Chừng 25 nghìn người Nga đã bỏ sang Gruzia. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Siluanov nói với một talkshow của truyền hình Nga tối Chủ Nhật rằng nước Nga "cần Trung Quốc giúp vì khoản còn lại của Nga là vàng, và nhân dân tệ".
Chính phủ Nga tuần qua cũng ra lệnh hạn chế xuất khẩu lúa mì và ngũ cốc để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Trang Moscow Times trích lời nhà kinh tế Ruben Enikolopov, hiệu trưởng trường New Economics School ở Moscow nói rằng phản ứng của nhiều lãnh đạo Nga, "vì họ trưởng thành trong thời Liên Xô, là giữ im lặng".
"Họ sẽ cố can thiệp vào giá cả, hoặc những thứ như vậy nhưng chỉ có tác dụng nhất thời. Về lâu dài, đây là thảm họa cho kinh tế nước ta."
Bài trên tờ báo Nga, bản tiếng Anh có tựa đề thật bi quan: "Kremlin im lặng, kinh tế sụp đổ quanh họ." (Kremlin 'Silent' as Economy Collapses Around It)
Cùng lúc có tin hàng vạn người Nga đã bỏ nước ra đi từ cuối tháng 2/2022, vì lo ngại cuộc sống khó khăn, kiểm duyệt thông tin và lo bị gọi vào lính.
Nga áp đặt các quy định mới về giao dịch ngoại tệ để dân không chuyển tiền đi.
Ảnh: KONSTANTIN ZAVRAZHIN
Một bài trên BBC News hôm Chủ Nhật 13/03 trích lời ông Konstantin Sonin, nhà kinh tế Nga từ Chicago nêu ra ước tính "khiêm tốn" rằng có ít nhất 200 nghìn dân Nga, đa số là người trẻ, có trình độ "đã bỏ nước ra đi" từ khi Putin xâm lăng Ukraine.
Theo ông Sonin viết trên Twitter, các số liệu từ nước nhận người Nga cho thấy con số 200 nghìn là "còn ít".
Sau khi các đường bay sang châu Âu bị cấm hồi đầu tháng 3, dân Nga đi xe hơi sang Phần Lan hoặc tìm cách tới các nước láng giềng như Armenia, Azerbaijan, Gruzia, và bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi bị bạn bè chất vấn về nguồn tin, ông Konstantin Sonin viết trên Twitter:
Chính phủ Armenia nêu con số 80 nghìn, thị trưởng Tbilisi nói có 20-25 nghìn ở đó. Hàng ngày có nhiều chuyến bay sang Istanbul hơn là tới Erevan, bay bằng máy bay to. Cộng thêm Tel Aviv, Almaty, Bishkek + con số nhỏ nhưng đều đặn tới Estonia, Latvia, và Phần Lan. Nên 200K là số tính thấp đấy...
Nga sẽ bị mất dân nhiều hơn nữa?
Nhiều người Nga bỏ đi một phần vì lo cho cuộc sống ngột ngạt, một phần vì phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine, tuy họ không công khai phản đối "vì sợ bị đàn áp tàn bạo".
Hàng nghìn người đã bị bắt vì biểu tình ở Nga chống cuộc chiến của ông Putin tại Ukraine.
Bài trên BBC của Rayhan Demytrie từ Tiblisi, Gruzia có tựa đề "Russia faces brain drain as thousands flee abroad" nói về vấn đề chảy máu chất xám của Nga.
Cùng lúc, trang Sunday Times ở Anh hôm 13/03 đánh giá rằng một trong những lý do ông Putin đánh Ukraine là để "ngăn sự suy giảm dân số, do sinh suất thấp, di cư khỏi Nga cao".
"Chiếm được Ukraine, và đưa cả trên 40 triệu dân Ukraine nhập vào Nga thì đột nhiên dân số Liên bang Nga tăng lên 30%," kế hoạch của Putin dự kiến như vậy.
Nỗi lo sợ "bị châu Á, nhất là Trung Quốc nuối trọn" về dân số luôn ám ảnh Putin, tờ báo viết.
Nếu đà sinh suất và di cư khỏi Nga cứ như hiện nay, đến 2050, Nga chỉ còn có chừng 113 triệu dân, với cơ cấu dân số còn tệ hơn cho người Nga da trắng vốn sinh đẻ ít, còn dân các nước cộng hòa châu Á và Hồi giáo trong Liên bang sinh đẻ nhanh, nhiều hơn.
Tuy thế, tờ báo Anh cho rằng cuộc chiến có thể khiến Putin còn "mất dân hơn".
Người Nga chính gốc nay bỏ đi hàng loạt, và số đàn ông trẻ chết trận tại Ukraine không giúp "cán cân dân số cải thiện" về lâu dài.
Kinh tế suy kém vì bị cấm vận sẽ còn khiến phụ nữ Nga e ngại khi phải sinh con, vì việc nuôi trẻ không còn dễ dàng.
Hậu quả nhãn tiền của cuộc chiến lại là đúng thứ Putin lo sợ: Nga sẽ phụ thuộc thêm vào Trung Quốc.
Có vẻ như thuyết chủng tộc kiểu mới của Putin khiến ông ta đang cưỡng bức dân các vùng bị chiếm ở Đông Ukraine "thành người Nga".
Hàng trăm người dân Ukraine biểu tình ở Kherson phản đối Nga ngày 13 tháng 3. Ảnh: SHON SHON
Nhưng nỗ lực biến Kherson và vùng phụ cận thành "Cộng hòa Nhân dân Kherson", lệ thuộc Nga đang bị người Ukraine, gồm cả một số bà con gốc Việt sống tại đó, xuống đường phản đối.
Một người Việt thế hệ hai Kherson giải thích lý do tham gia biểu tình:
"Là người Ukraine (gốc Việt) thì phải đi biểu tình chứ, vì có ai ở đây muốn theo Nga đâu. Những người biểu tình hô các câu chửi Putin, đuổi lính Nga đi, gọi lính Nga là phát-xít và Kherson là của Ukraine."
Viễn cảnh trở về sống với một nước Nga khốn khó về kinh tế, bị cắt đứt liên lạc qua mạng xã hội với thế giới bên ngoài, bị công an cảnh sát kìm kẹp, bị cấm tiêu tiền đô la quá một ngưỡng nhất định, bị buộc phải ca ngợi tổng thống Putin không phải là điều quyến rũ với nhiều người nói tiếng Nga ở Ukraine.
Ngoài sự hấp dẫn đặc biệt với một số người ở Việt Nam, cá nhân ông Putin trở thành hình ảnh xấu ở nhiều quốc gia Phương Tây.
Đặc biệt, người Đức rất vui mừng có ông Putin thay thế cho nhân vật tai tiếng trong lịch sử của họ là Hitler. Các panô vẽ Putin và gọi ông là Putler được dán công khai ở Đức.