Vui buồn đời linh mục [47]. Còn Gọi Tên Anh
Lm Giuse Hồ Khanh HT72-73
2024-08-07T10:13:04-04:00
2024-08-07T10:13:04-04:00
http://www.cuucshuehn.net/Bai-viet/vui-buon-doi-linh-muc-47-con-goi-ten-anh-13319.html
http://www.cuucshuehn.net/uploads/news/2024_08/khanh-ho-47-1.jpg
Cựu Chủng Sinh Huế
http://www.cuucshuehn.net/uploads/logo-cuucshuehn_120_120.png
Thứ tư - 07/08/2024 10:09
Nhìn mấy tấm hình cũ, biết bao nhiêu kỷ niệm ở đâu chợt kéo về! Ôi, bao thương nhớ, bao ray rứt, bao nuối tiếc! Muốn gọi tên anh thêm một lần! Muốn nghe giọng nói và tiếng cười của anh thêm một lần nữa, nhưng mọi chuyện giờ đã quá xa vời! Hình còn đó mà người đã đi xa, “ngàn trùng xa cách người đã đi rồi,” biết nói làm sao đây?
Tôi còn nhớ lần đầu tiên trở về thăm Việt Nam, sau 12 năm xa cách. Rời Việt Nam trên chiếc tàu mong manh vào đêm 12 tháng Năm, năm 1980; mãi đến Hè năm 1992 tôi mới có dịp về thăm quê hương yêu dấu của mình. Thuở ấy tôi mới chịu chức linh mục được hai năm, và tổng thống Clinton mới tái lập bang giao với Việt Nam. Đứa em gái út của tôi ở Việt Nam đã có ngày đám cưới nên tôi quyết định trở về để cùng vui với gia đình trong dịp nầy. Nhớ lại, thuở ấy một phút điện thoại cho Việt Nam tốn khoảng 3 dollars Mỹ. Khi lần đầu tiên nghe giọng tôi qua điện thoại sau thời gian dài ngăn cách, mẹ tôi đã không cầm được nước mắt và đã khóc nức nở. Cứ thế mà mẹ tôi, không nói nhiều nhưng chỉ khóc ỉ ôi… Và tôi đã phải trả trên 100 dollars tiền điện thoại hôm đó, để nghe mẹ khóc trên nửa tiếng đồng hồ!
Lần đầu tiên về thăm Giáo phận nhà, tôi nhận được nhiều lời mời dâng lễ tại các dòng nữ tu trong địa phận. Chắc họ tò mò muốn xem ông cha Việt kiều như thế nào mà sao nuôi hoài không lớn!? Tuy nhiên cuộc gặp gỡ đã để lại nhiều cảm xúc nhất đối với tôi lại là bữa cơm trưa và buổi mạn đàm với các thầy Đại Chủng Viện Huế lúc ấy! Qua sự dàn xếp của thầy Phaolo Trần Khôi, anh họ của tôi, tôi đã có được một bữa cơm thân mật với cha Giám đốc Antôn Ngô Văn Vững, S.J. (Giám đốc 1977-1994) và các thầy đại chủng sinh lúc đó. Các thầy nầy vốn là đàn anh của tôi. Nếu như lịch sử Việt Nam không có gì thay đổi, mấy thầy nầy đã chịu chức linh mục lâu rồi! Thời gian đó, mặc dầu đã xong chương trình Thần học; nhưng vì chưa có ngày chịu chức, nên các thầy vẫn hằng năm tựu trường, kiên nhẫn chờ đợi. Ngày nào cũng vậy, mấy thầy cũng phải thức khuya dậy sớm, cày sâu cuốc bẩm, đợi ngày ơn gọi linh mục được kết trái sinh hoa!
Nhìn những khuôn mặt khắc khổ và nhẫn nhục của mấy thầy lúc đó, tôi thấy thương vô cùng. Đã thế, các anh còn phải chịu khó khép mình trong những khuôn phép lề luật mà đáng ra không nên áp dụng cho mấy anh nữa. Bởi thế, khi mấy thầy yêu cầu tôi chia sẻ về sự huấn luyện tại các đại chủng viện Mỹ, tôi thật tình nói theo suy nghĩ của mình: “Ở Mỹ, đi tu rất dễ nhưng cũng… rất khó! Dễ là vì không ai kiểm soát gì mình nhiều. Bề trên không theo dõi mình nhiều! Dễ là như vậy! Khó là mình phải học lối sống trưởng thành và tự chủ cho đời sống của mình. Họ cho mình tự do nhiều, nhưng bù lại họ đòi hỏi ở mình nhiều hơn!”
Không ngờ những lời chia sẻ chân tình của tôi lại rất hợp ý của mấy thầy. Hóa ra, mấy anh cũng là nạn nhân của một sự giáo dục lấy kỹ luật và sự vâng lời bề trên quan trọng hơn là vấn đề ý thức và sự trưởng thành của mỗi người. Nhìn lại, tôi thấy các thầy đại chủng sinh ngày ấy, trong đó có người anh họ của tôi, linh mục Phaolo Trần Khôi sau nầy, cũng là nhạc sĩ Trọng Nhân được nhiều người yêu mến, thật là vĩ đại trong một cuộc sống khiêm tốn và nhẫn nhục lâu dài. Họ chỉ mong muốn được trung thành trong đời sống ơn gọi, và chỉ ao ước trở thành linh mục, cho dẫu chỉ được dâng Thánh Lễ một lần trong đời mà thôi! Như thế họ cũng đã mãn nguyện rồi!
Vậy mà mới đó mà đã 32 năm trôi qua từ lần gặp gỡ mấy thầy đại chủng sinh hôm đó. Nhìn lại những tấm hình xưa, lòng tôi thật bùi ngùi, khi thấy đã biết bao đàn anh đã thành người thiên cổ!
Xin dành một vài giây phút im lặng để cầu nguyện cách đặc biệt cho cố linh mục Phaolo Trần Khôi, nhạc sĩ Trọng Nhân, người anh họ ngàn đời dấu yêu của tôi đã được Thiên Chúa gọi về cách đây đúng hai năm!
Ngày 24, tháng Sáu, năm 2024
Linh mục Giuse Hồ Khanh
Tác giả: Lm Giuse Hồ Khanh HT72-73
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế