư giữ lấy cho mình những gì mình có mà không trao ban, chia sẻ… thì sẽ tự hại mình và toàn thân.
“Ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”
Chúa Giê-su dùng hình ảnh hạt lúa để minh họa cho chân lý nầy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Cuộc đời Chúa Giê-su cũng là một minh chứng hùng hồn cho chân lý Ngài dạy. Ngài đã gieo mình xuống cõi đời nầy như hạt lúa gieo vào lòng đất. Ngài chấp nhận hy sinh, chịu đủ thứ khổ nhục và cuối cùng chịu chết trên thập giá và mai táng trong mồ. Trước mắt người đời, Chúa Giê-su đánh mất tất cả và thất bại hoàn toàn!
Thế nhưng qua khổ nạn và sự chết, Ngài đã phục sinh, lên trời vinh hiển. Nhờ gieo mình xuống và tự hủy đi như một hạt lúa gieo vào bùn đất, Chúa Giê-su đã sống lại khải hoàn đem lại ơn cứu độ cho muôn người và cho họ được hưởng phúc trường sinh.
Quy luật sinh tồn là thế: chính khi cho đi, mới là lúc được nhận lại dồi dào; chính khi quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Ở Israen có hai biển hồ: một là biển hồ Galilê, hai là biển Chết.
Biển hồ Galilê tiếp nhận nước từ sông Jordano rồi xả xuống phía hạ lưu, luôn trao ban những gì vừa nhận được. Nhờ đó, nước hồ lúc nào cũng trong lành, trở nên môi trường tốt lành cho tôm cá sinh sôi nẩy nở, cung cấp nước uống cho cư dân quanh vùng, tưới xanh những cánh đồng và vườn cây ăn trái, đem lại phì nhiêu và sức sống cho đất cằn, đem lại sung túc cho bao triệu người qua các thời đại. Vì thế, nó đáng được gọi là biển sống.
Xuôi về phía nam chừng 200 km dọc theo sông Jordano, người ta gặp thấy một biển hồ khác rộng lớn hơn biển hồ Galilê gần năm lần nhưng bị gọi tên là biển Chết vì tuy cùng nhận nước từ sông Jordanô như biển hồ Galilê, nhưng nó giữ lại tất cả cho mình, không cho chảy đi đâu cả. Vì thế, nước của nó trở thành nước ao tù, mặn đến độ không sinh vật nào sống được. Chung quanh biển nầy, không nhà cửa, không cây cối, không sinh vật nào có thể lập cư …
Thế là lời dạy của Chúa Giê-su giờ đây đã được sáng tỏ và trở thành chân lý soi dẫn cho cuộc đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con hy sinh quên mình để phụng sự Chúa và mọi người, như hạt lúa bị chôn vùi trong lòng đất cho nhiều hạt khác được phát sinh, để trở thành “biển sống Galilê” và không bao giờ là “biển Chết”.