Một số tờ báo cũng đăng bài kêu gọi người Việt cần có ứng xử đúng mực trong các chuyến đi nước ngoài nhằm giữ thể diện, hình ảnh quốc gia.
Điều này không phải là không có lý bởi lẽ trong một số trường hợp, cách hành xử của một số người Việt trên hành trình của họ ở nước ngoài không gây được ấn tượng tốt trong cộng đồng cư dân tại chỗ.
Trong số những điều không đẹp được biết đến nhiều nhất có lẽ là những biển cảnh báo bằng tiếng Việt được đặt tại một số nhà hàng, cửa hiệu, ở một vài nước như Nhật Bản, Singapore. Các biển này cảnh báo tật xấu, chẳng hạn như lấy quá nhiều thức ăn rồi dùng không hết tại các bữa tiệc buffet hay xả rác bừa bãi.
Điều nhiều người Việt tự trọng cảm thấy xấu hổ là các biển cảnh báo này chỉ bằng chữ Việt, chứ không bằng những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha. Rõ ràng, đối tượng nhắm đến của các biển cảnh báo đó là người Việt, hay nói rõ hơn là du khách Việt.
Thực ra, chuyện một bộ phận du khách Việt ứng xử không đẹp ở nước ngoài không hẳn là ngoại lệ. Chắc nhiều độc giả vẫn còn nhớ, chỉ cách đây mấy năm, nhiều nơi trên thế giới nổi lên các phản đối một số hành vi xấu của du khách Trung Quốc, như phá hoại di tích, xô xát với người thi hành công vụ…
Gần đây nhất, cư dân ở Wimbledon – một khu vực tây nam thành phố London, Anh Quốc – đã lên tiếng phản đối các hành vi không đúng mực của du khách đến dự khác các trận đấu thuộc giải quần vợt Wimbledon danh giá thế giới đang diễn ra. Cư dân Wimbledon tự phân phát tờ rơi cho du khách, trong đó viết những lời tạm dịch như sau: “Hỡi những người hâm mộ bộ môn quần vợt đang thăm viếng chúng tôi. Xin quý vị tôn trọng công viên và đất rừng của chúng tôi. Các hành động phản xã hội – như sử dụng chất kích thích, nhậu nhẹt, tình dục tập thể – là không thể chấp nhận được. Cảnh sát thường xuyên tuần tra và sẽ xử lý người vi phạm. Cám ơn vì đã quan tâm. Hãy tận hưởng các trận đấu quần vợt nhé!”(1)
Sở dĩ kể ra trường hợp này để nêu bật một ý là không chỉ có một số du khách người Việt hay Trung Quốc xấu xí trong mắt người sở tại, mà bất kỳ người quốc gia nào có hành vi không đẹp đều đáng chê trách.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là nhiều người nước ngoài có nhận xét rất tiêu cực về một thói xấu của nhiều người Việt mà bất kỳ người Việt nào cũng có thể chứng kiến. Đó là thói xấu nói lớn tiếng, gây ồn ào – không chỉ ở bất kỳ nơi nào trong nước mà cả những địa điểm ở nước ngoài. Thói quen nói lớn tiếng này đến nỗi nhiều người đã nhận xét (có phần quá đáng nhưng cũng có phần đúng trong một chừng mực nào đó) là khi đến các phi trường nghe chỗ nào có tiếng ồn ào thì nếu không phải là người Trung Quốc thì cũng là người Việt Nam(?!).
Trong số các ý kiến góp ý về chuyện giữ hình ảnh người Việt trong các chuyến đi nước ngoài có một ý cho rằng mỗi người Việt nên là một đại sứ văn hóa cho nước mình(2). Điều này rất đúng. Nhưng trở thành đại sứ văn hóa ở nước ngoài có lẽ là nhiệm vụ của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp hay một số người nổi tiếng được chọn. Còn đối với đại đa số người Việt ra nước ngoài với mục đích du lịch, thì mục tiêu lớn nhất vẫn là tận hưởng các điều thi vi của chuyến đi. Nếu không giữ được lễ nghi như các đại sứ văn hóa, người Việt vẫn phải giữ được một số cách ứng xử lịch sự tối thiểu ở đâu cũng cần – như không nói lớn tiếng nơi công cộng; không để trẻ em chạy giỡn, khóc la tùy ý; biết xếp hàng, không chen lấn; không xả rác bừa bãi; không hút thuốc nơi không được phép…
Có lẽ làm tốt các điều này là chúng ta đã có thể giữ được, hay chí ít cũng không làm xấu đi, hình ảnh người Việt trong mắt người sở tại.
Thực ra, vài quy tắc ứng xử vừa nêu bên trên cũng đâu phải điều gì quá mới lạ hay thực hiện khó khăn. Đây là những điều mọi người cần làm, không chỉ trên những chuyến đi nước ngoài, mà còn ở mọi lúc, mọi nơi trong nước, trong một xã hội văn minh.
Cũng cần nhớ rằng mọi người Việt chỉ có thể ứng xử đẹp trên các chuyến đi nước ngoài khi họ ứng xử đẹp trong cộng đồng của mình, trong đất nước của mình – nghĩa là phải đẹp ngay từ gốc, chứ không phải chỉ “gồng mình làm đẹp” trên các chuyến đi nước ngoài, rồi xong xuôi trở về nước thì đâu lại vào đó – xấu như cũ.
------------------------------